TẬP SAN DƯỢC SƯ

Hoa Nở Trong Vườn Tâm
Thông Trí
--o0o--
 
Hôm nay tiết trời đang độ vào xuân. Ngoài vườn chùa Dược Sư hiện giờ đang có rất nhiều loại hoa nở rộ. Sự có mặt của hoa lá làm cho chúng ta liên tưởng đến sự tuần hoàn của vũ trụ: Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa chuyển dịch. Cứ Xuân về thì cây cối đâm chồi nẩy lộc. Hạ đến thì đơm hoa kết trái. Thu về thì cây cối bắt đầu vàng úa rơi rụng, rồi Đông tàn tạ xơ xác ...  Do vậy khi nhìn thấy những chiếc lá chuyển màu, thì chúng ta biết rằng những chiếc lá úa vàng rồi sẽ rơi rụng. Lá rụng và thân cây sẽ ngủ một giấc ngủ dài trong mùa Đông. Cho đến khi Xuân về là đến lúc nó phải mọc ra lá mới chứ không phải lá rụng là cây chết. Cho nên có nhà thơ nói rằng:
- Nước triều lui không phải nước triều tan,
Lá cây rơi không phải gốc cây tàn.
Quả thực như vậy, khi đúng thời đúng tiết thì hoa lá sẽ mọc trở lại. Trong khi lá hoa chưa đủ thời gian để hiến tặng cho đời những nụ hoa xinh xắn, thì hiện giờ khi nhìn từ dưới lên trên những cành cây mận ngoài vườn Chùa Dược Sư đan chi chít vào nhau làm cho chúng ta có cảm giác như trên bầu trời có một mạng lưới khổng lồ khoảng không gian trên không. Bình thường chúng ta không bao giờ để ý, nhưng khi nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy được phương diện thẩm mỹ của nó, đó là một mạng lưới rất đẹp. Từ trong mạng lưới đó chúng ta thấy có những chiếc gai nhỏ đâm tua tủa ra ngoài, và cũng chính từ những chiếc gai tua tủa đó từ từ thành búp, thành nụ, và từ nụ đó sẽ trở thành hoa màu trắng rất dễ thương.
Trở lại với mùa Thu trước khi lá rụng, những chiếc lá sẽ chuyển đổi từ màu xanh thành màu vàng nhạt, rồi từ màu vàng nhạt thành màu đỏ thẩm hoặc vàng đậm và rơi rụng. Chúng ta thấy sự kiện đó lập đi lập lại trong cuộc tuần hoàn của các mùa, nó giống như một nguyên lý rất rõ ràng. Tuy vậy vẫn có người hỏi:
- Tại sao lá vàng? Tại sao lá úa và rơi rụng.
Hoặc:
- Mùa Thu ai nhuộm lá vàng
Mà sao cây cỏ đa mang tình trường ...
Sự thật này, dĩ nhiên không ai giải thích được tại sao lá vàng úa, nhưng cứ vào độ mùa thu về thì lá lại vàng úa, rơi rụng. Nhìn với con mắt quán chiếu của người phật tử, chúng ta thấy rằng khi lá già vàng úa, cuộc sống nó thật mong manh, nó sẽ rơi rụng bất cứ lúc nào. Tương tự như nhìn vào cuộc sống thực tế của chúng ta cũng vậy. Có tính cách bàn bạc sâu rộng hơn:
- Ai bảo cuộc sống gia đình là hạnh phúc!
Dĩ nhiên khi gặp nhau, cùng nhau xây dựng một gia đình, thì ai cũng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ hạnh phúc lắm. Với sự tin tưởng như thế có người cho rằng Đức Phật nói sai, vì Ngài thường dạy hàng môn đệ:
- Đời là biển khổ.
Có một đạo hữu viết một bài viết để chứng minh lời dạy của Đức Phật là sai, với đề tài là:
- Đời là hạnh  phúc.
Quả thật lúc đạo hữu đó viết bài: Đời là hạnh phúc thì lúc đó ông đang hạnh phúc thật sự. Hoàn cảnh gia đình của đạo hữu đó lúc đó rất khá giả, nào là:
- Vợ đẹp,
- Con ngoan,
- Làm ăn mua bán phát đạt ...
Ngoài ra ông ta còn có mấy chục căn nhà cho mướn. Với hoàn cảnh như vậy thì lẽ đương nhiên ông thấy đời là hạnh phúc rồi. Cho nên ông viết một bài văn nói: Đời là hạnh phúc, ý ông ngầm nói rằng Đức Phật đã nói không đúng. Nhưng sau đó cũng chính đạo hữu này, ông ta lại viết lại một bài khác, nói rằng lời dạy của Đức Phật:
- Đúng đời là bể khổ.
Chắc có lẽ quý vị sẽ ngạc nhiên tại sao ông đạo hữu này lại thay đổi quan niệm sống mau như vậy. Nguyên nhân là vì có một lần được người bạn rủ ông đi chơi ở Las Vegas. Khi đến đó với ánh đèn mầu rực rỡ, các cô tiếp đãi viên trẻ đẹp và nồng hậu quá. Lạc thú trần gian không bao lâu đã làm ông đam mê, thế là từ đó có lúc ông rủ bạn bè cùng đi, có lúc ông đi hưởng thụ một mình. Cũng từ đó gia sản sự nghiệp làm ăn của ông bắt đầu xuống dốc. Lý do đơn giản là vì ông cứ ở luôn trên Las Vegas không thôi, không còn nghĩ tới việc làm ăn của ông nữa. Từ đó các cơ sở kinh doanh của ông cũng dẹp luôn, tiếp theo mấy chục căn nhà mà ông cho người ta thuê cũng bắt đầu bay từ từ. Mấy đứa con thấy cha không nghĩ gì tới mình nữa, thế là nó bắt đầu từ ông luôn chỉ còn lại bà vợ. Lúc đầu cũng tưởng là hiểu nhau lắm, nhưng đến cuối cùng bà vợ cũng nói với ông:
- Thôi, ông sống kiểu này ông sống một mình đi, tôi tự sống lấy.
Thế là hai vợ chồng dắt nhau ra tòa ly dị. Rốt cuộc tài sản cũng mất, vợ cũng bỏ mà con cũng từ luôn. Sự thay đổi này làm cho ông nhìn lại, quả thật ngày xưa cuộc đời của ông rất là hạnh phúc. Vì thấy cuộc đời hạnh phúc quá cho nên không thấy được lời Phật dạy. Hơn nữa công cuộc làm ăn đang trên đà đi lên, thuận lợi quá nên không bao giờ ông nghĩ là sẽ có một ngày thê thảm như bây giờ. Sau đó ông mới chịu thừa nhận rằng Đức Phật đã hoàn toàn nói đúng.
Thật sự lời dạy của Đức Phật luôn luôn lúc nào cũng đúng. Sở dĩ mà chúng ta cho là sai bởi vì chưa gặp, chưa chứng kiến. Vì thế mà đối với những lời dạy của Đức Phật, đừng bao giờ kết luận một cách vội vàng là đúng hay sai. Tất cả còn tùy thuộc vào thời gian, không gian và hoàn cảnh của mỗi người nữa. Lời dạy của Đức Phật từ mọi khía cạnh trong cuộc sống, thoạt nhìn qua khi chưa gặp hoàn cảnh đó thì chúng ta nghĩ rằng không đúng. Nhưng trên cuộc đời này, quí vị nên hiểu rằng bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, chỉ có điều là xảy ra sớm hay muộn mà thôi, vì thế chúng ta không cần phải kết luận vội. Nếu có cơ duyên nghe được lời Phật dạy thì cứ ghi nhớ trong lòng rồi thực hành, để chứng nghiệm trong cuộc sống của mình.
Thật sự cuộc đời có hạnh phúc, những gì đang có đây là sự thật do kết quả của những ngày tháng siêng năng cần mẫn lam lũ, làm ăn mà có chứ không phải tự nhiên mà đến. Tuy nhiên khi chúng ta quán chiếu những cái gì chúng ta đang có trong tầm tay và được gọi là hạnh phúc đây, chúng ta vẫn thấy tiềm ẩn trong đó một sự mong manh. Nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật dạy chúng ta luôn luôn đặt mình ở trạng thái tiêu cực, thụ động, buông xuôi, không làm gì cả. Ngài dạy như vậy để chúng ta luôn ý thức được sự vô thường khi đang sống trong ấm êm hạnh phúc, thì phải nhớ đến những ngày tháng cô đơn lạnh lẽo ... Có như vậy chúng ta mới biết giữ gìn trân quý những gì mà mình đang có trong hiện tại. Ví dụ như chúng ta có một cái chén kiểu đẹp, rất mỏng chỉ cần sơ ý một chút nó sẽ rớt bể ngay, vì biết như vậy nên mình phải giữ gìn. Với hạnh phúc, với những gì chúng ta đang có cũng vậy, ý thức được sự mong manh, giả tạm nên mình phải giữ gìn, phải trân quý và đừng bao giờ đứng ở núi này mà trông núi nọ. Chúng ta có hạnh phúc đang tươi đẹp như thế này, mà còn lại đi tìm cầu một hạnh phúc tươi đẹp nào đó ở nơi khác là điều nghịch lý, thế nhưng tâm lý của con người phàm phu thường là như thế.
Đó là lý do hoàn cảnh của một đạo hữu như có lần đã nhắc. Hạnh phúc của ông đang có là cơ sở làm ăn phát đạt, vợ đẹp, con ngoan, nhà cao, cửa rộng ... Đó là hạnh phúc, vậy mà ông lại không biết giữ gìn cái sự hạnh phúc đó, lại đi tìm một niềm vui khác để rồi chính cái mà ông cho niềm vui mới đó làm cho hạnh phúc của ông đổ vỡ, vì ông không biết quý những cái gì ông đang có. Những cái mà chúng ta đang có trong cuộc sống hiện thực là cuộc sống gia đình, chồng, vợ, con cái, bạn bè với nhau ... Chúng ta phải biết tính chất mong manh đó, cho nên khi đang sống vợ chồng, con cái, anh em, hàng xóm láng giềng ... gần nhau, chúng ta phải thấy đó là niềm vui là hạnh phúc. Dù là vợ gần chồng hay chồng gần vợ, cũng phải nên giữ gìn trân quý, mà qua đó vì tính chất của vô thường chúng ta không thể nào biết và đoán trước được. Bởi vì tám cảnh khổ được tiêu biểu như là:
- Ái biệt ly khổ
Nghĩa là:
- Người mà chúng ta thương mà không sống được gần nhau là khổ.
Trong ái biệt ly khổ này có hai trường hợp xảy ra đó là:
- Sanh ly, hay tử biệt.
Đối với cả hai trường hợp sanh ly và tử biệt là tâm lý thông thường đều cảm thấy đau khổ. Như trong mấy ngày trước đây, làm cho chúng tôi thấy quả thực cuộc đời là mong manh. Có ai nghĩ rằng tuổi trẻ đầu xanh lại từ giã cuộc đời này sớm đâu! Chúng ta không bao giờ nghĩ tới, vì sinh lực tuổi trẻ thanh niên còn tràn trề quá, cơ thể còn rắn chắc quá, làm sao chúng ta có thể nghĩ là chết được, nhưng mà rồi như chúng tôi đã chứng kiến một phật tử. Anh ta mới có bốn mươi mấy tuổi đời, đang ngồi coi ti vi cùng vợ, đứt gân máu trên đầu, chở tới bệnh viện và mấy ngày sau thì chết, sự việc diễn ra mà không ai nghĩ là anh ta sẽ chết mau như như vậy. Đừng nghĩ là bệnh tim chết liền, có người bị bệnh tim mà không chết, ngược lại có người đang khỏe mạnh, bỗng dưng đứt gân máu là chết liền. Đó là tính chất vô thường, cho nên chúng ta có được những giây phút nào thánh thiện nhất thì cứ giữ để sau này không phải nối tiếc khổ đau nhiều.
Trong tinh thần đạo giải thoát, Đức Phật Ngài cũng đã dạy như vậy. Trong cuộc đời chúng ta có những cái gì tốt đẹp thì phải giữ, đừng để mai này ân hận. Trường hợp như cha mẹ với con cái, con cái biết là mình có hạnh phúc khi còn cha mẹ, thì phải ráng mà nâng niu gìn giữ. Trong trường hợp này chúng ta hãy cứ nhìn những đứa trẻ bơ vơ, lạc lõng ngoài đường kia bị thiếu tình thương cha mẹ, nó cần tình thương cha mẹ, trong khi chúng ta có được tình thương của cha mẹ thì mình phải làm sao để giữ cho trọn vẹn. Đừng vì một giây phút bồng bột nghe lời bạn bè, hoặc có tư tưởng bướng bỉnh mà mình cãi lại, đi ngược lại những lời khuyên dạy của cha mẹ. Những gì mà cha mẹ dạy, lúc đó có thể chúng ta cho rằng cha mẹ lẩm cẩm, vì những lời cha mẹ dạy đơn giản lắm:
- Khi ra đường con đừng đi tới mấy chỗ ồn ào, lỡ nó gây lộn, nó đánh lộn, nó sách súng bắn lẫn nhau thì rất nguy hiểm.
Hay là:
- Mỗi lần con đi ra đường con phải lái xe cẩn thận, đừng chạy ẩu nghe con!.
Những điều đó rất giản dị, cho nên có nhiều cô cậu nghĩ rằng ông bà già lẩm cẩm, mình đâu có tệ đến độ như vậy, mà ổng bả sợ gì mà sợ dữ vậy. Có người đi mà không cần biết sự lo lắng của cha mẹ, mình cứ đi cho bằng thích, khi mà cha mẹ kiếm, cha mẹ kêu về thì cằn nhằn:
- Tui đi đâu thì kệ tui, mắc gì mà cứ đi kiếm đi kêu. Lẩm cẩm vừa phải thôi.
Chắc chắn trong đời có người đã từng bị như vậy. Con cái cho rằng sự lo lắng của cha mẹ là lẩm cẩm và làm cho mất sự tự do. Tuy nhiên đến một lúc nào đó khi cha mẹ đã quá vãng không còn ai nhắc nhở đến nữa, thì những lời nhắc nhở đơn giản, mộc mạc, quê mùa thật, nhưng mà chúng ta mới thấy thiếu, chứ hiện giờ thì chưa thấy. Hoặc là những cảnh tượng đó chỉ có thấm thía nhất ở trong lòng những đứa trẻ mà không bao giờ có được tình thương của cha mẹ, còn những người con có cha có mẹ, được cha mẹ nhắc nhở thì bực bội khó chịu.
Những gì mà chúng ta đang có trong hiện tại là hạnh phúc vô cùng, nhưng chúng ta lại không biết giữ thì nó cũng sẽ mất đi. Trong thực tế là như vậy, cuộc sống của kiếp người vô thường nay còn mai mất. Có những người con, chúng ta thấy khi mà cha mẹ còn thì không bao giờ biết trân quý, đến khi cha mẹ mất đi rồi thì lại thương, làm tiệc này tiệc nọ để đãi khao bạn bè. Nhưng tất cả những cái đó không có ý nghĩa như khi chúng ta biết quý trọng lúc cha mẹ còn. Tinh thần của Đức Phật dạy rất thiết thực, những gì chúng ta làm được cho cha mẹ, cho anh em, cho chồng vợ, cho bạn bè thì nên làm đừng nên hẹn. Nếu có giận dữ buồn phiền cha mẹ hay chồng vợ với nhau, nếu có thể tha thứ được thì nên tha thứ. Nghĩa là đừng hẹn, đừng nói là:
- Bây giờ tui còn bực tức lắm, tui không tha thứ được.
Đừng nghĩ rằng những người thân của chúng ta có tánh hư tật xấu nên không thể tha thứ được. Vì một khi vô thường tới không bao giờ nó chờ đợi bất cứ một ai. Cho nên Đức Phật dạy là phải sống hỉ xả, bao dung để chúng ta có thể giữ được an lạc, hạnh phúc thánh thiện của mình.
Lời dạy của Đức Phật, nếu chúng ta ngẫm nghĩ cho thật thấu đáo thì rất có lợi. Đây là một câu chuyện đâu đó trong các Kinh thuộc hệ phái Nam Truyền, chúng tôi xin chia xẻ với đại chúng:
- Lúc Đức Phật còn tại thế, có một làng nọ nổi tiếng là rất dữ, dữ đến mức mà những xóm chung quanh không dám tới, không dám giao dịch hay trao đổi bất cứ một việc gì. Có người thấy vậy động lòng thương, muốn làm sao để xóm này trở nên hiền lương tốt đẹp. Lúc đó có người tới thưa với Đức Phật rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào Ngài dạy cho những người trong dân làng kia sống một cuộc sống an lạc và hòa bình trong tình cảm của con người.
Đức Phật nghe nói như vậy, cho nên Ngài quyết định đến làng nọ để giáo hóa. Khi Ngài đến nơi, lúc đầu họ cũng hùng hổ lắm, họ dùng dao gậy, la lối mắng nhiết om sòm. Nhưng Đức Phật cứ coi như không có gì, Ngài bắt đầu thuyết pháp dạy họ. Khi được nghe Đức Phật giảng dạy giáo pháp, lập tức tánh tình của họ đổi khác liền. Và từ một cái xóm nổi tiếng là hung dữ trước đó, thì nay tiếng thơm bay ra là cái xóm đó rất là hiền lương và dễ thương ...
Ở một làng kế bên, có một ông già trước đây ông đã từng tới làng này và ông thấy rằng họ rất hung dữ, nhưng tại sao khi Đức Phật vừa tới, Ngài đã dạy bằng cách nào mà xóm này trở thành nên hiền lương như vậy, cho nên ông quyết định tới đó để coi. Trên đường dẫn vào làng, ông khách gặp hai cha con một nông phu đang cuốc đất, trong khi hai cha con cuốc đất thì đứa con cúi xuống rũ cỏ và bỗng nhiên nó quì xuống và nằm lăn ra đó, không nhúc nhích được nữa. Người cha của cậu thanh niên thấy thế lại gần coi, sau khi coi xong ông tiếp tục cuốc cỏ ... Ông già khách đi đường thấy cậu thanh niên nằm ngã lăn ra không đứng dậy được, trong khi người cha vẫn thản nhiên tiếp tục làm việc. Ông già khách lấy làm lạ mới đến xem xét tình hình thì thấy cậu thanh niên đã chết rồi. Quá nóng ruột ông già khách đi đường mới hỏi ông già đang cuốc cỏ:
- Ông có biết là nó chết chưa?
Bằng một giọng hết sức thản nhiên ông già cuốc cỏ đáp:
- Ừ, tôi biết nó chết rồi! Rắn ở đây độc lắm, nó cắn một cái là chết liền. Nhưng làm gì bây giờ, nó chết thì nó chết chứ sao.
Ông già khách đi đường nghe như thế nghĩ rằng ông già cuốc cỏ này thuộc loại người ương gàn. Mặc dầu không muốn bàn cãi gì thêm nhưng cũng hỏi một câu cuối:
- Bây giờ tôi đang định đi vô xóm, ông có nhắn gửi gì với gia đình ông không?
Ông già cuốc cỏ nói:
- Bây giờ ông cứ đi vô xóm, tới cửa ngỏ ... (theo ông già cuốc cỏ diễn tả) đó là nhà của tôi. Ông bảo bà vợ tôi là bữa nay đem một phần cơm thôi.
Dự định chỉ hỏi một câu cuối, nhưng khi thấy thái độ dửng dưng của ông già cuốc cỏ, ông già khách đi đường hỏi:
- Ông chỉ dặn bấy nhiêu đó chuyện thôi hả?
Ông già cuốc cỏ thản nhiên trả lời:
- Ừ, thì thằng con tôi nó đã chết rồi, bữa cơm trưa chỉ còn mình tôi ăn thôi.
Tuy là ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng của ông già cuốc cỏ, nhưng ông già khách không hỏi nữa và đi vào trong làng. Theo sự diễn tả của ông già cuốc cỏ, ông già khách đi đường tìm đến nơi cổng nhà như sự chỉ dẫn, bước vào trong gõ cửa. Lúc bấy giờ có một bà cụ bước ra chào khách. Khi biết chắc bà cụ này là mẹ của cậu thanh niên mới vừa bị rắn cắn, ông già khách mới trịnh trọng báo tin buồn:
- Đứa con trai của bà mới vừa bị rắn cắn đã chết rồi, bây giờ còn mình chồng bà thôi, cho nên ông ấy dặn bà chỉ đem cho ổng một phần cơm thôi.
Bà vợ trả lời:
- Vâng, cảm ơn ông. Rắn ở xứ này độc lắm, cắn một cái là chết liền.
Bà ta hoàn toàn không đá động gì đến đứa con đã chết cả. Ông già khách đi đường cảm thấy rất lạ lùng, ông ta mới hỏi bà mẹ của người đã chết:
- Bà có biết là đứa con của bà đã chết không?
Bà cụ thản nhiên trả lời:
- Có, tôi biết chứ. Ông đã nói là con tôi nó bị rắn cắn chết rồi. Chết rồi thì có sao đâu. Tới lúc nó phải chết thì nó chết chứ làm gì bây giờ.
Ông già khách đi đường còn đang nói chuyện với cụ bà, lúc bấy giờ có một người thiếu phụ từ trong đi ra. Người thiếu phụ mới hỏi bà cụ:
- Chuyện gì vậy mẹ?
Cụ bà trả lời:
- Ông khách này cho mẹ biết là chồng của con vừa bị rắn cắn chết rồi.
Thì ra người thiếu phụ vừa mới ra chính là vợ của nạn nhân vừa mới bị rắn cắn chết. Cô vợ của nạn nhân nói một cách thản nhiên rằng:
- Không biết củi nhà mình có còn đủ để mà thiêu chồng con không hả mẹ?
Ngay khi đó có một bà hàng xóm nghe tiếng xôn xao bên này, bà mới chỏ miệng qua hỏi xem có chuyện gì. Lúc đó bà mẹ của nạn nhân mới nói:
- Đứa con trai của tôi mới vừa bị rắn cắn chết rồi.
Nghe nói thế bà cụ hàng xóm mới hỏi:
- Nhà chị có còn đủ củi để thiêu nó không? Nếu không thì tôi cho chị một ít.
Chứng kiến cảnh đối thoại giữa mẹ chồng nàng dâu, hàng xóm láng giềng, ông già khách đi đường nhận thấy một bà mẹ nói tới con chết cũng không thèm tỏ vẻ thương tiếc, một người vợ vẫn giữ thái độ dửng dưng khi hay tin chồng mình đã chết, một người hàng xóm nghe tin người láng giềng của mình chết cũng tỉnh bơ. Tất cả những điều đó làm cho ông già khách đi đường từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và rất là thắc mắc. Ông không hiểu là họ sống kiểu gì mà khi người thân của mình chết lại không thấy ai tỏ vẻ thương tiếc gì cả. Bực mình quá, không chịu được ông mới lên tiếng:
- Vậy chứ mấy người sống kiểu gì lạ vậy. Người thân của mấy người chết như vậy, mà ai cũng dửng dưng không một chút thương tiếc gì cả? Đối xử với nhau cái kiểu gì lạ vậy!
Nghe ông già khách đi đường trách cứ, cụ bà mẹ của nạn nhân mới thản nhiên nói:
- Vậy chứ ông muốn chúng tôi phải làm sao? Chúng tôi, từ khi Đức Phật tới làng này, Ngài đã dạy cho chúng tôi sống một cuộc sống an lạc, thì chúng tôi đã và đang sống cuộc sống rất là an lạc. Ông còn đòi hỏi chúng tôi phải làm sao thì ông mới vừa lòng?
Ông già khách đi đường lại càng thêm tức giận, ông nói:
- Đức Phật dạy kiểu gì mà mấy người thấy con chết, chồng chết mà không hề thương tiếc gì cả vậy?
Cụ bà mẹ nạn nhân ôn tồn nói:
- Ồ, nhờ Đức Phật dạy cho nên chúng tôi mới sống được như vậy đó. Vì Ngài dạy rằng những gì mình cho nhau được thì cho, mình tha thứ nhau được là mình tha thứ. Làm cho hết bổn phận, hết sức mình thì sau này sẽ không có gì phải ân hận và nuối tiếc gì cả. Và chúng tôi đã làm được điều đó. Nghĩa là con tôi, tôi thương tôi lo cho nó đủ điều. Bây giờ vô thường tới nó chết rồi, thì tôi thiêu nó chứ sao.
Cô vợ cũng nói:
- Cháu cũng vậy, những gì chúng cháu đã hết lòng cho nhau thì chúng cháu cũng đã làm rồi, cho nên cháu không có gì phải ân hận cả, bây giờ chồng cháu chết thì cháu thiêu thôi.
Người hàng xóm cũng nói:
- Tụi tui là hàng xóm láng giềng, tụi tui đối xử với nhau như bát nước đầy, không ai phiền hà ai cả. Bây giờ đây vô thường đến với ai thì tụi tui thấy đó là bình thường thôi.
Lúc đó ông già khách mới vỡ lẽ thì ra là như vậy.
Qua câu chuyện đó cho chúng ta một đạo lý sống hết sức là tích cực. Chúng ta sống cho nhau hết lòng như vậy là đủ rồi. Có nhiều người do vì không thấy được tính chất mong manh của kiếp người cho nên luôn luôn cố chấp. Do vậy mà nếu có những bất bình xảy ra thì trong lòng hiện không nguôi. Có người còn tuyên bố:
- Sống để dạ, chết mang theo.
Vì thế mà khi thấy mặt người mà chúng ta không thích là ghét cay ghét đắng. Nếu có ai muốn hòa giải chúng ta sẵn sàng tuyên bố:
- Người đó là người tôi ghét nhất. Tôi còn đang ghét đang giận chưa tha thứ được. Cho tôi thêm thời gian nữa, để khi nào nguôi giận đã tui mới tha thứ được.
Hẹn một ngày mai nguôi giận sẽ tha thứ, nhưng rồi lúc vô thường bất chợt tới, nếu chính mình ra đi trước thì mối oan thù này sẽ mang theo xuống tuyền đài. Còn nếu người mà chúng ta ghét đi trước, trong khi chúng ta chưa tha thứ được đến lúc chúng ta hết giận thì tha thứ ai đây? Có tính cách thực tế hơn, chúng ta có cha mẹ, mà lại giận cha hờn mẹ, không làm tròn bổn phận của người con. Đến khi cha mẹ quá vãng thì ân hận là mình đã không làm tròn bổn phận người con hiếu thảo.
Nhìn lá vàng úa của mùa Thu mà liên tưởng đến tính chất mong manh của kiếp người, vì tính chất vô thường của cuộc đời, để chúng ta lựa chọn cho mình một định hướng rõ ràng. Giống như tính chất mong manh vàng úa của chiếc lá, chúng ta biết chiếc lá sẽ lìa khỏi cành cây bất cứ lúc nào. Nhìn thấy cuộc sống vô thường, cho nên chúng ta phải khởi lên một tâm niệm, và suy nghĩ mình phải làm cái gì. Đối với người phật tử tại gia, đang sống trong cuộc đời xô bồ hỗn tạp. Cuộc sống làm cho chúng ta luôn luôn dao động, chạy theo cuộc sống thế tục, chạy theo cuộc sống bên ngoài xã hội. Vậy thì bây giờ mình phải làm sao đây:
- Ngồi tịnh tâm lại, quán chiếu cuộc đời vô thường nó ẩn hiện đâu đây. Không phải chỉ riêng cá nhân ai mà là đối với tất cả mọi người!
Như chúng ta đã biết, chúng ta không kiếm vô thường thì vô thường cũng kiếm chúng ta. Cho dù là có chạy trốn tới bất cứ đâu cũng không tránh khỏi vô thường. Và như vậy chúng ta biết rồi ai cũng sẽ tới đó. Không ai dám khẳng định rằng tôi sẽ không gặp vô thường. Có nhiều người lúc trẻ còn hăng, khi nói những gì sẽ xảy ra cho họ biết và hiểu, đã không có tác dụng ngược lại còn bị họ nói là mấy ông thầy lẩm cẩm. Vì họ chưa bao giờ thấy được, chưa bao giờ gặp phải những hoàn cảnh đó nên họ chưa tin.
Như vậy ý thức cuộc đời là vô thường qua những chiếc lá vàng úa của mùa Thu gợi cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc:
- Những gì chúng ta có thể làm được thì hãy hết lòng cho nhau.
Để nếu một ngày nào đó vô thường có đến với cha mẹ, hay chồng vợ, con cái ... thì chúng ta không có ân hận nuối tiếc gì cả.
Bây giờ nói đến khi cây cối trơ trụi cành. Vì hiểu được tính chất mỏng manh của vô thường cho nên chúng ta làm được những gì cho người thân chúng ta thì làm, và bước kế tiếp, nếu có thể lựa chọn cho bản thân một hướng đi thì:
- Lựa chọn con đường tu học, tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành. Nghe pháp để mà hướng dẫn cuộc sống của mình đi vào một con đường tốt đẹp, đừng buông lung nữa.
Hoặc là:
- Lựa chọn tinh thần xuất trần như Đức Phật, đi tu.
Vì biết tính chất vô thường, cho nên những gì mà chúng ta hiện có chỉ là tạm bợ, đến một lúc nào đó chúng ta không bỏ của cải thì của cải cũng bỏ chúng ta. Ý thức được điều này chúng ta có thể từ bỏ cuộc sống thế tục, hướng cuộc đời về hướng tu niệm để không còn đau khổ, không còn nghe chuyện thị phi nữa, nếu là cuộc sống tại gia. Còn nói về cuộc sống đã xuất gia rồi, thì chúng ta không còn bị vướng mắc trong cuộc sống gia đình nữa, xa rời những tham muốn, dục nhiễm. Xa rời tất cả những ác pháp như là:
- Nghĩ ác cho người ta.
- Ưa vu oan giá họa,
- Ưa nói xấu người này, ưa nói xấu người kia.
Trái với tất cả các ác pháp là thực tập tất cả các thiện pháp, lúc bấy giờ tâm hồn trống rỗng vắng lặng giống như là cây trơ trụi lá, không còn vướng mắc gì cả. Khi tâm hồn của chúng ta không còn vướng mắc nữa, thì chính lúc đó chúng ta thấy tự bản thân có một tâm hồn bao dung vô lượng, và cũng như những cái cây trụi lá ngoài kia, khi chúng ta nhìn lên thấy nó kết thành một mạng lưới rất là đẹp. Khi chúng ta biết chọn cho mình một định hướng, thì cuộc sống của chúng ta nó bao la lắm, nó không vướng mắc trong tình cảm gia đình nữa. Lúc bấy giờ chúng ta coi người thân cũng như sơ, người thương cũng như người mình ghét. Người có ác cảm cũng như người họ giúp đỡ, chúng ta đều đối xử tất cả như nhau. Nếu không có tâm hiểu biết, khi thấy người đó có ác cảm, chúng ta nghĩ đến việc trả thù trả đũa. Người ta nói xấu mình một lời, mình phải bung ra năm ba chuyện để đánh cho đối thủ của mình ngã gục xuống chứ không chịu thua. Nhưng bây giờ thì không phải vậy, người ta có nói xấu chúng ta cứ mặc nhiên, người ta có tôn xưng thì cũng vậy thôi. Lúc bấy giờ chúng ta coi những người đến với mình, dù là thiện, là ác, là tốt, là xấu chúng ta cũng mặc nhiên, coi đó là một việc bình thường xảy ra. Khi không để ý tới cái đó rồi, chúng ta có một cuộc sống tỉnh thức, và sẽ rất an lạc. Đứng trước sự thị phi mà không bị dao động thì chúng ta cảm thấy an lạc lắm. Giống như là ốc đảo ngoài biển, dù cho sóng to gió lớn, mưa gầm gió thét, nhưng hòn đảo đó không vì vậy mà bị chìm xuống biển. Con người chúng ta cũng vậy, khi chúng ta có định hướng rồi thì chúng ta đã vượt ra ngoài những chi phối của thường tình, lúc đó tâm hồn sẽ vững vàng lắm. Vì thế đứng trước mọi hoàn cảnh chúng ta vẫn thấy an ổn không bị chi phối, chúng ta thấy tâm an tịnh vô cùng. Nhờ tâm an tịnh thì Định cũng từ đó mà sinh ra. Khi định có rồi thì chúng ta có niềm vui, niềm an lạc cho chính mình. Đó là giai đoạn chúng ta nhìn toàn diện, nhìn thấy cây cối giống như lưới cao lồng lộng giữa bầu trời bao la bát ngát.
Và kế tiếp khi chúng ta thấy cây ra nụ. Thời gian ra nụ để trưởng dưỡng cho những đóa hoa tươi đẹp, và tiếp theo đó là trổ bông. Tương tự như đã biết sự tu học của chúng ta đến nơi đến chốn, cho nên có được niềm vui an lạc. Kết quả sự tu học đến với chúng ta giống như hoa có nụ. Lúc bấy giờ chúng ta thấy rằng khi hoa đã có nụ rồi, không phải là hoa sẽ ngừng tại đó, mà nó đến hồi phải nở. Điều này muốn nói khi có được định và niềm an lạc rồi, chúng ta còn phải tiếp tục tiến thêm một bước nữa là phải bỏ những gì mình có. Bởi vì nếu chúng ta còn tham đắm, còn tự mãn trong sự an lạc của mình chẳng hạn như:
- Ờ, bây giờ tôi tu tới đây là đủ rồi, tôi không cần tu nữa.
Hoặc là:
- Tôi đã đi chùa mấy chục năm nay rồi, bây giờ nhiều quá rồi, đủ rồi tôi không đi nữa.
Chúng ta không nên làm như vậy, vì làm như thế là chúng ta đang tự mãn trong kết quả của mình. Giống như bông ra búp thì phải làm thế nào cho nó có sinh lực để nó nở bung ra, chứ không phải ra búp rồi thì tàn úa luôn. Việc tu học của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta đã lựa chọn, đã tu tới đây rồi nhưng vẫn chưa đủ, và cần phải tiếp tục tu nữa. Tâm của chúng ta đã làm được việc tốt rồi, nhưng đừng nghĩ rằng hôm nay đã làm được việc tốt là đủ, có thể nghỉ, ngày mai không cần làm tiếp. Không nên nghĩ như vậy, mà hôm nay làm được một việc tốt thì ngày mai chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, nghĩa là phải làm hai việc tốt, ba việc tốt hay nhiều hơn nữa. Tuần này mình chưa đi chùa, tuần sau mình phải đi chùa, bữa nay đã về chùa rồi thì tuần tới ráng về Chùa nữa. Không phải chỉ một mình mình về Chùa, mà còn phải rủ thêm những thành viên trong gia đình mình cùng đi. Như vậy chúng ta thấy bông có búp thì nó sẽ nở. Sự tu học của chúng ta đã đến hồi kết nụ, thì phải làm cho hoa đó càng lúc càng nở ra. Chúng ta bỏ niềm vui nhỏ nhoi để tiến xa hơn nữa, tức là rời bỏ niềm vui dục lạc, và không an trú trong sự xả bỏ của mình. Phải suy nghĩ rằng, trong thời gian qua chúng ta tu cũng tạm được nhưng chưa đủ, cho nên phải bỏ cái đó để tiếp tục tu nữa. Cũng như thấy rằng hoa mới ra nụ thì phải làm cho hoa có búp, và hoa khi đã có búp rồi thì cần phải được tiếp thêm sinh lực để cho búp kia nở ra thành hoa. Tức là mình phải bỏ luôn cái khổ, bỏ luôn niềm vui, bỏ luôn sự an lạc của mình, vì nếu còn chấp vào đó thì chúng ta sẽ dừng lại, không thể đi lên thêm được. Cứ như thế mà tiến tu để rồi cuối cùng chúng ta có được một niệm thanh tịnh, khi đã có niệm thanh tịnh chúng ta cũng phải bỏ luôn để mình tiếp tục tu thêm nữa. Tại vì với niệm thanh tịnh, khi chúng ta nghĩ là đã có niệm thanh tịnh rồi, chúng ta sẽ không tu nữa thì dao động sẽ đến lại với chúng ta. Cho nên khi đã biết có niệm thanh tịnh, nhưng chúng ta không an trú trong cái niệm thanh tịnh đó, mà phải tiếp tục giữ cái thanh tịnh khác đến với mình thì đạo quả giác ngộ là đó. Cuối cùng thì hoa bắt đầu nở.
Khi hoa nở thì có mùi hương tỏa ra, làm cho mọi người khi ngửi được mùi hương đều cảm thấy thích thú. Cũng như sự tu học của chúng ta, tất cả không còn vướng mắc điều gì cả. Dù là được dù là thua, dù là tâm của chúng có an lạc cũng bỏ hết để cuối cùng tâm trở nên an tịnh giải thoát.
Khi chúng ta làm được như vậy thì chúng ta có thể tới, lui trong cuộc đời này một cách an nhiên tự tại. Khi tâm hồn tự tại thì đóa hoa Phật Pháp, đóa hoa của chính bản thân chúng ta cũng đã nở. Đây chính là Hoa Nở Trong Vườn Tâm. Và khi tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết được nguyên lý này thì đóa hoa trong tâm của quí vị dù không muốn nó nở nó cũng tự nở.
--o0o--