TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tâm Không Vọng Cầu
Nguyên Châu
--o0o--
 
Thông thường người đời khi làm bất cứ một việc gì cũng đều có hậu ý, hay nói một cách văn vẻ còn gọi là phòng xa, chẳng hạn như thường nói:
- Tích cốc phòng cơ dưỡng nhi đãi lão
Tạm dịch là:
- Giữ gìn lúa gạo để phòng đói
Nuôi con khôn lớn để nhờ già
Thật ra hậu ý, hay tánh phòng xa nầy theo thông thường ngoài thế gian thì không có gì sai hết, nhưng cũng có nhiều người vì phòng xa mà lo lắng quá độ, cho nên quên cả ăn ngủ và thành bệnh ... Tuy nhiên nếu nói đến hậu ý hay phòng xa nầy, thì tuyệt đối người học Phật chúng ta không có. Làm một việc gì dù là cho mình hay cho người cũng không có hậu ý, vì có phòng xa có hậu ý tất nhiên là phải lo lắng và phải chờ đợi sự đền đáp. Cho nên quan niệm đối với người tu học nó có hơi khác thường một chút, nghĩa là nếu nói đến việc giúp một người nào đó, thì sự giúp đỡ nầy chỉ vì người kia cần, cho nên chúng ta có mặt mà không có một ẩn ý nào khác. Cũng vậy, khi nói định hướng của cuộc đời thì chúng ta chỉ cần lựa chọn cho mình một hướng đi cho vững chãi, rồi cứ thế mà đi. Hoặc lựa chọn cho mình một pháp môn thích hợp rồi cứ thế mà hành trì cho đến khi nào thành tựu mới thôi. Tuy nhiên trong lúc chưa đạt được sự thành tựu thì không nên chờ đợi sự thành tựu của mình mà quên đi những hành trì cần thiết trong hiện tại. Lẽ tất nhiên, lý tưởng của chúng ta trước sau gì cũng đều nhắm đến việc ngộ đạo và giải thoát mọi triền phược trên thế gian nầy. Mục đích hướng tới là như vậy, tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ai tu cũng đều được khai ngộ. Khai ngộ không phải là việc dễ dàng như thế, nếu dễ dàng như thế thì trên thế gian nầy ai tu cũng đều đã khai ngộ cả rồi. Cho nên chúng ta là người tu học làm sao cho Tâm Không Vọng Cầu, vì tâm càng vọng cầu thì lại tăng thêm một việc ở nơi tâm, tăng thêm việc ở nơi tâm thì tăng nhiều thêm một phần chướng ngại. Ðó là lý do một người thực tập pháp môn Thiền Tọa, Niệm Phật và Kinh Hành cần phải lưu ý:
- Người niệm Phật tĩnh tọa ngồi yên tĩnh, là niệm Phật mặc niệm, niệm cho thuần thục danh hiệu Phật, để cho trong tâm có Phật, nhất tâm bất loạn thì tốt, có thể được niệm Phật tam muội càng tốt.
Do đó chúng ta nên thực tập Tâm Không Nên Vọng Cầu, và đừng nên coi vấn đề khai ngộ là quan trọng để rồi dùng đó làm mục tiêu, coi đó là kết quả của sự tu học thì không nên. Lý do người tu không nên có tâm mong cầu như vậy, bởi vì nếu sự mong cầu lúc đó không khai ngộ được thì tâm không thỏa mãn. Một khi tâm không thỏa mãn thì tụng kinh cũng không xong, mà niệm Phật cũng không xong, đến lúc đó cả hai đều rơi vào trống không, thì đó là trạng thái nguy hiểm không nên để cho xảy ra.
Phải biết rằng, trong việc tịnh tu, nếu có phải ngộ hay không khai ngộ cũng không nên thất vọng mà điều trước tiên là phải biết phương cách tĩnh tọa. Tĩnh Tọa hay Niệm Phật, Thiền Tọa, và Kinh Hành, là phương thức điều hòa thân tâm cho thích hợp thì khí mới thuận, mới nhẹ nhàng. Khi khí thuận, hơi thở điều hòa thì cho dù ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, ăn ít cũng không đói, ngủ ít cũng chẳng mỏi mệt. Có như thế mới có thể ngồi được lâu, và sự hành trì mới bền bỉ. Thành ra vì vậy trong vấn đề đào luyện thân tâm, chúng không nên ăn no quá, mới có thể chuyên tâm tĩnh tọa, niệm Phật, kinh hành. Không nên hàng ngày chỉ lo nghiên cứu các món ăn ngon, chạy theo những tham muốn của thường tình, ăn cho thỏa mãn sự tham muốn cửa miệng. Tâm địa như vậy khó có thể điều hòa trong việc tu tập.
Hơn nữa xin được lưu ý, có những loại thực vật ăn sẽ giúp cho sự vận chuyển trong cơ thể tươi mát, cũng có những loại thực vật ăn vào khí sẽ không thuận, cho nên nó sẽ làm cho thân tâm khó chịu, vì vậy chúng ta cần phải dùng thử một thời gian, nếu sau khi ăn phát hiện thấy hiện tượng không thuận khí, thì không nên ăn nữa! Bởi vì tĩnh tọa cần phải thư thái, thống nhất tập trung tinh thần trở lại sau khi bị giao động. Cơ thể có tươi mát, tinh thần có tập trung sung mãn thì mới yên được cái tâm, tâm có yên tĩnh thì mới có sự định tâm. Niệm Phật cũng là một phương pháp định, nhất tâm bất loạn tức là Ðịnh. Vì thế tĩnh tọa cần: Ðiều thân & An tâm.
a- Ðiều Thân:
Việc đầu tiên là làm cho lưu thông, thư thái khí mạch, là bài trừ khí do chất tạp tích trử trong cơ thể, đả thông khí mạch toàn thân, tiêu trừ bệnh chướng, để cho thân thể thoải mái nhẹ nhàng. Ðiều thân, không phải là luyện khí điều chỉnh hơi thở. Lúc ban đầu khi chúng ta ngồi tỉnh tọa hoặc niệm Phật, thường thì thân thể có những trạng thái không được thích hợp như đau tê, hay ngứa ngáy, đây là quá trình bắt đầu, tuy nhiên nếu chúng ta thực tập lâu ngày thì sẽ lần hồi dẫn đến bình thường. Lúc ban đầu ngồi ngay khi thở ra hít vào thì chúng ta phải biết, chỉ cần biết thôi, chúng ta không cần lý giải nó, nên thuận với tự nhiên. Qua một thời gian, chúng ta tự biết ngay nơi khí hít vào hoặc khí thở ra. Qua một thời gian thực tập, khi thấy khí hít vào nhẹ thoảng rồi, kế đến là lúc ngồi giống như không có hít thở, lúc đó thân cũng được nhẹ nhàng. Trãi qua một khoảng thời gian cảm giác đã không có hít thở, thì lúc nầy thì thân của chúng ta không nên động.
Nếu đã không hít thở rồi, tâm động lên lại biết có hít thở, lại phải đợi một khoảng thời gian nữa mới cảm giác được không có hít thở, lại phải trải qua một khoảng thời gian, thân không động, tâm không lăng xăng mà nhập định.
Tĩnh tọa nói cách khác là nhẹ nhàng thoải mái, cho nên có người đã ngồi mười năm, hai mươi năm mà không mệt mỏi. Vì thế lúc ban đầu ngồi tốt nhất là có thầy hướng dẫn, hay tìm mua quyển sách tập tĩnh tọa để tự tập luyện, giúp tăng thêm một nửa công việc.
b- An Tâm:
Khi tâm an thì có thể quán các pháp không, biết đó là huyễn, cho nên các tưởng mở mang có thể nhìn suốt, buông bỏ những chấp trước, những bận tâm, những nhiễu nhương, từ đó tâm sẽ bình khí sẽ điều hòa. Do đó mà làm cho tâm chuyên chú một chỗ, thống nhất tập trung tinh thần trở lại, không để cho tâm tán loạn, tạp niệm không khởi cho nên đối với tất cả cảnh giới thiện ác cũng không vì vậy mà giao động, nghĩa là bên ngoài thì xa lìa các tướng, và bên thì trong tâm không loạn.
Như có lần đã nói, việc khai ngộ là mục đích cuối cần đạt đến của người tu nhưng không có nghĩa là ai tu cũng đều được khai ngộ, và muốn khai ngộ, cần phải tự lượng khả năng của mình là căn khí bực nào. Hơn nữa nói về khai ngộ, trong khi tu tập mà chúng ta nếu còn cái tâm muốn khai ngộ, thì trong tâm niệm của chúng ta không thanh tịnh rồi, mà đã là niệm không thanh tịnh thì làm sao có thể khai ngộ được. Quả thật như vậy, nếu trong tâm chúng ta còn tưởng đến sự khai ngộ, thì lẽ tất nhiên trong tâm của chúng ta đã khởi lên những tạp niệm, và cố tình mong đợi những sự nhận thức rất là cơ bản tương ứng với vấn đề khai ngộ, như:
- Thấy được những hiện tượng lạ
- Có được chút ít trí huệ hiểu biết, và những linh cảm mơ hồ nào đó..
- Những ánh sáng, những hình ảnh do huyễn mộng vọng tưởng, hoặc bị ma dối gạt....
Khi thấy được những hiện tượng như thế là chúng ta tự cho là chúng ta đã khai ngộ rồi! Như có lần chúng tôi nói, vấn đề khai ngộ, và chữ ngộ nầy đã có nhiều người tự cho mình là người đã ngộ, nhưng trên căn bản không có ngộ, bởi vì ngay cả bên kia bức tường cũng nhìn không thấy, thì làm thế nào gọi là khai ngộ. Ðể làm sáng tỏ, và khuyến một số hành giả cứ chấp chặc vào các thực hành và nghỉ rằng phải làm như thế mới gọi là hành trì, có làm như thế mới có thế ngộ đạo đại khái như:
- Phải thực hành thiền tọa, và cứ ngồi lì như vậy từ ngày nầy qua ngày khác, để mong chờ sự khai ngộ.
- Phải ngồi đối diện trước Phật điện, trên tay cầm xâu chuổi, niệm Phật phải niệm cho to để mọi người biết mình tu thì mới gọi là tu, và như thế mới là ngộ đạo.
- Phải tỏ vẻ trầm tư mặc tưởng một cách nghiêm túc....
Thật sự những cung cách nầy cũng hết sức là cần thiết cho những người sơ cơ như chúng ta, chúng ta chắc chắn phải hành trì như vậy nếu chúng ta có đầy đủ tiện nghi về cả các phương diện thời gian và điều kiện. Nhưng cũng phải hiểu thêm rằng, sự khai ngộ thật không phải là ngồi một chỗ mới có thể khai ngộ, hay phải niệm Phật cho lớn mới khai ngộ; mà là đi, đứng, nằm, ngồi, nghiên cứu kinh điển, hoặc nghe một câu nói, xem một động tác, hay làm bất cứ việc gì cũng gọi là tu, cũng gọi là hành, cũng gọi là thiền, cũng đều có thể khai ngộ.
Kể ra vấn đề tu và hành trì, và sự khai ngộ, thì chữ Ngộ nầy, nếu chúng ta dùng miệng để giảng, dùng văn tự viết thì rất khó diễn đạt cho rõ ràng. Ðể làm cho dễ hiểu, chúng ta thử dùng chữ mê để nói ngược lại, chắc có lẽ dễ hiểu hơn. Lúc chúng tôi còn là học tăng trong Phật Học Viện Giác Sanh, thầy giáo thọ có kể câu chuyện là có một vị Thiền Sư đọc kinh Pháp Hoa đến đoạn:
- Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Phật Tử hành đạo dĩ
Lai thế đắc tác Phật.
Nghĩa là:
- Các pháp từ bản lai
Tướng thường tự vắng lặng
Phật tử hành đạo rồi
Ðời sau thành Phật Ðạo
Ðọc đến đoạn nầy Ngài suy nghĩ hai câu:
- Các pháp từ bản lai
Tướng thường tự vắng lặng.
Ngài tự hỏi, thế nào là các pháp từ bản lai, thế nào là tướng thường tự vắng lặng. Ðối với sự việc nầy Ngài luôn luôn suy tưởng, đi cũng tưởng, đứng cũng tưởng, ngồi cũng tưởng, đi đến chỗ nào, và làm bất cứ chuyện gì cũng tưởng một cách chuyên tâm nhất ý, tưởng... tưởng... tưởng..., tưởng. Ngài tưởng đến nỗi có người khác đến ở trước mặt cũng chẳng hay biết, cho nên người đời cho Ngài là Mê, ngay cả có người còn cho đó là tu nhiều quá cho nên sinh ra si đần, ngay cả có người kêu réo Ngài, Ngài cũng không hay biết, cho nên người đời gọi là thất thần. Tình trạng nầy kéo dài mấy chục năm như vậy, đến một hôm Ngài đứng trước cổng Chùa trong ngày đầu xuân, trăm hoa đua nở, Phật Tử từ bốn phương về Chùa lễ Phật đầu năm rất là tấp nập, lúc đó con chim hoàng oanh bay đậu trên cây liễu hót mấy tiếng rồi bay đi. Nghe tiếng chim hót Ngài giật mình khai ngộ và Ngài đọc tiếp theo hai câu trong bài kệ Kinh Pháp Hoa và trở thành bài kệ cho hậu thế suy gẫm đó là:
- Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng Oanh đề liễu thượng.
Nghĩa là:
- Các pháp từ bản lai
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Chim Hoàng Oanh đậu trên cành liễu.
Qua hình ảnh của vị thiền sư nầy, chúng ta thấy Ngài mê, mê đến cực điểm và sự mê nầy chính là trạng thái của nhập định, đến mấy mươi năm duyên đã chín mùi, con chim Hoàng Oanh hót trên cành liễu làm Ngài tỉnh ngộ, đây là trạng thái xuất định. Khi Ngài xuất định thì muôn cảnh tượng vũ trụ nhìn thấy hết, cũng biết cả, nhìn càng xa, biết càng nhiều thế là Ngài ngộ và để lại cho hậu thế bài kệ:
- Các pháp từ bản lai
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Chim Hoàng Oanh đậu trên cành liễu.
Nói về Ngộ thì có tiểu ngộ và đại tiểu ngộ. Và vấn đề khai ngộ, thật ra không phải mỗi người tu hành ai cũng đều có thể đạt được, mà là tùy thuộc vào tư chất thiên phú, cũng như chỗ dùng tâm mà lãnh hội. Lẽ tất nhiên chỗ ra công sức của mỗi người có cạn sâu, chính là sự quyết định Ngộ và Không Ngộ! Do đó tuy là tĩnh tọa như nhau, nhưng do thiên tư bẩm sinh chẳng đồng, căn lành có cạn có sâu, và sự ra công sức không đồng, khai ngộ cũng có trước sau, lớn nhỏ sai biệt, hoặc là không ngộ. Cho nên đừng vì mình chưa khai ngộ mà buồn sầu phiền muộn. Chúng ta là Phật Tử tại gia, vì việc nhà bận rộn, công ăn việc làm, công tác xã hội...  nghĩa là nhiều việc làm cho tâm phiền muộn, cho nên muốn yên tĩnh cũng không yên tĩnh được, mà khi đã không yên tĩnh tất nhiên là không thể Ðịnh, không định thì không thể ngộ. Nói như vậy chúng tại gia muốn khai ngộ thì cần phải chuyên tu một cách nghiêm túc! Hơn nữa muốn khai ngộ, thì phải nên tranh thủ thực tập lúc tuổi còn trẻ, người tuổi trẻ thì khí huyết tràn đầy, có thể hành trì lâu dài. Già rồi, khí suy huyết kém, xương cốt cứng đờ, tiến bộ có thể có, nhưng cũng chỉ ở một mức giới hạn nào đó thôi.
Trong hai giới đệ tử xuất gia cũng như tại gia nếu có cố gắng hành trì, và nếu muốn biết mình tu học tiến bộ đến đâu thì cần phải ấn chứng chính chúng ta, nghĩa là thì phải tự mình kiểm tra:
1- Ðối với giáo pháp nghĩa chơn thật, chính ta phải nhận thức cho rõ ràng, coi có còn nghi ngờ gì không.
2- Ðối với những việc phải trái, chánh tà phải phân minh rõ ràng, và coi có thể viên dung giữa không và có hay không? Phiền não chấp trước có thể giảm ít cho đến không còn hay không?
Nghĩa là mỗi việc đưa ra là tự chính ta khẳng định. Những hành vi thiếu đạo đức, những tư tưởng thiếu lành mạnh, tức là dính mắc nơi dấu hiệu của ma, cần nên siêng năng hơn lên mà sám hối sửa đổi cho chơn chánh, tránh khỏi bị sự vây bủa của ma.
3- Lúc ngồi nếu như:
- Thấy hào quang,
- Thấy Phật và các cảnh tượng ...
Tất cả đều không nên khoe khoang, tự mình vui, để khỏi bị anh linh bên ngoài khống chế, mà đi vào đường tà. Không khinh sợ, không vui mừng, không dính mắc, không xử lý, không tưởng đến, không lý giải, để khỏi chướng ngại.
Nếu chúng ta không tự chủ được với những nỗi vui mừng, và luôn nghĩ tưởng đến, thì lúc đó những anh linh bên ngoài sẽ phụ gá trên thân của chúng ta. Lúc đó thì tâm thần của chúng ta bị những anh linh bên ngoài làm mê loạn và khống chế, làm cho chúng ta kiêu căng, biếng nhác, phá giới và tạo các ác nghiệp. Trong khi đó chúng ta cứ tưởng là đã ngộ đã khai. Ngược lại nếu chúng ta làm được việc không lý giải, không khinh sợ, không vui mừng, không động tâm ... thì đây chính là kết quả của sự thúc liễm thân tâm của chúng ta, và lúc đó chúng ta sẽ an hưởng những giây phút tươi mát, vì đã được tắm gội trong dòng suối cam lồ của chủ Phật. Lúc đó chúng ta sẽ thấy:
- Năng lễ sở lễ tánh không tịch
            Cảm ứng đạo giao nan tư nghì...
            Lúc đó dù cho chúng ta không nghĩ chúng ta là Phật thì chúng ta cũng có thể có những sự thành đạt đáng kể:
            A- Những Thành Ðạt Bước Ðầu:
1- Sau khi phiền não khởi thì dễ chuyển, nháy mắt tức khắc tan biến.
2- Ðối với thói quen sâu sắc thường ngày hãy còn ham mê, chợt nhiên dứt bỏ mà sửa đổi thành thánh thiện tốt đẹp hơn.
3- Gặp việc không tự đặt mình vào chỗ bế tắc, mà thường nghĩ tưởng đến cảnh giới giải thoát yên vui.
4- Gặp việc thường quán sát, phán đoán từ trên lý nhân quả, gặp việc tùy duyên, nhân đó mà làm cho thích ứng, không nhờ vả, không khẩn cầu, vì thế mà tâm không mất quân bình và tính chất giản dị độc lập của mình.
5- Ngay lúc gặp điều sỉ nhục, thì cũng đối xử một cách thư thái, không được sinh giận hờn không vui.
6- Ít bực tức, ít so đo, ít tranh chấp.
B- Những Bước Tiến Tu:
1- Ðối với những người có quan hệ thân yêu, hết lòng chiếu cố dẫn dắt, giúp họ tự cường tự lập tự trị. Riêng về bản thân, cả ngày thảnh thơi trong mọi công việc, không bị ràng buộc trói buộc thị phi, không lo đây nghĩ kia ...
2- Ðối với sắc đẹp, vinh hiển tôn quí, cừu địch giữa đời, những người ngang tàn bạo ngược, tà đạo... những con người ấy, những hoàn cảnh như vậy lúc ứng phó không có tâm thành kiến, dùng tâm bình đẳng bình thường để đối đãi nhau.
3- Ðối với sự vật hay công việc thường ngày hay thích nhất, thói quen và nỗi đam mê .. v.v... có thể biết đó là vô thường, yêu mà chẳng chấp, thì không bị nó làm lụy, mất cũng không cảm thấy khó chịu, không làm nô lệ cho sự việc hay vật chất.
4- Ðối với danh lợi, quyền thế, phô trương, sở trường, châu báu đã có, có thể biết huyễn mà không dính mắc. Tùy duyên lấy, bỏ, được chẳng vui, mất chẳng buồn, vì biết nó là vô thường.
5- Trong những lúc giao tiếp, vui say, sợ sệt, lo lắng, có thể dung chứa mà không bị bức bách, hoặc dứt khoát buông rời không luyến tiếc.
6- Ðối với hoàn cảnh không tốt, tình đời không thuận, chỗ ở không thích nghi ... có thể phá trừ sự kết buộc của tâm, tùy duyên mà ứng xử, tùy duyên mà tâm cũng được an, không lấy cái khổ vui của thế tục mà làm khổ vui của mình.
C- Sự Tiến Bộ Vượt Bực:
1- Có thể cải đổi tập khí xấu, như là xả ly những thói xấu của ta như:
- Tư riêng,
- Ða nghi,
- Keo kiệt,
- Nôn nóng,
- Thô tháo,
- Ưa so tính, ưa tranh luận
- Ưa làm phiền,
- Ưa hư vinh,
- Ưa bài xích chê bai kẻ khác .. v.v...
Những thói quen cố chấp khó lìa, từ câu nệ mà thoát khỏi, mà hào phóng, mà siêu việt, mà thông suốt tròn đầy vô ngại, mà tự tại.
2- Gặp lúc thiên tai, người bị họa, bệnh ách, khổ nạn... một cách nặng nề, thì chúng ta biết tất cả sinh diệt vô thường, nguồn gốc là không là huyễn, để từ đó không lo không sợ, đối xử thanh thản, tự tại không trở ngại.
3- Tuy biết phân biệt, nhưng không trụ ở hai tướng: Không vì do sự so sánh mà sinh ra vọng niệm, không do vì sự ghét yêu mà sinh ra phiền não, mà là ở nơi trí không phân biệt.
Nói tóm lại, nói đến vấn đề tu học và sự giác ngộ, đối với người tu chúng ta ai cũng cần đạt đến mục đích cuối cùng như mình mong mỏi, nhưng không phải vì vậy mà mà chúng ta vọng cầu quá độ. Càng vọng cầu thì phiền muộn càng khởi dậy. Vì vậy, mặc dù chúng ta cũng là con người như bao nhiêu con người khác, nhưng qua một quá trình tỉnh toạ, thực tập niệm Phật, thiền tọa và kinh hành nghiêm túc, cho nên trong chúng ta đã sạch hết các Hoặc, Nghiệp. Khi đã sạch hết các hoặc nghiệp, thì cho dù chúng ta có vọng cầu hay không vọng cầu quả vị, hay bất cứ một mục đích nào đi nữa thì tâm hồn của chúng ta cũng cảm thấy sung sướng an nhiên tự tại trong cõi đời nhiều phiền lụy và khổ đau nầy. 
--o0o--