TẬP SAN DƯỢC SƯ

Khái Niệm Về Nghiệp
Thông Ðức
--o0o--

 

Theo định nghĩa được tìm thấy trước khi Phật Giao có mặt thì chữ Nghiệp được dùng để chỉ các nghi lễ tôn giáo, hay bổn phận của mỗi cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn như trong sơ yếu lý lịch của mỗi người có chữ nghề nghiệp. Thường thường thì người ta để là nghề nghiệp: Công chức, tu sĩ... 
Trong kinh điển Phật Giáo, chữ Karma cũng được dùng với nghĩa nghiệp vụ hay nghề nghiệp khác nhau của mỗi người. Như thế chứng tỏ rằng trong một vài khía cạnh chữ Nghiệp trong Phật Giáo và trong văn học nhân gian trước khi Phật Giáo xuất hiện có cùng một nghĩa tương tự như nhau.
Tuy nhiên đó chỉ là nghĩa phụ thuộc. Về phương diện triết học, chữ nghiệp có một nghĩa chuyên môn đặc biệt và chỉ có đề cập trong văn học Phật Giáo mà thôi. Đức Phật dạy rằng:
- Này các vị Tỳ khưu, Như Lai chủ trương rằng cố ý tức là Nghiệp.
Định nghĩa này rất phổ thông mà bất cứ ai nghiên cứu kinh điển Phật Giáo cũng đều biết đến. Như vậy, chữ Nghiệp ở đây được dùng để chỉ những hành động cố ý. Những hành động này có thể là Thiện hay còn gọi Thiện Nghiệp, có thể là Bất Thiện hay Bất Thiện Nghiệp, có thể được biểu hiệu qua thân gọi là Thân Nghiệp, qua miệng gọi là Khẩu nghiệp hay qua ý thức thuần túy gọi là Ý Nghiệp.
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về kết quả của những hành động thiện hay ác này, dù kết quả đó tốt hay xấu, vui hay khổ, giàu hay nghèo ... Nghiệp quả này có thể xuất hiện trong kiếp sống hiện tại, kiếp kế cận hay bất cứ kiếp sống nào trong tương lai tùy theo tiềm lực của chúng nặng hay nhẹ, mạnh hay yếu ... Cũng có khi nghiệp quả không hiệu nghiệm, vì chúng quá yếu ớt, không có đủ điều kiện, hay nói theo danh từ chuyên môn là không đủ nhân duyên, để hiện khởi.
Ðứng trên phương diện nhân quả thuần tuý về ý nghiệp một cách nghiêm túc thì cho dù chúng ta chỉ:
- Hoặc tự giết, hoặc xúi bảo người ta giết, hoặc thấy giết mà vui theo thì cũng đều tạo nghiệp sát sanh.
Theo luật pháp hiện hành, nếu chúng ta nghiên cứu sâu xa hơn, thì chúng ta sẽ thấy, được gọi là người có tội luôn luôn dựa trên hai tiêu chuẩn:
- Vô tình và cố ý
Theo như người đời thường bảo:
- Vô tình thì không tội hoặc tội nhẹ có thể tha, nhưng cố ý thì có tội, không những có tội mà còn tội nặng không thể tha.
Tuy nhiên nếu phân tích kỷ thì cố ý chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để tạo nghiệp, trừ khi đó là ý Nghiệp thuần túy như chúng tôi vừa trình bày. Quả thật như vậy, nếu căn cứ theo luật pháp hiện hành, một người được coi là có tội, không phải chỉ mới nảy sanh trong ý thức mà còn cần đến sự hổ trợ của thân và miệng. Thí dụ như một người chưa thể bị ghép tội sát nhân khi anh ta mới có ý định đó. Vì vậy trong kinh tạng Pali phân định rất rõ ràng 5 điều kiện hội đủ để kết tội sát sanh:
1- Người hay vật có sự sống
2- Biết rằng người hay vật còn sống
3- Có ý muốn giết
4- Cố gắng giết
5- Người hay vật ấy chết bởi hành động cố sát của mình.
Như vậy chỉ đơn thuần một điều kiện thứ 3, tức là mới có ý định, chưa đủ để buộc tội sát sanh. Tuy nhiên điều kiện thứ 3 là điều kiện tất yếu, không có nó không thể gọi là nghiệp. Bởi vì như một hành động vô ý của chúng ta gây nên một án mạng, thì đó không phải là tội cố sát, mà chỉ có tội ngộ sát thôi. Những nghiệp biểu hiện qua miệng cũng vậy, phải đòi hỏi những điều kiện tương tự mới thành tựu được.
Nói một cách vắn tắt, chữ nghiệp được dùng trong Phật Giáo để chỉ những hành động cố ý, qua thân, miệng hay ý và được thẩm định giá trị thiện ác tùy theo kết quả của hành động.
Trong kinh Cùlakammavibhanga, một thanh niên Bà La Môn đến yết kiến Đức Phật và yêu cầu Ngài giải thích tại sao trong nhân loại:
- Có người yểu tử,
- Có người lại sống lâu,
- Có người bịnh hoạn,
- Có người lại mạnh khoẻ,
- Có người xấu xa, kẻ xinh đẹp,
- Có người nghèo hèn, kẻ sang giàu, có người địa vị cao vọng, kẻ lại khốn khổ bần cùng ...
Nguyên nhân nào khiến cho có sự không bình đẳng như thế giữa con người với con người trong xã hội. Đức Phật nhân đó trả lời rằng:
- Chúng sanh thọ lãnh báo ứng của Nghiệp mà họ đã tạo tác và chính vì nghiệp báo này mà có sự không bình đẳng giữa tất cả chúng sanh.
Quả thật, vì sự hành xử của mỗi người có khác, cho nên đã và đang tạo nên những sự chênh lệch sai biệt trong xã hội con người, và dầu muốn dầu không chúng ta cũng có thể chứng kiến được sự thật hiển nhiên là có sự thiên lệch rõ rệt trong xã hội loài người nói riêng và chúng sanh nói chung. Một điểm đáng được lưu ý trong Phật Giáo đó là
- Khi Đạo Phật đã chứng tỏ được nguyên nhân của sự bất đồng đó thì dĩ nhiên Đạo Phật cũng chủ trương san bằng những bất công trong xã hội.
Thật vậy, những bất công trong xã hội chúng ta có thể san bằng, hay làm giảm đi ít nhất trên hai phương diện:
1- Vật Chất:
Nếu được cải tạo khéo léo thì trật tự xã hội sẽ ổn định, con người có thể sống lâu hơn, mạnh khoẻ hơn, những sự chênh lệch về vật chất được giảm thiểu để đưa xã hội đến chỗ tương đối bình đẳng hơn. Hiện tại chúng ta thấy một nước tiên tiến như Hoa Kỳ không những chủ trương cho xã hội Hoa Kỳ mà khắp mọi nơi trên thế giới.
2- Tinh Thần:
Chúng ta đã biết sự bất đồng gây nên do mức độ tham lam, sân hận và si mê nhiều hay ít. Vì vậy muốn san bằng những bất đồng về tinh thần thì phải tiêu diệt tham, sân, si bằng những đức tính Bố Thí, Từ Bi và Trí Tuệ. Từ ngàn xưa Ðạo Phật đã chủ trương như vậy.
Ðây là hai điều kiện tất yếu chúng ta thường gặp trong xã hội hiện đại, cho nên nếu chúng ta thông suốt được tác động vận chuyển của nghiệp tức là đã đắc Đệ Nhị Minh, trong Tam Minh:
- Túc Mạng Minh
- Lậu Tận Minh
Hai minh nầy Đức Phật đã chứng ngộ trong đêm thành đạo. Khi ấy tâm của Ngài nghiêm tịnh, thanh khiết, vô nhiễm, thoát ly khỏi các lậu hoặc và tự tại. Ngài chuyên chú vào hiện tượng sinh tử của chúng sinh và với Thiên Nhãn, Ngài thấy chúng sanh có kẻ cao thượng, người thấp hèn, kẻ xinh đẹp người xấu xa, kẻ hạnh phúc người đau khổ. Sinh sinh, tử tử tùy theo nghiệp của họ.
Trong kinh Trung Bộ Kinh, Đức Phật nói đến sự chứng nghiệm của Ngài như là một cuộc thực nghiệm khoa học. Ngài chỉ dạy có 6 con đường gọi là lục đạo. Lục đạo đó là:
- Trời.
- Người
- A Tu La
- Súc sanh,
- Ngạ quỉ,
- Địa ngục,
Ngài nói:
- Như Lai biết rõ những cõi địa ngục, con đường dẫn tới địa ngục hay những loại nghiệp nào đưa vào cảnh giới khổ đau này sau khi chết. Này Thầy Xá Lợi Phất, Như Lai biết rõ tâm của mỗi chúng sanh trong đó, chúng sanh nào vì hành động như thế nào, tạo những nghiệp nhân như thế nào, rồi phải bị sanh vào địa ngục như thế nào sau khi thân hoại mạng chung.
Với tâm thanh tịnh, sáng suốt và siêu việt Ðức Phật đã thấy những chúng sanh đọa vào địa ngục chịu nhiều đau khổ, và những chúng sanh khác vào cảnh giới súc sanh, ngạ quỉ cũng chịu nhiều bất hạnh tương tự. Chỉ có chúng sanh sinh vào cõi người tương đối sống hạnh phúc hơn, và chúng sanh sinh vào cõi trời được hưởng nhiều an lạc.
Sự vận chuyển của dòng nghiệp báo chỉ là một trường hợp đặc biệt của nguyên lý nhân quả trong đó gồm những định luật sinh lý, vật lý, tâm lý và nghiệp lý.
Định luật nghiệp báo còn được gọi là Luật Nhân Quả của hành động thiện hay bất thiện. Theo Phật Giáo, Nghiệp báo không có nghĩa là định mạng, vì vậy định luật nghiệp báo không cố định mà thường được xem như là những khuynh hướng, và vì khuynh hướng cho nên chúng ta có thể thay đổi khuynh hướng. Theo kinh Cùlakammavibhanga thì thường một nghiệp nhân thiện có khuynh hướng đem lại một nghiệp quả lành, một nghiệp nhân bất thiện có khuynh hướng đưa đến một nghiệp quả dữ.
Nếu phân tích chi tiết hơn chúng ta thấy nghiệp được phân loại theo 4 cách:
1- Về Phương Diện Hành Xử Hằng Ngày,
Nghiệp có bốn loại:
- Sanh nghiệp:
Là nghiệp lực chi phối công cuộc tái sanh vào các cảnh giới. Thức tái sanh và sắc uẩn đầu tiên của mỗi con người, hay bất cứ các loại sinh loại nào cũng đều tùy thuộc vào sanh nghiệp này.
- Tử nghiệp:
Là nghiệp lực duy trì sự sinh tồn của một chúng sanh từ khi mới sanh cho đến khi lâm chung. Con người được hưởng hạnh phúc trong kiếp sống của họ hay không tùy thuộc ở trì nghiệp này.
- Chuyển Nghiệp:
Là nghiệp lực làm trở ngại sanh nghiệp khiến cho đời sống đang bình thường bỗng gặp khó khăn.
- Đoạn Nghiệp:
Là nghiệp lực cắt đứt sanh nghiệp. Như một người bị chết bất đắc kỳ tử. Như vậy theo quan niệm của Phật Giáo, chết bất đắc kỳ tử không phải do định mệnh hay số phận, cũng không phải oan uổng mà chính vì đoạn nghiệp của một người quá mạnh khiến cho kiếp sống bị đứt đoạn nửa chừng.
2- Về Phương Diện Quả Báo
Nghiệp có bốn loại :
- Cực Trọng Nghiệp:
Là nghiệp lực rất mạnh, nếu là nghiệp ác có thể sa đọa vào địa ngục vô gián thì gọi là vô gián nghiệp. Những nghiệp cực-trọng đó là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, chia rẽ Tăng chúng và gây thương tích cho Đức Phật. Nghiệp nầy còn gọi là ngũ nghịch.
- Cận Tử Nghiệp:
Là nghiệp tạo lúc lâm chung. Nghiệp này có thể do hành động, lời nói hay chỉ nhớ lại những nghiệp đã làm lúc sanh tiền. Một người có thể từng làm nhiều việc thiện, nhưng khi chết nhớ lại một điều ác nào đó rồi sanh vào cảnh khổ. Trái lại một người suốt đời hầu như làm ác nhưng lúc lâm chung giữ được tâm niệm lành thì vẫn được sanh vào nhàn cảnh. Tuy nhiên những hành động thiện hay ác kia vẫn còn tích trữ cho đến khi hội đủ nhân duyên sẽ phát khởi.
- Tập Quán Nghiệp:
Là nghiệp thường được tạo tác trong suốt kiếp sống của ta và nó đã trở thành tập quán. Như một người đồ tể đã biến hành động giết chóc thành thói quen không bỏ được. Do đó, nếu là tập quán bất thiện thì rất nguy hiểm cho sự tu tập. Trái lại nếu đó là tập quán thiện thì đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc tu tập hơn.
- Tích Lũy Nghiệp:
Là những nghiệp lực còn duy trì chưa phát hiện vì chưa đủ nhân duyên hay điều kiện thuận tiện. Thường nghiệp này không mạnh lắm, nên làm xong có thể quên ngay.
3- Về Phương Diện Thời Gian,
Nghiệp có bốn loại:
- Hiện Báo Nghiệp:
Là những nghiệp gây hậu quả ngay trong kiếp hiện tại. Như một người ăn trộm bị bắt cầm tù, hay những tội nhân bị bắt quả tang và bị tử hình ...
- Sanh Báo Nghiệp:
Là những nghiệp đem lại hậu quả trong một kiếp kế tiếp. Như một người bố thí, trì giới và tâm hồn thanh tịnh khi lâm chung được tái sanh nơi nhàn cảnh. Trái lại những người sát sanh, trộm cướp... sau khi lâm chung bị sa đọa vào bốn ác đạo.
- Hậu Báo Nghiệp:
Nếu nghiệp chưa được trả quả trong kiếp hiện tại hay trong kiếp kế cận, thì sẽ phát khởi trong bất cứ một kiếp nào về sau khi hội đủ điều kiện. Thường nghiệp lực này không mạnh lắm. Đây chỉ là trường hợp một người làm lành khi lâm chung có tâm niệm bất thiện, phải tái sanh trong khổ cảnh và sau kiếp sống đó mới nhận được quả lành đã làm trong quá khứ. Trái lại một người làm ác, với tâm niệm lành lúc lâm chung có thể tái sanh trong nhàn cảnh và sau kiếp sống đó mới chịu đau khổ do kết quả của hành động bất thiện trước kia.
Đó là lý do tại sao một vài đạo sĩ, hay ngoại đạo khi thấy một chúng sanh làm ác sau khi thân hoại mạng chung vẫn được sanh vào nhàn cảnh và kết luận rằng không có kết quả của hành động thiện ác. Thật ra, vì họ chỉ thấy được một vài kiếp sống chứ chưa chứng kiến được toàn diện hiện tượng nghiệp báo.
- Vô Hiệu Nghiệp:
Là những nghiệp đáng lý có kết quả trong kiếp hiện tại hay kiếp sau, nhưng không đủ yếu tố để phát khởi nên trở thành vô hiệu quả. Nhất là trường hợp Đức Phật và các vị A La Hán, những nghiệp lực yếu ớt còn sót lại không chi phối được các Ngài.
4- Về Phương Diện Thọ Nhận Quả Báo
Nghiệp có bốn loại:
- Bất Thiện Nghiệp:
Ðược gọi là bất thiện nghiệp là những nghiệp như: Sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói hai lưỡi, ác ngữ, nói lời vô ích, tham, sân và tà kiến. Phạm vào những nghiệp nầy, tội nhân phải trả quả trong bốn đường ác đạo hay làm người trong tình trạng bất hạnh.
- Dục Giới Thiện Nghiệp:
Những nghiệp này là phóng sanh, bố thí, phạm hạnh, chân thật, nói lời hòa hợp, ái ngữ, nói lời hữu ích, không tham, không sân và chánh kiến. Phước báo của những người tu tạo là được sanh về sáu cõi trời dục giới, ở đó chúng sanh được hưởng đời sống hạnh phúc, hoặc trả quả làm người được sống an lạc.
- Sắc Giới Thiện Nghiệp:
Là kết quả của thiền định hữu sắc, những người đắc được bốn bực thiền hữu sắc sẽ tái sinh trong 16 cõi sắc giới thiên. ở đó chúng sanh sống rất an tịnh không tham sân và si.
- Vô Sắc Giới Thiện Nghiệp:
Là những kết quả của các bậc thiền vô sắc. Có bốn cõi vô sắc giới thiên, trong đó đời sống rất vi tế, thanh tịnh và tự tại. Các chúng sanh ở đó sống rất lâu nhưng đến khi phước báo không còn hiệu lực, họ cũng phải trở lại dục giới chịu những quả vui khổ họ đã tạo trước kia.
Như vừa rồi quý vi đã nghe nói sơ qua Khái Niệm Về Nghiệp theo tinh thần của Phật Giáo, có người hỏi, như vậy theo quan niệm của Phật Giáo Triết Lý Về Nghiệp khác với thuyết tiền định, thuyết định mệnh và thuyết di truyền như thế nào.
1- Thuyết Ðịnh Mệnh
Như chúng tôi đã đề cập trước đây, sự liên quan của nghiệp báo khác hẳn với thuyết định mệnh vì nghiệp không phải là yếu tố duy nhất, độc đoán chi phối đời sống con người, và chúng ta có thể tiêu diệt hay biến đổi nghiệp cùng với những điều kiện khác để vươn lên.
Theo kinh điển Bà La Môn cho rằng mọi hành động của con người đều bị chi phối bởi thiên nhiên và thiên nhiên lại được vị trời Phạm Thiên, hay Thượng đế an bài định đoạt. Bởi thế con người đành phải bó tay trước số phận mà tạo hóa đã định sẵn, hoặc phải cúng tế để cầu xin được gia ân, ban phúc.
Ðiều nầy chắc chắn sẽ có người không chịu nổi số phận quá đen tối của mình mà tự hỏi không biết ai đã trao cho tạo hóa cái thứ quyền năng độc đoán, bất công như thế nầy. Vì sao tạo hóa lại định số phận mỗi người một khác. Như vậy nếu nói đấng tạo hóa toàn năng thì Ngài không toàn thiện, vì Ngài đã tạo một sự chênh lệch lớn lao giữa con người với con người. Nhưng nếu Ngài là người toàn thiện thì không toàn năng vì Ngài không đủ sức san bằng sự chênh lệch đó để đưa con người đến chỗ tương đối hạnh phúc hơn.
Dĩ nhiên con người có quyền đưa ra những vấn nạn hữu lý đó. Vì không lý gì, trong cái thời mà con người đã ý thức được chủ quyền và nhân bản lại bị cưỡng bách phải chịu qui phục trước một tha lực chuyên chế hoàn toàn không do chúng ta chủ động.
Theo Đạo Phật thì con người là thượng đế của chính mình chứ không ai khác. Vì tất cả các điều kiện, kể cả nghiệp đều có thể tự mình sửa đổi được. Bởi thế, hạnh phúc hay đau khổ đều do mỗi cá nhân tạo lấy cho chính mình. Được tự do hay nô lệ tùy thuộc ở chỗ con người làm chủ các điều kiện hay bị các điều kiện làm chủ.
- Thuyết Di Truyền:
Về phương diện thuyết di truyền, mặc dù Đạo Phật nhìn nhận rằng luật di truyền có ảnh hưởng đến đời sống con người, nhưng di truyền không phải là một yếu tố quyết định duy nhất như một vài nhà tư tưởng hay khoa học đã từng chủ trương. Di truyền và nghiệp là hai yếu tố khác nhau trong những điều kiện tạo thành đời sống con người:
- Di truyền thuộc về điều kiện sinh lý, trong khi nghiệp đặt căn bản trên ý chí. Một người có thể có một đặc tính thể chất nào đó từ cha mẹ di truyền lại, nhưng chính nghiệp lực do chúng ta tạo ra có ái lực đối với đặc tính đó, sự tương ứng này gọi là nhân duyên tương khởi.
Trong trường hợp tính tình thì nguồn gốc dường như không phải là di truyền mà là nghiệp lực hay những điều kiện xã hội. Một cụ thể cho chúng ta thấy, rất có thể hai đứa con song sinh ít khi có tính tình giống nhau, và nếu chúng được đặt trong những điều kiện xã hội khác nhau thì tính tình lại càng biến đổi. Như vậy yếu tố di truyền không phải là yếu tố quyết định.
Một cách ngắn gọn, Ðạo Phật không chấp nhận thuyết định mệnh, và thuyết di truyền. Đạo Phật cũng không chấp nhận thuyết tiền định và xem nghiệp quá khứ chỉ là một trong những yếu tố chi phối đời sống hay kinh nghiệm vui khổ của con người mà thôi. Theo Đạo Phật, con người không phải sống tùy thuộc hoàn toàn vào nghiệp quá khứ mà chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau:
- Yếu Tố Ngoại Giới:
Như điều kiện thời tiết, ảnh hưởng của vị trí, phương hướng, cũng như những tình trạng xã hội ...
- Yếu Tố Vật Lý:
Tức là những điều kiện vật chất, những ảnh hưởng của hiện tượng vật lý.
- Yếu Tố Sinh Lý:
Tức là điều kiện cấu tạo, vận chuyển và tiến hóa của cơ thể, kể cả luật di truyền.
- Yếu Tố Tâm Lý:
Tức là những định luật về hiện tượng nội giới. Điều này được Đức Phật phân tích rõ ràng trong A Tỳ Ðạt Ma Thắng Pháp Luận
- Yếu Tố Nghiệp Lý:
Tức là nguyên lý nhân quả của hành động cố ý như chúng tôi đã có lần định nghĩa và phân loại ở trên.
Như vậy đời sống của con người phối hợp bởi nhiều yếu tố, và ảnh hưởng bởi nhiều môi trường chứ không hoàn toàn do nghiệp quá khứ của mình, không do quyết định độc đoán của một ngoại nhân nào, cũng không ngẫu nhiên mà có. Con người cũng như vạn loại hữu tình đều hình thành bởi nhiều nhân duyên. Nếu có người hiểu rõ tất cả những điều kiện đó họ có thể chế ngự thiên nhiên và chính mình để đạt đến chỗ tự tại vô ngại.
Đạo Phật nhằm mục đích tiêu diệt mọi điều kiện ràng buộc con người để đưa đến vô điều kiện tức là Niết Bàn, là giải thoát.
Như vậy Nghiệp là một định luật Nhân Quả công bằng trong đó có tự do và trách nhiệm, khác hẳn với định mệnh thuyết cho rằng con người phải chịu số phận mà trời đã định sẵn, họ không có quyền tự do quyết định tạo lấy cho mình một đời sống tùy theo ý muốn của mình. Và dĩ nhiên như thế con người không chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình, vì trách nhiệm đó đã có trời gánh vác.
Nếu nói rằng Đạo Phật không nêu cao nhân vị thì quả thật quá sai lầm, bởi vì trong nghiệp lý con người được hoàn toàn tự do và nhận lãnh trách nhiệm về sự tự do của mình. Trái lại, chính thuyết thiên mệnh mới chà đạp nhân vị của con người, vì theo đó con người luôn luôn bị trời thưởng phạt, chứ không có quyền tự quyết. Và nếu có tự quyết thì cũng tự quyết chiều theo ý trời, và con người không bao giờ có ý định được bình đẳng với trời. Đạo Phật không những tôn trọng nhân vị mà còn cố gắng nâng nhân vị đó lên Phật vị một cách hoàn toàn bình đẳng.
Tóm lại, nghiệp báo đóng một vị trí rất quan trọng trong Giáo Lý nhà Phật. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng, Đức Phật thuyết minh nghiệp lý không phải với mục đích khuyến khích làm điều kiện để hưởng thụ hạnh phúc trong cõi cực lạc, thiên đường, nhưng để giúp con người thoát ra khỏi dòng nghiệp báo triền miên. Do đó ngay từ những điều kiện đầu tiên để đạt được quả vị thứ nhất đó là quả Dự Lưu trong hàng Thánh nhân là phải:
- Diệt thân kiến, tức là không chấp ngã.
- Diệt hoài nghi, tức là nắm được chân lý, không còn tin phù phiếm ở định mệnh.
- Diệt giới cấm thủ, tức là không còn chấp vào các nghi lễ, định lệ nữa.
Chúng ta là Phật Tử phải biết chúng ta đã và đang làm gì, chúng ta đã ý thức như vậy, thì chúng ta sẽ không bị thoái hóa bởi các trào lưu trong cuộc sống, và chắc chắn sẽ đạt được cứu cánh giác ngộ. Đó là con đường dẫn tới sự đoạn diệt, ảnh hưởng của nghiệp lực và phát triển tinh thần vô ngã, từ bi và trí tuệ.
--o0o--