TẬP SAN DƯỢC SƯ

Ðại Thừa
Diệu Pháp Liên Hoa
Phẩm Tựa
Bài giảng tại Chùa Dược Sư
Ngọc Liên ghi
(tiếp theo TSDS số 023)
--o0o--
 
I- Kinh Văn
Nói Kinh nầy xong đức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh bảo đại chúng rằng vào khoảng giữa đêm, Ngài nhập Vô Dư Niết Bàn và thọ ký cho Đức Tạng Bồ Tát kế tiếp thành Phật Tịnh Thân Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác. Ðúng như lời Ngài nói vào giữa đêm Ngài nhập Vô Dư Niết Bàn. Diệu Quang Bồ Tát trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, diễn nói 80 tiểu kiếp và dạy cho 8 người con của Nhật Nguyệt Ðăng Minh Như Lai vững tâm nơi đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tất cả đều lần lượt thành Phật và vị sau cùng hiệu là Nhiên Ðăng.
Trong 800 người đệ tử của Diệu Quang Bồ tát có một người tên Cầu Danh. Người nầy ham ưa danh lợi, tuy đọc tụng Kinh nhưng không sống theo tinh thần kinh dạy, tuy nhiên nhờ có nhân duyên căn lành nên cũng được gặp và cúng dường vô lượng các đức Phật. Diệu Quang Bồ Tát bấy giờ chính là Ta và Cầu Danh Bồ Tát là Di Lặc. Văn Thù kết luận điềm lành đức Phật cho thấy hôm nay không khác xưa, nên Ngài nghĩ rằng đức Như Lai sẽ nói kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.
Giải Thích:
Như vậy, hình ảnh tất cả các chủng loại, các vị Bồ Tát tu sáu Phép Ba La Mật để hồi hướng Phật đạo đều hiện rõ trong ánh hào quang của Phật. Chúng ta vì là con mắt phàm phu, mắt thịt cộng thêm nghiệp chướng sâu dày, cho nên không có phúc duyên sanh nhằm thời đức Phật để ghi nhận những dữ kiện trong ánh quang minh, nên không thể nào thấy biết cảnh tượng mầu nhiệm ấy. Tuy nhiên qua kinh điển, chúng ta nhận ra được tinh thần cầu đạo vô song của các Bồ Tát, trải qua vô lượng kiếp xả thân để thực hành sáu pháp Ba La Mật, từ đó chúng ta có thể liên hệ với Bồ Tát bằng độ cảm mỗi ngày thêm mãnh liệt sâu sắc hơn và trí tuệ chúng ta cũng phát huy theo, bấy giờ đây dù không có Phật, không có ánh quang chư Phật, chư Bồ Tát vẫn thường trú hiện hữu bên cạnh chúng ta ngay trong tâm ta ngay trong pháp giới tánh nầy.
            Qua những hiện tượng diễn tiến khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ Ðịnh trên non Linh Thứu và sự kiện Ngài thành đạo ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, mặt dầu hai hiện tượng nầy tuy là hai nhưng cùng một mục đích là để diễn tả Ba Minh của Ðức Phật hoặc quay lại cuộn phim đức Phật thành đạo. Thật vậy, tinh thần Đại Thừa mô tả đức Phật vào định, thâm nhập chân lý bằng hình ảnh Hoa Mạn Ðà La, Mạn Thù Sa rơi, Ngài ngồi yên lặng đến mức quên thân người và sống trong niềm vui tâm linh cao độ không còn lệ thuộc cuộc sống hiện tại và đó chính là mô hình tham thiền kiểu mẫu của thái tử Tất Ðạt Ta ở Bồ Ðề Ðạo Tràng. Ngài trải qua thế giới sơ thiền, nhị thiền, tam thiên, tứ thiền đến Ngủ Tịnh Cư Thiên của La Hán và bước qua thế giới thiền định cao nhất, thấy lại vô số kiếp trước của chính bản thân mình.
            Tiếp đến kinh diển tả Thiên Nhãn Minh của đức Phật bằng hình ảnh trong ánh quang minh Phật hiện rõ sáu đường sanh tử của chúng sanh, những diễn biến sanh diệt của các loài chúng sanh và Bồ Tát trong mười phương đang hành đạo và cuối cùng Lậu Tận Minh của đức Phật thấy diễn tiến vô số kiếp trong tương lai, diễn tiến vô số kiếp trong tương lai diễn tả bằng những hoạt động của các Bồ Tát sau khi Phật Niết Bàn. Trong trạng thái đắc đạo ở Thiền định, kinh Nguyên thủy ghi nhận có Phạm Thiên đến thỉnh Phật thuyết pháp. Dưới kiến giải Ðại Thừa, Phạm Thiên là tiếng nói đại bi cất lên từ tâm chơn như của người ngộ đạo thôi thúc đức Phật rời bỏ thế giới lý tưởng trở lại thực tế cuộc sống giáo hoá chúng sanh.
            Tựu trung mọi diễn tiến ở mười phương đều hiện ra trong ánh quang của chư Phật nhằm trợ giúp tâm Bồ Ðề chúng ta phát triển. Chỉ có Kinh Pháp Hoa với những hiện tượng đặc thù nầy. Ðây là cảnh giới kỳ diệu của Pháp Hoa, là bài thuyết pháp sống của đức Phật gọi là vô tác diệu lực, nghĩa là Ðức Phật yên lặng nhưng mọi người cảm nhận, hiểu biết và cùng tiến bước đến vô thượng Bồ Ðề không bao giờ thối chuyển. Ðức Phật hiện lên kỳ diệu của một con người chứng đắc Pháp Hoa bằng cảnh giới mầu nhiệm, trí tuệ mầu nhiệm, tu hành mầu nhiệm..v..v... Tất cả sự mầu nhiệm đều hiện lên trong ánh quang Phật được coi là quá trình một đời giáo hoá của Ngài.
Như chúng ta đã biết, trong các kinh Ðại Thừa, phẩm đầu thường là Bồ Tát Văn Thù thưa hỏi và phẩm kết thúc là hạnh nguyện Bồ Tát Phổ Hiền. Kinh Pháp Hoa cũng vậy, mở đầu là Bồ Tát Văn Thù giải nghi cho Bồ Tát Di Lặc và bốn chúng, phần cuối cùng nêu lên hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu cho Trí Căn Bản, Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho Trí Sai Biệt. Trí Căn Bản là trí đã có sẳn, nhưng vì vô minh vọng tưởng che phủ nên không hiển lộ. Nhờ tu hành lần lần sạch hết vô minh phiền não. Trí Căn Bản mới hiển hiện tròn sáng. Lúc đó có đủ diệu dụng, tùy duyên giáo hoá chúng sanh gọi là Trí Sai Biệt. Chúng sanh căn cơ trình độ không đồng nhau, kẻ thì đần độn, người thì lanh lợi. Trí Sai Biệt của Phật có đủ diệu lực thấu suốt trình độ sai biệt ấy, cho nên tùy theo căn cơ mà phương tiện nói pháp sai biệt giáo hoá họ. Chính Trí Sai Biệt làm căn bản cho hàng Bồ Tát làm hạnh lợi tha không lười mỏi, không thối chuyển. Vì chúng ta tu chưa được viên mãn, chưa có Trí Sai Biệt, cho nên khi hành hạnh lợi tha không biết trình độ căn cơ của chúng sanh, không rõ được cái gốc đau khổ của muôn loài, vì thế khi nói pháp chỉ khế lý mà không khế cơ, nên người nghe không tin, không theo tu học, kết quả là giúp người mà người không hết khổ, nên thối Bồ Ðề Tâm. Lỗi đó không phải tại người cứng đầu không chịu nghe, mà tại mình chưa có Trí Sai Biệt biết rõ căn cơ trình độ của mọi người, để nói pháp hợp thời đúng bệnh. Nếu nói pháp hợp thời đúng bệnh thì người nghe mới kính vâng theo mà tu tập hết khổ đau. Sở dĩ người không nghe là vì chúng ta nói pháp không đúng bệnh, không hợp thời, khiến người nghe không tin, bất mãn, xa lánh. Ðó là muốn giúp người được lợi ích mà hoá ra hại người mất tín tâm. Lỗi đó tại mình. Vì vậy, nếu được Trí Vô Sai Biệt thì sự giáo hoá không những chúng sanh được lợi mà người giáo hoá cũng không lười mỏi, không chán nản, nên mới gọi là Ðại Hạnh Phổ Hiền.
            Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Tựa nầy khi thấy hiện tượng kỳ lạ, Ngài Bồ Tát Di Lặc muốn giải quyết chỗ nghi của mình và cả chúng hội, cho nên hỏi Bồ Tát Văn Thù vì nhân duyên gì đức Phật hiển bày thần lực. Bồ Tát Di Lặc tượng trưng cho Thức Phân Biệt. Do bởi thức phân biệt nên không thể hiểu được những hình ảnh biểu trưng tri kiến Phật. Vì tri kiến Phật vượt khỏi pháp nhị nguyên tương đối của thế gian. Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu cho căn bản trí huệ, hay Bản Giác có sẳn nơi mọi chúng sanh. Do gần gủi bảo hộ, cúng dường, thâm nhập Tri Kiến Phật nên Ngài mới hiểu những điềm lành mà Phật hiện ra, vì vậy Bồ Tát Di Lặc mới có dự ý thưa hỏi. Ðây là những vị Bồ Tát tiêu biểu để nói lên ý nghĩa thâm sâu trong việc tu hành của mỗi người chúng ta chớ không phải là hàng Bồ Tát đi hoằng truyền Chánh pháp giáo hoá chung sanh trong đời.
            Câu hỏi của Ngài Di Lặc nhằm khai triển cho chúng ta thấy phương cách tu hành của Bồ Tát theo Kinh Pháp Hoa vốn là pháp tịch diệt khó dùng lời chỉ bày. Vì lợi ích của chúng sanh đời sau mà Ngài hỏi. Sự thật trên lộ trình tu Bồ Tát hạnh, muốn thọ giới Bồ Tát, chúng ta phải thỉnh Bồ Tát Di Lặc làm giáo thọ và Bồ Tát Văn Thù làm Yết ma.
Sự kiện Bồ Tát Di Lặc nghi và hỏi để Văn Thù giải thích nhằm diễn tả tâm trạng của trưởng tử Như Lai sau khi Phật diệt độ có trách nhiệm phải biết nghi, biết hỏi và biết giải thích. Muốn giáo hoá chúng sanh, những người xuất gia khi Phật Niết Bàn rồi phải lặn sâu vào tam tạng giáo điển suy tư, tìm hiểu tự đặt câu hỏi và vận dụng trí tuệ để hiểu chính xác và diễn giải cho người.
            Ðáp lại câu hỏi của Bồ Tát Di Lặc, Văn Thù cho biết Ngài đã từng ở trong các Ðức Phật quá khứ thấy điềm lành nầy diễn ra trước khi Ðức Phật nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Văn Thù trong quá khứ hiểu được hiện tượng kỳ diệu. Ðiều nầy cũng có nghĩa là chúng ta phải nhìn đời qua lăng kính Pháp Hoa để biết trần thế theo lời Phật dạy, không thể hiểu hoặc thấy biết theo cái thấy biết của thế gian. Ngài Văn Thù liên tưởng đến quá khứ lâu xa lúc đó có đến 20,000 đức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh Như Lai. Ký ức của Văn Thù không nhớ hạn hẹp trong một đời, mà trái lại Ngài ghi nhớ những sự kiện lâu xa như vậy vì tâm hoàn toàn thanh tịnh nên các pháp diễn biến như thế nào Ngài biết rõ chính xác:
- Thuở quá khứ có 20,000 Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh Như Lai tên đều giống nhau, đồng một họ Phả La Ðoạ. Ðức Phật sau cùng lúc chưa xuất gia có tám vương tử cai trị bốn phương thái bình. Nghe vua xuất gia thành đạo vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác họ cũng xuất gia phát tâm đại thừa tu hạnh thanh tịnh đều làm pháp sư.
Điều nầy có nghĩa là 20,000 Ðức Phật nầy ở dưới dạng thể tánh sáng suốt, không là Phàm cũng không là Thánh, chưa có tội lỗi, chưa  mang thân người chui vào nhà phiền não, chưa vào ngục tù Tam Giới. Tâm của các Ngài ví như ngọn đèn sáng tỏ hơn cả trăng sao, nhưng bất giác một niệm vô minh vọng động nổi dậy thì ông Phật thứ 20,000 ra đời sinh vào thế giới sanh diệt bấy giờ  mới có vấn đề đặc ra.
Chúng ta cần lưu ý khi chúng ta khởi một niệm dù là niệm tốt hay xấu đều là vô minh vì khi niệm tâm sanh ra, chúng đã xa rời bản thể xa lìa chơn tâm. Ông Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thứ 20,000 từ bản tánh thanh tịnh khởi lên một niệm tốt đi vào sanh tử nên có đủ những thứ của sanh tử và lần biến dạng thành xấu.
Khởi đầu sanh vào nhà tam giới với tư cách một người tốt đi quan sát trần lao tục lụy thấy biết bao các thứ xấu xa tội lỗi, tất cả những hiện tượng xấu ác đó đập vào mắt ghim vào tâm ông tràn ngập trong lòng, đẩy ông từ ngôi nhà Tam Giới chui thêm một tầng cửa nữa để vào nhà phiền não. Trong kinh ghi Ông làm Vua, nói cách khác, Ông xa lìa chân tâm đến quán sát cuộc đời với tư cách một ông vua hay một đấng sáng thế. Nhưng khi cai trị ông chỉ thấy những việc không vừa lòng. Ở chung trong nhà thế tục sống với ngũ dục, đầy đủ lợi danh tình ái mà sao lòng ông vẫn cảm thấy chán ngán và may mắn thay cho ông biết quay lại, nhìn lại, nhớ lại, nhớ rõ cuộc hành trình của mình từ cội nguồn chân như lang thang vào trong sanh tử rồi ngộ nhận thế giới sanh diệt nầy, lầm tưởng là thế giới của bản thể hằng hữu, chịu biết bao nhiêu phiền lụy trói buộc. Nay chợt tỉnh lại Ông vội vàng xuất gia bỏ tục cầu chơn.
            Người bỏ tục xuất gia, hay bỏ phàm nhập thánh nghĩa là bỏ những điều kiện cấu thành người phàm và kết hợp những yếu tố để thành Thánh. Ðầu tiên, người xuất gia phải bỏ ảo ảnh hay bỏ sanh diệt pháp. Chúng ta thường nghĩ lầm rằng các pháp không sanh diệt nên mãi đuổi chạy theo nó, trong khi tất cả mọi vật đều luôn biến đổi không ngừng, làm thế nào để chúng ta nắm giữ được. Vì vậy xuất gia bỏ ảo ảnh sống với cái thực, chấp nhận cái thực mà tu lên, đối diện với khổ đau, đối diện với thực tế. Nhờ đó vượt qua những trói buộc buồn phiền nhỏ nhặt và tâm hồn dần dần bừng sáng trở lại giống như lần đầu chúng ta mới nhập cuộc vào trần lao. Các vị Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh trước ở bản thể nên không cần đặt vấn đề xuất gia và đến vị Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thứ 20,000 mới xuất gia không mang ý nghĩa gì khác hơn là bỏ phiền não trở lại bản tâm thanh tịnh sáng suốt ban đầu hay đi vào cuộc đời, rồi lại từ bỏ cuộc đời mà đi ra.
            Ði vào cuộc đời của Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thứ 20,000 có điều hay ở điểm Ngài sanh tám Vương Tử. Hiện hữu tám vương tử rồi vấn đề được đặt ra, nó trở ngại cho Ngài nhưng cũng làm lợi cho Ngài không ít. Bởi vì tám vị vương tử nầy không phải là những công tử bột mà là thuộc loại giỏi. Tám Vương Tử nầy có uy đức thống lãnh bốn phương thiên hạ được mọi người cung kính. Họ tài giỏi như vậy nhưng nghe vua cha xuất gia cũng bỏ ngôi đi tu. Tư tưởng nầy là ý niệm căn bản xây dựng thế giới Pháp Hoa theo tinh thần Bồ Tát đạo, lần tác động quyến thuộc của chúng ta và cảm hóa những người xung quanh tu theo, biến nghịch cảnh thành thuận hướng để tạo thành một thế giới an lành.
            Y theo Kinh văn, chúng ta cũng có thể hiểu tám vương tử là tám người con thực của Nhật Nguyệt Ðăng Minh, hiểu như vậy cũng được. Nhưng hiểu theo Ngài Thế Thân, tám người con nầy tiêu biểu cho tám thức: Nhãn, nhỉ thức ... Tám người con đều mang tên chữ Ý chứng tỏ họ không phải là con xác thịt, mà là con tinh thần. Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh là chỉ cho Như Lai Tàng Thức hay Phật Tánh. Chúng sanh có Phật Tánh mà quên Phật Tánh nên thành ra thức. Mà thức thì hay phân biệt nên để tên là Ý. Ðầu tiên nhìn sự vật thấy nghe, biết theo tham vọng, nhưng khi xả tục xuất gia, lòng không nghỉ đến thì vật chúng ta thấy, âm thanh chúng ta nghe, hoàn toàn đổi khác tâm thanh tịnh, vật tùy thuận theo, ý nầy được kinh diễn tả là Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh xuất gia tám vương tử cũng xuất gia theo. Tám vương tử tài giỏi thống trị thiên hạ xuất gia cũng có nghĩa là khi chúng ta phát tâm tu, tám thức rất thông lợi trở thành dụng cụ giáo hoá chúng sanh.
            Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thứ 20,000 vào trần ai cuối cùng cũng thành Phật cũng giống 20,000 Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh trước gợi cho chúng ta liên tưởng đến Phật Thích Ca khi chưa sanh và sanh rồi mang thân người cũng giống như chúng ta và Ngài tu thành đạo dưới cội Bồ Ðề trở về trạng thái chơn tâm ban đầu của Ngài tức là qua lại con đường hai chiều từ bản thể đi vào hiện tượng giới và từ hiện tượng giới trở về bản thể giới.
            Ðức Phật Thích Ca và Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh đều nói pháp giống nhau và theo cùng một nghi thức giống nhau đã thể hiện chân lý chỉ có một. Nếu hai đức Phật nói pháp không giống nhau thì pháp đó không phải là pháp chân thật, chỉ là phương tiện.
            Sự kiện Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thuyết xong Kinh Vô Lượng Nghĩa cũng ngồi yên lặng nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ Ðịnh, thân tâm không lay động. Sau khi xuất định, vì Diệu Quang Bồ Tát mà nói kinh Ðại Thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Trải qua 60 tiểu kiếp không rời chỗ ngồi, đại chúng nghe pháp cũng ngồi một chỗ cho đến 60 tiểu kiếp không hề lay động. Một tiểu kiếp bằng 16,798,000.00 có nghĩa là 1007,880,000 năm và thấy thời gian chừng như bữa ăn...
Thật là kỳ diệu! Chúng ta chỉ có ngồi nghe pháp liên tục khoản chừng hai giờ là đã thấy lười mỏi, trong khi đó thính chúng trong pháp hội Đức Phật ngồi nghe pháp trên một tỷ năm mà thân tâm không lay động, không lười mỏi. Ðiều nầy, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thông thường thì không thấy được chân lý. Sự thật là như vậy, học kinh Ðại Thừa nếu kẹt vào văn tự thì không thể hiểu nổi yếu nghĩa, và diệu dụng. Ở đây, Phật vì Bồ Tát Diệu Quang nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, mà Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là chỉ cho Tri Kiến Phật không hình, không tướng, không sanh, không diệt, vượt ra ngoài không gian và thời gian, Phật nói Kinh Pháp Hoa để chỉ cho Tri Kiến, thì thời gian và không gian đối với tri kiến Phật là vô nghĩa, nên nói tâm bất động, thân không ăn uống, ngồi lâu mà chẳng lười mỏi. Nhập được Diệu Pháp Liên Hoa là thể nhập Tri Kiến của chính mình. Bởi vì tri kiến Phật vốn không hình, không tướng, không sanh không diệt, cho nên không có chỗ dựa vào để phân biệt thời gian lâu hay mau là như vậy.  
Những hiện tượng phóng quang, hiện cảnh dẫn chúng hội tiếp cận chân lý giống như Ðức Phật Thích Ca. Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh phóng quang cho thấy toàn bộ thế giới sanh diệt, thấy tất cả Phật ra đời thuyết pháp giáo hoá tu hành cũng có nghĩa là tất cả những diễn biến không nằm ngoài trí hay hiểu biết của Ðức Phật. Vì vậy Kinh Pháp Hoa là Tối Thượng Thừa của Chư Phật, nhưng nếu mang tâm trạng phàm phu, hay nhị thừa để hiểu Kinh thì Kinh sẽ trở nên tầm thường nhỏ bé như tâm phàm phu, nhị thừa chứ không thể là tuệ giác của chư Phật.
            Toàn cảnh trong ánh quang Phật hiện ra hay muốn xử dụng thật tướng đi vào thế giới Pháp Hoa đòi hỏi chúng ta phải có trình độ hiểu biết, và tu chứng vì nó linh hoạt biến hoá vô cùng, chứ không phải là việc cố định. Do vậy,  tuy ngồi yên nhưng tất cả những biến hoá phải theo sự chỉ đạo của chúng ta. Qua quá trình tu hành, mỗi lần chúng ta phá một phần vô minh thì là một phần pháp thân hiển ra giúp cho sự tương quan giữa chúng ta và cuộc đời tốt thêm một phần. Tâm lý thông thường chúng ta thường khắc phục mặt xấu để phát triển cái tốt, nhưng phạm phải sai lầm là chỉ lo khắc phục bên ngoài thôi, mà không lo về phần nội tâm. Ðức Phật dạy chúng ta chính yếu cần khắc phần xấu bên trong tức là phần nội tâm chúng ta để có được sự tương quan những điều xấu giữa chúng ta và người giảm lần đến khi sự tương quan cái xấu mất hẳn, thì lúc đó sự tương quan cái tốt phát triển toàn bộ. Lúc  bấy giờ chúng ta đối với chúng sanh hay nói chung đối với các pháp không còn ở trong vòng thế giới nghiệp mà là chuyển toàn bộ sự liên hệ giữa các pháp với nhau trong pháp giới thuần tịnh. Ðức Phật là mẫu người tiêu biểu thực hiện được sự điều động pháp giới bằng cách chỉ ngồi yên, sự dụng lực bất tư nghì nầy làm cho mọi vật trở thành tốt và chỉ đến thời thuyết Kinh Pháp Hoa, Ngài mới thể hiện trọn vẹn tinh thần vô tác diệu lực. Với tinh thần vô tác diệu lực nầy không bó buộc, cưỡng ép hay dùng khôn khéo bắt người làm, nhưng lại điều động được mọi người bằng đạo đức, bằng cảm tình tốt làm cho mọi người hướng về và tự động làm theo Ngài.
Nói xong Kinh Pháp Hoa, phô bày chân lý xong, đức Phật vào trong Niết Bàn. Chúng ta tự hỏi, tại sao Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh sau khi nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong, liền tuyên bố giữa đêm sẽ vào Vô Dư Niết Bàn. Lý do là bản hoài của chư Phật ra đời với mục đích là chỉ cho chúng sanh nhận đưọc Tri Kiến Phật của chính mình, mà nhận được tri kiến Phật đó là cách nhân tu, dẹp sạch vô minh, vọng tưởng, Tri Kiến Phật thường hiện tiền đó là quả Phật. Mục đích cứu cánh mà Phật muốn đưa chúng sanh đến, đó là thể nhập Tri Kiến Phật. Nhưng vì quá cao sâu, nói ra sợ người đời không hiểu, vì vậy Phật mới nói Tam Thừa:
- Vì Thanh Văn nói Tứ Ðế
- Vì Duyên Giác nói Thập Nhị Nhân Duyên
- Vì Bồ Tát nói Lục Ðộ Ba La Mật.
Mục tiêu cuối cùng mà Phật muốn đưa chúng sanh đến đó là quả vị Phật, tức là Ngộ Tri Kiến Phật mà Kinh Pháp Hoa chỉ dạy. Sở dĩ từ trước Đức Phật muốn chỉ mà chưa chỉ được vì là pháp khó hiểu khó tin, đợi đến khi căn cơ của chúng sanh thuần thục thì Ngài mới nói, và khi nói xong Phật Thừa, và chúng sanh đã nhận biết được thì bản nguyện đã viên mãn, cho nên Ngài nhập Niết Bàn.
           Vào Niết Bàn không có nghĩa là Ngài chết vì dù Phật không hiện hữu nơi đây, nhưng chúng ta đều đang bước theo lộ trình của Ngài. Như vậy, Đức Phật Thích Ca vẫn đã và đang điều động dưới dạng diệu lực của Ngài mà chúng ta không hề cảm thấy bị bó buộc.
Một điểm kỳ đặc của Kinh Pháp Hoa so với những kinh khác từ thời Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh đã có cho chúng ta thấy, Ngài Văn Thù Sư Lợi mang tên Diệu Quang. Diệu Quang có nghĩa là ánh sáng nhiệm mầu, tức là Trí Căn Bản, có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Ngài Di Lặc tên Cầu Danh. Dẫn từ vô lượng ức kiếp cho đến nay, hai vị Bồ Tát nầy thường làm đạo song hành với nhau. Ðứng trên bình diện Báo Thân, các Ngài vẫn là quyến thuộc với nhau và thường theo đức Phật. Sự hiện hữu miên viễn của hai vị Bồ Tát nầy khiến chúng ta cảm nhận ngoài thế giới hữu hạn nhìn thấy được bằng con mắt phàm phu và cuộc sống đoạn kiến của con người giả tạm, còn có tâm thức không sanh diệt là pháp thân Phật tồn tại bất sanh bất diệt ở thế giới thường Tịch Quang. Ðức Phật và các Ðại Bồ Tát nhờ trụ pháp thân nên mọi thấy biết đều thông suốt và tất cả hiện hữu trước mặt tùy theo ý muốn. Trái lại chúng ta vì trụ trong ngũ ấm thân, và nghiệp, nên chúng ta không thấy được quá khứ. Khi phát tâm tu rồi lần lần thâm nhập tuệ giác, sống trọn vẹn trong pháp, chúng ta sẽ thấy nhiều đời trước, hiểu được từng kiếp và biết được tương quan giữa chúng ta với người khác nên không còn sợ hãi kinh nghi nữa. Từ đó mọi khổ đau, khó khăn mà chúng ta đã vô tình tạo từ vô thỉ kiếp nay mới lãnh thọ quả báo nầy, tuy nhiên khi nhận chân được rằng chúng ta tồn tại trong pháp thân và chỉ cần nương vào pháp thân nầy tu thì mới đắc đạo. Vì thế khi chưa sử dụng được Pháp Thân, chúng ta phải tu các pháp khác để trợ duyên và sau nầy sẽ hiển hiện Pháp Thân.
Câu hỏi thứ hai chúng ta đưa ra là, tại sao Phật nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với Diệu Quang Bồ Tát mà lại thọ ký cho Bồ Tát Ðức Tạng?
- Diệu Quang Bồ Tát là tiêu biểu cho Căn Bản Trí, mà Trí Căn Bản tức là Phật tánh tròn sáng cho nên không cần thọ ký. Còn Bồ Tát Ðức Tạng là chỉ cho kho công đức khi đã tu hành viên mãn, tức là Sai Biệt Trí tương tự như Bồ Tát Phổ Hiền giáo hoá làm lợi ích chúng sanh, khi đầy đủ công đức rồi thì thành Phật. Vì vậy Phật nói Pháp là nói với Ngài Diệu Quang Bồ Tát, và thọ ký là thọ ký cho Bồ Tát Ðức Tạng là ý nghĩa nầy.
Câu hỏi thứ ba Bồ Tát Diệu Quang từ trước đã giáo hóa cho bao nhiêu Bồ Tát thành Phật rồi, mà sao cho đến bây giờ ngài vẫn còn làm Bồ Tát hiệu Văn Thù? Trong khi đó trong hội Pháp Hoa, Phật thọ ký cho vô số Bồ Tát thành Phật, ngay cả như Bồ Tát Cầu Danh tham ưa danh lợi, tu hành lôi thôi mà cũng được thọ ký cho sau nầy thành Phật hiệu là Di Lặc. Tại sao Ðức Phật không thọ ký cho Bồ Tát Văn Thù?
- Tuy có cầu danh, nhưng nhờ có duyên lành nên gặp Phật và tu hành. Khi biết rõ vọng tưởng không thật, đó là chánh trí, đã có Chánh Trí thì trở lại Như Như tức là thành Phật. Mặc dầu Bồ Tát Cầu Danh có nghĩa là thức chạy theo danh tướng bên ngoài, nhưng nếu khéo chuyển thì sẽ thành Trí do đó mà thọ ký thành Phật. Còn Văn Thù Bồ Tát tượng trưng cho căn bản trí, mà căn bản trí là tánh Phật, đã tánh Phật thì không cần thọ ký nữa.
Một cách tổng quát ở đây nêu bày cho chúng ta thấy rằng:
- Tất cả mọi chúng sanh đều có sẵn tánh giác, nhờ khéo tu, chuyển thức thành trí, công hạnh độ sanh viên mãn thì thành Phật. Ðó là tiêu biểu cho Trí Căn Bản và Trí Sai Biệt. Trí Sai Biệt chỉ có Phật mới có, còn Trí Căn bản mọi người ai cũng có sẵn. Chẳng hạn như chúng ta thấy sóng biển, chúng ta biết chắc nhờ có nước nên mới có sóng. Cũng vậy nếu chúng ta không có Trí Căn Bản thì động cơ nào thúc đẩy chúng ta tu học, phát Bồ Ðề Tâm để cầu đạo giác ngộ. Phát tâm Bồ Ðề là phát tâm giác, mà phát tâm giác là phải có sẵn động cơ giác là Trí Căn Bản.
Kinh mượn hai nhân vật Văn Thù Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát hiện hữu từ quá khứ dẫn đến hiện tại để nói lên tinh thần của một con người tu Bồ Tát Ðạo lúc nào từ bi và trí tuệ cũng phải luôn luôn song hành với nhau. Di Lặc thường tới nhà giàu, bỏ quên việc đọc tụng kinh điển, điều nầy gợi nhắc chúng ta trên bước đường làm Phật Sự cần lưu ý việc làm của chúng ta có giống Di Lặc không? Di Lặc dịch từ chữ Maitreya nghĩa là từ Thị, tiêu biểu cho lòng từ bi đối với chúng sanh, và vì nghĩ tới chúng sanh và sống với chúng sanh nhiều quá nên không tiếp cận Phật quên mất kinh điển, lo tu phước nhiều nên mất phần trí tuệ, trong khi Văn Thù Sư Lợi hay Diệu Quang tiêu biểu cho người giữ tạng trí tuệ của Như Lai. Vì thế Di Lặc mà thiếu Văn Thù mọi việc sẽ bế tắc nên Di Lặc phải nhờ Văn Thù giải đáp. Văn Thù cho biết nhìn hiện tượng của Phật Thích Ca và của Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh không khác nên kết luận Ðức Phật sẽ tuyên nói Kinh Pháp Hoa.
            Chúng ta thấy ở Phẩm nầy nêu lên các vị Bồ Tát tiêu biểu mở đầu là Bồ Tát Di Lặc, nghi vấn những hiện tượng kỳ diệu mà Phật hiện ra trước khi nói Kinh Vô Lượng Nghĩa và được Bồ tát Văn Thù giải đáp, để thấy Kinh Pháp Hoa chỉ thẳng vào tri kiến Phật, phật tánh của mọi người, nếu dùng thức Phân biệt thì không thể thấy biết, vì thế nhờ vào Trí Căn Bản mới nhận được. Ðoạn sau Bồ Tát Văn Thù giải nghi cho Bồ Tát Di Lặc bằng một câu chuyện tiền kiếp:
            - Cầu Danh ngày xưa chính là Bồ Tát Di lặc ngày nay, và Bồ Tát Diệu Quang ngày xưa chính là Bồ Tát Văn Thù ngày nay.
Điều nầy muốn nói lên cái Căn Bản Trí tức là Văn Thù, thúc đẩy con người phát Bồ Ðề Tâm, còn Cầu Danh là thức nếu khéo tu đúng theo lời Phật dạy thì cũng chuyển thức thành trí. Khi mê, thì vọng thức chạy theo danh tướng. Khi tỉnh, thì chánh trí hiện, lúc không còn chạy theo danh tướng tức khắc thành Như Lai. Cho nên Ngài Cầu Danh được thọ ký sẽ thành Phật hiệu là Di Lặc sau Phật Thích Ca.
Nói tóm lại, cuộc đời giáo hoá của đức Phật Thích Ca từ kiếp lâu xa không thể kể xiết cho đến khi thành Phật được thể hiện trong Phẩm Tựa là phẩm mở đầu bộ kinh. Chúng ta thấy Đức Phật đã hiển thần lực cho chúng hội thấy được thật tướng các Pháp bất tư nghì, bất sanh bất diệt, Thập Nhị Nhân Duyên, Vô Tác Tứ Ðế và giới thiệu cảnh giới Phật trong đó có đầy đủ chín cảnh giới khác để chúng ta hướng tâm về đó học hỏi thọ trì. Như vậy, một khi chúng ta có kết hợp được hiện tượng giới và bản thể giới thì mới có thể bao hàm đầy đủ ý nghĩa: Nhân, Hạnh, Quả và Ðức của mười phương chư Phật nói chung, đức Thích Ca nói riêng. Đồng thời chúng ta cũng phải dùng hình ảnh biểu trưng để hiển bày lý chân thật tuyệt đối là Tri Kiến Phật chớ không thể dùng ngôn ngữ con người phàm phu để diễn tả mà được. Vì vậy chúng ta không nên kẹt trên ngôn ngữ thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của kinh Pháp Hoa.
--o0o--