TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cải Thiện Mối Quan Hệ
Thông Trí
--o0o--

 

Trong cuộc sống hằng ngày, trong cách hành xử, giao tiếp với nhau, nếu gạt bỏ ra ngoài tính chất tôn giáo, thường người ta chỉ chú trọng đến sự niềm nở và tình cảm giữa con người với con người. Do vậy, muốn cho việc hành xử, hay nói khác là muốn cho sự quan hệ, giữa chúng ta và người khác càng lúc càng cải thiện tốt đẹp, trước hết chúng ta nên tìm cách thực tập các nguyên tắc cơ bản, mà qua đó chúng ta có thể xử dụng trong việc tác động qua lại với người khác. Những nguyên tắc có khả năng để áp dụng vào việc cải thiện bất cứ mối quan hệ nào, dù là với người lạ, gia đình, bè bạn, hay người yêu. Một khi chúng ta đã có phương pháp hữu hiệu nhất hay kỹ thuật liên hệ với người khác bằng một phương pháp đầy ý nghĩa, thì chúng ta sẽ tránh được hoặc là giảm bớt sự mâu thuẫn giữa chúng ta với người khác.
Quả thật, khi đã có phương pháp, chúng ta sẽ tránh được hoặc giảm bớt một số mâu thuẩn với người khác. Đây là sự suy tư của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết là việc giao tiếp với người khác là một vấn đề rất phức tạp. Không có cách gì để chúng ta có thể tìm thấy một công thức có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Cũng giống như nấu ăn. Nếu chúng ta muốn nấu một bữa cơm ngon, một bữa cơm đặc biệt, thì tất nhiên phải có nhiều giai đoạn trong việc nấu nướng. Trước hết chúng ta phải soạn rau riêng, rồi chúng ta phải chiên những món khác, rồi chúng ta phải nhào trộn nêm gia vị một cách đặc biệt ... và cuối cùng kết quả sẽ là món ăn ngon.
Giống như vậy, để khéo léo trong việc giao tế với người khác, để chúng ta có thể tạo một sự quan hệ tốt đẹp với người khác, chúng ta cần phải lưu ý đến nhiều yếu tố, và chúng ta không thể chỉ nói là nhờ một phương pháp hay là một kỹ thuật đó.
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta cần rất nhiều yếu tố, để chúng ta có thể tạo nên một sự quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và người khác, nhưng yếu tố ban đầu để làm chất xúc tác của người phật tử vẫn là tâm từ bi. Điều đó rất quan trọng, tuy nhiên chúng ta có nhiều tình thương hơn nữa cũng chưa đủ. Do vậy cách dạy, hướng dẫn hữu hiệu một người thân của chúng ta làm sao niềm nở hơn, và từ bi hơn phải bắt đầu bằng cách dùng lý lẽ để hướng dẫn cá nhân ấy về giá trị và lợi lạc thực tiễn của từ bi, và cũng để cho người thân của chúng ta suy gẫm, xem họ cảm thấy ra sao khi một người nào đó tử tế với họ. Trong một ý nghĩa nào đó, điều này sẽ là sự chuẩn bị cho người thân của chúng ta, và sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi họ tiến hành bằng nỗ lực để họ từ bi hơn.Õ
Bên cạnh những cách phát triển lòng từ bi, lẽ tất nhiên chúng ta còn phải lưu ý đến yếu tố hiểu để thương là một yếu tố quan trọng. Hiểu và thương đó chính là khả năng cảm nhận được nỗi đau khổ của người khác. Để phát triển sự kiện nầy, chúng ta nên lưu ý đến truyền thống nền đạo học của Phật Giáo, là một trong những kỹ thuật của giáo lý giải thoát để tăng thêm lòng từ bi, có hai cách chúng ta có thể áp dụng:
1- Tưởng tượng đến tình trạng của một chúng sanh đang đau khổ. Chẳng hạn, giống như một con cừu sắp sửa bị người đồ tể giết. Và chúng ta cố gắng tưởng tượng nỗi đau khổ mà con cừu phải chịu đựng .. v .. v..
Sự thật, sự suy tư nầy đôi khi chúng ta tiếp xúc với những người rất hờ hững và lãnh đạm, thì loại kỹ thuật này không mấy hiệu quả. Chẳng hạn như chúng ta bảo người đồ tể làm việc tưởng tượng đó, trong khi đó người đồ tể quá chai sạn, quá quen với công việc của họ, cho nên họ không có một tác động nào. Vì vậy sẽ rất khó khăn trong khi giảng nghĩa và dùng kỹ thuật nầy với một số người Tây Phương, vốn họ đã quen thói đi săn, hay đi câu cho vui, như một hình thức của tiêu khiển.
2- Nếu trong trường hợp cách suy tư nầy không có hiệu quả thì chúng ta sử dụng cách thứ hai, có thể thức tỉnh những cảm tính từ bi của họ bằng cách bảo người ấy mường tượng đến con chó săn yêu quý của anh ta bị sa vào bẫy và kêu la đau đớn...
Quả thật tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta có thể thay đổi kỹ thuật. Chẳng hạn, người không có cảm tính mạnh mẽ về sự hiểu và thương đối với loài vật, nhưng ít nhất cũng có phần nào đồng cảm với người thân trong gia đình hay bạn bè. Trong trường hợp này người ấy có thể mường tượng đến tình trạng người thân yêu đang đau khổ, hay đang trong tình trạng bi thảm, và tưởng tượng đến các anh ấy hay chị ấy sẽ đối phó điều đó, phản ứng trước điều đó. Cho nên chúng ta có thể cố gắng làm tăng thêm lòng từ bi của họ, bằng cách cố gắng đồng cảm với cảm nghĩ về những đau khổ của nguời thân của họ.Õ
Chúng ta có thể nghĩ rằng hiểu và thương, không những quan trọng mà còn là một phương tiện để nâng cao lòng từ bi, mà chúng ta biết rằng khi phải tiếp xúc với người khác ở bất cứ mức độ nào, nếu gặp phải một số khó khăn, điều hết sức có lợi ích là chúng ta tự đặt mình vào địa vị người khác, và xem chúng ta sẽ phản ứng ra sao trong tình trạng ấy. Cho dù chúng ta không có kinh nghiệm thông thường về người khác, hay có một lối sống khác biệt hẳn, chúng ta vẫn có thể làm được nhờ tưởng tượng. Chúng ta có thể cần đến một chút sáng tạo. Kỹ thuật này liên quan đến khả năng tạm thời không áp đặt quan điểm riêng tư của mình, và tốt hơn là nhìn từ cách nhìn của người khác để tưởng tượng rằng tình trạng này sẽ ra sao nếu chúng ta ở trong tình cảnh của người đó, và phải đối phó ra sao. Điều này giúp cho chúng ta phát triển sự tỉnh thức và tôn trọng cảm nghĩ của người khác, đó là một yếu tố quan trọng nhằm giảm bớt sự mâu thuẫn và khó khăn giữa chúng ta với người khác.Õ
Một trong những phương pháp mà chúng ta có thể sử dụng nhằm mục đích thiết lập sự đồng cảm với người khác đó là:
- Bất cứ lúc nào, gặp ai, bao giờ chúng ta cũng tiếp cận với họ bằng lập trường của các sự việc căn bản nhất mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng đều có.
Nghĩa là mỗi người chúng ta, ai cũng đều có những cấu tạo vật chất, tâm trí và cảm xúc. Tất cả chúng ta sanh ra đời nầy, ai cũng như nhau, và cũng đều phải chết. Tất cả chúng ta ai cũng đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Nhìn vào những người khác từ quan điểm nầy, mà không nên đặc nặng vào những sự khác biệt có tính cách phụ thuộc, chẳng hạn như:
 - Thực tế chúng ta là người Việt Nam hay khác mầu da, tôn giáo, hay bối cảnh văn hóa nào đó, chúng ta có cảm nghĩ đang gặp một người nào đó cũng giống như chúng ta.
Chúng ta thấy rằng sự liên hệ với người khác trên bình diện như vậy, sẽ tạo điều kiện cho chúng ta trong lúc làm việc, trao đổi và giao tiếp với nhau dễ hơn nhiều. Do vậy mà vấn đề cũng như vai trò hiểu và thương, để cải thiện khả năng quan hệ với người khác có cơ hội thành tựu nhiều hơn.ÕĐể trợ duyên cho sự thành tựu nầy, chúng ta có thể áp dụng một hay hai kỹ thuật đơn giản, nhưng lại có thể giải quyết tất cả các vấn đề, và có thể giúp chúng ta tiếp xúc với người khác một cách khéo léo hơn:
a- Trước tiên, hiểu và đánh giá đúng những thông tin cơ bản mà chúng ta tiếp xúc là rất hữu ích.
b- Chúng ta phải cởi mở và thành thật hơn nữa, đó là những đức tính rất có ích khi tiếp xúc với người khác.
Để ứng dụng vào trong việc làm, và tạo một sự quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và người khác, chúng tôi xin kể đại chúng nghe một mẫu chuyện:
- Lần đầu tiên tôi đến New York, người bạn Mỹ của tôi tổ chức một buổi tiệc. Một vài người khách được mời dự gồm có một cặp vợ chồng nổi tiếng đến từ Đức, người vợ là kiến trúc sư và người chồng, là nhà văn, tác giả của nhiều tác phẩm.ÕThích sách, nên tôi đã tới gần tác giả và bắt chuyện. Khi hỏi ông ta về việc viết văn, nhà văn người Đức kia trả lời cộc lốc và cho có lệ. Nghĩ rằng ông không thân thiện mà còn có tính trưởng giả học làm sang, cho nên tôi không thích ông nhà văn đó. Lý do là ít ra tôi cũng đã cố gắng liên hệ với nhà văn nầy. Do vậy mà tôi quay sang trò chuyện với một vài người khách dễ thương hơn.Õ
Ngày hôm sau, tôi tình cờ gặp một người bạn khác của tôi tại một quán cà phê, và trong lúc uống cà phê. Người bạn nầy biết rất nhiều về vợ chồng nhà văn người Đức. Tôi kể lại những sự kiện tối hôm đó trong bửa tiệc.ÕLúc đó người bạn của tôi mới cho hay là nhà văn nầy không phải là mẫu người quá tự cao tự đại mà đúng hơn là ông ta hơi nhút nhát, và hơi dè dặt lúc đầu. Ông ta thực sự là một người tuyệt vời nếu chúng ta biết ông ta nhiều.
Anh bạn của tôi tiếp tục thanh minh:
- Cho dù ông ta là một nhà văn thành công, nhưng vì ông đã trải qua nhiều khó khăn trong đời ông. Nhà văn nầy thực sự bị đau khổ rất nhiều. Gia đình giòng họ của ông bị đau khổ khủng khiếp dưới bàn tay của Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông có hai người con mà ông hết sức tận tâm với chúng, lúc sinh ra bị chứng rối loạn di truyền, làm cho chúng tật nguyền rất sớm về thể xác và tinh thần. Và thay vì trở nên cay đắng hay sống một cuộc đời đọa đầy, trước những khó khăn như thế, ông ta đã chìa tay giúp đỡ mọi người, bỏ nhiều năm tận tụy làm việc với những người tàn tật với tư cách của một người tình nguyện. Nhà văn nầy quả là một người đặc biệt nếu chúng ta biết đến ông ta.
Khi tôi gặp lại nhà văn người Đức cùng vợ ông ta tại một thị trấn nhỏ cách New York không xa, lúc cùng đi trên chuyến bay để trở lại New York, nhưng chuyến bay này bị hủy bỏ. Phải mất năm, sáu tiếng đồng hồ nữa mới có chuyến bay khác, cho nên cả ba mới quyết định cùng nhau thuê một chiếc xe và đi về lại New York, một cuộc hành trình ba tiếng đồng hồ.
Trong cuộc hành trình dài đi New York, tôi ghi nhận là cảm thấy cởi mở hơn khi nói chuyện với nhà văn người Đức. Kết quả là tôi đã nỗ lực đàm thoại với nhà văn người Đức. Lúc đầu thái độ của ông vẫn như vậy. Nhưng chỉ một chút ông cởi mở và bền chí, tôi đã sớm khám phá ra đúng như lời bạn của tôi đã nói, sự lạnh lùng của ông là do tính nhút nhát hơn là tính trưởng giả học làm sang. Do vậy mà cả nhóm nói chuyện huyên thiên khi xe chạy trên con đường về lại New York. Càng trò chuyện, ông càng chứng tỏ ông là một người ân cần, chân thật và là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Cho nên khi về đến New York, có những giây phút riêng tư, càng suy ngẫm tôi càng thấy giá trị lời khuyên của chư Tôn Đức đã dạy là:
- Việc tìm hiểu những thông tin cơ bản của một con người đến với một con người không phải là sơ đẳng, và nông cạn như lúc đầu ta tưởng. Tuy có lẽ nó tầm thường nhưng không đơn giản. Đôi khi nó là yếu tố căn bản nhất và thẳng thắn nhất, loại mà ta hay gạt đi vì cho là ấu trĩ, nó có thể là phương tiện hữu hiệu nhất để thúc đẩy cho chúng ta giao tiếp tốt đẹp.Õ
Mấy hôm sau tôi vẫn còn ở lại New York, trên chặng đường khi trở về nhà, tôi đi bộ trên đường phố ở New York, một người ngoại quốc, một Mục tiêu, bị xúm lại bởi hàng nửa tá gái ăn sương ở mỗi đoạn đường, làm cho tôi cảm thấy như thể là người xăm chữ Ngố trên trán.
Sáng hôm ấy, tôi đã rơi vào mưu đồ bất lương của hai kẻ bịp trên đường phố. Một đứa lấy sơn đỏ quẹt vào giầy tôi trong khi tôi không để ý. Đi xuống cuối đường, kẻ đồng lõa, một em bé đánh giầy giả bộ ngây thơ, chỉ cho tôi biết giầy tôi dính sơn và đề nghị tôi cho nó đánh giầy với giá thường lệ. Nó khéo léo đánh giầy tôi xong trong vòng ít phút. Sau khi xong, nó thản nhiên đòi tôi một số tiền lớn, tôi không chịu, nó khẳng định giá nó đòi là giá mà nó đã đề nghị trước. Tôi phản đối, và thằng nhỏ bắt đầu kêu rống lên, làm một đám đông bấu đến chung quanh tôi, nó khóc lóc và nói tôi từ chối không trả tiền công cho nó. Vào cuối ngày đó, tôi được biết đó là một sự lừa bịp thông thường hay xẩy ra với những du khách vô tình, sau khi đòi số tiền lớn, thằng bé đánh giầy cố ý làm om xòm để người đi đường xúm đông lại, với ý đồ tống tiền du khách bị bối rối và muốn tránh cảnh tượng này.Õ
Chiều hôm ấy, tôi dùng bữa cùng với một người bạn đồng hương tại khách sạn. Tôi đã quên hẳn những chuyện xẩy ra lúc sáng nay khi cô ta hỏi tôi về việc thực tập giáo pháp của đức Phật.
Chúng tôi mải mê bàn luận những khái niệm của chư Tôn Đức về cách làm sao để chúng ta hiểu và thương, và tầm quan trọng của việc đặt mình vào cách nhìn của người khác. Sau khi dùng bữa, chúng tôi gọi một xe taxi đi thăm một số bạn bè vừa mới quen. Khi xe bắt đầu đi, những ý nghĩ của tôi lại quay về vụ đánh giầy bịp bợm sáng nay, và khi những hình ảnh tăm tối hiện trong tâm tôi, đột nhiên tôi nhìn vào đồng hồ tính tiền của xe. Tôi la lên:
- Ngưng lại Taxi! Ngưng lại.
Bạn tôi giật nảy mình vì sự bộc phát thình lình. Người tài xế giận dữ nhìn tôi qua kính chiếu hậu. nhưng vẫn cho xe chạy.
Tôi yêu cầu:
- Đậu lại đi.
Giọng nói của tôi run lên để lộ vẻ kích động. Bạn tôi hình như sửng sốt. Khi xe đã ngừng hẳn, tôi chỉ vào đồng hồ tính tiền, giận dữ chém tay vào không khí và nói:
- Ông không chỉnh lại đồng hồ. Hơn 20 đồng trên đồng hồ khi bắt đầu đi, ông biết không?
Người tài xế nói bằng một giọng buồn nản lạnh lùng:
- Xin lỗi Ngài, tôi quên không vặn lại ... Tôi sẽ bắt đầu lại,
Cách nói của người tài xếÕcàng làm tôi tức điên lên. Tôi thét lên:
- Ông không vặn lại gì cả. Tôi chán ngấy các người đang cố gắng làm tăng tiền xe, chạy vòng vòng, hay làm bất cứ cái gì có thể làm được để đánh lừa người ta... Tôi thật chán ngấy.
Tôi lắp bắp và nổi dóa với một xúc cảm giân dữ thật sự. Trông bạn tôi có vẻ bối rối. Người tài xế chằm chằm nhìn tôi với cùng cái vẻ thách thức. Anh ta nhìn tôi để thấy cơn giận của tôi được biểu lộ cả sự mệt nhọc và buồn bực.
Tôi ném vài dollars vào ghế trước và không bình luận gì thêm nữa, mở cửa xe cho bạn tôi xuống xe ra ngoài. Chỉ vài phút sau, chúng tôi lại gọi một taxi khác và chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình.
Nhưng tôi không thể bỏ qua. Khi chúng tôi đi qua các dẫy phố tại New York, tôi tiếp tục phàn nàn là làm sao mà mọi người tại New York nầy ai cũng lừa đảo du khách, chúng tôi chẳng là gì cả mà chỉ là con mồi cho những người chuyên sống nghề lừa bịp.
Người bạn của tôi lặng lẽ nghe khi tôi huênh hoang và nói say sưa. Cuối cùng cô ta nói:
- Anh bạn à! Hai mươi dollars có là bao nhiêu đâu, tại sao phải nổi giận như vậy?
Tôi giận sôi lên với sự đạo đức giả:
- Nhưng đó là nguyên tắc sòng phẳng.
Và tôi tuyên bố:
- Tôi không hiểu sao mà cô lại có thể bình tĩnh trước toàn bộ sự việc này, trong khi lúc nào nó cũng có thể xẩy ra được. Cô không thấy khó chịu sao?
Cô bạn tôi nói chậm rãi:
- Khó chịu một phút thôi, nhưng tôi bắt đầu nghĩ tới những gì chúng ta nói chuyện trong bữa ăn trưa, về giáo lý giải thoát đã nói đến tầm quan trọng khi nhìn nhận vấn đề bằng cách nhìn của người khác.
Cô ta nói tiếp:
- Khi bạn nóng giận thì tôi cố gắng nghĩ về những gì tôi có thể cũng giống như người tài xế taxi. Cả hai chúng tôi đều muốn ăn ngon, ngủ ngon, cảm thấy dễ chịu, được yêu mến vân vân... Rồi tôi cố gắng tôi tưởng tượng chính mình là người tài xế taxi, tôi ngồi suốt ngày trong chiếc xe ngột ngạt không máy lạnh, có thể tôi cáu kỉnh và ganh ghét với người ngoại quốc giàu có... và cách tốt nhất mà tôi có thể nghĩ tới là cố gắng làm cho sự việc công bình, để được hạnh phúc là tìm cách lừa gạt để lấy tiền. Nhưng vấn đề là, dù cho nó thành công, bóp nặn được vài dollars của du khách vô tình, tôi không thể tưởng tượng nổi người ta lại thỏa mãn với cách đó để được hạnh phúc hơn, hay một cuộc sống vừa ý hơn .. Dù sao, tôi càng nghĩ mình là người tài xế taxi, tôi càng bớt giận anh ta. Cuộc sống anh ta có vẻ buồn buồn, nên thương anh ta nhiều hơn .. có nghĩa là tôi vẫn không đồng ý về điều anh ta đã làm, và chúng ta có quyền ra khỏi xe, nhưng đúng là tôi không thể nổi giận đến mức ghét anh ta về chuyện đó giống anh vậy...Õ
Qua sự kiện nầy, nhiều khi chúng ta thấy, đôi khi chúng ta nghe nhiều, nhưng sở dĩ khi va chạm vào việc thì chúng ta mới thấy được con người thật của mình, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa hấp thụ được bao nhiêu từ lời dạy của đức Phật. Lúc này, tôi bắt đầu hiểu giá trị thực tiễn trong lời khuyên của Ngài, như hiểu biết tiểu sử người khác, và đương nhiên, tôi đã tìm được sự mẫu mực về cách thực hiện những nguyên tắc này trong cuộc đời của Ngài đang truyền cảm hứng. Tuy nhiên trong thực tế, không biết làm sao mà chúng ta vẫn chưa áp dụng đầy đủ tư tưởng của Ngài vào đời sống của chúng ta. Nhiều người còn có ý định mơ hồ là sẽ cố gắng thực hiện những khái niệm của Ngài trong đời ở một lúc nào đó trong tương lai, có lẽ khi chúng ta có nhiều thì giờ hơn.
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chúng ta đừng nên hẹn mà hãy tích cực lên. Để có thể đổi giận làm vui, hay có thể đem lại sự quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và người khác, chúng ta hãy học thuộc câu thần chú. Một khi chúng ta học thuộc câu thần chú, và hành trì câu thần chú nầy có thể sẽ có khả năng làm ngưng những cuộc cãi lộn, làm tan bất bình, gây thiện cảm và xúi giục người khác chăm chú lắng nghe chúng ta ngay. Câu thần chú đó là:
- Tôi không trách ông, bà, anh, chị ...! Nếu tôi ở vào địa vị ông, bà, anh, chị ... tôi cũng hành động như ông, bà, anh, chị ....
Một câu trả lời như vậy thì đến cọp dữ, rắn độc cũng phải dịu đi. Chúng ta đừng ngại rằng như vậy mà không thành thật, vì nếu ở vào địa vị người khác tự nhiên chúng ta cũng hành động như họ.
Chúng ta không phải là một con rắn, con hổ, con beo ...., thì chúng ta phải biết cái lẽ độc nhất là bởi cha mẹ của chúng ta là người chứ không phải là rắn, con hổ, con beo .... Từ đó chúng ta suy luận rộng ra, nếu tín ngưỡng chúng ta không cho chúng ta thờ con bò hay con rắn thì chỉ do vì chúng ta không sanh trưởng trong gia đình ở Ấn Độ.
Vậy chúng ta được như bây giờ, thì chẳng có gì để chúng ta đáng tự phụ. Trong chiều hướng nầy chúng ta phải luôn luôn tâm niệm:
- Người khác có ra sao thì đó là hành nghiệp của họ, chúng ta đừng chê người ta. Đừng chế giễu sự lầm lẫn, sự ngu muội, sự giận dữ của họ. Trái lại nên thương họ. Nên có thiện cảm với họ, giúp họ nếu có thể được.
Chúng ta nên nói như một người có sự hiểu biết và thương khi thấy một người say rượu lảo đảo ngoài đường:
- Nếu trời không thương, thì chúng ta cũng đã như người nầy.
Theo sự nghiên cứu của các nhà tâm lý cho chúng ta biết:
- Ba phần tư con người mà chúng ta gặp đều thèm muốn cảm tình, khao khát được thiên hạ hiểu mình. Chúng ta làm cho họ vừa lòng thì họ sùng bái chúng ta.
Quả thật như vậy, theo kinh nghiệm ông Dale Carnrgie cho chúng ta biết, lúc ông đứng trước máy truyền thanh nói về cô Louisa May Alcott, là tác giả cuốn:
- Các Tiểu Thư.
Lẽ tất nhiên ông Dale Carnegie đã biết cô Louisa May Alcott đã sống và viết những tác phẩm của cô ở Concord tại miền Messachusetts. Nhưng ông ta đã nói lộn là ông đã viếng nhà cô Louisa ở Concord tại miền New Hampshire! Ông ta chỉ nhắc có hai lần thôi, vậy mà sau đó  lập tức những bức thư và điện thoại tấp tới tràn vào phòng ông để chưởi. Lời lẽ hoặc khinh bỉ, hoặc nghiêm khắc. Trong số các bức thư có một bà quê quán ở Concord, miền Mesachusetts, không tiếc lời chua ngoa, mạt sát ông ta y như ông Dale Carnegie đã buộc tội cô Alcott là một tử tội. Đọc thư bà ta nầy ông Dale tự nhủ:
- Cảm ơn trời Phật đã thương, không bắt tôi làm chồng con mụ nầy.
Ông Dale định vội vàng muốn trả lời cho bà ta rằng:
- Nếu tôi đã có một lỗi về địa lý thì bà có một lỗi nặng hơn nhiều, là lỗi không được nhã nhặn chút nào hết.
Lúc đầu ông Dale Carnegie muốn bắt đầu bức thư bằng câu đó. Rồi sẽ cho bà ta một bài học đích đáng. Nhưng mà ông Dale Carnegie không làm như vậy vì đã dằn được lòng ông ta xuống. Bởi lẽ đơn giản, vì bất kỳ kẻ điên nào cũng kháng cự lại như vậy được, và thật ra câu trả lời đó là câu đặc thù của hết thảy những người không học. Bây giờ chúng ta muốn vượt lên trên những người nầy, cho nên nhất định chúng ta sẽ không bao giờ làm như vậy, mà điều quan trọng là chúng ta phải biết cách đổi giận làm vui hay biết tạo nên sự quan hệ tốt đẹp với người khác, và làm cho người khác đang thù ghét chúng ta, phải có thiện cảm với chúng ta. Ông Dale Carnegie đã nghỉ đến nguyên tác nầy cho nên ông tự nhủ:
- Nghĩ cho cùng, nếu mình ở vào địa vị của bà ta, chắc mình cũng cảm xúc như bà ta, phải ráng hiểu quan điểm của bà ta mới được.
Để dạy bà già chưởi bới kia, do vậy khi ông Dale Carnegie tới Philadelphia, ông Dale mới kêu điện thoại cho bà già kia, và nói đại loại như thế nầy:
- Tôi kính chào bà, mới rồi bà có viết một bức thơ cho tôi, bữa nay tôi xin cảm ơn bà.
Bà ấy nói rõ ràng từng tiếng, giọng quý phái:
- Tôi được hân hạnh hầu chuyện với ngài nào đây?
Ông Dale Carnegie:
- Bà không biết tôi đâu, tôi là Dale Carnegie, cách đây mấy tuần, bà đã nghe tôi diễn thuyết trong máy truyền thanh về cô Louisa May Alcott và trong cuộc diễn thuyết đó, tôi đã lầm lỡ không thể tha tứ được vì tôi đã nói cô ấy sanh trưởng tại Concord, miền New Hampshire. Thật là bậy và ngu quá. Tôi xin lỗi bà và cảm ơn bà đã mất công viết thư chỉ bảo cho tôi.
Bà già đó nói:
- Ông Carnegie à, tôi hối hận đã viết cho ông bức thư như vậy. Bữa đó tôi đã mất hết điềm tĩnh, xin ông thứ lỗi cho.
Ông Dale Carnegie:
- Thưa không ạ, chính tôi phải xin lỗi bà chứ. Một đứa con nít ban tiểu học cũng không bao giờ lầm lẫn như vậy. Tôi đã nhận lỗi của tôi ở trên máy truyền thanh rồi, nhưng tôi muốn thưa riêng với bà rằng tôi đã ân hận về lỗi đó lắm.
Bà Già:
- Tôi quê quán ở Concord, gia đình tôi có làm việc lâu trong chánh phủ ở miền Messachusetts, cho nên tôi lấy làm vẻ vang về quê hương tôi lắm. Khi nghe ông nói cô May Alcott sanh trưởng ở miền New Hampshire, tôi buồn lắm .. Nhưng tôi thú rằng nhớ lại bức thư đó tôi xấu hổ lắm.
Ông Carnegie:
- Thưa bà, xin bà tin rằng tôi ân hận hơn bà, lỗi của tôi không làm thiệt chi cho miền messachusetts, mà làm cho tôi xấu hổ vô cùng, Thật hiếm thấy được một người trong giới của bà, có học thức như bà lại chịu khó viết thư chỉ bảo những diễn giả trước máy truyền thanh, tôi mong rằng bà sẽ có lòng tốt để ý tới những bài diễn thuyết sau nầy của tôi nữa.
Như vậy ông Carnegie đã xét theo quan điểm bà già kia, và xin lỗi thì bà ta cũng xét theo quan điểm của ông Carnegie và xin lỗi. Trong trường hợp nầy, nếu chúng ta là ông Carnegie thì chúng ta sẽ có được cái vui là đã tự chủ được mình, đã dùng phép lịch sự để đáp lại một bức thư thô lỗ. Sau cùng, được lòng quý mến của bà già kia đó là điều hết sức thú vị.
Ông Sol Hurrock có lẽ là người bầu hát nổi danh nhất ở Mỹ. Trong hai chục năm ông điều khiển nhiều đào kép nổi tiếng ... Ông thấy rằng họ có chỗ đặc biệt nhất là lúc nào cũng cần được người khác khen khuyến khích và chú trọng tới họ, cả trong những tật lố lăng nhất của họ. Trong ba năm trời, ông giữ được trong gánh hát của ông một ca sĩ tên Chalinapine, một danh ca đã làm cho các khán giả sang trọng ở rạp Metropolitan Opera phải say mê giọng hát trầm ngâm tuyệt thú của anh. Nhưng con ngựa bất kham đó đã làm cho ông bầu phải bao phen bức đầu bức tóc. Và có đủ tật xấu như một đứa trẻ, vì quá được nuông chiều, và hết sức khó chịu, hành hạ ông bầu đủ tội đủ tình.
Chẳng hạn như tối nào anh ta phải ca, thì trưa hôm đó anh ta kêu điện thoại nói với ông Hurock:
- Không êm rồi ông Sol ơi, cuống họng tôi như cái bàn nạo dừa. Không thể nào ca tối nay được đâu.
Chúng ta cứ tưởng tượng ông Hurrock đâu có lý nào tranh cải với anh ta được. Tuy nhiên, ông Hurrock đã biết từ lâu rằng dùng lối tranh cải hay rầy mắn với đào kép không được. Tức khắc ông chạy ngay lại khách sạn của Chaliapine ở và ông than thở, giọng thành thật nảo nùng:
- Đáng tiếc cho em quá, Thật đáng tiếc, Tất nhiên em ca không được rồi. Đành hủy tờ giao kèo chớ biết sao bây giờ. Như vậy em sẽ thiệt thòi cả 2000 mỹ kim, nhưng so sánh tiếng vang lừng của em sự thiệt thòi đó có là bao.
Anh chàng Chaliapine cũng thở dài, nói:
- Ông rán đợi chút nữa trở lại coi ... Phải độ năm giờ ông trở lại, may ra tôi có khá hơn không!
Năm giờ ông Hurock trở lại, vẫn có vẻ âu sầu lắm. Ông lại cố nài xóa bỏ giao kèo và Chaliapine lại thở dài nói:
- Này thôi chút nữa ông trở lại xem sao. Có lẽ sẽ khá hơn.
Đến 7:30 anh chàng danh ca ngựa chứng nầy chịu ca với điều kiện là ông bầu phải báo trước cho công chúng hay rằng:
- Vì cảm mạo, cho nên giọng ca của anh Chaliapine không được tốt giọng như thường ngày.
Và Ông Huroch đã hứa và làm như anh ta muốn, và sau cùng dắt con ngựa bất kham đó ra sân khấu để được hoan hô như vũ bảo, như mọi tối.
Một nhà tâm lý trú danh nói:
- Hết thảy chúng ta đều cần thiện cảm, như được người khác khen, hoặc khuyến khích, hoặc an ủi. Em bé đứt tay hay u đầu vội vàng chạy lại chìa tay cho người lớn thấy, có khi tự va đầu vào cái gì cho u lên để được người lớn thương hại, vuốt ve. Người lớn thì kể dài dòng về tai nạn, bệnh tật của mình và nhất là những chi tiết trong lúc bị hoạn nạn. Những tai họa đó có thật hay tưởng tượng cũng vậy, loài người bao giờ cũng thích được người khác thương tới mình.
Vậy muốn cho người khác theo ý của chúng ta, chúng ta phải biết đổi giận làm vui, hay nói khác là chúng ta phải biết tạo sự quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và người khác cho nên:
- Chúng ta phải tỏ ra rằng chúng ta có nhiều thiện cảm với những ý tưởng và những uớc vọng của người kia.
--o0o--