|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
Hoa Nở Tâm Phật Hiện
Nguyên Hải
---o0o---
Như quý vị đã từng nghe bài kệ:
- Pháp âm vang vọng khắp nơi
Sơ sinh Phật hiện lòng người nở hoa
Ðạo vàng chan chứa gần xa
Xuân hòa bình đến mọi nhà yên vui.
Tâm bình thế giới bình, lời dạy của người xưa, quả thật
là như vậy. Một khi mà tâm con người thấm nhuần tư tưởng thanh
cao, thoát tục thì không những chỉ có trong lòng của chúng ta nở
hoa, mà cả thế giới cũng được an vui. Nhiều người cũng đã từng tự
hỏi:
- Làm thế nào để cho tâm của chúng ta bình?
Thật ra không khó, nếu chúng ta ngồi quán chiếu, tự nhiên sẽ
thông. Một cách đơn giản, và cụ thể hơn là hãy cứ coi tâm của
chúng ta như một đứa trẻ thơ. Như quý vị biết đã là trẻ thơ thì
không thể thấy xa hiểu rộng, nên người đời thường nói:
- Trẻ thơ là lớp tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Vì ăn chưa biết no, lo không thấu đáo nên thường gặp nhiều sai
trái lỗi lầm. Nếu đứa trẻ nầy sống với cha mẹ, là một trong những
nhà gương mẫu, đạo đức, mô phạm... thì người cha mẹ đó luôn luôn
muốn con mình lớn lên có đủ tư cách và phẩm hạnh tốt, học hành đổ
đạt, nên danh, nên phận...
Ðể đạt được mục đích nầy, cha mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để giáo
dục và kiểm soát những người con mình. Ðứa con nào học không giỏi
thì cha mẹ thúc đẩy cho nó học cho giỏi, đứa nào có những tánh hư
tật xấu, cha mẹ luôn luôn túc trực dạy dỗ khuyên bảo. Con trẻ chưa
đủ kinh nghiệm, chưa già dặn nên cha mẹ thường ngăn cấm không cho
làm bạn với những người bạn thiếu vững chãi, những đứa trẻ con
tinh nghịch, thiếu giáo dục. Tại vì cha mẹ biết chắc chơi với
những người như thế chắc chắn sẽ hư thân, mất nết.
Nếu có lúc những đứa trẻ trong một gia đình cha mẹ ly dị, những
đứa bé đó thiếu sự săn sóc của mẹ, thiếu sự hướng dẫn của cha,
thường có những hành động tai hại đến chính bản thân của đứa bé đó
như là:
- Chạy theo thời trang
- Rượu chè, cờ bạc
- Nghiện ngập...
Không những đã hư thân mà còn làm khổ đến người khác trong cộng
đồng xã hội. Cũng vậy, tâm của chúng ta không được săn sóc bởi
những người bạn hiền, và thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát và huấn
luyện bởi những bậc thầy giỏi, cuộc đời của chúng ta sẽ đau khổ vì
những ảnh hưởng xấu.
Phiền não, khổ đau, chướng ngại luôn lãng vãng gần kề đợi cơ hội
sẽ nhảy vào phá quấy. Nếu tâm của chúng ta không vững chãi bị các
phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi... xâm nhập, thì tâm của
chúng ta sẽ trở thành hư đốn, và sự hư đốn nầy được biểu hiện qua
hành động và lời nói.
Vì là tâm của chúng ta chẳng khác nào trẻ con, nên lúc đầu bị ép
vào khuôn khổ, có đứa trẻ đó nó sẽ tức giận. Có đứa nó sẽ khóc và
có những phản ứng chống lại. Nghĩa là lúc đầu, có thể chúng bướng
bỉnh, phá phách, ham chơi, nhưng dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, đứa
bé đó sẽ tuân phục, và từ từ đứa bé đó sẽ biết vâng lời cha mẹ
dạy. Chúng có thể được giáo huấn thích hợp để có thể trở thành đứa
trẻ tốt, và dần dần khi lớn lên, chúng sẽ hiểu biết tại sao người
lớn dạy chúng làm điều nầy điều kia. Chúng sẽ hiểu tại sao người
lớn không cho chúng thân cận với những người bạn xấu.
Tâm của chúng ta cũng vậy, nhiều khi được sự hướng dẫn của những
người bạn tốt, hoặc những bậc thầy khả kính chúng ta sẽ cảm thấy
khó chịu và không chấp nhận những điều giáo huấn đó. Tuy nhiên dần
dần tâm trở nên thuần thục, biết chấp nhận, có hiểu biết, sẽ thích
sống yên tĩnh, và không muốn phiền não chi phối. Tâm của chúng ta
càng ngày càng vững chãi và trở nên yên tịnh, thích đắm mình trong
trạng thái bình an. Sự bình an và tĩnh lặng là chứng tích được
biểu lộ của sự định tâm.
Có một anh Phật Tử có nói với chúng tôi như thế nầy:
- Mấy đứa con của con, lúc còn nhỏ khi tụi con dạy nó, nó cứ luôn
luôn cãi lại, nhiều khi cha con giận hờn không muốn nhìn mặt nhau,
và có lúc gần như con muốn từ cha mẹ, và cha mẹ cũng muốn từ con.
Nhưng nhờ ơn trên nên chuyện đó chưa xảy ra. Con của con học ra
trường và đi làm. Khi đi làm nó sống xa nhà, và lúc bấy giờ mới
thấy cuộc sống của gia đình là cần thiết, là quan trọng đối với
nó. Những lời con dạy cháu ngày xưa nay nó mới thấy thấm thía, vì
nó so sánh với những người khác, những người đó có thể là nhiều
tuổi hơn, nhưng không được hướng dẫn của cha mẹ nên có tư cách
không tương xứng với tuổi tác. Nên từ đó con của con nó mới bắt
đầu thương tụi con lắm.
Quả thật như vậy, khi người con va chạm với xã hội bên ngoài, nhận
được sự bạc đãi dửng dưng của xã hội bên ngoài, chúng sẽ bắt đầu
biết ơn sự săn sóc, sự kiểm soát của cha mẹ. Chúng có thể xem xét
những con người khác vì cha mẹ không nghiêm dạy nên đã có những
hành động thô tháo, vụng về, và ngay cả khi phạm pháp nữa là khác.
Lúc đó chúng sẽ biết đưọc ai tốt xấu trong khi chọn bạn. Càng lớn
và càng trưởng thành chúng sẽ khai triển thêm được những tính tốt
hơn nhờ ở sự giáo dục mà chúng đã hấp thụ được từ bé.
Vì đang dẫn dụ tâm của chúng ta chẳng khác nào như đứa bé, cho nên
nhân đây chúng tôi cũng xin gợi ý thêm là cho những ai đã làm cha mẹ
và những người sắp làm cha mẹ nên chú ý:
-
Ðiều quan trọng nhất là những bậc làm cha mẹ phải biết kiểm soát tâm
mình bằng sự định tâm, và thể hiện cụ thể bằng hành động thực tế để
hướng dẫn con cái. Những người làm cha mẹ, có một nếp sống mẫu mực,
vững chãi, và thảnh thơi, có tâm định cao, họ có thể phân biệt được
một cách rõ ràng các hành vi thiện ác, và có đủ bình tĩnh, sáng
suốt, sẽ có khả năng giáo dục, và hướng dẫn con cái đi theo đường
thiện. Ðiều đặc biệt và quan trọng nhất là họ có thể làm gương mẫu
cho con cái. Cha mẹ không kiểm soát tâm mình, có tư cách kém cõi,
thiếu đạo đức thì khó có thể giúp con cái phát triển thiện tâm và
trí tuệ.
Có
rất nhiều người chỉ lo săn sóc con cái về phần vật chất và học vấn.
Họ chỉ quan tâm đến việc học hành và việc sinh sống của con cái
trong xã hội nầy. Lẽ tất nhiên học vấn và kiến thức khoa học là cần
thiết, nhưng nếu chịu khó quán chiếu cho kỹ thì chúng ta sẽ thấy
điều quan trọng hàng đầu không phải là bằng cấp, hay kiến thức học
vấn ở trường mà là phải làm thế nào để cho con cái học cách kiểm
soát và phát triển thiện tâm chứ không phải chỉ lo cho con cái thành
công trong xã hội nầy không mà thôi.
Làm
sao để có được tuệ giác nầy?
Câu
trả lời chính xác là tâm định là nguyên nhân gần của sự phát sanh
tuệ giác như thế. Ðiều nầy rất quan trọng. Một khi tâm yên tịnh thì
trí tuệ có chỗ phát sinh, rồi từ đó chúng ta có thể thấy được bản
chất thật sự của thân và tâm. Nhờ trực giác phát sinh từ tâm tĩnh
lặng, chúng ta sẽ phân biệt được thế nào đúng sai, tốt xấu, và sự
tương quan nhân quả của tốt xấu. Từng bước, từng bước một vững chãi
trong sự thực tập chúng ta sẽ trực nhận ba đặc tính:
- Vô
thường,
-
Khổ
- Vô
ngã,
Và
cuối cùng tuệ giác do thực tập mỗi ngày sẽ hướng dẫn chúng ta tiến
đến chỗ chấm dứt khổ đau. Khi có được sự nhận thức nầy chúng ta sẽ
không bao giờ trở thành một người không lương thiện nữa dầu ở trong
hoàn cảnh nào.
Như vậy tính chất của tâm định là không tách rời, không
tán loạn, không phân tán, không chạy nhảy lung tung, nghĩa là tâm
luôn luôn chú ý vào vào đối tượng, và duy trì sự an tịnh ngay nơi
ấy. Khi thực tập chư tôn đức có nhắc nhở là có hai loại định tâm:
1-
Sát Na Ðịnh là loại tâm yên tịnh trên từng biến đổi một của mục
đích.
2-
Liên Tục Ðịnh là loại tâm luôn luôn hướng đến mục đích cố định.
Sự
định tâm thứ nhất là trụ tâm vào sự biến chuyển của đề mục. Sự định
tâm thứ hai có tính cách liên tục vì mục đích của tâm an định nầy là
trụ tâm vào đề mục không tán loạn. Ðịnh tâm liên tục sẽ đạt được
nhiều định tâm trên một mục đích duy nhất. Ðây là loại định tâm đạt
được trong khi miệt mài thực hành. Tâm của chúng ta phải đặt trên
chỉ một đối tượng và không một đối tượng nào khác. Người thực hành
thiền tịnh sẽ kinh nghiệm được điều nầy, đặc biệt là khi họ tiến vào
các cảnh giới xa hơn khi thực tập và hành pháp.
Sát Na Ðịnh đạt được trong khi quán chiếu. Mục đích của
quán chiếu là phát triển trí tuệ và hoàn tất các tiến trình của sự
hướng dẫn tâm. Sự quán chiếu đặt trên căn bản trí tuệ trực giác như:
- Trực giác phân biệt thân và tâm. Thân và tâm hay còn
gọi là danh sắc.
- Trực giác về vô thường
- Trực giác sự khổ não,
- Trực giác về vô ngã của hiện tượng thân và tâm...
Ðó là tuệ giác căn bản của trí tuệ nội quán. Ngoài ra còn
có những tuệ giác kế tiếp nữa mà chúng ta phải chứng nghiệm trước
khi đạt được thành tích của sự luyện tâm, lấy Niết Bàn hay sự chấm
dứt mọi khổ đau là đối tượng.
Trong khi quán chiếu, đối tượng để thực tập rất quan
trọng. Ðối tượng nầy là các hiện tượng của thân và tâm, hay còn gọi
là danh sắc. Khi thực tập, chúng ta quán sát trực tiếp các hiện
tượng nầy để thấy rõ bản chất của chúng mà không dựa vào sự suy nghĩ
hay tưởng tượng. Nói cách khác, khi thực tập, chúng ta quán sát theo
dõi nhiều đối tượng khác nhau với mục đích duy nhất là trực nhận bản
chất của chúng.
Trong khi quán chiếu, sát na định đóng một vai trò rất quan trọng.
Ðối tượng của quán chiếu sẽ sinh rồi diệt không ngừng, do đó Sát Na
Ðịnh cũng sinh ra từng thời điểm một với đối tượng quán chiếu.
Mặt
dầu sát na định có tính cách tạm thời nhưng nó có thể khởi sinh từ
thời điểm nầy sang thời điểm khác, hay từng sát na nầy sang sát na
khác mà không có sự gián đoạn bên trong. Nếu sát na định được khởi
sinh liên tục không gián đoạn thì nó cũng giống như Liên Tục Ðịnh,
trấn áp phiền não và tạo nên an lạc tĩnh lặng.
Nói
tóm lại khi chúng ta ngồi theo dõi hơi thở, quán sát những chuyển
động của thân và tâm, chúng ta tự dẫn tâm vào chánh niệm, vào tiến
trình thực tập nầy, lúc đó chúng ta đang ở trong giây phút hiện tại.
Trong giây phút của nỗ lực tinh tấn, chúng ta phát triển khả năng
chánh niệm bao hàm trong những hoạt động của tâm để quán sát đối
tượng. Tâm luôn luôn trụ vào đối tượng quán sát, chúng ta sẽ đắm
chìm vào đối tượng. Không những tâm an trụ hay xuyên thấu đối tượng,
không những tâm ở yên, tĩnh lặng trên đối tượng vào thời điểm đó, mà
định tâm nầy còn có năng lực gom tụ các tâm khác vào thời điểm ý
thức trên. Công năng của định tâm là gom tụ các tâm sở khác lại với
nhau. Nó giữ tất cả các tâm sở liên hệ thành môt nhóm để chúng khỏi
phân tán hay tách rời ra. Thế là tâm an trụ vững chãi sâu xa vào đối
tượng.
Thực
tập được như vậy, một sự an lạc mới đến với chúng ta phơi phới như
hoa nở trong tâm, thì lúc đó chính là lúc đức Phật sơ sinh xuất
hiện.
--o0o--
|
|