TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nguyên Nhân Sự Đổ Vỡ
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Theo quan niệm của Phật Giáo, trong thế giới hiện thực, cuộc sống lúc nào cũng bị chi phối bởi các yếu tố thành trụ hoại không. Khi có thành thì các yếu tố này dầu muốn hay không thì cũng đều được tồn tại một thời gian, gọi là trụ. Trụ một thời gian nào đó rồi cũng tàn tạ theo năm tháng, và tận cùng của sự tàn tạ thì đi đến chỗ hoại và không. Nói như vậy để cho chúng ta thấy, trong cuộc đời này những yếu tố thành tựu thì cũng có rất nhiều, và nguyên nhân tạo ra sự phân ly, đổ vỡ thì cũng không phải là ít. Tức là có thành, có trụ thì phải có hoại diệt. Nguyên nhân của sự đổ vỡ này hay còn gọi là ngòi nổ của sự đổ vỡ, hay là các yếu tố kích thích để tạo thành sự đổ vỡ, mà qua đó kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình của mỗi cá nhân là một cụ thể. Có thể nói vào những giây phút ban đầu, những cặp thanh niên nam nữ, khi mới gặp nhau họ thương nhau, và hy sinh cho nhau hết lòng. Cả hai tuồng như hiểu nhau rất nhiều, và ai cũng dệt mộng:
- Cùng nhau sống cho đến răng long tóc bạc.
Nhưng trên thực tế, khi chưa có một thỏa hiệp nào chung sống, nghĩa là lúc còn chưa thực sự sống chung với nhau thì trên lý thuyết cái gì cũng đẹp, đẹp như mộng như mơ. Nhưng khi đã cùng nhau chung sống rồi thì mới đối diện với thực tế:
- Có những cái đẹp cũng có sự thương mến nhau, mà có cái dở, cái tệ cũng tạo ra sự bực mình khó chịu cho nhau.
Như vậy chúng ta phải tìm hiểu động cơ nào khi có những sự tốt đẹp thì thương mến nhau, hoặc khi có những điều xấu, không vừa ý thì tạo sự khó chịu cho nhau. Căn cứ vào yếu tố nào để chúng ta quy định là đẹp hay không đẹp, vừa lòng hay không vừa lòng. Đức Phật bảo rằng đó là vì do:
- Cái Ta ngự trị.
Vì là cái Ta nó ngự trong tâm hồn cho nên trong thâm tâm, kể cả biểu lộ ra ngoài với thái độ:
           - Này là ý của ta, nhà của Ta, người thân của Ta ...
           Vì trong tâm tư lúc nào cũng bị cái Ta ngự trị cho nên khổ, ngược lại với của Ta, với khổ là vô ngã, là hạnh phúc:
           - Do không có gì là của Ta, vì thế mà không lo lắng nhiều cho nên hạnh phúc và an lạc.
           Như vậy muốn luôn luôn là một người an lạc và hạnh phúc, trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ chúng ta nên thường xuyên tự hỏi:
- Chúng ta phải sống như thế nào cho đẹp, phải làm như thế nào để có một cuộc sống ý nghĩa?
Một cuộc sống được coi là dẹp, và có ý nghĩa là cuộc sống không bị cái Ta can thiệp vào, hay là chúng ta có thể làm chủ được cái Ta. Xét cho kỹ sự sống có mặt chúng ta trên cõi đời này là vì cái Ta chớ không có gì khác. Đương nhiên yếu tố đầu tiên mà chúng ta đến cõi đời này không loại bỏ yếu tố nghiệp, nhưng mà khi vào sống trong cuộc đời này cái Ta nó can thiệp rất nhiều. Bởi vì ngay từ thuở ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra, tức là do lòng tham ái chấp ngã, cho nên chúng ta mới có mặt ở đây. Nếu không có Ngã thì chúng ta đã vào vô sinh, mà vô sanh là không còn sanh nữa, tức là chúng ta đã niết bàn, vô diệt. Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, không còn Ngã nữa, thì chắc chắn cái ngã đó phải đi tìm, phải thay thế một cái ngã nào khác vào, dòng sinh tử do vậy mà cứ tiếp nối không dừng nghỉ. Và cái gọi là cuộc sống cũng bắt đầu từ đó. Cho nên, trừ những bậc Bồ Tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này cũng đều mang theo một cái tình chấp ngã, luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Vì tình chấp ngã quá nặng cho nên trở thành vô minh, và cái gọi là vô minh cùng chúng sinh luôn luôn lúc nào cũng không tách rời, cho nên gọi câu sinh vô minh. Tức là mọi người đến đây là vì cái Ngã, vì cho bản thân, bà con dòng họ của mình. Rồi cùng nhau chung đụng trong cuộc sống. Phải chung đụng như vậy, phải làm khổ với nhau như vậy thì mới gọi là thế gian, cuộc đời, và xã hội.
Để nhận xét về cái ta đúng nghĩa, mỗi người chúng ta hãy chín chắn chiêm nghiệm cho kỹ lại mọi thứ như là:
- Buồn vui,
- Mừng giận,
- Thương ghét,
- Hơn thua.
Tất cả những cái này từ đâu mà có. Lẽ tất nhiên tìm hiểu đương nhiên chúng ta sẽ có câu trả lời. Bởi vì bất cứ một câu hỏi nào cũng phải có câu trả lời đúng hay sai, chính xác hay không chính xác, nhưng mà điều chắc chắn chúng ta biết câu trả lời. Chẳng hạn như nói là:
- Buồn là vì cái ta không được như ý, hay là bản thân mình với người kia mới gây một trận cho nên buồn.
- Vui là vì cái ta của ta được thỏa mãn.
- Thương là vì những người kia thuận với ta nên ta thương,
- Ghét bởi vì nghịch với ta nên ta ghét ...
Rõ ràng là như thế. Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này. Chính vì thế mà có người cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hao không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu, kể cả nếu cần chém giết nhau để thủ lợi, cũng vì cái ta này thôi. Không có nó thì chắc chắn chúng ta không cần phải giành giật, chiếm hữu, thủ lợi ...
Một khi mà còn có bản ngã, thì trong tâm tư còn luôn luôn nghĩ tới:
- Này là con của tôi,
- Này là cháu của tôi,
- Này là gia đình của tôi,
- Này là của tôi ...
Vì thế cho nên tất cả những gì cũng đều tập trung về cho con tôi, cháu của tôi và gia đình tôi ... Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti ..v.v.. cũng từ gốc tại cái ta thôi. Lý do đơn giản, một khi mà:
- Tự ái là vì bị chạm đến cái ta, chẳng hạn như mình người học cao, mà bị người kia chê mình quá dở, người coi thường mình tức là mình bị chạm tự ái.
- Tự trọng là tự mình nâng cái ta lên thôi.
Nếu không có tự ngã thì chúng ta không có giành giựt. Điều này cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời. Thông thường chúng ta hay đổ lỗi:
- Cho người,
- Cho anh em, đạo bạn,
- Cho hoàn cảnh ...
Đây là hành động trốn trách nhiệm, bảo bọc cái ta này quá kỹ. Cho nên mỗi người hãy tự xét lại, khi chúng ta buồn trách ai, thì phải hiểu là tại vì ai mà có  buồn trách. Thông thường ai cũng nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác mà quên điểm chính là tại vì cái ta này bị đụng chạm. Cho nên chúng ta chỉ lo trách người mà quên trách cái ta này. Cũng chính vì vậy mà chư Phật chư Bồ Tát, chư Tôn Đức luôn luôn nhắc nhở:
- Cái ta nguy hiểm, cái ta đáng ghét.
Nói về cái ta đáng ghét, và nguy hiểm, trong Kinh Bách Dụ có câu chuyện:
- Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, cứ mỗi tối ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai người đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói:
- Không phải là Ta chán ghét ngươi, mà chính là ngươi chán ghét Ta.
Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo. Hôm nọ, một người có việc đi ra ngoài, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãy chân lão sư, chân mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãy chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết.
Đọc xong câu chuyện này ai cũng tức giùm cho ông Đồ vì lỡ có hai thằng đệ tử ngu ơi là ngu! Nhưng coi chừng, ông đồ là dụ cho đức Phật, hai thằng cu nọ thật ra không ai xa lạ, mà chính là tôi và quý vị đấy. Phật pháp có vô lượng pháp môn để tùy cơ đáp ứng với chúng sanh, để cho chúng sanh tu học bỏ bớt những tánh ích kỷ, tham lam tật đố. Nếu chúng ta không tu học, không chịu thương mến lẫn nhau mà chỉ hành động theo sở thích, theo định kiến của riêng mình mà tôi hay quý vị, tận lực đả kích, đập nhau cho bằng được những gì mà người khác làm, thì chúng ta chính là hai thằng cu trên đây. Có lẽ vì thế mà trong bốn hoằng thệ nguyện là kim chỉ nam nhắc nhở chúng ta:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành!
Thực tế cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến tình trạng ông Đồ gãy cả hai chân! Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra. Rõ ràng cho thấy cái ta rất là nguy hiểm. Là người học Phật, đã thấy được nguyên nhân của sự đổ vỡ, cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra. Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống, rộng lớn, Phật gọi đó là sống trong vô minh. Nay đã có ánh sáng Phật pháp soi đến, cho nên chúng ta phải ráng hành trì. Tuy nhiên hành trì có nhiều cách, nhiều phương tiện, gồm cả tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng căn bản là làm thế nào để cho dứt sạch hết tình chấp ngã là xong:
- Nhân vô ngã, pháp vô ngã.
Nắm được mấu chốt này mà hạ thủ công phu chính xác thì tự nhiên hóa giải tất cả. Kinh Kim Cang nói:
- Thông đạt pháp môn ngã, thì gọi là Bồ Tát.
Nói như thế tức đã là Bồ Tát thì phải vượt qua vô ngã. Bởi vì, nếu mang cái ta này mà tu hành, thì chắc chắn không thể giải thoát, mà đã không giải thoát thì vẫn còn sanh trở lại theo nó thôi. Dù cho là ai, tu hành cao nhưng còn mang cái ta trong đó, thì cũng phải mang nó theo lên các cõi trời sống hàng vạn năm, đến hết phước, hết sức định, cũng rớt trở lại trong ba đường sáu nẻo luân hồi.
Thấy được nguyên nhân của sự đổ vỡ, của sự nguy hiểm, cho nên chúng ta phải thực tập quên cái ta này, giã từ cái tình chấp ngã đã cấu kết lâu đời, mới thực sự diệt trừ vô minh. Vì khi vô minh còn đó hay đã chết rồi sống dậy thì chúng ta cứ thấy ta hơn người, ta hiểu biết hơn người khác, cái gì cũng ta và Ta. Đó là con đường đang đưa mình đi trong con đường vô minh. Tức là vọng chấp thân bảy đại này và tâm duyên theo sáu trần là của ta, đó là vô minh. Bởi nó không phải thật ta mà chấp là ta. Chính đó là nguồn gốc của sự đổ vỡ, của sanh tử. Chừng nào còn bóng dáng cái ta, là còn đi trong luân hồi không thể nào tránh khỏi.
Đã thấy rõ cái nguy hiểm của tình chấp ngã như thế rồi, là người phật tử chúng ta phải thấy đó là chỗ chướng đạo, là che mờ chân lý. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có câu chuyện:
- Lúc Đức Phật khi còn tu Bồ Tát hạnh, làm một vị Tiên ở trong núi sâu, trọn ngày hành đạo, muốn cầu Kinh điển Đại Thừa mà không nghe biết ở đâu có. Hôm đó vị Tiên đang ngồi thiền, tư duy trong hang núi, cảm đến trời Đế thích hiện xuống hóa làm quỷ la sát tới bên hang dùng tiếng trong trẻo đọc nữa bài kệ:
- Chư Hành vô thường,
Thị sinh diệt pháp.
Nghĩa là:
- Các hành vô thường,
Là pháp sinh diệt.
Vị tiên nghe được liền xuống giường thiền đi ra ngoài nhìn khắp nơi xem ai đọc nữa bài kệ đó, thì thấy một người hình dáng ghê sợ, đầu tóc rối bùm mặt xanh như chàm, răng nanh lòi ra, thân to, bụng đói teo nhỏ. Vị Tiên bèn hỏi:
- Có phải ông đọc hai câu kệ vừa rồi chăng?
La sát đáp:
- Phải, chính tôi đọc đó.
Vị Tiên nói:
- Xin ông đọc tiếp hai câu cuối, tôi sẽ đền ơn cho.
La sát nói:
- Bụng tôi đang đói mấy ngày, không còn sức để đọc tiếp.
Vị Tiên hỏi:
- Thức ăn của ông là gì?
La sát nói:
           - Tôi ăn bằng thịt của người và uống máu nóng, nếu ông có thể xả thân cho tôi ăn tôi sẽ nói cho.
Vị tiên nghĩ:
- Nếu mình xả thân cho y ăn thì lấy gì nghe pháp?
Bèn nghĩ ra một cách, xin La sát hãy viết nữa bài kệ lên đá, ngài ở trên cao nhìn xuống, đồng thời gieo thân cho ăn.
Như thế La Sát viết hai câu:
- Sinh diệt diệt dĩ
  Tịch diệt vi lạc.
Nghĩa là:
- Sinh diệt diệt rồi,
  Tịch diệt là vui.
Vị tiên nhảy xuống, La Sát đỡ lấy thân vị tiên nhơn và hiện lại nguyên hình là trời Đế Thích, đồng thời tán thán:
- Lành thay! Ngài sẽ thành vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, xin chớ quên độ tôi.
Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy được một ý nghĩa rất sâu. Bởi vì, muốn nghe đến chỗ sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui, tức là chỗ vui của sự lặng lẽ không sanh không diệt kia, thì phải dám buông cái ta sinh diệt này! Nếu cứ bám chặt vào cái ta sinh diệt này, làm sao nghe đến chỗ:
- Tịch diệt là vui ấy được!
Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức phải luôn luôn soi sáng lại mình để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở, đừng để cho cái ta của chúng ta len lõi vào và sống dậy. Phải khám phá cái ta của chính chúng ta, đừng để những lý do, những bóng tối cho nó ẩn núp. Không nên hết lo chiếu người này, chiếu người nọ mà quên chiếu soi lại mình, như vậy thì chúng ta cứ chỉ thấy lỗi người mà không bao giờ thấy lỗi mình. Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái ta mà ra. Vì thế thường nhìn lại chính mình để giải tỏa những u ẩn trong tâm hồn, thì cho dù là sống ở đâu, xa xôi bao nhiêu vạn dặm chúng ta vẫn thấy gần nhau. Trái lại, tuy là sống gần bên nhau mà không biết nhìn lại chính mình, quên sự có mặt của nhau, là mỗi người đang sống với một cái ta riêng trong đầu, là vì cái ta che ngăn cho nên tuy là cùng chung sống trong một mái ấm gia đình, nhưng một người đang nghĩ Đông, một người đang nghĩ Tây, hai người nằm cạnh nhau nhưng không nhìn thấy nhau là vì vậy. Không có ta thì lấy gì chia cách lấy gì mà không thông cảm, không hiểu nhau!
Nhận thấy sự nguy hiểm cái ta cho nên người học đạo phải thường soi lại mình, để thấy rõ cái Ta mê lầm của mình mà giải trừ. Có soi lại mình mới thấy rõ chính mình, mới khám phá những điều mình còn dở, còn xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu ngã mạn.
Nhiều người chỉ lo chiếu soi nơi người khác, hay vì lòng lòng thù hận do nội kết lâu dài, hay hiểu biết, hoặc kể cả hành vi chìu chuộng dễ thương trên chữ nghĩa bên ngoài, nhưng thiếu công phu thực tế bên trong, cho nên tướng ngã nó hiện ra. Lộ bày khoảng hở, chỗ thiếu sót công phu tự tỉnh của mình, thì tự thân phải biết hổ thẹn! Hổ thẹn là cách nhắc nhở chúng ta phải xoay lại nơi mình để thấy rõ từng chiếc lá trong tâm niệm không sót, đó mới là công phu thiết thực, không phải nói lý suông. Cho nên người phật tử chúng ta phải luôn luôn hành trì:
- Cửa giới,
- Cửa định,
- Cửa tuệ,
Chúng ta cần phải phán quán nơi mình. Kể cả những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi. Biết được tánh này là điều cần phải thực tập. Bởi vì ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi. Điều này muốn nhấn mạnh phải quán xét trở lại nơi mình, nhận rõ lẽ thật đang sống đây, cái gì là tâm tánh chính mình. Thấu được chỗ này, không lầm với cái ta này, thì tình chấp sẽ nhẹ dần.
Trong chiều hướng này, để tôi luyện cho hàng môn đệ trở thành người hữu dụng, cho nên dù chỉ một chút sanh tâm phân biệt, hay sự khó chịu chỉ một thoáng trên nét mặt, còn bị các bậc tổ đức quở rầy, thì huống gì là giận hờn, phiền não ôm ấp trong lòng thì càng bị Tình Chấp Ngã che đậy, khó sáng được đạo thì chư tôn đức rầy la khiển trách là chuyện bình thường.
Người tu hành là nhắm đến con đường giải thoát khổ đau. Tình chấp ngã là nguyên nhân của sự đổ vỡ, là đầu mối của mọi thứ phiền não đau khổ trên thế gian này, cho nên người biết tu, khéo tu không thể nào nuôi dưỡng nó. Chính vì lẽ đó mà từ xưa đến nay, chư tôn đức hướng dẫn hàng môn đệ, bất cứ là ai đi vào đạo Phật cũng đều phải đi qua cửa Vô Ngã. Qua ít thì bớt khổ ít, qua nhiều thì bớt khổ nhiều, qua trọn vẹn thì dứt khổ, từ đó Niết Bàn an vui tự có, không thể lẫn tránh chỗ nào khác. Người tu mà ôm ấp bản ngã nặng, cố chấp không buông là trái với con đường mình đi, là quay lưng với ánh sáng giác ngộ.
Nói tóm lại, nguyên nhân tạo sự đổ vỡ thì rất nhiều, nhưng quan trọng hơn cả là do cái Ta quá lớn, và tình chấp quá nặng nề, cho nên là chồng là vợ là anh chị em huynh đệ đạo bạn khó có thể sống hài hòa thương mến lẫn nhau. Muốn sống thuận thảo nhau trong tình cha con hoặc mẹ con, chồng vợ, anh em, đạo bạn chúng ta mỗi người ai cũng phải lo dẹp đi cái ngã và tình chấp nặng nề để có thể:
- Không giận người, không hờn mình...
Trong chiều hướng này, trước khi kết thúc bài pháp hôm nay xin kể cho đại chúng câu chuyện:
Xưa Bồ Tát Đề Bà để lại tấm gương vô ngã sáng ngời. Khi ngài cảm hóa một vị quốc vương vốn tin theo ngoại đạo rồi lại dùng tài biện luận thắng các ngoại đạo, trong vòng ba tháng đã độ hơn một trăm vạn người. Trong số các đệ tử ngoại đạo, có một người căm hận bởi thầy mình bị thua bèn thề:
- Người đã dùng miệng mà thắng phục Thầy ta, ta phải dùng dao thắng phục ngươi, ngươi dùng dao không làm khổ Thầy ta, ta sẽ dùng dao thực làm khốn ngươi.
Thế là từ đó hắn ta liền rình theo Ngài. Một hôm Ngài Đề Bà đi một mình trong rừng vắng, gã ấy xách dao đến bảo:
- Ngươi dùng miệng phá đổ thầy ta, sao bằng ta dùng dao thật phá vỡ bụng ngươi!
Y bèn mổ bụng Ngài.
Ngài Đề Bà tuy bị mổ bụng, ruột lòi ra ngoài mà chưa chết, vẫn thương xót kẻ ngu si kia bảo:
- Tôi có y bát để ở đằng kia, ngươi có thể đến đó lấy, rồi hãy lên núi gấp, đừng đi bằng đường bằng. Những đệ tử của tôi chưa chứng được pháp nhẫn họ sẽ bắt ngươi, ngươi có thể bị bắt giải đến quan.
Khi các đệ tử hay tin chạy vội đến hiện trường, có những vị chưa được pháp nhẫn bèn gào khóc, chạy lên núi đuổi bắt hung thủ. Ngài Đề Bà nhân cơ duyên ấy khai thị cho các đệ tử rằng:
- Lý thực của các pháp, chính là ở chỗ không có người thọ, không có người hại. Thân ai, oán ai, giết ai, hại ai? Kẻ bị si độc lừa dối, mê lầm này xin chấp trước mà gào khóc, trồng căn bất thiện. Người bị kẻ kia hại, lại ở nghiệp báo, không phải hại ta. Các ngươi phải xét thận trọng, đừng đem cái Cuồng đuổi theo cái Cuồng, đem cái thương buồn cho cái thương.
Dặn dò xong, Ngài nằm xuống thị tịch.
Trong câu chuyện này, chúng ta thấy Ngài Đề Bà tuy bị ngoại đạo mổ bụng, nhưng vẫn thương xót kẻ kia không sanh tâm thù hận, kết oán, vì quên cái Ta này. Trong khi đó, trong cuộc sống gia đình là chồng vợ là người đã từng thề non hẹn biển, đã từng hứa hẹn cùng sánh vai đi giữa đường đời, chỉ vì một giây phút mê lầm nào đó cũng có thể gây gỗ, chia tay. Hoặc giả, các huynh đệ cùng một thầy, sống chung với nhau hằng ngày, lại vì một chút bất đồng ý kiến, vì một chút hơn kém nhau, một chút không chìu chuộng cái ta, đành xem nhau như  kẻ nghịch. Lúc đó lương tâm con người ở đâu, đạo tâm để ở chỗ nào? Phải xét kỹ lại chỗ này, giải tỏa ngay. Bởi vậy, Kinh Kim Cang bảo là phải quét sạch hết tâm ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai diệt trừ cho tận cùng bốn tướng:
- Tướng Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả,
Làm cho mất dấu vết cái ta này, mới thật sự thể nhập thật tướng Bát Nhã, sống trong Vô thượng Bồ Đề.
Mong rằng mỗi người chúng ta phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ tường tận mọi bóng dáng cái Ta, chính là nguyên nhân của sự đổ vỡ lộ ra mà cảnh tỉnh tự thân. Quyết không để nó làm mờ đi ánh sáng chánh giác. Đó là đường tiến tu chân thật.
--o0o--