TẬP SAN DƯỢC SƯ

Vào Tuổi Thành Niên
Trúc Giao
--o0o--

 

Từ khi sinh ra đời, rồi đến lúc trưởng thành, mộng ước bình thường của con người là:
- Hạnh Phúc và an bình.
  Quả thật đời người không phải từ ngàn xưa mà bây giờ, cho đến ngàn sau cũng vậy, con người luôn luôn bị ám ảnh với sự theo đuổi, tìm cầu hạnh phúc trong cuộc sống, cứ thế mà từ khi còn nằm trong nôi cho tới lúc lìa đời không bao giờ ngừng nghỉ. Con người luôn hành động và phấn đấu triền miên để đạt được hạnh phúc, nhưng nhiều khi lại không hiểu biết được ý nghĩa chính xác của hạnh phúc là gì, bởi vì con người không biết hết được bản chất của cuộc sống. Mặc dầu tất cả các tôn giáo, và nhất là Phật Giáo luôn luôn với những lời khuyên dạy:
- Biết đủ để sống đời an vui.
Thế nhưng do vì vô minh thạm vọng nên con người cứ rượt bắt những ảo tưởng trong cuộc đời, vì thế mà nhiều người đã trải qua những điều thất vọng, chán nản hoặc những khổ đau. Càng thất vọng khổ đau thì họ lại hy vọng và cố gắng kiếm tìm cho được hạnh phúc trong đời sống hiện tiền và kiếp lai sinh. Có những người, mặc dù có được nhiều hạnh phúc trên thế gian, nhưng vẫn chưa hài lòng và khát khao trông tìm một thứ hạnh phúc bất diệt ở cõi trời khi lìa khỏi thế gian này.
Ðó là những ước mơ thông thường của con người đã trưởng thành. Riêng về tuổi trẻ nhất là lứa tuổi chưa trưởng thành, hoặc sắp thành niên, tuy cũng có những ước mơ nhưng thật sự chưa biết được thế nào là niềm vui, và thế nào là hạnh phúc. Ðối với đứa bé, điều mang lại niềm vui, điều mang lại hạnh phúc là vui mừng để cảm nhận được niềm vui. Thời gian và kinh nghiệm sống cho chúng ta biết rằng:
- Những ngày thơ ấu là quãng thời gian hạnh phúc nhất.
Khi mà chúng ta biết được thế nào là niềm vui và thế nào là hạnh phúc thì thời gian đó không còn nữa. Ðiều chắc chắn là khi còn bé chúng ta không hiểu được hạnh phúc là gì, tại vì lúc đó là lúc chúng ta sống trong sự nuông chìu đùm bọc của cha mẹ. Chúng ta có những ngày tháng tươi mát, những niềm vui liên tục mà không cần biết tại sao những niềm vui đến với chúng ta, chúng ta không cần biết về nguồn vui đến với chúng ta. Khi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành, những đổi thay diễn ra ngoài xã hội và chính bản thân, lúc đó bản thân cho chúng ta sự nhận biết, sự hiện hữu của những người khác phái và chúng ta bắt đầu cảm nhận một hình thức thu hút mới, tạo nên những cảm xúc bởi những dao động. Cùng lúc ấy, sự tò mò lôi kéo chúng ta, khám phá những sự kiện của cuộc sống, qua những sự trao đổi trong những sinh hoạt hằng ngày hay đọc sách. Cũng chính lúc đó chúng ta mới khám phá ra rằng chính bản thân mình đang đứng trước ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, thời điểm quyết định trong cuộc sống của chúng ta, khi tìm một người bạn đời thích hợp để bắt đầu một mối quan hệ mới, mối quan hệ mà qua đó, những môi trường sống chung quanh chúng ta thay đổi, đời sống tinh thần của chúng ta cũng luôn luôn bị thử thách. Một trong những yếu tố lôi cuốn chúng ta vào cơn lốc của cuộc đời đó là:
- Tình yêu, tình dục, và sau đó hôn nhân.
Khi nói đến tình yêu, có nhà thơ Việt Nam đã nói:
- Làm sao định nghĩa được tình yêu!
Tuy là không định nghĩa được nhưng nó lại trở thành những vấn đề vô cùng quan trọng, và chi phối cả một cuộc sống của con người, nhất là tuổi trẻ. Lứa tuổi vừa trưởng thành vẫn quan niệm tình yêu và hôn nhân là một trong những mục tiêu trọng yếu của đời người. Ai cũng mong cầu, khao khát tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống chung, được đánh dấu bằng nhiều hình thức, nghi lễ, dựa trên nền tảng văn hóa, tập quán, tôn giáo của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên những điều khao khát ấy có lúc cũng chính là những bi kịch trong kiếp sống của con người. Không ai ngoài chúng ta sản sinh ra tình yêu và hôn nhân, nhưng cũng do chính chúng ta đã dựng nên những rào cản đối với ước mơ và khát vọng của chính mình. Tiêu biểu điển hình, nhất là đời sống trong những thể chế khắt khe của thời phong kiến. Định chế đó đã đặt tình yêu và hôn nhân vào trong những quy phạm ngặt nghèo, khắc nghiệt. Bởi vì nơi đó chúng ta thấy: Tình yêu, hôn nhân bị vây bủa bởi:
- Màu da chủng tộc,
- Bởi tín ngưỡng tôn giáo,
- Bởi đẳng cấp giàu nghèo,
- Bởi những lễ giáo gia đình xã hội...
Nghĩa là còn kéo theo đằng sau nó những bi kịch của đời người trong sự chịu đựng, câm lặng. Những khái niệm, những thành ngữ:
- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy,
- Môn đăng hộ đối ...
Với những tục lệ nầy đã hủy diệt hạnh phúc của không biết bao nhiêu cuộc đời son trẻ một cách oan uổng, và cũng đã làm khô cạn không biết bao nhiêu khát vọng nhân bản của con người. Bước sang thời đại tiến bộ, con người đã phần nào ra khỏi những rào cản nói trên. Những phát minh mới về lãnh vực khoa học kỹ thuật kéo theo sự thay đổi về nhịp điệu của đời sống xã hội, đã hội đủ điều kiện, khả năng để con người chuyển hóa luôn lối suy nghĩ, cách nhìn về tình yêu hôn nhân ngày nay. Cũng từ đó nhiều thủ tục vô lý đã không còn tồn tại, nhiều quan niệm về tình yêu hôn nhân đã được gắn liền với mục đích kiến tạo một đời sống mới, thích nghi với môi trường mới.
Tuy nhiên cũng vì sự rẽ hướng sang một trạng thái khác, cho nên tình yêu và hôn nhân lại phải đối diện với những vấn đề thời đại khi:
- Sự phức tạp,
- Sự hụt hẫng,
- Sự đổ vỡ của thế giới nội tâm
- Và những bức xúc tình cảm trước dòng chảy ào ạt của cuộc sống thực tại.
Vì thế mà con người lại phải đứng trước những cấp bách khẩn thiết mới, đó là sự va chạm và cọ sát với một cuộc chạy đua của thời đại, giữa những giá trị đích thực của tình yêu, hôn nhân với mặt trái của đời sống văn minh vật chất. Những sản phẩm có nhãn hiệu như:
- Tiền hôn nhân,
- Li hôn, li dị,
- Tự do cá nhân ...
Chính những vấn đề nầy đã làm tốn không biết bao nhiêu thời giờ, và giấy mực của các chuyên gia tâm lý, những nhà xã hội học, tôn giáo học, và nó cũng là trở ngại mệt mỏi, lo ngại hơn với chính đời sống của mỗi cá nhân con người. Chưa bao giờ, con người và nhất là tuổi trẻ tất bật, day dứt với một góc tình yêu và gìn giữ đời sống hôn nhân của mình như hoàn cảnh hiện nay. Nhất là đời sống tại một xã hội văn minh, và đầy dẩy những vật chất như Hoa Kỳ đã và đang làm cho những bậc phụ huynh lo lắng rất nhiều về con em của họ. Quả thật, thế hệ trẻ ngày nay có những cá tính khác biệt là do những ảnh hưởng tư tưởng của xã hội qua các phương tiện như:
- Hệ thống truyền thanh đại chúng
- Sách báo, tạp chí,
- Học đường....
Ðiều nầy đã dẫn đến kết quả là:
- Khiêu gợi về tình yêu, tình dục và hôn nhân.
Do vậy quan niệm về tình yêu, về tình dục đối với đời sống gia đình của người Tây Phương được họ coi như là bình thường, tuy vậy cũng có những gia đình còn cuộc sống bảo thủ vẫn có những than phiền:
- Khi tôi còn trẻ không có những chuyện kề vai sát má ngoài đường ngoài xá như thế nầy đâu....
Chúng ta là người Ðông Phương đã và đang sống trong xứ sở nầy, ít nhiều gì nền đạo học lâu đời của Đông Phương cũng đã và đang dần dần bị bào mòn trong sự ảnh hưởng này.
Thực sự nếu nói rằng nền đạo học lâu đời của Ðông Phương đã và đang bị bào mòn dần bởi truyền thống văn hóa của Tây Phương điều nầy cũng không hẳn. Điều đáng nói ở đây, không chỉ cha mẹ phải chịu trách nhiệm về những hành động sai trái của con cái họ, vì không kiểm soát đúng đắn và có sự giám sát con em của mình một cách tích cực, mà tất cả mọi người hiện đang sống trong xã hội các nước Tây Phương phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng của những vấn đề đáng quan tâm này. Ðiều cần được nói lên là hầu hết những chương trình Ti Vi và phim ảnh, bên cạnh những loại phim chém giết, cướp bóc tù tội, chúng ta còn thấy những loại phim vui nhộn tuy rằng không trình bày cách sống giống như người Ðông Phương nhưng mà hầu hết những con người tốt đẹp ở Phương Tây nghĩ suy hoặc cư xử và đắn đo có một số lượng lớn những cặp vợ chồng đáng kính thầm lặng, là những người mộ đạo sâu xa và bảo thủ về tình yêu, tình dục và hôn nhân cũng tương tự như bất cứ cặp vợ chồng Đông Phương. Nếu những lớp trẻ muốn bắt chước người Tây Phương, họ được khuyên bảo là nên bắt chước đại đa số những người thầm lặng này, những người không khác biệt với người láng giềng đáng kính của họ đang sống cạnh bên họ.
Ðời sống hiện đại, không riêng gì tại xã hội Hoa Kỳ, mà là hầu hết mọi nơi trên thế giới, luôn luôn bị lo âu với tất cả mọi hình thức căng thẳng. Lẽ tất nhiên nó có nhiều nguyên nhân để dẫn đến những bất an nầy, nhưng nghiệm cho cùng, con người tùy theo lứa tuổi mà gánh lấy những bất an khác nhau chẳng hạn như nếu:
- Lứa tuổi có gia đình rồi thì luôn luôn bị lôi cuốn vào vòng danh lợi.
- Nếu là lứa tuổi trưởng thành hoặc trên đà trưởng thành thì luôn luôn bị cuốn hút vào tánh hư tật xấu hút sách ...
Nếu tránh được những tệ trạng nầy, thì cũng thường vấp phải những sự căng thẳng thường tạo nên những vấn đề trong những cuộc hôn nhân. Vì vậy nhiều nhà tâm lý học và xã hội học cho biết:
- Nếu có một sự phân tích chính xác được tạo thành những nguyên nhân chính của các vấn đề xã hội thì phải nói đến chuyện quan hệ tình dục.
Quả thật, đặc biệt là trong một xứ văn minh và đầy dẫy những vật chất như ở tại Hoa Kỳ, thường xảy ra trước khi đi đến cuộc sống lập gia đình, tuổi trẻ thường có những lỗi lầm là mang bầu trước tuổi vị thành niên, và những cuộc hôn nhân bất hạnh không sống chung được với nhau phải ly dị, có những cặp chồng vợ thường xuyên đánh đập, cư xử tệ bạc với vợ hoặc với chồng con ...
Chúng ta khám phá rõ ràng rằng, những cặp vợ chồng trẻ thường luôn luôn gặp phải những tình trạng bi đát như vậy, phần chủ yếu là có liên quan đến:
- Lòng ích kỷ và thiếu tính nhường nhịn,
- Thiếu lòng khoan dung và thiếu sự hiểu biết lẫn nhau.
Ðây cũng là lý do trong kinh Ðức Phật đưa ra lời khuyên, tất cả hàng đệ tử tại gia của Ngài nói chung và tuổi trẻ nói riêng phải:
01- Trau dồi cuộc sống đạo đức để có một tư cách tốt, và làm cách nào để duy trì được sự êm ấm, và hòa thuận trong gia đình giữa người chồng và vợ để đạt được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Ðây là điều khá quan trọng cho những người đã trưởng thành.
02- Nhận lấy trách nhiệm bổn phận con cái đối với cha mẹ khi tuổi chưa trưởng thành. Ðến khi trưởng thành phải biết trách nhiệm của bậc làm cha mẹ đối với con cái. Ðây là bổn phận thiên liêng hết sức rõ ràng, và cũng có thể nói đây là kim chỉ nam hữu ích để đạt được một gia đình hạnh phúc.
Một cách tổng quát, lời dạy của Ðức Phật là những điểm cơ bản có thể hướng dẫn cho tuổi trẻ có một cuộc sống hạnh phúc, mà qua đó hôn nhân là một sự kết hợp của hai cá nhân. Và sự kết hợp này cần phải được chế tác tốt đẹp, để nâng cao đời sống hiểu biết, đồng thời giúp cho nhân cách của nhau có sự liên hệ phát triển tốt đẹp. Theo tinh thần của lời dạy nầy giúp chúng ta hiểu được rằng:
- Cuộc sống hôn nhân có hạnh phúc là một cuộc hôn nhân có sự hiểu biết, và tôn trọng sự riêng tư và tín ngưỡng của nhau.
Theo chúng tôi nghĩ trong hoàn cảnh của xã hội hiện nay, là thời gian cũng là cơ hội tốt nhất để cho chúng ta có những cuộc hội thảo về vấn đề hôn nhân. Phải có những cuộc hội thảo, phải có những hướng dẫn kỷ càng về vấn đề được coi là tiền hôn nhân cho thật kỷ, nhất là nói về bản chất hôn nhân cho các tín đồ Phật giáo, đặc biệt dành cho lớp trẻ. Với một sự hiểu biết rõ ràng về những vấn đề quan trọng của cuộc sống như là tình yêu, tình dục và hôn nhân không chỉ giúp họ sống một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, mà còn giúp họ sống một cuộc sống an vui thoải mái. Có như thế mới có thể giúp cho tuổi trẻ tránh được những khó khăn trong vấn đề kết hôn với những người khác tôn giáo, tránh được những lỗi lầm, khổ đau sợ hải và thất vọng cho sau nầy.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy vấn đề hôn nhân và gia đình cũng là một vấn đề lớn được Ðức Phật giảng dạy trong kinh điển. Giáo lý của ngài mặc dù đặt trọng tâm trên nền tảng giải thoát, xuất ly thế gian, nhưng đệ tử của ngài phần nhiều còn đời sống tại gia, vì thế cho nên ngài phải có bổn phận giảng dạy cho họ sống đúng theo chánh pháp để có hạnh phúc trong gia đình. Sự hướng dẫn của Ngài kể cả về khẩu giáo và thân giáo, đây là một sự thật hiển nhiên. Quả thật như vậy, nếu chúng ta không lầm thì trước khi thành Phật, ngài cũng phải trải qua một đời sống thế tục, có vợ, có con và ngài đã làm tròn bổn phận đối với người bạn đường của Ngài. Ngài sống rất hạnh phúc với công chúa Da Du Ðà La, chưa bao giờ ngài làm cho hiền thê phiền lòng và ngược lại. Khi xuất gia thành chánh quả, ngài trở về hoàng cung tiếp độ phụ hoàng, người bạn đường và con thơ, tất cả đều giác ngộ chánh pháp của chư Phật. Ðây là một món quà vô tiền khoáng hậu mà chưa có một người con, người chồng, người cha nào trên thế gian này thực hiện được.
Mặc dầu chủ trương của Ðạo Phật luôn luôn đặt nặng đến tinh thần xuất thế gian, nhưng dầu sao đi nữa tình cảm gia đình vẫn là nền tảng căn bản cho cuộc sống thế tục, vì thế khi nói đến bản chất của tình yêu, Ngài không cho đó là một chuyện xấu, ngài không bác bỏ vấn đề nam nữ yêu nhau, mà trái lại ngài còn dạy từ lúc yêu thương, đến lúc chung sống nhau phải phù hợp với đạo lý của con người. Ngài dạy người nam và người nữ sống bên nhau phải có hạnh phúc. Hạnh phúc theo giáo lý của nhà Phật là phải có năm giới và đồng thời ngài dạy người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ. Người vợ cũng vậy, phải có năm bổn phận đối với chồng.
Phải biết rằng đối với tuổi trẻ, nhất là lứa tuổi chưa trưởng thành, hoặc đã trưởng, nhưng dầu sao đi nữa cũng là người chưa từng lăn lóc trên tình trường, nên chắc hẳn chưa đủ kinh nghiệm để hành xử nhau trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế một khi mà yêu nhau và tiến đến hôn nhân phải coi đây là một nhân duyên lớn. Cuộc tình duyên mà tốt hay xấu là ở chất liệu đạo đức, và sự học hỏi của chúng ta. Chất liệu đạo đức đó, có nghĩa là chúng ta phải thực tập các hạnh:
- Khiêm tốn,
- Chân thật,
- Nhẫn nại,
- Yêu thương
- Và một tấm lòng cởi mở bao dung.
Vì thực tế sau khi cưới, sau những giờ phút mộng mơ thương nhớ khi không gặp mặt qua rồi, bây giờ đã đến lúc quyết định sống chung với nhau, thì đời sống hôn nhân sẽ có lắm chuyện phủ phàng xảy ra. Vì thế nếu như chúng ta đã trang bị sẵn sàng những đức hạnh:
- Khiêm tốn,
- Chân thật,
- Nhẫn nại,
- Yêu thương
- Và một tấm lòng cởi mở bao dung.
Thì chắc chắn cuộc hôn nhân của những người bạn trẻ sẽ mãi mãi hạnh phúc. Có tính cách bàn bạc, trong dân gian Việt Nam có câu:
- Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi bớt lửa thì đời nào khê.
Như vậy yếu tố nhẫn nại và cảm thông rất quan trọng trong đời sống hôn nhân. Có nhẫn nại và cảm thông thì cuộc sống của chúng ta mới có hạnh phúc. Nếu như chúng ta thiếu hiểu biết, thay vào đó bằng những trách móc và hận thù trong tâm thì cuộc đời của chúng ta sẽ đau khổ. Nếu như cuộc sống hôn nhân của chúng ta không hạnh phúc, thì đó sẽ là nhân đau khổ và bất hạnh cho các con cái của chúng ta sau nầy. Do đó, nếu có phải gặp những trở ngại trong vấn đề hôn nhân, chúng ta phải luôn luôn tâm niệm rằng hạnh hạnh phúc của chính mình là hạnh phúc của các con.
Trong cuộc sống của nhân loại, tình yêu, hôn nhân nếu nói về phương diện tích cực thì quả thật là một di sản vô tận, một biểu tượng cao đẹp và thanh khiết. Nhưng nếu nói về phương diện tiêu cực thì đó là những đau khổ và con người, nhất là tuổi trẻ cứ luôn kiếm tìm trong thế giới con người. Tuy nhiên dầu muốn, dầu không gì trong kho tàng văn chương và học thuật của nhân loại cho chúng ta thấy:
- Những bản anh hùng ca,
- Những bi kịch thời đại,
- Những tuyệt tác văn chương,
Dường như cũng từng được bắt nguồn sáng tạo, cảm khái từ tình yêu, với hôn nhân hạnh phúc, nơi đó chúng ta thấy là kho tàng vô tận, là con đường dài đẳng đẳng mà các nhà thơ hay các nhà văn nhân mãi mãi là những lữ khách trên hành trình bất tận đó.
Nói tóm lại, bàn về vào tuổi thành niên là biện giải về tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn của Phật Giáo, đã được Ðức Phật trình bày, lý giải một cách xác đáng, khúc chiết và khách quan. Và ngay khi phân tích lý giải, ngài đã chỉ ra đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả tất yếu của đời sống tình cảm này. Tính biện chứng của vấn đề nằm ngay trong những lời dạy từ ái trong tinh thần nhân bản của Ðức Phật:
- Nếu là một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết, và người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn.
Nhận thức về một tình yêu đích thực cũng như xây đắp một đời sống hôn nhân hạnh phúc, trước và trên hết là phải biết phân định đâu là bản chất và thực tế, đâu là bản năng vô thức, đâu là trách nhiệm và giới hạn đạo đức, thì con người sẽ không bị lôi cuốn vào những vòng bi kịch luẩn quẩn. Vấn đề quan trọng của người học Phật là không né tránh, cũng không hề phủ nhận những giá trị truyền thống cũng như những hiện tượng phát sinh của xã hội hiện đại. Vấn đề quan trọng là sau khi lý giải những truyền thống, những nguồn gốc của khổ đau, cũng như hạnh phúc từ Ðông sang Tây, từ xưa đến nay để thống nhất quan niệm, và đi đến những biện pháp giải quyết hữu hiệu, và khách quan, đồng thời trao tặng những gì tươi đẹp nhất để gọi là chút hành trang, cho những người bạn trẻ lần đầu chạm gót trên con đường tình cảm gay go, phức tạp của đời người lắm chông gai, nhưng cũng đầy hoa thơm cỏ lạ. Nơi đó là khổ đau, hay là hạnh phúc, vấn đề đó còn tùy theo cung cách hành xử và tế nhị của mỗi người.
--o0o--