|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Hành Trang Cho Mùa Xuân
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Nói đến Xuân, là con
người trần thế mỗi người chúng ta ai cũng hiểu theo quan niệm
thông thường đó là: Xuân đến Hạ đi, Thu mãn, Ðông tàn, cứ như
thế mà thời gian cứ vận hành thay đổi, mọi sự mọi vật cứ liên
tục tiếp nối, hết năm nầy sang năm khác. Theo quan niệm nầy, mùa
Xuân là lúc khí trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa nở
bướm bay, muôn hương ngàn sắc. Mùa Xuân còn là mùa của tuổi trẻ,
mùa của tươi mát và thơ mộng ... rồi khí trời oi bức, nóng nực
là mùa Hạ đến ... Nghĩa là chúng ta thấy Xuân là một trong bốn
mùa theo sự vận chuyển của vũ trụ. Vì thế nên khi thấy hoa mai
nở, thì cho đó là Xuân, khi hoa tàn thì cho đó là Xuân hết.
-
Trên thực tế quả thật
có sự thay đổi của vũ trụ theo sự nhịp thời gian chuyển vận, có
những lúc hoa mai nở, và mùa Xuân đến, nhưng không phải là mùa
xuân của tuổi trẻ và thơ mộng như mọi người đã tưởng mà vẫn có
những hoàn cảnh, những con người cười ra nước mắt, nên đâu có
thời giờ mà hưởng mùa Xuân. Lại càng không có thời giờ để có
được những giây phút ấm êm hạnh phúc.
-
Như chúng ta đã biết,
tất cả mọi sự vật trên đời nầy đều theo thời gian năm tháng chi
phối, có đó rồi tàn hoại. Thân chúng ta cũng vậy theo thời gian
mà tàn hoại. Nếu chúng ta không biết trở về với thể chân thật
của chính mình thì đến khi sắc thân tan hoại chúng ta sẽ đau
khổ. Một khi mà chúng ta biết sống với thể chân thật không sinh
không diệt thì ngày nào cũng là xuân, lúc nào cũng là mùa Xuân,
nên cuộc đời của chúng ta càng lúc càng thăng hoa hơn. Quả thật
như vậy, với con mắt thường, chúng ta thấy bốn mùa tiếp nối nhau
như một vòng tròn không có điểm khởi đầu, mà cũng không kết
thúc. Người ta chỉ biết có bốn mùa qua cây cảnh trong vũ trụ:
-
- Mùa Xuân thì đâm
chồi nẩy lộc,
-
- Mùa Hạ thì phát
triển xanh tươi,
-
- Mùa Thu thì chín
vàng lá úa, và
-
- Mùa đông thì lá
rụng trơ cành.
-
Các hiện tượng trong
bốn mùa cho chúng ta một khái niệm:
-
- Sau khi đông tàn
thì xuân sinh, sức sống tiềm ẩn trong cây lại phát sinh những
mầm non mạnh mẽ, không có gì mất, không có gì tạo thành, mà chỉ
là ẩn hoặc hiện, tùy theo thiếu duyên hay đủ duyên.
-
Mùa Xuân mang hơi ấm
đến, cho nên cây héo lại trổ hoa, đưa hương bay bay theo gió tới
mọi nơi xa xôi, thật là đẹp thật là đầy hồn thơ và đạo vị. Phật
Pháp hay đạo lý cũng thế, nó bất sinh bất diệt trường tồn vĩnh
cửu bàng bạc khắp mọi nơi không đâu là không có, nhưng muốn thấy
nó phải có cặp mắt thanh tịnh mới nhìn thấy chân tướng, đôi tai
thanh tịnh mới nghe được diệu âm. Đó là đạo lý của thường hằng
một nguồn sống vĩnh cửu, vừa thiên nhiên, vừa siêu nhiên thoả
mãn cho tất cả đòi hỏi những khát vọng của nhân loại và chân
thiện mỹ. Như vậy, Phật pháp không ở đâu xa, mà là chỗ nào có
hòa điệu, có mãn túc, có thanh tịnh, có giác ngộ, có giải thoát
thì Phật Pháp hiển hiển, như cây khô gặp khí xuân nên được phục
sinh, hoa lá nẩy nở sau một mùa Đông lạnh lẽo.
-
Nhưng đối với những
vị Thiền Sư đắc đạo, khi nói đến Xuân thì các ngài lại có một
cái nhìn siêu nhiên linh động hơn, do vậy mà trực giác tâm linh
của các ngài cảm thông với vũ trụ vạn hữu, núi sông, trăng nước
không còn là những vật thể vô tri vô giác như con người thường
tưởng, mà là nơi mọi sự mọi vật đó có một nguồn sống mãnh liệt
linh động vô biên, một dòng sanh diệt liên tục không ngừng. Sở
dĩ có sự cảm thông được cái sức sống huyền diệu đó, là vì các
thiền sư đã bỏ qua được những lề lối quan sát của giác quan
thông thường để nhìn thẳng vào thực tại. Nơi đó không còn có ta
có người, có tâm có vật, mà chỉ thấy mọi sự mọi vật đều cùng
chung một bản thể vô biên, nếu có cũng chỉ là một hiện tượng vô
thường đủ duyên thì hiện, hết duyên thì tan, và chỉ có chân tâm
Phật tánh mới là bất biến vĩnh cửu. Cái nhìn nầy theo tinh thần
Phật Giáo gọi là nhất quán. Với tinh thần nhất quán đó có người
hỏi:
-
- Như hà nhất thiết
pháp?
-
Nghĩa là:
-
- Thế nào là tất cả
các pháp.
-
Qua câu hỏi nầy,
Thiền Sư Viên Chiếu đáp:
-
- Bất kiến xuân sanh
kiêm Hạ trưởng
-
Hựu phùng Thu thục
cập Đông tàn.
-
Nghĩa là:
-
- Chẳng thấy xuân
sanh cùng Hạ trưởng
-
Theo liền Thu chín
với Đông tàn.
-
Và Thiền Sư Chân
Không, một vị cao tăng đắc đạo vào giữa triều đại nhà Lý. Một
hôm có một vị thiền khách đến hỏi:
-
- Bạch
Hòa Thượng, khi sắc thân bại hoại thì thế nào?
-
Ngay khi
đó Ngài trả lời câu hỏi bằng hai câu thơ:
-
- Xuân
đến Xuân đi ngờ Xuân hết
-
Hoa nở hoa tàn chỉ là
Xuân.
-
Các Thiền Sư đắc đạo
là những con người đã vượt ra ngoài sự chi phối của thời gian,
nên trong lòng luôn luôn lúc nào cũng tràn đầy sức sống và niềm
yêu thương. Do vậy, khi các Ngài đến với chúng sanh vạn lọai thì
chỉ một tâm niệm duy nhất là cứu khổ ban vui, chính vì thế mà
các Ngài nhìn đến bất cứ một đối tượng nào cũng đẹp, đến với một
chúng sanh nào cũng thấy dễ thương, các ngài đem niềm tin yêu
đến cho mọi người mà không cần biết là thân hay thù. Trong lòng
của các Ngài lúc nào cũng vui tươi, trẻ trung và thơ mộng, cho
nên quan niệm mùa Xuân không phải chỉ có ba tháng, mà là mùa
Xuân vĩnh cửu, với cái nhìn của một người đã thoát ra ngoài sự
chi phối của thời gian. Nên khi một vị thiền khách hỏi:
-
- Bạch Hòa Thượng,
khi sắc thân bại hoại thì thế nào?
-
Thì Thiền Sư Viên
Chiếu đã không ngần ngại trả lời câu hỏi bằng hai câu thơ:
-
- Xuân
đến Xuân đi ngờ Xuân hết
-
Hoa nở
hoa tàn chỉ là Xuân.
-
Ðiều nầy ngài muốn
dạy chúng ta rằng:
-
- Hoa nở rồi tàn, sắc
thân chúng ta cũng như hoa. Chúng ta sinh ra rồi cũng già chết,
không có lâu bền. Nhưng trong cái tàn hoại đó, vẫn có một cái gì
mãi mãi còn, mãi mãi an lành. Vì thế nên ngài mượn Xuân để tiêu
biểu, tượng trưng cho cái mãi mãi còn đó.
-
Ngài cũng muốn nhấn
mạnh rằng nếu chúng ta phải biết trở về cái chân thật của mình,
và ý thức được rằng thân nầy còn hay mất tất cả chỉ là tạm bợ.
Ðiểm quan trọng là cái chân thật lúc nào cũng thanh tịnh, sáng
suốt, trong kinh gọi đó là pháp thân. Đã là pháp thân cho nên
thanh tịnh miên viễn không tàn hoại theo thời gian năm tháng.
-
Thiền Sư Viên Chiếu
đã thấy được cái nguồn sống hòa điệu của vũ trụ, và biết được lý
vạn vật đồng nhất thể, cho nên đã đạt được cái tâm Không, hay
tâm Chân Như và thực hiện được tâm từ Bi, Hỷ, Xả không còn tính
toán lợi hại hơn thiệt, tâm hồn luôn luôn vô tư không đắm chìm
trong danh lợi nhiễm ô. Nơi đó đã biểu lộ cho chúng ta thấy Thể
của Chân Như thì bình đẳng, thanh tịnh rộng lớn vô biên bao trùm
cả vũ trụ, và Tướng của Chân Như thì thanh cao vô tư giải thoát.
Chân Như là thực tại tối cao, không thể dùng lời nói văn tư để
diễn tả, không dùng lý trí mà luận bàn.
-
Điều nầy cho chúng ta
thấy cái nhìn của các Thiền Sư hết sức đặc biệt và sự đặc biệt
đó, trước nhất là để lý giải, và đồng thời cũng giúp niềm tự tin
của chúng ta được vững chãi để chúng ta có thể đối diện với mọi
khổ đau, nghịch cảnh trong cuộc đời, và nhất là trong cuộc sống
hiện tại. Có đối diện với cuộc sống thực tại, chúng ta mới thấy
thực tại là một phương thuốc màu nhiệm, một thứ năng lượng cần
thiết cho cuộc sống của chúng ta được thảnh thơi và an lạc.
-
Giữa hai con đường
đau khổ và an lạc, nếu phải lựa chọn, thì chắc chắc chúng ta lựa
chọn con an lạc và hạnh phúc. Một khi đã lựa chọn con đường hạnh
phúc thì chúng ta đã có duyên lành từ đời kiếp trước cho nên bây
giờ mới chọn con đường đẹp đẽ nầy, một con đường thênh thang,
tươi mát và an lạc. Nói như thế dường như có vẻ như chúng ta chủ
quan, nhưng thật sự nếu tất cả chúng ta đều hướng một lòng về sự
tu hành, đi theo con đường Ðức Phật đã dạy, thì mỗi bước của
chúng ta đi là một bước an lành, mỗi một bước của chúng ta đi sẽ
làm là rơi rụng bao nhiêu phiền não đau khổ. Thế nên con đường
chúng ta đang đi là tiêu biểu cho mùa Xuân với trăm hoa đua nở,
muôn hương ngàn sắc. Vì thế hãy ráng cố gắng tiếp tục trên con
đường tu đạo của mình đừng để ngoại cảnh chi phối, đừng có thối
lui, đừng để mất tâm Bồ Ðề của mình, và hãy cố gằng hòa mình với
mọi người. Phải biết xử dụng mọi phương thức để tu tập trau giồi
tánh tình, đức hạnh trong mọi hoàn cảnh, nếu có những vấp ngã
phải kiên cường đứng dậy mà đi, đi cho đến mục đích.
-
Hành trang để tìm đến
mùa xuân không gì cao quý và thiết thực bằng Tâm Hạnh Hỷ Xả. Nói
về chữ Tâm Hạnh, trong giáo lý Phật Giáo, Ðức Bồ tát Di Lặc được
coi là đại biểu cho lòng hỷ xả, bao dung, làm chỗ dựa cho tất cả
chúng sanh. Mặt dầu chúng ta chưa có dịp diện kiến với Ngài,
nhưng trong đường tu học chắc chắc chúng ta nghe chư tôn đức
nhắc nhở rất nhiều, cũng vậy mặc dầu chưa có lần gặp mặt, chỉ
nghe tên thôi, nhưng mỗi lần nghe như vậy cũng làm cho chúng ta
có một suy tư về cuộc đời và tâm hồn bao dung của Ngài, vì thế
khiến cho người nghe tên Ngài, ai cũng cảm nhận sự ấm cúng và
tình thương chân thật. Ngài là tấm gương để cho chúng ta học
cách đối xử với chúng sanh. Tuy đức tướng của Ngài Di Lặc đầy đủ
ba mươi hai tướng như các vị Phật khác, nhưng thông thường chúng
ta thấy Ngài dưới dáng hình của Bố Ðại Hoà Thượng, một vị tăng
tròn bụng tròn, tay nắm quạt, ta xách bị, dạo chơi khắp nơi.
Theo sự lý giải chư của chư tôn đức cho rằng bụng tròn của Ngài
là tiêu biểu cho lòng bao dung, hiền từ. Bụng lớn là ý muốn nói
tâm lượng rộng lớn, có thể chịu đựng, tha thứ những việc mà
thiên hạ khó tha thứ. Miệng rộng hay cười, cười những việc đáng
cười của thế nhân. Như vậy chúng ta học gương tốt của Ngài chính
là chúng ta học cái tấm lòng bao dung từ hòa vô lượng của Ngài.
-
Từ ngữ Hỷ và Xả là
hai trong Bốn Vô Lượng Tâm. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn nói về
Tâm Hạnh của Hỳ Xả. Hỷ Xả là hai từ ngữ ghép lại, nếu hiểu từng
chữ một thì từ ngữ Hỷ có nghĩa là vui đẹp. theo Kinh Thập Thiện
Nghiệp dạy rằng:
-
- Vì Hỷ trang nghiêm,
thấy người tu thiện, tâm không ganh ghét.
-
Cho nên một người
thực hành hạnh Bồ Tát, thì phải luôn luôn giữ tâm hoan hỷ để làm
hành trang trong việc siêng năng tìm cầu chánh pháp. Có được Tâm
Hỷ thì công cuộc tu học sẽ luôn luôn thăng tiến mà không bao giờ
nhàm chán.
-
Trước
tiên tâm hỷ là tâm hoan hỷ đối với chính chúng ta. Chính chúng
ta phải thường giữ tâm vui vẻ, từ trong việc tu tập, đi nghe
chánh pháp, hay làm tất cả các thiện nghiệp cũng thế, tâm không
bao giờ thối chuyển, không biết mỏi mệt. Ðối với người, khi thấy
người làm được việc lành, thì phải khởi niềm vui cũng như mình
làm lành. Thấy ai xa tránh được cảnh khổ, sống đời an vui thì
cũng phải sanh tâm mừng. Nghĩa là thấy người xa lìa điều ác làm
những việc công đức lành, thì nên tùy hỷ khen ngợi. Thấy lỗi
người, không sanh tâm ganh ghét, riêng về bản thân, luôn luôn
cảnh giác, đối trị với tâm tật đố của chính mình thì gọi đó là
tâm Hỷ.
-
Từ ngữ
Xả có nghĩa là quên đi, tha thứ lỗi lầm cho người nào đó. Theo
Phật Ðịa Kinh Luận thì nói rằng:
-
- Xả là bình đẳng.
-
Vì vậy đối với nguời
tu Bồ Tát Đạo phải học hỏi, thực hành hạnh tha thứ để trang
nghiêm tự thân, trang bị hạnh tha thứ cho tự thân, chúng ta sẽ
cảm thấy bình thảnh trước cảnh đời, ai thương cũng tốt mà ai
ghét cũng xong, nhưng lòng của chúng ta sẽ không có thương ghét.
Bởi vì đối với kẻ oán, người thân, tâm của chúng ta không còn có
sự phân biệt, ngay cả đến như mình nghe việc lành, việc dữ cũng
không còn sanh tâm chấp trước. Ðới với người có ơn và không ơn
phương tiện bình đẳng đối đãi như nhau.
-
Như vậy
khi mà một người có tâm xã, tất nhiên là đã có được tâm bình
đẳng, không còn tâm chấp trước. Như đối với thuận cảnh không có
tâm ưa thích, mà đối với nghịch cảnh tâm cũng không có oán. Đối
với người oán cũng không sanh tâm trả thù, đối vói người thân
không nên sanh tâm ái trước, không còn tâm phân biệt chính mình
và chúng sanh.
-
Tóm lại đối tất cả
mọi người thì chúng ta có thể phương tiện bình đẳng đối đãi với
nhau cho đời thêm vui tươi. Ðối với tự thân, chúng ta phải quân
bình giữ gìn giữa tình cảm và lý trí, không để ngoại cảnh làm
lay động, tâm bình đẳng không theo cảnh mà chuyển. Ðược như thế
thì chúng ta đã thực hành được xả tâm.
-
Trong
cuộc sống hiện thực, nhìn chung chúng ta thấy mọi người ai cũng
có những hoàn cảnh riêng, ai cũng có những nổi bức rức đau khổ
của hoàn cảnh đó. Tiêu biểu những người tội nghiệp nặng nề vì đã
từng phạm phải một vài hoàn cảnh như:
-
- Giết người
-
- Trộm cắp
-
- Loạn luân ...
-
Còn nhiều trường hợp
khác nửa, những người như thế đó thì trong lòng của họ sẽ sống
cuộc sống bất an, ray rức. Những người nầy họ cần chúng chúng ta
đem tấm lòng tha thứ bao dung ban bố cho họ. Ðược sự tha thứ bao
dung của chúng ta sẽ làm cho tâm họ hết đau khổ, được an lạc.
-
Muốn thực tập tâm
hạnh nầy chúng ta cũng phải thực tập cái quan niệm và cái nhìn
của chúng ta. Nếu có lúc chúng ta thấy thuyền bè, xe cộ là những
phương tiện chuyên chở người từ nơi nầy sang nơi khác, thì chúng
ta cũng phải thấy rằng một lời nói hiền từ, một lời an ủi, một
cái xoa đầu, một cái vổ vai, một hành động chân thành giúp đở,
một cái nhìn quan tâm, mỗi công việc vị tha ... Nói tóm lại bất
kỳ hành động nào cũng có thể đưa người ta từ trạng thái mê muội
đau khổ, phiền não, sợ hải đến chỗ tâm thần giải toả những u ẩn
trong đời để được an ổn tự tại. Trong tinh thần tu học, và bằng
cách nầy là cách mau nhất và hữu hiệu nhất để chính chúng ta hết
phiền não và cũng là giúp và tạo điều kiện để người thân của
chúng ta bớt và hết phiền não.
-
Nguyên
nhân để tạo thành một tâm tình khó chịu, buồn phiền là vì hầu
hết một khi chúng ta nghĩ điều gì, nói điều gì thì cái tôi của
chúng ta lúc nào cũng có mặt. Cái ông chủ nầy sẽ không bao giờ
biến mất, trừ khi chúng ta biết tu, và đạt tới trình độ không
còn có sự phân biệt tốt xấu, hay dỡ giữa ta và người. Do đó lúc
mới bắt đầu tu chúng ta phải tập suy nghĩ và hành động làm sao
để đạt kết quả đến chỗ vô ngã. Ở điểm nầy ngoài cách quán sát
đức tánh Hỷ Xả trong lúc thực tập thiền định, còn có một cách
nữa có thể giúp chúng ta. Ðối với chúng ta là những kẻ phàm phu
sơ cơ, chúng ta phải bắt đầu bằng cách thay đổi cách nhìn. Cái
nhìn nầy cũng có thể là:
-
- Quan điểm của mình
-
Trong quan điểm đó
bao gồm cả quan điểm chính trị, quan điểm xử thế...
-
- Cặp kính mầu của
mình
-
Với cặp kính mầu nầy
chúng ta dễ nhìn đời nhìn người theo cái mầu sắc của cặp kính mà
chúng ta đang đeo. Cứ như thế mà theo mầu sắc đó mà chúng ta
định nghĩa mọi sự, mọi vật trên cuộc đời. Do vậy mà Cổ nhân đã
từng dạy:
-
- Trước khi nói chúng
ta phải uốn lưỡi bảy lần.
-
Nhưng đối với người
đang tập tu chúng ta muốn loại bỏ những sự sai lầm khi phán đoán
một điều gì của một người nào đó, thì chúng ta phải tập một thói
quen:
-
- Nên nghĩ đến người
khác trước.
-
Chư
Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, chư hiền thánh tăng thường khuyên
chúng ta mỗi ngày nên làm ít nhất là một việc lành, những hành
động nho nhỏ khi cần giúp mà chúng ta làm được thì quý giá và
thực tế vô cùng chẳng hạn như:
-
- Pha dùm ly nước,
-
- Rửa dùm chén bát,
-
- Cất đồ đạc,
-
- Quét dùm nhà
-
- Ðổ rác ....
-
Nếu được hãy cố gắng
giúp những người thân, những người chung quanh chúng ta, những
người sống gần gủi hàng ngày với chúng ta, trước khi làm một
việc gì đó to lớn hơn. Việc làm từ thiện, công quả, việc đoàn
thể, tuy là những việc làm lớn có lợi ích cho nhân quần xã hội,
nhưng chúng ta nên tập làm người hữu ích, hữu dụng đối với người
nhà, kẻ thân thuộc của chúng ta trước. Ðừng chờ những chuyện gì
lớn mình mới giúp họ.
-
Ðiều nầy mới nghe qua
dường như là trái ngược với tinh thần lợi tha, bình đẳng giữa
người thân và người không thân. Tuy nhiên nếu cứ lo việc từ
thiện mà quên đi những người thân như:
-
- Ông bà,
-
- Cha mẹ
-
- Anh em,
-
- Chồng vợ hoặc vợ
chồng ...
-
Là những người đang
cần được sự giúp đỡ thì đó là hiện tượng chúng ta chạy theo cái
danh vọng hảo huyền.
-
Như vậy
sống trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù
hận chấp trước thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ.
Muốn thoát được khổ vui con người phải gở bỏ những mối giây oán
hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng, thì chúng ta
sẽ được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp tháo gở và tẩy trừ đó
là Tâm Hạnh Hỷ Xả
-
Có thực
hành Tâm Hạnh Hỷ Xả thì chúng ta mới vui vẻ tha thứ những lỗi
lầm mà người đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ tất cả những
danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của ta, nếu thấy cần và lợi
ích cho chúng sanh. Có tha thứ, lòng ta mới thênh thang, tim ta
mới nhịp nhàng cùng tim mọi người, có xả bỏ, tâm ta mới thanh
thoát an tịnh.
-
Cuộc đời
đen tối, và sầu khổ nhất là cuộc đời của kẻ hay cau có, oán thù.
Vì những ai hay cau có thì trên guơng mặt người đó luôn luôn
hiện đầy những nét nhăn, đôi mi chau lại vẻ khó khăn. Những
người còn nặng khối hận thù thì lửa hận thiêu đốt cả tim gan và
buồng phổi của họ. Còn gì khổ đau hơn khi tim gan bị thiêu đốt.
Còn gì xấu xí bằng khi gương mặt nhăn nhó héo sầu. Sống trên đời
nầy, nếu chúng ta gặp điều trái ý thì lại mang lòng thù hận và
oán hờn. Như chúng ta dùng lời mắng người nào đó, và họ cố trả
thù lại thì người bị mắng kia phải dùng lời khó chịu hơn để trả
đủa. Ban đầu còn trả thù bằng miệng, kế trả thù bằng tay chân,
và sau cùng phải trả thù nhau bằng dao búa. Khi sơ khởi chỉ thù
riêng của cá nhân, rồi lan dần đến thù chung của gia đình, của
thân tộc. Cứ thế oán thù chồng chất mãi biết bao giờ mới dứt.
Ðức Phật dạy:
-
- Lấy
oán trả oán, oán mãi chất chồng
-
Lấy ân
trả oán, oán liền tiêu diệt
-
Người mà
trong lòng mãi ôm ấp hận thù, thì lúc nào cũng tưởng chừng như
chung quanh đều là kẻ thù muốn hại mình, vì vậy họ sống những
ngày đầy lo sợ. Chỉ có ai biết lấy ân trả oán mới mong dứt sạch
thù hận.
-
Lòng đố
kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần
gian nầy. Chúng ta tật đố khi ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà
người khác có được còn chúng ta thì mất, người khác có và ta thì
không. Chúng ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả ... Ðâu
phải khi không mà người ta giàu sang sung sướng hơn mình. Người
ta giàu sang sung sướng vì người ta siêng mình lười biếng ...
Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại đâm ra
ganh tỵ. Cũng thế, đâu phải đương không mà người ta đẹp đẽ, mà
chúng ta xấu xí, người giàu sang thông minh còn chúng ta nghèo
hèn ngu tối? Khi đã thấu rõ lý Nhân Quả thì không còn ganh ghét
và tật đố nữa.
-
Còn gì vui sướng hơn
khi chúng ta có tâm lượng bao dung sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm
cho người. Khi nào thấy lòng chúng ta không còn một mảy may thắc
mắc, không còn một chút bợn hận thù, đó là lúc chúng ta hoàn
toàn an lạc. Người mà lòng được thanh thoát nhẹ nhàng thì gương
mặt vui tươi, lời nói thanh nhã cữ chỉ thư thái, toàn thân hiện
ra trong phong độ khả ái khả kính. Con người ấy có mấy khi buồn
khổ, vì thế nên họ trẻ mãi sống dai. Sách có câu:
-
- Thù
ghét là sâu mọt đục khoét người ta, làm cho người ta chóng xấu
chóng già, chóng chết.
-
Yêu thương và tha thứ
là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp
trẻ dai và sống mãi. Danh vọng tài sắc ... ở đời là những cạm
bẩy hại người, nhưng vì nó có công năng hấp dẫn quyến rũ khiến
người đời phãi mê mẫn say sưa để rồi chịu khổ. Phần đông người
đời ngỡ rằng đuổi bắt tài sắc, danh vọng ... là hạnh phúc, chớ
đâu ngờ càng đuổi bắt nó càng chuốc khổ về mình. Tóm lại bởi đắm
nhiễm sắc, tài danh vọng tưởng nên người đời phải luống chịu đau
khổ.
-
Dứt bỏ
những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui
vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng
hay, mà lòng không ái nhiễm, đó là bực siêu nhân. Ngài Phù Dung
Thiền Sư thường nói:
-
- Nghe
tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh
vọng như bụi rơi vào mắt ...
-
Chúng ta
khi đã làm được như vậy mới thực sự là tự tại an vui. Qua hình
ảnh của Ðức Di Lặc, chúng ta nhìn thấy năm đứa nhỏ móc tai, chọc
mắt ngài, nhưng trên gương mặt Ngài vẫn nở nụ cười tự tại. Hình
dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỹ xã năm căn toàn vẹn. Ðức
Di Lặc cười thoải mái vì ngoại cảnh còn gì quyến rũ được Ngài.
Tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn
luôn luôn hoan hỷ.
-
Tóm lại thực tập được
Tâm Hạnh Hỷ Xả, là một cách giáo dục bản thân. Thực tập Tâm Hạnh
Hỷ Xả là chúng ta đã thực tập được hạnh lắng nghe, có lắng nghe
chúng ta mới hiểu và giúp người khác. Ðừng tranh cãi. Càng nói
nhiều, cái tôi càng tác quái càng dễ tạo lỗi lầm, nhất là rơi
vào vòng thị phi, tôi đúng anh sai, mà kết quả là ta thêm ích kỷ
tự khoe và tự đại.
-
Làm được như thế thì
chúng ta mới có thể bỏ qua những oán thù, có bỏ qua những oán
thù thì lòng chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát đó là cái vui
của phàm nhân. Hỷ xả những tài, sắc, danh vọng ... cho tâm được
tự tại, đó là cái vui của bậc tu hành đạo giải thoát. Hỷ xả
thân mạng mình để cứu độ chúng sanh làm cho tất cả chúng sanh
được an lạc đó là cái vui của Bậc đại Bồ Tát. Người Phật Tử
quyết tâm dứt khổ tìm vui phải tu và thực tập Tâm Hạnh Hỷ Xả.
Thực tập Tâm Hạnh Hỷ Xả một phần, thì chúng ta được vui một bậc.
Ðến khi nào Tâm Hạnh Hỷ Xả toàn vẹn rồi thì lúc đó chúng ta sẽ
có được cái vui miên viễn. Như vậy, vui và khổ không phải do ai
đem đến hay ban cho, mà chính chúng ta tự tạo lấy.
-
Nói một cách khác,
mục đích cuối cùng là sự tu học để sửa tâm đổi tánh, vậy mà
chúng ta không tập tu sửa đổi, hằng ngày từ sáng đến tối cứ hằn
học với những người chung quanh, trong gia đình, bạn hữu. Không
có ai là người thuận hợp với mình, cho nên trong lòng cứ bực bội
phiền não, rồi thì ngày lại ngày qua đâu có lợi ích gì, trái lại
chỉ uổng phí thời giờ, mà cũng không đạt được bản nguyện của
mình. Từ đó những bạn bè, thân thuộc của mình sẽ cười chê là
người không có ý chí, không có tuệ giác để tiếp tục đi trọn con
đường chân chánh đã chọn quá hay mà hành động lại quá dở, đó là
điều thật đáng trách.
-
Xuân đến rồi Xuân lại
đi, hoa nở rồi hoa phải rụng đó là lẽ tự nhiên theo thời gian
trôi chảy, việc đời biến dịch theo luật vô thường diễn tiến
không sai, không có gì ngăn cản được. Tất cả mọi sự mọi vật, cỏ
cây, đất đá ... phải tuân theo luật thiên nhiên:
-
- Xuân sanh, Hạ
trưởng, Thu, liễm, Đông tàn ...
-
Và con người phải
chịu định luật vô thường:
-
- Sanh, già, bệnh,
chết
-
Sông, núi trong vũ
trụ phải tùy theo luật biến dịch:
-
- Thành, trụ, họai,
không ...
-
Thuận theo luật thiên
nhiên tuy vô hình, nhưng trói buộc thật chặc chẻ. Việc sống chết
tuy là đại sự, nhưng nếu biết là không tránh được thì chúng ta
cứ vui mà đón nhận. Cái gì phải đến cứ mặt cho nó đến không nên
bận lòng, trong lúc còn sống thì cứ sống cho đầy đủ với đạo lý,
không nghĩ gì về quá khứ, không lo gì đến tương lai, chỉ biết có
hiện tại. Hiểu đạo, vui đạo, sống đạo, thấy Đạo và Đời là một.
Sống với đức tin mãnh liệt, tin tưởng ở khả năng thành Phật của
mình, tin tưởng vào nguồn sống trường cửu đại đồng, sống với tư
duy ngoại giới và nội giới đồng điệu, sống vui trong một bản thể
chung cùng bao la rộng lớn, đó mới thật là đúng nghĩa của sự
sống và nếu đã sống được như vậy thì đâu có sợ chết vì cái chết
đã bị tiêu diệt trong cái sống trường cửu rồi.
-
Nói tóm lại, lạm bàn
về hành trang cho mùa xuân, là chúng ta ghi nhận một cách trung
thực trước những cảnh đổi thay của vạn vật, trước sự tuần hoàn
của bốn mùa, để cho lòng cảm thấy thanh thản không vui cũng
không buồn mà trực nhận luật thiên nhiên:
-
- Đông qua, Xuân tới,
hoa rụng thì đâm chồi, sự sống vẫn có khắp nơi, chân như vẫn thể
hiện khắp chốn ...
-
Có được những mớ hành
trang cho mùa xuân một cách đầy đủ là chúng ta đã thấy cái
thường nhiên, và có thể lấy cái bất biến ứng vạn biến, đồng thời
lúc nào cũng hiện diện miên tục bản lai bất khứ vượt thoát sự
chi phối của thời gian và không gian. Lúc đó chúng ta có thể
sống lặng lẽ để cho đạo vị ngấm vào tâm hồn, không nói năng suy
luận, vì không thể dùng cái hữu hạn biến đổi để ứng dụng trung
thực vào cái vô hạn thường nhiên được. Thường nhiên chính là cái
trường tồn không biến đổi trong cái thiên nhiên biến đổi, đó
chính là Thực Tại tối cao.
-
Con đường mà chúng ta
đã chọn là con đường rất tốt đẹp, rất an lạc. Chúng ta hãy cùng
nhau nỗ lực tinh tấn trên con đường đó, và làm sao ngay trong
cuộc đời nầy, tuy là chưa đi đến tận đích, nhưng ít ra cũng đi
được nữa hoặc hai phần đường, hoặc ít nhất chúng ta cũng đang đi
về hướng đó. Vì thế chúng ta phải luôn luôn tâm niệm gìn giữ và
tiếp tục đi mãi, không nên chần chờ để mất hết thì giờ, rồi phải
chịu đau khổ như bao nhiêu người khác không có đủ phúc duyên như
chúng ta.
--o0o--
|
|