TẬP SAN DƯỢC SƯ

Thương Nhau Vì Lời Nói
Ngọc Liên
--o0o--
 
Trong cuộc sống tương đối, quan niệm về bề ngoài chúng ta có thể nhìn thấy:
- Đẹp người, tánh tình và lời nói dễ thương.
- Đẹp người, tánh tình và lời nói khó thương
- Xấu người, tánh tình và lời nói không dễ thương
- Xấu người, tánh tình và lời nói dễ thương.
Trong bốn cách nhìn người, đẹp người, tánh tình và lời nói dễ thương là tiêu chuẩn được lựa chọn hàng đầu, và kế đến là người xấu nhưng tánh tình và lời nói dễ thương cũng có thể chấp nhận được. Bởi vì lời nói dễ thương là cách biểu lộ đẹp nhất trong mọi cung cách hành xử để có thể tạo niềm thương yêu quý mến cho nhau.
Lời nói dễ thương để tạo sự thương mến lẫn nhau, theo thuật ngữ Phật Giáo gọi là Ái Ngữ. Lời nói dễ thương là phương tiện giáo hóa của bậc Bồ Tát để tiếp cận với mọi người. Lời nói dễ thương cũng lời lẽ mền mỏng tùy thuận theo các căn cơ, tình ý của con người mà an ủi, khai giảng dẫn dụ, tất nhiên được đối tượng vui vẻ mà nghe theo.
Bằng cách nầy, về mặt tích cực, Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta phải cố gắng tu tập để có những lời nói chân thật, hòa hợp, dịu dàng, và có ý nghĩa. Khi thực tập được những lời nói nầy, chúng ta sẽ được nhiều người quý mến. Để đáp lại, họ sẽ lắng nghe những gì ta nói ra, và sẽ đáp ứng thân thiện và xây dựng. Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật dạy có bốn pháp tịnh hạnh về lời nói:
1- Từ Bỏ Nói Láo.
Nếu không biết, người ấy nói:
- Tôi không biết.
Nếu biết, người ấy nói:
- Tôi biết.
Nếu không thấy, người ấy nói:
- Tôi không thấy.
Nếu thấy, người ấy nói:
- Tôi thấy.
Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì.
2- Từ Bỏ Nói Hai Lưỡi.
Nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không đi đến chỗ kia nói, để gây chia rẽ ở những người này. Nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không đi nói với những người này, để gây chia rẽ ở những người kia. Như vậy người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
3- Từ Bỏ Lời Nói Độc Ác.
Người ấy chỉ dùng những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.
4- Từ Bỏ Lời Nói Phù Phiếm.
Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, lợi ích.
Cũng có trường hợp, khi chúng ta nói chân thật và lễ độ mà vẫn chạm đến tự ái của kẻ khác, khiến họ phật lòng. Tuy thế, đôi khi cần phải nói sự thật dù có mất lòng nhưng hữu ích, có khả năng đem đến lợi lạc trên đường tu tập. Trong Kinh Trung Bộ, Vương tử Vô Úy hỏi Đức Phật rằng:
- Có khi nào lời nói của Ngài làm phật ý người khác hay không.
Đức Phật trả lời:
- Này Vương tử Vô Úy, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích. Như Lai không nói lời nói ấy.
- Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy.
- Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích. Ở đây, Như Lai biết đúng thời mà giải thích lời nói ấy.
- Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy.
- Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy.
- Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích. Ở đây, Như Lai biết đúng thời mà giải thích lời nói ấy.
Như thế, chúng ta thấy rằng Đức Phật chọn đúng thời để giảng dạy người khác, với những lời lẽ như thật, như chân, đưa đến mục đích giải thoát giác ngộ, cho dù lời ấy được người nghe ưa thích hoặc không ưa thích.
Theo kinh Lời Nói trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật giảng 5 yếu tố của một lời nói thiện lành như sau:
Thành tựu năm chi phần, này các Tỳ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những bậc Hiền trí chỉ trích. Năm cách nói đó là:
1- Nói Đúng Thời: Có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích, hoặc làm cho người khác bực mình. Người thiện trí phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.
2- Nói Đúng Sự Thật:
Bậc thiện tri thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối.
3- Nói Lời Nhu Hoà:
Lời nói cần phải dịu dàng, lễ phép, tạo không khí hòa hợp.
4- Nói Lời Đem Đến Lợi Ích:
Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó, dù là lời chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô dụng.
5- Nói Lời Với Từ Tâm:
Lời nói phải phát xuất từ tấm lòng thương yêu, cẩn trọng.
Ðức Phật rất chê trách những cuộc nói chuyện huyên thuyên, phí thời gian vô ích. Những lời gièm pha và đồn đãi không đem đến lợi lạc gì, vì chúng làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm. Ngài cũng giảng thêm rằng người ta không thể trở thành bậc trí chỉ vì nói nhiều, cũng không phải vì nói nhiều mà người ta được gọi là bậc lão thông Phật Pháp như trong các câu Pháp Cú sau đây:
- Dầu nói ngàn ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu nói
Nghe xong, được tịnh lạc.
- Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí.
An ổn, không oán sợ
Thật đáng gọi bậc trí.
- Không phải vì nói nhiều,
Là thọ trì chánh pháp.
Người nghe ít diệu pháp,
Nhưng trực nhận viên dung,
Tâm tánh không buông lung
Là thọ trì chánh pháp.
Tâm tánh không buông lung
Là thọ trì Chánh Pháp.
Như chúng ta đã biết, lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng, vì là tình cảm con người thương và quý mến nhau vì lời nói, cho nên lời nói không những tác động đến đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, mà còn có thể tác động đến sinh hoạt của xã hội. Nếu có tỉnh giác và định hướng tốt, lời nói qua các cuộc đàm luận, giao tiếp hằng ngày, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sự tu tập của những người con Phật chúng ta. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa lời nói dễ thương vào Bốn Nhiếp Pháp, con đường Bốn Nhiếp Pháp là một trong những chi phần dẫn đến giải thoát giác ngộ. Trong khi đó tục ngữ Việt Nam có câu:
- Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Chúng ta chỉ cần cân nhắc lựa lời là có thể làm cho người khác đẹp lòng. Dùng ngôn ngữ cho có chánh niệm, với tâm Từ, là thực tập hạnh rộng rãi, hiến tặng. Chỉ cần thực tập lời nói dễ thương là chúng ta đã có thể làm cho nhiều người hạnh phúc.
Nhiều người nghĩ rằng họ chỉ có thể thực tập hạnh hiến tặng khi nào họ đã tích tụ được một món tài sản nho nhỏ. Những người trẻ mơ được giàu có để có thể mang hạnh phúc lại cho người khác:
- Tôi muốn trở thành bác sĩ, hay thành giám đốc một công ty lớn để có thể làm thật nhiều tiền và giúp nhiều người.
Con người chỉ biết nghĩ như vậy, mà không biết rằng thường khi đã giàu người ta lại khó thực tập hạnh bố thí hơn. Nếu chúng ta được thúc đẩy bởi tâm từ bi, thì có rất nhiều cách để mang hạnh phúc lại cho kẻ khác ngay bây giờ, và việc đầu tiên là bắt đầu bằng ngôn ngữ dễ thương. Cách chúng ta nói có thể mang lại cho người khác niềm vui, hạnh phúc, sự tự tin, hy vọng, lòng tin, và giác ngộ. Nói năng có chánh niệm là một thực tập sâu sắc.
Bồ Tát Quan Thế Âm là một người đã học được nghệ thuật nghe, và nói một cách sâu sắc để giúp con người buông đi những sợ hãi, khổ đau, và tuyệt vọng của mình. Ngài là mẫu mực của phép tu tập này. Nếu thực tập nghe và nói theo hạnh Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng ta cũng sẽ có thể mở được cánh cửa tình thương và mang niềm vui, an lạc đến cho rất nhiều người và làm vơi đi nỗi lầm than của họ, mà qua đó trong Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa, tiếng nói của Bồ Tát Quan Thế Âm được diễn tả bằng năm cách:
- Diệu âm
- Quan âm 
- Phạm âm,
- Hải Triều âm,
- Thắng bỉ thế gian âm.
             1- Diệu Âm
Là tiếng nhiệm mầu. Đây là thứ ngôn ngữ mở ra cánh cửa tình thương, và khiến cho tất cả mọi bế tắc đều được khai thông trở lại. Thứ tiếng này rất dễ nghe. Thứ tiếng này làm cho khoẻ khoắn, đem đến sự bình tĩnh, an ủi, và trị liệu cho tâm hồn. Bản chất của âm thanh này là từ bi, do vậy chúng ta có thể tạo niềm tin và thương mến nhau.
             2- Phạm Âm
Là tiếng Quan Âm, có nghĩa là người nhìn sâu vào cuộc đời, và lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời. Tiếng này làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau của chúng ta, vì đó là tiếng của người hiểu một cách sâu sắc về những đau đớn, tuyệt vọng, và sợ hãi của chúng ta. Khi thấy mình được hiểu, chúng ta bớt khổ đi rất nhiều.
3- Phạm Âm
Là tiếng Phạm, có nghĩa là cao quý không phải là tiếng thường tình, mà là ngôn ngữ cao quý, phát sinh xuất từ ước muốn mang lại hạnh phúc và lấy đi khổ đau. Từ, Bi, Hỷ, và Xả là chỗ cư trú cao quý của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Nếu muốn chung sống với chư Phật và chư vị Bồ Tát, thì chúng ta có thể an trú trong bốn toà nhà này.
4- Hải Triều Âm
Tiếng Hải Triều, là tiếng của Phật Pháp. Đây là một thứ tiếng mầu nhiệm, thứ tiếng có thể làm chấm dứt hết mọi tà kiến và suy tưởng mông lung. Đó cũng là tiếng Sư Tử Hống, mang lại sự im lặng tuyệt đối cho núi rừng, và mang đến sự chuyển hoá và trị liệu.
5- Thắng Bỉ Thế Gian Âm
Là tiếng vượt thoát tiếng đời, là tiếng nói không có gì sánh kịp. Tiếng nói này không nhằm vào danh, lợi, hay một khía cạnh đua tranh nào. Đây là sự im lặng sấm sét làm tiêu tan mọi ý niệm và khái niệm.
Quán chiếu về năm thứ tiếng này tức là chúng ta đang giúp Bồ Tát Quan Thế Âm của chúng ta mở cửa tình thương, cánh cửa của lắng nghe đích thực, nói năng đích thực. Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và sự không biết lắng nghe gây ra, chúng ta sẽ học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Đây chính là pháp môn tình thương mà Bồ Tát Quan Thế Âm thực tập.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông, truyền hình, viễn thông, điện thoại, máy fax, radio, đường dây nóng, đường dây đỏ ... nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sống một cuộc sống như là những hòn đảo hoang vu ngoài bể cả. Có quá ít truyền thông giữa những thành viên trong gia đình, giữa những cá nhân trong xã hội, và giữa các quốc gia. Chúng ta khốn đốn vì bao nhiêu cuộc chiến tranh và xung đột. Rõ ràng chúng ta chưa trau dồi nghệ thuật nghe và nói. Chúng ta không biết lắng nghe nhau, và chưa biết nói lời nói cho người thương của chúng ta. Chúng ta ít có khả năng để theo đuổi một cuộc đàm thoại thông minh và có ý nghĩa. Cánh cửa vạn năng của sự truyền thông cần phải được mở ra. Không truyền thông được chúng ta sẽ bệnh, và một khi bệnh đã nặng lên, ta sẽ đau khổ và có khuynh hướng vung vãi khổ đau của mình lên kẻ khác. Chúng ta trả tiền cho các nhà tâm lý trị liệu, để cho họ ngồi lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chúng ta, nhưng nếu các nhà tâm lý trị liệu không thực tập tình thương, họ sẽ không thành công được. Những nhà tâm lý trị liệu cũng là những con người, cũng phải đối diện với những khổ đau như tất cả chúng ta. Họ có thể có khó khăn với vợ hay chồng, với con cái, bạn bè, và xã hội. Họ cũng có những nội kết. Họ có thể có nhiều khổ đau chất chứa, không thể nói với bất cứ ai, kể cả người thân thương nhất trong đời họ. Làm sao họ có thể ngồi đó lắng nghe những khổ đau của chúng ta và thấu hiểu được những khổ đau đó? Các nhà tâm lý trị liệu cũng cần phải thực tập tình thương, tức là phải lắng nghe và nói lời nói dễ thương.
Trừ phi chúng ta chịu khó nhìn sâu vào bản thân mình, việc thực tập này sẽ không dễ chút nào. Nếu trong ta có quá nhiều khổ đau thì ta khó có thể lắng nghe hay nói những lời dễ thương với kẻ khác. Trước hết ta phải nhìn sâu vào bản chất của cơn giận, sự tuyệt vọng, và đau khổ của mình để tự tháo gỡ cho mình, xong ta mới có thể rảnh tay cho kẻ khác. Giả dụ người thân của chúng ta hôm qua đã nói điều gì đó không dễ thương, làm mình đau. Người thân chúng ta đã dùng lời lẽ thiếu chánh niệm, và lại không có khả năng lắng nghe. Nếu chúng ta trả lời ngay lúc ấy, từ sự bực bội và đau khổ của mình, thì chúng ta có nguy cơ làm cho người thân chúng ta đau, và cũng đào sâu thêm những niềm đau đã có của người thân chúng ta. Còn nếu chúng ta đè nén cơn giận của mình hay làm thinh, chúng ta có thể gây tổn hại cho chính mình. Bởi nếu chúng ta đàn áp cơn giận của tự thân thì chúng ta cũng đang đàn áp chính mình. Chúng ta sẽ khổ sau này, và nỗi khổ sẽ mang lại thêm nhiều đau khổ cho người thân chúng ta.
Theo chư tôn đức dạy, cách thực tập hay nhất lúc đó là thở vào và thở ra để làm lắng xuống cơn giận của mình. Chỉ cần thở cho sâu với cơn giận thì chúng ta sẽ làm cho nó lắng lại. Lúc đó chúng ta có chánh niệm về cơn giận của mình chứ không đè nén nó. Khi đã có đủ bình tĩnh, chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ chánh niệm. Như vậy, cách xử lý cơn giận với chánh niệm của chúng ta nó cũng tương tự như người làm vườn xử dụng phân xanh. Khi biết xử dụng phân xanh, biết cách chăm sóc rác hữu cơ, chúng ta có thể biến nó thành một hoa hồng. Chúng ta có thể gọi rác là dơ bẩn nếu đứng về mặt tiêu cực, nhưng rác cũng có thể là tích cực, nếu ta biết xử lý nó. Cái giận cũng vậy. Cái giận làm chúng ta khổ, nhưng cái giận cũng giống như tình thương vậy. Giận có thể trở thành thương. Nó có thể là tiêu cực, nếu ta không biết xử lý nó, nhưng nếu ta biết cách xử lý cơn giận của mình, thì cơn giận đó có thể rất tích cực để chúng ta chế tác thành tình thương. Chúng ta không cần phải bỏ đi một thứ gì hết.
Sau khi đã thở vào, thở ra vài lần để lấy lại bình tĩnh, cho dù cơn giận vẫn còn có đó, nhưng chúng ta có chánh niệm về nó, chúng ta có thể nói với người kia rằng chúng ta giận. Chúng ta cũng có thể nói với người ấy rằng chúng ta muốn nhìn sâu vào nó, và cũng muốn người ấy cũng nhìn sâu vào nó. Một người nhìn vào những gốc rễ khổ đau của mình là đã hay lắm rồi, nhưng nếu cả hai người cùng nhìn với nhau thì hay nhất. Bằng cách thực tập sự nhìn sâu nầy, tại Chùa Dược Sư vào mỗi chiều Thứ Sáu đều có trà đàm để Thầy trò cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những khúc mắt trong cuộc sống. Sở dĩ chọn vào tối thứ Sáu vì hai lý do.
- Thứ Nhất:
Khi chúng ta đang còn giận, nếu chúng ta bắt đầu bàn thảo thì có thể khó tạo sự hòa giải, và có thể nói những điều làm cho tình trạng tệ thêm hơn. Do vậy mà những ngày trong tuần cho đến chiều Thứ Sáu, chúng ta có thể thực tập nhìn sâu vào bản chất cái giận của mình, và người kia cũng có thể làm như vậy. Với thời gian dài trong tuần, chúng ta có cơ hội nhìn sâu vào sự tình. Trước tối Thứ Sáu, một hay cả hai người có thể thấy gốc rễ của vấn đề, đồng thời có thể nói lời xin lỗi với người kia. Và tối thứ Sáu, hai người có thể uống trà và vui vẻ với nhau. Nếu hẹn ngày giờ, hai người sẽ có thời gian để lắng lại và nhìn sâu. Đây là các thực tập hay nhất. Bằng vào cách thực tập nầy, sẽ làm lắng con người mình lại, và nhìn sâu vào bản chất của những nỗi khổ niềm đau của mình. Đến tối thứ Sáu, nếu nỗi khổ vẫn chưa được chuyển hoá, chúng ta có thể thực tập nghệ thuật của Quan Thế Âm. Hai người ngồi lại với nhau và thực tập lắng nghe sâu một người phát biểu trong khi người kia lắng nghe thật sâu. Khi nói, ta nói lên sự thực sâu xa nhất mà ta thấy, và chúng ta thực tập lời nói dễ thương.
Chỉ với ngôn ngữ đó người kia mới có cơ hội để nghe, hiểu và chấp nhận. Trong khi lắng nghe, chúng ta biết rằng chỉ bằng cách lắng nghe sâu như vậy chúng ta mới có thể làm vơi đi nỗi khổ của người kia mà thôi. Nếu chỉ lắng nghe bằng nửa lỗ tai thôi thì chúng ta không thể làm được chuyện đó. Chúng ta phải có mặt đích thực và sâu sắc, và phẩm chất lắng nghe phải cao thì chúng ta mới có thể giúp được người kia vơi đi nỗi khổ.
- Thứ Hai
Phải đợi đến tối Thứ Sáu, là vì nếu chúng ta hoá giải được sự buồn bực đó, thì chúng ta sẽ được vui vẻ với nhau vào hai ngày cuối tuần.
Nếu chúng ta thấy ở trong cộng đồng có người đang gặp khó khăn với người khác, chúng ta phải giúp đỡ ngay. Nếu sự việc càng kéo dài lâu thì sẽ càng khó giải quyết. Cách hay nhất để giúp là thực tập ngôn ngữ chánh niệm và tập lắng nghe sâu. Bằng cách này có thể mang lại hoà bình, hiểu biết, và hạnh phúc cho mọi người. Tình thương là một chất liệu nhiệm mầu.
Như chúng ta đã biết, lời nói có thể có giá trị xây dựng, có thể làm cho mọi người thương nhau, nhưng cũng có tính phá hoại đều tùy thuộc vào nơi chúng ta. Nói với chánh niệm, thì lời nói có thể mang lại hạnh phúc thật sự, lời nói thiếu chánh niệm có thể gây chia rẻ căm thù và giết hại. Khi một người nói với chúng ta những điều làm cho ta khoẻ mạnh và hạnh phúc, thì đó là món quá quý hoá nhất người ấy có thể hiến tặng. Thỉnh thoảng, có người nói những điều rất ác và rất đau lòng khiến cho người nghe muốn tự tử, và mất tất cả mọi hy vọng, tất cả niềm vui cũng như sự sống.
Người ta thương nhau vì lời nói, mà cũng giết nhau vì lời nói. Khi chúng ta cuồng tín biện hộ cho một chủ thuyết, nói rằng chỉ có đường lối suy nghĩ hay tổ chức xã hội này mới là hay nhất, và nếu có người làm vướng đường mình thì mình phải đàn áp hay loại trừ người đó. Thứ ngôn ngữ này có thể giết, không phải chỉ có một người mà rất nhiều người. Khi tin vào một điều gì mạnh mẽ như vậy, chúng ta có thể bỏ hàng triệu người vào phòng hơi ngạt. Khi dùng lời nói để nâng cao một chủ thuyết, xúi dục người ta giết để bảo vệ và nâng cao chủ thuyết của mình, chúng ta có thể giết hàng triệu người.
Nhiều người phải nói dối để thành công như một nhà chính trị, hay như một người bán hàng, và nhiều người cũng đang bị kẹt vào những tình huống tương tự. Do vậy mà một người phật tử chúng ta nên luôn luôn phát nguyện:
 - Con nguyện chỉ nói những lời có thể tạo thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng ....
Điều này cần phải được thực tập với trẻ em. Nếu ta nói với em bé rằng em không làm được tích sự gì cả, em bé sẽ khổ trong tương lai. Cần phải luôn luôn nhấn mạnh những điều tích cực, và đầy hứa hẹn với con mình, và với vợ hay chồng mình nữa. Cho nên chúng ta cũng phải dứt khoát:
- Con nguyện chỉ nói những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hoà giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hoà trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Hòa giải, tạo niềm thương mến lẫn nhau, và cách nói để cho mọi người có cảm tình thương mến là một pháp tu sâu sắc nhất, chúng ta có thể thực tập được với sự lắng nghe và ngôn ngữ chánh niệm. Cách nói tạo sự thương mến cho nhau cũng có ý nghĩa là mang lại hoà bình và hạnh phúc cho quốc gia, con người, và các thành viên trong gia đình của chúng ta. Đây là công việc của một vị Bồ Tát. Để tạo yếu tố thành công trong việc thực tập, chúng ta phải có nghệ thuật lắng nghe, cũng như nắm được nghệ thuật nói lời nói dễ thương. Chúng ta cũng phải tránh liên kết mình với một bên để có thể hiểu được tâm tư nguyện vọng của cả hai phía.
Hòa giải, tạo niềm thương mến lẫn nhau, và cách nói để cho mọi người có cảm tình thương mến là công việc không phải đơn thuần, cho nên chúng ta phải dùng thân thể, thời gian, và cuộc đời mình để làm công việc thực tập nầy. Chúng ta có thể làm việc này bằng nhiều cách, và có thể bị đàn áp bởi những người chúng ta đang tìm cách giúp đỡ. Chúng ta phải lắng nghe và hiểu nỗi khổ của bên này, rồi lại đến lắng nghe nỗi khổ của bên kia. Như vậy ta sẽ có thể lần lượt nói cho mỗi bên về những nỗi khổ mà phía bên kia phải gánh chịu. Đây là công việc cốt yếu, và đòi hỏi phải có can đảm. Chúng ta cần nhiều người có khả năng lắng nghe. Chúng ta cần học hỏi cho sâu sắc để có thể thực tập giỏi, trong phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và thế giới.
Nói tóm lại muốn cho mọi người cùng chung sống trong hạnh phúc, hòa bình an lạc, chúng ta phải biết nhìn lại tự tâm, và thực tập lời nói dễ thương mà không cần đòi hỏi mọi người chung quanh phải làm gì đối với chúng ta. Để kết thúc bài viết nầy, chúng tôi xin giới thiệu đến đại chúng một câu chuyện:
Xưa có con chim Cú mèo làm tổ chung trên một cây với chim Gáy.Một hôm Cú mèo đến từ giã chim Gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
-Bác đi đâu thế?
-Tôi dời nhà sang Phương Tây.
Chim Gáy hỏi:
-Sao lại làm thế?Có việc gì làm trở ngại cho bác?Tôi trông nơi đây sinh sống dễ dàng, mát mẻ, sao bác lại bỏ đi?
Cú mèo buồn rầu đáp:
-Dân cư vùng này không ưa tôi.
Chim Gáy dịu dàng bảo:
- Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe ... sở dĩ người ta không ưa bác là vì tiếng kêu của bác.Nếu sang Phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi... Chi bằng bác đổi tiếng kêu thì đông tây gì cũng tốt như nhau, chẳng ai ghét bác nữa đâu mà sợ.
Cú mèo nghe nói, giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của chim Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó, Cú mèo đâm ra hận đời, nhất định đi vào thâm sơn cùng cốc, lánh xa loài người, loài vật, mặt trời, mặt trăng ...
Từ câu chuyện nầy chúng ta thấy, đổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một số tật của mình, phản ứng nhất thời của chúng ta mỗi khi gặp trở ngại, bị bạc đãi là giận dữ bỏ đi.Chúng ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ chìu chuộng vuốt ve, những hành động được tung hô vạn tuế ...Bằng ngược lại, chúng ta hờn, dỗi, hận đời đen bạc, và than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá v.v...
Vậy thì nên đổi tâm của chúng ta và thực tập lời nói dễ thương là điều cần thiết. Chư Bồ Tát đã làm được việc đó, vì thế mà chư vị Bồ Tát dù ở địa ngục mà vẫn hỷ lạc như cảnh trời đệ tam thiền. Còn chúng ta ở giữa cảnh đời này có trăng thanh gió mát, hoa thắm lá xanh, bụng no thân ấm mà vẫn muộn phiền khôn nguôi. Để rồi cứ mang cái tạm bợ của mình đi lang thang từ nơi này sang nơi khác. Tình trạng nầy dù có gặp được những chốn thong dong như cõi Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà đi nữa, thì chúng ta cũng cứ tự làm phiền mình, và các chúng sanh lân cận mà thôi.
--o0o--