TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cái Nhìn Nhất Quán
Tâm Như
--o0o--
 
Nói đến cái nhìn nhất quán, là chúng ta liên tưởng đến Kinh Bốn Lãnh Vực. Khi chúng ta thực hành theo kinh bốn lĩnh vực quán niệm, chúng ta phải thực hành với tinh thần của một con người thời đại mới. Khi có một nhận xét và có khuynh hướng như vậy thì chúng ta mới có thể cảm nhận được những nguyên tắc căn bản và những nguyên tắc đó có thể giúp chúng ta thực hành hữu hiệu hơn.
Trong bốn lãnh vực quán niệm, tuy nhiên với tinh thần cái nhìn nhất quán cho nên chúng tôi chỉ xin được giới hạn trong phạm vi quán niệm về thân. Từ nhiều tháng qua, khi quí vị về chùa dự những khóa tu, dự những ngày quán niệm, và có những giây phút thảnh thơi thoải mái trong lúc thực tập. Nguyên tắc ngồi thiền căn bản cho những chúng mới sơ cơ học đạo đó là thực tập trở về với hơi thở. Nguyên tắc thực tập trở về với hơi thở có ba giai đoạn:
1-   Đếm Hơi Thở:
Giai đoạn đầu tiên là đếm hơi thở. Có hai cách đếm nhanh và đếm chậm.
- Đếm Chậm:
Nếu là đếm chậm, bắt đầu từ từ thở vào thật nhẹ, thật đều thật chậm đếm một, và thở ra thật nhẹ, thật đều thật chậm đếm một. Cứ như thế mà đếm từ một cho đến mười ... Rồi từ mười đếm lui lại chín, tám, bảy ... cho đến một, và cứ thế mà tiếp đếm cho hết khoảng thời gian ấn định thực hành thiền tọa là bao lâu.
- Đếm Nhanh:
Nếu là đếm nhanh, khi từ từ thở vào thật nhẹ thật đều thật chậm, đếm một; và thở ra thật nhẹ thật đều thật chậm; đếm hai. Cứ như thế mà đếm từ một cho đến mười. Rồi từ từ thở vào thật nhẹ thật đều thật chậm đếm chín, và thở ra thật nhẹ thật đều thật chậm đếm tám, bảy ... cho đến một. Cứ như thế mà thực hành cho hết khoảng thời gian ấn định.
2-   Theo Dõi Hơi Thở:
Là giai đoạn tùy tức, nghĩa là chúng ta theo dõi hơi thở, thở tới đâu chúng ta ta biết là mình đang thở tới đó. Do vì bình thường chúng ta không để ý đến hơi thở của mình, nên khi hít không khí vào thường là chỉ hít tới cuống phổi là đã thở ra rồi. Vì thế không khí trong buồng phổi của chúng ta bị thiếu đi, mà càng thiếu không khí thì hơi thở trong buồng phổi càng cạn kiệt đi. Đó là lý do tại sao khi về già chúng ta thường cảm thấy hơi thở ngắn, và khó chịu.
3-   Tỉnh Thức:
Giai đoạn ba là giai đoạn tỉnh thức, tức là chúng ta làm cái gì chúng ta biết cái đó, đó là cách quán chiếu về hơi thở.
Trong pháp niệm thân chúng ta thấy không những chỉ theo dõi, chỉ đếm, chỉ biết hơi thở của chúng ta không mà thôi, mà chúng ta còn phải biết tất cả những tư thế của thân thể chúng ta. Ví dụ có nhiều khi ngồi mà đầu nghiêng về một bên, nhưng chúng ta không hề biết rằng mình đang ngồi trong tư thế đầu nghiêng về một bên. Lâu ngày trong tình trạng này thành cái tật và đầu lúc nào cũng niểng về một bên. Cho nên khi thực tập về những tư thế của thân thể, có nghĩa là chúng ta đang ở tư thế nào thì chúng ta biết rằng mình đang ở trong tư thế đó. Chẳng hạn như ngồi, thì chúng ta biết rằng mình phải ngồi như thế nào, khi nằm thì chúng ta phải nằm theo cách nào, và tương tự tất cả những động tác của thân thể cũng như vậy. Theo sự thực tập tại Chùa Dược Sư, vì là chúng đương cơ cho nên không thể một lúc mà có thể ngồi hằng giờ, cho nên cứ mỗi mười phút là đứng dậy thực tập thiền đi. Có nhiều người ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao Thầy cho ngồi thiền rồi lại cho đi thiền.
Thật ra nói về thiền, không phải chỉ có ngồi mới gọi là thiền mà là thiền trong tất cả các động tác như:
- Đi, đứng, nằm, ngồi, kể cả trong những lúc nấu cơm, giặt quần áo, quét sân ... Tất cả cũng đều được coi là thiền. Tuy là Thiền trong tất cả mọi tư thế, trong mọi động tác và có thể thực hành bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Nhưng có thể thâu gọn trong bốn oai nghi:
- Đi, đứng, nằm, ngồi ..
Cũng trong Pháp Niệm Thân, chúng ta cũng cần phải biết cả những bộ phận trong cơ thể của mình, vì có nhiều khi chúng ta nói là đau bụng, nhưng thực ra trong bụng có rất nhiều thứ, chẳng hạn như:
- Tim, gan, lá lách, bàng quang ...
Chúng ta phải biết gan nằm ở chỗ nào, bao tử nằm ở đâu, lá lách nằm chỗ nào... Ở đây, người phật tử tu tập, chúng ta không chỉ biết đến hơi thở mà còn biết hết các bộ phận và vị trí trong cơ thể để có thể biết được đau chỗ nào là đau bao tử, chỗ nào là đau gan, đau chỗ nào là ruột non, đau chỗ nào là đau ruột già ... Là người thực tập thiền quán, tất cả những bộ phận trong cơ thể chúng ta cần phải biết để quán chiếu, để điều trị. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải biết tất cả những yếu tố cấu tạo nên cơ thể:
- Đất đại,
- Nước đại,
- Gió đại,
- Lửa đại,
- Không đại,
- Kiến đại,
- Thức đại.
Chúng ta cần phải biết tất cả những gì đã cấu tạo nên cơ thể, và còn phải biết thêm sự tăng trưởng và sự tàn hoại của thân thể. Chính vì thế mà khi một con người được sinh ra trong thế giới này, từ một em bé sơ sinh, rồi đến mấy mươi năm sau chúng ta trưởng thành và già đi. Trong khoảng thời gian nào là thời gian phát triển, thời gian nào là thời gian tàn hoại. Tất cả các khoảng thời gian đó chúng ta cũng đều phải biết rõ ràng về thân thể của chúng ta. Vì nếu không quán chiếu như vậy thì chúng ta sẽ không thấy những sự biến chuyển trong cơ thể, để rồi khi bị đau bụng lại cứ tưởng là bị đau chân, đau chỗ này lại tưởng là đau chỗ khác. Lối quán chiếu này giúp chúng ta có cái nhìn nhất quán, nhận thức rõ ràng, rành mạch và tường tận, bản chất thật sự của bản thân chúng ta nói riêng, và bản chất thật sự của vũ trụ của vạn hữu nói chung. Khi biết rõ như vậy, chúng ta sẽ thấy con người của chúng ta là tiểu vũ trụ và thế giới bên ngoài là đại vũ trụ.
Chính vì vậy mà mỗi khi thời tiết bên ngoài chuyển đổi, thì bên trong cơ thể của chúng ta cũng chuyển, cũng thay đổi theo. Đó là sự thật, mà qua đó khi mùa xuân tới thì trong lòng của chúng ta cũng cảm thấy như có điều gì đó rất mới mẻ, đẹp đẽ, khác thường, trưởng thành. Rồi khi mùa đông về thì cảm thấy như có một cái gì đó mất mát, lạnh lẽo, cô đơn ... Khi nhận thức và có cái nhìn nhất quán như thế thì chúng ta thấy hết sức rõ ràng. Và theo tinh thần nhất quán này, chúng ta biết được tận nguồn gốc của nó từ một nguyên tố lớn cho đến một nguyên tử phân tử nhỏ nhất, chúng ta cũng biết được tất cả những phần cơ bản cuối cùng của nó.
Với công trình nhận xét một cách tỉ mỉ tự bản thân có thể giúp chúng ta thấu rõ và thấy được nguyên lý vô thường. Vì khi nói đến vô thường, ai cũng có thể nói được hai từ vô thường, nhưng nhận thức được vô thường để áp dụng trong cơ thể của mỗi cá nhân là một điều rất khó. Có những khi chúng ta không thấy được cái vô thường thay đổi, biến chuyển cho nên chúng ta không chấp nhận được sự lớn lên, trưởng thành và già nua của mình. Vì thế, có những người dù đã già nhưng vẫn không chịu là mình già, dù bây giờ mình đã sáu bảy mươi tuổi nhưng vẫn nghĩ là mình giống như sáu bảy mươi năm về trước. Hai điều này hoàn toàn khác nhau, chỉ vì chúng ta không chấp nhận sự thay đổi. Khi thấy được rõ ràng về sự vận hành của vô thường, thì thân này chỉ là một tiến trình luôn luôn biến đổi và trong đó không có một thực thể cố định, không có một đơn vị nào vững bền và thường còn trong thân thể của chúng ta.
Lối quán chiếu này khá đặc biệt và hết sức quan trọng và nó bao hàm luôn cả hai phương cách:
- Nhìn sự vật một cách khách quan.
- Thấy sự vật là sự vật một cách rõ ràng.
Ngược lại với cái nhìn khách quan là theo quan kiến chủ quan. Theo quan kiến chủ quan chúng ta sẽ không bao giờ thấy được sự biến đổi vi diệu của mọi sự mọi vật. Khi nói tới chủ quan và khách quan thì chúng ta phải nên tìm hiểu xem chủ quan là như thế nào, và khách quan là như thế nào.
a- Chủ Quan:
Khi đề cập đến vấn đề chủ quan, chúng ta nên nhìn hay đánh giá một sự kiện nào, phần lớn đều căn cứ vào những sự hiểu biết của mình để mà đánh giá. Vì thế sự đánh giá của chúng ta có nhiều khi không chính xác, lý do ở chỗ trong tâm thức ai cũng có sự hiểu biết, nhưng sự hiểu của một người chưa có tu học khác với sự hiểu biết của một người có tu học.
Người có tu học, họ không cố chấp, không có cái nhìn thiên kiến, tức là không bao giờ có lối kết luận mà không cần biết lý do. Phải thật sự biết cái nào đúng, điều gì sai. Khi nhìn sự kiện nào đó thì đối với người có tu học cũng có cái tâm tổng quát, không có sự sân hận, không có si mê, không có một cái ô nhiễm nào ở trong tâm của chúng ta. Cũng không bao giờ nhìn sơ sơ là kết luận.
Trong khi đối với những người chưa có sự tu học thì thấy đâu nói đó chứ không cần tìm hiểu, không cần biết nguyên nhân rõ ràng của nó. Cho nên với cái nhìn chủ quan của những người không có tu học chúng ta thường đánh giá theo khuynh hướng của những nhiễm ô tiềm tàng ngủ ngầm trong tâm, vì vậy khi có một quyết định gì thì quyết định đó cũng không chính xác. Và nếu như có những phê phán thì sự phê phán đó cũng không chính xác là do bởi tất cả những mầm mống bất thiện ngủ ngầm trong tâm thức của chúng ta. Có nhiều khi nghĩ rằng chúng ta biết một cách rõ ràng, nhưng chính cái biết đó bị những ái dục, tà kiến, vô minh, sân hận, hoài nghi, cống cao ngã mạn của chính mình lừa dối, cho nên chúng ta không thấy được sự vật một cách chính xác, và rồi chúng ta có một cái nhìn một cách vội vã và cuối cùng đưa tới một hậu quả không tốt đẹp.
Như vừa trình bày với quí vị, những bợn dơ của ái dục luôn luôn ngủ ngầm trong tâm thức thì có rất nhiều, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nói về:
- Ái dục,
- Tà kiến,
- Vô minh,
- Sân hận,
- Hoài nghi,
- Bất định,
- Ngã mạn.
Bởi vì tất cả những yếu tố này là yếu tố chính, vì nó chi phối tất cả những sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta. Như quí vị thấy lúc nào trong tâm tư của chúng ta cũng có mối hoài nghi rất lớn, do vậy mà làm một chuyện gì đó, hay thấy những người bạn của mình làm một chuyện gì đó không bao giờ chúng ta tin tưởng hoàn toàn mà luôn có sự nghi ngờ. Đó là chưa nói tới việc một khi mà sân hận nó nổi lên lúc đó chúng ta bất chấp hậu quả, cứ làm cho bằng thích những gì mà chúng ta cần làm cái đã. Hậu quả xảy ra cho chúng ta dù là có lợi hay không có lợi cũng thế, nghĩa là cứ trút sự sân hận cho bằng thích rồi từ từ tính sau.
Đối với tất cả những loại bợn nhơ như thế này, là một người tu tập khi thực tập thiền quán và đạt được một trạng thái an tịnh trong tâm hồn, thì dù là chưa tận diệt tất cả những ô nhiễm tiềm tàng trong tâm thức, và tuy chưa được đạo quả Giác Ngộ, nhưng nhờ vào khả năng tu tập, chúng ta có thể làm cho yếu tố ô nhiễm đó tạm thời ngủ yên trong tâm thức. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng chúng ta không có sân hận là đã dứt hết sân hận, mà phải hiểu đó là trạng thái ngủ ngầm, chỉ cần đụng một cái là bừng bừng nổi dậy ngay. Cho nên là người có tu học, chúng ta cũng nên tự mừng khi bị người ta chửi mà vẫn để yên cho người ta chửi không có phản ứng, bởi vì chúng ta biết mình khá. Khi gặp một hoàn cảnh khó nhưng vẫn chịu được và chấp nhận hoàn cảnh đó là chúng ta đã giỏi. Còn bây giờ chỉ cần người ta đụng tới một chút là đã bừng bừng nổi giận, vừa gặp một chuyện khó khăn nào đó đã vội bỏ, vội quay lưng từ chối, bỏ chạy dài thì khả năng chấp nhận, khả năng tu học của chúng ta chưa tới đâu cả.
Tất cả những điều đó, mặc dù chúng ta nói, chúng ta nghĩ là chúng ta đã làm được, nhưng hãy cẩn thận coi chừng tất cả những yếu tố nằm trong bảy yếu tố mà chúng tôi đã nêu trên nó còn đang ngủ ngầm. Đến lúc nào đó nó sẽ trỗi dậy khi chúng ta chểnh mãng, lơ đễnh, không dũng mãnh kiên cố, khi tâm của chúng ta không có chánh niệm, không tinh tấn để tiếp tục thực tập thì tất cả yếu tố bất thiện sẽ thức dậy bất cứ lúc nào. Vì lý do mà chúng ta chưa loại trừ yếu tố ô nhiễm đó đang ngủ ngầm trong tâm thức, cho nên chúng ta chưa có sự thanh tịnh tuyệt đối và rất có thể bị thúc dục bởi những yếu tố bất thiện làm cho sự quyết đoán của chúng ta bị chi phối. Do vì bị chi phối cho nên dẫn đến những quyết định sai lầm:
- Nghĩ sai lầm và làm sai lầm.
Với cái nhìn chủ quan, thì chúng ta không thấy gì khác nữa, chỉ vì tâm ái dục nhiều quá, cho nên chỉ thấy ai cũng là con của mình, ai cũng là cháu của mình. Ví dụ như có hai đứa bé cùng bị đói như nhau, nhưng nếu có một đứa là con cháu chúng ta sẽ săn sóc nó nhiều hơn, còn đứa không phải là con cháu thì chúng ta cũng cho nó ăn, nhưng không có tâm trìu mến săn sóc như đã săn sóc đứa bé là con cháu của chúng ta.
b- Khách Quan:
Còn đối với cái nhìn khách quan, khi thực tập và nhận thấy được các pháp Bốn Niệm Xứ, thì sự thực hành của chúng ta mới có thật sự khách quan. Điều này có nghĩa là chúng ta thực tập và quán sát một cách tự nhiên, không dính mắc vào bất cứ một trường hợp nào. Khi thực tập chúng ta cũng không thấy có liên quan tới bất cứ một đề mục nào hết, do vậy mà chúng ta nhìn một cách rộng rãi, nhất quán. Nếu chúng ta làm được như vậy, thì chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả mọi hình ảnh của sự vật và thấy được sự vật đúng trong bối cảnh của nó, đúng như thật của sự vật là như vậy. Và cũng có thể thấy hình như có thật nhưng đó không phải là thật. Một ví dụ rất dễ hiểu, như chúng ta đi đường. Đứng từ đầu bên này nhìn qua đầu bên kia, chúng ta thấy dường như là hai lề đường nó dính liền vô nhau. Rõ ràng là mắt thấy như vậy, nhưng sự thật thì khi đi tới đó, thì hai bên lề đường là hai bên lề đường riêng biệt, không hề dính nhau. Cái nhìn của chúng ta cũng như vậy, khi chúng ta có cái nhìn khách quan, mình nhận thấy rõ ràng trong vị trí nào là vị trí đó. Giống như biết trước là hai lề đường không hề dính nhau thì dù cho chúng ta có thấy rõ ràng là nó dính nhau nhưng thực sự thì nó không hề dính nhau. Cũng vậy, khi chúng ta nhìn một cách sâu sắc, chúng ta sẽ thấy tất cả sự vật nó là như vậy, dường như là như vậy nhưng thực sự nó không phải như vậy. Cho nên phương pháp thực hành Tứ niệm xứ, tức là chúng ta niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp ... Về Pháp, chúng ta phải quan sát một cách vô tư, ngay cả khi chúng ta quan sát về thân thể của mình cũng vậy. Chúng ta không có lối nhìn quanh co, không có thành kiến là thích hay ghét bỏ, hoặc là chúng ta ước đoán hay là ý niệm nào hết mà chúng ta phải thấy mọi sự mọi vật là như vậy. Nói như vậy để thấy rằng tâm niệm của chúng ta phải được thực hành một cách khách quan giống như từ bên ngoài nhìn vào  một cách thấu suốt. Theo quan điểm đó, người Việt Nam chúng ta thường có câu:
- Việc mình thì quáng, việc người ta thì sáng.
Lý do đơn giản là khi đụng tới chúng ta thì bao nhiêu ái dục, tà kiến, bao nhiêu vô minh, sân hận liền nổi lên làm cho chúng ta không thấy được sự thật. Nhưng đối với việc của người khác thì chúng ta rõ lắm, và có ý kiến rất sáng suốt. Việc góp ý kiến cho người khác rất là dễ, nhưng mà đụng tới bản thân thì chúng ta không làm được gì cả, là bởi do cái nhìn chủ quan, tự mãn. Vì thế khi chúng ta thực tập có cái nhìn khách quan thì chúng ta phải làm như thế nào để khi việc xảy ra cho chính bản thân, hay với những người thân trong gia đình thì chúng ta phải tập đứng ngoài để mà quán xét. Đây là một thí dụ cụ thể, chẳng hạn như hai đứa nhỏ hàng xóm chơi rồi đánh nhau. Có người thì bênh con mình đánh con của người hàng xóm vì nó đánh con mình. Hay cha mẹ bênh con cái của mình, chửi hàng xóm tại sao lại để cho con của họ đánh con mình. Ngược lại, khi họ biết nhìn, thì biết ngay chúng đánh nhau thì phải có lý do chớ không phải vô cớ, chỉ có đều là không biết đứa nào gây chuyện trước. Vì thế chúng ta phải có cái nhìn khách quan để coi coi đứa nào gây chuyện trước. Cách nhìn của chúng ta cũng vậy, phải đứng ngoài, không nên có trạng thái là thương quá, vì thương quá thì chúng ta sẽ bị đắm chìm trong trạng thái chủ quan, mà ghét quá thì cũng bị đắm chìm trong trạng thái chủ quan. Chúng ta phải bỏ cái thương, ghét bỏ luôn sự suy đoán không chính xác. Chúng ta cần nhìn thấy rõ và phối kiểm lại tất cả những yếu tố để có sự phán đoán hay quyết định. Làm như vậy thì chúng ta mới có được kết quả, có được câu trả lời chính xác.
Trong chiều hướng thực tập cái nhìn nhất quán, khi niệm thân trong thân, thì chúng ta nên chỉ biết về thân thôi. Đây là một thái độ dứt khoát. Ngoài ra tất cả những cảm giác thuộc về thọ hay thuộc về trạng thái tâm hoặc những đối tượng có liên quan tới thân thì chúng ta cũng dứt khoát loại bỏ ra. Ở điểm này chúng ta phải nhớ một phương thức rất rõ ràng, chính xác mà Đức Phật đã dạy chúng ta trong phương pháp tự rèn luyện bản thân. Như trong trường hợp chúng ta quán niệm về thân, tất cả những yếu tố liên hệ tới chúng ta như:
- Thấy,
- Nghe và
- Cảm xúc ...
Chúng ta cũng phải quyết định loại bỏ nó ra. Đừng để dính vào những yếu tố khác khi chúng ta quán niệm về thân. Ví dụ như khi chúng ta đang ngồi thiền thì tất cả những cái:
- Thấy,
- Nghe,
- Ngửi,
- Nếm.
Hay những sự hay biết bên ngoài cũng phải dẹp bỏ. Đừng nói hôm nay tôi ngồi thiền, nhưng nghĩ là tôi sẽ đi cứu trợ hay đi giúp đỡ người nào đó, như vậy là không đúng. Bởi vì chúng ta đang ngồi thiền với đề mục là đang tập trung tư tưởng, mà trong tư tưởng lại dự định đi cứu độ ai đó, như vậy là chúng ta xuất hồn ra đi độ người nào đó là sai. Tất cả những yếu tố, những ý niệm khác với đề mục hành thiền cần phải được loại bỏ ngay. Khi chúng ta loại bỏ được những yếu tố đó, thì quan niệm về cái ta, hay cái ảo kiến về bản ngã của chúng ta cũng từ từ tan biến. Như vậy có nghĩa là chúng ta đang sống trong hiện tại nơi mà chúng ta cần phải sống.
Lý do trong khi ngồi thiền chúng ta thở ra, thở vào, chúng ta biết là mình đang thở vào và đang thở ra. Vì chúng ta muốn tất cả những việc hiện tại này phải là trong hiện tại, cho nên sự quán sát và chú tâm này giúp chúng ta loại trừ được những căng thẳng xảy ra trong cuộc sống. Vì bình thường trong cuộc sống nhiều khi gặp những rắc rối, tâm tư chúng ta sẽ căng thẳng lắm. Nhưng khi đã biết tu rồi, và nếu chúng ta có gặp căng thẳng trong đầu óc, mệt mỏi trong công ăn việc làm hằng ngày, tốt nhất chúng ta đừng bao giờ tiếp tục suy tư những chuyện khó khăn đó, mà chúng ta trở về với tư thế ngồi thiền. Khi ngồi thiền, trong trạng thái tịnh tâm chúng ta sẽ loại trừ được những căng thẳng đó, và làm cho tâm của chúng ta trở nên vắng lặng, trở nên yên tịnh và chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy rất khỏe khoắn.
Khi thực tập và chấp nhận được nguyên tắc này, có thể chúng ta không thấy cần ngủ nhiều. Vì lúc đó chúng ta có thể an trú trong trạng thái thiền, nên giấc ngủ một đêm chỉ cần khoảng ba bốn giờ, hay hai ba giờ, thậm chí là chỉ cần một hai giờ là đủ. Tùy theo mức độ thực tập của chúng ta. Nếu không, bình thường chúng ta ngủ sáu giờ hoặc tám giờ, có người ngủ như vậy mà vẫn không thấy đủ. Phải biết, càng thực tập thiền quán, chúng ta thấy ít cần ngủ.
Khi bàn tới vấn đề những thành quả ngồi thiền, ở một mức độ cao siêu nào đó và tất cả những yếu tố khác, chúng tôi xin được miễn bàn. Chúng tôi chỉ nói về phần nghệ thuật nhìn và thấy những hiện tượng thiên nhiên không thôi. Có nhiều người trong chúng ta không biết, hay không bao giờ luyện cho mình có được cái nhìn khách quan, cho nên không nhận thấy được sự lợi ích của nó. Cụ thể như khi chúng ta đang nhìn cảnh mặt trời đang lên trong buổi sáng bình minh của mỗi buổi sáng, chúng ta thấy là những buổi sáng tuyệt đẹp. Nhưng đối với người nông phu ở miền quê Việt Nam, khi nhìn mặt trời đang lên thì họ chỉ nghĩ đến việc họ phải đi làm. Thế là họ phải như thế này thế kia và họ chuẩn bị một mớ dữ kiện trong đầu họ. Cho nên dù là mỗi buổi sáng đó rất đẹp, nhưng đối với họ không có ý nghĩa gì hết, vì có bao giờ họ nhìn buổi sáng đó đâu. Trái lại khi có thực tập, chúng ta biết nhìn và tiếp xúc được với hoàn cảnh hiện tại thì chúng ta mới thấy được buổi sáng đó là đẹp. Với một tâm hồn khách quan, một tâm hồn an tịnh, chúng ta sẽ thấy trọn vẹn chủ tâm của mình và thấy được trọn vẹn vẻ đẹp của quang cảnh mặt trời đang mọc trong ánh nắng ban mai. Tất nhiên khi thấy được như vậy, chúng ta cũng đã biết rồi một lát nữa đây mặt trời sẽ lên cao, tỏa ra ánh nắng chói chang làm cho oi bức, khó chịu và mặt trời sẽ lặn. Thấy được như vậy là chúng ta biết tất cả đều vô thường, tạm bợ.
Vì là vô thường, vì là tạm bợ nên chúng ta thấy tất cả mọi việc đều có một sự biến đổi không bao giờ ngừng nghỉ. Với ví dụ ở trên chúng ta có thể áp dụng cho rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn khi chúng ta nhìn một đứa bé sơ sinh hay một ông già, bà cụ lớn tuổi một cách khách quan. Nơi đó chúng ta sẽ thấy có một sự thánh thiện nào đó ở đứa bé sơ sinh rất dễ thương. Cũng với cách nhìn khách quan đó, chúng ta thấy được những hiện tượng vũ trụ trong hình hài của ông già, bà cụ. Bởi vì chúng ta cũng biết khi quán chiếu về thân thể thì có bảy yếu tố hình thành nên cơ thể, nên sự tàn hoại của ông già bà cụ đó không có gì là khó hiểu đối với chúng ta.
Cũng như vậy, nếu trong lúc chúng ta vào thính đường để nghe pháp, thay vì nghe pháp chúng ta lại vào để nói chuyện, hết nói với người này lại xoay qua nói chuyện với người khác. Nếu sợ người chung quanh nghe thì lại viết giấy để chuyền cho nhau đọc, để rồi có thể là không dám cười ra miệng nhưng lại cười trong bụng. Theo quí vị, sau buổi nghe pháp chúng ta được cái gì, không được gì cả. Nếu như khi đó nghe pháp với một tâm chuyên chú, tập trung lắng nghe chúng ta sẽ thấy từng lời nói, từng cử chỉ, từng ý nghĩa cao sâu mà một vị thầy nào đó đang truyền đạt cho chúng ta. Chúng ta sẽ có thể thưởng thức được những âm thanh trầm hùng, thấy được ý nghĩa cao sâu của phật pháp, bởi vì trong khi đang giảng thì người thầy chỉ tập trung vào việc đang nói thôi. Còn với chúng ta, bằng sự chuyên chú tập trung khi nghe, tất cả những cái hay, những ý nghĩa cao siêu đó còn thấm nhuần hơn cả người đang nói cho mình nghe. Đó là lợi ích khi mà chúng ta có lối nhìn khách quan.
Khi chúng ta thực tập cái nhìn nhất quán như vậy, thì chúng ta không còn bị rơi vào cái nhìn chủ quan, và cái nhìn khách quan thì lẽ tất nhiên những điều đó phải dựa trên cơ sở có sự thực tập thiền. Một người mà thiếu, không biết, hoặc chưa biết thực tập về thiền quán, chưa biết tu, chưa biết tụng kinh niệm Phật, dù người có một cái tâm tốt nhưng chỉ giới hạn ở mức độ nào đó thôi, để rồi một lúc nào đó cũng sẽ xảy ra tình trạng:
- Tức nước vỡ bờ.
Nghĩa là một sự việc khó khăn nào đó, chỉ có thể chịu đựng được ở một mức độ nào đó thôi, nhưng mà đến một lúc nào đó quá sức thì tâm sân hận sẽ phát sinh. Còn đối với người có thực tập công trình thiền quán, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những gì xảy ra đối với chúng ta, nhờ vào phương pháp, nhờ vào công phu hàm dưỡng trong khi chúng ta thực tập đó, nó đã can thiệp vào tâm thức của chúng ta. Thay vì chúng ta giận một người nào đó, chúng ta thường để tâm nhớ rất lâu, và chờ cơ hội để trả thù. Có nhiều người còn tưởng mình là người có trí nhớ tốt, nhưng thực ra theo quan điểm người học Phật thì nhớ càng dai thì càng khổ nhiều. Cho nên phải tập xả bỏ, bỏ được bao nhiêu thì cứ bỏ đi. Nếu như hôm nay mà có chuyện xích mích hay có giận hờn một ai đó, nếu bỏ được ngay sau đó thì nên bỏ. Nếu không được mà ráng tới ngày mai, thì tới ngày mai cũng nên bỏ đi, nếu không được nữa thì phải tập bỏ càng sớm càng tốt. Đừng giữ trong tâm lâu vì nó sẽ làm cho chúng ta mệt đầu, rồi dẫn tới tình trạng mất ăn mất ngủ, và người khổ chính là bản thân chúng ta. Cho nên càng nhớ dai thì càng thù dai, và càng thù dai thì người khổ nhiều chính là mình, nên phải bỏ càng sớm càng tốt.
Nếu một người có công phu hàm dưỡng về thực tập thiền quán, chúng ta sẽ thấy các trạng thái sân hận si mê ... đều do ái dục mà ra. Vì ái nhiễm quá độ cho nên chúng ta có thái độ can thiệp vào những việc làm của con cháu, bà con thân quyến thuộc của mình. Cũng do vì tâm sân hận nhiều quá cho nên đụng đến việc gì là bừng bừng nổi giận. Vì tánh cống cao ngã mạn cho nên thấy ai cũng thua mình, nhưng nếu thấy người hơn là chúng ta không thích. Thực tập thiền quán để trưởng dưỡng cái nhìn nhất quán, gọt bỏ hết những bợn nhơ trong tâm thức, để cuối cùng chúng ta có được một trạng thái yên tịnh. Lúc đó những tham dục, si mê, vô minh không còn ngủ ngầm trong tâm thức của chúng ta nữa.
Biết rằng những phương pháp thực tập cái nhìn nhất quán đó chỉ là phương tiện để chúng ta thành tựu chánh kiến, đây là bước đầu trong tám chánh đạo. Mặc dù là phương tiện nhưng tâm định là thật sự có vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần phải có tâm định để điều phục tâm, cũng như khi chúng ta muốn bắt giữ một con khỉ chạy rong thì phải dùng sợi dây để mà cột nó lại. Cũng như vậy ở trong tâm của chúng ta, khi chúng ta biết tâm của chưa điều phục thì phải nhờ phương pháp thiền quán để điều phục, bắt được nó rồi thì chúng ta phải dùng dây định để trói nó lại, không cho nó chạy nữa. Chính vì thế mà tâm Định giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều phục tâm, và nó còn có một tên gọi khác là Tâm Thanh Tịnh. Hoàn tất giai đoạn này là chúng ta có thể dẹp bỏ những chướng ngại, những tư tưởng ích kỷ chỉ biết đến bản thân. Ai cũng biết, càng nghĩ về bản thân, càng nghĩ về đời tư, về những lợi ích riêng cá nhân bao nhiêu thì chướng ngại của chúng ta càng chất chồng nhiều bấy nhiêu. Cho nên ở giai đoạn tâm định, là chúng ta đã diệt trừ mọi chướng ngại, mọi bợn nhơ của tinh thần và chúng ta sẽ thành công trong mọi vấn đề khác. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy chúng ta rằng:
- Hãy phát triển tâm vắng lặng, vì khi các con thành đạt tâm vắng lặng sẽ thấy sự vật đúng với bản chất của sự vật.
Như vậy, khi chúng ta có được cái nhìn khách quan hay còn gọi là cái nhìn nhất quán rồi, thì đối với mọi việc xảy ra chỉ cần nhìn là chúng ta đã biết liền. Lúc đó không cần phải tìm hiểu hay phân tích để không mất công mệt đầu mệt trí, với tất cả những sự việc xảy ra, vì chúng ta đã biết là như vậy. Quả thật, giống như bánh xe mòn, nếu chúng ta không thay bánh xe khác thì sớm muộn nó cũng nổ thôi. Khi bánh xe bị nổ thì đừng nghĩ là bữa nay mình bị xui xẻo, hay vì bữa nay có nhiều chuyện nên bánh xe của tui nổ. Cũng như vậy, chúng ta nhìn sự vật là chúng ta biết nếu làm một việc đó nó sẽ dẫn tới kết quả đó, đây là một cái nhìn nhất quán. Với tâm vắng lặng chúng ta thấy sự vật là sự vật, và khi có việc xảy ra thì chúng ta không ngạc nhiên là tại sao ngày đó giờ đó nó lại xảy ra. Có hai pháp mà Đức Phật dạy chúng ta, đó là:
- Này, chư Tỳ kheo, hãy phát triển để thấu triệt tham sân và si bằng hai pháp Vắng Lặng và Trí Tuệ.
Trong hai pháp vắng lặng và trí tuệ được phát triển trong khi ngồi thiền, chúng ta sẽ tiêu trừ tận diệt, và chấm dứt tất cả những tham sân và si của mình. Bởi vì:
- Khi Vắng Lặng được phát triển thì tâm an tịnh cũng được phát triển. Khi tâm an tịnh có mặt thì chúng ta có thể tiêu trừ được ái dục. Tất cả mọi việc diễn tiến khi sự thực hành của chúng ta đi tới đâu thì tâm của chúng ta cũng phát triển tới đó. Vì vậy khi chúng ta phát triển được vắng lặng thì tâm của chúng ta cũng càng lúc càng vắng lặng. Tâm của chúng ta càng vắng lặng thì tất cả những ái dục nhiễm dơ trong chúng ta cũng được tiêu trừ.
- Kế tiếp là khi Trí Tuệ được phát triển, thì tuệ giác của chúng ta cũng phát triển. Với tuệ giác có mặt thì chúng ta có thể thấy rõ được sự vật, cho nên chúng ta tiêu diệt được vô minh, tiêu diệt được phiền não. Với tâm bị nhiễm ô bởi ái dục, chắc chắn sẽ không bao giờ có được giây phút thánh thiện, thoải mái, dễ chịu, chúng ta sẽ không bao giờ có được trạng thái giải thoát. Khi bị vô minh che lấp, chắc chắn tuệ giác không bao giờ được phát triển nổi. Do sự có mặt của tuệ giác mà chúng ta rửa sạch ái dục, và tâm được giải thoát. Đó là lý do mỗi buổi tối khi niệm Phật chúng ta thường đọc câu:
- Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Dục thoát luân hồi khổ
Cấp cấp niệm Di Đà.
Câu kệ:
- Ái hà thiên xích lãng ...
Có nghĩa là:
- Biển ái này có hàng ngàn hàng vạn ngọn sóng, hết đợt sóng này tới đợt sóng khác,
Tiêu biểu như, trong gia đình chúng ta thương thằng Hai, con Ba. Thương đứa này rồi lại thương đứa nọ. Hằng đêm có nhiều ông già, bà cụ cứ nghĩ tới những đứa con của mình, không biết giờ này nó ra sao! Hết nghĩ tới đứa con này, rồi nghĩ tới đứa con khác. Không phải chỉ thương một đứa thôi, mà là hết thương con của mình lại đến thương cháu của mình, rõ ràng đó chính là:
- Ái hà thiên xích lãng.
Có tới hàng ngàn, hàng vạn loại sóng bất chợt khởi lên trong tâm. Hết thương con cháu, tới thương hàng xóm, bạn bè ngày xưa thân thiết với mình, bây giờ nó khổ làm sao mình giúp nó đây ... Ái dục nó trói buộc, làm cho chúng ta cứ nghĩ hết chuyện này tới chuyện nọ. Cho nên khi có Trí Tuệ rồi, chúng ta có thể rửa sạch được ái dục một cách rất dễ dàng. Được giải thoát bởi trí tuệ là vì tâm của mình không còn vô minh, không còn phiền não nữa.
Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng Vắng Lặng và Trí Tuệ, hay nói cách khác là Chánh Định và Chánh Kiến là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Hai yếu tố này không tách rời nhau mà còn phải biết sử dụng với nhau để tạo thành lực hỗ trợ cho nhau. Nếu không có tâm định vắng lặng thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được trí tuệ, và nếu không có trí tuệ thì sẽ không bao giờ có được tâm vắng lặng. Hai yếu tố này luôn luôn đi đôi với nhau. Không nên nghĩ rằng chúng ta chỉ cần trí tuệ thôi, nhưng phải biết là Trí Tuệ từ ngồi thiền mà có, nếu không ngồi thiền thì làm sao có trí tuệ. Tất cả đều nhờ vào nhân duyên tương quan với nhau để mà có. Cho nên chúng ta phải hiểu một điều:
- Người không có trí tuệ thì không có định tâm, và người thiếu định tâm thì không bao giờ có trí tuệ.
Cho nên nếu một người có trí tuệ mà không có định tâm, và một người có định tâm mà không có trí tuệ. Hai hạng người này luôn luôn rơi vào trong tình trạng cố chấp, phiền não và chủ quan, không bao giờ nhận thấy được sự kiện đang xảy ra xung quanh. Riêng với người có được cả hai yếu tố Định và Tuệ, thì đó là người có một cái nhìn rất chính xác, rất khách quan và tất nhiên là tâm họ không bị ràng buộc. Khi mà tâm không bị ràng buộc, chúng ta sẽ có một cái nhìn rất là chính xác, thật là khách quan, mà cái nhìn mà chúng tôi gọi là cái nhìn nhất quán, nó không cong quẹo. Ai mà làm được như vậy thì dù cho không muốn lên Tây Phương thì Đức Phật Di Đà cũng kéo lên như thường. Ai không muốn có được sự an lạc thảnh thơi trong hiện tại vẫn cứ thấy an lạc thảnh thơi, và là người đã và đang sống trong cảnh giới Niết Bàn của chư Phật trong cuộc đời này.
--o0o--