TẬP SAN DƯỢC SƯ

Y Chánh Trang Nghiêm
Nguyên Châu
--o0o--
 
Từ ngữ Y Chánh trong nhóm Y Chánh Trang Nghiêm là danh từ ghép của hai nhóm: Y Báo và Chánh Báo.
Như chúng ta đã biết, con người sanh ra đời nầy đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ nơi nhân mà đời trước của chúng ta đã tạo. Rồi tùy theo nghiệp dữ hay phước lành cảm ứng mà sanh ra để trả nghiệp hay hưởng phước báo. Nhưng cho dù là nghiệp dữ hay phước lành như thế nào đi nữa thì cũng đều nằm gọn trong hai phương diện, theo thuật ngữ Phật Giáo gọi là: Y Báo và Chánh Báo.  
- Y Báo:
Tức là quả báo, hoặc là phước báo phụ thuộc vào các điều kiện của xã hội như: Nhà cửa, làng xóm, đất nước, xã hội nơi chúng ta sanh ra.
- Chánh Báo
Hay còn gọi là chánh quả là phần thân thể ngũ uẩn của chúng ta, tốt hoặc xấu, yểu số hoặc thọ mệnh, thông minh hay ngu muội.
Theo quan niệm của thế gian, một người mà vừa giàu sang, vừa học giỏi, vừa đẹp đẽ, vừa mạnh khỏe, vừa may mắn ... Cầu con được con, cầu của được của, vạn sự như ý, tùy tâm mãn nguyện, thì thường được người đời khen tụng:
- Người này có phước quá!
Theo thuật ngữ Phật học thì gọi là
- Người nầy Y Chánh Trang Nghiêm
Nghĩa là:
Người nầy y báo và chánh báo đầy đủ, tốt đẹp.
Ngược lại, một con người thân thể tật nguyền, xấu xa, bệnh hoạn, làm chuyện gì cũng thua lỗ, tính toán việc gì cũng hỏng, muốn gì cũng không nên, cầu gì cũng chẳng được, tai họa xảy ra tới tấp, gặp xui xẻo liên miên! Cho nên người đời thường chê trách:
- Người này bạc phước quá!
Theo thuật ngữ Phật học thì gọi là:
- Người nầy Y Chánh không được sung mãn.
Cũng theo quan niệm thông thường người đời khi được may mắn, sung sướng, được những sự như ý, thì cho là có phước và nghĩ rằng, cho rằng:
- Mình có phước báu như vậy là do trời thương, trời ban cho mình!
Thực ra, không có ông trời, hay đấng tạo hóa toàn năng nào làm những chuyện bất công, thiên vị như vậy. Những phước báu chúng ta đã hưởng, đang hưởng, và sẽ hưởng, chính do chúng ta đã tạo trong nhiều kiếp trước hay ở ngay trong kiếp này. Ðối với những ai có tu học, và hiểu giáo lý thì sự kiện nầy rất rõ. Mặc dầu vậy cũng có nhiều người thắc mắc:
- Làm sao biết được chúng ta có phước? Và làm sao để chúng ta tạo phước?
1- Làm Sao Biết Có Phước
Thực ra trả lời câu hỏi này không khó, để kiểm chứng chúng ta có phước hay không có phước thì chúng ta nên thử tập cách so sánh, bằng cách nhìn lên và nhìn xuống. Nếu ngước nhìn lên chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người giàu sang hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minh hơn mình, sáng suốt hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người tu tập giác ngộ hơn mình, được an lạc và hạnh phúc hơn mình. Những người như vậy chính là những người có phước hơn mình.
Trái lại, khi nhìn xuống chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người nghèo hèn hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô thế hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người không được sống an lạc và hạnh phúc như mình. Những người như vậy chính là những người bạc phước hơn mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta được gọi là có phước, hay đang thọ hưởng phước báo, nếu như chúng ta có đủ tay chân, mắt mũi vẹn toàn, cơm ăn áo mặc, khỏe mạnh ít đau, sống lâu trăm tuổi, tâm trí bình thường, gia đình hạnh phúc, cuộc sống tương đối đầy đủ, cuộc đời tương đối bình yên, không gặp hoạn nạn, không gặp hiểm nguy, không gặp tai biến, không gặp chiến tranh, không gặp đói khát, không gặp kẻ thù, không gặp thiên tai, hỏa hoạn động đất... Ðể xác định ai là người có phước Thiền Sư Mã Tổ Ðạo Nhất có dạy ông Liêm Sứ ở Hồng Châu, nhân dịp ông này đến hỏi Thiền Sư Mã Tổ Ðạo Nhất như thế này:
- Bạch Hòa Thượng! Uống rượu, ăn thịt là nên hay không nên?
Mã Tổ Ðạo Nhất đáp:
- Uống rượu ăn thịt là cái lộc của ngài. Không uống rượu ăn thịt là cái phước của ngài!
Quả thật con người có đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống hiện tại là nhờ có tu nhân, nhưng nếu chúng ta có nhân lành mà không biết bồi dưỡng thêm, thì đến một lúc nào đó nhân lành khô kiệt thì chúng ta sẽ bị đọa lạc. Một trong số các nhân lành đó là:
- Không sát hại sinh mạng của chúng sanh là người có giữ giới. Nhân giữ giới mới có phước đức thiện duyên. Có phước mới hưởng lộc. Có phước mới trường thọ. Không phước thì không được hưởng lộc, không được trường thọ. Như vậy, chúng ta đã tạm hiểu thế nào là có phước. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu vấn đề thứ hai đó là:
2- Làm Sao Ðể Tạo Phước?
Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều phương cách, nhiều pháp môn, những hành động, những lời nói, hay những ý nghĩ lương thiện ... đều có thể tạo phước báu, tuy nhiên theo tinh thần thực tiễn của đạo Phật chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng ba yếu tố:
a- Bố Thí.
Hạnh bố thí là nền tảng của tất cả các hạnh lành, là căn bản của việc thực hành giáo pháp, luôn luôn được đề cập đến trong Phật giáo. Ðạo Phật dạy hạnh bố thí để giúp con người dẹp lòng tham lam, ham muốn, ích kỷ hẹp hòi. Trong sự tham lam đó bao gồm có: Tham tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ham ăn ham uống, ham ngủ ham nghỉ. Ðạo Phật dạy thực hành hạnh bố thí là để đem lại an lạc và hạnh phúc cho người đời, bởi vì với lòng tham ngũ dục:
- Tài, sắc, danh, ăn, ngủ,
Do vì năm dục cho nên con người trên thế gian phải đấu tranh, dành giựt, phải dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác, bất chấp sự an nguy của chính bản thân, với bất cứ giá nào cũng phải đoạt cho bằng được sự như ý! Không được thỏa mãn, thì con người dễ sanh lòng sân hận, từ lòng sân hận đâm ra thù đời ghét người, oán trời trách đất!
Hạnh bố thí giúp con người hiểu được ít nhiều sự an lành thiết thực của mọi người và của chính mình. Hiểu được giá trị của sự bố thí mới thấy được cái gì mình tiêu xài thì mất, và cái gì mình đang có chưa chắc giữ được lâu dài, nhưng chắc chắn rằng sẽ bỏ lại tất cả mọi thứ khi chúng ta qua đời. Chỉ có những gì chúng ta đã bố thí, đã cho ra, mới thực sự là của chúng ta, mới thực sự là phước báu, và sẽ đến với chúng ta qua các trạng thái trong cuộc sống như:
- Bình yên, may mắn, tai qua nạn khỏi, cầu gì được nấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Vì thế trong khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta cũng đừng nên thắc mắc:
- Nếu chúng ta quyên góp tiền bạc cho một người, hay một tổ chức nào đó, để làm việc từ thiện, nhưng họ không làm đúng như lời họ nói, thậm chí họ còn lợi dụng lòng tốt của nhiều người để tự lợi, làm việc sai trái, thì chúng ta có được phước báu hay không?
Câu trả lời rõ ràng lắm. Chúng ta là người tự nguyện, phát tâm tùy hỷ, đóng góp tịnh tài cho một việc từ thiện, cứu người giúp đời, với tâm vì người quên mình, không vì riêng tư cho bản thân, thì chúng ta đã có phước báu ngay từ lúc chúng ta phát tâm tùy hỷ. Còn chuyện người nào đó, chùa nào đó, tổ chức nào đó, có làm đúng hay không, thì tội nghiệp họ tạo, quả báo họ sẽ tự nhận. Nhân nào quả nấy. Chúng ta không cần phải bận tâm. Nếu muốn cẩn thận thì chúng ta nên đắn đo trước, là chúng ta tặng những gì đó cho người nào đó hoặc tổ chức nào đó có đúng nơi đúng chỗ, đúng lúc để khỏi hoang phí nguồn tài lực của chúng ta không thôi, nhưng nếu một khi chúng ta đã trao tặng cho nơi nào rồi thì không cần phải bận tâm nữa.
Hạnh bố thí dù là tài thí, pháp thí hay vô úy thí, đều đem lại phước báu vô lượng vô biên, nếu như chúng ta thực hành hạnh bố thí với thâm tâm, trực tâm và bồ đề tâm. Nghĩa là tạo được bao nhiêu phước báu do hạnh bố thí, chúng ta đều nên phát tâm hồi hướng cho toàn thể chúng sanh trong pháp giới đồng thọ hưởng. Có như thế, quả phước đức sau này, còn gọi là phước báo mới thực sự to lớn. Bởi vì chúng ta không giữ riêng cho mình, dù là phước báu do chính chúng ta tạo nên, như thế chính chúng ta đã diệt được lòng tham. Khi lòng tham đã diệt được, sự giải thoát mới hoàn toàn, phước báo mới vô cùng tận.
b- Trì Giới.
Trì giới là nghiêm chỉnh ăn ở theo đúng giới luật của một người Phật Tử, dù là cư sĩ tại gia, hay tu sĩ xuất gia. Nhờ đó, trong cuộc sống, chúng ta không làm tổn người, hại vật, trong khi tạo ích lợi cho mình. Ðó là cách tạo phước báu vô cùng vô tận, không thể nghĩ bàn.
Thí dụ như chúng ta giữ giới không nói dối, không nói lời xuyên tạc, thêm bớt, vu cáo, để buộc tội, vu oan cho kẻ khác phải chịu nhiều đau khổ, cho thỏa mãn lòng căm tức của chúng ta đối với người đó, dù cho đó là kẻ thù, hay kẻ mà chúng ta không ưa cũng vậy. Ðược như vậy, không cần đợi đến kiếp mai sau, mà ngay hiện tại, trên cuộc đời này, ở tại nơi đây, trong kiếp sống này, chúng ta có thể thọ hưởng phước báu của một nếp sống giới hạnh. Lợi ích của giới đức phát sanh ngay trong hiện tại. Hiện tại rất quan trọng đối với người biết sống trong tỉnh thức, biết quán sát nội tâm, biết giữ gìn giới hạnh. Quá khứ đã trôi qua, nhớ nhung tiếc nuối chỉ phí phạm thời giờ, chẳng những điên rồ, mà đôi khi còn tạo nghiệp xấu vì những chuyện tức giận, thù hận đã qua. Trong khi đó, tương lai chỉ là viễn ảnh mơ hồ, không có gì cố định, không có gì chắc chắn. Vì thế người nào hẹn đến khi có tuổi rồi mới tu, cũng là người đang sống trong mơ, đang trong cơn mê. Lý do đơn giản là đâu có ai biết được chắc chắn mình sống đến bao lâu? Trong khi đó, chúng ta có thể tạo phước báu bằng cách tu tâm dưỡng tánh, ngay hiện tại, trong cuộc sống hằng ngày, đừng đợi đến ngày nào cả. Tu tâm dưỡng tánh được ngày nào, chúng ta hưởng phước báu ngay ngày đó, biết như thế thì chúng ta không cần phải hẹn. Hơn nữa việc tu tâm dưỡng tánh là cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho bất cứ một ai. Ðó là lý do các bậc tôn túc thường nhắc nhở chúng ta:
- Tu mau kẻo trễ và tu trong mọi hoàn cảnh.
Những ai là người trì giới thanh tịnh, tu tập tinh tiến, thì kết quả rất rõ ràng: Bớt chuyện phiền não, khổ đau, sẽ được niết bàn, an lạc hạnh phúc, ngay tại hiện đời.
c- Nhẫn Nhịn
Có người cho rằng nếu nhịn được lần này thì người ta sẽ làm tới lần sau, nhịn hoài người ta cho là chúng ta ngu, cho nên chúng ta phải vùng lên bày tỏ thái độ, để cho người kia biết cái lợi hại của mình. Chính quan niệm như vậy khiến cho cuộc đời luôn luôn đầy dẫy những tranh chấp, cãi vã, hơn thua, kiện tụng, đấu tranh và từ đó dẫn đến phiền não và khổ đau. Thực ra, chính vì con người không thể thực hành được hạnh nhẫn nhịn cho nên mới có quan niệm như vậy. Người ta mắng mình một tiếng, mình trả một miếng, có khi nhiều hơn, thì dễ dàng quá. Người ta hành động không tốt, chúng ta liền trả đũa hết sức nặng nề cho hả giận, cho đã nư thì dễ dàng quá. Nhưng còn tiếp theo, sau đó thì sao? Câu chuyện như vậy, biết đến bao giờ mới được chấm dứt, và phải chấm dứt thế nào? Chúng ta phải tự hỏi: Người ta do vì vô minh mà vi phạm tội ác, trong khi đó chúng ta cần đã giận nên chỉ muốn trừng phạt, chửi mắng, tưng bừng tơi tả, thì hãy thử nghĩ:
- Ai ác hơn ai?
Người ta mắng một tiếng, nếu chúng ta nhịn được không trả miếng mới thực là khó. Người ta hành động không tốt, chúng ta không hành động giống y như vậy mới thực là khó. Hơn nữa, nếu người ta gặp khó khăn hoạn nạn, chúng ta sẵn sàng giúp, thực tâm thực tình, hết lòng hết dạ giúp đỡ lại càng khó hơn. Nếu làm được như vậy thì mọi chuyện sẽ bình yên tiếp theo sau đó. Chuyện thù oán chắc chắn sẽ chấm dứt một cách êm đẹp, nhẹ nhàng và dễ dàng. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
- Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là điều cao quí nhứt.
Nghĩa là:
- Tự kềm chế bản thân, tự kềm chế hành động, tự kềm chế ngôn ngữ, tự kềm chế ý nghĩ của chính mình, mới thực là khó.
Con người thường bị tâm tham lam, sân hận và si mê sai khiến, điều khiển, cho nên cuộc đời mới gặp nhiều phiền não và khổ đau. Khi tâm tham, tâm sân, tâm si khởi lên ... Ai là người tỉnh thức tự kềm chế được, tự hóa giải được, thì cuộc sống sẽ an lạc hạnh phúc. Chiến thắng được tâm tham lam, sân hận, si mê của chính mình, mới thực sự là có phước, mới thực sự an lạc và hạnh phúc. Quả thật như khi chiến thắng được tâm tham thì chúng ta:
- Không đi ăn trộm, không gạt gẫm người, thì chúng ta không gặp rắc rối với pháp luật.
Khi chiến thắng được tâm sân thì chúng ta:
- Không chửi mắng đánh đập, không trả thù người khác, không thưa gửi kiện tụng, không gây thêm phiền não, không tạo thêm kẻ thù, không tăng thêm nghiệp báo, không chuốc thêm oán hờn.., Lúc đó trong tâm tư chúng ta sẽ được thoải mái bình yên.
Khi chiến thắng được tâm si thì chúng ta:
- Không mê tín dị đoan, không tin chuyện huyễn hoặc không có căn cứ. Lúc đó chúng ta là con người được bình tĩnh, tâm trí sáng suốt.
Ðó là phước báu do chính mình tạo nên, không do thượng đế  ban, không có được do sự cầu nguyện. Cho nên đạo Phật dạy nhiều phương pháp để hàng phục và an trụ tâm, tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, sở thích, tâm nguyện của mỗi người, vì thế gọi là vô lượng pháp môn. Như pháp môn tịnh độ dạy chúng ta tụng kinh, niệm Phật để định tâm. Khi tụng kinh thân ngồi ngay ngắn, nghiêm trang, miệng đọc lời Phật dạy trong kinh, tâm chú ý vào lời kinh và tiếng chuông mõ, nên không còn nghĩ ngợi, tư tưởng không còn chạy lung tung nữa. Như vậy có nghĩa là tam nghiệp: Thân, miệng, ý của chúng ta đều được thanh tịnh. Cũng cùng mục đích tạo điều kiện cho thân, miệng, ý thanh tịnh, cho nên trong Luật Tỳ Ni cũng nhắc nhở chúng ta thường phải nhiếp tâm trong mọi cử động, tiêu biểu như lúc súc miệng:
- Thấu khẩu liên tâm tịnh
Vận thủy bá hoa hương
Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Ðồng Phật vãng tây phương.
Nghĩa là:
- Lấy nước rửa miệng
Cho tinh khiết như mùi thơm của trăm hoa
Khi ba nghiệp của chúng ta luôn luôn thanh tịnh,
Khi không còn tạo nghiệp nữa, thì phước báu vô lượng vô biên, chúng ta cùng chư Phật sống trong cõi tịnh độ tây phương.
Điều nên biết là không phải chúng ta tụng kinh để cho Ðức Phật nghe! Cũng không phải chúng ta niệm Phật để cho Ðức Phật tính sổ, mà mục đích chúng ta tụng kinh, niệm Phật là để hàng phục và an trụ tâm, chuyển hóa từ kẻ phàm phu tục tử, trầm luân đau khổ, thành người trí tuệ, giác ngộ giải thoát. Hàng phục và an trụ được tâm thì chúng ta mới có được cuộc sống phước báu, an lạc và hạnh phúc.
Cũng với mục đích hàng phục và an trụ được tâm, thiền tông dạy chúng ta:
- Tứ oai nghi thiền.
Nghĩa là:
- Trong bốn oai nghi, gồm có: đi, đứng, nằm, ngồi, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn luôn giữ gìn tâm được chánh niệm, không loạn tưởng, không tạp niệm, như vậy sẽ được chánh định. Cho nên mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên chúng ta liền biết ngay và dừng lại, để không bị luồng tư tưởng lăng xăng lộn xộn đó dẫn đi. Chỉ khi nào chúng ta giữ gìn tâm trí cho bình tĩnh, thản nhiên, thì chúng ta sẽ rất khỏe. Chuyện gì phải tới nó sẽ tới, lo sợ cũng không ngăn cản gì được. Tốt nhứt chúng ta đừng tạo thêm tội nghiệp mới, thì khỏi phải lo sợ quả báo, tội báo, nghiệp báo sẽ đến!
Cũng theo quan điểm của thiền tông, chúng ta ngồi thiền là để thúc liễm thân tâm, tức là dẹp trừ tạp niệm và vọng tưởng, với mục đích hàng phục và an trụ tâm. Hơn thế nữa, không phải chỉ có lúc ngồi thiền mới dẹp trừ tạp niệm và vọng tưởng, mà trong đời sống hằng ngày, lúc tiếp xúc với ngoại cảnh, lúc thấy hình sắc, lúc nghe âm thanh, lúc ngửi mùi, lúc nếm vị, lúc xúc chạm, chúng ta cũng phải luôn luôn giữ gìn tâm trí cho bình tĩnh thản nhiên, không xao xuyến, không loạn động thì vọng tưởng không sanh. Nếu trong tâm lỡ nổi loạn, tạp niệm khởi lên, chúng ta phải biết và dừng lại kịp thời, thì chính đó là thiền định. Và Thiền Tổ Thiền Phái Trúc Lâm cũng có dạy rằng:
- Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Từ bốn câu kệ ngắn này chúng ta thấy có một ý nghĩa hết sức là thâm thúy đó là:
- Sống trên đời, muốn được vui theo đạo lý, hãy đừng chấp chặt, tùy duyên hành sự, tùy hoàn cảnh mà ứng xử.
- Chẳng hạn như đói đến thì ăn, mệt thì ngủ.
- Chẳng có gì đòi hỏi, buồn lo, bận tâm. Trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng có của báu, đó chính là con người chân thật của chúng ta. Cho nên chẳng cần chạy vào chùa, hay lên non lên núi, tìm kiếm làm gì cho mất công, nhọc sức vô ích.
- Trong cuộc sống hiện nay, đối với các cảnh trần đời, chúng ta đừng khởi vọng tâm lăng xăng lộn xộn, thương thương ghét ghét, phải quấy thị phi, tranh đua hơn thua. Lúc đó, chính là lúc chúng ta đạt được thiền định, hiểu được và sống được với con người chân thật của chính mình. Ðó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều cơ hội, và có rất nhiều cách, cũng như có rất nhiều phương pháp, để cho chúng ta làm phước, tạo phước, kiếm phước. Dù là phước hữu lậu hay vô lậu, đều có công năng giúp con người có cuộc sống bình yên, ít đau khổ, bớt phiền não, để tiến tới chỗ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Bàn về phước hữu lậu và vô lậu:
a- Phước hữu lậu do những việc làm như: Tạo sự an vui thoải mái, có ích lợi cho người, giúp đỡ người lúc gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần. Phước hữu lậu có công năng đem lại sự may mắn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, bớt oan trái, giảm nghiệp báo. Người làm phước với ước mong được hưởng phước về sau, đó là phước hữu lậu.
b- Phước vô lậu do những việc làm có ích lợi cho người, nhưng đồng thời cũng chuyển hóa được con người chính mình, chẳng hạn như:
- Bố thí cúng dường,
- Tụng kinh niệm Phật,
- Tư duy thiền quán,
- Tu tâm dưỡng tánh.
Người làm phước với tâm không cầu mong được hưởng phước về sau, chỉ cố gắng tu học để tiến dần đến chỗ giác ngộ và giải thoát, đó là phước vô lậu. Trong lúc thực hiện hành động tạo phước, không nghĩ rằng mình đang làm phước, mà chỉ biết chúng ta giúp đỡ người khác vì tình thương, do lòng tốt tự nhiên, với tâm bất vụ lợi, vì người quên mình, đó là hành động tạo phước cao thượng nhứt. Bởi vậy cho nên, Ðức Phật dạy chúng ta khi làm phước, đừng mong cầu hưởng phước báo, mà nên nguyện được phước duyên, đời đời gặp Chánh Pháp, gặp thầy lành bạn tốt, giúp đỡ tu tập, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát mới thôi. Như vậy là chúng ta đã thực hiện được Y Báo và Chánh Báo tốt đẹp mà chúng ta gọi tắc là Y Chánh Trang Nghiêm.
Nói tóm lại, Y Báo Trang Nghiêm là từ ngữ chỉ những hành động, lời nói và ý nghĩ lành, đã tu phước lành từ nhiều đời nhiều kiếp cũng như tu tập giáo pháp giải thoát trong hiện tại, chẳng khác nào như chúng ta làm việc, kiếm tiền sinh sống, có dư dả thì để dành về sau. Chánh Báo Trang Nghiêm cũng là từ ngữ chỉ kết quả, kết quả này còn gọi là quả Chánh Giác, do nhân huân tập từ nhiều đời trước cũng như đời này. Nếu chúng ta chưa hội đủ duyên lành để thành chánh giác, mà còn phải sống lăn lóc trong cõi đời này để tu tạo thêm, thì phước báo sẽ đến với chúng ta qua các dạng: Khỏe mạnh, may mắn, bình yên, vui vẻ, hạnh phúc, giàu sang, sung sướng, nhàn nhã, trong cuộc đời hiện tại. Ðến một lúc nào đó phước báu đầy đủ thì quả Chánh Giác sẽ tròn đầy viên mãn, và tự mỗi người chúng ta kiến lập một nước theo tâm nguyện của chính mình như chúng ta thường nghe trong Kinh diễn tả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc là cảnh giới đầy đủ Y Báo và Chánh Báo, hay nói ngắn gọn là Y Chánh Trang Nghiêm.
--o0o--