|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Con Đường Phải Đi
-
Trúc Giao
-
--o0o--
-
-
Chúng ta đang
sống trong cõi đời ác năm trược, và ý thức được con người hiện
tại đã và đang bị dòng sanh tử luân hồi, và cuộc đời vô thường
chi phối, cho nên thường đem đến sự sợ sệt và bất an rất nhiều
cho chúng ta. Vì thế những ai muốn ra khỏi vòng sanh tử luân
hồi, thì chính chúng ta phải tự mình lựa chọn một con đường phải
đi. Con đường mà chúng ta lựa chọn và phải đi đó nó không bằng
hoa gấm mà bằng tâm nguyện tha thiết:
-
- Trên cầu
Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh.
-
Đây là nói
những người ý thức cuộc đời là vô thường, và sợ hãi trong kiếp
sống luân hồi sanh tử.
-
Có người cũng
cho rằng chết là hết, cho nên con người một khi chết rồi thì
trăm việc hết, cái gì cũng đều không có. Đây là quan niệm theo
chủ nghĩa vật chất, mà theo lập trường của Phật Giáo cho rằng
đây là cách nhìn của con người thường chỉ có nhục nhãn, mà không
có huệ nhãn. Vì vậy cho nên không thấy được chân tướng của vạn
tượng vũ trụ, nên mới nói thế này. Ðức Phật không những có nhục
nhãn, huệ nhãn mà còn có Phật nhãn, cho nên chân tướng của muôn
hình tượng vũ trụ Ngài thấy rất rõ ràng. Ngài nói sinh mạng của
con người không phải là chết rồi thì kể như xong hết, nếu như
đơn giản như thế này, thì con người ai cũng có cái tâm tham
muốn, thích làm cái gì thì làm cái nấy mà không cần nói cái việc
có nhân quả báo ứng thiện ác.
-
Kỳ thật, sinh
mạng của mỗi người trước khi chưa sinh thì đã có rồi, cũng không
phải chết rồi là hết. Lý lẽ nầy không phải chỉ nói qua loa vài
ba câu là có thể nói hết được vấn đề, đồng thời cũng là vấn đề
rất khó giải quyết. Do đó với nhu cầu của người học Phật tu
hành, là để giải quyết sự kiện nầy, đại sự sinh tử cho chính
mình. Chúng ta là người học Phật đối với cái chết, không phải là
hết cho nên phải ghi nhớ hai điều:
-
1- Ðời người
vô thường, vì thế nói về cái chết rất có thể do tuổi thọ hết,
hoặc phước hết, hoặc nghiệp báo đến.
-
2- Không nên
lầm tưởng rằng thọ mạng là do trời sinh, trời cho tuổi thọ, do
vậy việc sống chết đều phó thác cho vận mệnh.
-
Phải biết rằng
tuổi thọ ngắn dài đều tùy thuộc vào thực tại, đa số là nghiệp ác
hiện đời, bởi vì có những việc không nên làm thì chúng ta lại
làm càn, không khéo tự giúp để dưỡng nuôi tốt tự thân chúng ta.
Vì vậy cứ cho là do thọ hết mà chết.
-
Chúng ta là
người biết đạo lý, biết rõ sinh tử, con người chết rồi lại sinh,
sinh rồi lại chết, chết chết sinh sinh, sinh sinh chết chết, cứ
thế mà luân hồi không dứt. Yếu tố chủ yếu tạo thành luân hồi
sinh tử chính là Nghiệp.
-
Nghiệp có
nghĩa là tạo tác. Trước tiên là từ ý nghĩ hay tư tưởng, do từ
nơi tư tưởng mà phát ra tạo tác các ác nghiệp ở nơi ngôn ngữ và
thân thể. Bất luận có hành động tốt xấu thế nào đi nữa, thì Phật
pháp đều gọi là Nghiệp. Nghiệp có ba tánh:
-
- Thiện: Thiện
nghiệp hay chiêu lấy thiện quả,
-
- Ác: Ác
nghiệp hay chiêu lấy ác quả, và
-
- Vô ký: Vô ký
nghiệp tức là nghiệp không phải là thiện cũng không phải là ác,
cho nên không có quả.
-
Nói về Nghiệp,
nếu không phải là người có tín tâm, thì hơi khó hiểu rõ, bởi vì
nó không hình không tướng, không chất không lượng, nhưng một khi
chúng ta khởi tâm động niệm, thì tất cả đều thành nghiệp chủng.
Nói một cách khác, Nghiệp mà chúng ta bàn ở đây chính là ấn
tượng trong ý thức của chúng ta và những người chung quanh.
Chúng ta và những người chung quanh, mỗi khi có khởi tâm động
niệm, thì từ ý nghĩ cho đến ngôn ngữ và hành vi, không kể là
thiện hay ác, lúc đó trong ý thức đều có lưu giữ ấn tượng, đây
tức là nghiệp chủng đã gieo vào trong ruộng thức thứ tám. Ruộng
thức thứ tám là thức A Lại Da. Chúng ta cũng như những người
chung quanh đều do ở nơi ngôn ngữ và hành vi của thân tâm mà tạo
thành một ấn tượng lưu giữ trong ý thức. Tuy rằng những ấn tượng
đó có cạn có sâu, nhưng tất cả đều không bị thời gian xóa diệt,
mà cứ nhớ luôn trong tìm thức, trong ký ức. Ðối với một sự việc
nào đó, có những ấn tượng sâu sắc, cố nhiên trọn đời khó quên,
và mỗi khi nhớ đến ấn tượng như thế, thì việc này ngay tức khắc
cũng ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của người chung quanh và
chúng ta. Cho dầu là ấn tượng đó rất nhỏ nhặt, nhưng cũng sẽ giữ
gìn vĩnh cửu ở trong chiều sâu của ý thức. Đó cũng là lý do hiện
tại các nhà tâm lý học giải thích về giấc mơ, hay mộng là những
hoạt động ẩn chứa trong ý thức, đồng thời cũng biểu thị cho
chúng ta thấy nghiệp lực cũng là bất diệt trong tâm thức của
chúng ta. Khi đã thành nghiệp chủng, thì khó có thể mài dũa hay
diệt đi, vì nó luôn luôn tồn tại hằng hữu, hoặc là chúng ta có
thể thấy, hoặc có khi chúng ta không thấy, nhưng khi gặp duyên
thì chúng khởi hiện ra.
-
Nếu lấy hiện
tại để giải thích về Nghiệp thì đại khái là mỗi người chúng ta
đều nhờ vào kết quả của sự phản ứng hoạt động, ý lực không dứt
của chính mình, mà tạo thành nghiệp của chính mình. Nghiệp nầy
lại tạo thành gốc gác của hoạt động tương lai, và chi phối vận
mệnh chính mình. Từ sự chi phối vận mệnh mà nói, thì gọi đó là
nghiệp quả hoặc nghiệp báo. Đã gọi là Nghiệp có nghĩa là vĩnh
viễn không mất, trừ khi Nghiệp chấm dứt, hay do ý chí ngừng nghỉ
hoạt động để tạo Nghiệp của chúng ta. Do đó những hoạt động nếu
chúng ta chuyển về phương hướng nào, thì Nghiệp cũng chuyển theo
phương hướng đó mà tồn tại. Như vậy nghiệp quả, nghiệp báo không
phải lấy một thời kỳ sanh ra đời hoặc chết đi một sinh mạng mà
gọi là hết. Chết chẳng qua là thân thể nầy được tạo thành bởi
các yếu tố vật chất, cho nên nó cũng theo phép tắc vật lý là có
tụ thì phải có tan. Hơn nữa sinh mạng của chúng ta thật ra không
phải chỉ là thuần túy trên phương diện vật chất, cho nên mỗi
người chúng ta tạo nghiệp, đều không do từ nơi chết của thân thể
vật chất mà hết Nghiệp. Sau khi chết, cái sức mạnh của nghiệp
dẫn chúng ta đổi thành một phương hướng khác, hình thành một cái
sinh mạng mới, cách chuyển đổi trạng thái này gọi là luân hồi.
Hiểu được đạo lý luân hồi, thì chúng ta có thể chứng minh được
nguyên tắc nghiệp lực không diệt.
-
Nghiệp lực đều
không do từ nơi cái chết của nhục thể mà tiêu diệt, bởi vì sau
khi nhục thể tan rã thì nghiệp do chúng ta tạo tác được gởi gắm
ở trong thức của A Lại Da, thức này lại chịu sự chi phối của
nghiệp lực, trở lại kết hợp cùng với vật chất riêng thành một
sinh mạng mới. Sinh mạng mới hình thành nầy:
-
- Là người,
-
- Là súc,
-
- Là thần,
-
- Là quỷ ...
-
Thì chúng ta
không thể tự chủ, mà hoàn toàn dựa vào sự dẫn dắt của nghiệp
lực. Trong kinh Phật có nói tình hình nghiệp lực dắt dẫn A Lại
Da thức tương tự như:
-
- Ví như chúng
ta thiếu nợ một người nào đó, không sớm thì muộn người đó cũng
đến nhà đòi nợ.
-
Do đây cũng có
thể nói nghiệp lực tương tự như một quả cân treo, sức nặng lệch
về phía nào thì quả cân rơi về phía đó.
-
Nghiệp lực tức
là sau khi tạo tác khởi tâm động niệm, năng lực giữ gìn liên tục
mà dẫn phát. Thọ báo nhân gian đời này là nghiệp lực đời trước.
Nghiệp lực đời trước cùng với nghiệp lực đời này, sẽ quyết định
cho tiền đồ tương lai của đời sau, đây chính là nhân quả báo ứng
ba đời. Y cứ nơi luật nhân quả nghiệp báo mà nói, nghiệp lực
phát sinh nghiệp báo có ba thời gian ghi nhận:
-
1- Đời này tạo
nghiệp, mà đời này cũng thọ báo. Đây gọi là quả báo nhãn tiền,
hay còn gọi là Hiện Báo Nghiệp.
-
2- Đời này tạo
nghiệp, mà một đời sau đó thọ quả báo. Đây gọi là Sanh Báo
Nghiệp.
-
3- Đời này tạo
nghiệp, mà hai hay nhiều đời sau mới thọ quả báo. Đây gọi là Hậu
Báo Nghiệp
-
Căn cứ từ nơi
ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai mà nói thì nhân quả không thể
tiêu diệt. Chỉ cần nhân duyên đầy đủ, đến lúc gọi là định nghiệp
thì ai là người tạo nhân thì người đó phải chịu báo ứng. Cuối
cùng tất cả đều do nghiệp lực xúc tác mà thành. Ở đây có ba sự
phân biệt:
-
a- Tùy Theo
Nơi Sức Nặng:
-
Không luận là
thế nào, con người đến lúc chết, nghiệp lực nhất định sẽ hiện
ra. Việc tốt hay xấu lúc bình thường chúng ta làm đều rất nhiều,
do đó mà ngay lúc này nó có một cái sức mạnh đặc biệt, không
luận là thiện hay ác, cũng bắt đầu hiển hiện ra, con người sẽ
nương theo cái năng lực này mà thọ quả báo hay phước báo. Chẳng
hạn như một người sát nhân, trong tâm thường ghi nhớ sự việc
giết người ở trong tâm, quên không được. Mặc dầu người tạo
nghiệp muốn cho quên nhưng không quên được, mà trái lại càng cố
gắng quên đi thì trong tâm thức càng tồn tại sâu đậm hơn. Đến
lúc chết, những việc làm tội lỗi này sẽ hiện ra. Cũng vậy, một
người làm việc thiện một đời cứu người đến lúc mạng chung, thiện
nghiệp đó cũng sẽ tự nhiên hiển bày trước mắt.
-
b- Tùy Theo
Nơi Tập Khí:
-
Như có người
không biết nghiệp tốt, hay xấu, cứ bình thường làm việc theo
thói quen của chúng ta và cho đó là thường. Trong cái không biết
chúng ta cứ cho đó là thường, nhưng không có nghĩa là không có
tạo tác nghiệp, do vậy cũng có thể sinh ra những năng lực vĩ
đại. Việc ác tuy là nhỏ, nhưng cuối cùng cũng phải thọ lãnh ác
báo. Việc thiện tuy là nhỏ nhưng cũng có thể thu gặt được thiện
quả, tức là muốn nói khi tạo nghiệp gì, thì cuối cùng cũng phải
theo nghiệp định này mà thọ báo. Trường Hợp nầy gọi là tạo
Nghiệp theo tập khí
-
c- Tùy Theo Sự
Nhớ Nghĩ:
-
Bình thường
trong cuộc sống của chúng ta, không có thiện không có ác. Tuy
nhiên, nếu một giây phút nào đó bỗng nhớ tới chuyện xưa, lúc đó
trong tâm chợt khởi lên niệm thiện hoặc niệm ác, thế là tùy theo
niệm thiện hoặc niệm ác này mà thọ báo. Chẳng hạn như câu chuyện
được kể lại:
-
Thuở xưa, ở
ngôi làng nọ có ba mươi người thanh niên kết bạn với nhau, chung
lo việc từ thiện. Họ đặt ra bảy điều luật mọi người tuân hành.
Bảy điều luật đó là:
-
- Không sát
sanh
-
- Không trộm
cắp
-
- Không tà dâm
-
- Không nói
dối
-
- Không nói
hai chiều
-
- Không nói
thêu dệt
-
- Không nói
lời độc ác.
-
Hằng ngày các
thanh niên chuyên làm việc từ thiện như làm đường, bắt cầu, giúp
đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Ảnh hưởng của họ một ngày
một lớn ở trong thôn. Ai ai ở trong thôn cũng đều quý mến họ vì
thấy họ làm từ thiện mà không ý tham chiếm giữ vật nhỏ nào.
-
Anh đoàn
trưởng có ba bà vợ. Bà vợ thứ nhất nghĩ:
-
- Chồng mình
làm từ thiện, kiếp sau sẽ sanh về cõi Trời, bây giờ mình không
làm từ thiện, thì kiếp sau sẽ bị đọa lạc.
-
Vì nghĩ như
thế cho nên bà vợ thứ nhất phát tâm cúng một khu vườn rộng bằng
một mẫu, có bóng cây râm mát ở giữa làng để làm công viên. Các
chàng thanh niên trồng đủ loại kỳ hoa dị thảo, trông thấy rất
đẹp mắt, lại có ghế đá để dưới tàng cây cho dân làng chiều chiều
đi tản bộ ngồi nghỉ mát.
-
Bà vợ thứ hai
bỏ tiền ra đào hồ trồng sen ở giữa vườn trông rất đẹp mắt. Giữa
hồ lại làm nhà thủy tạ lục giác, trên mái lợp ngói âm dương, có
chiếc cầu cong bắc ngang qua, sơn màu đỏ trông rất xinh. Dưới hồ
nuôi những đàn cá đỏ, cá vàng. Người đứng trên cầu, ngồi trong
nhà thủy tạ ném thức ăn xuống dưới hồ, cá tranh nhau ăn trông
rất vui.
-
Riêng bà vợ
thứ ba chỉ biết chưng diện, ăn chơi, không biết làm từ thiện,
không biết đạo đức nhân nghĩa là gì.
-
Ba mươi ba
người thanh niên làm việc từ thiện, ảnh hưởng mỗi ngày một lớn,
dân chúng rất mến mộ. Điều nầy làm cho ông thôn trưởng đâm ra
ganh tỵ. Ông viết biểu dâng Vua rằng ba mươi người thanh niên
nầy có ý tạo phản, cho nên tìm mọi cách làm từ thiện để lấy lòng
dân. Nhà Vua nghe theo, liền cho truyền lệnh bắt ba mười người
thanh niên đem ra pháp trường cho voi dày. Khi sắp hành hình,
nhớ lại các việc làm xa xưa, anh đoàn trưởng nói với các anh em
trong đoàn:
-
- Chúng ta
không nên oán thù ông thôn trưởng và nhà Vua, mà chúng ta phải
khởi tâm thương xót vì họ đã bị vô minh che lấp nên làm việc
thất đức, rất đáng thương xót. Chúng ta cũng nên khởi tâm thương
con voi làm việc độc ác. Chúng ta phải luôn nhớ lại việc làm từ
thiện của mình, vì thân người có mất đi, nhưng phước đức thì
không.
-
Lúc quan giám
sát ra lịnh thả voi ra để thi hành án lệnh, Voi không dám dẫm
lên ba mươi ba người thanh niên kia, trái lại voi còn sợ và thụt
lùi. Người nài ra lịnh nhưng voi vẫn không chịu nghe. Quan Giám
Sát về tâu Vua, nhà Vua lấy làm lạ và đích thân tra hỏi:
-
- Các người là
Trời, hay là Quỷ Thần mà Voi không dám làm hại.
-
Các thanh niên
thưa:
-
-
Chúng tôi là dân lành, chỉ chuyên làm việc từ thiện, ích quốc
lợi dân, không có gì phạm pháp. Ông thôn trưởng thấy mất ảnh
hưởng nên sanh lòng đố kỵ, vì vậy mới báo cáo lên nhà Vua là
chúng tôi âm mưu làm phản, chứ thật ra chúng tôi là dân lương
thiện. Nếu Bệ Hạ không tin thì cứ hỏi dân chúng sinh sống trong
thôn nầy thì biết. Cùng lúc dân chúng trong thôn cũng dâng kiến
nghị, trình bày với nhà Vua là ba mươi ba người thanh niên nầy
vô tội.
-
Nhà
Vua nghe xong rất hoan hỷ, cho tha bổng ba mươi ba người thanh
niên vô tội và còn khen thưởng để khích lệ nhân dân. Nhà Vua cho
phép ba mươi ba thanh niên tiếp tục làm việc từ thiện và trừng
trị ông thôn trưởng có tâm hiểm ác, vu khống người lương thiện.
-
Từ
khi được nhà Vua biết và tha bổng, các thanh niên làm việc phước
thiện càng hăng hái hơn. Trong suốt cuộc đời của ba mươi người
thanh niên kia lúc nào cũng làm việc nghĩa để tích công bồi đức,
nhờ vậy mà đến khi mãn phần tất cả đều được sanh về cõi Trời ba
mươi ba. Vị đoàn trưởng kia làm Thiên Đế Thích(tức là Thượng
Đế), còn ba mươi hai người kia làm Vua của ba mươi hai cõi Trời
chung quanh. Hai bà vợ của anh trưởng đoàn, nhờ phước cúng vườn
cây và hồ, nhà thủy tạ, nên được sanh lên cõi Trời làm vợ Thiên
Đế Thích. Trong khi đó bà vợ thứ ba do vì ăn chơi, chưng diện,
phạm tôi sát sanh nên bị đọa làm cò trắng.
-
Nội
dung câu chuyện nầy cho chúng ta thấy, bất cứ hành động nào của
chúng ta cũng đều có kết quả. Tuy ba mươi ba thanh niên làm việc
thiện, nhưng sở dĩ có kết quả tốt đẹp do nhờ ở giây phút thập tử
nhất sanh nhớ lại thiện nghiệp đã làm, nên phước báo hiện tiền.
Nhưng nếu ba mươi ba thanh niên nầy lúc đó khởi tâm niệm thù
hận, không chắc việc làm từ thiện đó có kết quả, không khéo còn
bị cận tử nghiệp phá tan những phước đức đã làm, bởi vì:
-
-
Một đám lửa sân cháy cả rừng công đức.
-
Từ những điểm
chính yếu trên, cho nên bình thường, thay vì chúng ta cứ nhớ
nghĩ viễn vong, niệm theo kiểu chúng sanh niệm thì chư tôn đức
thường hay nhắc nhở mọi người niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Và trong cuộc sống hằng ngày, thường nên xưng tán công đức bố
thí, trì giới, khiến họ tự thân phước báo càng ngày càng thêm
tăng tiến, và người chung quanh nghe được khởi tâm ưa thích công
đức và tâm sinh thiện niệm. Nương nơi công lực này thì sẽ tạo
nên phước báo tốt đẹp cho hiện tại và đời sau.
-
Có người tuy
có nghiệp thiện, nhưng lúc lâm chung vì người thân không biết
tạo những điều không tốt, lúc gần chết chịu sự đâm chích đau khổ
trong lòng, cho nên niệm ác sanh khởi vì vậy mà phải bị đoạ lạc.
Đây cũng là lý do tại sao chư tôn đức thường khuyên người đời,
nếu những thân bằng quyến thuộc đến lúc lâm chung, không luận
già trẻ, đều không nên kêu khóc, nắm tay, sờ mó, cứ la hét, kêu
réo, ôm ấp, đụng chạm vào thân thể của người chết. Những hành
động nầy chúng cứ nghĩ là thương tiếc nhớ nhung, nhưng thật ra
là chúng ta làm phiền tâm thần của người mất khiến cho họ sinh
khởi tâm phiền não. Thay vì chúng ta khóc thương, thì chúng ta
nên khuyên người mất, người thân của chúng ta nên chuyên tâm
tưởng nhớ đến Phật, niệm Phật, niệm công đức... Đây là giây phút
quan trọng. Như lúc bình thường chúng ta cứ mãi tạo tác các
nghiệp ác, cho nên lúc lâm chung, chúng ta được nhắc nhở khởi
lên một niệm thiện là điều không thể khởi được. Trừ phi chúng ta
đời trước có nghiệp thiện, hoặc lúc bình thường hay có nghiệp
thiện to lớn, hoặc tập thiện thành tánh, và lúc lâm chung còn có
trợ niệm thêm, thì có thể quyết định được sanh qua nơi cõi lành
như người xưa đã từng nói:
-
- Thiện có báo
thiện, ác có báo ác.
-
Và mỗi con
người ở mỗi đời đều có thiện nghiệp và ác nghiệp, nhưng không
phải vì vậy mà vĩnh viễn không có cách nào thóat khỏi sinh tử.
-
Tuy nhiên, một
yếu tố khác chúng ta cũng nên ghi nhận. Rằng nếu nói chỉ có mỗi
nghiệp lực thì không đủ để cho chúng ta phải đau khổ trong sanh
tử luân hồi, mà phải nói thêm một yếu tố khác nữa đó là phiền
não. Quả thật, ngoài nghiệp lực còn có điều kiện của phiền não,
trong đó ái nhiễm là tối trọng yếu. Nếu như không có khát ái thì
các thứ phiền não, cũng sẽ không thể cảm lấy mầm khổ của sinh,
cho nên Phật Pháp cũng thường dạy bảo người đời:
-
- Dứt phiền
não, xong sinh tử.
-
Như vậy chúng
ta thấy các loài hữu tình thuộc ba cõi, trong đó có chúng ta, do
nơi mê hoặc mà tạo nghiệp, từ nơi nhân tạo nghiệp mà thọ khổ,
rồi nhân thọ khổ lại trở thành mê hoặc. Cho nên ba món:
-
- Hoặc
-
- Nghiệp
-
- Khổ
-
Là ba yếu tố
nầy hình thành ra tánh ác, rồi cứ theo đó mà tuần hoàn luân lưu
mãi. Nhưng Nghiệp mà Hoặc tạo ra, có chia ra nghiệp thiện,
nghiệp ác, nghiệp nhẹ, nghiệp nặng, do đây quả báo nhận được
cũng có phân ra làm sáu đường. Nghiệp thức ở trong sáu đường mà
sinh đây tử kia thì gọi là luân hồi sáu đường. Sáu đường là:
-
- Trời,
-
- A Tu La,
-
- Người,
-
- Súc sinh
-
- Ngạ quỷ, và
-
- Địa ngục.
-
Ba đường trước
gọi là đường thiện, ba đường sau gọi là đường ác. Trong ba thiện
nghiệp nầy thì cõi trời là cảnh giới phước báo rất nhiều, thọ
mạng cũng dài. A Tu La phước báo giống trời, nhưng do vì tâm sân
rất là nặng, đấu tranh không dừng cho nên không có địa vị như
cõi Trời. Cõi Người thì khổ nhiều vui ít, nhưng vẫn còn khá hơn
những cảnh giới của ba ác đạo. Trong ba đường ác, cảnh giới Súc
sinh thì hoàn toàn khổ. Ngạ quỷ thường chịu đói lạnh. Địa ngục
thì khổ đau, trong cõi đó khổ đau rất nhiều kiểu.
-
Chúng ta đã
biết cảnh sung sướng ở cõi người, cõi Trời, và những cảnh khổ
của Súc Sanh, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, cho nên là người học Phật chắc
chắn chúng ta biết lựa chọn con đường nào là con đường mà chúng
ta phải đi rồi. Khi mà chúng ta đã biết Con Đường mà chúng ta
phải đi thì chúng ta sẽ biết được chúng ta từ đâu đến, chết rồi
đi về đâu ngay tức khắc.
-
Đến đây chắc
hẳn chúng ta biết sau khi chúng ta không còn ở cõi đời nầy thì
chúng ta sẽ đi về đâu!
-
Như có lần
chúng tôi nói, người chết, không phải trăm việc đều hết, chết
rồi thì mọi việc đều xong, mà người chết là nhục thân chết thôi,
chứ tâm thức không chết. Cái tâm thức đó vĩnh viễn không thể
chết, mà là theo chỗ tạo tác trong hiện tại:
-
- Làm thiện
thì thăng thiên hưởng phước, hoặc sinh trở lại làm người. Nếu
làm ác, thì đọa lạc trong ba đường chịu lấy khổ báo, tức là chết
đây rồi lại sinh kia, sinh rồi lại chết, sinh chết, chết sinh
xoay vần luân chuyển, không bao giờ dừng lại, đây gọi là luân
hồi sáu đường.
-
Đến đây chúng
ta mới thấy cái hiệu lực của báo ứng nhân quả. Nghĩa là thiện có
thiện báo, ác có ác báo. Chúng ta biết rằng sở dĩ chúng ta hiện
tại là con người rất có thể:
-
- Đời này làm
người, là đời trước do phước báo cõi trời hưởng hết nên đọa lạc
vào con đường làm người.
-
Hoặc là:
-
- Đời trước
chúng ta ở nơi nhân đạo sau khi chết, hợp với việc trở lại làm
người mà trở lại sinh làm người.
-
Hoặc là:
-
- Đời trước
chúng ta do khổ báo ba đường, ác chịu hết nghiệp ác rồi chuyển
sinh làm người.
-
So
với ba trường hợp để trở thành con người, chúng ta thấy, nếu
chúng ta từ cõi trời hết phước báo mà trở lại đời nầy, hoặc do
phước báo lúc làm con người từ đời kiếp trước mà trở lại làm
người thì tương đối chúng ta sẽ có phước tướng, giàu có sang
trọng. Nhưng nếu chúng ta là con người do từ ba đường dữ trở lại
thì cuộc đời sẽ còn đau khổ không ít. Tuy nhiên nếu biết được
đạo lý mà tu tập thì đó là chúng ta đã biết lựa chọn con Đường
chúng ta phải đi, trong tương lai sẽ tươi mát nhiều phước báo
hơn.
-
Con người, và
tâm thức sau khi chết, trở lại chuyển sinh cũng thường có vấn đề
này, nhất là theo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng. Tuy nhiên
vì là người phàm mắt thịt, chúng ta không thấy, nhưng nếu tu
hành, được khai ngộ, có thiên nhãn huệ nhãn, thì việc trong sáu
đường chúng ta có thể xem xét rất rõ ràng. Chúng ta là phàm phu
chỉ có nhục nhãn, chỉ có thể nhìn thấy việc của phàm phu và súc
sinh, còn thiên đạo, ngạ quỷ đạo và địa ngục đạo đương nhiên
không thấy.
-
Nói thì nói
vậy, thật sự không có gì là khó hiểu, nếu chịu khó suy xét về
nhân quả nghiệp báo thì chúng ta sẽ thấy. Như trong đời nầy việc
làm chúng ta hợp với thiên đạo, như thế đời sau, sau khi chết,
chúng ta sẽ sanh về cõi Trời hưởng phước. Nếu như đời này việc
làm hợp với nhân đạo, như thế đời sau tái sinh làm người. Các
đường khác cũng tương tự như vậy. Như thế nếu lựa chọn con đường
phải đi, thì chúng ta phải lựa chọn con đường dẫn chúng ta về:
-
- Cõi Trời
-
- Cõi Người
...
-
Một khi chúng
ta đã lựa chọn con đường đi về cõi Trời, cõi Người thì không ai
có thể cưỡng bách chúng ta phải đọa lạc vào địa ngục, đây là vấn
đề rất hiển nhiên. Nói một cách đơn giản tức là:
-
- Làm thiện
thì được phước, làm ác thì bị họa.
-
Nói tóm lại,
trong sáu đường thì đường Trời là tốt nhất; kế tới là A Tu La,
rồi đến con người, còn các đường khác đều là khổ. Chúng ta nhờ
dựa nơi lương tâm của một con người, làm nhiều việc thiện, thì
sau được báo ứng tốt sinh vào thiên đạo, chờ cho báo ứng xong
hết trở lại chuyển đến các đường khác, cũng như vậy có thể
chuyển sinh đến đường súc sinh. Nếu muốn thoát ly luân hồi sáu
đường mà riêng nhờ vào việc làm thiện thì không đủ, cho nên
chúng ta là người học phật, tu hành một cách chí thành, chuyên
nhất tinh tấn không biếng lười, không phô bày, không lơ là, mới
có thể ra khỏi luân hồi sáu đường. Nên nhớ rằng, không phải chỉ
nói qua loa chúng ta tu hành học Phật là xong, là chúng ta ra
khỏi luân hồi sáu đường, mà chúng ta phải dấn thân quyết chí tu
tập mới được.
-
Nếu chúng ta
biết rằng thế giới Ta Bà là biển khổ, đời người là khổ, khổ
nhiều vui ít, làm ác dễ làm thiện khó, cơ hội sanh về cõi Trời
hưởng phước thì ít, mà cơ hội rơi vào ba đường ác thì nhiều. Một
khi mất thân người rơi vào ba đường ác thì không phải là việc
giỡn chơi. Nếu chúng ta muốn thoát ly ra khỏi luân hồi của sáu
đường, thì chúng ta cần phải có định hướng, lựa chọn con đường
nào là Con Đường Phải Đi của chúng ta, biết được con đường mà
chúng ta phải đi thì cứ thế mà đi, không sớm thì muộn chắc chắn
chúng ta sẽ đến nơi mà chúng ta muốn đến.
--o0o--
|
|