TẬP SAN DƯỢC SƯ

Một Tâm Hồn Bao Dung
Thông Ðức
--o0o--
 
Chúng ta tu tập cả đời cũng chỉ vì muốn thực tập sao cho tinh thần luôn luôn khang kiện, để trong con người chúng ta lúc nào cũng có một tâm hồn bao dung. Và chỉ khi nào chúng ta có một tâm hồn bao dung thì chúng ta mới có thể đối đãi nhau trong tinh thần:
- Vô tư,
- Không lệch lạc,
- Không thành kiến,
- Không thiên vị,
- Bình thản trầm tĩnh trước những vấn đề khó khăn, đổi thay của mọi hoàn cảnh.
            Tất cả những yếu tố nầy có được là nhờ chúng ta thực tập để có một tâm hồn bao dung, để rồi từ đó chúng ta biết là cần phải làm gì, và không cần phải làm gì. Và cũng từ đó có thể nhận được đâu là những vật hoặc người mà chúng ta thương. Sự nhận biết những yếu tố nầy, có thể đó là vốn liếng mà chúng ta có thể dùng nó để làm tư lương trong việc vun bồi hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong tất cả mọi quyết định công ăn, việc làm và tu tập.
            Bình thường lúc hành xử trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy thuận lợi cũng có, mà sự đối nghịch cũng có. Những tâm lý mâu thuẩn, chống đối, cạnh tranh trong chúng ta cũng có mà ngoài chúng ta cũng có. Có lúc chúng ta tin mà không có trí tuệ. Có lúc trí tuệ có mặt mà không có đức tin, vì thế muốn duy trì sự tiến bộ, và chiều hướng tốt đẹp trong việc tu tập hay sinh hoạt trong cuộc sống, chúng ta phải thực tập để quân bình hai yếu tố:
- Ðức tin và trí tuệ.
Bởi vì, thực tập quân bình cho được hai yếu tố nầy là chúng ta đã thực tập được tinh thần:
- Vô tư
- Không lệch lạc
- Không thành kiến
- Không thiên vị
- Bình thản trầm tĩnh trước những vấn đề khó khăn, đổi thay của mọi hoàn cảnh.
Có được các tinh thần nầy thì chúng ta tự nhiên có khả năng hóa giải được những đối nghịch bên trong lẫn ngọai cảnh.
Thông thường tâm lý của con người rất phức tạp, không đếm kể cho hết, ở đây trong phạm vi nói về việc tu tập, chúng tôi tạm thời đề cập đến tâm lý của ba hạng người:
1- Có những vị trong số người của chúng ta lúc mới tu tập thì tinh thần rất phấn chấn và nhiều tham vọng, muốn thành đạo quả cho sớm. Do tinh thần phấn chấn quá độ, nên tâm của chúng ta nhiều lúc cũng không yên, có lắm khi vượt quá đề mục, hoặc trượt khỏi đề mục. Không nắm đề mục thì làm cho nên chúng ta thất vọng, nhưng khi phân biệt được danh sắc và thấy rõ sự liên hệ của chúng, hoặc có được hương vị nào đó của giáo pháp thì họ sẽ lấy làm thích thú, và bắt đầu, muốn nói cho bạn bè, cha mẹ và các người thân biết sự kỳ diệu mà chính mình đã khám phá ra trong lúc tu tập. Do đó đức tin của họ sẽ có nhiều tưởng tượng và tính toán. Sư tưởng tượng và tính toán nầy đi dần đến chỗ cuồng nhiệt, và cuối cùng là không kiểm soát được thân tâm.
            2- Một số khác trong chúng ta thông minh hơn, xuất sắc hơn, khi có được một số tuệ giác, thì lại muốn truyền bá giáo pháp, nhưng lại có cái bệnh là thích phân tích, thích diễn giải kinh nghiệm của mình. Mỗi một chuyện gì những vị ấy trải qua đều được suy diễn dưới theo chiều hướng đã định của họ. Thế là một chuổi suy nghỉ, lý luận, phán đoán lại diễn ra cản trở sự tiến bộ trong việc thực hành của họ.
            3- Lọai người thứ ba nầy khác hẳn với hai hạng người trên. hạng người nầy có khuynh hướng phân tích kiểm chứng, lý giải tất cả những gì mình nghe được trước khi chấp nhận, họ lấy làm hảnh diện về óc phân tích của mình. Khi họ thực hành, họ thường thử nghiệm một cách thông minh để thẩm định giá trị của những gì họ đang làm, đem so sánh với những lý thuyết mà họ đã học hỏi, nghiên cứu trước đây.
Cả ba hạng người nầy, theo một số chư tôn đức nhận xét, nếu không thay đổi thái độ thì sẽ bị bệnh tham vọng, ảo tưởng, nghi ngờ, thì lúc đó các chướng ngại:
- Tham,
- Sân,
- Si,
- Mạn
- Nghi
Những sở tri chướng nầy bắt đầu ngự trị, và quay cuồng trong vòng lẫn quẩn trong tâm hồn không lối thoát. Những hạng người nầy sẽ dậm chân tại chỗ mà không tiến tới trước được. Ðiều mà chư tôn đức khuyên dạy là:
- Sau khi được nghe lý thuyết của một bất cứ một phương pháp tu tập nào đó, chúng ta nên hoàn toàn nghe theo lời chỉ dẫn của vị thầy hướng dẫn. Chỉ có hoàn toàn nghe theo lời chỉ dẫn của vị Thầy hướng dẫn, và đồng thời chúng ta không kiêu mạn tự đắc, không cứng đầu thì chúng ta mới tiến bộ nhanh chóng.
Là một người đang thực tập phải tuyệt đối thực hành theo sự hướng dẫn của vị thầy mà mình tin tưởng. Không có thì giờ để băn khoăn thắc mắc sự đúng sai của sự hướng dẫn. Trong công cuộc diệt trừ tham sân si của nội tâm không có sự hướng dẫn vô lý, chỉ có sự băn khoăn, nghi ngờ về sự dạy dỗ của vị Thầy hướng dẫn mới vô lý mà thôi. Nếu một sự dạy dỗ của một vị thầy đáng tin tưởng truyền trao được môn đệ thực hành nghiêm chỉnh thì mới có thể đem lại kết quả tốt. Dĩ nhiên, tôi không khuyên các quý vị tin tưởng một cách mù quáng.
            Khi việc thực tập của chúng ta tiến bộ, thấy sự sinh diệt của các hiện tượng một cách rõ ràng, lúc ấy có thể chúng ta sẽ có nhiều sự giao động, bởi vì đức tin và trí tuệ cũng như tinh tấn và định không được quân bình.
Nếu sự quân bình nầy được chế ngự và chúng ta có thể theo dõi một cách đơn giản về sự sinh diệt nhanh chóng của các hiện tượng, thì sự mất quân bình giữa tín và huệ, giữa tấn và định sẽ được điều chỉnh. Khi bốn yếu tố nầy được quân bình từng cặp một thì chúng ta sẽ đạt được trạng thái an ổn. Lúc đó yếu tố chánh niệm sẽ tự động tiến triển mà không cần có cố gắng nào. Chánh niệm đóng vai trò quan trọng trong sự điều hợp bốn yếu tố kia.
            Trong lúc thực tập, khi chưa có sự quân bình nên chúng ta thường bị:
- Lúc thì quá phấn chấn.
- Lúc thì quá hoài nghi,
- Khi thì quá hăng say,
- Khi thì quá biếng nhác
Khi việc tu tập tiến triển đều đặn thì các yếu tố giác ngộ sẽ phát triển hoà hài, lúc bấy giờ chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái khi tâm ở trạng thái thăng bằng. Như vậy, một trong những yếu tố giúp tâm đạt đến trạng thái thăng bằng là là chúng ta có một tâm hồn bao dung. Chỉ có một tâm hồn bao dung là quân bình các tâm sở, và đồng thời làm cho tâm nầy không quá trội hơn với các tâm kia.      
Chức năng của tâm hồn bao dung là tích cực làm đầy những cái thiếu, và làm giảm đi những cái thừa. Tâm hồn bao dung sẽ giữ cho tâm không rơi vào chỗ quá nhiệt thành hay giải đãi. Khi tâm hồn bao dung mạnh thì tất cả đều quân bình, không có yếu tố nào hơn yếu tố nào. Khi đạt được tâm bao dung thì chúng ta sẽ không cần một cố gắng đặc biệt nào để duy trì sự chánh niệm. Lúc bấy giờ, chánh niệm sẽ vận hành một cách tự nhiên.
            Theo đức Phật, phương cách làm cho tâm hồn bao dung phát sinh là có sự chú tâm sáng suốt, liên tục chánh niệm, và hướng tâm đến sự phát triển tâm bao dung. Tâm bao dung trước sẽ tạo ra tâm bao dung sau và cứ thế tiếp diễn. Khi Tâm bao dung được duy trì tác động thì sẽ dần dần mạnh mẽ sâu sắc thêm do đó mà tâm bao dung phát triển mọi hiện tượng một cách sâu xa vững chắc hơn.
            Ðối với những người mới biết thực tập, tâm bao dung sẽ giúp cho họ thấy được sự sinh diệt. Ðối với những người đã có nhiều kinh nghiệm thực tập, tâm bao dung sẽ giúp họ thấy sự sinh diệt của các hiện tượng mạnh mẻ hơn, sâu sắc hơn.
Những người mới thực tập, tâm bao dung không thể phát sinh một cách dễ dàng dù cho họ có nổ lực chánh niệm từ giây phút nầy sang giây phút khác, nhưng tâm bao dung sẽ đến rồi đi. Tâm chỉ quân bình một chút xíu rồi cũng chấm dứt. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chán nản. Cố gắng thực tập dần dần, tâm bao dung sẽ mạnh hơn, và dần dần tâm bao dung sẽ kéo dài và thường xuyên hơn.
Muốn cho tâm bao dung phát sinh, chúng ta phải cố gắng vun bồi thái độ không lưu luyến, không chấp giữ và có tâm tha thứ, cùng với sự khôn ngoan với những đối tượng sống gần chúng ta, và chúng ta thường gặp trong cuộc sống hằng ngày đó là:
1- Đối Với Hữu Tình & Vô Tình
- Ðối Với Hữu Tình:
Đối với các loài hữu tình kể cả con người, và loài vật, là những sinh loại, là những người mà chúng ta sống gần gủi nhất. Đã là con người sống trong thế gian nầy, dầu muốn dầu không chúng ta phải có ít nhiều tình cảm của con người. Cho nên khi có duyên gặp nhau tức thì tình cảm nẩy sanh, hoặc giả chỉ nghe tiếng nói qua điện thoại cũng đem lòng nhớ thương, vì thế mà chúng ta luôn luôn mong muốn gặp gở, gần gủi những người mà chúng ta thương yêu, ngay cả con vật mà chúng ta thích. Như có những cuộc tình khi mới thương nhau thề non hẹn biển, tặng cho nhau những kỷ niệm đẹp nhất đời:
- Tặng nhau một chiếc ảnh nầy
            Ðể làm kỷ niệm những ngày xa nhau
            Dù cho chiếc ảnh phai màu
            Cũng đừng xé rách mà đau lòng người
Nhưng rồi khi cơm không lành, canh không ngon, duyên tình không trọn thì lại xa nhau rồi cả hai đều đau buồn. Như thế khi tình cảm của chúng ta dính mắc với những người nào đó, hay con vật nào đó thì tâm tư của chúng ta ở trong trạng thái không quân bình. Thật sự, vấn đề gần gủi, và thương yêu với những người thân là điều cần phải có, nhưng vướng mắc vào những người thân thuộc, hay tình cảm quá nhiều sẽ làm hại cho ta, và những người ta thương yêu. Vì khi thương yêu chúng ta sẽ luôn luôn lo lắng cho sự an nguy của người ta thương yêu, nên cố tình bám víu lưu luyến, vì bám víu lưu luyến nên cứ làm khổ cho nhau.
Ðiều thiết yếu đầu tiên làm cho tâm hồn bao dung phát sinh là có thái độ nhu hòa đối với tất cả chúng sanh không dính mắc vào ai cả. Một cách suy nghĩ giúp cho việc phát triển tâm không cố chấp là nghĩ rằng:
- Mỗi chúng sanh đều nhận chịu cái nghiệp mà họ đã tạo.
Nói một cách khác, mọi chúng sanh đều là kẻ thừa kế cái nghiệp của họ. Con người gặt hái nghiệp tốt hay xấu đều do hành động mà họ đã làm trước đây. Họ tạo nghiệp do sự cố ý của họ, không ai có thể ngăn cản được sự nhận chịu những nghiệp mà người ấy đã tạo. Một cách tuyệt đối không một ai, hay bất cứ một đấng quyền năng nào có thể cứu vớt được người khác. Nếu chúng ta suy tưởng và thấy biết như vậy thì sự lo lắng băn khoăn về những người khác sẽ giảm bớt.
            Chúng ta có thể đạt được trạng thái của một tâm hồn bao dung khi chúng ta biết suy tưởng:
- Con người được hình thành là do thân năm ấm. Như thế Ngoài thân và tâm ra thì ai là người mà chúng ta yêu thương? Nếu chỉ có thân và tâm, chịu sinh rồi diệt từ sát na nầy sang sát na khác thì chúng ta thương yêu sát na nào đây?
Bằng cách nầy, chúng ta có thể hướng tâm mình để đạt được trạng thái của một tâm hồn bao dung. Nhiều người cho rằng nếu suy tưởng theo cách nầy, thì chúng ta sẽ trở thành một con người bạc bẽo, vô tình, có thể đưa đến chỗ chối bỏ tất cả những người thương yêu của mình. Nhưng xét cho kỷ, tâm bao dung không có nghĩa là không có tình cảm, thờ ơ hay lãnh đạm, vô tình, mà nó chỉ có đơn giản là không lưu luyến. Người có tâm bao dung không vất bỏ những gì mình ghét và cũng không cố nắm giữ những gì mình thích. Tâm luôn luôn ở vào trạng thái quân bình và chấp nhận mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên, không nắm giữ hay hất hủi. Người có tâm bao dung vất bỏ cả hai trạng thái yêu và ghét, thích và không thích. Người đã hoàn toàn đạt được trạng thái bao thì không có sự thương yêu cũng không có sự ghét bỏ. Như vậy bao dung là nguyên nhân thanh lọc tâm của những người có nhiều cố chấp, bởi do vì tham ái cho nên chúng ta cố tình nắm giữ, chiếm hữu để rồi làm khổ cho nhaụ Tham ái, chiếm hữu là kẻ thù trực tiếp của tâm hồn bao dung
            - Ðối Với Vô Tình
Thật ra, chúng ta không phải là người chủ thực sự của những vật sở hữu như: Nhà cửa, xe cộ, y phục ... bởi vì mọi vật đều vô ngã. Trên thế gian nầy không ai có thể làm chủ được một vật gì cả, ngay cả bản thân của chúng ta cũng còn không làm chủ đươc thì chúng ta nghĩ là chúng ta làm chủ cái gì đây? Nghĩ như vậy trong chúng ta sẽ có một thái độ cởi mở. Nghĩa là đối với vô tình như cây cỏ, tài sản, y phục thời trang ... Tất cả thứ đó, một ngày nào đó, áo quần sẽ bị rách hay phai màu. Áo quần cũng như tất cả các vật vô tri khác đều hủy hoại theo thời gian, theo định luật vô thường.
            Phát triển tâm bao dung và cắt đứt luyến ái sẽ giúp chúng ta thấy được sự biến đổi của sự vật. Chúng ta có thể tự nhủ:
- Chúng ta chỉ xử dụng nó trong một thời gian ngắn thôi. Nó không thể vững bền mãi.
Bên cạnh những người không đua đòi, khống luyến ái, chúng ta còn thấy có những người thích chạy theo thời trang hể thấy có nhưng kiểu mới lạ xuất hiện trên thị trường đã vội vả mua ngay. Nhưng vừa mới mua xong thì một loại thời trang khác xuất hiện, thế là họ vứt bỏ cái vừa mới mua để mua cái mới khác. Những người như thế nên thực tập tánh tình bao dung để không xài tiền bạc công sức một cách hoang phí.
            2- Tránh Xa Những Người Cố Chấp
Tuyệt đối chúng ta không nên thân cận với những cố chấp. Bởi vì những người nầy thường hay vương mắt vào sự chấp người giữ của, cho nên cái gì họ cũng cứ nghĩ là thuộc về mình, vả lại những người cố chấp luôn luôn kể lể về những ưu tư lo lắng về con cháu, hoàn cảnh của đời họ, cho nên cũng gây ra nhiều phiền phức cho chúng ta.
Nhiều người cảm thấy khổ sở khi thấy người khác sử dụng tài sản hay vật dụng của mình. Chúng ta là người học Phật, đừng quá cố chấp vào những người hay vật mà mình thương yêu đến độ mù quáng không còn phân biệt tốt xấu, phải trái. Chúng ta không nên thân cận với những người cố chấp, trái lại chúng ta nên thân cận với những thiện tri thức với tâm hồn hỷ xả bao dung. Từ nơi những người bạn thiện tri thức chúng ta có thể học hỏi những điều hay lẽ phải, có thể cùng họ đi tham dự những khoá tu, và nhờ sự tu tập nầy là cơ hội giúp cho việc sự suy tư của chúng ta sâu sắc thêm. Nếu thân cận với những người không cố chấp, sống cuộc sống bình thản, vô tư trong mọi công việc, thì lẽ đương nhiên những chướng duyên không quấy nhiểu chúng ta, thì tâm hồn bao dung của chúng ta sẽ có cơ hội phát triển tốt đẹp.
            Nói tóm lại, khi tâm hướng vào mục đích phát triển một tâm hồn bao dung, thì tâm của chúng ta không còn lang thang nghỉ đến chuyện những người thân, chuyện kẻ thù, chuyện hàng xóm láng giềng, lúc đó tâm sẽ quân bình và hài hoà. Như vậy, tâm hồn bao dung đóng vai trò quan trọng trong việc tu tập, cũng như đối với đời sống hằng ngày. Thông thường chúng bị những đối tượng vừa lòng và thích thú, hoặc gặp phải những đối tượng không ưa thích làm dính mắc nên tâm thường bị giao động. Ðây là những trở ngại hầu như mọi người đều gặp phải. Chúng ta bị thương ghét chi phối nên không có sự quân bình, bởi thế nên tham sân si dễ dàng lôi kéo chúng ta, và tâm chúng ta trở nên bất an, giao động. Ðiều nầy chúng ta có thể nhận ra rõ ràng vì đó là chuyện thông thường xảy ra trên thế gian.
Trong chúng ta, ai cũng muốn an vui hạnh phúc và khổ công truy tầm, nhưng có người không biết đâu là hạnh phúc thật sự. Nhiều người có cơ hội để hưởng thụ niềm hạnh phúc lớn lao đến từ sự an bình, tĩnh lặng của tâm hồn hồn bao dung mà không biết. Ý thức được tâm hồn bao dung là yếu tố cần thiết để bồi dưỡng hạnh phúc lớn lao nhất trên cuộc đời nầy, và là chất liệu ngọt ngào nhất trong việc xử thế, giao tiếp nhau, thì chúng ta hãy cố gắng vức bỏ những gút mắt, những bất đồng, những tư tưởng xâu xé nhau, tha thứ cho nhau, để cùng nhau sống trong tình huynh nghĩa đệ, trong tinh thần hỷ xả của đức Phật Di Lặc.
--o0o--