TẬP SAN DƯỢC SƯ

Xin Cho Nhau Niềm Tin
Thông Trí
--o0o--
 
Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người bị suy nhược vì lo âu nhiều quá. Do vì lo âu quá nhiều cho nên không đáp ứng được mục đích hữu ích nào cho cuộc sống, và cũng không giúp ích gì đến xã hội, ngoài việc xói mòn hạnh phúc và ngăn cản khả năng đạt đến mục tiêu lành mạnh của chính bản thân và của người khác. Đối với những ai gặp hoàn cảnh nầy, người phật tử chúng ta phải cho họ niềm tin:
- Xin tặng cho anh, cho anh, cho anh đoá hoa niềm tin
Xin tặng cho em, cho em, cho em đóa hoa niềm tin
Thời gian dầu có phai nhạt nhoà
Nhưng niềm tin ta vẫn mặn mà
Và đạo tình ta luôn đậm đà
Theo tháng ngày qua.
Xin tặng cho anh, cho anh, cho anh những lời cầu kinh
Xin tặng cho em, cho em, cho em muôn lời bình an,
Thế gian dầu có bao phủ phàng
Nhưng lời cầu kinh vẫn nồng nàn
Và đạo tình ta luôn đầy tràn
Giữa đời lầm than.
Tôi nguyện cùng anh đưa anh đi qua bến bờ khổ đau
Tôi nguyện cùng em đưa em đi qua cảnh đời biển dâu
Thế gian dầu có muôn sắc mầu
Nhưng niềm tin ta với nguyện cầu
Nguyện cầu,
Cuộc đời hết khổ đau.
Niềm tin là liều thuốc hồi sinh cho tất cả những chứng lo âu và sợ hãi. Quả thật, một khi mà bộ não con người được trang bị với một hệ thống dành để ghi nhận những cảm xúc sợ sệt và lo lắng, thì hệ thống này đáp ứng chức năng quan trọng của nó bằng cách phát động hàng loạt những phản ứng tâm lý và sinh lý. Cho nên, một số loại sợ hãi, và mức lo âu nào đó xẩy ra có thể là chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, những cảm xúc sợ hãi và lo âu có thể dai dẳng và gia tăng khi không có tính đe dọa đích thực, và khi những cảm xúc này phát triển không cân xứng với bất cứ nguy hiểm thực sự nào, chúng trở thành sai lầm. Lo âu quá độ giống như giận dữ và sân hận có thể có những tác động tàn phá đến tâm và thân, trở thành nguồn khổ đau nhiều về xúc cảm và cả đến bệnh về thể chất.    
Về mặt tinh thần, những lo âu kinh niên có thể làm suy yếu những nhận xét đúng đắn, đồng thời gia tăng tính dễ nổi cáu, và cản trở toàn bộ thành quả của chúng ta. Nó cũng dẫn đến những vấn đề khó khăn về thể chất chẳng hạn như:
- Giảm chức năng miễn dịch,
- Bệnh tim,
- Rối loạn ruột dạ dày,
- Mệt mỏi,
- Cơ bắp căng thẳng và đau đớn.
Những rối loạn của lo âu cho thấy đã gây việc suy dinh dưỡng cho sự phát triển của các thiếu nữ.
Trong việc tìm các cách đối trị với lo âu, trước hết chúng ta phải công nhận là có nhiều yếu tố góp phần làm tăng thêm sự lo âu. Một số người dễ bị thương tổn thần kinh khi trải qua trạng thái lo nghĩ và sợ hãi. Các nhà khoa học cho rằng:
- Yếu tố di truyền có liên quan đến những người hay lo lắng và suy nghĩ tiêu cực.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi trường hợp về độc tố lo lắng đều do nguyên nhân di truyền, mà hầu như chắc chắn là những tình huống trong xã hội hiện đại cũng đóng một vai trò lớn trong nguyên nhân gây bệnh.ÕNhưng dù cho sự lo âu chủ yếu là bẩm sinh về thể chất hay tâm lý đi nữa, thì chúng ta cũng vẫn có cách để chữa trị. Trong những trường hợp lo âu trầm trọng, thuốc men có thể là một phần hữu dụng trong chế độ điều trị. Nhưng hầu hết mọi phiền muộn bởi lo nghĩ và lo âu dai dẳng hằng ngày sẽ không cần can thiệp bằng thuốc. Phương pháp giải quyết tốt nhất là chúng ta phải lưu ý:
- Tình trạng sức khỏe, có thể là nguyên nhân gây ra lo âu.
- Cải thiện phương diện ăn uống cho thích hợp và tập luyện cơ thể cho khỏe mạnh.
- Trau dồi tình thương và tăng cường quan hệ với người khác.
Tuy nhiên trong công việc tìm kiếm những phương pháp thực tiễn để khắc phục lo âu, một kỹ thuật có hiệu quả nhất đó là có sự can thiệp của nhận thức, hay tuệ giác vào trong mọi hành động. Đó là một trong những phương pháp chính mà chúng ta có thể áp dụng để khắc phục phiền muộn và lo âu hàng ngày. Kỹ thuật này đòi hỏi chúng ta phải tích cực, không chấp nhận những ý nghĩ phát sanh lo âu và thay thế chúng bằng ý nghĩ, thái độ tích cực và hợp lý.
Sợ hãi và lo âu là chướng ngại chính trong việc hoàn thành mục tiêu tu học của chúng ta, do vậy khi đối trị với sợ hãi, trước nhất chúng ta cần phải biết là có nhiều loại lo sợ. Có những loại sợ rất chính đáng, tức là loại lo sợ căn cứ vào những lý do hợp lý. Chúng ta có thể thấy những điều ấy rất là xấu, rồi có những sự lo sợ về những hậu quả tiêu cực xẩy ra sau này, từ những hành động tiêu cực của chúng ta. Chúng ta phải thấy đó là những loại sợ hãi đứng đắn, những loại sợ hãi này đưa chúng ta vào chánh đạo, giúp chúng ta trở thành người có lòng tốt. Mặc dù trong một ý nghĩa nào đó, đây là những loại lo sợ, chúng ta nên tìm hiểu về tính chất phá hoại hay xây dựng của nó.
Mặt khác có những loại sợ hãi do chính chúng ta tạo nên, những loại lo sợ này hoàn toàn dựa trên tinh thần. Thí dụ:
- Lúc còn nhỏ, khi đi qua chỗ tối thì chúng ta thấy sợ.
Cái sợ này hoàn toàn do tưởng tượng. Hay khi còn nhỏ chúng ta có nghe những người lớn thường khuyến cáo, là có con chim cú hay bắt trẻ con ăn thịt, và chúng ta tin là có thật.
Có những loại lo sợ khác căn cứ vào tưởng tượng, chẳng hạn như chúng ta có những cảm tưởng lo sợ do tình trạng tinh thần, rồi chúng ta suy bụng ta ra bụng người, thấy người này có vẻ tiêu cực và thù nghịch. Kết quả, chúng ta cảm thấy sợ hãi. Cho nên, việc đối trị sự lo sợ, trước hết chúng ta cần phải xử dụng khả năng và cố gắng khám phá xem có cơ sở nào để chúng ta sợ. Một trong những cách giải quyết rất hữu hiệu để giảm bớt loại lo lắng này là trau dồi tư tưởng, nghĩa là:
- Nếu thấy tình huống khó khăn có thể vượt qua được, thì không cần phải lo lắng.
Nói một cách khác, nếu có giải pháp hay có lối thoát khỏi khó khăn, thì chúng ta cần phải thực hiện ngay mà không cần chờ đợi. Hành động thích hợp là tìm ra giải pháp và sáng suốt, đó là tập trung năng lực tìm biện pháp để giải quyết hơn là cứ thụ động lo lắng triền miên. Còn nếu không có cách nào để giải quyết khó khăn, thì cũng không có lý do gì phải lo, vì dù sao đi nữa chúng ta cũng không làm được điều gì khác. Trong trường hợp đó, nếu chúng ta chấp nhận sự thật càng sớm, thì chúng ta càng cảm thấy dễ chịu hơn. Dĩ nhiên điều này ngụ ý, chúng ta nên trực tiếp đương đầu với vấn đề và không nên bi quan và bỏ cuộc.
Hãy cũng cố sự tự vào bản thân và liên tục tự nhắc nhở mình. Dù sao đi nữa thì bất cứ phương pháp nào đi nữa cũng có thể giúp chúng ta làm giảm sự lo lắng, nhưng không phải lúc nào nó cũng có kết quả. Nếu chúng ta phải đối phó với sự lo lắng đang diễn ra, thì chúng ta cần phải biết đến vấn đề một cách cụ thể, mà qua đó chúng ta thấy có nhiều loại lo lắng và nguyên nhân khác nhau như:
- Lo lắng vì lý do cơ thể, như có người bị mồ hôi ướt lòng bàn tay mà đó là sự mất quân bình về mức độ sinh lực.
- Lo lắng giống như suy nhược, và đối với những loại này, cách điều trị y tế có thể có ích cho loại này.
Để đương đầu với lo lắng một cách có hiệu quả, chúng ta cần xem xét về các loại và nguyên nhân gây ra sự lo lắng.ÕĐồng thời cũng lưu tâm đến các loại động cơ thích hợp đó là tự tin và thành thật là những nguồn năng lượng chủ yếu để chế ngự những loại sợ hãi và lo lắng, bằng cách là tự nhắc nhở mình lý do chính yếu, mà qua đó chúng ta thấy rằng động cơ niềm tin và thành thật là một loại thuốc giải để giảm bớt sợ hãi và lo lắng.
Ngoài ra còn có một động cơ tận tâm trong việc giúp người, và cố làm hết sức của mình thì chúng ta không phải lo lắng gì nữa. Bằng động cơ thành thực, động cơ từ bi, cho dù chúng ta có gây lỗi lầm, hay thất bại thì cũng không có lý do gì để hối tiếc, vì đã cố hết sức làm tốt phần của chúng ta rồi. Một khi đã cố gắng hết sức rồi, và nếu có thất bại đó là vì tình thế vượt quá những cố gắng hết sức của chúng ta. Vậy động cơ thúc đẩy thành thật sẽ loại bỏ sự sợ hãi và cho chúng ta lòng tự tin. Mặt khác, nếu động cơ thầm kín là để lường gạt người ta, khi thất bại, chúng ta thực sự trở nên bối rối.
Thực ra tất cả hành động của con người có thể được nhìn thấy bằng cung cách hoạt động, và nguyên nhân đằng sau tất cả những hành động của chúng ta. Nếu chúng ta hành động với một động cơ trong sáng và thành thật, được thúc đẩy bởi lòng mong muốn giúp đỡ trên căn bản của lòng nhân ái, và từ bi thì chúng ta có thể thi hành bất cứ công việc gì, trong bất cứ lãnh vực nào, và hoạt động một cách hăng say mà không có sợ hãi và lo lắng. Không sợ hãi gì về điều người ta nghĩ về chúng ta. Cho dù chúng ta không đạt được mục tiêu, chúng ta vẫn cảm thấy hài lòng vì chúng ta đã hết sức cố gắng. Nhưng bằng một động cơ xấu, người ta có thể khen, hay có thể đạt được mục tiêu, nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy vui.
Có hai phương cách để trị liệu bệnh lo lắng:
a- Hãy luôn luôn nhắc nhở mình, nếu có cách giải quyết vấn đề thì không cần phải lo. Nếu không có cách giải quyết, thì cũng không có lý do gì phải lo.
b- Tìm những liên quan đến việc biến đổi động cơ tiềm ẩn của chúng ta.
Có một sự trái ngược đáng lưu ý giữa cách giải quyết về động cơ thúc đẩy con người của những người học Phật, với tâm lý học Tây Phương. Theo các nhà nghiên cứu đã điều tra về những động cơ bình thường của con người, nhìn vào cả hai nhu cầu bẩm sinh và nhu cầu do biết được. Ở mức độ này, chư tôn đức nhắm vào sự phát triển và sử dụng lòng ham học để nâng cao nhiệt tình và quyết tâm của chúng ta. Trong một số khía cạnh, nó giống như quan điểm của nhiều chuyên gia truyền thống Tây Phương, là tìm cách đẩy mạnh tinh thần hăng hái và quyết tâm để đạt mục đích. Nhưng điều khác biệt là đạo giải thoát tìm cách xây dựng quyết tâm và niềm say mê làm những hành động thiện, và loại bỏ tinh thần tiêu cực để đạt được những thành công vật chất, tiền bạc hay quyền thế. Và có lẽ sự khác biệt nổi bật nhất là trong khi những lý thuyết gia Tây Phượng chú trọng những động cơ về những thành công vật chất, và những phân loại tiêu chuẩn của con người, thì mối quan tâm hàng đầu về con người của đạo giải thoát lại nằm trong việc chuyển hóa và thay đổi những tiềm ẩn của khía cạnh từ bi và nhân ái.
Trong phương cách huân luyện tâm để tạo tác hạnh phúc của Đạo Phật được thúc đẩy bởi lòng vị tha, cho nên không sợ những hoàn cảnh lo âu dằn vặt. Ngoài ra chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc tuy là không hoàn toàn do lòng vị tha, nhưng chỉ cần chắc chắn là chúng ta không có ý hại người và thành thực thì cũng có thể giúp giảm thiểu lo âu trong hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hàng ngày.
Quả thật như vậy, xin chia xẻ với đại chúng câu chuyện:
Có lần chúng tôi ăn trưa cùng với một nhóm thanh niên trẻ mà tôi chưa gặp trước đây. Trong bữa ăn này, có một sinh viên hỏi chúng tôi về việc khắc phục lo lắng. Sau khi im lặng nghe tôi miêu tả khái niệm về:
- Động cơ niềm tự tin và thành thực là thuốc giải cho bệnh lo lắng.
Người sinh viên cho biết là anh thường khổ tâm vì tính nhút nhát và rất lo lắng trong việc giao tiếp ngoài xã hội. Khi nghe nói về cách áp dụng kỹ thuật niềm tự tin và thành thật để vượt qua sự lo lắng thì người học sinh này thì thầm:
- Tốt, điều đó rất hay.
Tuần lễ sau đó chúng tôi tình cờ lại gặp người sinh viên này cũng tại quán ăn này.ÕĐến bên cạnh tôi với cung cách niềm nở, anh ta nói:
- Ông Thầy còn nhớ bữa trước chúng ta có nói về động cơ thúc đẩy và lo lắng?
Thầy biết không, sau khi được Thầy hướng dẫn, tôi có đem thực hành và nó thực sự hữu hiệu! Nguyên do là có một thiếu nữ làm việc trong tiệm bán đồ, tại khu bán hàng tôi đã gặp cô rất nhiều lần, lúc nào tôi cũng định mời cô đi chơi, nhưng vì quá e thẹn và lo lắng sợ cô từ chối, cho nên không bao giờ dám hỏi cô. Vậy mà hôm nọ, tôi đến gặp cô, nhưng lần này tôi đã mời cô đi chơi. Đương nhiên động cơ thúc đẩy là muốn hẹn hò với cô. Nhưng nguyên do đó chính là lòng mong ước có thể tìm thấy một người mà tôi yêu và người ấy cũng yêu tôi. Khi tôi nghĩ như vậy, tôi nhận thấy không có gì sai trái trong việc này, và động cơ thúc đẩy của tôi thành thực. Tôi không muốn làm hại cô hay chính tôi, mà chỉ mong những điều tất cả đều tốt lành. Ghi nhớ điều này trong tâm và tự nhắc nhở một đôi lần, nó có vẻ có ích khiến cho tôi đã có can đảm bắt chuyện với cô. Tim tôi đập mạnh, nhưng tôi cảm thấy tuyệt vời vì đã có thể can đảm để nói chuyện với cô ấy.
Anh ta nói tiếp:
- Sau khi nói chuyện và biết được cô ấy đã có bạn trai rồi. Tôi hơi thất vọng một chút nhưng không sao. Tôi cảm thấy vui vì đã có thể vượt qua được sự rụt rè e thẹn của tôi. Và việc này làm cho tôi hiểu chắc chắn không có gì sai trái trong động cơ thức đẩy của tôi, và ghi nhớ điều này trong tâm, nó sẽ giúp tôi lần sau ở trong hoàn cảnh khác tương tự như vậy.
Như vậy ý thức lành mạnh của tự tin là một yếu tố chủ chốt trong việc đạt mục tiêu của chúng ta. Điều này rất đúng, dù mục tiêu của chúng ta là đạt được bằng cấp đại học, thành công trong công việc làm ăn, hay rèn luyện tâm trí để được hạnh phúc hơn. Nhưng khi đã thiếu tự tin thì nó sẽ cản trở những cố gắng tiến tới, đối đầu với thử thách và cả đến phải chấp nhận may rủi khi cần thiết để theo đuổi mục tiêu của chúng ta. Nhưng quá tự tin cũng có thể gặp nguy hiểm. Những người khổ vì có ý nghĩ thổi phồng tháiÕquá về khả năng, và thành quả của mình luôn luôn bị ngã lòng, thất vọng, và nóng giận khi đụng chạm với thực tế của cuộc đời, trong khi thiên hạ không chấp nhận giá trị của cách nhìn lý tưởng hóa của chúng ta. Và chúng ta lúc nào cũng gần như sắp bị đắm chìm trong suy nhược khi không thể sống theo hình ảnh lý tưởng của mình. Thêm vào đó, tính phô trương của những cá nhân chúng ta thường dẫn đến cảm giác có quyền hành, tựa hồ như hách dịch, khiến cho chúng ta có sự cách biệt với những người khác và cản trở chúng ta trong những mối quan hệ thoải mái về tình cảm.
Trong truyền thống tâm lý trị liệu ở Phương Tây, các nhà lý luận đã gắn cả tự ti và tự tôn với những xáo trộn trong hình ảnh bản thân của con người, và tìm nguyên nhân của những xáo trộn này qua cách nuôi dưỡng đứa trẻ lúc còn bé. Nhiều nhà lý luận coi sự tự ti và tự tôn như hai mặt của một đồng tiền, quan niệm việc thổi phồng hình ảnh bản thân là sự phòng thủ vô thức chống lại cái bất an nằm ở dưới những cảm nghĩ tiêu cực về mình. Những bác sĩ chuyên khoa phân tích tâm lý, đã đặc biệt trình bày những lý thuyết phức tạp về sự nhận định sai lạc bản thân mình xẩy ra như thế nào. Họ cũng mô tả sự phát triển khái niệm chính mình là ai, bằng cách kết hợp những thông tin rõ rệt, hay ngấm ngầm về chúng ta từ cha mẹ, và làm thế nào mà những sự xáo trộn có thể xẩy ra khi những tương tác lúc nhỏ với những người chăm sóc không được lành mạnh và không biết cách nuôi nấng.
Khi những xáo trộn về bản thân đủ để gây ra những vấn đề khó khăn thật sự trong đời sống, nhiều người quay về với tâm lý trị liệu. Những bác sĩ tâm lý đóng vai trò giúp bệnh nhân hiểu biết về những bất thường, về sự quan hệ lúc thơ ấu là nguyên nhân của vấn đề, và cung cấp cho họ cách phản ứng thích hợp trong môi trường điều trị, đồng thời có thể giúp bệnh nhân từ từ khôi phục lại, và tự điều chỉnh những tiêu cực của mình.
Trong những thập niên gần đây, tính chất của cái tôi đã là một trong những đề tài được nghiên cứu nhiều nhất trong lãnh vực tâm lý học. Trong những năm 80, có hàng ngàn bài viết mỗi năm khám phá những vấn đề về tự ti và tự tôn.
Trong khoa tâm lý Tây Phương và văn hóa nói chung, dường như không được chú ý tới để phát triển những đức tính như mức tự trọng và tự tin cao. Tuy nhiên với quan niệm về đạo giải thoát, chẳng hạn như những bậc chân tu là những người đã phát nguyện, hay quyết tâm loại bỏ tất cả những trạng thái tiêu cực của tâm, với nguyện vọng duy nhất là mang lại hạnh phúc tối thượng cho tất cả chúng sinh. Họ có tầm nhìn xa và khát vọng. Điều này cần phải có ý thức cảm giác tự tin to lớn, và sự tự tin này rất quan trọng, vì nó cho sự gan dạ giúp chúng ta đạt được mục tiêu vĩ đại. Về một ý nghĩa nào đó, điều này dường như có vẻ là kiêu ngạo, mặc dù không phải trong phương cách tiêu cực. Có thể nói cái vẻ kiêu ngạo bề ngoài chính ra tựa như là loại tự tin và lòng can đảm đó là nói về những ai có định hướng rõ ràng. Nhưng đối với những người bình thường, trong cuộc sống hằng ngày, một số người có vẻ như rất tự tin và tự trọng, nhưng thật ra họ chỉ là những người rất kiêu ngạo. Theo Phật Giáo, kiêu ngạo được xếp loại là một trong những xúc cảm cơ bản gây ra đau khổ. Có nhiều loại kiêu ngạo khác nhau, vậy việc tránh hay khắc phục kiêu ngạo được coi là rất quan trọng. Đôi khi dường như giữa chúng chỉ có một ranh giới rất nhỏ, và đôi khi thật là khó phân biệt giữa tự tin và kiêu ngạo. Có lẽ chỉ có một cách duy nhất là chính mình có thể ý thức về bản thân của chính mình và ý thức cái ta được thổi phồng hoàn toàn vô căn cứ, thì đó lại là kiêu ngạo. Tuy nhiên một người kiêu ngạo cảm thấy mình luôn luôn đúng.
Muốn phân biệt tính tự cao tự đại, và lòng tự tin đứng đắn, chúng ta có thể nghĩ đến hậu quả về thái độ của người đó. Tự phụ và kiêu ngạo thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực, trong khi lòng tự tin lành mạnh đem đến những hậu quả tích cực hơn nhiều. Do đó khi đề cập về tự tin, chúng ta cần nhìn xem có tiềm ẩn cái tôi không. Chúng ta có thể chia thành hai loại.
- Ý thức về bản thân, hay cái tôi chỉ quan tâm đến việc đáp ứng quyền lợi bản thân, sự ham muốn ích kỷ của chính mình, và hoàn toàn không đếm xỉa đến phúc lợi của người khác.
- Một kiểu cái tôi khác, hay ý thức về bản thân dựa vào mối quan tâm chân thành vì chúng sanh nhân lọai mà khao khát được đóng góp khả năng của chính mình.
Để thực hiện ước muốn giúp ích, chúng ta cần có ý thức mạnh về bản thân, ý thức tự tin. Loại tự tin này dẫn đến những kết quả tích cực. Khi mà chúng ta càng thành thật, càng cởi mở thì chúng ta càng ít sợ, vì không có lo lắng gì khi phơi bày hay bộc lộ với người khác. Do đó mà chúng ta càng thành thật thì lại càng nhiều tự tin.ÕChúng ta nên nhớ rằng, khi thiếu lòng tin hay có lòng tin liên quan đến một hành động đặc biệt nào đó, hay có thể là bất cứ cái gì, tất cả chỉ dẫn đến thất bại.. Như nói rằng chúng ta có lòng tin trong việc gì đó, có nghĩa là chúng ta tin chỉ mình ta có thể làm được, nghĩa là trong phạm vi của chúng ta. Ngược lại, tuy nằm trong khả năng của chúng ta, chúng ta lại không thể làm, lúc đó chúng ta bắt đầu cảm thấy:
- Ồ, có lẽ tôi không đủ sức hay tài giỏi để làm việc đó.
Tuy nhiên với tôi, tôi không làm được phép lạ, điều đó không dẫn đến mất lòng tin vì ngay từ đầu, tôi không bao giờ tin rằng tôi có khả năng này. Tôi không cho rằng tự mình có thể hoàn thành những nhiệm vụ như những Đức Phật đã làm, và tôi có thể biết mọi thứ, có thể làm đúng bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào. Nói chung, thành thật với mình và người về những điều mình có thể làm hay không thể làm được, có thể chống lại cảm nghĩ thiếu lòng tin.
Không sợ hãi và đánh giá mình một cách thành thật, có thể là một vũ khí mạnh mẽ chống lại sự ngờ vực và thiếu tự tin. Loại thành thật này có thể làm thuốc giải độc cho những tâm trạng tiêu cực đã được xác nhận bởi một số những nghiên cứu gần đây. Những nhà nghiên cứu nầy cho chúng ta thấy rõ ràng, những người có quan điểm thực tế và đứng đắn về mình, thường có khuynh hướng cầu tiến và có lòng tin hơn những người ít tự biết về mình, hoặc biết không đúng về mình cho nên họ không có những trạng thái lo âu.
Vì lo âu quá đáng cho nên đã có nhiều người mất hẳn sự tin tưởng nơi mình, cho nên đâm ra coi thường bản thân của mình. Để mở rộng loại quan niệm tiêu cực về bản thân chính mình, nhà tâm lý học Carl Rogers, đã từng nói:
- Hầu hết con người đều coi thường bản thân mình, cho mình là không giá trị và không đáng yêu thương.
 Đây là quan niệm rất là tiêu cực, nhưng may mắn là nó không phổ biến như nhiều người tin tưởng. Chắc chắn nó là vấn đề chung trong số những người cần được chữa trị, nhưng đôi khi các bác sĩ tâm lý ở phòng khám cũng có cái nhìn lệch lạc, có khuynh hướng dựa trên nhận xét tổng quát về bản chất con người, và chỉ áp dụng cho một số ít người bước vào văn phòng của họ. Chúng ta phải biết, hầu hết các dữ kiện đều dựa trên thí nghiệm, đã xác minh được sự việc có thật, là con người ai cũng có khuynh hướng, hay ít ra cũng muốn nhìn mình trong ánh sáng đẹp đẽ, tự đánh giá mình trên trung bình trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến về mặt chủ quan, và đáng có mặt trong xã hội.
Như vậy, mặc dầu quan niệm coi thường bản thân không phổ biến rộng rãi, nhưng nó vẫn là một chướng ngại lớn cho nhiều người. Dựa trên tinh thần người học đạo giải thoát, chúng ta cần lưu ý đến hai điểm:
- Điểm thứ nhất thật đơn giản là chúng ta không nên coi thường bản thân. Nếu có thì chúng ta phải biết rằng đó là tình trạng rối loạn tinh thần, giống như tất cả những tình trạng tinh thần tiêu cực khác, nó không phải là phần nội tại trong tâm trí con người. Nó không phải là điều chúng ta có từ lúc sinh ra, không phải là điều mà chúng ta được người khác cho, cũng không phải là đặc điểm không thể tẩy xóa được khỏi bản tính của chúng ta. Chúng ta có thể loại bỏ nó được. Chỉ nhận thức này thôi có thể làm yếu đi sức mạnh của nó, cho chúng ta hy vọng, và gia tăng quyết tâm loại trừ nó.
- Điểm thứ hai liên quan đến phản ứng đầu tiên của một số chư tôn đức: Dĩ nhiên chúng ta yêu bản thân mình.
Đối với một số người khổ sở vì coi thường bản thân chính mình, hay biết ai đó cũng có những suy nghĩ giống như vậy. Phải loại bỏ ý nghĩ nầy và phải khuyên nhắc không nên coi thường bản thân mà phải yêu mến bản thân. Thoạt đầu nghe có vẻ ngây thơ, nhưng khi xét kỹ, chúng ta thấy có một sự thật sâu sắc trong vấn đề nầy.
Như nói là phải yêu bản thân chúng ta, thật sự tình thương yêu rất khó định nghĩa, và có thể có nhiều định nghĩa khác nhau. Nhưng có một định nghĩa tương đối được, có lẽ đó là loại tình yêu trong sáng được tán dương nhiều nhất, đó là ước mong dứt khoát, tuyệt đối và hoàn toàn vì hạnh phúc của một người khác. Đó là sự mong muốn chân thành vì người khác được hạnh phúc, dù rằng có làm thương tổn, hay dù chúng ta có thích người đó hay không thích. Từ tận đáy lòng, chắc chắn là mọi người chúng ta đều mong được hạnh phúc. Vậy nếu định nghĩa về tình thương yêu dựa trên sự mong ước chân chính vì hạnh phúc cho người, thì đúng là mỗi chúng ta đều mong ước yêu thương cho chính mình.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng sẽ gặp những trường hợp có người coi thường bản thân một cách cực đoan, đến nỗi họ tái diễn có ý định tự tử. Nhưng ngay cả trong trường hợp cực đoan nhất, ý tưởng quyên sinh chủ yếu là dựa trên mong ước cá nhân, đó là ý nghĩ méo mó hay lầm lạc để muốn giải thoát mình khỏi đau khổ, chứ không phải gây ra đau khổ.
Một khi đã có hướng đi tới cái đích trong niềm tin, thì trong tất cả mọi người chúng ta ai cũng đều có tiềm ẩn lòng thương yêu chính mình, và điều này gợi ý một loại thuốc giải cực mạnh cho những ai coi thường bản thân:
- Chúng ta có thể chống lại tư tưởng khinh miệt bản thân bằng cách nhắc nhở mình, dù chúng ta không thích một số tính nết của mình nhiều đến thế nào đi nữa, thì trong chiều sâu thẳm đó, tất cả mọi người chúng ta đều mong mình được hạnh phúc, và đó là loại tình yêu sâu sắc.
Theo quan điểm Phật Giáo, ở trong tình trạng thất vọng, một tình trạng chán nản được coi là cực đoan rõ ràng, là một chướng ngại để thực hiện những bước đi cần thiết, nhằm hoàn tất mục tiêu an lạc trong đời sống. Trạng thái coi thường bản thân và chán nản phải nói là vô cùng nguy hiểm. Do vậy, với những ai tu tập theo giáo lý giải thoát, thuốc giải độc cho việc coi thường bản thân bằng những suy nghĩ:
- Tất cả chúng sinh kể cả chính mình, đều có hạt giống Phật tính, hay tiềm năng vươn tới sự viên mãn, sự giác ngộ hoàn toàn cho dù hoàn cảnh hiện tại có lo âu sợ hãi, thiếu niềm tin, yếu kém, nghèo nàn hay thiếu thốn.
Nói như vậy, những ai đang đau khổ vì coi thường bản thân hay ghê tởm bản thân, thì phải nên tránh suy ngẫm về bản chất đau khổ của cuộc sống, hay bản chất không toại nguyện tiềm ẩn trong cuộc sống. Thay vì làm như vậy, chúng ta nên tập trung nhiều hơn nữa vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống, như hiểu rõ về tiềm năng tự tin và thành thật to lớn nằm trong bản thân của mỗi con người chúng ta. Và bằng cách suy nghĩ về những cơ hội và tiềm năng này, chúng ta có thể gia tăng cảm giác giá trị và lòng tự tin vào chính mình.
Có tính cách bàn bạc hơn, thuốc giải độc cho những người chưa bao giờ biết đến khái niệm Phật Tính, hay một người không phải là Phật Tử đó là chúng ta phải suy nghĩ:
- Chúng ta có phước được làm người với trí thông minh tuyệt vời, đồng thời chúng ta là người có khả năng quyết tâm và hướng ý thức quyết tâm vào bất cứ chiều hướng nào chúng ta muốn.
Lẽ tất nhiên sự suy nghĩ nầy không có gì ngờ vực về điều đó cả. Cho nên chúng ta phải giữ cho được ý thức về những tiềm năng này, và luôn luôn nhắc nhở chính mình, cho đến khi ý thức này trở thành một phần trong thói quen nhận thức về chúng sinh gồm cả chính mình, thì điều này sẽ giúp chúng ta giảm thiểu cảm nghĩ chán nản, bất lực và tự khinh miệt mình. Điều nầy cũng giống với cách trị bệnh. Khi bác sĩ điều trị bệnh cho bệnh nhân, không những họ cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh trong những trường hợp đặc biệt, mà họ còn phải chắc chắn rằng với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân như vậy, có thể uống được thuốc kháng sinh và chịu đựng được thuốc này. Vậy muốn bảo đảm như vậy, bác sĩ phải chắc chắn rằng bệnh nhân đủ dinh dưỡng, và nếu cần đôi khi còn cho uống thêm sinh tố hay thuốc bồi dưỡng cơ thể. Nếu bệnh nhân có sức khỏe tiềm ẩn trong thân, thì có tiềm năng hay khả năng trong thân thể có thể kết hợp với thuốc men để hồi phục hồi sức khỏe. Tương tự như vậy, nếu chúng ta biết và duy trì ý thức chúng ta có món quà tuyệt vời là lòng tự tin, trí thông minh và khả năng phát triển, thì chúng ta phải quyết tâm và sử dụng chúng một cách tích cực. Sức mạnh tiềm ẩn đến từ sự nhận thức, là chúng ta ai cũng có tiềm năng niềm tin, trí thông minh, và khả năng phát triển vĩ đại trong con người chúng ta. Sự nhận thức này nó có thể thực hiện vai trò đối trị với bất cứ khó khăn nào, dù tình trạng phải đương đầu ra sao, nhưng vẫn không mất hy vọng hay chìm đắm trong sự coi thường bản thân.
Nói tóm lại, cách cho nhau niềm tin là chúng ta phải luôn tự nhắc nhở mình về những phẩm tính cao quý mà chúng ta có, và không lo âu, không sợ hãi. Là người phật tử, chúng ta phải tu tập một cách tích cực, chăm chỉ cố gắng khắc phục thái độ, tư tưởng và động cơ ích kỷ của mình là mục tiêu cần phải đạt tới. Từ quan điểm này, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt thành những nguyện vọng chính đáng cho chính mình, và có thể cũng chia sẻ với tất cả chúng sinh để cho họ có những tư lương tốt lành, đồng thời làm mất tác dụng của cách suy nghĩ cho rằng mình xấu hay không xứng đáng. Nhiều người phật tử thực hành điều này trong việc hành thiền thường nhật, cho nên họ sống can trường giữa cảnh đời đầy dẫy chông gai cát bụi. Có lẽ đó là lý do tại sao ý nghĩ coi thường bản thân không bao giờ có trong nền văn hóa Phật Giáo.
--o0o--