TẬP SAN DƯỢC SƯ

Biết Ơn & Ðền Ơn
---o0o---
 
Trong cuộc đời, sự thành công của chúng ta, phần lớn đều tùy thuộc vào khả năng và sự cố gắng của chúng ta, tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là không có những yếu tố phụ thuộc. Nói là sự cố gắng của chúng ta là yếu tố thành công, nhưng yếu tố phụ thuộc cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thành công của chúng ta.
Quả thật từ khi còn tấm bé cho đến trưởng thành, mỗi người ai cũng có mỗi hoàn cảnh khác nhau và có những ân nhân giúp đỡ chúng ta khác nhau. Ðặc biệt là lúc còn bé, cha mẹ thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ và hỗ trợ cho chúng ta những điều cần thiết. Thầy giáo dạy học giúp chúng ta có kiến thức cơ bản. Thầy dạy đạo hướng dẫn chúng ta biết đạo đức ân nghĩa làm người, bạn bè giúp ta những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Tất cả những thứ ân tình đó, khi làm không ai kể công hoặc suy tính gì cả mà đó là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ, làm thầy và tình bạn hữu láng giềng ...
 Là bậc làm cha mẹ lo cho con, vì muốn cho con nên người trước bản thân của con mình nhờ, sau là có một chút phần hãnh diện trong giòng họ gia đình. Có những người con hiểu được điều đó và học hành nên danh phận và hết lòng biết ơn cha mẹ đã tạo điều kiện cơ hội tốt để cho mình nên người.
Là bậc làm thầy khi dạy học trò cũng muốn cho học trò nên người, cho nên có đôi khi có phần nghiêm nghị, nhưng không thể vì vậy mà nói rằng không thương học trò. Lý do phải nghiêm nghị, như chúng ta biết rằng:
- Dạy mà không nghiêm là lỗi của thầy.
Có rất nhiều người học trò bị thầy rầy la quở mắng ngay cả bị roi đòn phạt, nhưng khi nên danh phận vẫn nhớ ơn thầy đã dạy dỗ tận tình. Hình ảnh đó hiện tại trong xã hội nầy có những vị mặc dầu tuổi đã cao, nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ đến thầy xưa của họ, và biết được thầy mình ở đâu họ cũng tìm đến để thăm.
Ðối với bạn bè, và môi trường bên ngoài xã hội. Tuy mẹ sanh cha dưỡng, Thầy dạy hết lòng, nhưng nếu không có bạn bè thân cận giúp đỡ thì cuộc đời cũng trở nên cô độc, và khó thành tựu sự nghiệp. Chúng ta hãy ghi nhận rằng, dù cho ở dâu, tại quê nhà hay tha hương tìm kế sinh nhai, chúng ta ai cũng cần bạn bè, láng giềng. Đối với người tỵ nạn, trên bước đường tạm dụng tại quê hương mới lạ nầy chúng ta cũng thọ ân rất nhiều, cho dù sự ra ân đó có hậu ý hay không có hậu ý chính đáng. Thí dụ như:
- Có nhiều gia đình khi mới định cư tại quê hương nầy, được những gia đình bảo trợ lo lắng từ lúc chân ướt chân ráo khi mới đến. Những sự lo lắng giúp đỡ đó, cho dù là thật lòng cũng là người ân của mình, có khi hướng tới vì một mục đích tư lợi nào đó của những bảo trợ, nhưng người Việt Nam chúng ta, theo chúng tôi biết có rất nhiều gia đình vẫn luôn luôn nhớ thâm tình của những gia đình từng bảo trợ mình, cho nên mỗi năm họ thường có một ngày đi thăm những người bảo trợ của họ.
Một con người có tình có nghĩa thì luôn luôn nhớ trong lòng những món nợ mà ta đã nhận từ các bậc ân nhân nầy. Luôn luôn khiêm nhường biết ơn, và cố gắng tìm cơ hội để giúp đỡ các bậc ân nhân mà mình đã thọ ân. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận, vì nếu không khéo lại mang tiếng bội bạc bởi vì người đời thường nói:
- Vội vả trả ơn là phường bội bạc.
Bên cạnh những con người biết ơn, chúng ta cũng còn thấy có những người không cần biết ân nghĩa là gì. Những tình trạng đó cũng thường xảy ra trong mọi tầng lớp trong xã hội. Quả thật, có người nhờ sự giúp đỡ của kẻ xa người gần ... nên họ đã giải quyết được những bế tắc đương thờI, nhưng về sau họ không những phủi ơn và còn thốt lên những lời bạc nghĩa:
- Giúp đỡ một chút mà kể công kể lao.
Hoặc là:
- Ông bà có giúp đỡ tôi gì đâu mà ân với nghĩa.
Trong phạm vi gia đình, bên cạnh những người con có hiếu chúng tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh đau lòng:
- Có một gia đình lo cho con cái vượt biển và định cư ở Hoa Kỳ. Anh thanh niên nầy học hành đổ đạt rồi mới bảo lãnh cha mẹ qua sau. Cùng trong thời gian cha mẹ đến Hoa Kỳ, anh thanh niên nầy có đưa một cô bạn gái về nhà giới thiệu với cha mẹ. Nhìn qua cung cách cô gái, cha mẹ không vui, cho nên cha mẹ có khuyên can. Đặc biệt là phân tích về phẩm hạnh của một người vợ tương lai, tuy nhiên người con trai không một mảy may quan tâm đến những lời hướng dẫn của cha mẹ. Nói ít thì anh ta còn ngồi nghe chút đỉnh, nói nhiều anh đứng dậy không muốn nghe nữa. Nói nhiều hơn nữa, anh ta bỏ nhà đi ở luôn với cô bạn gái. Sau đó anh nói thẳng với cha mẹ:
- Con học thành tài ngày hôm nay, là nhờ ở nơi sự tự lực của con chứ cha mẹ đâu có nuôi gì con đâu mà có ý kiến nhiều vậy.
Về việc dạy học trò cũng vậy, có những học trò biết ơn thầy, chúng ta còn thấy có những người học trò không nghe lời thầy dạy, thầy càng dạy càng oán ghét thầy, và ngay cả còn có những hành động muốn đánh lại thầy. Ðây là trường hợp không những thường gặp trong cộng đồng xã hội, mà ngay cả trong nếp sống thiền môn cũng có xảy ra. Một vị thầy hay một sư cô cũng có thể trở thành là người vô ơn khi vị thầy hay vị sư cô ấy không thỏa mãn tham vọng của tự thân. Chính vì thế mà cũng đã có những con người quên mất vị ân sư đã từng cạo đầu, giúp đỡ lúc mình mới bước chân vào chùa làm chú tiểu. Thậm chí còn có những người trước khi ra đi còn kêu cảnh sát để quậy phá nơi đã từng cưu mang họ trong nếp sống đạo.
Chuyện dài lắm ... Những hoàn cảnh tương tự có thể xảy ra trong cộng đồng tăng lữ hay cuộc sống gia đình ngoài xã hội. Trong xã hội, hoặc mỗi gia đình, mỗi người đều mang ân của người khác từ tình thương yêu cho đến những cảm thông giúp đỡ lúc gặp khó khăn. Thử tưởng tượng những con người đã từng được người khác bảo bọc trong tình thương yêu và tương trợ, rồi một ngày nào đó do vì tham vọng hay có sự bất hòa dù là lớn hay nhỏ xảy ra, họ sẵn sàng quên ơn một cách dễ dàng, người đời thường nói là:
- Ăn cháo đá bát
Hoặc là:
- Ăn cháo chưa xong đã đá bát ...
Những con người vô ơn bạc nghĩa nầy, danh từ trong Phật Học gọi là kiêu mạn, hay ngã mạn. Kiêu mạn phần lớn xảy ra khi một con người thiếu hiểu biết, không biết thế nào là ân đền nghĩa đáp, đang đắm chìm trong tham vọng si mê của tự thân. Ðây là một kinh nghiệm kỳ diệu, ngay trong các hiện tượng của cuộc sống hiện tại, khi thấy rõ sự sinh ra rồi diệt ngay tức khắc của các đối tượng dưới ánh sáng chánh niệm. Ở giai đoạn nầy hàng loạt tham vọng, phiền não sẽ kéo tới, loại tham vọng, phiền não nầy có thể trở nên chướng ngại và tai hại, vì vậy là người học Phật chúng ta phải hiểu chúng một cách rõ ràng. Ngoài ra, kiêu mạn còn mang đặc tính của một tâm tinh tấn tràn đầy hỉ lạc và nhiệt tâm cao độ, khi chúng ta tràn đầy năng lực, và hỉ lạc, trong lúc cảm thấy mình thành công lớn lao, nên có ý nghĩ:
- Thật vĩ đại, không ai bằng được mình.
Một con người khi đã có những kiêu mạn sẽ tạo nên những cách hành xử bội bạc trong cuộc sống. Nạn nhân của kiêu mạn luôn luôn lúc nào cũng có cái đầu to, và cái cổ cứng ngắt rất khó cúi đầu thi lễ, vâng lời bất cứ một người nào khác, mà qua đó dưới triều đại Vua A Xà Thế có một quan đại thần khuyên can không nên thi lễ các vị sư ...
Như chúng ta đã biết, cha mẹ, thầy bạn, ân nhân là người họ đã từng chịu ơn mà còn không kể thì làm sao họ có thể kể đến bất cứ ai khác?
Kiêu mạn là một tâm đáng sợ. Nó hủy diệt lòng biết ơn, làm cho chúng ta khó có thể thừa nhận rằng mình đã nợ người khác. Nó khiến cho ta quên đi những việc tốt đẹp mà người khác đã làm cho chúng ta trước đây. Chúng ta coi thường các vị ân nhân và chê bai, dèm pha đức hạnh của họ. Có những người còn thâm độc hơn nữa là tìm cách che dấu đức hạnh của ân nhân mình để không ai coi trọng họ.
Trên thế gian nầy có nhiều cách hành xử không tốt đẹp chút nào, nhưng lại là một điều không may, vì nó có tánh cách phổ biến, cho nên tuy là không ai dạy ai, mà con người vẫn biết mà làm. Trong khi đó đạo đức luân lý, những cách cư xử tốt đẹp thường được những nhà giáo hướng dẫn hoài mà lại ít có người học và thực hành. Chính vì không ai dạy mà vẫn biết mà làm, cho nên thay vì giải quyết vấn đề một cách trực tiếp với nhau trong tình thương, những người trong gia đình lại đem chuyện bất hòa ra bêu xấu với thiên hạ, họ than trách, nguyền rủa hoặc coi thường anh chị em, hay bà con trong gia đình một cách trực tiếp hay gián tiếp. Việc bêu xấu những thành viên trong gia đình đã là điều rất tệ, thì việc bôi bác nơi mà đã từng cưu mang mình trong cộng đồng tăng lữ lại càng tệ bạc hơn. Biết thế nhưng có người cũng đã làm qua những trò xảo thuật hạ cấp thâu băng bôi bát nơi mà đã từng cưu mang mình chỉ vì những tham vọng thấp kém không đáng được coi là tâm hạnh của sứ giả Như Lai.    
Trước khi nhục mạ, hay kết tội, hay lên án một người nào đó trong gia đình, trong cộng đồng, hay những nơi mà đã từng cưu mang mình. Hãy xem kỷ tâm mình và hoàn cảnh lúc bấy giờ, coi người hay nơi đã từng bảo bọc mình đã từng bạc đãi với mình chưa? Những hình thức nói móc, đá hậu, bẻ giò lái, hạ uy tín, quậy rối hay coi thường kẻ khác, không những là bội bạc mà còn là một khía cạnh của kiêu mạn hết sức nguy hiểm. Trong Minh Tâm Bảo Giám đưa ra hình ảnh một người ngậm máu phun người. Người nầy tự dơ miệng mình trước khi làm bẩn dối phương.
Trong tinh thần biết ơn và đền ơn, chúng ta phải nên ghi nhận, những điều quý báu mà chúng ta học tập được từ cha mẹ, thầy dạy chữ, thầy dạy đạo, bạn bè tri thức ... là những con người có cuộc sống lành mạnh, tâm hạnh hiền lương. Với tình thương yêu chân thật và rộng lớn của cha mẹ, thầy bạn ... Ai ai cũng muốn chúng ta đối xử tốt với mọi người, mọi vật. Nếu chúng ta với cuộc sống lành mạnh, thân thiện với mọi người, thì một cách tự nhiên, mọi người cũng sẽ có cách cư xử tốt đẹp với mình. Ðó là quy luật nhân quả, một quy luật rất công bằng. Ai cũng có thể hiểu điều này, cảm nhận điều này trong cuộc sống hàng ngày. Ðó là một sự cảm nhận rất tự nhiên, và cũng vì rất tự nhiên cho nên ai cũng công nhận là đúng đắn, không sai. Nếu chúng ta làm điều lành, thì tự nhiên tâm cảm thấy vui, một niềm vui rất thật mà chư tôn đức gọi là phúc lạc, tức là niềm vui do phúc đức đem lại.Trái lại, nếu làm một việc không lương thiện, có những lời nói và ý nghĩ không lương thiện, thì một cách tự nhiên, chúng ta cảm nhận trong tâm bứt rứt, khổ não không yên. Sự cảm nhận này cũng rất thật, nhưng đau khổ thay vì chân thật như khi ta cảm nhận vui trong tâm sau một việc làm lành, hay là sau một lời nói hay một ý nghĩ tốt đẹp.
Nếu chúng ta sống tỉnh giác, biết lắng nghe lời dạy của cha mẹ, Thầy dạy, và bạn bè nhắc nhở cũng như tiếng nói của nội tâm phê phán chúng ta qua cảm thọ, thì trong cuộc sống chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tạo ra thêm nhiều điều tốt đẹp, ngay trong cả ý nghĩ, lời nói và việc làm. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ tránh được nhiều điều ác, vừa hại cho bản thân, vừa hại cho xã hội.Những bậc trưởng thượng thường nhắc nhở rằng:
- Cội nguồn của mọi hành động, lời nói và ý nghĩ lương thiện  chính là sự biết ơn và đền ơn đối với mọi người, mọi vật ... Nói chung là bất cứ những ai đã từng có ơn với chúng ta.
Nên nhớ là sự biết ơn và đền ơn đó, vốn có sẵn trong chúng ta, nó càng rộng rãi bao nhiêu, thì tính vị kỷ cũng sẽ giảm bớt tương đương bấy nhiêu. Mà tính vị kỷ thói hư tật xấu làm gì, nói gì, nghĩ gì cũng vì cái Ta, chính đó thực sự là cội nguồn của mọi bất hạnh và đau khổ, mọi xung đột và chiến tranh, mâu thuẫn, hiện đang gây bão tố, tang tóc cho nhân quần xã hội. Do vậy, muốn đối trị tính vị kỷ, không phải chỉ trên bình diện lý thuyết mà bằng con đường ân nghĩa, mà chư tôn đức thường nhắc nhở:
- Biết ơn và đền ơn.
Khi biết thực hành hằng ngày theo nguyên tắc biết ơn và đền ơn thì nó là phương thuốc đối trị có hiệu quả nhất đối với cái Ta vị kỷ. Biết ơn và đền ơn, bởi lẽ tất cả mọi người dù là Phật tử hay không phải Phật Tử đều có sẵn tình người, trong đó luôn luôn nghĩ đến câu:
- Ân đền nghĩa đáp
Là điều quý báu nhất của con người, trong cả một đời. Chúng ta hiểu ân đền nghĩa đáp là thái độ nhạy cảm và đồng cảm giữa con người và con người, giữa con người và tất cả những gì mà con người tiếp cận. Biết ơn và đền ơn cũng là thái độ gần gũi, dịu dàng, không bao giờ quay lưng, sát hại lẫn nhau mà làm tốt cho nhau trong phạm vi khả năng của mỗi bên. Người biết sống với con đường tình nghĩa, là người biết sống hạnh phúc, biết sống có ý nghĩa. Còn nếu không có tình nghĩa đó, hay đúng hơn, tuy vốn có tình nghĩa nhưng lại để cho nó mai một, héo tàn, thì con người như vậy, tuy còn sống mà cũng như chết rồi!
Ðạo Phật rất coi trọng việc biết ơn và đền ơn vì thế mà lúc nào chư tôn đức cũng thường nhắc nhở đến bốn ân. Tôn giả Mục Kiền Liên sở dĩ được trọng vọng và sùng bái trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là ở trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam, chính vì Ngài là biểu trưng sống động của lòng hiếu thảo sâu sắc. Chính lòng hiếu thảo là cội rễ của tâm Bồ đề, tức là cái tâm giác ngộ. Vì vậy ai có lòng hiếu thảo thì người đó nắm bắt được mọi giáo lý.Ai không có lòng hiếu thảo thì không nắm bắt được bất cứ giáo lý nào ...
Như vậy, Đạo Phật ngoài việc coi trọng tình thương bao la, rộng rãi như thế nào, thì lòng hiếu thảo cũng coi trọng tương tự như thế. Lòng hiếu thảo là một tình cảm sâu sắc đối với những bậc sanh thành, những người có ân, một thứ tình tuôn ra từ lòng người một cách tự nhiên, tỏa sáng khắp mọi người, mọi vật mà nó đụng chạm đến. Nếu tất cả Phật tử chúng ta, là Tăng hay tục, nam hay nữ, tất cả đều cảm nhận phải sống bằng tấm lòng như vậy, thì chắc chắn cuộc sống người ấy mới là sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Nếu hàng nghìn, vạn, triệu Phật tử chúng ta đều đối đãi với mọi người, mọi vật cũng như vậy thì xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp vô cùng. Bởi lẽ, một khi đã có sẵn trong lòng thứ hiểu biết: Biết ơn và đền ơn đó ở trong lòng, thì một cách tự nhiên, mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta, trên mọi cương vị, mọi hoàn cảnh, cũng sẽ đều thấm nhuần chan hòa đạo đức và niềm tin.
Hãy ví dụ sự biết ơn và đền ơn đó như một ngọn nến. Hàng nghìn, vạn, triệu người có sự hiểu biết nầy, thì khác nào như ngàn, vạn, triệu ngọn nến cháy rực, sẽ làm xã hội ta trong sáng, đẩy lùi và dập tắt mọi tội ác và tệ nạn xã hội.
Về chân lý, dù là chân lý tương đối cũng không dễ nắm bắt. Cho nên phải học tập, biết tư duy và thực nghiệm để đạt được một chân lý tương đối. Tương tự như vậy, mặc dù tình nghĩa ân đền nghĩa đáp lúc nào cũng tuôn chảy tự nhiên từ lòng người hiểu biết của mỗi, nhưng nếu không thực tập thì cũng không có được. Đối với đạo Phật, thì con đường tình nghĩa là thứ tình thương hay lòng từ, lòng bi là suối nguồn của tâm Bồ đề, tuy tâm Bồ Đề ai cũng có, nhưng nếu không vun xới mảnh vườn tâm của chính mình thì hạt giống tốt Bồ Đề trong mảnh vườn tâm không thể nào mọc được. Và tình nghĩa con người là cứu tinh của nhân loại hiện nay. Quả thật, trong khi tại các điểm nóng trên thế giới người ta đang đáp lại điều ác bằng những điều ác hơn, đáp lại bạo lực bằng bạo lực kinh khủng hơn! Trong khi đó Đạo Phật thì chỉ đáp lại:
- Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin đáp đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Phật xin chứng nên.
Con đường tình nghĩa mà Đức Phật thường mô tả là tỏa sáng, là trạng thái tinh thần đẹp nhất dưới thế gian này. Cho nên chư tôn đức luôn luôn khuyên nhắc mời gọi con người phải thường xuyên thực hành vì biết là chính tình thương đó, sau này sẽ trở thành suối nguồn giúp cho đầu óc con người cởi mở sự thông minh, trí tuệ cho nhân loại. Chính vì thế mà trong sách Phật, nói lòng hiếu thảo, lòng từ, lòng bi là suối nguồn của tâm Bồ đề tức là tâm giác ngộ.
Một đặc sắc của tâm hồn người Việt Nam đáng được đề cập ở đây là giàu tình cảm. Có thể đây là hệ quả tự nhiên của lịch sử một dân tộc, do điều kiện của cuộc sống nông nghiệp của một quê hương nghèo nàn sỏi đá, do vị trí địa lý đặc biệt, hơn thế nữa còn phải trải qua chiến tranh liên miên và thiên tai dồn dập. Và trong niềm đau khổ chung, con người rất thương nhau, cho nên đã mở ra một lộ trình tình nghĩa và luôn luôn sẵn sàng bảo bọc trong tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, để rồi đồng cảm trên đường hướng nhớ ơn và đền ơn.
Từ những chi tiết đó toát ra một tình thương mênh mang, sâu lắng. Và tôi nghĩ:
- Với tình cảm nồng nàn sâu sắc đó, tương lai dân tộc Việt sẽ là một dân tộc giàu mạnh.
Vì sự biết ơn và đền ơn sẽ dẫn tới tình đoàn kết và thành công trong mọi sự nghiệp của dân tộc Việt Nam.Vì thế phải tìm thấy cho được niềm vui trong con đường tình nghĩa, thì nhất định tương lai chúng ta sẽ là những con người thành công lớn. Quả thật, tính căn bản đạo đức của một con người trước hết là để cho mỗi người trong xã hội đều trở thành một người tốt, một người thuần thiện, lương tâm không bao giờ bị bức xúc, vì có điều suy nghĩ, lời nói và việc làm có hại cho người và xã hội. Hơn thế nữa, nếu là một Phật Tử thì việc học Phật trước hết là học làm một người có ích cho đời và đạo.Là một con người luôn luôn có khuynh hướng làm lợi ích cho đời và cho đạo, thì mỗi người như vậy sẽ có đời sống an vui, vì họ chỉ nghĩ, nói và làm những chuyện phúc đức, lợi tha. Nhờ học Phật mà có được một đời sống an vui. Cho nên học Phật chính là niềm vui, một niềm vui lớn.
Biết mà thực hành theo con đường tình nghĩa, cũng không bằng thực hành theo con đường tình nghĩa mà thấy được niềm vui ở trong đó. Và người thầy dạy giỏi không phải là ông thầy trao truyền cho học trò thật nhiều kiến thức, mà là người thầy biết tạo ở nơi học sinh niềm vui thật sự trong khi học. Muốn có niềm vui khi học tập, thì học tập phải có sáng tạo. Nhưng nếu chỉ tiếp thu một cách thụ động thì không thể có sáng tạo.
Muốn cho việc biết ơn và đền ơn có được niềm vui lớn, thì không được cố chấp trên một hình thức nông cạn nào, và cũng không nên thiên vị về bất cứ một khuynh hướng nào, tuy rằng việc giao thiệp với tất cả mọi người mọi giới là điều đáng khen ngợi. Việc tiếp xúc với mọi người, mọi giới chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết kiểm nghiệm những điều chúng ta lắng nghe từ đối tượng tiếp xúc trong cuộc sống, với diễn biến ở ngoài đời và ở trong thân tâm của chúng ta. Ðời sống là môi trường thực tập tốt nhất, luôn trải rộng trước mắt. Thân tâm chúng ta, luôn phản ứng trước những diễn biến của đời sống bên ngoài cũng là một điều hết sức là thú vị.
Có thể nói thuyết đạo đức: Biết ơn và đền ơn của phật giáo đã phân biệt rạch ròi điều thiện với điều ác. Kinh Pháp Cú còn khuyên chúng ta tránh điều ác, siêng làm điều thiện ngay từ trong tâm của mình, ngay trong suy nghĩ. Vậy thì điều mà chúng ta kiểm nghiệm đối với thân tâm mình, là có thể hay không làm được hay không, chỉ có thể kiểm nghiệm sau khi được nghe giảng về thuyết ơn đền nghĩa đáp của đạo Phật. Sau khi nghe, thân tâm chúng ta luôn luôn nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện, luôn tránh nghĩ bất thiện, nói và làm điều bất thiện là chúng ta thành công. Cho nên chúng ta phải luôn luôn kiểm nghiệm khi thực hành con đường tình nghĩa. Hãy xem trước một việc bất thiện, không nên làm, thân tâm chúng ta sẽ phản ứng ra sao. Và trước một việc thiện nên làm phản ứng như thế nào. Phải chăng chúng ta sẽ không ngần ngại, không do dự làm việc thiện và tránh việc bất thiện.
Kinh sách Phật Giáo cũng khuyến cáo Phật tử phải sống như người chiến sĩ, và có một nỗ lực đạo đức không ngừng. Nỗ lực đạo đức của người Phật tử có hai mặt:
- Một mặt là tự mình phấn đấu để trở thành người hoàn thiện,
- Một mặt nữa là hết lòng giúp đỡ chúng sinh, giúp đỡ người khác trên phương diện ân đền nghĩa đáp.
Hai mặt đó bổ sung và hỗ trợ nhau. Cũng như muốn tránh ác, thì làm thiện. Muốn làm thiện thì tránh ác. Làm thiện tránh ác thì tâm ý chúng ta sẽ trong sáng, tâm ý trong sáng giúp cho việc làm thiện, tránh ác được dễ dàng. Cũng như hai chuyện hướng ngoại và hướng nội của đạo Phật là bổ sung và hỗ trợ cho nhau chứ không mâu thuẫn nhau. Nhiều người lầm, khi nghe nói đạo Phật hướng nội bèn vội cho đạo Phật là ích kỷ, là bàng quan với đời. Họ không hiểu rằng, muốn giúp đỡ người khác có hiệu quả thì nội tâm người giúp phải trong sáng, lương thiện. Ðó là những điều chỉ cần qua kiểm nghiệm ở đời là thấy liền không phải bàn cãi. Giúp người có năm bảy cách. Có thể giúp người mà làm hại người. Chính vì vậy mà Đạo Phật luôn luôn khuyến cáo nỗ lực giúp đỡ chúng sinh phải đi đôi với nỗ lực hoàn thiện bản thân.Ðể giúp loại bỏ tư tưởng ác, Phật nói là người có niệm ác không khác gì nuôi kẻ thù trong nhà, nó làm hại mình còn hơn kẻ thù làm hại mình. Trái lại người có niệm thiện, niệm lành thì niệm thiện, niệm lành đó còn giúp đỡ mình hơn cha mẹ, bà con giúp đỡ mình nữa. Ðối với người bị niệm ác ám ảnh, dày vò, vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta phải cẩn thận:
1- Xem niệm ác là một cái gì ghê tởm, và nên như coi rắn độc, không nên đem quàng vào cổ, mà trái lại phải vứt xa đi.
2- Ðối với niệm ác, cũng như đối với một vật xấu, chúng ta đừng nhìn nó nữa, mà nhìn sang nơi khác.
3- Đừng phản ứng một cách vội vã.
4- Vứt tất cả các niệm ác lại phía sau như những đoàn tàu lửa nhả khói sau chuyến tàu.
Từ những sự suy tư nầy, chúng ta cũng đủ thấy Ðức Phật cũng không nói sống đạo đức là chuyện dễ dàng, không những phải cố gắng thường xuyên mà còn phải khéo léo, thiện xảo để chu toàn việc thực hành còn đường tình nghĩa.
Là người học Phật, phải ý thức được con đường tình nghĩa, ân đền nghĩa đáp chứa đựng những tư tưởng chân, thiện, và mỹ. Những tư tưởng đó, tiếp thu vào người, sẽ tạo ra một chuyển biến nội tâm hướng thiện và hướng thượng. Chúng ta thường xuyên gần gũi những người học Phật khác, sống theo năm giới, mười giới thiện đều là những gương sáng thúc đẩy chúng ta tránh ác, làm thiện. Nếu nhiều người đều sống như vậy, là chúng ta sẽ tạo ra cả một cộng nghiệp thiện lành, thành cả một áp lực thúc đẩy xã hội hướng thiện và hướng thượng cứ thế mà tiến lên.
Tin ở sức mạnh bất khả kháng của những thực hiện con đường tình nghĩa. Tin ở sức mạnh của lòng thương, lòng từ, lòng hiếu thảo ... Tin sức mạnh tỏa sáng một cách tự nhiên từ tấm lòng của mọi người Phật Tử Việt Nam trải qua nhiều đau khổ, bất hạnh, nhưng suối nguồn tình nghĩa đó không bao giờ cạn, vẫn dồi dào thêm, và sẽ làm dập tắt mọi hận thù và bất hạnh, đẩy lùi mọi tệ nạn xã hội, khai mở những trang sử mới đẹp đẽ nhất cho cuộc đời. Do vậy khi có chuyện bất hòa trong gia đình thì hãy cố gắng giải quyết với thiện tâm trong sự hiểu biết, tha thứ, và từ ái. Như thế chúng ta không phải chỉ tránh làm hại đến cha mẹ, thầy tổ, ân nhân mình là đủ, mà chúng ta phải có bổn phận đền ơn trả nghĩa nữa.
Trường hợp nếu chúng ta không có dịp để đền ơn người đã giúp đỡ mình, nhưng chúng ta cũng được coi như là kẻ biết ơn, nếu ít nhất chúng ta còn nhớ đến những việc mà người ân đã giúp chúng ta trước đây. Nếu có dịp để đền ơn thì chúng ta hãy thực hiện.
Nhưng xin lưu ý, chuyện đáp đền ơn nghĩa không liên quan gì đến đức hạnh hay tư cách của người mà mình nghĩ là có ơn với mình. Dầu ân nhân có đức hạnh hơn ta, kém ta hay bằng ta, chuyện ấy không ăn nhằm gì. Một điều cần thiết để họ trở thành ân nhân của ta đó là họ đã giúp đỡ chúng ta trước đây thế thôi. Đây là tấm gương tốt đẹp mà chúng ta nên biết:
Chuyện xưa có kể rằng, có một thanh niên nọ làm việc vất vã nuôi mẹ, nhưng mẹ chàng thanh niên nầy là một người đàn bà trẻ và đẹp, những người trai trong làng cứ tìm cách lân la thân cận nhưng đều bị từ chối. Và cuối cùng, một ngày nọ có một người mỏng môi trong làng dèm pha:
- Nầy anh bạn, anh có biết là mẹ anh gặp ai cũng theo đuổi, tư cách của mẹ bối lắm anh có biết không?
Chàng thanh niên trả lời:
- Ông bạn ơi, mẹ tôi muốn làm gì thì làm theo ý thích. Bổn phận của tôi là phải làm việc để nuôi mẹ, vì bà ta đã sanh ra tôi.
Ðây là một chàng thanh niên rất hiểu biết. Anh ta biết được phạm vi làm việc của mình, đó là biết ơn cha mẹ, và đền ơn sanh thành dưỡng dục, còn tánh tình của bà ta thế nào đó là chuyện của bà.
Người thanh niên nầy là một trong hai loại người hiếm có và quý báu trên thế gian: Người thi ân và người đền ân. Phải biết biết rằng:
- Người thi ân là người có hảo tâm và tử tế giúp người khác với lý tưởng cao thượng.
- Người đền ơn là người nhớ đến những việc làm tốt đẹp mà ân nhân mình đã làm cho mình, và cố gắng đền ơn khi có cơ hội.
Nói tóm lại, nhìn chung con đường tình nghĩa, ân đền nghĩa đáp, chúng ta thấy Ðức Phật là một trong những người thi ân cao cả. Ngài không ngừng cố gắng giúp đỡ chúng sanh bằng cách chỉ rõ con đường giải thoát, để cho mỗi chúng sanh có thể tự thực hành hầu thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Mọi người chúng ta đều chịu ơn Ngài nên phải có bổn phận nhớ ơn và đền ơn. Nếu không chúng ta sẽ trở thành:
- Dầu cho ta sống trên đỉnh vinh quang
Nghĩa mẹ tình cha chẳng tròn
Vẫn chưa xứng danh con người.
Một con người trên thế gian, khi mà hiếu thảo không tròn, ân đền nghĩa đáp không biết. Trái lại còn mang tâm bội phản, phá phách còn không được coi xứng danh của một con người. Vậy đối với người con Phật thì sao. Một người:
          - Bội phản tình, ân nghĩa
          Sống nhung nhúc bằng thừa.
--o0o--