|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
An Lạc Trong Đau Khổ
-
Trúc Giao
-
--o0o--
-
-
Là Phật Tử Chùa
Dược Sư, cứ mỗi tháng chúng ta đều có thứ Bảy tuần lễ Thứ Hai thực
tập Quán Niệm và Thứ Bảy tuần lễ thứ tư thực tập Thiền Quy Hướng
Tịnh Độ, trong ngày thực tập Thiền Quy Hướng Tịnh Độ đại đa số
thời giờ chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Do vậy, nếu đứng
trên phương diện khích lệ chúng ta thấy đại chúng càng lúc càng
tươi mát và tăng tiến thêm trên phương diện tu tập.
-
Trong những năm
gần đây, tình hình chung trên thế giới càng ngày càng phát sinh
nhiều sự đối nghịch, do vậy mà đời sống con người ở những vùng thù
nghịch đó đau khổ mỗi lúc mỗi nhiều thêm hơn. Theo thời gian,
những sự đối nghịch này trở nên nghiêm trọng, đau khổ và thường
xuyên hơn. Có người hỏi:
-
- Tâm đại từ đại
bi của chư Phật, chư Bồ Tát, và chư tôn thiền đức là thường hay
giúp chúng sinh đau khổ. Như vậy tình hình đối nghịch của xã hội
như hiện nay, chư tôn thiền đức, chư Bồ Tát, chư Phật có hoan hỷ
giúp không? Và nếu giúp thì giúp bằng cách nào.
-
Như chúng ta đã
biết, hạnh nguyện của chư Phật và chư Bồ Tát, chư tôn thiền đức
lúc nào cũng cứu khổ ban vui, cho nên câu trả lời chắc chắn là
hoan hỷ, có. Và các Ngài có rất nhiều phương pháp để hướng dẫn
chúng ta thoát khổ, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân đã
và đang sống trong những vùng thù nghịch đó có muốn lắng nghe và
thực hành hay không, đó là một vấn đề khác nữa. Theo ý của một số
chư tôn đức thì có rất nhiều phương pháp, nhưng phương pháp hữu
hiệu nhất để vô hiệu hóa sự thù nghịch lẫn nhau, trước hết là:
-
- Chúng ta phải
giải trừ tham, sân, si để tâm trí không mê muội nữa, thì sẽ chuyển
thù thành bạn.
-
Và kế đến là các
ngài cũng dạy chúng ta hiểu biết về luật nhân quả, để có thể chấp
nhận được cuộc sống hiện tại, và sống an lạc trong cuộc đời đau
khổ như vậy. Nói về nhân quả, trước hết chúng ta phải biết về
nguyên nhân của sự khổ. Là con người, chúng ta phải chịu khổ về
các khía cạnh:
-
- Sinh
-
- Già,
-
- Bệnh,
-
- Chết.
-
- Không đạt được
những gì mình mong muốn;
-
- Phải chia ly
với những người thương yêu,
-
- Phải sống
chung đụng với những người mình ghét.
-
- Khổ vì năm ấm
không dung hòa nhau.
-
Chúng ta bị vây
bủa bởi tất cả những sự đau khổ này mà không biết cách nào để
thoát ra. Như vậy nếu biết kiểm soát hoàn cảnh, thì chúng ta có
thể biết được phần nào những ảnh hưởng tới nghiệp quả của mình. Vì
thế trong đời sống hằng ngày chúng ta cần phải tạo nghiệp tốt để
được hưởng quả tốt. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu rõ rằng đời sống hạnh
phúc chính là nghiệp quả tốt phát sinh từ nhân duyên tốt, và đó là
cách thoát khỏi đau khổ để được sống trong an lạc.
-
Ngày nay, khi
chứng kiến những đau khổ ở xung quanh chúng ta, nhiều người trong
chúng ta có thể cảm thấy sức nặng của nghiệp xấu. Những nghiệp xấu
này đã phát sinh từ những tâm tư ích kỷ và hành vi sai lầm của
mình. Chúng ta chỉ biết làm hại người khác để làm lợi cho mình.
Vậy con đường duy nhất để chúng ta có thể giải trừ nghiệp xấu và
tránh tạo thêm nghiệp xấu đó là:
-
- Chúng ta phải
thực hành những lời dạy của Ðức Phật, không lợi dụng người khác để
làm lợi cho mình, mà chúng ta phải ra sức giúp đỡ người khác và
làm lợi ích cho xã hội.
-
Ða số trong
chúng ta, đều có ý muốn hơn thua với người khác, cả những con vật
và những đồ vật chúng ta cũng đều muốn làm chủ nó nữa. Vì thế nếu
biết buông bỏ sự chấp thủ này, chúng ta sẽ có sự giải thoát. Những
người giải thoát giác ngộ, là những người có đời sống an nhiên tự
tại, vì họ đã làm tròn nhiệm vụ hướng dẫn và giáo dục chúng sinh
bằng cách giải thích cho mọi người biết về chân lý của đời sống và
vũ trụ, về luật nhân quả, để mọi người biết rằng mỗi hành vi thân,
miệng, ý đều có hậu quả của nó.
-
Mọi người chúng
ta đều tự quyết định làm điều tốt hay điều xấu, và do đó chúng ta
sẽ nhận lãnh quả tốt hay quả xấu. Giáo lý của Đạo Phật chỉ giáo
dục chúng ta theo nhân duyên, phần còn lại thì để cho chúng ta tự
quyết định là sẽ tạo nghiệp tốt hay xấu. Đối với người Phật Tử
chúng ta học và thực hành theo chân đức Phật, lẽ tất nhiên tâm của
chúng ta sẽ thực tập trụ trong an tĩnh, nhờ vậy mà chúng ta có
được chút ít tịnh tâm, và trí huệ, từ đó chúng ta có thể giao tiếp
một cách có hiệu quả với con người và sự vật. Cách thực hành như
vậy sẽ mang lại lợi ích, vì chúng ta sẽ không những giải trừ được
đau khổ hiện tại của mình, mà còn có thể giải trừ được những
nghiệp xấu đã tích lũy từ vô số kiếp trước.
-
Sự an lạc, hạnh
phúc đích thực là như vậy, nhưng trong cuộc đời không có được bao
nhiêu người nhận ra sự lợi ích đích thực này. Lý do đơn giản là vì
chúng ta bị nghiệp xấu ngăn che, cho nên không thể trông thấy điều
hay lẽ phải ở trước mắt. Mặc dầu nhiều người Phật Tử được chư tôn
đức liên tục nhắc nhở qua các đối tượng như những tranh và tượng
chư Phật, Bồ Tát, với những câu kinh mà chúng ta tụng niệm, và với
những bài thuyết pháp mà chúng ta đã nghe, nhưng chúng ta vẫn
không thể ứng dụng giáo lý trong đời sống hằng ngày, cho nên đau
khổ vẫn cứ mãi đau khổ.
-
Tình trạng này
chúng ta không nên đổ lỗi cho chư Phật, Bồ Tát, là đã không giúp
đỡ. Sự thật là các ngài luôn luôn giúp đỡ, nhưng chúng ta không để
ý tới. Bởi vì lúc nào chư tôn đức cũng thường nhắc nhở:
-
- Ðược sinh ra
làm người có khả năng nghe Giáo Pháp là một cơ hội rất hiếm có, cơ
hội đó chỉ có một lần trong hằng triệu triệu kiếp sống của chúng
ta.
-
Quả thật, được
gặp Giáo Pháp là một điều hiếm có, chúng ta sẽ thiệt hại lớn nếu
để lỡ cơ hội quý báu này. Do vậy chúng ta cần phải suy ngẫm và sám
hối những lỗi lầm của mình để có thể giải trừ phiền não và những
thói quen phàm tục, tức là đã giải trừ được nghiệp xấu. Chúng ta
có thể giải trừ những nghiệp xấu này bằng cách sám hối những lỗi
lầm của mình và phát nguyện không tái phạm. Việc tu tập hằng ngày
sẽ giúp chúng ta giảm bớt nghiệp xấu. Nhưng nhớ là chúng ta cần
phải tu tập ở giữa xã hội chứ không xa lánh xã hội. Chúng ta có
thể chọn một pháp tu nào đó trong số tám mươi bốn ngàn pháp môn mà
Ðức Phật đã dạy. Một trong vô số pháp môn thường được chư tôn đức
nhắc nhở nhiều đó là pháp môn Nhị Lực:
-
- Tụng Kinh,
niệm Phật, thiền tọa và thiền hành.
-
Pháp môn Nhị Lực
là một pháp môn tiện lợi, đơn giản, và hiệu quả nhất, vì tự thân
pháp môn này đã có sức mạnh cần thiết để giải trừ mọi phiền não và
ác nghiệp của chúng ta. Có người hỏi rằng:
-
- Bạch Thầy,
theo lời Thầy dạy, con vẫn cứ luôn tụng Kinh, niệm Phật và thiền
tọa hằng ngày, nhưng tại sao con chưa thấy có kết quả gì cả.
-
Chúng ta phải
biết rằng, từ xưa đến nay đã có nhiều người thực hành pháp môn Nhị
Lực và đã có người đạt kết quả đáng kể, và đã thành công trong
việc giải trừ nghiệp xấu của họ. Cho nên nếu chúng ta không thấy
có kết quả, thì chúng ta phải xét lại, vì có thể là sự hành trì
hằng ngày của chúng ta không đúng với lời hướng dẫn của Ðức Phật.
Nói cách khác, chúng ta đã không làm những gì được khuyên phải
làm, mà chúng ta lại làm những gì được khuyên không nên làm. Thí
dụ:
-
- Chúng ta được
khuyên là phải nên tạo cơ hội để hiểu nhau, để có thể thương yêu
và chung sống với nhau trong hòa bình và hạnh phúc.
-
Lời khuyên là
như vậy, nhưng chúng ta không làm, trong khi đó ai cũng cứ đem cái
kỳ cục của mình ra để trên bàn, còn tự thị khoe khoan là cái kỳ
cục của tui còn to hơn của cô/anh/chị chớ không nhỏ đâu, đừng có
lên mặt ba gai ..... Lý do đó mà chúng ta không có hạnh phúc an
lạc là như vậy.
-
Điều tốt hơn
hết là nên làm theo lời dạy của Ðức Phật để giảm bớt nghiệp xấu.
Cho nên việc tụng niệm, tu tập hằng ngày, và mục tiêu của chúng ta
phải phù hợp với giáo lý. Việc tụng kinh là nhắc nhở chúng ta về
những giáo lý, và nhắc nhở chúng ta phải làm theo giáo lý để tu
sửa bản thân. Do vậy yếu tố cần phải có trong mỗi người là:
-
- Tâm chân thực,
-
- Thanh tịnh,
-
- Bình đẳng,
-
- Từ bi, và giác
ngộ.
-
Với tâm trí như
vậy thì chúng ta mới có thể giải quyết được mọi vấn đề, vốn không
thể được giải quyết bằng hơn thua, ích kỷ hẹp hòi. Những vấn đề
này chỉ có thể được giải quyết trong tinh thần hòa hiếu và lòng từ
bi đối với toàn thể chúng sinh, các loài sinh linh cũng như những
vật bất động. Nhưng trước hết là chúng ta cần phải buông bỏ ý muốn
điều khiển người khác, vì khi một con người muốn điều khiển một
con người, thì chỉ đào thêm hố sâu ngăn cách. Không ai có thể thực
sự kiểm soát được ai cả, điều này lịch sử đã cho chúng ta nhiều
thí dụ về những cường quốc dùng võ lực để kiểm soát một quốc gia
khác chẳng hạn: Thành Cát Tư Hãn xâm chiếm từ Trung Đông đến bờ
biển Thái Bình Dương, Hitler xâm chiếm Âu Châu, Nhật Bản xâm lăng
Trung Hoa, người Nga ở Afganistan, và người Mỹ ở Việt Nam; tất cả
đều đã mang lại khổ đau khốn cùng cho người bị trị và kẻ được trị.
-
Khác hẳn với
pháp thế gian, đó là việc truyền bá giáo pháp của Phật giáo ở khắp
nơi trên thế giới của đệ tử Đức Phật. Đoàn thể thanh tịnh này đến
đâu đều tổ chức những buổi giảng pháp, những khóa tu học, phân
phối miễn phí băng ghi âm, và sách để khuyên mọi người làm điều
tốt. Kết quả là nhiều người được nghe giáo lý của Ðức Phật, và trở
thành những con người lương thiện. Tuy nhiên đoàn thể này đã không
phải tốn kém nhiều để đạt được loại kết quả này. Trong khi đó có
các cường quốc phải chi tiêu những món tiền lớn để sản xuất những
loại vũ khí tối tân cho chiến tranh, như thế chỉ tạo thêm những
nghi kỵ và hận thù nhiều hơn. Ðáng ra họ có thể dùng tiền đó để
giúp đỡ những người nghèo đói, và như vậy họ sẽ có hòa bình và dễ
thu phục được lòng mọi người. Họ cũng có thể dùng tiền để giáo dục
người dân cho họ biết tự túc, và nên quan tâm tới những nhu cầu
cấp thiết an lạc và hạnh phúc cho con người nhiều hơn, thế thì còn
gì hay bằng. Nếu làm được như vậy thì trong đời sống hằng ngày,
trong bất cứ công việc gì của cũng có tính chất lợi ích và hiền
từ. Ðây là cách tốt nhất để gây ảnh hưởng tới người khác với lòng
từ bi. Việc dùng võ lực để giải quyết vấn đề không chỉ tạo thêm
thù hận, mà lại còn mang lại quả xấu phải đọa vào địa ngục trong
đời kiếp nào đó. Trong khi đó việc hành xử phù hợp với Giáo Pháp
chắc chắn sẽ làm cho tâm trí của chúng ta được chuyển hóa, và con
người càng thân cân cận với con người nhiều hơn. Sự vật là đối
tượng phản chiếu của tâm trí, vì vậy khi chuyển được tâm trí là
chúng ta có thể chuyển hóa được hoàn cảnh. Cho nên khi sống theo
giáo pháp giải thoát thì ý nghĩ của chúng ta sẽ thay đổi, và hành
vi của chúng ta cũng sẽ trở nên đúng đắn.
-
Chúng ta nên
buông bỏ tính vị kỷ, và nghĩ đến việc làm lợi ích cho người khác.
Tâm lý thông thường, chúng ta chỉ quan tâm tới bản thân, chỉ nghĩ
tới việc bảo vệ quyền lợi của chính mình, của đoàn thể mình, hay
của nước mình. Lối nghĩ như vậy đã đưa tới sự tranh chấp giữa mọi
người, sự kình chống giữa những đoàn thể, và chiến tranh giữa các
quốc gia. Hậu quả là mọi bên đều bị thiệt hại về nhân mạng, tiền
bạc, tài sản, và chủ quyền quốc gia. Sự kình chống giữa cá nhân
thì tình thân hữu, chị em hay anh em và hòa bình bị phá vỡ, hơn
thế nữa khi đã tạo thành môi trường kình chống nhau, là chúng ta
đã hoàn toàn thiếu quan tâm tới vạn vật trong môi trường tự nhiên,
vì vậy môi trường sống của chúng ta cũng sẽ bị hủy diệt. Chính
chúng ta sẽ phải chịu hậu quả của sự vô tâm và thiếu từ bi này.
-
Tất cả vạn vật
đều có sự tương quan tương duyên chặt chẽ với nhau. Muôn loài vạn
vật, kể cả chúng ta, đều sinh ra từ nhân duyên, vì vậy làm hại
người khác hay vật khác thì chính là chúng ta đang làm hại chính
mình. Chỉ khi nào hiểu rõ điều này thì chúng ta mới có thể giải
quyết được những vấn đề của con người, xã hội và thế giới. Nguyên
nhân của mọi tranh chấp và tai họa đều xuất phát từ tính vị kỷ,
chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, của nhóm hay của nước mình.
Cho nên nếu giải quyết được tính tình vị kỷ thì chúng ta cũng sẽ
giải quyết được tất cả những vấn đề khác.
-
Khi chúng ta
thực hành buông bỏ tánh vị kỷ với hành vi đúng đắn, chúng ta sẽ
thấy ác nghiệp sẽ giảm bớt và nghiệp tốt gia tăng. Kết quả là sự
đau khổ của chúng ta sẽ giảm thiểu, hay có thể được giải trừ hoàn
toàn. Nói cách khác, hoàn cảnh của chúng ta sẽ được thay đổi một
cách thuận lợi. Trong khi đó nếu để cho một ý nghĩ xấu không bình
đẳng xuất hiện, thì chúng ta đã và đang làm cho một tình trạng
thuận lợi trở thành tình trạng bất lợi. Và khi một ý nghĩ tham,
sân, hay si sanh khởi thì đời sống hằng ngày của chúng ta sẽ trở
nên bất ổn và rối loạn. Như thế trong lúc một ý nghĩ bình đẳng
xuất hiện thì khi đó cõi Phật hiển lộ tức khắc. Tương tự như vậy,
khi chúng ta có một ý nghĩ về Bồ Tát đạo thì cõi Bồ Tát sẽ xuất
hiện ngay lúc đó. Một ý nghĩ thanh tịnh sanh khởi thì đời sống của
chúng ta sẽ trở thành Cõi Tịnh Tây Phương.
-
Ðời người ngắn
ngủi, nhưng chúng ta đã rất may mắn được sinh ra làm người, lại có
khả năng nghe giáo lý của Ðức Phật, có khả năng hiểu một chút về
chân lý thâm diệu trong giáo lý đó. Luật nhân quả là thường tồn và
không bao giờ thay đổi. Chúng ta gieo giống nào thì gặt giống đó,
tạo nghiệp tốt thì được hưởng quả tốt, tạo nghiệp xấu thì sẽ lãnh
quả xấu. Do vậy như nhân đem niềm vui đến cho người, thì chúng ta
sẽ được hạnh phúc, và tạo sự khổ đau cho người thì chúng ta sẽ
chịu bất hạnh. Ðó là quy luật của ngàn đời, ngay cả Chư Phật, Bồ
Tát cũng không thể thay đổi được luật nhân quả này.
-
Tuy nhiên, đối
với những nghiệp xấu mà chúng ta đã tạo, chúng ta có thể học cách
sửa đổi nhân duyên trước khi chúng kết thành quả. Chúng ta cần
phải tránh và dứt khoát không bao giờ tạo thêm nghiệp ác, và nên
tinh tấn tạo thiện nghiệp. Chúng ta lại còn phải tránh những điều
kiện xấu ... Trong một số trường hợp, việc này có thể làm giảm hay
giải trừ quả xấu. Như vậy, chúng ta có thể kiểm soát nghiệp quả
của mình, chuyển hoá hoàn cảnh và đổi hướng trong đời sống, để
được thuận lợi hơn.
-
Hiện tại, mỗi
lúc chúng ta lại nghe nói nhiều hơn về những lời tiên tri, báo
trước những tai họa và cả tận thế ... Những lời tiên tri này cũng
nói rằng người ta có thể giảm bớt, hoặc chậm lại, hay cả giải trừ
những tai họa này nếu biết tu sửa để trở thành người tốt, biết làm
lợi ích cho người khác mà không nên vị kỷ. Nếu không biết, quay
lưng trở lại với điều tốt thì người ta sẽ khó tránh khỏi tai họa.
Ðức Phật nói rằng có ba tai họa lớn và ba tai họa nhỏ trong thế
gian này. Ba tai họa lớn đó là:
-
- Lửa, nước và
gió.
-
Ba tai họa nhỏ
là:
-
- Chiến tranh,
bệnh dịch và đói khát.
-
Bàn về sự tác
hại của ba tai họa này, theo Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:
-
- Đại họa lửa có
thể đốt cháy cõi Thiền Thiên thứ nhất, một trong hai mươi tám cõi
trời, và là cõi cao nhất mà lửa có thể tới được. Lửa sẽ phát sinh
từ bên trong chúng ta khi tâm ganh tị và sân hận với nhau. Và tất
nhiên cõi Thiền Thiên thứ nhất cũng phải chịu tai họa lửa, nơi
chúng ta có thể thấy rằng những sinh linh ở cõi trời này vẫn chưa
giải trừ được tính nóng giận. Họ đã tu tập bốn tâm vô lượng từ,
bi, hỷ, xả nhưng chưa tận diệt được sân hận, vì vậy họ vẫn có thể
bị nạn lửa tiêu diệt.
-
- Trong khi đó
các chúng sanh trong cõi Thiền Thiên thứ nhì đã hoàn toàn giải trừ
được tính sân hận của họ vì họ không có một ý nghĩ sân hận nào cả.
Vì vậy cõi trời này sẽ không phải chịu nạn lửa, nhưng họ vẫn phải
chịu nạn nước, là tai họa có thể làm chìm đắm cõi trời này. Do vì
tính tham dục mà ra.
-
- Chúng sinh ở
cõi Thiền Thiên thứ ba đạt trạng thái thiền định sâu hơn chúng
sinh ở hai cõi trời thứ nhất và thứ nhì, vì vậy họ không phải chịu
nạn lửa hay nạn nước, nhưng họ vẫn có thể phải chịu nạn gió, là
tai họa từ gốc rễ của là si mê.
-
- Cõi Thiền
Thiên thứ tư không có những tai họa lửa, nước hay gió, vì vậy cõi
này được gọi là cõi trời phúc lạc. Chúng sinh ở cõi này có phúc
lạc lớn nhất trong sáu cõi.
-
Nếu chúng ta là
những sanh loại trong các cõi trời này, muốn tránh hay được miễn
những tai họa này, thì chúng ta phải trừ bỏ tính tham dục, sân
hận, si mê, cũng như tính kiêu ngạo của mình. Cho dù là tu hành,
chúng ta cũng không nên có cảm giác tham muốn giáo lý thế gian hay
giáo lý của Ðức Phật. Vì một chút cảm giác tham muốn cũng là
chướng ngại trong việc đoạn lìa tâm tham dục, và giải trừ mọi tai
họa, trong khi thế giới đang phải chịu những tai họa mỗi lúc mỗi
nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Theo trong kinh Ðức Phật cũng đã
nói rằng thế gian sẽ bị hủy diệt một phần từ ba tai họa nhỏ đó là:
-
- Chiến tranh,
bệnh tật, và nạn đói.
-
Ngài cũng nói
rằng sẽ có một trận chiến tranh kéo dài bảy ngày và bảy đêm. Sau
cùng là nạn đói kéo dài bảy năm, bảy tháng, và bảy ngày. Trước
đây, người ta khó có thể tưởng tượng một trận chiến tranh chỉ kéo
dài bảy ngày mà lại gây ra hậu quả tàn khốc lớn như vậy, nhưng khi
kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến bằng hai quả bom nguyên tử tại hai thành
phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản thì con người hiểu ra rằng
Ðức Phật đã nói tới chiến tranh hạt nhân. Ở Nagasaki nhiều người
sống sót sau vụ nổ nhưng lại bị nhiễm phóng xạ và nhiều người
trong số họ đã chết trong một thời gian ngắn sau đó. Sự kiện này
có thể được coi là một bệnh dịch. Và bệnh do phóng xạ gây ra được
diễn biến một cách âm thầm. Bạch cầu trong máu bị hủy diệt dần dần
rồi sau đó nạn nhân bị xuất huyết không thể cứu chữa được, và sau
cùng là tử vong. Những người nào vẫn còn sống ít nhất là bảy tháng
sau vụ nổ sẽ được coi là đã thoát được hiệu ứng tức khắc của bom
nguyên tử. Mấy năm sau vụ nổ cây cỏ không mọc nổi. Tất cả đều khô
cằn. Cây cỏ chỉ bắt đầu mọc trở lại khoảng tám năm sau khi hai quả
bom rơi xuống. Như Ðức Phật đã nói:
-
- Đất không mọc
gì cả trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Trong khoảng thời gian
này, tất cả sẽ phải chịu nạn đói.
-
Như vậy, chúng
ta thấy rằng sự hủy diệt một phần trong thế giới mà Ðức Phật đã
nói chính là hậu quả của chiến tranh hạt nhân.
-
Ngày nay, các
nước trên thế giới đều đua nhau chế tạo nhiều vũ khí hạt nhân hơn,
và càng khó kiểm soát hơn. Không ai biết là việc kiểm soát này còn
được duy trì bao lâu nữa. Phải thành thật mà nói, chỉ có một cách
độc nhất để đạt được sự kiểm soát thực sự võ khí hạt nhân, đó là
khuyến khích và giúp con người hiểu là cần phải ngăn ngừa những
tai họa do con người tạo ra. Do vậy khi nhìn vào tình trạng của
thế giới hiện nay một cách khách quan, thì chúng ta sẽ thấy là rất
khó tránh được tai họa đã và đang bị đe dọa này. Cũng từ đây, nếu
xảy ra chiến tranh lúc này thì nhiều nhân mạng trên thế giới sẽ bị
tiêu diệt rất nhiều.
-
Như chúng ta đã
biết rằng thế giới đang phải chịu một tai họa lớn, mà ngay cả chư
Phật, Bồ Tát và các vị Thần, Thánh cũng không thể cứu được. Cách
duy nhất để giúp chúng ta thoát khỏi tai họa này, đó là tìm vào
thế giới an tịnh của chư Phật. Muốn được như vậy, chúng ta cần
phải chấm dứt việc tạo nhữngÕác nghiệp qua thân, khẩu và ý. Song
song với việc tạo tác nghiệp ác từ nơi thân miệng ý, chúng ta cần
phải tích lũy nghiệp tốt bằng cách trừ bỏ mọi ý nghĩ vị kỷ, luôn
luôn nghĩ tới việc làm lợi ích cho người khác, không nghĩ tới
quyền lợi của mình mà chỉ giúp đỡ người khác. Như vậy chúng ta sẽ
không tạo nghiệp xấu nữa và sẽ chỉ tích lũy nghiệp tốt, còn nếu
chỉ nghĩ đến bản thân thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi tai họa đang
tiến tới cuộc sống của chúng ta trong thế giới ngày nay.
-
Hiện nay trong
số những người trong cộng đồng nhân loại vẫn còn sân hận, si mê,
vẫn có khuynh hướng bạo động, và vẫn còn tranh chấp không biết
khoan dung tha thứ nhau. Số người đó vẫn có vẻ nhất quyết đi về và
lôi kéo nhau về hướng vực thẳm của đau khổ. Những người còn có
hành động thù nghịch như vậy tại vì tâm ích kỷ và tà kiến chưa
đoạn diệt. Lý do đơn giản là tại vì họ không có khả năng quan tâm
tới người khác. Họ không thể hiểu được rằng mọi sự vật đều phát
sinh từ chính tâm của họ. Họ không biết rằng mỗi ý nghĩ thù địch
của họ có ảnh hưởng nguy hiểm tới môi trường sống chung quanh con
người.
-
Là người học
Phật, muốn có an lạc trong cuộc đời này chúng ta phải hiểu sự nguy
hiểm của tâm tình bạo động. Do vậy chúng ta cần phải bỏ tính vị kỷ
và cần phải hiểu rằng vũ trụ là quê nhà của chúng ta, đồng thời
chúng ta và vũ trụ vạn vật là một thực thể độc nhất. Mỗi người
chúng ta có cùng giác tánh như chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta, chúng
sanh, và chư Phật, Bồ Tát chỉ khác nhau ở chỗ các ngài là những
người đã giác ngộ, còn chúng ta, và chúng sanh chưa giác ngộ. Vì
là chưa giác ngộ cho nên cứ lẫn quẩn trong sanh tử luân hồi để làm
cha làm mẹ làm con làm cái của nhau trong quá khứ. Tuy nhiên tất
cả chúng sanh đều sẽ thành Phật trong tương lai, cho nên chúng ta
không nên sát hại chúng sanh mà còn phải tôn trọng mỗi mỗi sinh
mạng của chúng sinh. Chỉ cần hiểu chân lý này, và mở rộng tâm trí
là chúng ta sẽ thấy rằng dù thuộc chủng tộc nào, tôn giáo nào, nền
văn hóa nào, tất cả mọi người đều có liên quan mật thiết với nhau:
-
- Tất cả chúng
sanh đều có Phật Tánh.
-
Vì thế cho nên:
-
- Phải đối xử và
coi nhau như anh em một nhà.
-
Khi hiểu biết
như vậy thì những sự phân biệt, hiểu lầm, và tranh chấp giữa mọi
người sẽ tự nhiên giảm, hoặc không còn nữa. Được như vậy thì loài
người trước hết sẽ tránh được những tai họa do chính mình tạo ra,
và sau đó là những tai họa được coi là tự nhiên cũng sẽ không còn.
Vì là hoàn cảnh thay đổi theo tâm trí, cho nên khi tâm trí của
chúng ta an lạc và từ bi, thì môi trường sống của chúng ta sẽ trở
nên yên ổn và hòa bình.
-
Trong Kinh A Di
Đà có đề cập đến Tây Phương Tịnh Ðộ. Cũng theo như trong Kinh A Di
Đà nói rằng, cảnh giới này chỉ có những người đạo hạnh sâu dày mới
được sống ở cõi đó. Từ ý nghĩa này chúng ta có thể hiểu, khung
cảnh kỳ diệu của cõi tịnh Tây Phương chính là hình ảnh phản chiếu
của đức hạnh và tâm trí của chúng ta trong cuộc sống hiện thực.
Ngược lại với Tịnh Độ là Ta Bà hay còn gọi là cõi đời Ác Năm
Trược. Sở dĩ gọi là Ta Bà hay còn gọi là cõi đời Ác Năm Trược bởi
vì môi trường sống của chúng ta đã và đang bị ô nhiễm, sự kiện này
là hậu quả của ý nghĩ và hành vi xấu của loài người chúng ta. Ðể
có thể cứu vãn tình thế, chúng ta cần phải dùng trí huệ để giúp
những người còn mê muội thực tập đạo tỉnh thức, càng nhiều bao
nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng làm sao chúng ta có thể mang giáo dục
đến cho nhiều người để làm thay đổi tình trạng của xã hội hiện
nay, đó là những ưu tư của những người học Phật chúng ta. Tất
nhiên chúng ta sẽ làm điều này bằng cách tận dụng tất cả các
phương tiện, kể cả phương tiện khoa học kỹ thuật mà chúng ta đang
có, để mang những điều hiểu biết tốt lành của chúng ta đến với mọi
người. Hiện tại vẫn chưa quá trễ để chuyển hóa thế giới của chúng
ta. Nếu tất cả mọi người trên toàn thế giới đều biết tu tập mỗi
ngày, thì trong vòng một vài năm trái đất sẽ trở lại trạng thái
bình thường. Những thiên tai sẽ tự nhiên chấm dứt. Đời sống của
con người là hình ảnh phản chiếu của tâm trí chúng ta, vì vậy nếu
có thêm nhiều người biết nghĩ đến người khác, có ước nguyện sống
trong hòa bình, thì môi trường sống của chúng ta sẽ trở nên tốt
đẹp không khó.
-
Trong chiều
hướng này, nhiều Thầy cô trẻ và các cư sĩ nhiệt tình đã lên đường,
do vậy mà nhiều nơi trên thế giới, nơi nào cũng có Chùa, nơi nào
có phật tử thì nơi đó có những chương trình giảng dạy Phật Pháp.
Nhiều nước ảnh hưởng Phật Giáo đều đã có những chương trình truyền
hình trong việc giảng dạy. Ở Ðài Loan có ba hay bốn giờ diễn
thuyết được phát sóng trên truyền hình mỗi ngày. Tại Hoa Kỳ, trong
hệ thống Paltalk gần như lúc nào cũng có sự giảng dạy của các
Thầy, có thể là các Thầy giảng trực tiếp hoặc có thể là mở băng
giảng của các bậc tôn đức nổi tiếng cho mọi người nghe. Trong
tương lai, nếu có nhiều thính giả hơn, có lẽ chuơng trình sẽ tăng
giờ thuyết giảng nhiều hơn, và có thể cũng sẽ tăng số ngôn ngữ của
những bài pháp luận nữa, vì hiện nay đa số đều được thuyết giảng
bằng tiếng Việt. Trên khắp thế giới, những người nào có máy vi
tính đều có thể nhận được những bài giảng trực tuyến này. Chúng ta
dùng Internet để truyền thông với nhau, và có thể trả lời những
câu hỏi trong những chương trình được phát năm hoặc bảy ngày mỗi
tuần. Những việc này cần phải được thực hiện rộng rãi để mọi người
trên toàn thế giới có thể sửa đổi bản thân và trở nên tốt hơn.
Bằng cách này, chúng ta có thể đóng góp vào việc giải cứu thế giới
của chúng ta.
-
Việc mọi người
trên khắp thế giới đều có thể nghe thuyết pháp, đó là phương diện
lý thuyết, nhưng chúng ta cũng cần phải thực hành. Như có lần đã
nói, pháp môn hay nhất và thích hợp nhất vẫn là pháp môn:
-
- Tụng Kinh,
Niệm Phật, Thiền và kinh hành.
-
Lý do nói pháp
môn niệm Phật, thiền tọa và kinh hành thích hợp bởi vì một chúng
sanh, khi chưa thành Phật, Bồ Tát, chúng ta vẫn còn có những ý
nghĩ phân biệt, xao động, sân hận, chấp thủ, vẫn còn tham, sân, si
và kiêu ngạo. Từ sự bất hòa trong gia đình cho tới sự tranh chấp
giữa các quốc gia, rồi dẫn tới sự hỗn loạn của thế giới. Những ý
nghĩ xấu này sẽ gây ra tai họa lớn cho loài người nếu chúng ta
không tìm cách để hóa giải chúng. Vậy thì bây giờ chúng ta chỉ cần
niệm:
-
- Nam Mô A Di Ðà
Phật.
-
Là mọi việc đều
tự nhiên tiêu. Khi niệm Phật tự nó làm cho tâm trí chúng ta trở về
với sự thanh tịnh, bình đẳng, thức tỉnh, và an lạc. Khi tâm trí an
tĩnh thì ngoại cảnh cũng phản chiếu trên sự an tịnh đó. Ý nghĩ của
chúng ta tạo ra những làn sóng, hay còn gọi là sự rung động. Sự
rung động của ý nghĩ không phải chỉ truyền tới những cá nhân khác
mà còn có sức mạnh hóa giải những làn sóng ý nghĩ rối loạn phát ra
từ những cảm xúc tham, sân, si và kiêu ngạo của họ.
-
Vậy nguyên tắc
và nền móng của pháp môn tụng kinh, niệm Phật và thiền hành là sự
phát ra những làn sóng ý nghĩ tốt. Hơn nữa, mục đích của pháp Tụng
Kinh, niệm Phật và Thiền tọa và thiền hành không những chỉ là vãng
sinh Tịnh Ðộ mà còn là gạn lọc những ý nghĩ xấu của chúng ta và
những người khác. Ðức Phật đã biết về nhu cầu hiện tại của chúng
ta, và ngài đã dạy chúng ta cách sống an lạc trong trong khổ, cách
thay đổi số phận của chính mình và người khác nữa qua những câu
kinh, tiếng niệm Phật.
-
Khi đã biết diệu
lực của của pháp môn Nhị Lực và thực hành thì chúng ta có thể thực
hành ở ngoài trời, bất kỳ nơi đâu hay trong điện Phật, khi đó quý
Thầy sẽ dùng khánh, mõ hoặc nhạc cụ hướng dẫn mọi người. Nếu không
có thời giờ hay ở xa chùa, thì chúng ta có thể mở máy niệm Phật và
niệm theo ở nhà. Trong lúc làm việc cũng có thể niệm Phật, khi đi
khi đứng khi làm, bất kỳ chúng ta làm gì, và bất kỳ nơi đâu đều có
thể tùy duyên thực hành: Tụng Kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh
hành. Đó là cách an lạc trong bận rộn hay an lạc trong đau khổ. Cứ
thực hành như vậy cho tới khi mọi ý nghĩ và hành động đều hướng về
Phật A Di Ðà.
-
Nói tóm lại,
không cần phải là tín đồ Phật giáo mới có thể nhận được lợi ích
của pháp niệm Phật, thiền tọa và thiền hành mà là bất cứ ai cũng
có khả năng nhận được lợi ích của pháp môn Nhị Lực này, miễn là
những ai có tâm hồn tu tập và phụng sự. Chúng ta không thể biết
khi nào có thể nhận được lợi ích của pháp môn Nhị Lực, vì kết quả
nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự hành trì của mỗi người. Để trợ
duyên cho việc thực hành dẫn chúng ta về hướng chánh niệm, để sống
cuộc đời an lạc trong mọi hoàn cảnh khổ đau của kiếp người, là
Phật Tử chúng ta cũng nên thường xuyên tham gia các khoá tu học,
thường xuyên về Chùa khi có cơ hội thì tốt hơn. Bởi vì mỗi khi
bước chân vào Chùa chúng ta sẽ trông thấy tôn tượng của chư Phật,
chư Bồ Tát là những tượng trưng cho chân tính của chúng ta. Tùy
theo cách thờ phượng của mỗi Chùa. Có chùa thờ đức Phật A Di Đà ở
giữa, Đức Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí hai bên. Đức Phật A Di
Đà tượng trưng cho tánh thanh tịnh. Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng
lòng từ bi. Bồ Tát Ðại Thế Chí tượng trưng trí huệ. Từ bi và trí
huệ là hai phẩm tính giúp chúng ta tu tập để khám phá chân tính
của mình, nhắc nhở chúng ta có lòng từ bi với người khác. Lúc nào
cũng có sự tư duy chân chánh, không bị lôi cuốn theo cảm xúc nhất
thời. Cách thờ phượng khác như đức Phật Thích Ca, Đức Văn Thù, và
Phổ Hiền Bồ Tát. Phật Thích Ca tượng trưng cho chân tánh liên tục
của chúng ta, Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ, và Bồ Tát
Phổ Hiền tượng trưng cho đại nguyện. Trí tuệ và đại nguyện cũng là
hai phẩm tính giúp cho tâm chúng ta vững vàng tu tập để thành tựu
tâm nguyện cứu thế độ đời, để tất cả mọi người cùng sống an vui
hạnh phúc bên nhau. Có được như thế thì cho dù cảnh đời có đau
khổ, cay đắng, nghiệt ngã đến đâu đi nữa thì niềm hạnh phúc và an
lạc cũng vẫn luôn luôn tồn tại trong tâm tư của người con Phật.
--o0o--
|
|