TẬP SAN DƯỢC SƯ

Chân Tướng Của Cuộc Đời
Nguyên Hải
--o0o--
           
            Sự xuất hiện của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trên 2500 năm trước vào một buổi sáng đẹp trời ở vườn Lâm Tỳ Ni thuộc nước Ca Tỳ La Vệ đã đánh dấu một sự đổi thay lớn lao trong đời sống, tư tưởng và xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Ảnh hưởng đó tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới và nhân loại ngày nay, mở ra cho nhân loại con đường sáng và tình yêu vô bờ bến. Ngay từ lúc còn là Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài đã ưu tư khắc khoải những vấn đề trọng đại của con người như sanh, lão, bệnh, tử. Những cảnh khổ đau đó đã làm chấn động tâm hồn từ bi của Thái tử, khiến Ngài dũng mãnh chặt đứt mọi xiềng xích của dục lạc thế gian để dấn thân vào cuộc sống gió bụi, không nhà của một tu sĩ, đi tìm chân lý cứu khổ.
Sau khi thành đạo Đức Thế Tôn đã gióng lên hồi chuông bất tử:
- Người nào thấy rõ được khổ, cũng thấy luôn nguyên nhân của khổ, cũng thấy luôn sự diệt khổ và cũng thấy luôn con đường đưa đến sự diệt khổ.
Chân lý này đã được Đức Phật và các đệ tử của Ngài lập đi lập lại nhiều lần trong suốt 49 năm hoằng hóa.
Khổ do từ chữ Dukkha mà ra. Du: Nghĩa là khó. Kkha là chịu đựng, là những kham nhẫn, là đau khổ. Nói rộng ra khổ là trạng thái bất như ý, mọi khát vọng chủ quan bị bác bỏ, thiếu hụt mọi thứ, là cái khó chịu đựng lâu dài. Khổ đại loại có hai loại: Tinh thần và vật chất, mà được Đức Phật cô đọng thành tám công thức:
- Sanh ra là khổ,
- Già là khổ,
- Bệnh là khổ,
- Chết là khổ,
- Ghét mà phải sum họp là khổ,
- Yêu mà phải chia lìa là khổ,
- Năm ấm không điều hòa là khổ
- Muốn mà không được là khổ,
Khổ là một kinh nghiệm mà bất cứ ai cũng thể nghiệm một lần ngay bản thân mình, không nhiều thì ít, không một ai trốn hay tránh được. Tóm lại mọi trạng thái ràng buộc trong ngũ uẩn là khổ.
Khi nêu lên những nỗi khổ của cuộc đời, có người cho rằng Phật giáo là bi quan yếm thế. Trước hết chúng ta phải hiểu, Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan mà hiện thực, vì có lối nhìn hiện thực về nhân sanh và vũ trụ. Phật giáo nhìn sự vật một cách như thật. Phật giáo không tìm cách ru người vào ảo tưởng về một thiên đàng hay làm cho người sợ hãi trước những cảnh khổ mà Phật giáo cho chúng ta biết khách quan ta là gì, thế giới quanh ta là gì và chỉ con đường đưa đến tự do hạnh phúc.
Thật ra, Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong sự sống khi Ngài bảo sống là đau khổ, trái lại Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng hạnh phúc thế gian bao gồm tham ái và luôn luôn dính liền với đau khổ. Đau khổ theo sát hạnh phúc thế gian như cảnh sát theo sau tên trộm. Bởi ngài đã thấy rõ khuynh hướng của con người là hay tìm kiếm và ham thích những sắc đẹp, những âm thanh hay, những mùi hương thơm lạ, những vị ngọt ngon, những xúc chạm êm ái... khi lòng tham ái càng mạnh thì chấp thủ ngã càng mạnh, thức càng được nuôi dưỡng. Đây chính là động cơ dẫn đến tái sanh đời này, đời khác. Những ham muốn năm trần ấy có được ta cho là hạnh phúc, ngược lại năm trần thay đổi thì khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Chính sự khao khát, ham muốn, dục vọng... xuất hiện dưới mọi hình thức như vậy đã làm phát sinh mọi hình thái khổ đau và sanh tử. Nhưng đó không phải là nguyên nhân đầu tiên, theo Phật mọi sự phụ thuộc lẫn nhau trong một vòng tròn gọi là duyên khởi. Ngay cả khát ái được xem là nguyên nhân hay nguồn gốc của khổ, nhưng cũng tùy thuộc vào một yếu tố khác để phát sinh, đó là thọ và thọ phát sinh tùy thuộc vào xúc cứ thế mà tiếp nối...
Như thế Ái không phải là nguyên nhân đầu tiên hay độc nhất của sự phát sinh ra khổ. Nhưng đấy là nguyên nhân trực tiếp và rõ rệt nhất. Như khi bạn thấy một người vui vẻ, duyên dáng và đẹp đẻ, bạn thích họ, bạn bị lôi cuốn, bạn muốn thấy đi thấy lại người ấy nhiều lần, bạn cảm thấy vui và hạnh phúc nếu được sống chung với người đó. Nhưng sự vui đó không trường cửu; khi hoàn cảnh đổi thay, khi bạn không thể thấy người ấy, khi bạn bị tước đoạt nguồn vui ấy bạn đâm ra buồn bã, khổ đau, nhiều khi có những hành động rồ dại. Quả thật như vậy, đây là sự thực, chúng tôi xin được chia xẻ đến bạn đọc:
Khi còn cư trú tại Chùa Linh Phong Đà Lạt, lúc ấy màn sương đêm đã phủ mờ và buốt lạnh, tôi ra thắp hương ở tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát, vừa bước chân đến tượng đài, thì thấy một người đang quỳ dưới chân Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nước mắt lưng tròng thốt lời cầu nguyện... nhìn bóng dáng thanh thoát nhẹ nhàng tưởng chừng như thời gian ngừng lại, bất giác tôi khẻ gọi:
- Hạ Uyên! Đừng khóc nữa em.
Trong đau khổ tuyệt vọng em đã ôm choàng lấy tôi và khóc:
- Cô ơi! Em không thể sống được...
Trong đêm tuyệt vọng em đã kể cho tôi nghe nỗi đau làm cho em buốt giá của những ngày tháng qua. Khi hiểu tâm trạng của người con gái tôi đã nói:
- Những ngày tháng qua em đã trải qua những đau khổ, lẽ ra em phải thấy rõ sự thật và mạnh dạn đứng lên. Em yêu thương người, nhưng trước hết em phải yêu thương chính mình. Yêu thương chính mình, em phải quên đi đau khổ để được phút giây an lạc. Em hãy tập yêu thương chính mình và mọi người với tình thương đau buốt ấy, rồi em mới hiểu được thế nào là hạnh phúc thật sự. Nếu thiếu dũng và trí thì tình thương chỉ phản ảnh của lòng ích kỷ, là khóc than bi lụy, là luyến ái buộc ràng. Với tình thương đầy hệ lụy như thế, ta chỉ ràng buột chính mình và mọi người vào trong vòng lao lung đau khổ, chẳng khác nào người yêu chim bắt nhốt nó trong một cái lồng son của mình. Tình thương như thế đã trở thành tù ngục, huống nữa là tình thương đầy ủy mỵ chỉ đưa con người vào hố sâu sanh tử luân hồi mà thôi.
Hạ Uyên! Than khóc hay nhớ tưởng lâu dài, nắm giữ cái đã thay đổi là đau khổ chứ không phải tình yêu. Thật ra, Cô không khuyên em quên hay nhớ mà chỉ mong em can đảm nhìn nhận một sự thật để vững bước trên con đường em đi.
Khi nói với cô gái những lời trên, tôi tự nghĩ sống trên đời cũng vì Ái mà biết bao nhiêu người khổ lụy. Nếu để con tim dẫn dắt lý trí thì đây là một tình thương vị kỷ, vì mọi hy sinh ta dành cho đối tượng của lòng đam mê đều quay về chính ta. Ngược lại lý trí dẫn dắt con tim là tình thương mà sự biểu hiện của nó không bao giờ vượt qua biên giới của luân lý, đạo đức do lý trí con người đặt ra. Nhưng đứng trên góc độ nào đó mà nói, thì dù con tim dẫn dắt lý trí hay lý trí dẫn dắt con tim cũng đều là đau khổ, vì đôi khi ta không điều phục được tâm ý của mình. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy rằng:
- Dục sanh chi phiền não
Dục sanh vi khổ uẩn.
Nghĩa là:
- Tánh dục, nghiệp tham muốn là phiền não cội gốc.
Tham dục ham muốn là nguyên nhân dẫn đến các khổ.
Như vậy khát ái không chỉ là ham muốn, tự trói buộc vào Ái biệt ly khổ, mà còn là ham muốn bị trói buộc vào những tư tưởng, lý tưởng, quan điểm... do đó những tranh chấp trên đời, từ gây gỗ trong gia đình cho đến những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, đều có gốc rễ ở khát ái; nhưng khát ái bắt nguồn từ đâu? Từ vô minh. Vô minh là không hiểu thấu được chân tướng của mọi sự vật, không thấy được mọi pháp đều vô thường, khổ, vô ngã. Từ việc nhận sai lầm chỗ cốt lõi của vạn hữu mà con người cứ tiếp tục sống trong vòng tạo nghiệp tham đắm chấp mê.
Chúng ta đau khổ cũng bởi vì vô minh. Vô ngã mà chấp là ngã, không ta mà chấp thật là ta. Nếu mọi người biết nhìn kỷ thân thể mình qua pháp môn Bất Tịnh Quán như Đức Phật đã dạy thì sẽ tìm thấy toàn thân chất chứa những đồ bất tịnh, cái bất tịnh ấy đã có từ trong bào thai, và khi lọt lòng mẹ đã bất tịnh rồi. Đối với tất cả thân bất tịnh này rõ ràng như vậy mà chúng ta không nhận thấy, ngược lại chấp cái thân này là tịnh, nên nâng niu, chìu chuộng, trau chuốt nó quá đáng. Vì mù quáng với thân vô thường, lại cho là thường nên con người đau khổ vì nó. Hơn thế nữa Đức Phật còn chỉ cho chúng ta thấy rằng:
- Con người được hình thành là do sắc, thọ, tưởng, hành, thức kết hợp. Năm thứ này kết hợp lại gọi là Ngũ Uẩn, là con người.
Như vậy, con người là một tên gọi cho tiện hay một nhãn hiệu để đặt cho sự nhóm họp của năm uẩn ấy chứ không có cá thể hay Tôi nào khác đằng sau năm uẩn ấy để chịu khổ. Như Buddahaghosa đã nói:
- Chỉ có đau khổ, nhưng không có người đau khổ là vậy.
Nếu chúng ta hiểu được điều này thì không có một thứ gì có thể làm cho ta buồn sầu ảm đạm được. Trái lại lúc nào cũng thấy ta là người hạnh phúc nhất trần gian, và dù cho chúng ta có rơi vào địa ngục đi nữa thì cũng không có gì làm cho ta lo lắng, bởi ta biết rằng địa ngục cũng vô thường.
Nói tóm lại, sống trên đời chúng ta không nên nhìn một cách phiếm diện mà phải thấy sự vật một cách rõ ràng và chính xác đúng theo thực tướng của nó. Và đừng để tâm phân biệt nhuộm màu mọi vật, đừng hỏi tại sao đường thì ngọt mà nước lã thì chẳng vị gì cả? Bởi vì bản chất của chúng là vậy. Suy nghĩ hay tĩnh lặng, khổ đau hay hạnh phúc cũng thế; chúng ta phải thấy cả hai đều cùng bản chất vô thường, bất toại nguyện và đều không đem lại hạnh phúc vĩnh cửu. Có như vậy chúng ta mới chấm dứt mọi khổ đau, sầu muộn trong cuộc đời này.
--o0o--