|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Thuốc Trị Lành Tai Họa
-
Tâm Như
-
--o0o--
-
-
Người ta thường nói:
-
- Hoạ tùng khẩu xuất
-
Ngày xưa Ðức Phật kể rằng: Trong ao nước nọ có một con rùa đen
rất nóng tính. Lúc trời hạn hán, nước ao khô cạn nên nó muốn
chuyển đến một nơi khác. Hai chú chim nhạn là bạn thân lâu nay
của nó liền đem đến một nhành cây rồi bảo rùa ngậm vào giữa, còn
mỗi chú chim ngậm vào mỗi đầu nhành cây. Trước lúc lên đường,
hai bạn ấy cẩn thận dặn bạn rùa đứng nói chuyện rồi vỗ cánh bay
lên cao.
-
Những đứa trẻ bên đường thấy chuyện này rất kỳ lạ và khôi hài
nên chúng vỗ tay chế giễu. Nghe tiếng cười, rùa liền giận dỗi
chửi mắng lại. Ðâu hay rằng miệng vừa mở thì thân đã lìa nhành
cây rơi trúng đá chết tươi. Chim nhạn thấy bạn chết vô duyên nên
đau lòng than rằng:
-
- Ôi! Cứ luôn giận dữ như thế thì có lợi gì đâu!
-
Quả thật giận dữ và sân hận là một điều tai họa, bây giờ là bắt
đầu câu chuyện ...
-
Vào một ngày đầu tiên lúc mới bắt đầu thực tập môn tâm lý, khi
vừa mới tới clinic chuyên điều trị về tâm lý, tôi nghe thấy
tiếng kêu thét khủng khiếp vang lại từ phòng khám bệnh:
-
- Tôi giận lắm
-
- Tôi giận lắm! Tôi giận lắm! Tôi ghét ông! Tôi ghét ông! ....
-
Khi được y tá hướng dẫn vào gặp vị bác sĩ sẽ là người hướng dẫn
chúng tôi trong môn học nầy, và nơi đó tôi cũng gặp bệnh nhân,
tôi lưu ý bệnh nhân nầy ngay, bởi vì hình như có điều gì như thể
là nguy cấp cần phải được lưu ý tới. Chợt nhiên nghe cô ta cười:
-
- Xin đừng lo lắng gì về những việc tôi la vừa rồi.
-
Sau đó, vào lúc cuối ngày hôm đó, tôi gặp riêng bệnh nhân này.
Bà ta có vẻ mệt mỏi và nói:
-
- Tôi cảm thấy dịu đi rất nhiều, các ông điều trị thực tốt. Tôi
cảm thấy tựa hồ như tôi đã trút hết cả nỗi giận dữ của tôi ra
ngoài.
-
Tuy vậy vào buổi điều trị kế tiếp ngày hôm sau, bà ta thuật lại:
-
- Kết cuộc tôi chưa trút được hết tất cả giận dữ của tôi ra
ngoài.
-
Nguyên do ngay khi tôi ra về ngày hôm qua, khi vừa ra xe khỏi
bãi đậu xe thì một thằng ngu ngốc nào đó đậu chiếc chặn đường
tôi, tôi phải chờ đợi gần 30 phút mới thấy nó xuất hiện, điều
nầy làm tôi hết sức giận dữ. Và tôi không ngớt nguyền rủa cái
thằng xuẩn ngốc này suốt dọc đường trở về nhà.
-
Nói về giận dữ và sân hận, theo tinh thần Phật Giáo, đó là lọai
xúc cảm có tính cách phá hoại. Bên cạnh giận dữ và sân hận còn
có nhiều loại cảm xúc có tính chất phá họai khác nhau như:
-
- Tự phụ,
-
- Cao ngạo
-
- Ganh ghét
-
- Tham dục
-
- Tham lam
-
- Hẹp hòi vân vân...
-
Trong các loại cảm xúc có tính cách phá hoại nầy, giận dữ và sân
hận được coi là tai họa lớn nhất, vì chúng là những chướng ngại
lớn nhất cho việc phát triển từ bi và vị tha, và có khả năng phá
hoại đức hạnh và sự tĩnh lặng của tâm một cách khủng khiếp.ÕBàn
luận về giận dữ và sân hận, chúng ta có thể chia thành hai loại.
-
- Một loại giận dữ có thể là tiêu cực. Có thể chủ yếu là do động
cơ thúc đẩy do bản tâm hẹp hòi ích kỷ của con người.
-
- Có một số giận dữ tích cực là do từ bi hay ý thức trách nhiệm
thúc đẩy mà có.
-
Ở nơi giận dữ được thúc đẩy bởi lòng từ bi, nó có thể được dùng
làm sự thúc đẩy, hay chất xúc tác cho một hành động tích cực.
Trong những hoàn cảnh ấy, cảm xúc của con người giống như giận
dữ và sân hận thật, để có thể tạo nhân xúc tác hoạt động mạnh mẽ
của một cá nhân nào đó, và dẫn cá nhân đó đến sự thành công
nhanh chóng. Thường như vậy là để thể tạo ra nghị lực làm cho
một người nào đó, để cho cá nhân đó có thể hành động nhanh chóng
và dứt khoát. Cho nên, loại giận dữ này có thể là tích cực.
-
Tuy nhiên cũng phải cẩn thận, bởi vì dù loại giận dữ này tựa như
có thể hoạt động, mục đích là tạo thêm sinh lực, nhưng có lúc nó
cũng trở thành mù quáng, cho nên chúng ta khó mà biết chắc chắn
nó xây dựng hay phá hoại. Theo chư tôn đức thường dạy, trong
những trường hợp hiếm hoi, một số loại giận dữ có thể là tích
cực, nhưng nói chung, giận dữ thường dẫn đến cảm nghĩ xấu và sân
hận. Và thông thường nó không bao giờ được coi là tích cực và dĩ
nhiên nó không có lợi ích gì cả. Nếu không muốn nói bao giờ cũng
hoàn toàn là tiêu cực.
-
Chúng ta phải biết rằng, tất cả trạng thái tinh thần tiêu cực mà
chúng ta thường vấp phải tiêu biểu là:
-
- Giân dữ và sân hận.
-
Có thể nói giận dữ v àsân hận là nguyên nhân gây xáo trộn trong
cuộc sống, và chướng ngại cho hạnh phúc của chúng ta rất lớn.
Giận dữ được nhà hiền triết Stoic Seneca mô tả là một cảm xúc
ghê tởm và điên cuồng nhất trong tất cả các cảm xúc. Hậu quả phá
hoại của giận dữ và sân hận đã được chứng minh bằng tài liệu bởi
các công cuộc nghiên cứu mới đây rất rõ ràng. Đương nhiên chúng
ta không cần bằng chứng khoa học để nhận biết những cảm xúc này,
nhưng hiển nhiên loại cảm xúc nầy có thể làm lu mờ sự suy xét
của chúng ta, và gây ra cảm giác khó chịu cùng cực hay tàn phá
những mối quan hệ cá nhân không thể diễn tả được. Kinh nghiệm
mỗi cá nhân chúng ta có thể cho biết những điều đó.
-
Những năm gần đây, sự chứng minh bằng tài liệu những hậu quả thể
chất tai hại của giận dữ và thái độ thù địch ngày càng phổ biến.
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những cảm xúc này là nguyên nhân
đáng kể của bệnh tật và chết yểu. Những nhà nghiên cứu như Bác
Sĩ Redford Williams của Trường Đại Học Duke và Bác Sĩ Robert
Sapolsky của Trường Đại Học Stanford đã chứng minh cho chúng ta
biết rằng:
-
- Giận dữ, nổi nóng, và thái độ thù địch đặc biệt làm hại hệ
thống tim mạch.
-
Và càng ngày càng có quá nhiều bằng chứng về những hậu quả tai
hại của thái độ thù địch. Do vậy mà tâm tình cảm xúc tiêu cực
như:
-
- Giận dữ và sân hận
-
Ngày nay nó được coi là một yếu tố tai họa, nguy hiểm chính của
bệnh tim, ít nhất cũng ngang bằng hay lớn hơn những nhân tố
truyền thống được công nhận như chất cholesterol cao hay áp
huyết cao.
-
Một khi mà thừa nhận những hậu quả tai hại của giận dữ và sân
hận là một tai họa, thì chúng ta phải biết làm sao để khắc phục
chúng. Thông thường con người không thể khắc phục giận dữ và sân
hận, mà chỉ đè nén chúng xuống. Muốn chữa lành chứng bệnh giận
dữ và sân hận là loại bệnh thâm căn cố đế chuyên môn gây tai họa
trong con người, chúng ta cần tích cực trau dồi những những tính
mà chúng tôi gọi nôm na là thứ thuốc giải độc cho sân hận như:
-
- Nhẫn nại và khoan dung.
-
Để có thể trau dồi thành công trong lãnh vực nhẫn nại và khoan
dung, chúng ta cần phải có lòng nhiệt thành, đức tánh nầy nếu
chúng ta chưa có thì phải học hỏi và tự tạo. Lòng nhiệt thành là
một sự ham muốn mạnh mẽ trong quan điểm phục vụ. Lòng nhiệt tình
của chúng ta càng mạnh thì khả năng chịu đựng những khó khăn mà
chúng ta sẽ gặp phải trên con đường phục vụ càng lớn. Khi chúng
ta dấn thânÕvào lãnh vực tu tập nhẫn nại và khoan dung, là chúng
ta đã và đang dấn thân vào cuộc đối diện với giận dữ và sân hận
tức là những tai họa. Vì là trong tình trạng khắc phục, chế ngự
những tâm tình tiêu cực cho nên chúng ta cũng phải biết là có
lúc chúng ta thành công, và có lúc cũng phải chuẩn bị khả năng
không thực hiện được. Cho nên khi bắt tay vào việc, chúng ta
không nên bỏ qua bất cứ một chi tiết thực tế nào trong khi phục
vụ, nghĩa là trong tiến trình này, chúng ta sẽ phải đương đầu
với nhiều vấn đề. Do vậy mà chúng ta phải có khả năng chịu đựng
gian khổ. Theo như chư tôn đức dạy:
-
- Chiến thắn vạn quân, không bằng tự chiến thắng mình.
-
Do vậy, người chiến thắng được giận dữ và sân hận, tức là người
biết chế tác loại thuốc diệt trừ tai họa, là người phải trải qua
tiến trình cam go, là người đi trên hành trình dài khó khăn, và
là một anh hùng thực sự. Là người học phật, không những chúng ta
diệt trừ tai họa cho chính bản thân mình, mà chúng ta còn nghĩ
đến chúng sanh vạn loại. Chính bằng những suy tư nầy trong tâm,
chúng ta phát sinh lòng nhiệt tình mạnh mẽ. Như vậy lòng nhiệt
thành mà có là do học tập và suy ngẫm về những tác dụng của
khoan dung, nhẫn nại, và sự tác hại hay hậu quả tiêu cực là tai
họa của giận dữ và sân hận. Và chính cái hành động ấy, chính
trong sự nhận thức được như thế, sẽ tạo được nguồn cảm hứng lôi
cuốn mọi người cùng hướng về sự khoan dung và nhẫn nại để học
hỏi kinh nghiệm về những tác hại của giận dữ và sân hận, là hậu
quả mà chúng ta cảm thấy cần phải cẩn thận trọng đề phòng.
-
Thường thường, chúng ta không có được mấy ai bận tâm về giận dữ
hay sân hận, vì nó là trạng thái tâm lý, nó đến bất chợt và đi
cũng bất chợt. Tuy nhiên khi chúng ta phát triển một thái độ
thận trọng đối với những cảm xúc này, như một biện pháp phòng
ngừa chống lại giận dữ và sân hận, hay nói khác nó như những
thuốc hay chữa lành những tai họa của chính chúng ta và người
thân cũng như những người chung quanh chắc chắn là hạnh phúc.
-
Có tính cách thực tiễn trong đời sống hằng ngày, những tai họa
của sân hận rất dễ thấy và trực tiếp. Chẳng hạn như khi một ý
nghĩ sân hận mạnh mẽ phát sinh trong con người của chúng ta,
chính vào lúc ấy nó hoàn toàn tràn ngập tính chất phá hoại sự an
tĩnh trong tâm, và rồi sự thông minh lanh lẹ của chúng ta hoàn
toàn mất hẳn. Khi giận dữ và sân hận nổi lên, nó tàn phá phần
tốt nhất bộ não của chúng ta, phần này chính là khả năng phán
xét giữa đúng và sai, và hậu quả tai họa trước mắt hay dài hạn
về những hành động của chúng ta. Sự nhận xét đúng sai, tốt xấu
của chúng ta trở nên hoàn toàn bế tắc, nó không còn hoạt động
được. Hầu như chúng ta trở thành mất trí. Cho nên sự giận dữ và
sân hận này có khuynh hướng ném chúng ta vào trong vực thẳm của
si mê, một tình trạng bối rối làm cho những vấn đề khó khăn của
chúng ta trở nên tệ hại hơn.
-
Ngay cả về mặt thể chất cũng tương tự như vậy, sân hận dẫn đến
sự biến đổi thể chất rất xấu và đáng ghét cho một cá nhân. Chính
vào lúc cảm giác giận dữ và sân hận tức là tai họa phát sinh, dù
người ấy cố gắng giả cách hay làm điệu bộ có tư cách thế nào đi
nữa, nhưng rõ ràng mặt của người đó trông nhăn nhó và xấu xí. Có
một sự biểu lộ thật khó chịu, và người ấy toát ra cách cư xử rất
thù nghịch, và những người khác có thể thấy ngay điều đó. Hành
động nầy không phải chỉ con người có thể thấy, mà cả đến thú
vật, chó mèo cũng cố tránh người như vậy vào lúc đó. Hơn nữa khi
một người chất chứa những ý nghĩ giận dữ và sân hận tức là tai
họa, thì những tư tưởng này có khuynh hướng in đậm vào trong tâm
người ấy, và có thể gây ra những vấn đề như ăn mất ngon, ngủ
không yên, và chắc chắn làm cho người ấy cảm thấy căng thẳng và
bực dọc hơn.
-
Vì những lý do như trên đây, sân hận được so sánh như một tai
hoạ. Tai họa bên trong này không có chức năng nào khác ngoài
việc gây tổn hại. Nó thật sự là tai họa hay là kẻ thù của chúng
ta, ngoài việc chỉ để phá hoại chúng ta, cả trước mắt lẫn lâu
dài sau nầy.
-
Nó rất khác với một tai họa bình thường. Mặc dầu là một tai họa
bình thường, người mà ta coi như kẻ thù, có thể có những hành
động có hại cho chúng ta, ít nhất người ấy cũng có những chức
năng khác, như người đó cũng phải ăn, phải ngủ. Cho nên người đó
có nhiều nhiệm vụ khác và không thể bỏ 24 giờ một ngày trong
cuộc sống vào kế hoạch để phá hoại chúng ta. Trong khi đó, giận
dữ và sân hận hay tai họa không có nhiệm vụ nào khác, không có
mục đích nào khác, ngoài việc phá hoại chúng ta. Do vậy, khi
nhận thức được sự thật này, phải kiên quyết không bao giờ để cho
tai hoạ có cơ hội phát sinh trong chúng ta.
-
Trong một số trường hợp, người ta nuôi dưỡng những cảm giác mạnh
mẽ về giận dữ và đau đớn, căn cứ vào điều gì đó đã gây cho họ
trong quá khứ, và cảm giác này cứ bị nén lại trong lòng, cho nên
khi có cơ hội thì bùng nổ một cách nguy hiểm. Có một thành ngữ
Tây Tạng nói rằng:
-
- Nếu có bệnh gì trong cái vỏ ốc, bạn có thể làm sạch bằng cách
thổi nó đi.
-
Nói một cách khác, có thứ gì cản trở trong vỏ ốc, hãy thổi nó
đi, và nó sẽ sạch. Tương tự như vậy, chúng ta có thể tưởng tượng
một tình trạng do bị đè nén bởi một cảm xúc nào đó, hay một giận
dữ nào đó, thì tốt hơn hãy giải thoát nó và làm cho nó thoát ra
ngoài.
-
Như chúng ta đã biết, giận dữ và sân hận là tai hoạ, là những
loại cảm xúc tiêu cực, nếu chúng ta bỏ mặc không kiềm chế và
không lưu ý, thì nó có khuynh hướng trầm trọng thêm, và cứ như
thế càng ngày càng tăng lên. Nếu chúng ta không biết kềm chế, và
cứ để chúng xẩy ra thường xuyên, điều này thường làm cho chúng
phát triển chứ không giảm bớt. Cho nên điều hay nhất là chúng ta
càng áp dụng một thái độ thận trọng và tích cực để làm giảm bớt
mức độ phát triển của chúng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy
nhiêu. Vì thế nếu chúng ta tự bộc lộ sự giận dữ, hay thấy người
khác có những giận dữ và sân hận đó không phải là phương pháp
tốt, và cũng không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề khúc mắc
bên trong. Nói như thế nghĩa là một khi có hiện tượng có mặt của
sự giận dữ và sân hận tức là tai hoạ, trước và trên hết là chúng
ta phải nhận diện:Õ
-
- Cảm giác giận dữ và sân hận mà phát sinh, là do từ cái tâm lo
phiền bởi những điều không toại nguyện và bất mãn.
-
Cho nên chúng ta cần phải chuẩn bị trước bằng cách không ngừng
cố gắng thực hiện việc xây dựng sự mãn nguyện cho nội tâm, đồng
thời trau dồi lòng tốt và đức tánh từ bi cho chính mình. Điều
này sẽ mang lại sự bình tĩnh nào đó cho tâm, vì việc ngăn chặn
giận dữ phát sinh ngay từ lúc đầu, tức là chúng ta đã có cơ hội
ngăn chận được những tai họa không cho nó phát sinh. Nhưng nếu
khi một tình thế phát sinh làm cho chúng ta giận dữ và sân hận
tức là tai họa có mặt, thì chúng ta phải trực tiếp đối diện với
giận dữ và phân tích nó. Điều tra xem những yếu tố, lý do nào đã
gây ra trường hợp giận dữ và sân hận là điều nên làm. Rồi phân
tích xa hơn nữa, xem điều đó có phải là một phản ứng thích đáng
không, và nhất là nó có tính chất xây dựng hay phá hoại. Chúng
ta cũng nên cố gắng xử dụng một số kỷ luật bên trong nào đó của
chính mình để kiềm chế, đồng thời phải có thái độ tích cực khắc
phục với tâm tình tiêu cực bằng việc áp dụng các loại thuốc giải
độc đó là:
-
- Kiên nhẫn và khoan dung.
-
Chỉ có loại đức tánh nầy có thể thoa dịu được tâm giận dữ và sân
hận, chỉ có loại thuốc nầy mới có thể trị lành những tai họa. Để
chống lại những cảm xúc tiêu cực nầy, chúng tôi một lần nữa xin
được nhấn mạnh là chúng ta phải vận dụng những ý nghĩ tốt đẹp
cũng như đức tánh kiên nhẫn và khoan dung không thể thiếu trong
khi chữa lành tai họa. Đương nhiên khi cố gắng khắc phục giận
dữ, và sân hận ở giai đoạn đầu chúng ta vẫn còn thấy những cảm
xúc tiêu cực. Nhưng có nhiều mức độ khác nhau, nếu là mức độ
giận dữ vừa phải, thì vào lúc đó chúng ta có thể cố gắng trực
tiếp đối đầu và chuyển hóa nó. Tuy nhiên nếu là một cảm xúc tiêu
cực mạnh mẽ đang bùng lên, thì vào lúc đó có lẽ là rất khó, là
một sự thách thức lớn trong việc chuyển hóa. Nếu đúng là như
vậy, thì vào lúc đó tốt nhất là chúng ta cố quên nó đi. Hãy nghĩ
đến chuyện khác. Đợi một lúc nào đó tâm chúng ta bình tĩnh lại
một chút, chúng ta có thể phân tách, lý luận, và tiếp tục chữa
trị.
-
Trong việc tìm cách loại bỏ giận dữ và sân hận, hay chữa lành
những tai họa, mọi ý định khuynh hướng trau dồi kiên nhẫn và
khoan dung rất cần thiết. Chúng ta có thể nhận thức được giá trị
và tầm quan trọng của giận dữ và sân hận như sau:
-
- Trong sự liên quan đến những hậu quả phá hoại của ý nghĩ giận
dữ và sân hận tức là tai họa có sự liên hệ, chúng ta chắc chắn
không được bảo vệ bằng của cải. Dù cho là triệu phú, chúng ta
vẫn phải chịu những hậu quả phá hoại của giận dữ và sân hận. Ỷ
lại vào bằng cấp cao, giáo dục tốt không thôi cũng không bảo đảm
cho chúng ta tránh khỏi những hậu quả, những tai hoạ do giận dữ
và sân hận gây ra. Tương tự như thế, luật pháp cũng không cho
chúng ta sự bảo đảm hay che chở những hậu quả do sân hận gây ra.
Ngay cả vũ khí hạt nhân, dù hệ thống phòng thủ có tinh vi đến
thế nào đi nữa, cũng không thể cho chúng ta sự che chở, hay
phòng thủ trước những hậu quả ấy khủng khiếp do giận dữ và sân
hận gây nên.
-
Yếu tố đúng đắn nhất, cho chúng ta nơi nương tựa hay che chở
trước những hậu quả phá hoại của giận dữ và sân hận, hay là loại
thuốc thích hợp nhất để chúng trị lành những tai họa chính là sự
tôi luyện, tu tập thực hành đức tánh khoan dung và kiên nhẫn.
-
Lối giải quyết nầy rất thích hợp với khao học, mà qua đó Tiến Sĩ
Dolf Zillmann của Trường Đại Học Alabama đã tiến hành các cuộc
thí nghiệm cho thấy, những ý nghĩ giận dữ và sân hận thường hay
tạo ra tình trạng khuấy động tâm, và sinh lý làm cho chúng ta dễ
giận dữ hơn. Một khi mà giận dữ xây dựng trên giận dữ và khi
trạng thái khuấy động càng tăng lên một khủng khiếp, và chúng ta
dễ dàng bị lôi cuốn vào con đường tội lỗi rất dễ dàng.
-
Do vậy, nếu không được kiềm chế, giận dữ có khuynh hướng leo
thang thì hết sức nguy hiểm vô cùng. Cho nên, có nhiều người
phải xả giận dữ và sân hận bằng cách trút cơn giận thịnh nộ và
sân hận lên trên mình một người nào đó. Có người xả giận dữ và
sân hận bằng cách vào phòng đóng cửa lại đập, đấm đá lên mền lên
gối, đấm một hồi thấm mệt thì cơn giận cũng từ từ hạ xuống. Biểu
lộ những hành động như vậy để trị bệnh giân dữ và sân hận tức là
tai họa là cách giải thoát xúc cảm mạnh dường như bắt nguồn từ
lý thuyết về xúc cảm của Ông Freud một nhà tâm lý học nổi tiếng,
mà qua đó ông ta thấy nó hoạt động theo kiểu thủy lực:
-
- Khi áp lực tăng, nó phải giải thoát ra.
-
Nhiều cuộc nghiên cứu trong bốn thập niên vừa qua, đã không
ngưng cho thấy biểu lộ hành động để đối trị với giận dữ và sân
hận bằng lời nói và thể chất không thể xua tan nó được, mà trái
lại còn làm cho sự việc tệ hại hơn. Quả thật như vậy, xin chia
xẻ đến đại chúng những điều tai nghe mắt thấy:
-
Cạnh bên chùa có ông đạo hữu, ông ta rất là kính nể vợ, cứ mỗi
lần có chuyện hục hặc thì ông rất là giận, mà mỗi lần giận như
vậy ông không dám làm gì bà. Nhưng để bài tiết cơn giận, ông ra
ngoài chuồng heo, bao nhiêu cái mán để cho heo ăn, ông dẵm đạp
bể nát. Sau khi hết cơn giận thì ông lại sửa chửa đóng lại ...
-
Nhìn qua sự việc nầy chúng ta tưởng là đơn giản, nhưng thật sự
theo Tiến Sĩ Aaron Siegman, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu về
giận dữ của Trường Đại Học Maryland tin rằng:
-
- Cách biểu lộ lập đi lập lại sự giận dữ, cũng như cơn thịnh nộ
tạo thành một hệ thống khuấy động bên trong, và phản ứng tâm
sinh lý gây sự tai hại cho mạch máu của chúng ta.
-
Như vậy, việc trút giận rõ ràng không phải là câu trả lời, nhưng
cũng đừng bỏ qua cơn giận của mình hay làm ra vẻ không giận dữ.
Vậy thì, lối giải quyết tốt nhất đáng chú ý trong số nhà nghiên
cứu về giận dữ hiện đại như Tiến sĩ Zillman và Williams là những
người đã đưa ra phương pháp tương tự như phương pháp của Phật
Giáo và tỏ ra rất có công hiệu nhất mà qua đó chư tôn đức luôn
nhắc nhở:
-
- Toàn bộ tâm trạng căng thẳng, cần phải được kiểm soát để tạo
điều kiện hạ thấp mức gây giận dữ.
-
Như vậy bước đầu là chúng ta phải luyện tập sự mãn nguyện nội
tâm, và làm cho tâm bình tĩnh đó là điều thiết yếu. Do vậy khi
giận dữ nẩy sinh, chúng ta phải kịp thời nghiên cứu để tìm
nguyên nhân cho đường hướng tích cực hóa giải, và đánh giá lại
những ý nghĩ gây nên giận dữ và sân hận thì chúng ta có thể xua
tan nó. Có bằng chứng đã được thử nghiệm, nghĩa là những kỹ
thuật như thay đổi cách nhìn, hay nhìn tình hình dưới những góc
độ khác, cũng có thể rất hữu hiệu. Đương nhiên những cách này
thường dễ thực hiện hơn ở mức độ giận dữ thấp hoặc vừa phải, cho
nên thực hành sự can thiệp sớm những ý nghĩ giận dữ, và sân hận
trước khi chúng gia tăng là một yếu tố quan trọng.
-
Trong kinh nghiệm sống hàng ngày của chúng ta, khoan dung và
nhẫn nại là loại thuốc chửa trị những tai họa nếu chúng ta biết
xử dụng nó sẽ có lợi ích rất to lớn. Chẳng hạn, phát triển chúng
cho phép chúng ta có sự bảo trợ vững chãi và đồng thời duy trì
sự thông minh của chúng ta. Cho nên nếu một cá nhân có khả năng
khoan dung và nhẫn nại, thì dầu cho người đó có sống trong môi
trường điên cuồng, thác loạn, và căng thẳng như thế nào đi nữa,
thì trong tâm tư của người ấy cũng sẽ không bao giờ bị xáo
trộn.Õ
-
Một lợi ích khác, khi phản ứng trước những tình thế khó khăn
phải bằng kiên nhẫn chứ không nên bằng giận dữ, đó là phương
cách bảo vệ chính mình trước những hậu quả rắc rối tiềm tàng có
thể xẩy ra nếu chúng ta phản ứng bằng giận dữ. Nếu chúng ta phản
ứng tình thế bằng giận dữ hay sân hận, không những nó không bảo
vệ được sự tổn thương hay tổn hại sẽ gây ra cho chúng ta, mà còn
gây ra thêm khổ đau của chúng ta trong tương lai. Nhưng nếu
chúng ta phản ứng trước sự tổn thương bằng nhẫn nại và khoan
dung, thì dù chúng ta sẽ phải đối đầu tạm thời với khó chịu và
đau đớn, nhưng chúng ta vẫn tránh được những hậu quả nguy hiểm
tiềm tàng về lâu dài. Như vậy, bằng cách hy sinh những điều nho
nhỏ, bằng cách chịu đựng những khó khăn hay gian khổ nhỏ, nhưng
chúng ta có thể bỏ được những phiền muộn đau khổ đau có thể rất
to lớn trong tương lai.
-
Một thí dụ tiêu biểu, nếu một người tù đã bị kết án tử hình, và
có thể cứu đời mình bằng cách hy sinh một cánh tay để làm hình
phạt, có lẽ người đó cảm thấy biết ơn vì cơ hội này. Bởi vì bằng
cách chịu đựng đau đớn và chỉ có một cánh tay bị chặt, người đó
sẽ cứu được mình khỏi chết còn đau khổ hơn nhiều.
-
Chúng ta phải biết rằng, nhẫn nại hay khoan dung bắt nguồn từ
một khả năng kiên quyết và hiểu biết, không phải do bị quá áp
đảo trước tình hình trái ngược, hay hoàn cảnh bắt buộc chúng ta
phải đối đầu, cho nên chúng ta không nên coi sự khoan dung hay
nhẫn nại là dấu hiệu nhu nhược. Chúng ta phải coi sự khoan dung
hay nhẫn nại đúng hơn là một dấu hiệu của sức mạnh, bắt nguồn từ
khả năng sâu xa với tâm kiên quyết. Đối phó tình thế căng thẳng
bằng nhẫn nại và khoan dung thay vì phản ứng bằng giận dữ và sân
hận, nó đòi hỏi đến sự kiềm chế tích cực, mà nó là sản phẩm của
tâm kỷ luật tự giác mạnh mẽ và tối cao.
-
Đương nhiên, bàn luận về khái niệm nhẫn nại trên nhiều phương
diện, chúng ta thấy có thể có những loại nhẫn nại tích cực hay
tiêu cực. Quả thật như vậy, nhiều khi nôn nóng không phải lúc
nào cũng xấu. Chẳng hạn nôn nóng nó có thể giúp bạn làm ngay cho
xong việc. Ngay cả những việc lặt vặt hàng ngày như dọn dẹp căn
phòng của mình, nếu chúng ta có quá nhiều kiên nhẫn, thì công
việc sẽ quá chậm trễ và chỉ làm được ít việc. Hoặc, nôn nóng để
giành được hòa bình thế giới điều này chắc chắn là tích cực.
Nhưng trong những tình thế khó khăn và thử thách, kiên nhẫn giúp
duy trì ý chí và trợ giúp chúng ta.
-
Bên cạnh đó, chúng ta phải biết rằng sự liên hệ rất mật thiết
giữa khiêm nhường và kiên nhẫn. Khiêm nhường đòi hỏi đến khả
năng có một lập trường đương đầu, có khả năng trả đũa nếu chúng
ta muốn, nhưng chủ ý quyết định không làm như vậy. Điều đó có
thể gọi là sự khiêm nhường chân chính. Như vậy khoan dung thực
sự hay kiên nhẫn có một thành tố hay thành phần của kỷ luật tự
giác và chúng ta hiểu rõ điều đó, cho nên chúng ta có thể hành
động rõ ràng. Nói cách khác, dù chúng ta có thể áp dụng cách
giải quyết hung hăng hơn, nhưng chúng ta không nên làm như vậy
đó là sự kiên nhẫn và khiêm nhường chính đáng. Ngược lại, nếu bị
bắt buộc áp dụng một phản ứng thụ động nào đó, hoặc là do cảm
giác không chủ động được hay bất lực, thì điều đó không thể gọi
là khiêm nhường đích thực, mà đó là loại nhu nhược chứ không
phải là khoan dung chân chính.
-
Bây giờ khi chúng ta nói về tính cách phát triển lòng khoan dung
với những kẽ hãm hại chúng ta. Lẽ tất nhiên, chúng ta thường
không thể tránh khỏi bị hại bằng cách chạy trốn, tuy nhiên đôi
khi không muốn có những cuộc chạm trán không cần thiết, chúng ta
cũng có thể tránh cũng chẳng có hại gì. Sự tránh nầy chỉ vì lòng
từ bi không muốn đổ vở thêm. Nói một cách khác, chúng ta có thể
có một lập trường mạnh mẽ và có cả biện pháp phản ứng cứng rắn,
nhưng vì cảm nghĩ từ bi, hoặc ý thức quan tâm cho người khác chứ
không phải vì nhu nhược.
-
Một trong những lý do tại sao cần phải áp dụng biện pháp phản
ứng rất mạnh mẽ chống lại người nào đó, vì nếu chúng ta bỏ qua
thì bất cứ cái tai hại hay tội ác nào đang được thực hiện chống
lại chúng ta, rồi thì người ấy cứ quen theo cung cách tiêu cực,
và sẽ là nguyên nhân có thể làm tổn hại cho chính người ấy. Cho
nên, biện pháp phản ứng mạnh rất cần thiết, nhưng trong tâm tư
sở dĩ chúng ta làm điều đó do vì lòng từ bi, và muốn giúp cho
người ấy. Thí dụ trong mức độ liên quan đến việc đối phó với kẻ
thù, dù là do có một số cảm giác sân hận nào đó phát sinh, chúng
ta vẫn chú ý kiềm chế mình và cố gắng giảm bớt điều đó một cách
có ý thức, và cảm nghĩ thương xót đối với kẻ thù. Và theo chư
tôn cho rằng những biện pháp đối phó này cuối cùng sẽ hữu hiệu
hơn nếu không có cảm nghĩ giận dữ và sân hận.
-
Còn nói về phương pháp phát triển nhẫn nại, khoan dung, là
phương pháp để buông bỏ giận dữ và sân hận. Hay nói một cách
khác, việc chế tác loại thuốc để điều trị loại tai hoạ nguy hiểm
nầy với những phương pháp như:
-
- Bình tĩnh để phân tích tình hình,
-
- Áp dụng cách nhìn rộng lớn hơn, và nhìn tình hình bằng nhiều
góc độ khác nhau.
-
Với cách nầy, kết quả cuối cùng cho chúng ta một sản phẩm của
kiên nhẫn và khoan dung, là sự tha thứ. Khi chúng ta thực sự
kiên nhẫn và khoan dung, thì sự tha thứ tự nhiên đến.
-
Từ chiều hướng nầy, mặc dù chúng ta có thể đã trải qua nhiều
biến cố tiêu cực trong quá khứ, với sự phát triển kiên nhẫn và
khoan dung, là loại thuốc tốt chúng ta có thể buông bỏ cảm giác
giận dữ và sân hận sống cuộc đời an vui không tai họa. Nếu chúng
ta phân tích tình hình, chúng ta sẽ hiểu rằng quá khứ là quá
khứ, cho nên không có lý do gì mà chúng ta cứ tiếp tục cảm thấy
giận dữ hay sân hận, trong khi nó không thay đổi tình hình mà
chỉ gây nên rối rắm trong tâm, và tiếp tục gây ra những điều bất
hạnh cho chúng ta. Đương nhiên, chúng ta vẫn có thể nhớ đến
những biến cố. Quên và tha thứ là hai điều khác nhau. Không có
gì sai khi chỉ nhớ đến những biến cố tiêu cực, nếu chúng ta có
một đầu óc nhạy bén, thì lúc nào chúng ta cũng nhớ. Điều nầy
chúng ta thấy như Đức Phật nhớ đến tất cả mọi thứ, nhưng với sự
phát triển kiên nhẫn và khoan dung, Ngài có thể buông bỏ các cảm
nghĩ tiêu cực để đến chúng sanh vạn loại, một chân trời cao rộng
hơn.
-
Nói tóm lại, việc khắc phục giận dữ và sân hận là những nguyên
nhân gây nên tai họa cho thân và tâm, nó đòi hỏi chúng ta phải
có tuệ giác, đòi hỏi đến việc xử dụng lý luận, và phân tích để
nghiên cứu những nguyên nhân của giận dữ, cách đối phó với tình
trạng tinh thần tai hại này nhờ sự hiểu biết. Trong một ý nghĩa
nào đó, cách giải quyết này có thể được coi như xử dụng sự hợp
lý để vô hiệu hóa giận dữ và sân hận, bằng cách trau dồi thuốc
giải độc đó là kiên nhẫn và khoan dung. Ngoài ra còn có hai cách
thiền đơn giản nhưng hữu hiệu để khắc phục giận dữ.
-
1- Chúng ta hãy tưởng tượng một cảnh trong đó một người mà chúng
ta biết rõ, một người rất gần gũi hay thân cận với chúng ta đang
ở trong tình trạng nổi nóng. Chúng ta có thể tưởng tượng nó đang
xẩy ra, hoặc trong mối quan hệ chua cay, hoặc người đó đang
trong tình trạng rối loạn. Người đó nóng giận đến nỗi mất hết
bình tĩnh, gây ra những rung cảm rất tiêu cực, thậm chí đi đến
mức tự đánh đập mình hay đập phá đồ vật. Chúng ta hãy suy ngẫm
về những hậu quả tức khắc về cơn thịnh nộ của người ấy. Chúng ta
sẽ thấy sự biến đổi thể chất đang xảy ra đến cho người ấy. Người
mà chúng ta cảm thấy gần gũi, người mà chúng ta thích, người mà
trước đây chúng ta rất vừa ý, thì nay trở thành xấu xí. Lý do
tại sao chúng ta nên quán tưởng điều xẩy ra cho người khác, bởi
vì nhìn thấy lỗi của người khác dễ hơn thấy lỗi của chính mình.
Cho nên dùng trí tưởng tượng, chúng ta hãy hành thiền và quán
tưởng một vài phút để tạo cho chính mình một kinh nghiệm sống.
-
Vào lúc cuối cùng khi quán tưởng, hãy phân tích tình hình và sự
liên hệ những hoàn cảnh ấy với kinh nghiệm riêng của chính chúng
ta. Hãy hình dung chính chúng ta đã ở trong tình trạng ấy nhiều
lần. Và phải kiên quyết là:
-
- Tôi sẽ không bao giờ để mình rơi vào ảnh hưởng của cơn giận dữ
và sân hận dữ dội như vậy, vì lẽ nếu tôi làm như vậy, tôi sẽ
cũng ở trong vị thế như vậy. Tôi cũng sẽ chịu tất cả những hậu
quả ấy, mất an lạc nội tâm, mất bình tĩnh ngoài thân, phô bày
thể diện xấu xí vân vân ...
-
Một khi chúng ta có quyết định đó, vào những phút cuối cùng của
buổi thiền tập, hãy tập trung tâm chúng ta vào kết luận ấy,
không cần phải lý giải thêm nữa, đơn giản là để tâm chúng ta
tiếp tục, và quyết tâm không để rơi vào ảnh hưởng của giận dữ và
sân hận.
-
2- Hãy thiền tập nữa, bằng cách xử dụng quán tưởng. Bắt đầu quán
tưởng đến một người mà chúng ta không thích, một người quấy rầy
chúng ta, gây nhiều khó khăn hoặc làm chúng ta bực mình. Rồi
tưởng tượng một cảnh người ấy chọc tức chúng ta, hay làm việc gì
đó tấn công hay quấy nhiễu chúng ta. Khi chúng ta quán tưởng
chuyện này, hãy để phản ứng tự nhiên của chúng ta xẩy ra, hãy để
nó trôi chảy tự nhiên. Rồi xem chúng ta cảm thấy ra sao, hãy xem
nó có khiến nhịp tim của chúng ta tăng lên không ... Quan sát
xem chúng ta thoải mái hay không thoải mái, hãy xem liệu chúng
ta có tức khắc bình tâm nhiều hơn không hay liệu chúng ta có
phát triển một cảm giác khó chịu không. Chúng ta hãy tự phán
xét. Như vậy trong vài phút, có lẽ ba đến bốn phút, phán xét và
thử nghiệm. Và rồi vào lúc cuối của cuộc thăm dò nếu chúng ta
khám phá ra:
-
- Thật sự không ích gì để sự cáu kỉnh đó phát triển.
-
Bởi vì ngay tức khắc tâm chúng ta mất an lạc và chúng ta phải
nên tự hứa hẹn:
-
- Trong tương lai, tôi không bao giờ làm như thế nữa.
-
Và như thế, chúng ta hãy phát triển sự quyết tâm này.
-
Đến đây nếu chúng ta có năng lực nhận thức, khả năng, có thể đọc
được ý nghĩ người khác, thì nơi đây phải là một cảnh tượng tuyệt
vời. Nào bây giờ mời đại chúng bắt đầu cuộc thiền tập, bắt đầu
công việc nghiêm túc để chế tác những phương thuốc mầu nhiệm, để
chiến đấu với giận dữ và sân hận những tai họa và điều trị những
tại họa lớn lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta.
--o0o--
|
|