TẬP SAN DƯỢC SƯ

Từ Giây Phút Ban Đầu
Chơn Đức
--o0o--
 
Khái niệm về ngay từ lúc ban đầu, người Việt Nam chúng ta có câu rất hay:
- Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về
Bàn về câu:
- Dạy con từ thuở còn thơ
Lý do chúng ta phải dạy con từ lúc còn thơ, là vì lứa tuổi thơ dại, tâm hồn tựa như tờ giấy trắng, mà đã như tờ giấy trắng thì chúng ta muốn vẽ kiểu nào thì vẽ, muốn in như thế nào cũng đẹp cả. Tương tự như đứa trẻ, khi còn nhỏ không dạy để cho những thói hư tật xấu thâm nhiễm trong đầu óc, đến khi lớn rồi thì rất khó dạy, đây cũng chỉ là thường tình của thế gian.
Và câu:
- Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về
Người con gái lần đầu tiên về nhà chồng, mặc dầu có thể biết hết mọi thứ trăm phần trăm, nhưng cũng có thể xem như là một con người mới đang bước vào thế giới mới. Quả tình tâm trạng của những cô dâu mới về nhà chồng cũng tương tự một đứa bé sơ sinh, vì vậy người chồng phải hướng dẫn đúng mức thì mới tạo cho người vợ biết cái cung cách kính trên nhường dưới trong phạm vi của một gia đình mới....
Đó là nói về Từ Giây Phút Ban Đầu theo quan điểm trong gia đình. Còn ngoài xã hội, trong nguyên tắc xã giao làm ăn, khi chúng ta muốn cho mọi người tin theo chúng ta, thì ngay từ đầu câu chuyện, chúng ta phải tránh những ngôn từ khó hiểu, và đừng bao giờ nêu lên những quan điểm mà chúng ta và người đó bất đồng. Trái lại, chúng ta nên cố tâm gợi lên những vấn đề mà cả hai đều đồng ý. Phải ráng hết sức để chứng minh rằng cả hai bên đều muốn đạt mục đích giống nhau, nhưng chỉ có phương tiện đưa đến mục đích là hơi khác nhau thôi. Vì vậy chúng ta hãy ráng cố gắng làm cho người đó chấp nhận và đồng ý bằng sự xác định:
- Đúng, đúng, càng sớm càng tốt, càng nhiều càng hay.
Và nhớ là bao giờ cũng vậy, luôn luôn để cho người đó trả lời hết ý, và đừng bao giờ cướp lời của họ. Nghĩa là chúng ta phải tập ngồi lắng nghe để cho người kia nói thoải mái, nếu cần chúng ta cũng nên phụ họa theo, nhưng mục đích của chúng ta là dẫn dụ để họ đồng ý, và trả lời có theo với quan điểm của chúng ta. Tuyệt đối đừng bao giờ để cho người kia trả lời không, bởi vì theo kinh nghiệm trong cuốn thuật dẫn dụ cách cư xử của con người, giáo sư Overstreet nói:
          - Một câu trả lời không, là một trở ngại lớn khó vượt nổi.
Lý do vì khi một người nói không, thì tất cả lòng tự phụ của người đó bắt buộc họ giữ hoài thái độ đó, và tiếp tục nói:
- Không, không, không ...
Cho dù sau này, người kia có hiểu rằng câu trả lời không đó vô lý cũng mặc, người kia cũng không thể đổi ý được, đó là vì lòng tự ái của họ. Cho nên ngay từ đầu câu chuyện, chúng ta phải đưa người kia vào con đường có lợi cho chúng ta, con đường đồng ý với chúng ta. Điều đó là điều tối cần thiết. Bởi vì khi một người nói không một cách thành thật và quả quyết thì tiếng không đó không phải chỉ phát ở ngoài môi mà thôi, mà là cả cơ thể người đó. Những hạch những gân, những bắp thịt đều co cả lại trong một thái độ từ chối một cách dữ dội. Và chúng ta còn thấy được sự phản ứng, chống cự lại không chịu có thái độ bằng lòng hiện ra bên ngoài nữa. Trái lại, những câu trả lời: Có một khi đã phát ra rồi, thì cứ theo đà mà tiến đến mọi sự có khác. Vì khi một người nói có, cả cơ thể người đó đều duỗi thẳng ra một thái độ sẵn sàng tiếp đón, cho nên chúng ta càng làm cho nhiều người nói nhiều tiếng có bao nhiêu thì người đó càng thuận theo những đề nghị của chúng ta bấy nhiêu.
          Đặt câu hỏi bắt người ta trả lời là có thì rất dễ, vậy mà không biết bao nhiêu người không chịu làm theo như vậy. Có nhiều người cứ luôn luôn muốn cho mọi người biết mình là chủ, muốn cho mọi người biết mình là người có uy quyền, cho nên không cần để ý cũng không cần biết người kia nghĩ gì, và muốn gì. Có người còn tưởng rằng làm cho người khác nổi giận thì vai trò và con người quan trọng của chúng ta sẽ tăng thêm. Chúng ta hãy thử coi, nếu chúng ta là một con người ngoại giao, trong những cuộc hội nghị thương thuyết nào đó, nếu gặp phải những người không đồng chung quan điểm với chúng ta, mà chúng ta làm cho những người này nổi khùng lên, thì mục đích thương thuyết của chúng ta sẽ ra sao? Nếu chúng ta thích như vậy, thì đã là lý do khó có thể tha thứ được. Nhưng nếu chúng ta hy vọng dùng cách đó để được kết quả trong việc thương thuyết thì quả thật cơ hội thành công không có gì hết, lại càng không thể tha thứ được. Bởi vì chọc giận người khác trong lúc thương thuyết về chính sự quốc gia, hay mua bán, kể cả những việc quyết định quan trọng trong gia đình cũng vậy, là việc làm thiếu suy tư, và không biết gì về khoa tâm lý.
          Nếu chẳng may bắt đầu câu chuyện với một người bạn đã làm cho họ nói không, thì sau này muốn làm cho người đó đổi ý mà nói có, chúng ta phải dùng không biết bao nhiêu là khôn khéo và kiên tâm mới được. Thường thường con người ai cũng thích địa vị, danh vọng, nhất là khi mà chúng ta muốn cho mọi người biết chúng ta là chủ, vì vậy cũng có rất nhiều người thường thích cái giọng điệu trịch thượng, thích đưa tối hậu thơ, và rất hài lòng để tỏ rằng chúng ta là chủ. Để cho nó quan trọng hóa, chúng ta còn đề cập những điều lệ này, điều lệ nọ mà không cần biết thân chủ của chúng ta nghĩ sao, và chúng ta cũng quên rằng những người thân chủ đó họ có quyền được tiếp đón một cách niềm nở nhất, chiều chuộng nhất, vì họ là những người đã và đang ủng hộ việc làm của chúng ta. Ở đây chúng ta hãy lắng nghe ông James Emerson xử sự với một thân chủ của ông ta. Chính nhờ phưong pháp làm cho người ta gật đầu đó mà ông James Emerson, thủ quỹ tại một ngân hàng, làm cho ngân hàng đó khỏi mất một thân chủ. Theo lời thuật của ông James Emerson nói:
          - Một hôm có một ông khách đến ngân hàng để gởi tiền. Tôi đưa cho một ông ta một tờ giấy có in sẵn những câu hỏi để cho những khách hàng gởi tiền trong ngân hàng trả lời, thì ông khách này chỉ trả lời một vài câu thôi, rồi nhất định không trả lời những câu hỏi khác.
          Nếu không được học khoa tâm lý, thì chắc tôi đã nói với ông ta rằng:
          - Ông không chịu trả lời thì không thể nào chúng tôi nhận tiền của ông được.
           Nhưng ngày hôm đó, tôi quyết định hành động có lý trí hơn, tôi tránh không nghĩ tới những điều tôi muốn, mà để hết tâm tư vào những ý muốn của thân chủ, và trước hết phải làm sao cho họ nói:
- Phải, phải ngay từ đầu.
Cho nên tôi nói rằng những chi tiết mà ông ấy không chịu cho biết không cần thiết chi hết. Nhưng tôi tiếp:
- Thật ra những chi tiết đó đối với ngân hàng không cần thiết, tuy nhiên nếu không may có việc gì, ông thình lình lình quy tiên, thì chắc chắn ông cũng muốn cho số tiền ông gửi cho chúng tôi sẽ được chuyển giao cho một người bà con thân nhất nào mà ông muốn phải không?
          Ông ta đáp:
- Chắc chắn vậy.
James Emerson nói tiếp:
- Vậy ông nghĩ có nên cho chúng tôi biên thêm tên người bà con đó vào mẫu giấy này, để trong trường hợp không may có chuyện chi xảy ra, chúng tôi sẽ làm đúng theo ý ông muốn hay không ?
Điểm đó ông ta cũng trả lời có nữa. Rồi dần dần ông khách hàng khó tánh đó dịu giọng vì thấy rằng nhân viên ngân hàng hỏi những điều đó không phải vì tò mò mà vì cái lợi của thân chủ. Vì vậy không những ông khách hàng khó tính kia bằng lòng cho nhân viên ngân hàng những chi tiết mà ngàn hàng muốn biết, mà ông khách khó chịu đó còn nghe lời khuyên của ngân hàng, đồng thời giao phiếu khoán của ông cho ngân hàng quản lý.
Một trường hợp khác, cũng tương tự như vậy, vào cuối năm 1999 đến đầu năm 2000, nhất là những ngày tháng sắp bước sang năm 2000 có những xáo trộn đáng kể, nhất là hệ thống tiền tệ trong ngân hàng. Vì theo hệ thống computer cho hay là hai số không (00) dễ bị mất hồ sơ, có thể những dữ kiện gửi tiền vào, hoặc lấy tiền ra trong ngân hàng dễ bị thất lạc. Vì thế có rất nhiều người muốn rút tiền ra đem về nhà cho khỏi thất lạc. Theo một Phật Tử có làm trong ngân hàng kể chuyện, trong thời gian nóng sốt đó có hai ông bà cụ người Mỹ gốc Á Châu đến rút tiền ra để cất ở nhà vì sợ thất lạc. Số tiền mà ông bà cụ đó muốn lấy là 150,000.00 dollars. Lẽ tất nhiên đây là một số tiền lớn, cho nên nhân viên ngân hàng hỏi nhiều câu để làm thủ tục, và còn hẹn từ 5 đến 7 ngày sau đến ngân hàng để nhận tiền. Nghe nhân viên ngân hàng nói như vậy thì ông bà cụ ấy nổi giận la lối om sòm:
- Đồ ngốc, tiền của tôi, thì tôi cứ việc lấy bao nhiêu thì tôi lấy, và bất cứ lúc nào tôi muốn chứ tại sao lại hỏi han nhiều, và bắt điều kiện này, điều kiện nọ đủ thứ ...
Ông giám đốc ngân hàng nghe ồn ào như vậy, mới đến hỏi thăm và mời ông bà cụ vào văn phòng để nói chuyện. Sau khi nghe ông bà cụ khách hàng trình bày mọi việc, thì ông giám đốc đó vui vẻ nói:
- Đây là môt sự hiểu lầm đáng tiếc, và ông xin lỗi thay thế cho nhân viên.
Và ông nói tiếp:
- Tưởng việc gì chứ việc đó rất dễ, tôi sẽ hết lòng giải quyết cho ông.
Sau khi hứa hẹn sẽ giải quyết cho ông bà cụ, đột nhiên ông giám đốc hỏi:
- Thưa ông bà cụ, nếu ông bà có thể trả lời thì tôi xin hỏi một câu.
Ông bà cụ từ khi được ngồi nói chuyện với ông giám đốc, và được hứa hẹn là sẽ giúp đỡ tận tình để lấy hết tiền trong ngân hàng ra, cho nên tâm tình của ông bà cụ cũng thoải mái hơn trước, vì thế khi nghe ông giám đốc hỏi thì ông bà cụ trả lời không cần suy nghĩ:
- Được ông cứ hỏi.
Thấy thế ông giám đốc hỏi:
- Tôi thấy tuổi ông bà cụ cũng lớn, chắc có lẽ đây là số tiền mà ông bà cụ đã dành dụm trong những năm qua, để hưởng già phải không?
Ông bà cụ đáp:
- Quả nhiên ông đoán đúng.
Ông giám đốc nói tiếp:
- Có việc này tôi muốn chia sẻ với ông bà cụ. Thật ra số tiền 150,000.00 rất là lớn, hơn nữa ông bà cụ lại muốn lấy tiền mặt. Việc này đối với ngân hàng chúng tôi không có gì trở ngại cả, nhưng ông bà cụ phải biết, là ở đây tai mắt rất nhiều, nếu ông bà mang tiền mặt về nhà như vậy, lỡ không may có việc gì xảy ra giữa đường giữa xá thì làm sao? Đây là số tiền mà hai ông bà để dành dụm cả đời, trong khi mình không được hưởng lại nguy hiểm đến tính mạng nữa, ông bà nghĩ sao?
Suy nghĩ một lát bà cụ nói với ông cụ:
- Ông giám đốc nói phải. Tôi không muốn chết, ông có muốn chết không?
- Thì đúng, ông giám đốc nói phải. Tôi cũng không muốn chết.
Nghe hai ông bà nói vậy thì ông giám đốc đề nghị:
- Nếu hai ông bà cụ cũng thấy được sự nguy hiểm như vậy, và không muốn để tiền trong ngân hàng thì chúng tôi có thể làm một cái check. Trong đó có ghi rõ thời gian hết hạn cho ông bà cụ, như vậy bảo đảm cho số tài sản của hai ông bà. 
Lời đề nghị với sự giúp đỡ chân tình đó được hai ông bà cụ chấp thuận. Nghĩa là ngay từ giây phút ban đầu lúc mới gặp, ông giám đốc kia đã tạo một ấn tượng tốt, và làm cho ông bà cụ ấy cứ trả lời: Phải, phải ... ngay từ đầu, và quên mục đích cuối cùng của câu chuyện. Rốt cuộc, ông giám đốc ấy muốn biết điều gì, thì ông bà cụ cũng đều vui lòng cho biết hết.
Theo tài liệu trong ngành kinh doanh Hoa Kỳ có ghi rằng Ông Josesph Allison, đại lý cho công ty Westtinghouse, trải qua một thời gian lâu dài, ông Josesph ráng làm cho một hãng lớn nọ mua máy của công ty Westtinghouse. Sau mười ba năm gắng sức đi lại mời mọc, ông Josesph mới làm chuyển lòng được ông giám đốc kỹ thuật hãng đó, và ông mua giùm cho ông Josesph được vài cái máy. Theo dự kiến thì nếu những cái máy đó làm cho chủ hãng lớn kia vừa lòng thì ông sẽ đặt thêm 700 cái máy khác.
Theo ông Josesph cho biết là ông chắc chắn rằng máy của Công Ty Westtinghouse tốt hoàn toàn, cho nên ba tuần lễ sau, ông Josesph lại thăm ông giám đốc hãng lớn nọ, với nụ cười trên môi .... Nhưng nụ cười đó phải tan ngay... Đây là mẫu đối thọai của ông giám đốc hãng lớn nọ và ông Josesph Allison:
- Ông Allison à!, tôi không thể mua số máy còn lại được.
Ông Allison ngạc nhiên lắm, hỏi:
- Tại sao, tại sao vậy?
          Ông giám đốc hãng lớn nói:
- Vì nó nóng quá rờ vào cháy tay đi.
Ông Allison tự biết rằng cãi lý cũng vô ích, phương pháp đó chỉ có hại thôi. Cho nên ông Allison rán dùng phương pháp: Phải, phải và nói với ông chủ hãng lớn:
- Thưa ông Smith, tôi hoàn toàn đồng ý với ông, nếu những máy đó nóng quá thì ông không nên đặt mua thêm nữa. Phải dùng những máy có nhiệt độ không cao quá giới hạn mà hội chế tạo điện cụ đã định phải không ông?
Ông chủ hãng lớn nói:
- Ông nhận định đúng như vậy.
Thế là ông Allison đã nhận được một tiếng phải rồi, và Allison nói tiếp:
- Điều lệ của hội đó định rằng, một cái máy chế tạo theo phép không được có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trong xưởng quá 22 độ.
Ông chủ hãng lớn:
- Phải điều đó đúng, ông đã công nhận như vậy. Nhưng máy của ông nóng hơn vậy nhiều.
Ông Allison không cãi lời ông chủ hãng lớn, mà chỉ hỏi:
- Không biết nhiệt độ trong xưởng là bao nhiêu?
Ông chủ hãng lớn:
- Nhiệt độ trong xưởng ư? Khoảng chừng 24 độ chứ gì?
Ông Allison tiếp lời:
- Dạ, như vậy ông cộng 22 độ của cái máy và với 24 độ trong hãng, ông sẽ có được là 46 độ. Nếu để tay ông vô nước nóng 46 độ, ông có thấy tay muốn bỏng không?
Một lần nữa, ông chủ hãng lớn bắt buộc phải đáp phải.
Tôi ngọt ngào kết luận:
- Vậy tốt hơn là ông không nên rờ. 
Ông chủ hãng lớn chịu chấp nhận điều đó:
- Ông nói có lý
Thế là ông chủ lớn của hãng và ông Allison tiếp tục nói chuyện trong một lúc rồi ông chủ hãng gọi thư ký của ông, và đưa cho ông Allison một cái giấy đặt hàng 35,000.00 mỹ kim.
Đó là cách dẫn dụ người chấp nhận cái đúng ngay từ giây phút ban đầu của người Tây Phương, còn bây giờ theo tinh thần của Đông Phương, cũng trong tinh thần, và cái thuật đó mà Quan Tướng Quốc là Ấn Tử đã can gián được vua Tề khỏi tội bất nhân. Chuyện xưa có kể như thế này:
Vua Tề có một con ngựa quý, không may bị bệnh chết. Vua tức giận truyền lệnh phanh thây quan giữ ngựa. Quan Tướng Quốc Ấn Tử tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, Vua Nghiêu, Vua Thuấn lúc xử tội người phanh thây, không rõ các ngài bắt đầu từ đâu trước?
Vua Tề ngơ ngác, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi truyền giam tội phạm vào trong ngục.
Ấn Tử lại thưa:
- Tên tội đồ này chưa rõ tội trạng của nó, xin bên hạ cho phép thần kể tội để hắn khỏi kêu oan.
Vua Tề đáp phải. Quan Tướng Quốc Ấn Tử bảo Quan Giữ Ngựa:
- Nhà ngươi có ba tội đáng chết:
1- Đức Vua sai nuôi ngựa, nhưng ngươi để ngựa chết.
2- Con ngựa đã chết đó là một loài ngựa quý.
3- Do ngươi mà làm cho nhà Vua mang tiếng là vì một con ngựa mà giết chết một mạng người.
Tội trạng nhà ngươi như thế thật là đáng xử trảm. Chỉ hiềm vì nổi là ngươi chết thì nhà người đã yên thân, mà để lại cho thiên hạ vì lỗi lầm của nhà ngươi mà người đời khinh oán đức Vua. Vua Tề nghe đến đây ngậm ngùi than:
- Thôi, tha cho nó, kẻo ta mang tiếng bất nhơn.
Qua những sự kiện trên chúng ta thấy trong các ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ, người làm thương mại phải mất nhiều năm để đầu tư, không kể cả ngàn mỹ kim vào những vụ thất bại. Do những sự tổn thất nhiều như vậy, những nhà thương mại mới hiểu được rằng tranh biện hoàn toàn vô ích. Cho nên việc đứng vào lập trường của người khác mà dẫn dụ cho người ta, để cho họ chịu chấp nhận quan điểm của mình, và trả lời phải phải là cần thiết hơn hết. Như vậy ích lợi hơn nhiều. Cho nên Ông Krishnamurti cũng nói:
- Giữa các mối tương giao với người khác, chúng ta chỉ giữ lại sự tương giao nào có lợi cho chúng ta mà thôi.
Câu nói này mới nghe qua thì trái tai lắm, nhưng mà lại rất đúng. Bởi vì Vua Tề định phanh thây quan giữ ngựa vì ông ta không làm như ý, có thiệt hại cho nhà Vua. Đến khi nghe lời Quan Tướng Quốc Ấn Tử nói giết tên giữ ngựa lại làm thiệt uy danh của mình, vua mới chịu tha. Lời can của Quan Tướng Quốc Ấn Tử thật là khôn khéo, nhưng biết kềm chế được cái khí giận đang sôi sục, nuốt hờn mà tha thứ như Vua Tề cũng không phải là một chuyện dễ làm. Điều mà chúng ta thấy ở nơi Quan Tướng Quốc Ấn Tử là không bao giờ bảo Vua Tề sai, nhưng cách nói của Quan Tướng Quốc Ấn Tử làm cho Vua Tề chấp nhận cái sai của mình.
Cũng vậy, những ông giám đốc ngân hàng biết kiềm chế lòng tự tôn của mình, để giải quyết những tánh tình khó khăn của khách hàng cũng phải nói là cả một sự điêu luyện. Ở đây mặc dầu là thế gian pháp nhưng chúng ta thấy Socrate đã làm một việc mà ít người làm được từ xưa đến nay. Như chúng ta đã biết, ông Socrate đã lập ra một triết lý mới, và ngày nay 23 thế kỷ sau khi ông mất, ông còn được sùng bái là một nhà tâm lý sâu sắc nhất đã có ảnh hưởng lớn đến thế giới điên đảo của chúng ta ngày nay. Phương pháp của Socrate là không bao giờ nói với người láng giềng của ông rằng họ lầm. Những người khác thì có, nhưng tuyệt đối triết gia Socrate thì tuyệt nhiên không, ông không vụng dại như vậy. Tất cả những nghệ thuật của ông mà bây giờ người ta gọi là phương pháp Socrate là đặt những nghi vấn làm sao cho kẻ đối thủ chỉ có thể đáp có chứ không bao giờ trả lời không. Lần lần những câu đáp của người đó thành một chuỗi có, có, có ... Như vậy từ một câu hỏi bắt buộc phải đáp có, ông dẫn người đó đến một kết luận mà nếu đưa những vấn đề nầy ra ít phút trước, người kia sẽ cương quyết không bao giờ chấp nhận. Vì vậy nếu chúng ta có đắc chí tuyên bố rằng người hàng xóm của chúng ta lầm, thì chúng ta hãy nhớ tới triết gia Socrate, Quan Tướng Quốc Ấn Tử và đặc biệt là Đức Phật, thì chúng ta nên thực tập tâm hạnh khiêm tốn, và tìm một phương pháp để cho người kia trả lời chúng ta một câu đáp: Có hoặc là đáp phải.
Nói tóm lại, trên đây là những ý tưởng và những câu chuyện thuộc thế gian giới, nhưng Phật Pháp không lìa thế gian pháp, lìa thế gian pháp thì không khác nào người đi tìm lông rùa sừng thỏ sẽ không giờ có. Cho nên mặc dầu là thế gian pháp nhưng cũng đáng cho chúng ta suy gẫm, mà theo thuật ngữ của người học Phật chúng ta thường gọi là: Văn, Tư, và Tu. Theo chiều hướng Văn, Tư và Tu để thực tập, thì càng lúc chúng ta càng biểu lộ được đức khiêm cung, lắng nghe, cho nên Ngay Từ Giây Phút Ban Đầu, ở ngay từ đầu câu chuyện, chúng ta có thể làm cho người nghe phải được thoải mái và có cảm tình, thì chúng ta dễ dàng thành công trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
--o0o--