|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Chế Ngự Sự Yếu Đuối
-
-
Nguyên Hải
-
--o0o--
-
-
Tuy con người là một sinh loại thông minh nhất trong các sinh
loại, nhưng cũng là một sinh loại yếu đuối nhất về mọi mặt, nhất
là phương diện tình cảm. Vì thế mà con người dễ bị cuốn hút vào
cơn xoáy của tình cảm, nhưng tình cảm cũng là yếu tố duy nhất để
có một cuộc sống an lạc, trong cuộc đời cũng như trên đường đạo.
-
Vì tình cảm là loại yếu tố cần thiết trong cuộc sống của con
người, cho nên nhiều khi chúng ta bị tình cảm làm lung lạc và mất
hết lý trí, hay còn gọi là thất niệm. Do vì thất niệm cho nên
những sai trái lầm lạc, tạo tội nghiệp xảy ra cũng nhiều. Trong
mỗi con người chúng ta ai cũng có những đức tính xấu như thế. Trái
ngược lại với thất niệm là chánh niệm là vô tâm, trái ngược với
định tâm hay sự tự tại là sự bất ổn tình cảm, trong khi vô tham và
vô sân thì trái ngược với tham và sân. Phát triển những đức tính
tốt tức là vô tham, vô sân, thiền định, định tâm, vì thế chúng ta
phải biết làm cho những đức tính này đủ mạnh để có thể chế ngự sự
yếu đuối thường có khuynh hướng cản trở chúng ta. Chúng ta càng
bồi dưỡng sự thánh thiện, tinh xảo, thì các yếu tố uế nhiễm, xấu
xa càng khó phát khởi, cho đến một ngày nào đó, chúng ta không còn
phải đối phó với chúng, nhưng lúc đó nội tâm chúng ta vẫn an bình,
thanh tịnh sạch sẽ. Bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu thêm về:
Chánh niệm, vô sân, vô tham, định ..
-
1- Chánh Niệm
-
Chúng ta bắt đầu với chánh niệm, vì chánh niệm luôn đứng trước
tiên trong bất cứ sự thực hành nào. Không có chánh niệm sẽ không
thể học hỏi được gì, lại càng không thể nào tự hiểu mình. Tất cả
chúng ta đều sử dụng chánh niệm trong những sinh hoạt hằng ngày:
Như nấu cơm, quét nhà, rửa chén... Ở sở làm, chúng ta cũng cần có
chánh niệm mới có thể hoàn thành công việc của mình tốt đẹp, vì
nếu không ta sẽ khó giữ được việc làm.
-
Chánh niệm là yếu tố rất cần thiết, không thể thiếu trong cuộc
sống. Chúng ta bắt buộc phải sử dụng nó vì không còn cách nào khác
nữa. Chúng ta sử dụng nó cùng với một mục đích như khi ta làm việc
chính là để sinh tồn. Tuy nhiên, sự chánh niệm này chỉ có thể biến
thành một sức mạnh tinh thần, nếu như chúng ta áp dụng nó ngay
trên bản thân mình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách quán sát bản
thân một cách khách quan, bằng cách đó để có thể hiểu được bản
thân và dựa vào đó để thay đổi cho tốt hơn. Chúng ta cần thường
xuyên chánh niệm về môi trường xung quanh để biết chuyện gì đang
xảy ra quanh chúng ta, nhưng không phải để chỉ trích hay phán
đoán, vì tính phán đoán là một trạng thái tâm không lương thiện,
có tác động tai hại. Một người thường hay phán đoán, thì cả khi
thế giới quanh ta trở thành đối tượng của sự chú tâm của chúng ta.
Có nhiều trường hợp, trong đó chúng ta có khuynh hướng phản ứng
lại những gì một người nào đó đã nói, thì với chánh niệm có thể
chuyển hướng bằng cách cho chúng ta một cái nhìn sáng suốt hơn về
mọi sự việc.
-
Chánh niệm khiến chúng ta nhận thức được rằng chúng không đem lại
lợi ích gì cho ta. Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được các trạng
thái tình cảm, các đối tượng suy tư, và cho phép chúng ta chuyển
hóa các tình cảm tiêu cực thành tích cực. Đặc biệt trong những
trường hợp khi chúng ta có thể cảm nhận được các trạng thái tình
cảm trước khi chúng ta bị dính mắc vào đó. Vì một khi đã vướng vào
các trạng thái tiêu cực, thì sự tháo gỡ ra sẽ khó khăn hơn nhiều.
Điều quan trọng là phải thường xuyên mang chánh niệm soi đến các
trạng thái tình cảm của mình. Một trạng thái u buồn thường khiến
chúng ta tô lên mọi thứ một màu đen, ngược lại một trạng thái vui
vẻ, dễ chịu lại thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta. Dĩ nhiên
đây là cách người ta tạo ra những cái nhìn khác nhau về sự vật.
Chúng ta thường hoang mang khi người khác không nhìn thấy vấn đề
giống như chúng ta nghĩ, rồi kết luận rằng họ không biết phân
biệt, kém thông minh, trong khi thật ra là do trạng thái tình cảm
của họ đã khiến họ phản ứng khác chúng ta.
-
Điều quan trọng nhất trong công phu tu tập là chánh niệm về thân,
bao gồm ý thức về các oai nghi và chuyển động của thân, tức là:
-
- Đi
-
- Đứng
-
- Nằm
-
- Ngồi...
-
Chúng ta cũng dễ thực hành điều này vì thân thì rõ ràng, xúc chạm
được, trong khi các trạng thái tình cảm và quá trình tư duy thì
không thể nắm bắt, và chỉ có thể kinh nghiệm được khi chúng đã xảy
ra trong tâm. Chánh niệm về thân là cần thiết để sinh tồn, nhưng
đôi khi một vài chuyển động vô thức thông thường có thể bộc lộ khá
nhiều về chúng ta. Do vậy nếu chúng ta có thể quán sát cẩn thận
thì khi chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi như thế nào là chúng ta bắt
đầu nhận biết về các ngôn ngữ của thân, và cách nó biểu lộ tư
tưởng, tình cảm và khiến chúng ta trở nên khéo léo tế nhị hơn.
-
Lý do thường nhất để chánh niệm về thân trong những sinh hoạt hằng
ngày là để ta tránh đứt tay té ngã, hay đụng đầu. Nếu không cần
phải lo về những tai nạn này, thì chúng ta sẽ không chú tâm, cho
đến khi tai nạn xảy ra khiến ta phải ân hận sau này.
-
Đức Phật luôn đặt chánh niệm ở trọng tâm của con đường hành đạo,
vì nhờ có chánh niệm mới có thể hiểu được bản thân và thế giới một
cách chính xác. Với công phu tu tập chánh niệm, chúng ta có thể
nhận ra rằng trong thực tế, tất cả chúng ta đều tương quan liên hệ
lẫn nhau, hợp thành một tổng thể mà chúng ta không thể có cách nào
hiện hữu khác hơn. Qua chánh niệm chúng ta biết rằng thân và tâm
có thể gây nhiều khó khăn cho chúng ta, và điều đó không ngoại lệ
cho chúng sanh nào. Như thế chúng ta sẽ củng cố thêm tình đoàn kết
với tất cả chúng sanh, là một điều rất quan trọng trong việc làm
giảm bớt khó khăn, cho nên chúng ta không còn sợ hãi vì cô đơn yếu
đuối.
-
2- Vô Sân
-
Vô sân cũng coi là một căn bản đáng kể hỗ trợ cho con người dũng
cảm, và cũng là yếu tố cần thiết cho đời sống đạo. Không ai nghi
ngờ về sự có mặt của các đức tính này, nhưng một số người nghĩ
rằng sân là một phản ứng hợp lý đối với những điều bất như ý, cũng
như phần lớn các quan điểm của chúng ta. Ý nghĩ này dù là rất phổ
biến, nhưng cũng hoàn toàn sai. Chúng ta chỉ có thể đạt được giải
thoát bằng cách buông xả tất cả mọi quan điểm của mình một cách
rốt ráo, và thay thế chúng với chân lý của những kinh nghiệm thực
chứng.
-
Sân nộ đối với những điều xấu sẽ làm tăng trưởng thêm sân hận
trong lòng khiến chúng ta thêm khổ sở. Và điều này lại cộng thêm
vào niềm hận thù với môi trường sống, vì thế mà làm cho nhiều vấn
đề khó khăn của chúng ta bị tăng lên, dù trong gia đình, ở sở làm
hay giữa các cộng đồng của nhân loại cũng như thế. Sân nộ dù là
dưới hình thức nào đi nữa cũng làm kiệt quệ tình cảm, vì nó tiếp
tục xâm lấn sự bình an trong tâm chúng ta. Nhiều người trong chúng
ta không bao giờ hoan hỷ, vì quan niệm rằng chúng ta có quyền căm
ghét bất cứ ai làm tổn hại đến chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn
đồng hóa với những gì mà chúng ta xem là đúng, và cảm thấy có
quyền được bày tỏ sự phẫn nộ đối với những gì chúng ta nghĩ là
sai. Do vậy mà đưa đến một kết quả là không có hòa bình trong tâm,
cũng như trong thế giới quanh chúng ta. Trái lại, chỉ có những
cuộc tranh cãi dằng co trong tâm giữa sự chấp nhận và kết án người
khác. Do vậy nếu một lúc nào đó, chúng ta có thể chấp nhận được
điều gì mà chúng ta cho là xấu, thì đó là một thách thức lớn. Do
vậy để thực tập tinh thần chấp nhận, chúng ta có thể khởi đầu bằng
cách tự hỏi mình:
-
- Khi chúng ta cảm thấy sân, hờn giận hay ghét, khinh thị ai những
tình cảm này có đem lại điều gì lợi ích cho chúng ta hay không?
-
Đây là bước khởi đầu của sự thay đổi quan niệm, cho nên chúng ta
cần đến sự trợ giúp của chánh niệm. Dù tình cảm sân hận của ta
đúng hay sai, đó không phải là điều đáng bàn, quan trọng là chúng
ta cảm thấy thế nào trong nội tâm. Một khi đã thực tập chánh niệm
về các tình cảm sân hận, cay cú trong nội tâm một vài lần, chúng
ta sẽ nhận thức được rằng:
-
- Trạng thái tâm tương ứng với các tình cảm ấy không dễ chịu chút
nào.
-
Cho nên sẽ có lúc những câu hỏi sau khởi lên trong chúng ta:
-
- Tất cả là cho cái gì? Tại sao tôi phải khiến cuộc sống của tôi
thêm khó khăn với các loại tình cảm này?
-
Suy cho cùng, người mà chúng ta căm ghét, khinh bỉ hay không chịu
nổi, thông thường không biết nhiều về các tình cảm của chính mình.
Phần lớn các tình cảm này cũng chỉ là những ý nghĩ trong đầu vì
chúng ta muốn tránh sự va chạm, cãi vả hay đối đầu công khai có
thể xảy ra từ việc bộc lộ chúng ra bằng lời nói.
-
Ở một giai đoạn nào đó khi đã đạt được tri kiến, chúng ta sẽ nhận
thức được mức độ mà tư tưởng bất thiện có thể làm nảy sinh ra
những trạng thái tâm không bình yên, làm ngăn cản mọi tình cảm vui
vẻ, phấn khởi trong chúng ta. Và sân hận có thể biến thành trạng
thái điên cuồng làm phát sinh những sự nung nóng tình cảm đáng sợ,
khiến con người giận đến tím tái. Lúc đó nếu muốn chuyển đổi,
chúng ta phải nhận thấy:
-
- Chỉ tự mình tạo ra cuộc sống nội tâm của mình, không ai khác
chịu trách nhiệm cho việc đó.
-
Vì thế, chúng ta càng phải có khả năng nhận diện khi sân hận, oán
hờn phát khởi. Với sự hiểu biết là chúng không đem lại chút hạnh
phúc nào cho chúng ta. Khi đó, có lẽ chúng ta cũng nên vun trồng
điều ngược lại như Đức Phật đã dạy dù rằng việc thay thế lòng sân
hận, bằng lòng kiên nhẫn, lòng từ bi thì không dễ.
-
Điểm mấu chốt là chúng ta phải nhận thức được rằng những loại tình
cảm sân hận này chỉ làm hại chính ta. Càng có nhiều sân hận, oán
thù trong lòng, thì cuộc sống của ta càng khó khăn, và chúng ta
càng thấy xa cách với mọi người nhiều hơn. Tuy nhiên, điều lợi ích
lớn nhất của các trạng thái tình cảm này, nếu chúng ta có thể quán
niệm chúng là nỗi đau khổ khiến chúng ta thực sự muốn thay đổi
điều gì đó. Những người có tánh sân thường dễ đi theo con đường
đạo vì họ không có được sự an bình trong nội tâm.
-
Điều quan trọng ở giai đoạn này là phải biết rằng khi quán sát bản
thân thì chúng ta mới có thể có những chuyển hóa sâu xa. Quả thật,
như nói về chuyển hóa, thật sự chúng ta khó có thể biến thế giới,
cộng đồng nhân loại trở thành tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta có thể
khiến cá nhân chúng ta tốt hơn, và đó là điều tốt đẹp nhất chúng
ta có thể đóng góp cho thế giới. Vì thế chúng ta không nên khiển
trách người khác hay kết tội họ một các thiếu trách nhiệm. Khi
chúng ta có thể tạo ra an bình trong nội tâm, là chúng ta đã tạo
ra thêm hòa bình trên trái đất này. Bởi vì ít nhất là cá nhân
chúng ta, và cũng có thể ảnh hưởng đến những người quanh một sự
ảnh hưởng hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và ổn định của một nội
tâm thanh tịnh. Cho nên chư tôn đức thường dạy:
-
- Tâm bình thế giới bình.
-
Một khi đã biết điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, và chúng
ta đã quyết định không muốn tiếp tục sống với tâm sân hận, như thế
là chúng ta đã trực tiếp biết mình thường xuyên kiểm soát các cảm
xúc bằng cách chánh niệm hơn về các cảm thọ của mình. Bằng cách đó
chúng ta thoát khỏi những dằn thúc, xung đột của nội tâm. Được như
vậy thì chúng ta có thể nhận ra những lúc chúng ta cảm thấy bực
bội vì không có được điều chúng ta muốn. Và giận dữ khi phải chấp
nhận cái mà chúng ta không thích, đồng thời chúng ta cũng sẽ thấy
rằng sự phản kháng lại những sự việc này cũng có thể được chấm
dứt.
-
Với sự hỗ trợ của chánh niệm và phương pháp tự quán sát mình là
chúng ta đã ở tư thế sẵn sàng để bắt đầu vun trồng những tình cảm
tích cực. Khi đã thực hiện được điều này, mặc dù khó có thể chuyển
đổi sân hận thành thương yêu, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể
thay thế sân hận với bi mẫn. Do vậy, nếu ai có gây khó khăn cho
chúng ta, trước hết chúng ta có thể nhận ra rằng chính họ cũng
phải đối đầu với bao vấn đề như chúng ta. Chúng ta phải nhớ rằng
người này suy cho cùng cũng không khác gì chúng ta, nếu có thì
những sự khác biệt đó chỉ là ở ngoài mặt.
-
Là người Phật tử, chúng ta phải biết tất cả những gì tốt, xấu
trong nội tâm mình. Sống theo con đường đạo có nghĩa là chúng ta
phải phát triển, củng cố cái thiện để điều xấu không còn nữa. Có
lẽ trong mười người thì chín đã sống theo nguyên tắc là tự bằng
lòng với những cái tốt của mình, và biện minh cho cái xấu bằng
cách đổ lỗi cho người khác, nhưng nếu ai muốn đi theo con đường
đạo thì phải chọn lựa một thái độ hoàn toàn khác.
-
Có rất nhiều cách để vun trồng tâm không sân. Cách tốt nhất là
quán từ bi, là điều chắc chắn có thể đóng góp đáng kể vào việc
phát triển một thái độ tích cực hơn. Tuy nhiên, chỉ có thế thì
chưa đủ, cho nên trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng cần thực
hành bằng cách tỏ ra thân thiện, và bày tỏ sự dễ thương cho nhau.
Sự không bình đẳng trong cách đối xử cơ bản với người:
-
Sự liên hệ tình thương yêu, tình bằng hữu chỉ có thể được phát
triển bằng cách bồi dưỡng cho chúng thêm lên trong mọi hoàn cảnh.
Chẳng hạn như chúng ta có thể phát triển nó đối với người chúng ta
mới quen, với những người chúng ta chỉ có liên hệ chung chung
trong các sinh hoạt đời thường. Chúng ta cần phải nhắc nhở bản
thân về mục đích của mình từng giây từng phút trong ngày.
-
Tất cả chúng ta đều có thể chọn lựa điều chúng ta muốn tìm hiểu,
như thế chỉ có chánh niệm mới giúp chúng ta bắt đầu nhận ra cách
chúng ta đối với những người xung quanh, trong cuộc sống hằng
ngày. Hiểu được như thế nào là bình thường, hoặc với lòng sân nộ
hay với sự thân thiện. Đó là một sự thực tập không ngừng nghỉ,
luôn hiện diện để tạo ra những ứng xử thân thiện, cởi mở với người
khác. Bằng cách này chúng ta có thể chấp nhận và không thể thiếu,
vì chúng ta có thể chuyển hóa những sân hận đó thành ra sức mạnh
của sự thương yêu.
-
3- Vô Tham
-
Vô tham cũng được coi là căn bản của cuộc sống đạo. Phần lớn những
người có tánh tham thì không dễ khuyên họ tu tập như là những
người hay sân vì họ thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Tham không
khiến cho cuộc sống nội tâm của chúng ta bị xáo trộn như sân, mà
chỉ là một cảm giác khó chịu. Chẳng hạn như khi chúng ta không có
được những gì mà chúng ta muốn, dù rằg điều đó xảy ra quá thường.
Tham có thể trở thành sân hận đối với hoàn cảnh hay người mà đã
không đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn. Trừ điều đó ra, phần lớn
những người có tâm tham thường có một sự dễ dàng hơn, và họ có thể
đạt được một mức độ thỏa mãn nào đó, vì lúc nào họ cũng hướng đến
việc hưởng các lạc thú ngay lập tức. Kết quả có thể hiểu biết hơn,
cho nên sự đau khổ có thể xảy ra ở một mức độ thấp hơn so với
người người hay sân. Đồng thời một người có tánh tham thường cảm
thấy sự thực tập của họ đạt được nhiều kết quả hơn. Vì thế chúng
ta có thể kết luận rằng về phương diện này cả hai loại người tham
và sân đều có những thuận lợi và những điều bất thuận lợi.
-
Để thoát được khỏi tham là một lý tưởng sâu sắc. Cho nên chúng ta
phải hiểu căn bản của tham là một hình thức của ngã chấp, cho nên
chúng ta chỉ chú tâm đến những gì mà chúng ta tham cầu cho bản
thân, và sắp đặt sao cho cuộc đời ta được dễ chịu, thoải mái.
Trong lúc chúng ta bỏ qua, không để ý đến nhu cầu của người khác,
ngay cả khi chúng ta ở trong hoàn cảnh có thể giúp đỡ người khác.
Sự thôi thúc mãnh liệt nhất trong tất cả mọi thôi thúc muốn được
sống là một tướng của tham. Và những ước muốn được hiện hữu là một
động lực sâu xa đứng phía sau của sân hận cũng như những tham cầu
khác.
-
Dĩ nhiên lòng tham cầu không chỉ là sự muốn có ở đây, mà chúng ta
còn muốn một cái gì hơn là cái cơ thể vật lý này. Chúng ta muốn
được là ai đó, muốn được công nhận, thương yêu, và hỗ trợ bởi
những người quen biết, thân thuộc. Và chúng ta muốn được đẹp đẽ,
thông minh, thành đạt, giàu sang hay danh tiếng. Nhưng bất cứ gì
mà chúng ta có, tựu trung lại cũng là muốn được hiện hữu:
-
- Tất cả cũng đều bắt nguồn từ ước muốn tham vọng.
-
Do chưa được giác ngộ, cho nên tất cả chúng sanh đều có sự thôi
thúc này, và nó càng phát triển mãnh liệt. Là phật tử có tu học,
chúng ta thấy sự nguy hiểm của tham cho nên chúng ta phải thực
hành vô tham. Phương cách để phát triển vô tham là kiểm soát tư
tưởng của chúng ta để xem coi chúng ta có quá tập trung vào bản
thân của mình hay cho người khác. Vô tham cũng có thể phát triển
đến độ chúng ta có thể chấp nhận cái nhìn của người khác, có cùng
một quan điểm với chúng ta.
-
Vô tham phát sinh cùng một lúc với tâm rộng lượng, và niềm vui sẽ
được chia sẻ đến tất cả mọi người. Thực ra tâm rộng lượng có thể
được huân tập, và một khi chúng ta đã nhận diện thực tập được nó,
chúng ta luôn vui mừng hạnh phúc được có cơ hội để chia sẻ mà
không có ý nghĩ muốn được nhận trả lại điều gì. Một khi sự chia sẻ
đã trở thành một bản năng tự nhiên, thì những rào cản giữa tôi và
anh/ chị với tất cả mọi người sẽ biến mất, hay ít nhất cũng giảm
bớt. Vì suy cho cùng, nếu chúng ta có thể mang lại hạnh phúc cho
ai đó, là chúng ta đã mang lại niềm vui đến cho thế gian, và chính
bản thân chúng ta cũng đầy an vui như những người đang có hạnh
phúc may mắn. Có một cách suy nghĩ rất phổ biến nhưng hoàn toàn
sai lầm là:
-
- Chúng ta chỉ có niềm vui từ người khác mang đến.
-
Thế giới này sẽ trở nên buồn thảm nếu sự thật là như thế, bởi vì
trừ chư Phật và chư Bồ Tát ra, trên thế gian này đâu có được bao
nhiêu tấm lòng mang niềm vui đến cho người khác. Câu hỏi chúng ta
cần đặt ra cho bản thân là:
-
- Thật sự điều gì mang lại niềm vui cho chúng ta, và chúng ta có
thể san sẻ bao nhiêu niềm vui đó cho người khác?
-
Nếu chúng ta là người đã từng tu học giáo lý giải thoát, biết được
sự lợi ích của đại thể thì câu trả lời rằng có. Bởi vì, dù cho đó
là người hàng xóm hay một người ở thật xa xôi, nếu họ có được hạnh
phúc, và niềm vui thì chúng ta cũng sẽ được những ảnh hưởng niềm
vui chung cùng đó. Vì chúng ta thở một bầu không khí chung cùng,
vì tất cả chúng ta đều tham gia vào lương tâm toàn cầu, trong đó
niềm vui, niềm hạnh phúc mà qua đó tánh không tham, không sân hận
và thương yêu đều có những dấu ấn riêng của chúng. Từ đó chúng ta
càng có khả năng khơi nguồn được những tình cảm tích cực nơi bản
thân, và san sẻ điều đó để cho thế giới này càng trở nên tốt đẹp
hơn.
-
4- Định
-
Lãnh vực thứ tư của những điều căn bản là khinh an, thiền định.
Tâm định là kết quả viên mãn của công phu hành thiền rốt ráo, đòi
hỏi sự nhất tâm, trú tâm vào chỉ một đối tượng. Bình thường trong
cuộc sống hằng ngày, tâm của chúng ta luôn nhảy từ ý này sang ý
nọ, kể cả lúc hành thiền, vì đã quen suy nghĩ tính toán như thế
qua bao nhiêu năm tháng, tâm chúng ta không thể ngay lập tức tách
khỏi thói quen đó. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên tạo ra các cơ
hội để cho nó có thể lắng đọng xuống, tâm sẽ dần dần được tĩnh
lặng. Tìm cho ra được điểm dừng của tâm, và trú tâm vào đó là một
chứng nghiệm tuyệt vời.
-
Ai đã từng thực hành như vậy thì sẽ hưởng thụ niềm an lạc hạnh
phúc. Đối với người chưa từng hành thiền, điều này nghe có vẻ quá
khó, nhưng tất cả mọi người đều có khả năng đó. Giáo lý của Đức
Phật không phải dành cho các vị thầy thông thái mà là cho tất cả,
trong đó có những người bình thường như chúng ta.
-
Tuy nhiên, chúng ta cần phải thực hành mỗi ngày thì mới có kết
quả. Thân chúng ta chỉ dễ uốn nắn, mềm dẻo với sự luyện tập thường
xuyên, và tâm ta cũng như thế. Nói chung, chúng ta thường hiểu
việc rèn luyện tâm như một sự tập trung cao độ. Nếu hiểu như thế
thì rất dễ mệt, bất cứ ai đã từng làm những công việc đòi hỏi sự
suy nghĩ nhiều đều đồng ý như thế. Những suy tư là một tâm hành
khó đưa chúng ta đến một mức độ sâu xa nhất của tâm. Chúng ta
không thể chứng nghiệm được bản thể của sự vật chỉ bằng nghĩ suy,
mà kết quả chỉ có thể đạt được qua công phu hành thiền. Nói là qua
cánh cửa của thiền vì sự chứng nghiệm trong thiền là mục đích của
việc tu hành theo Phật giáo, hơn nữa còn là một bước quan trọng
trên con đường đạo. Dù chúng ta có đạt được sự chứng nghiệm hay
tìm được sự an tĩnh sâu lắng trong lúc hành thiền, nhưng niềm hạnh
phúc mà chúng ta từng kiếm tìm trong cuộc sống, thực ra nằm ở ngay
trong ta. Từ những kinh nghiệm tự thân, biết rằng chúng ta không
thể tìm được hạnh phúc qua người khác, vì người khác cũng đang đi
tìm hạnh phúc cho chính họ. Chỉ có qua con đường hành thiền, chúng
ta mới có thể tiến đến sự chứng nghiệm được hạnh phúc, tự tại,
niềm vui và sự tuyệt đối nơi chính bản thân, nơi nội tâm chúng ta.
-
Tâm định tĩnh bắt đầu bằng cách hướng đến một đối tượng thiền
quán, và hơi thở là đối tượng đặc biệt thích hợp cho mục đích này.
Sau những công phu thực hành liên tục, tâm có thể trụ nơi hơi thở,
tuy là không nhất thiết là phải thực tập hằng giờ không dừng nghỉ,
nhưng cần đủ lâu để buông bỏ quá trình tư duy, và bước vào những
trạng thái sâu lắng hơn. Vào được trạng thái sâu lắng chúng ta sẽ
bước qua ngưỡng cửa và đặt chân vào tận cùng sự sâu lắng của tâm.
-
Khi thiền quán, chúng ta chỉ có thể ý thức được hơi thở hiện tại,
và hướng tâm chánh niệm vào hiện tại bằng cách đó, chúng ta sẽ ý
thức được ý nghĩa thực sự của chánh niệm. Bất cứ điều gì sẽ xảy ra
trong tương lai hay đã xảy ra trong quá khứ, không có ý nghĩa gì
nữa. Vì khi chúng ta nhận thức sâu xa rằng chúng ta thực sự chỉ
sống ngay trong giây phút này, thì chúng ta sẽ cố gắng để tỉnh
thức trong từng giây phút của cuộc sống. Khi hành thiền, có nghĩa
là chúng ta đang theo dõi từng hơi thở, nhưng ta cũng phải ý thức
đến các vọng tưởng để nhận diện. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể
duy trì sự thực tập chánh niệm suốt trong ngày, vì sự rèn luyện
chánh niệm thường xuyên sẽ đưa ta đến tâm tự tại, định tĩnh, giúp
chúng ta có thể nhìn thế giới này trong một ánh sáng hoàn toàn
khác. Cái tôi không còn được coi là một cá thể riêng biệt hay
trung tâm của vũ trụ nữa, mà được thay vào đó là một thế giới hoàn
toàn mới lạ với những không gian, vẻ đẹp chưa từng thấy sẽ mở ra
trước mắt chúng ta.
-
Nói tóm lại, muốn chế ngự sự yếu đuối, để không bị cuốn hút theo
dòng vô minh tham vọng. Để hỗ trợ cho con người đứng vững trên mọi
hoàn cảnh. Điền cần làm là chúng ta phải thực tập để có cuộc sống
an nhiên, trước hết là phải lưu tâm đến chánh niệm. Từ chánh niệm
dẫn đến vô tham, vô sân rồi đi đến chánh định, là kết quả của
những ngày tháng tu tập. Chúng ta càng phát triển tâm chánh niệm,
thì sự phản quang của tâm càng sâu lắng, thì việc duy trì đời sống
hạnh phúc càng trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta không nên nghĩ rằng
mình phải đạt được tất cả ngay lập tức, chỉ vì chúng ta đã có ý
hướng tu tập. Cũng như mọi thứ trong cuộc đời, chúng ta phải tiếp
tục mỗi ngày, từng bước từng bước một dần dần tiến lên. Sau này,
khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy cả hai, ngoại hình lẫn nội tâm của
ta đều thay đổi. Ngoại hình thì chúng ta đã già hơn, hoặc có thể
còn giữ nguyên vẹn, trong khi nội tâm chúng ta đã có biết bao
chuyển hóa và tái tạo. Ngôn từ chúng ta sử dụng có thể không thay
đổi nhưng một kinh nghiệm mới mẻ về cuộc đời đã phát sinh. Đến lúc
này chúng ta phải thấy rõ rằng bốn điều dạy cơ bản về: Vô tham, vô
sân, chánh niệm và chánh định, lúc nào cũng quan trọng trong việc
lập lại trạng thái quân bình của con người đã mất, dựng đứng lại
những gì đã ngã, và làm mới lại cho những gì đã cũ:
-
- Thất niệm ta chạy rong
-
Lang thang ngoài đồng nội
-
Suối mê ta lặn lội
-
Mất dấu chân đi về.
-
Tham sân trí si mê
-
Thế gian người người chê
-
Xã hội người người lánh
-
Mình cô độc buồn ghê
-
Rồi,
-
Rồi một ngày nào đó
-
Ta quay về nương tựa
-
Học đạo giải lầm mê.
-
Ta không còn đau khổ
-
Ta là người đầy đủ phước duyên
-
Ta sẽ sống một đời an nhiên.
--o0o--
|
|