TẬP SAN DƯỢC SƯ

Đi Tìm Một Mùa Xuân
Nhất Quán
--o0o--
 
Theo chu kỳ mỗi năm có mười hai tháng, chia thành bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, và Đông. Mỗi một mùa có ba tháng, và ba tháng của mùa Xuân là:
- Tháng Giêng theo lịch Trung Hoa là tháng Dần
Là tháng vạn vật hồi sinh, Dương khí bắt đầu hội tụ
- Tháng Hai, theo lịch Trung Hoa là tháng Mâo
Là tháng mặt đất mở rộng cho vạn vật đua nhau sinh sống nẩy nở.
- Tháng Ba, theo lịch người Trung Hoa là tháng Thìn.
Là tháng chấn động phát khởi để cho vạn vật phát triển trưởng thành.
Trong ngày Xuân hiện tượng thiên nhiên quan trọng nhất là sự bộc phát từ lòng đất, mọc lên để trưởng thành, và những mầm sống tàng ẩn trong cây cũng thoát khỏi vỏ để đâm chồi nẩy lộc. Do vì tháng giêng là tháng Dần hàm ý vạn vật hồi sinh cùng với Dương Khí sung mãn, cho nên cứ mỗi độ Xuân về thì trong tất cả mọi người cũng thấy như có sự đổi mới và trưởng thành, đó là vì do dương khí đang vươn lên, đang tăng trưởng tạo thành Xuân hưng vượng, mềm dẻo, sinh động hạnh phúc của con người. Quả thật, mùa Xuân là mùa Mộc Khí làm chủ bắt đầu sinh, và theo triết thuyết Đông Y, Mộc thuộc màu xanh có ảnh hưởng rất lớn đến gan là bộ phận nội tạng quan trọng của con người. Như đã nói, gan là nơi có rất nhiều nhiệm vụ chi phối toàn bộ sự vận hành trong cơ thể, và cũng là nơi máu về nghỉ ngơi, cho nên về Mùa Xuân thân thể con người thường được thư thái, máu huyết lưu thông rạo rực, rộn rã nhưng điều hòa. Đó cũng là lý do các văn nhân thi sỉ, ai ai cũng bảo cứ mỗi độ Xuân về là mang thanh bình, chuyên chở những hình ảnh hớn hở tốt tươi của vạn vật đến cho con người.
Ngày đầu Xuân trong Đạo cũng như ngoài đời, nhất là những ngày đầu của tháng Giêng năm mới, mỗi khi gặp nhau, chúng ta đều tay bắt mặt mừng, chúc may mắn, chúc thọ lẫn nhau. Và ai ai cũng tin tưởng thời gian khởi đầu một năm mới, thì nguồn hy vọng mới, với tất cả sự mới mẻ trong lòng chúng ta, cũng như cảnh vật thiên nhiên bên ngoài cũng đều đổi mới. Những lúc chúc nhau, như trong đạo những hàng đệ tử, môn đồ pháp quyến chúc mừng Thầy Tổ, chư tôn đức, những vị lớn tuổi được thêm tuổi thọ, chúng sanh dễ độ, phật sự chóng viên thành. Ngoài thế gian cũng chúc mừng năm mới vận hội mới, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, sống lâu trăm tuổi ... Cũng là mừng tuổi nhưng có người vui, mà cũng có người buồn. Như đối với người trẻ thì năm mới tăng thêm một tuổi, dấu hiệu của sự khôn lớn trưởng thành. Bởi vậy tuổi trẻ thường được đồng hóa với mùa Xuân, và thường nói là tuổi xuân, hay còn xuân là ý muốn nói:
- Người tuổi còn trẻ, còn sức sống.
Cho nên mỗi năm tăng thêm tuổi thì những người trẻ rất vui, vì biết mình sắp sửa trưởng thành để gánh vác công việc gia đình, cho công đồng và xa hơn nữa là quốc gia xã hội. Còn đối với người lớn tuổi thì buồn vì mạng sống giảm đi một năm. Nghĩa là mỗi năm tuổi đời tăng thêm, nhưng sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta lại giảm, cứ như thế mà giảm cho đến khi nào không còn hiện hữu trên cuộc đời nầy nữa thì thôi. Như thế tất cả mọi người ai cũng phải đi vào con đường:
- Tuổi trẻ thì có khuynh hướng tăng sinh lực mỗi độ Xuân về, nhưng đối với người lớn tuổi thì mỗi độ xuân về là mỗi ngày mỗi giảm mạng sống.
Quả thật thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Một ngày qua, một tháng qua, một năm qua là vô thường hoại diệt đang hoành hành tàn phá thân con người, cho dù là đang trên khuynh hướng tăng trưởng hay hoại diệt đối với loài người chúng ta nói riêng, nói chung là cả sơn hà đại địa đều bị lưỡi búa thời gian bào mòn, hư hao rồi hoại diệt. Tuy nhiên nếu biết vận dụng sự có mặt của chúng ta trong vũ trụ nầy thì thời gian cũng là liều thuốc hồi sinh, quý giá, nó cho chúng ta làm được những việc lợi ích cho mình và người, mà qua đó chư Thiền Tổ đã khuyến cáo:
           - Ngày nay lại đã qua rồi
           Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan
           Dường như cá cạn ở ao
           Khổ thêm thì có chút nào vui đâu
           Cần tu tợ lửa đốt đầu
           Ðừng cho sái buổi như chầu đế vương
           Biết thân mỏng mảnh vô thường
           Sớm còn tối mất lo phương cứu mình.
           Trong chiều hướng hướng thượng hướng thiện, người học đạo phải biết nhận thức ý nghĩa của năm mới và thời gian, có như thế thì cuộc sống chúng ta mới có giá trị. Vì thế mỗi lần vui Xuân với hoa xuân trăm hương ngàn sắc, chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến hai đặc điểm:
1- Thời Gian Không Bao Giờ Trở Lại.
Ý thức được điều nầy, lúc còn khỏe chúng ta nên lợi dụng tấm thân mấy chục kilô nầy, tận dụng hết khả năng của mình làm những điều lợi ích. Đừng để chúng ta trở thành người vô dụng, tuy có mặt trên cõi đời nầy nhưng cũng như vật phế thải dư thừa, như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng nói:
           - Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
           Nay đã năm mươi có lẽ ba
           Sách vở ích gì cho buổi ấy
           Áo xiêm nghỉ lại thân thân già.
           Xuân về ngày loạn càng lơ láo
           Người gặp khi cùng cũng ngất ngư
           Lẫn thẩn lấy chi đền tất bóng
           Sao đàn con hát vẫn say sưa.
           (Nguyễn Khuyến - Ngày Xuân Dạy Con)
2- Nhát Búa Thời Gian 
Quả thật thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Một ngày qua, một tháng qua, một năm qua là vô thường hoại diệt đang hoành hành tàn phá, bào mòn, hư hao rồi hoại diệt, nó thật đáng sợ. Vì thế chúng ta đừng để thời gian chi phối chúng ta rồi trở thành cát bụi vô ích:
- Tháng ngày thấm thoát tợ chim bay
Ông gẫm mình ông, nghỉ cũng hay
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ?
Răng long ngày trước hãy còn đây
Câu thơ được chửa thưa rằng được
Chén rượu say rồi nói chửa say
Kẻ ở trên đời lo lắng cả
Nghỉ ra ông sợ cái ông nầy.
(Nguyễn Khuyến - Tự Thuật)
Biết rõ thời gian là nhát búa bào mòn mọi vật hiện hữu trên cuộc đời nầy. Là người có tu học, chúng ta phải làm sao tìm cho ra trong cái tiêu mòn đó một cái gì mãi mãi không tiêu mòn, tìm trong cái vô thường biến đổi đó một cái gì đó chân thường bất biến. Nói một cách khác, một khi trong cái vô thường biến đổi, chúng ta phải tìm thấy một cái gì không sanh không diệt, chân thường bất biến, thì cho dù thời gian có dài đến đâu đi nữa chúng ta cũng không có gì phải ân hận buồn phiền. Bởi vì con quỷ dữ vô thường chỉ có thể phá hoại thân xác giả tạm thôi chứ không thể nào phá hủy thân chân thật của chúng ta được. Người biết tu là tìm về với thân chân thật. Thấy được thân chân thật chúng ta không còn lo âu sợ hãi trước những biến hoại của vô thường.
Điều mà chúng ta cần phải học hỏi ở đây: Tuy thời gian là vô thường, biến đổi, thân nầy rồi cũng rã mòn theo năm tháng, nhưng như có lần đã nói, dù cho thân có rã mòn, nhưng chúng ta còn có một cái gì thường hằng bất biến. Cho nên chúng ta phải khéo léo sáng suốt tìm cho ra, thấy cho được cái thân trường cửu ấy. Được như vậy thì chúng ta mới an nhiên tự tại, mới luôn luôn vui tươi không một niệm u sầu khi thấy thân bịnh hoạn, già yếu, chết chóc. Chúng ta vẫn cười mãi, vì tất cả đều là vô thường huyễn mộng, không đáng để cho chúng ta bận tâm. Và như thế thì Xuân ở đây không phải là Xuân của trời đất, của vũ trụ thiên nhiên nhân thế như đã nói:
           - Sáng nay gió loáng trên đường
           Cây phơi phới lá, dễ thường sang xuân
           Nhà ai đào nở tươi sân
           Trông vô em bé tung tăng áo hồng
           Gặt xong tạnh ráo cánh đồng
           Gió se luống đất ủ vồng khoai lang
           Ðược mùa to, mái rạ vàng
           Mùa Ðông rét muộn, tưởng xóm làng sang Xuân.
           (Huy Cận - Sang Xuân)
           Hoặc như Tế Xương từng nói:
           - Xuân từ trong ấy ban ra
           Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
           Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
           Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
           Chí cha chí choé khua giày dép
           Ðen thủi đen thui cũng lượt là
           Dám hỏi rằng ai nơi cố quận
           Rằng xuân xuân mãi thế ru mà.
           Cũng không cần phải đợi mọi người chúc tụng nhau mới gọi là Xuân:
           - Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
           Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
           Phen nầy ông quyết đi buôn cối
           Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
         ------------------------------------
           Nó lại chúc nhau cái sự giàu
           Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
           Phen nầy ắt hẳn gà ăn bạc
           Ðồng rụng đồng rơi lọ phái cầu ..
           (Tế Xương - Năm Mới Chúc Nhau)
           Hoặc là:
- Tin Xuân đến ngọc cây đào
Báo cho hoa biết ra chào chúa Xuân
Mỗi năm Xuân đến một lần
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày Xuân còn mãi không thôi
Tuổi Xuân ai dễ xanh rồi lại xanh
Ðường mây những khách công danh
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên.
Bằng vào mùa Xuân lúc khí trời ấm áp, trăm hoa đua nở, mọi người vui vẻ, thi nhau chúc tụng mới gọi là Xuân thì khi hết Xuân qua Hạ nóng bức, đến Đông lạnh lẽo, chắc chắn chúng ta sẽ buồn khổ và cuộc sống sẽ không an ổn. Vì thế cho nên nếu chúng ta ý thức được điều nầy và tìm cho được cái chân thật, không đổi dời chính là mùa Xuân Bất Diệt thì chúng ta không bao giờ còn có gì đáng buồn đáng sợ trên cuộc đời nầy nữa. Được như vậy thì ngày nào cũng là Xuân, cho dù tám chín mươi tuổi cũng thấy Xuân, ngay cả như chúng ta biết chắc ngày mai thân bảy đại nầy có hoại diệt cũng vẫn thấy Xuân.
           Tuy chúng ta là người sơ cơ học đạo, nhưng quý vị cùng chúng tôi cũng nên tự mình hứa hẹn:
- Chúng ta sẽ là người sống được với mùa Xuân lâu dài đó.
Có như thế nếu một ngày nào đó thân chúng ta có hoại đi, thì chúng ta vẫn cười, vì chúng ta đã có mùa Xuân không bao giờ cùng tận. Nếu không thì khi thân hoại, chúng ta sẽ đau khổ, vì không biết chúng ta sẽ đi về đâu, và thân kế tiếp của chúng ta là gì:
           - Là Trời
           - Là A Tu La
           - Là con người
           - Là súc sanh
           - Là loài quỷ đói,
           Hay là:
           - Phải sống trong các cảnh giới của Địa Ngục?
           Nếu biết thân nầy chỉ là duyên giả hợp. Khi đủ duyên thì hợp, không đủ duyên thì tan. Chỉ còn lại cái chân thân, chưa bao giờ hợp, chưa bao giờ tan, thì chúng ta sẽ yên lòng trong tất cả mọi thời gian với tuổi thọ ngắn dài của chúng ta đã và đang có.
Chúng ta là người học đạo, được diễm phúc nghe và thực hành giáo pháp của đạo giải thoát, chúng ta không nên thụ động mà phải đi tìm một cái gì đó chân thật, một mùa xuân trường cửu, chớ không phải vào đạo để trốn tránh nhiệm, để có những thứ lợi dưỡng tạm bợ của thế gian. Sự thành công của chúng ta chính là tìm cho được Mùa Xuân Miên Viễn. Đời người tu chúng ta sống một đời sống an vui tự tại, an vui trong cái vô thường, tự tại trong cảnh đời nghiệt ngã, được thế mới gọi là phi thường giải thoát.
           Quả thật, nếu chúng ta không tìm được cái chân thường vỉnh cửu thì không bao giờ được giải thoát. Vì vậy chúng ta phải cố gắng lắng nghe những lời nhắc nhở, dạy bảo của chư tôn thiền đức thì trước sau, sớm muộn gì chúng ta cũng thấy được cái bất sanh bất diệt đó, và chúng ta cũng sẽ được tự tại trong cuộc đời vô thường biến đổi nầy. Bằng không, nếu may mắn chúng ta chỉ được cái nhân lành hưởng thọ phước báo cõi Trời, hoặc cõi người rồi một lúc nào đó khi phước trời đã hết cũng bị vô thường chi phối. Thế nên chúng ta không nên kẹt trong cái vô thường, dù nó đẹp đến đâu, chúng ta cũng không thích không đam mê.
           Đó là nói đến những ai không còn đam mê trần cảnh, nhưng trên thực tế con người đa số đều cố chấp, thích đam mê cái đâp. Cho nên năm cũ gần tàn lại mong năm mới tới, chỉ mong cái mới tốt hơn cái cũ, mà không ngờ mong mãi rồi lại đến bại hoại. Từ ý niệm nầy, người học đạo phải nên sáng suốt, không mong năm mới tốt hơn năm cũ, mà chỉ mong thoát khỏi vô thường. Chính khi đó thì tất cả ngày tháng nào cũng đều là mùa xuân. Bằng không thì thiếu gì người tuy là ngày xuân nhưng vẫn sống trong nước mắt, buồn phiền đau khổ. Đâu phải ngày Xuân là đẹp là vui hết đâu:
           - Tôi có chờ đâu có đợi đâu
           Ðem chi Xuân đến gợi thêm sầu
           Với tôi tất cả đều vô nghĩa
           Tất cả không ngoài cái khổ đau.
           (Chế Lan Viên)
           Và cũng không thiếu gì những người ngay trong mùa Đông nhiều ảm đạm thê lương mà vẫn cười một nụ cười giải thoát, an lạc:
           - Ðừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
           Ðêm qua mai nở trước hành lang.
           (Mãn Giác Thiền Sư)
Vì đây không phải là quy luật chung, mà là việc riêng của mọi người, nhưng dù khóc hay cười, Mùa Đông hay Mùa Xuân cũng đều không có giá trị. Chúng ta phải tự biết, mỗi con người là một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, dáng vóc, tâm tư, ước muốn, nhận biết riêng biệt, nhưng luôn luôn hòa mình với hàng triệu triệu đời sống khác trên quả đất nầy để cùng nhịp nhàng phát triển, sinh động tồn tại hoặc hoại diệt. Bản chất của hoa là đẹp thánh thiện, an bình vô nhiễm. Mọi đóa hoa tự nó thanh tịnh, rỗng lặng, tỏa chiếu, trong sáng và tươi mát. Vì thế cho dù đóa hoa ấy mọc riêng rẽ trên cánh đồng cỏ xanh, trong một khu rừng rậm rạp, hay trên một cánh đồng hoa rực rỡ, thì hoa vẫn là hoa với muôn hương ngàn sắc tự tô thắm cho chính nó mà không tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh chung quanh.
           - Trúc xinh trúc mọc đầu đình
           Hoa xinh thì mọc chỗ nào cũng xinh.
Trong đám nhân loại hàng tỉ người hiện nay, đời sống của mỗi người chúng ta cũng vậy. Tự nó trong sáng, an vui, rộng lớn, thoải mái, tươi mát, tràn đầy tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, tràn đầy nguồn hạnh phúc trong lành. Niềm an vui đó tự hiện hữu, không có bắt đầu và tận cùng như vũ trụ chung quanh chúng ta. Như một đóa hoa tươi thắm trong một vườn hoa dày đặc, mỗi người chúng ta hiện hữu tràn đầy, riêng biệt, tự tại dù đang hòa lẫn với muôn ngàn đời sống khác trong một xã hội luôn luôn biến đổi. Hiểu được điều nầy, là người học đạo, chúng ta phải như một bông hoa thắm tươi vô nhiễm, với tâm tỉnh lặng, với lòng an vui để có thể tự giúp chúng ta tiếp xúc được, sống với sự mầu nhiệm của cuộc đời. Sự mầu nhiệm của cuộc đời chính là sự mầu nhiệm nơi tâm chúng ta: Một thế giới rộng lớn, an vui, trong sáng rực rỡ kỳ diệu, nồng ấm và hạnh phúc:
           - Một đóa mai vừa nở
           Cá thế giới bừng dậy
           Một tiếng chuông tỉnh thức
           Rung chuyển cõi ba ngàn.
           Một hạt sương rơi nhẹ
           Hiện khuôn mặt nghìn đời
           Một nụ cười thoáng hiện
           Tràn ngập không, thời gian.
           Quả thật, sự mầu nhiệm an vui rộng lớn, trong sáng vốn luôn hiện hữu nơi mỗi người chúng ta, sẽ giúp cho ta buông bỏ cái tôi nhỏ bé để trở thành một vũ trụ bao la trầm lặng, bất biến, nhưng đồng thời luôn luôn chuyển động, linh động thay đổi với muôn vạn sắc màu. Phật Giáo chú trọng đến niềm an vui nội tâm. Khi tâm an bình thì tự nó thành trong sáng như tấm gương rộng lớn phản chiếu mọi hoa lá, cỏ cây, người và vật. Tâm trong sáng, an vui được mô tả là đất sạch hay còn gọi là Tịnh Độ. Trong các cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật được mô tả đầy cả hương hoa rực rỡ, chim thú kỳ diệu, cảnh vật trang nghiêm. Các bộ Kinh lớn của Phật Giáo như Diệu Pháp Liên Hoa và Hoa Nghiêm cũng lấy tên loài hoa quý như Hoa Sen(Liên Hoa), và Tràng Hoa Đẹp(Hoa Nghiêm) để chỉ cho cái tâm mầu nhiệm, an vui rộng lớn thanh tịnh có sẵn nơi mỗi người chúng ta. Vì thế chúng ta phải cố gắng ngay trong kiếp sống nầy tìm kiếm cho được viên ngọc quý của chúng ta vốn sẵn có, nhưng bị vùi chôn trong mảnh đất tâm vô minh phiền não. Chúng ta chịu khó bới móc vô minh phiền não ra rồi chúng ta sẽ có hòn ngọc vô giá ngay.
           Từ khuynh hướng nầy, là người học đạo, chúng ta không nên buồn, không nên lo thân nầy già chết. Nếu có buồn là buồn cái tánh ươn yếu của chính mình, tại vì chúng ta đã dung dưỡng vô minh phiền muộn hoài, mà không dám, không can đảm từ bỏ. Phiền muộn còn nhiều thì không bao giờ thấy được cái chân thường không thay đổi, vì thế chúng ta phải nỗ lực dẹp hết những chướng ngại để thấy được chân thân cao quý thì chúng ta đã thành công trong đường tu. Khi ấy quanh năm suốt tháng đều là mùa Xuân, mùa Xuân chân thật. Lúc mùa Xuân chân thật có mặt thì mùa Xuân tạm bợ, và Xuân trong cái bị thiêu đốt không còn nữa:
           - Xuân trời đất xuân hôm nay mới đến
           Xuân trong tôi, Xuân đã đến lâu rồi.
           Sự thực hành giáo pháp giải thoát một cách siêng năng tinh cần sẽ giúp chúng ta có những kinh nghiệm về niềm an vui kỳ diệu rộng lớn bao la và mãi mãi có mặt, trong sáng tinh sạch. Đó là tính cách chân thường, chân ngã, chân lạc và chân tịnh của con người chân thật, của chân tâm hay Phật tánh của mỗi con người chúng ta. Do đó dưới con mắt của con người hoan hỷ, chúng ta sẽ thấy tất cả mọi người khi về Chùa vào dịp đầu năm, bên cạnh những người phật tử cầu phúc, cầu lộc cho an bình trong cuộc sống tạm trên thế gian nầy, chúng ta còn thấy có nhiều người bày tỏ sự ước mong tu hành tinh tấn và hướng về sự giải thoát an vui vô cùng. Cho nên sự trong sạch của tâm, tức là buông thả tất cả các vọng tưởng tiêu biểu như:
           - Ý tưởng phân biệt,
           - Ý tưởng so do,
           - Ý tưởng hiềm khích
           - Ý tưởng khen chê
           - Ý tưởng hay dở ..
           Khi tâm buông thả tất cả mọi tạp niệm gây ra phiền não thì tâm chúng ta tự nó trở thành trong sạch, chiếu sáng rỗng lặng. Tánh tự nhiên của chúng ta, con người chân thật của tự nó lộ diện, tự nó tỏa sáng. Lúc đó tâm của chúng ta đi vào cõi bình an rộng lớn, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc ngay. Khi tâm chúng ta bình yên như thế thì chúng ta tức khắc hiểu được thực tại một cách trực tiếp mà không qua các lời nói hay chữ viết:
- Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.
Nói theo thuật ngữ Phật Giáo gọi là ngôn ngữ của Lăng Già, sự mầu nhiệm đó được diễn tả qua bài kệ ca ngợi tâm giác ngộ của Bồ Tát Đại Huệ:
           - Thế gian ly sanh diệt
           Ví như hoa hư không
           Trí không thấy có Không
           Mà khởi tâm đại bi.
           Các pháp đều như huyễn
           Xà lìa nơi tâm thức
           Trí chẳng thấy có không
           Mà khởi tâm đại bi.
           Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí không thấy có không
Mà khởi tâm đại bi.
Biết nhân pháp không ngã
Phiền não và Sở Tri
Thường thanh tịnh không tương
Mà khởi tâm đại bi.
Đức Phật cũng từ cõi thanh tịnh tuyệt vời của cái tâm trong sáng vô ngần ấy mà Ngài đã đến với chúng ta. Trong mối giao cảm sâu sắc tột cùng, hình ảnh Đức Phật đến với chúng ta từng bước chân đi trong tỉnh thức một cách thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Như đóa sen tinh khiết tỏa hương làm dịu lòng người, bước chân giác ngộ của Đức Phật đi mãi, đi mãi, không hề mỏi mệt. Ngài đi qua không biết bao nhiêu là núi rừng, phố phường, làng mạc, đến tận hang cùng ngõ hẻm. Ngài đến nơi nào cũng chỉ để mang lại mùa Xuân, đem đến những đóa hoa thanh khiết của tâm hồn, sự an vui, hạnh phúc, yên bình cho thế nhân, cho mọi người thăng hoa trí tuệ, đạo đức, phước báo sung mãn. Không những Đức Phật mang lợi ích đến cho mọi người sống đồng thời với Ngài, mà đến tận ngày nay, cả nhân loại vẫn còn hưởng thụ được sự lợi lạc vô cùng khi bước theo dấu chân Phật, sống trong giáo pháp của Ngài.
Nói tóm lại, cứ mỗi độ Xuân về, hoa mùa Xuân thi nhau nở rộ, như nhắc nhở mọi người con Phật chúng ta luôn luôn nhớ đến mảnh vườn tâm tỉnh lặng bao la diệu vợi. Từng bước, từng bước chân đi, chúng ta có cảm nhận đang đi theo dấu chân Phật của tự thuở nào. Một cuộc hành trình về suối nguồn tâm linh khai mở cho mọi người chúng ta. Mỗi bước chân trên cuộc hành trình tâm linh, giúp chúng ta khám phá cái chân thường bất biến, đưa chúng ta đến gần với Tịnh Độ của Phật hơn và thâm nhập vào thế giới tâm linh vượt ngoài tính toan của trần thế. Lúc đó cảnh Tịnh Độ hiện ra, và từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, từng dòng máu luân chuyển trong thân, từng bước chân đi, tất cả đều bao phủ tràn ngập niềm an lành kỳ diệu. An lành trong ta, an lành trong núi rừng bao la hiền hòa, an lành trong cỏ cây hoa lá vô tư, an lành trong không khí thuần khiết dịu dàng, an lành trong mọi pháp lữ đồng hành xung quanh ta, an lành trong ánh mắt ngây thơ của chú thỏ bé nhỏ hay chú sóc đang mở to mắt nhìn ta. Sự an lành kỳ diệu của người con Phật an trụ trong tỉnh thức, an trụ trong sự hài hòa với đất trời bao la, với những người cùng hạnh nguyện, với mọi sinh vật của núi rừng. Mùa Xuân của chúng ta là đó, mùa Xuân của những ai đang đi theo dấu chân Phật, đang sống trong tỉnh thức. Hãy cùng an trụ mùa Xuân ấy, hãy sống với Tịnh độ ấy.
Nói một cách khác, khi buông xả tất cả các ý tưởng phân biệt, mâu thuẫn tương tranh thì tâm ta đi vào chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên của nó. Từ chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên ấy mà lòng thương yêu rộng lớn, và sự hiểu biết chân thật bừng lên đưa ta vào thế giới ban sơ, thế giới của tình thương bao la sáng ngời không chủ thể, đối tượng tràn đầy yên vui. Đó chính là tâm chân thật, cũng gọi là tâm Phật hay còn gọi là tâm giải thoát, và đó cũng chính là mùa Xuân Di Lặc mà chúng ta đã và đang đi tìm.
--o0o--