TẬP SAN DƯỢC SƯ

Mùa Xuân Trẻ & Tình Nồng
Nhất Quán
--o0o--
 
Theo sự vận hành của vũ trụ, Mùa Xuân của nhân gian chỉ có ba tháng trong một năm, ngày đầu của mùa Xuân gọi là Tết Nguyên Đán. Ngày Tết Nguyên Đán trong nhân gian có nhiều phong tục hay đẹp, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục như là:
- Khai bút, khai canh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ ...
Từ trẻ đến già muôn người muôn lòng ai ai cũng tưng bừng rộn rã. Mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ðây là biểu hiện lịch sự xã giao của thế tục. Nhưng trong tình đạo, tuy là cũng thuận theo nếp sống của nhân thế nhưng lại không lệ thuộc vào sự biến đổi vô thường của vũ trụ, nhất là đối với các vị Thiền Sư đắc đạo. Các Ngài là những con người đã vượt ra ngoài sự chi phối của thời gian, nên trong lòng luôn luôn lúc nào cũng tràn đầy niềm yêu thương. Ðến với chúng sanh vạn loại thì chỉ một tâm niệm duy nhất là cứu khổ ban vui, nên khi các Ngài nhìn đến bất cứ một đối tượng nào cũng đẹp, đến với một chúng sanh nào cũng thấy dễ thương. Các ngài đem niềm tin yêu đến cho mọi người không phân biệt thân hay thù, nghĩa là khi bất cứ một chúng sanh nào cần thì các Ngài đến, không cần thì các Ngài đi. Vì thế trong lòng của các Ngài lúc nào cũng vui tươi, trẻ trung và thơ mộng, cho nên quan niệm mùa Xuân không phải chỉ có ba tháng, mà là mùa Xuân vĩnh cửu, với cái nhìn của một người đã thoát ra ngoài sự chi phối của thời gian.
Qua những hình ảnh của các vị Tổ Sư, và những bậc Thánh Tăng đã thể hiện rõ phong thái an nhiên trước sự vô thường của kiếp sống. Bài viết này với chủ đề: Mùa Xuân Trẻ & Tình Nồng là muốn giới thiệu đến đại chúng một trong những vị Thiền Sư được nhắc nhở nhiều nhất trong Thiền Học Việt Nam đó là Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà. Trúc Lâm Ðại Sĩ, là một vị Vua, là một vị Thiền Sư và cũng là Thiền Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Thiền Học Việt Nam. Xét trên bình diện Triết Học, Trúc Lâm Ðại Sĩ có một vị trí rất quan trọng. Ngài là một triết gia lớn của Phật Học Việt Nam và cũng là người có công đã phát triển nền triết học Phật Giáo Việt Nam thời Trần đến chỗ rực rỡ và thể hiện đầy đủ trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà là tinh thần thực tiễn. Cho đến ngày nay, mặc dù Trúc Lâm Ðại Sĩ Ngài đã trở về với hư vô, nhưng Am Ngọa Vân vẫn còn đó, núi Yên Tử vẫn còn đây. Và nhất là sự liễu ngộ của Ngài qua văn phong của bài thơ xá lợi:
          - Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa tung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Dịch:
- Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trãi giường thiền ngắm cánh hồng.
                                         Xuân Vãn
Khi còn niên thiếu, chưa tỏ lý Sắc, Không cho nên khi Xuân về, tâm cảnh của nhà Vua cũng xoay vần theo sự bừng nở của muôn hoa. Nhưng khi xuất gia, Ngài đã khám phá được chúa Xuân nên ung dung ngồi trên giường thiền ngắm từng cánh hoa hồng rụng. Ðây là sự tịch tĩnh của người tu đã biết nội dung của mùa Xuân tự tại. Hoa nở rồi tàn nhưng tự tánh của bông hoa không bao giờ tàn nở, cũng như sóng ngoài đại dương có chìm có nổi, có lớn có nhỏ nhưng bản chất nước biển chưa từng thay đổi bao giờ. Cái chơn thường không thay đổi, không sinh diệt ấy là bản tâm thanh tịnh sẵn đủ ở mọi chúng sanh, mà ở đây Ngài Điều Ngự Giác Hoàng gọi là Chúa Xuân, đó là những điều rất quan trọng mà chúng ta cần suy gẫm.
Dùng tư lương này chúng ta có thể áp dụng vào mọi thời gian trong cuộc đời như khi thân còn trẻ, khỏe là còn tuổi thanh xuân, nhưng nếu đã nhận ra mùa Xuân bất diệt, thì cho dù già yếu bệnh hoạn cũng vẫn là một chất xuân ấy. Gặp thuận hay nghịch cảnh đều khéo tùy duyên để tu để sống, nhiều lúc bệnh ngặt nghèo lại chính là cơ hội giúp ta tu hành đắc lực. Vì vậy, dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết thay đổi, nhưng trong tâm người đã thấu triệt ý nghĩa tu hành thì lúc nào cũng là xuân. Ðây là sự khác nhau giữa Xuân đời và Xuân đạo. Các Ngài tuy cũng đón xuân như mọi người thế tục, nhưng luôn hướng tâm đến chỗ không bao giờ biến dịch theo ý niệm thời gian, không gian, có và không ...
Như chúng ta đã biết, sau 14 năm làm vua, năm Quý Tỵ 1293, theo truyền thống của nhà Trần, Vua Nhân Tôn nhường ngôi cho con là Anh Tông rồi làm Thái Thượng Hoàng. Ở ngôi Thái Thượng Hoàng ngài chỉ dạy cho con được sáu năm thì ngài sắp đặt việc xuất gia. Tháng 10 năm Kỷ Hợi 1299 Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử, Ðông Triều, Quảng Ninh. Ở đây Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu Ðà. Sau đó ngài lập Chùa, cất tịnh xá, để tiếp độ chúng tăng, học tăng tới tham học rất đông. Ngài cũng đi khắp các nơi để truyền bá thiền tông, đồng thời cũng khuyên dân chúng dẹp bỏ những miếu thờ thần không chính đáng, và dạy dân chúng tu hành thập thiện. Từ đó trong nhân gian thấm nhuần pháp vũ của ngài.
Mặc dầu trong sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, nhưng đối với ngài lúc nào cũng có một phong thái thảnh thơi, thung dung tự tại trong rừng hoang cỏ nội, ung dung rảo gót lên vùng núi vắng, phóng tầm mắt nhìn cảnh sắc, nhìn trở lại nhân gian trong mùa Xuân rực rỡ. Trên núi Bải Đài, giữa cảnh trời mây non nước bao la, non xanh nước biếc, mây phong đỉnh núi, nước chảy xuôi dòng, Ngài cảm nhận nơi đây thiên nhiên vừa hiện thực, vừa kỳ ảo, vừa tĩnh lặng vừa biến động, vừa gần gũi vừa viễn mơ. Ngài trầm tư ngắm cảnh, cảm thấy tâm hồn thơ thới, nhẹ nhàng. Nơi đây không còn nhân ngã, thị phi, Ngài cảm tác bài thơ:
- Núi vắng đài thêm cổ
Ngày qua xuân chưa nồng
Gần xa mây núi ngất
Nắng rợp ngõ hoa thông
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa lan nâng ống sáo
Ðầy ngực ánh trăng lồng.
Theo tinh thần bài thơ nầy đã vẽ cho chúng ta một bức tranh xuân tuyệt mỹ và thanh nhã. Với nét đan thanh, Ngài đã vẽ nên một khoảng không gian bao la, bát ngát, từ cao đến thấp, từ xa đến gần, từ ngoại cảnh đến nội tâm đó đối chiếu cái to tát, hùng vĩ với cái vi tế, mỏng manh của vạn hữu. Nhưng dầu hùng vĩ hay mỏng manh, đều nằm trong nguyên lý Vạn Hữu Nhất Thể. Vạn hữu biến động, chân như vĩnh hằng. Với những hình ảnh tiêu biểu đầy ấn tượng, những mầu sắc tươi mát, thơ mộng gợi cảm như:
- Gần xa mây núi ngất
Nắng rợp ngõ hoa thông
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Dòng nước như dòng đời, chảy xuôi chớ không bao giờ chảy ngược. Người trẻ rồi già, cây non rồi cỗi. Người già cây cỗi rồi cũng chết, chết rồi lại tái sanh. Vạn hữu vận chuyển luân hồi không bao giờ mất, mà đó chỉ là sự kết hợp kỳ diệu của hữu và vô, của sắc và không, là sự thể hiện nhiệm màu của chân không diệu hữu:
- Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa lan nâng ống sáo
Ðầy ngực ánh trăng lồng.
Ðiều đó cho chúng ta thấy vạn vật theo thời gian mà biến đổi đó là luật biện chứng của lý vô thường, một trong Ba Pháp của đạo Phật, nhưng trong nhãn quang của Trúc Lâm Ðại Sĩ thời gian vẫn vô thủy vô chung, bao nhiêu xuân đã đến rồi đi, với thời gian vô tận đó nhưng xuân không bao giờ già. Ngày lại ngày tiếp nối nhau, nhưng ngày không bao giờ cũ. Nghĩa là Xuân vẫn trẻ và tình vẫn nồng. Ngày vẫn mới, đời vẫn đẹp. Dưới cái nhìn tỉnh thức của một con người liễu đạo, thiền sư cảm thấy tâm hồn mình thanh thoát an nhiên, tự tại, vạn sự vạn pháp, không còn gì đối đãi như dưới mắt phàm phu, thật là một bài thơ xuân trác tuyệt.
Chiêm nghiệm lại cuộc đời của chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn:
- Lúc còn trẻ là một ngời con hiếu thảo trong gia đình
- Lúc làm Vua thì là một ông Vua tốt lèo lái con thuyền quốc gia đến chỗ cực thịnh.
- Lúc đi tu thì tu hành rất cẩn mật
Qua ba giai đoạn trên, chúng ta thấy Ngài sống giai đoạn nào ra giai đoạn đó, vì thế trên đường đời Ngài thành công viên mãn của một con người nhập thế, và trên đường đạo thì đạo quả viên thành. Chính thái độ dứt khoát tích cực, nên lãnh vực nào Ngài cũng thành công. Ngài cũng hưởng dục lạc trong hoàng cung, cũng cầm binh khiển tướng ngoài trận, nếu nói hưởng thụ thì xa hoa hưởng thụ không ai bằng, hoặc như nói tội lỗi thì tội lỗi cũng rất nhiều trong khi chiến tranh chém giết ... Nhưng khi dứt khoát tiến tu thì cắt đứt mọi quá khứ, sống kham khổ tu hành. Với ý chí cương quyết đó chỉ trong vòng mười năm Ngài đã tiến đến chỗ sanh tử tự tại. Ðây là tấm gương sáng rỡ để nhắc nhở chúng ta, không sợ mình trước mê lầm tội lỗi, chỉ sợ xuất gia rồi mà thái độ mập mờ. Ngài là con người thấy được đạo lý và sống được đạo lý. Chúng ta đọc bài kệ kết thúc bài phú Cư Trần Lạc Ðạo thì sẽ rõ:
- Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơm tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là:
- Trong đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói đến thì ăn mệt nghỉ liền
Nhà mình báu sẳn thôi tìm kiếm,
Ðối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Nếu là một người trắng tay mà đi tu thì còn có thể nghĩ rằng đi tu vì thời thế, hoặc tu vì miếng cơm manh áo, nhưng địa vị của một ông Vua, sống trong cung vàng điện ngọc, lợi danh, tình ái cám dỗ mà nhà vua quyết tâm dứt bỏ mới thật là hay. Ðiều này nói lên sức mạnh phi thường của con người thoát tục.
Tâm lý người đời ưa chạy theo vật dục trần gian nên phải khổ sở gian truân. Nếu can đảm ném bỏ hết, vượt ra ngoài vòng trần lụy, quả là can đảm phi thường. Có thế mới buông thõng tay bước lên ngôi nhà Phật Tổ được. Nhưng phải mạnh dạn dứt khoát, một lần bỏ đi không thèm ngó lại, đó là thái độ của bậc:
- Điều ngự trượng phu.
Trái lại với tâm tình của một con người yểu yểu, xìu xìu, cắt không đứt, dứt không rời, bước tới một bước lùi hai bước, con người như vậy làm việc gì cũng thế, khó mà thành công. Trúc Lâm Ðại Sĩ cũng là con người như bao nhiêu con người khác, nhưng Ngài đã một đi không bao giờ trở lại, vì thế mà Ngài đã trở thành một con người hiếu thảo, một anh hùng của dân tộc, một bậc thầy của chúng sanh.
Noi theo tấm gương này, chúng ta phải cố gắng đi mãi trên con đường tươi đẹp đã chọn, dù phải vấp té trầy chân hay gặp những hòn sỏi phiến đá ngăn trở. Nhưng dù chướng ngại có khó khăn bao nhiêu cũng không ngăn cản được bước chân của những tâm hồn khoáng đạt, của những con người nguyện quyết tiến đến chỗ an lạc miên viễn mới thôi. Người tu là người thấy tương lai mình xán lạn vui tươi, chớ không phải càng tu rồi càng tối tăm đau khổ. Chính mỗi bước tiến trên con đường chân thiện mỹ, là mỗi bước chúng ta hướng về mục tiêu cao quý nhất, an lạc nhất của đời mình. Vì vậy khi nói đến xuân chúng ta cảm nhận một niềm vui tươi tràn đầy ở ngày mai:
- Số đời trong hơi thở
Biển bạc lòng người tham
Cung ma cai quản ngặt
Cõi Phật Xuân nào hơn.
Qua bài kệ tỉnh thức của Ðức Ðiều Ngự Giác Hoàng cho chúng ta thấy:
Hai câu đầu của bài kệ đánh thức mạnh mẽ để chúng ta biết rằng cuộc đời quá ngắn ngủi, không có gì quan trọng, không có gì đáng kể. Nhưng lòng tham của chúng ta quá lớn so với kiếp người ngắn ngủi của chúng ta:
- Cung ma cai quản ngặt,
Cõi Phật Xuân nào hơn.
Do thời tiết xoay vần nên có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Theo dòng thời gian, con người càng ngày càng tiến dần đến chỗ chết. Nhìn lại kiếp sống, đau khổ nhiều hơn lạc thú, danh vọng quyền thế hay bể ái sông yêu đều chỉ như mộng ảo, như bọt nước đầu ghềnh. Trong trường đời, nếu không có một chút tỉnh thức, không biết đẩy lui phiền não nghiệp chướng để nhận ra cái thường hằng, cái phi huyễn, thì dù muôn thuở lăn lóc trong ba nẻo sáu đường, cũng chỉ là bóng mờ hư ảo.  
Ðọc bài kệ này, những ai từng chịu nhiều vinh nhục thăng trầm trong cuộc sống sẽ vô cùng thấy thấm thía. Từ bao đời bao kiếp, con người vì vô minh nhận lầm cái giả cho là thật, nên suốt đời tận lực lo phục vụ cho cái thân tứ đại. Thậm chí nhiều khi dùng mọi mánh khóe mưu mô, chỉ cốt lợi mình không kể hại người. Nhưng khi có được một địa vị, một số tài sản nào đó, con người vẫn chưa thỏa mãn, trái lại còn mong được nhiều hơn nữa. Do vô minh nên tham đắm ngũ dục, nếu tham không được thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận, từ đó tạo nghiệp ác và bị đọa đày trong các khổ xứ. Ðó là bi kịch của kiếp người, bởi vì khi xuôi tay nhắm mắt, con người có mang được gì ngoài những nghiệp thiện ác từ thân, miệng, ý đã từng tạo khởi. Chiêm nghiệm kỹ điều này, chúng ta sẽ thấu hiểu lý vô thường của vũ trụ nhân sinh, từ đó tìm cho mình một lẽ sống có ý nghĩa.  
Một điều cần nhấn mạnh ở đây, cuộc đời tuy là vô thường huyễn mộng, nhưng chúng ta không phải vì vậy chán cuộc đời vô thường huyễn mộng. Sở dĩ gia công tu hành vì cốt tìm sự an lạc vĩnh cửu nơi trần thế. Bởi vì hoa sen không mọc lên từ đất sạch, mà nhờ bùn nhơ để tăng trưởng và cuối cùng nở hoa thơm ngát giữa cuộc đời. Cũng vậy, Bồ Đề Niết Bàn không tồn tại ở một cõi nào đó thanh tịnh xa xôi, mà ở ngay trong phiền não nhiễm ô của cuộc đời.
Như vậy, giải thoát sinh diệt không có nghĩa là trốn tránh trạng thái sinh diệt, mà ở nơi sinh diệt thấy được cái chưa từng sinh diệt, nơi ảo ảnh nhận được chỗ miên trường, nơi Ta Bà mà an lập Tịnh Độ. Ðây là tinh thần sống động tích cực của Ðại Thừa Phật Giáo, cho nên người tu vẫn tham gia vào mọi sinh hoạt lành mạnh của xã hội, vẫn thỏa mãn những nhu cầu bức thiết và chính đáng của bản thân, nghĩa là vẫn sống và làm việc bình thường, nhưng sống khế hợp với tự tánh, đó là tinh thần của Trúc Lâm Đại Sĩ.
Cả cuộc đời của đức Điều Ngự Giác Hoàng khi còn nhỏ trong gia đình thì Ngài là người con hiếu thảo nhất. Khi làm Vua thì Ngài thể hiện là một vị minh quân gương mẫu. Khi làm Thầy tu thì là một vị thầy tu đắc đạo tự tại. Tấm gương của Ngài Trúc Lâm Ðại Sĩ chỉ cho chúng ta thấy hai con đường. Nếu chúng ta đuổi theo danh lợi tài sắc, rồi tạo bao nhiêu nghiệp xấu ác thì chúng ta sẽ đi tới con đường tạo nghiệp. Có tạo nghiệp thì chắc chắn sẽ bị nghiệp trói buộc hành hạ, đó là cảnh khổ đau đen tối. Còn nếu trong cuộc sống ngắn ngủi này, chúng ta biết tu, biết hướng về đạo, đem hết tâm mình tiến đến chỗ giác ngộ thanh tịnh, đó là chúng ta trở về cõi Phật, tức là trở về mùa Xuân tươi đẹp không gì bì kịp. Vì thế Ngài Trúc Lâm Ðầu Ðà khuyên chúng ta phải nhờ hai con đường một bên là nghiệp xấu, cung ma đen tối đau khổ bị bức bách, một bên là cõi Phật an vui tự tại lúc nào cũng là Xuân.
Giữa hai con đường đó chúng ta phải chọn một để đi. Khi đã biết lựa chọn hướng đi rồi thì lúc đó trăm hoa đua nở, khi xuân đến chúng ta đều biết, nhưng chúng ta vui xuân trong sự tỉnh thức, không chạy theo ảo ảnh sinh diệt bên ngoài, trái lại còn thẩm sâu được, sống trọn vẹn được với chất xuân. Luôn an trú trong chánh niệm, đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ thấy quan niệm về thời gian và không gian chỉ là sản phẩm của vọng tưởng, chúng ta sẽ hiểu mùa xuân luôn luôn hiện hữu, không đi không đến bao giờ. Lúc ấy, chúng ta cũng đón xuân thế gian một cách tùy duyên tùy tục, vẫn nhịp nhàng với cuộc sống đời thường, nhưng trong từng giây phút chúng ta đều từng bước vững chãi và thảnh thơi trong thực tại nhiệm mầu.
Khi nào không còn mọi vọng tưởng đảo điên, mọi ý niệm lưỡng phân nhị nguyên thì ánh trực giác bừng lên từ cõi niềm sâu xa của tâm thức, lúc đó chúng ta sẽ nhận ra một cách thấu triệt thể tánh Không bình đẳng của vũ trụ vạn hữu. Lúc ấy, những ẩn mật và vi diệu từ vô thủy của cuộc sống sẽ phơi bày trọn vẹn, và chúng ta sẽ hài hòa cùng muôn pháp thành một thể nhất như. Ðây là thời điểm chúa Xuân hiển hiện, và từ đó, mùa Xuân sẽ tồn tại vĩnh viễn dù vũ trụ có chuyển biến đổi dời!
Nói tóm lại, trong không khí rộn ràng tưng bừng của những ngày đầu xuân, những người con Phật chúng ta nên xoay lại chính mình, bằng tinh thần phản quan tự kỷ, để nhận ra tâm xuân bất sanh bất diệt hằng hữu. Như thế chúng ta luôn sống được trọn vẹn với mùa xuân ấy, để đạt được niềm an lạc tự tại đối với sự vô thường sinh diệt của kiếp người. Ngay lúc đó chúng ta đã và đang đi trên con đường rộng thênh thang đẹp đẽ, tươi mát và an lạc, tức là con đường về cõi Phật.
Qua hình ảnh của Trúc Lâm Ðại Sĩ, cho chúng ta một bài học hết sức cao quý:
- Sống ngay trong trần tục mà khéo biết đạo vẫn thấy an vui. Duyên cảnh đổi thay tùy thời linh động, như đói thì ăn mệt thì nghỉ, đừng cố chấp, cứng nhắc mà tự khổ đau.
Phật đã sẵn nơi trong mọi người chúng ta, cho nên chúng ta khỏi phải nhọc nhằn sang đông tìm tây. Cái khôn ngoan khéo léo của chúng ta là cái đối cảnh tâm không động, chính nơi đây là đạo rồi. Người học đạo nhận thấy Phật đã sẵn nơi tâm mình, song muốn Phật hiện ra thì tâm đừng chạy theo cảnh. Ðây là lối tu thật đơn giản, thật cũ thế mà người đời không tin không thấy.
--o0o--