TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cuộc Sống Có Ý Nghĩa
Nguyên Châu
--o0o--
 
Ðời đạo hiệp hòa mới thấy
Ðời mà không đạo phải nghiêng chinh
Ðạo đời thực thể hình với bóng
Ðời đạo liên quan một mối tình.
 
Ðời ấy kiếp người lo tạo dựng
Ðạo là nền tảng để tu thân.
Ai ơi đời đạo liên hòa hiệp
Ðời đạo đi dôi sẽ vững tình.
 
Lẽ sống tìm coi sống tự đâu?
Tự đâu được sống, sống bao lâu
Hiểu rằng cuộc sống, đời là khổ
Nếu có sống chung ắt khỏi sầu.
 
Nếu hẳn sống riêng phần vật chất
Thì là sống để lợi danh thân
Thì là sống ấy dường như chết
Sống thế nắm mồ đám cỏ xanh.
Hiện nay nhiều nhà Xã Hội Học, Tâm Lý Học và Tôn Giáo Học đều công nhận xã hội tân tiến hiện đại đang lâm vào cảnh hiểm họa tự trầm mình trong những việc:
a- Chạy đua quyền lực:
- Kinh tế
- Võ trang
- Chính trị..
b- Quyến rũ:
- Các kiểu áo quần thời trang
- Các kiểu đồ nữ trang...
c- Những hấp dẫn tai hại như:
- Các quán ăn với những thú vui
- Các sòng bài bạc tận tâm phục vụ ...
Con người cứ chạy theo những thế lực những khuynh hướng có tính cách tranh giành, như thế cuối cùng tâm của con người rơi vào tình trạng:
- Khủng Hoảng:
Vì khủng hoảng nên cứ đem những đau khổ bực dọc, phiền não của mình vung vãi lên những người chung quanh, mà không cần biết hậu quả.
- Không Nơi Nương Tựa:
Không chỗ nương tựa về cuộc sống tâm linh, nên cứ bám víu vào ảo tượng, không cần biết đúng hay sai.
Sự nguy hiểm như vậy, không phải chỉ có thế hệ hiện tại mà còn kéo theo những thế hệ trẻ đi vào con đường nguy hiểm trong tương lai.
Tôn giáo vẫn là nơi từ trước đến nay được nhiều người quan tâm, và tin tưởng là nơi có thể chuyển hoá được những khát vọng thiếu chính đáng của con người. Từ những lý do chính đáng và những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống tâm linh, cho nên việc tu thân, chuyển hóa tâm tánh cho ngày càng tốt đẹp hơn, điều nầy chắc chắn không phải là việc tự nguyện lưu đày, hay tự ý tách rời ra khỏi đời sống. Cũng không phải làm một cái gì đó để hưởng thọ kết quả trong một kiếp sống tương lai. Mà là việc tu tập, để tạo những thiện nghiệp, một khi đã biết áp dụng trong đời sống hằng ngày, thì kết quả của việc làm nầy chắc chắn sẽ được thọ hưởng nơi đây và trong kiếp sống hiện tại.
Tu tập cũng không phải là thái độ tự mình lìa xa những công việc mà thường ngày chúng ta vẫn làm, mà tu tập là sửa đổi tánh nết, từ xấu trở nên tốt là một phần của đời sống, là một yếu tố cần thiết dính liền với đời sống chúng ta. Ðiều nầy rất rõ ràng, khi học về bốn pháp, hay bốn nơi chốn để chúng ta đặc trọn niềm vào đó mà tu tập, có nghĩa là chúng ta đã thoát lìa cảnh hối hả rộn rịp của thành phố, xa lìa những nơi ăn chơi và những phiền toái bực dọc của thế gian, vì vậy chúng ta sẽ không còn bị ngoại cảnh thúc giục, chi phối, đồng thời cũng không còn phóng tâm như trước.
Ðể cho việc tu tập trở nên thuận lợi, chúng ta phải cần nhiều cố gắng hơn, đừng để tâm mình rong chạy buông lung. Vì thế, cho dù một chút ít thì giờ tụng kinh, ngồi thiền nào cũng giúp chúng ta rất nhiều trong việc đối phó với các diễn tiến của cuộc sống một cách hữu hiệu. Trong cuộc sống nếu chúng ta không tu thân sửa mình, không có một hướng đi rõ ràng, có lẽ đời sống sẽ thiếu ý nghĩa, thiếu mục tiêu và thiếu nguồn gợi cảm.
            Khái niệm về việc tu học, có nhiều người tưởng rằng con đường tu thân là một pháp thực hành chỉ dành riêng cho các người lớn tuổi, cho những vị đạo sĩ ẩn dật, và những người sống trong rừng sâu thanh vắng, mà không có liên hệ gì đến xã hội, tuổi trẻ... Hiểu như thế không đúng, bởi vì trong cuộc đời ai ai cũng yêu chuộng nếp sống hoà bình trong xã hội, đến với những người:
- Bạn thiếu sáng suốt: Họ sẽ hướng dẫn cuộc đời chúng ta đi vào con đường trụy lạc, tối tăm nguy hiểm.
- Nguời Thiện Tri Thức: Họ sẽ hướng dẫn chúng ta vào con đường tốt đẹp...
Tâm lý ai cũng muốn có những người bạn có tư cách và chân thật. Ðến với một người có tư cách chúng ta sẽ cảm thấy an lòng. Vì thế mà hiện nay càng ngày càng có nhiều người thích thú, và lưu tâm đến việc tu tập hành thiền. Tại vì đến với một người có tư cách là cảm thấy an lòng, vậy thì chúng ta phải gắng công tu tập để cho có tư cách, để cho người khác đến với chúng ta cho có chỗ nương tựa và an lòng.
Nếu hiểu rằng tụng kinh, niệm Phật, hành thiền là một kỷ luật tinh thần, hay một phương pháp, trau dồi tâm trí thì:
- Chúng ta nên khuyến khích tất cả mọi người nên thực tập thiền không phân biệt nam nữ, màu da chủng tộc, tín ngưỡng hay bất luận là hạng người nào, giai cấp nào trong xã hội.
Hiểu được sự trau dồi thân tâm là một điều cần thiết, thực tập hành thiền là mục đích cho tâm hồn thanh thản, an lạc thì chúng ta nên khuyến khích mọi người, và bản thân cũng cố gắng gia công, kiên trì luyện tập tâm trí để kiểm soát chính bản thân và cuộc sống của chính mình.
Quả thật vậy, thực tập tụng Kinh, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành có thể giúp chúng ta đặt nhẹ xuống gánh nặng của một cuộc sống chao động, xáo trộn, và sống một cuộc sống an nhàn tự tại. Bởi vì mục tiêu cùng tột theo quan điểm của Phật giáo là an lạc, thảnh thơi, chứng ngộ toàn giác, hoàn toàn tự làm chủ lấy mình và tuyệt đối lành mạnh tinh thần, cho dù là ở thế giới nầy  hay thế giới nào đi nữa cũng thế. Trạng thái nầy còn gọi là Niết Bàn.
            Nhưng trước khi đạt tới mục tiêu giác ngộ, làm chủ lấy mình, chúng ta sẽ thấy có những lợi ích mà người tu tập có thể thọ hưởng trong khi thực hành như là:
- Gợi nguồn cảm hứng để khám phá trí minh mẫn, sự phong phú và phẩm cách thiên nhiên của chính ta,
- Có thể làm an thần, giúp chúng ta kiểm soát hoặc làm giảm suy áp huyết,
- Có thể làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu những căng thẳng thần kinh, do đó giữ lại và không mất đi năng lực có sẵn của chúng ta
- Có thể giúp ta tăng trưởng sự an vui.
- Kích thích những năng lực tiềm tàng ngủ ngầm trong tâm,
- Giúp suy tư rõ ràng, hiểu biết sâu sắc, giữ tâm bình thản và vắng lặng.
Từ trong chiều hướng nầy, chúng ta thấy có vài chứng bệnh do tâm lý gây ra có thể chửa trị bằng pháp hành thiền như:
- Các chứng bệnh phát sinh do xúc động mạnh, hay tâm lý căng thẳng.
- Các bệnh ghiền ma túy.
Tu tập theo phương pháp tụng kinh, niệm Phật, hành thiền có thể an dưỡng tinh thần và cũng là một phương thức trị liệu chửa trị các chứng bệnh kinh niên. Ngoài ra thực tập pháp môn Nhị Lực là một tiến trình có tánh cách sáng tạo nhằm biến đổi những cảm xúc giao động và những tư tưởng nhơ bẩn thành trạng thái tinh thần điều hoà trong sạch. Ðây cũng là phương thức trị liệu có nhiều ý nghĩa nhất cho những vấn đề khó khăn của đời sống hiện đại.
Khi thực hành theo pháp môn Nhị Lực, chúng ta có thể nhận thức sự vật vượt ra ngoài tri giác thông thường một cách dễ dàng, và có thể thành đạt tất cả những lợi ích theo ý mình muốn. Lẽ tất nhiên không phải cùng một lúc, trong tức khắc mà dần dần, bằng cách luyện tập thường xuyên tụng kinh, niệm Phật, hành thiền theo đúng phương pháp, thì chúng ta sẽ khám phá tất cả. Như thế tu tập theo phương pháp Nhị Lực là một lối sống, đó là lối sống trọn vẹn, chớ không phải là một phần của đời sống.
            Nhiều người thường quan niệm rằng, tu để mai kia mốt nọ được sanh về cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn, điều đó chắc chắn cần. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta cũng cần có sự an lạc thảnh thơi, và pháp môn Nhị Lực này lại nhằm phát triển toàn thể con người sống một cuộc sống có ý nghĩa trong hiện tại.
Từ khuynh hướng nầy, chúng ta hãy tận lực cố gắng để tiến đạt đến toàn hảo, nơi đây và trong hiện tại, chớ không phải chờ đợi đến một thời kỳ vàng son nào trong tương lai ở các cõi trời, hay cảnh giới của chư Phật ... Chúng ta phải biết rằng, sự tu tập cũng là một tiến trình để đạt đến những gì chúng ta ước muốn bằng cách tháo gở những gút mắt trong tâm tư như:
- Chấp chặc
- Những trói buộc ...
Có tháo gở mới có thể khai phóng những năng lực tâm linh bên trong, bởi vì cái năng lực kỳ diệu của nội tâm chúng ta luôn luôn tiềm ẩn bên trong, nhưng nếu không khai thác chính mình thì chúng ta sẽ không bao giờ biết.
            Sự tu tập để thăng hoa trong cuộc đời, đơn cử như pháp môn Nhị Lực, mới nhìn qua chúng ta không thấy có gì đặc biệt. Tuy nhiên, thực tập tụng kinh, niệm Phật, thiền quán nếu hết lòng tu tập, thì đây là một phương pháp vô cùng lợi ích cho cuộc sống, vì thế phải được đề cập đến mọi khía cạnh của xã hội, với những cảm giác và kiến thức của con người. Bởi vì khi chúng ta tự hướng dẫn cuộc đời mình trên con đường tu thân qua pháp môn tu tập chân chánh, chúng ta có thể diện nhìn vào những:
- Ảo kiến của chính chúng ta
- Những ảo cảnh mà chúng ta cho là thực
Nhìn một cách rõ ràng không bị che lấp. Nhận thấy được điều nầy, thì có thể biến đổi con người chúng ta hoàn toàn. Ðiều nầy không phải học thêm mà là rút gỡ, tháo bỏ những gì đã học. Chúng ta phải dứt bỏ nhiều điều trước kia đã học và đã thích thú ôm ấp và giữ chắc. Lý do tất cả những thứ đó có thể là:
- Những điều hay ý đẹp, nhưng những lời hay ý đẹp nếu không phải là lời chân thật thì cũng cần phải buông bỏ.
- Nếu là những định kiến sai lầm thì lại càng phải bỏ sớm hơn.
Bởi vì ngày nào nó còn đầy ắp trong tâm tư thì chắc chắn ngày ấy chúng ta không thể thấy những điều mới lạ, chúng ta cũng không thể nào chấp nhận được những điều hay lẽ phải của thầy tốt bạn hiền chỉ dạy.
Một khi nhận thức rằng những điều ấy chỉ là những trở ngại cản ngăn con đường tiến bộ trong cuộc sống tinh thần và đạo đức, thì chúng ta phải biết phục thiện để kịp thời tránh những sai lầm những thiệt thòi có thể xảy ra.
Như tất cả mọi người ai cũng biết, những vấn đề khó khăn của chúng ta đều bắt nguồn từ vô minh, mê hoặc. Vô minh là bợn nhơ đứng hàng đầu. Tham lam, sân hận, ngã mạn và rất nhiều bợn nhơ khác càng phát sanh chung với vô minh.
Giải pháp để giải quyết những khó khăn mà chúng ta vấp phải tất cả đều nằm gọn trong những vấn đề thường xảy ra trong chính ta và cuộc sống, và ngay với tất cả những người sống chung quanh. Do đó chúng ta không nên tách rời, chạy đi tìm cầu ở ngoài và môi trường chung quanh chúng ta..
Nói tóm lại, phân tích và nghiên cứu cho tường tận chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những vấn đề nầy đều là những vấn đề của kiếp nhân sinh, và của con người. Vì thế muốn có một cuộc sống có ý nghĩa, những vấn đề thật sự của chúng ta phải được, và chỉ được giải quyết bằng cách dứt bỏ những ảo kiến và những khái niệm sai lầm, đồng thời thu xếp nếp sống của chúng ta vào khuôn khổ điều hoà, đồng nhịp với thực tại. Và điều nầy chỉ có thể thực hiện được bằng pháp môn Nhi Lực, tu thân để có một cuộc sống an lạc thánh thiện và giải thoát. Làm được như thế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ sống có ý nghĩa.
--o0o--