TẬP SAN DƯỢC SƯ

Hạnh Phúc Trong Cô Đơn
Trúc Giao
---o0o---
 
            Chúng tôi có gặp nhiều cụ thường nói rằng:
            - Thưa Thầy buồn quá Thầy ơi!
            Các người bạn trẻ đến Chùa, gặp Thầy cũng than:
           - Thưa Thầy, buồn quá Thầy ơi.
            Khi được hỏi tại sao buồn thì các cụ cũng như những người bạn trẻ đều nói có nhiều lý do lắm. Dĩ nhiên là có nhiều lý do cho nên mới buồn. Nhưng nếu chúng ta biết chuyển hóa cái buồn đó thì nó sẽ trở thành vui, và hạnh phúc. Vì vậy hôm nay chúng ta xin được giới thiệu đến với đại chúng bài pháp: Hạnh Phúc Của Sự Cô Đơn.
            Nói cô đơn mà hạnh phúc thì đúng là chuyện lạ. Nhưng Thực sự chúng ta sẽ thấy đó không phải là chuyện lạ. Tâm lý chung đối với các cụ cũng như những người bạn trẻ, sở dĩ ai cũng bảo rằng:
             - Buồn quá Thầy ơi!
            Là tại vì khi còn ở Việt Nam chúng ta không ai phải lo về vấn đề ngôn ngữ, muốn nói chuyện gì thì nói, tha hồ mà nói không bị giới hạn. Riêng về các cụ ở Việt Nam tuy không lái xe được, nhưng muốn đi đâu cũng dễ, chỉ cần ra đường đón xích lô đi liền, hoặc kêu taxi muốn đi tới đâu thì Taxi chở tới đó, nên các cụ thấy thoải mái lắm. Nhưng khi các cụ được con bảo lãnh qua bên này rồi thì các vị thấy có nhiều khó khăn như:
            - Có miệng mà không nói được, nếu nói thì chỉ nói được với con cháu trong nhà thôi.
            Nếu là con thì còn có thể nói được tiếng Việt, còn với cháu nhiều khi không nói được. Nhiều đứa cháu được sanh ra và lớn lên ở đây cho nên ông/bà nội hay ông/bà ngoại nói thì ông/bà nội hay ông/bà ngoại nghe chứ nó không có nghe được, cho nên các cụ buồn. Mặt khác con cái ở Mỹ phải đi làm, các cụ ở nhà một mình đóng cửa suốt ngày, cứ nhìn bốn vách tường đi tới đi lui, không thì coi ti vi, hoặc phim ảnh Hồng Kông. Nhưng coi tivi cũng không hiểu gì, mà coi phim rồi lâu ngày cũng chán, vì vậy mà các cụ cảm thấy rất là buồn. Đó là nói về khó khăn của những cụ lớn tuổi được các con bảo lãnh qua.
            - Khó khăn thứ hai là đối với một số cụ không thích xem Tivi và coi phim, thì có khuynh hướng tìm bạn để trò chuyện. Những cụ cần có bạn để trò chuyện, nhưng nếu không có bạn để tâm sự, trò chuyện thì buồn lắm. Cho nên nhiều cụ có khuynh hướng tìm kiếm người nói chuyện, mà khi không kiếm được người để nói chuyện thì cảm thấy buồn, cô đơn.
            Nhưng khi kiếm được người nói chuyện rồi, thì lại có những khó khăn khác xảy ra. Trước hết hỏi thăm xã giao, và sau là bắt đầu nói chuyện. Trong câu chuyện, trước hết có thể là tâm sự của mình, nhưng tâm sự của mình xong thì bắt đầu chuyển sang chuyện của người khác. Đầu tiên nói chuyện tốt của người, khi đã hết chuyện tốt thì nói sang chuyện xấu. Cứ vậy mà hết chuyện này tới chuyện nọ, hết chuyện nọ tới chuyện kia, hết chuyện tốt tới chuyện xấu ...
            Đây là điều mà chúng tôi đã gặp. Một ngày nọ, khi có việc đến nhà của một người bạn, thấy cụ bà ngồi thở. Khi được hỏi sao mà cụ thở khó khăn như vậy, thì cụ bà cho biết là do mới nói chuyện xong nên mệt quá. Không phải là tò mò, nhưng thuận miệng hỏi:
            - Thường người ta nói chuyện thì phải vui phải khỏe chứ, nhưng vì sao nói chuyện mà cụ lại mệt?
            Cụ bà mới trả lời:
            - Do vì nói chuyện được một hồi, bị bà bạn kia nói móc họng tức quá cho nên mệt.
            Cố tìm vui trong trò chuyện nhưng tâm ý không đồng, khi lời qua tiếng lại một hồi, nặng tiếng một chút là chúng ta nổi giận liền. Một khi đã giận chúng ta có khuynh hướng nặng lời, mà đã nặng lời thì bên kia người ta cúp đầu dây, người ta đâu muốn nghe nữa, vậy là chúng ta bắt đầu bực bội một mình. Như vậy rõ ràng là chúng ta tự tìm cái khổ. Tuy nhiên, phải ý thức được những lúc trò chuyện để tạm gọi là giải tỏa bớt sự cô đơn, tìm niềm vui hay tìm điều gì đó trong lúc trò chuyện, thực sự điều này có vẻ không đúng lắm. Bởi vì nếu chịu khó để ý, sẽ thấy rằng nếu chúng ta nói càng nhiều thì chánh khí trong cơ thể sẽ càng tổn giảm đi, và tất nhiên là sẽ làm cho chúng ta mệt. Mặt khác nếu để ý chúng ta sẽ thấy, thay vì tìm niềm vui trong việc trò chuyện, thì chúng ta nên ngồi niệm Phật hay tịnh tâm, nghĩa là chúng ta tìm an lạc trong yên tịnh, ít nói, và trong cô đơn. Chúng ta ngồi yên lặng như vậy, người ngoài nhìn vào tưởng là buồn, cô đơn, nhưng thực sự khi ngồi như vậy chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm. Phương pháp trau dồi nghệ thuật hạnh phúc là ngồi tĩnh tâm, niệm Phật, để quán chiếu thì dần dần chúng ta thấy thích thú với sự im lặng của mình. Đó là lý do tại sao mỗi lần tham dự khóa tu, quý Thầy thường hướng dẫn chúng ta đi thiền hành. Bởi vì cũng là đi, nhưng nếu nói đi chỉ để đi từ bên đây qua đến bên kia thì rất là dễ. Còn muốn đi để cho có một nghệ thuật và hạnh phúc thì không dễ. Muốn đi mà để cho tự thân có một niềm an lạc, chúng ta đi không cần đến đích. Có nghĩa là chúng ta cứ thong thả, từ từ mà đi. Bước chân nào, chúng ta biết rõ là chúng ta đang bước chân đó. Quý Thầy thường nhắc là đi trong chánh niệm, hay đi trong tỉnh thức, hay chúng ta đi để đếm từng bước chân cô đơn của mình, tức là chúng ta biết rõ ràng là mình đang đi, hoặc đang bước từng bước chân tỉnh thức. Thực hành được hạnh phúc trong sự cô đơn, chúng ta có thể đi trong cảnh phồn hoa đô hội, nhưng chúng ta cảm thấy yên tịnh. Chúng ta đi qua những thành phố ồn ào náo nhiệt, nhưng trong tâm tư có thể chúng ta có được sự an lạc, trong khi chúng ta đi trong im lặng như vậy.
            Sự việc sống trong cảnh phồn hoa đô hội mà không bị chi phối là việc có thể thực hiện, nhưng là một người phàm phu chúng ta thấy có phần không đơn giản. Vì vậy, đôi khi chúng ta cũng phải bỏ lối sống ở chốn phồn hoa đô hội để trở về đời sống ẩn dật, im lặng. Đương nhiên sự yên lặng, sự cô đơn này là để tập cho chúng ta có một thói quen bớt nói chuyện mình, chuyện người, chuyện xấu chuyện tốt để cho tâm tư có một sự an lạc.
            Quả thật, đôi khi cũng phải tách rời cuộc sống của chúng ta ra ngoài sự nhộn nhịp, khi biết tự thân chưa đủ khả năng để kiểm soát lấy bản thân của mình. Nói như thế không có nghĩa là chạy trốn cuộc đời để tìm sự yên tịnh. Nhưng khi thấy rằng chúng ta chưa có khả năng tự làm chủ lấy mình, thì cũng nên tập rút lui để tìm sự yên tịnh. Đây là thái độ chuẩn bị cho một hành trình mới chứ không phải là thái độ bi quan yếm thế. Nhân đây lạm bàn về thái độ sống của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, là một ông Trạng Trình và cũng là một nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, cụ nói:
            - Một mai một cuốc một cần câu,
            Thơ thẩn cùng ai vui thú nào
            Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
            Người khôn người đến chốn lao xao.
            Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
            Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao
            Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
            Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao.
            Đứng trên quan điểm hưởng nhàn thì cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì rất hay:
           - Một mai một cuốc một cần câu,
            Thơ thẩn cùng ai vui thú nào
            Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
            Người khôn người đến chốn lao xao.
            Hay ở chỗ là ai khôn thì cứ tới chỗ đông, tôi dại tôi ở đi chỗ này chỗ kia, chỗ vắng vẻ tôi không cần tiếp xúc với đời. Sự hưởng nhàn này cứ đi lang thang để cho nó khuây khỏa, nếu cần thì mình xách cần câu để mà câu cá ... Thái độ nhìn xem phú quý tợ chiêm bao, chúng ta thấy rất là hay. Vì biết đời là vô thường chúng ta không còn bận tâm về giàu sang, phú quý trong cuộc đời. Cho nên ngồi uống rượu để nhìn trời trăng mây nước với thái độ tùy thuận. Mùa Thu thì ăn măng, mùa Đông thì ăn giá, nghĩa là mùa nào chúng ta cũng có thức ăn của mùa đó mà không đòi hỏi.
            Tuy nhiên, với quan điểm của Phật giáo, thì chúng ta thấy rằng sống một cuộc sống như vậy cũng không có gì thú vị cả. Theo cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tránh sự ồn ào mà lại đi sát sanh thì chúng ta tạo thêm nghiệp.
Theo tinh thần của hạnh phúc trong cô đơn, khi chúng ta sống một cuộc sống ẩn dật, đơn độc có nghĩa là chúng ta muốn chứng nghiệm được giá trị những giây phút trầm lặng của chính mình chứ không phải đi tìm một thú vui nào khác. Những giây phút được gọi là trầm lặng đó, theo như trong Phật giáo cho rằng, đó là những giây phút chúng ta làm một cuộc hành trình trở về nội tâm của chính mình. Cũng cùng thái độ trầm lặng, nhưng cái trầm lặng của phật tử hiểu đạo nó khác với cái trầm lặng của người thế gian không hiểu đạo. Người không hiểu đạo im lặng vì nói không lại người ta, cho nên trong thâm tâm bực bội, ấm ức, khó chịu và định bụng mà có dịp là sẽ nói lại, sẽ trả thù bằng những lời nói nặng hơn. Trong khi đó sự im lặng, sự cô độc của người học đạo là để nhìn vào con người của chúng ta, để thấy chúng ta cần làm gì. Tại vì có những lúc chúng ta cũng không biết được là chúng ta cần phải làm gì, cho nên chúng ta rút vào trong im lặng để nhìn lại, để thấy mình có tánh hư có những tật xấu nào. Vì bình thường, chúng ta thấy cái xấu của người khác mà không thấy cái xấu của mình, cho nên cho nên sống im lặng là để trở về với chính mình, để chiêm nghiệm lại chính mình.
            Chúng ta sống im lặng, sống đơn độc để chúng ta thấy được chúng ta chính là chúng ta. Trong thời gian chúng ta thực tập để sống im lặng, sống một cuộc sống cô đơn hay nói đúng hơn là chúng ta tập hành thiền. Nói chung, trong những thời gian đó không phải là thời gian chúng ta hoang phí một cách vô lý. Nếu chúng ta để ý thì những điều này về lâu về dài chúng ta sẽ thấy có một lợi ích rất là lớn:
            - Lợi ích đầu tiên mà chúng ta có thể thấy được là niềm tự tin.
            - Lợi ích thứ hai là chúng ta có thể sống một cách độc lập mà không tùy thuộc bất cứ một ai.
            - Lợi ích thứ ba là chúng ta có thể thấy được bản tánh của chính mình.
Vì thế phải sắp xếp để chúng ta có thời gian tránh những ồn ào, náo nhiệt ở trong cuộc sống. Nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta vẫn làm việc bình thường, nhưng vẫn có thể sắp xếp thời giờ để một năm ít nhất một hoặc hai lần để tham dự khóa tu. Nếu không sắp xếp như vậy, thì trọn năm suốt tháng không bao giờ chúng ta nhàn rỗi cả, vì thế Nguyễn Công Trứ một nhà thơ lớn của Việt Nam có nói rằng:
            - Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.
            Nghĩa là:
            - Chúng ta biết nhàn thì nó nhàn, chờ cho đến khi có nhàn rỗi thì chúng ta sẽ không bao giờ mình có cuộc sống nhàn rỗi.
Cho nên phải sắp xếp thời giờ, để khi muốn đi tham dự khóa tu là chúng ta đi được. Vì cuộc sống bận rộn thì ngày nào cũng bận rộn, cho nên khi đã sắp xếp ngày tháng để đi tham dự khóa tu, thì khi đến tháng đến ngày là cứ đi không có gì thay đổi được.
            Tại Chùa Dược Sư, nếu nói trong năm thì có năm lần khóa tu lớn:
            - Khóa tu mùa Xuân,
            - Khóa tu mùa Hạ,
            - Khóa tu mùa Thu,
            - Khóa Tu mùa Đông và
            - Khoá tu Đông Xuân.
            Nói về tháng thì có hai lần:
            - Tuần lễ thứ hai của mỗi tháng là Quán Niệm
            - Tuần lễ thứ tư của tháng là Thiền Quy Hướng Tịnh Độ.
            Cho nên, dù chúng ta có bận việc gì đi nữa, thì cũng có thể sắp xếp để đi tham dự ngày tu Quán Niệm, hoặc Thiền Quy Hướng Tịnh Độ, vì thời gian trong ngày từ mười giờ sáng đến năm giờ chiều rất nhanh. Từ sáng đến chiều, nếu không làm việc gì thì thôi, còn nếu làm thì chúng ta làm được rất nhiều việc. Vì vậy trong khoảng thời gian, từ sáng đến chiều mà chúng ta không tập quán chiếu để trở về với chính mình, thì chúng ta không có gì cả. Cho nên trong một tháng phải cố gắng sắp xếp ít nhất là một lần để có một ngày trở về với chính mình.
            Bây giờ chúng ta nói tới thời gian trong tuần khi không đến chùa được. Trong một tuần thì từ đầu tuần tới cuối tuần ai cũng đi làm hết, tuy nhiên phải ráng sắp xếp một hoặc hai ngày trong một tuần để tập sống yên lặng, sống tỉnh thức, sống trong cô đơn. Nếu một ngày nào đó mà chúng ta phát nguyện tịnh khẩu không thèm nói chuyện với ai hết, thì chắc chắn ngày đó sẽ là ngày thánh thiện lắm. Ngày đó là ngày mà chúng ta không tạo nghiệp miệng, vì:
            - Họa tùng khẩu xuất
            Cho nên im lặng trong một ngày là chúng ta có phước một ngày, nhưng đừng im lặng kiểu gặp ai cũng nghênh ngang, không khéo người ta nói chắc tâm trí có vấn đề. Do vậy khi thực tập, làm sao mà để cho người khác biết là chúng ta đang thực tập tu chứ không phải bản thân có vấn đề. Tu tập như thế nào, đó là chuyện của chúng ta, nhưng phải nên tránh đừng để người khác hiểu lầm và xuyên tạc:
            - Do tu nhiều quá nên mới như vậy.
            Nhiều người đã từng đổ thừa là do ngồi thiền nhiều quá nên bị tẩu hỏa nhập ma. Vì lẽ đó chúng ta phải có cách tu như thể nào, để khách bàng quang thấy sự tu có an lạc. Cho nên trong một tuần cố gắng sắp xếp một hoặc hai ngày không nói chuyện, hoặc có nói chuyện nhưng ít ít thôi. Nghe cũng cũng vậy, nhưng nếu cần nghe, chúng ta chỉ nên nghe chuyện tốt của người, còn nghe nói tới chuyện xấu thì chúng ta không nên nghe. Vì nếu cứ nghe chuyện xấu của người ta, chủng tử xấu nó từ từ len lỏi vô trong đầu, rồi luôn luôn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chủng tử xấu. Đó là một độc tố chúng ta nên tránh.
            Để huân tập chủng tử tốt, trong một ngày chúng ta cũng nên cố gắng sắp xếp một, hay hai tiếng đồng hồ để một mình ngồi cô đơn, chiêm nghiệm lại con người thật của mình để thấy giá trị của sự yên lặng. Phật tử chùa Dược Sư chúng ta ở đây, ai cũng dư sức làm việc này, vì theo chúng tôi biết quý vị đã tham gia nhiều khoá tu, cho nên người nào cũng rất giỏi. Có thực tập thì chắc chắn là có năng lượng tốt. Có người hỏi:
            - Việc sắp xếp một tuần tịnh tu một vài ngày, và mỗi ngày tịnh tu một vài giờ đồng hồ, hành động nầy có phải là chúng ta trốn trách nhiệm không?
            Câu trả lời dứt khoát:
            - Chúng ta hoàn toàn không trốn trách nhiệm, ngược lại chúng ta còn tích cực nhiều hơn.
            Bởi vì trong lúc tịnh tu, là lúc tôi luyện thói quen của chúng ta biết sống tỉnh thức chứ không phải trốn trách nhiệm. Hơn thế nữa sự tịnh tu nầy, còn làm cho chúng ta tăng cường tâm trí minh mẫn. Điều nầy trái ngược hẳn với thói quen ăn không ngồi rồi, ngồi lê đôi mách.
            Thói quen của sự tịnh tu, là phương pháp giúp chúng ta có cái nhìn trở về nội tâm của chính mình, và lẽ tất chúng ta sẽ cảm thấy có rất nhiều lợi lạc. Chính nhờ tập sống cuộc sống cô đơn, chính nhờ thực tập phương pháp thiền quán, cho nên chúng ta có thể quán sát những tư duy, và các hành xử của chính mình. Vì những suy tư của chúng ta, thường thường không phải là suy tư có mục đích, mà là những suy tư hết chuyện này tới chuyện khác, nghĩ một hồi chúng ta không biết là đang nghĩ cái gì. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi tin tưởng, lắm lúc chúng ta cũng có những suy nghĩ bao đồng, suy nghĩ không có mục đích gì cả. Cách suy nghĩ nầy, sau đó chúng ta cảm thấy nặng đầu, nhức đầu khó chịu. Việc nặng đầu nhức đầu là của tự thân, nhưng lại có ảnh hưởng đến người khác. Bởi vì trong lúc nhức đầu, có thể thấy con cái đứa nào mà lớn tiếng hoặc giỡn chơi, là chúng ta khó chịu ngay. Cho nên phương pháp ngồi tịnh tâm, quán sát tự tâm, biết được những suy tư, những tư tưởng của mình như:
            - Khi buồn cũng biết mình đang buồn, khi vui biết mình đang vui ...
            Lúc đó chúng ta cũng có thể thấy được chiều sâu của ý nghĩa, của tất cả những sự vật ở bên trong của chúng ta, và chúng ta có thể khám phá ra rằng, chính con người chúng ta cũng có nguồn năng lực vô cùng vô tận. Nếu chúng ta không có được nguồn năng lực như vậy, thì làm sao chúng ta có thể sống nổi mấy mươi năm. Chúng ta phải khỏe mạnh lắm mới sống được.
Một cách tổng quát, do vì thiếu nếp sống cô đơn, cho nên mỗi ngày chúng ta cần có một chút thời giờ cô đơn, để chúng ta xa lìa tất cả những ồn ào náo nhiệt, để trở về với chính mình. Nếu có lúc, chúng ta thấy cuộc sống hiện tại có vẻ xô bồ phức tạp, thì những giây phút chúng ta sống yên lặng, cô đơn đó rất cần thiết để cho tâm trí của chúng ta quân bình trở lại. Bởi vì nếu tâm trí mà không quân bình, thì chúng ta sẽ cảm thấy không tha thiết để mà sống. Trạng thái tâm trí không quân bình chán lắm, rất mệt mỏi không thích làm gì cả, dù đang đói bụng nhưng ngay cả cơm cũng không muốn ăn. Khi nào cảm thấy đói bụng mà chán cơm, trong tâm cảm thấy buồn phiền, nhưng gặp ai cũng chán ghét, kể cả người chúng ta thương cũng cảm thấy chán nản, thì đó là hiện tượng không quân bình cả tâm lẫn thân thể.
            Thông thường tâm trí của chúng ta thích chạy theo những cái ồn ào náo nhiệt. Thích va chạm, đua tranh với cuộc sống trong hiện tại. Cho nên tâm trí lúc nào cũng bị quấy rầy, hối hả quay cuồng theo nhịp sống sinh hoạt của xã hội, rồi tự làm khổ bản thân. Bên cạnh những người thích ồn ào náo nhiệt, chúng ta còn thấy nhiều người trong chúng ta cảm thấy cần có những giây phút cô đơn, yên tịnh. Chính nhờ những lúc cô đơn, yên tịnh đó mà chúng ta có một thái độ dứt khoát, vứt bỏ tất cả những vướng mắc đang xảy ra trong cuộc sống, có khuynh hướng làm cho tâm tư buồn phiền, rối ren. Khi chúng ta có một thái độ dứt khoát như vậy thì chúng ta giúp ích cho tự thân và tâm của chúng ta khỏe mạnh. Nghĩa là thân thể luôn khỏe mạnh, tâm trí an vui, vì thế người đời có câu nói:
            - Một tâm hồn khỏe mạnh luôn luôn có mặt trong một cơ thể tráng kiện.
            Bây giờ tinh thần của chúng ta bị xáo trộn, thì không thể nào làm cho thân thể tráng kiện nổi. Hay, một khi thân thể mình bị bệnh hoạn thì chúng ta cũng không thể có được một tinh thần mạnh khỏe được. Cho nên những giây phút cô đơn, chính là những giây phút cắt đứt tất cả những phiền lụy dan díu, để chúng ta tạo cho mình có thêm nghị lực, vững chãi để chúng ta bắt đầu tiếp tục cho cuộc sống mới, cho hành trình mới. Điều nầy tương tự như loại máy có recharge battery. Sau một thời gian xử dụng hết battery, chúng ta recharge lại battery thì battery đó đầy điện trở lại giống như mới mua. Nhưng trong khi recharge battery, chúng ta phải tắc toàn bộ máy móc thì dòng điện trong battery mới nạp điện trở lại. Con người chúng ta cũng vậy, khi tiếp xúc với bên ngoài chúng ta cảm thấy đầu óc rối bù, mệt mỏi, chán chường, không thích làm gì cả. Bây giờ chúng ta ngồi cô đơn, chính là thời điểm để chúng chấm dứt tất cả những sự liên hệ đó, cùng lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy khỏe, và từ từ năng lực cần thiết của chúng ta sẽ phục hồi trở lại.
            Muốn chấm dứt mọi quan hệ bên ngoài, để sống những giây phút cô đơn, nó đòi hỏi chúng ta có một đức tánh dũng mãnh, một niềm tự tin nơi bản thân. Và mình muốn có một tinh thần độc lập chúng ta cũng phải làm như vậy. Lý do mà chúng tôi nói là phải can đảm, dõng mãnh mới có thể phải chấm dứt tất cả những sự liên hệ bên ngoài, bởi vì tâm lý con người thường hay ỷ lại. Chẳng hạn như trong cuộc sống gia đình, có khi chồng ỷ lại vợ, do quá ỷ lại vợ cho nên người chồng không bao giờ biết nấu cơm, vì đói là có vợ nấu cơm rồi. Tương tự có nhiều người vợ ỷ lại nơi chồng mình, cho nên có nhiều người hết xăng chạy xe, cỏ mọc ngoài vườn khỏi lo, vì có chồng mình lo hết rồi. Nhưng đó là lúc mà vô thường chưa tới, nghĩa là chồng vợ sung túc đề huề, cho nên chưa thấy thiếu. Đến khi vô thường tới chồng chia tay, hoặc vợ chia tay rồi thì mới thấy thiếu. Thiếu không người cắt cỏ, không người đổ xăng, không người nấu cơm cho mình .., Đó là những giây phút mà chúng ta mất đi tự tin vào chính mình. Có thể sau một thời gian ngắn hay dài tùy theo sự cương nghị của mỗi người, rồi cũng từ từ lấy lại sự quân bình cho cuộc sống. Hết xăng thì tự đi đổ, cỏ mọc thì tự cắt, đói bụng quá thì tự đi nấu cơm ăn ... Nếu cứ tùy thuộc vào người khác, thì sẽ không bao giờ có được sự tự tin vào chính mình. Vì thế mà Đức Phật luôn khuyên dạy chúng ta rằng:
            - Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
            Đức Phật chỉ là người chỉ đường, muốn tới đích thì tự chúng ta phải đi. Thành ra khi chúng ta trở về với đời sống cô đơn, im lặng là chúng ta có được niềm an lạc, có những đức tin dũng mãnh, có một tinh thần độc lập, có những điều cần thiết trong cuộc sống, chúng ta không tùy thuộc bất cứ một cá nhân nào.
            Tâm lý bình thường con người luôn tìm cầu hạnh phúc ở bên ngoài, thay vì hạnh phúc bên trong. Những hạnh phúc bên ngoài là phải có nhà cao cửa rộng, phải có vợ đẹp con ngoan, chồng cao sang quyền bính, có bạn bè đông đảo ... Tin vào nhà cửa, tài sản ... là hạnh phúc là sai, vì không ai giàu ba họ, không khó ba đời. Nói tới bạn bè, lẽ dĩ nhiên là khi chúng ta có đầy đủ phương tiện, đầy đủ mọi thứ thì bạn bè tới, nhưng khi sa sút, xuống dốc rồi thì bạn bè xa lánh. Cho nên những điều mà chúng ta nghĩ là hạnh phúc, là những cái không bền. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta từ chối thế giới bên ngoài, không cần nhà cao cửa rộng, không cần vợ đẹp con ngoan, không cần chồng hay vợ con giỏi, không cần bạn bè .., mà nói vậy để chúng ta biết rằng, tất cả những gì đang hiện hữu trên cuộc đời nầy đều bị vô thường chi phối. Khi vô thường tới thì dẫu là vợ chồng con cái thân thiết đến bao nhiêu đi nữa, cũng phải chia tay chứ không tồn tại bền bỉ. Biết được như vậy để chúng ta không tùy thuộc và không quá tin tưởng ở hạnh phúc bên ngoài, nếu cần thiết chúng ta cũng cần hình thức ở bên ngoài. Nhưng điểm chính yếu muốn tìm hạnh phúc, thì chúng ta phải trở về với con người của chính mình, để thấy được hạnh phúc thực sự trong con người chính mình.
            Hiện tại chúng ta thấy tại Hoa Kỳ, những văn minh hiện đại có thể giúp chúng ta rất nhiều, chẳng hạn như chúng ta muốn đi từ chỗ này qua chỗ kia, nếu đi bộ chúng ta phải mất rất nhiều thời gian, nhưng đi xe thì chúng ta đi rất nhanh. Cũng vậy, kỹ thuật khoa học có thể tạo cho chúng ta muốn nói chuyện ở nơi nào cũng rất là dễ dàng, muốn nói với bất kỳ với ai dù ở nơi chân trời góc biển nào, chỉ cần nhấc điện thoại lên là có thể nói chuyện được, có thể thăm hỏi được. Nói chung kỹ thuật khoa học tiến bộ cao, và giúp chúng ta rất nhiều. Lẽ tất nhiên ngày nay, chúng ta thấy kỹ thuật khoa học hoạt động không ngừng, với mục đích làm cho cuộc sống của chúng ta đầy đủ tiện nghi, và làm cho thế giới chúng ta đang sống đây có đầy đủ phương tiện. Nhưng những phương tiện đó, chẳng hạn như máy bay, điện tử, đầu đạn nguyên tử, tivi, internet... tất cả những phương tiện kỹ thuật đó dù có cao, và mặc dù tất cả những điều kiện đó đã làm cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp, nhưng tất cả những sự tốt đó vẫn là ở bên ngoài, thuộc về thế giới vật chất. Dù rằng có những ưu điểm, nhưng những ưu điểm đó có đôi khi cũng không kiểm soát được chính bản thân chúng ta. Mặc dù đã tạo được rất nhiều tiến bộ, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn, nhưng dù sao đi nữa thì nguồn nội tại của chúng ta, vẫn chưa được giúp ích gì từ những phương tiện văn minh, kỹ thuật khoa học hiện đại đó. Nói như vậy nghĩa là bên trong nguồn sống tâm linh, và thể chất của chúng ta còn có những sự kỳ diệu, những điều mà các nhà bác học, các nhà khoa học cần phải bỏ ra nhiều thời gian để khám phá mới có thể tìm hiểu được chính con người của chúng ta.
            Có nhiều người đi tìm giải pháp, và khắc chế cho thích hợp trong cuộc sống của mình. Có những người vì quá buồn đời, cho nên đi đánh bài, tìm niềm vui trong bài bạc để rồi cuối cùng thua nên cũng không vui. Lại có những người muốn tìm quên lãng sự đau khổ bằng rượu chè cờ bạc để quên hết mọi thứ. Quả thật khi say rượu, nghiện ngập ma túy ... thì họ quên hết mọi thứ, nhưng đến khi tỉnh rượu rồi thì chẳng những không quên mà lại còn ray rứt, đau khổ nhiều hơn nữa. Tất cả những cái đó đều là những độc tố, không những chúng ta không quên được mọi thứ, không hết đau khổ mà những cái đau khổ đó nó càng chồng chất lên nhiều hơn nữa. Cho nên giải pháp đi tìm lãng quên trong rượu chè, cờ bạc ... để giải quyết vấn đề, không những không giải quyết được vấn đề, mà còn chuốc lấy thất bại, khổ đau. Vì vậy muốn tìm một phương pháp nào đó để giải quyết một sự kiện, một vấn đề gì đó, thì chúng ta phải trở về với con người của mình. Vì tất cả sự việc đều xuất phát ở bên trong của chúng ta. Cho nên muốn giải quyết vấn đề là giải quyết chính bên trong, chứ không phải đi tìm lãng quên bằng cách đi đánh bài, rượu chè xì ke, ma túy ... Giải quyết như vậy là không tốt đẹp.
            Từ khuynh hướng nầy, khi gặp vấn đề nào đó thì chúng ta phải tìm cách giải quyết ở bên trong trước, không thôi sẽ thất bại. Trong hiện tại chúng ta thấy có nhiều người cũng thường lưu ý đến các nạn ô nhiễm như:
            - Không gian bị ô nhiễm, biển bị ô nhiễm, đất bị ô nhiễm, nói là tất cả ngoại cảnh bị ô nhiễm ...
            Biết lưu ý đến các ô nhiễm bền ngoài, nhưng lại không có một người nào dám nói là tâm con người bị ô nhiễm. Quả thật, dầu cho là không gian ô nhiễm, hay bất cứ môi trường nào ô nhiễm cũng đều do tâm con người mà ra. Hình ảnh hai em bé được sinh ra có hai thân thể khác nhau nhưng lại có cùng chung một xương chậu là một cụ thể rõ ràng nhất. Với tình trạng đó, nếu muốn sống thì phải có một người hy sinh nhường xương chậu cho người còn lại. Nguyên nhân mà hai em bé có thân thể như vậy, là do hậu quả một loại độc tố có tên là chất độc màu da cam. Chất độc nầy có mặt trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã đem chất độc có màu vàng như màu da cam nầy, rải lên đất để tiêu diệt tất cả những cây cối. Chất độc mặt dầu được rải trên mặt đất, nhưng nó theo gió bay khắp nơi, nên vùng nào mà bị nhiễm chất độc này thì cây cối cối không mọc được, và những người phụ nữ ở vùng đó mà mang thai sẽ bị quái thai.
            Như vậy, mọi người cứ bảo là ô nhiễm không khí, nhưng không bao giờ nghĩ là tại sao tâm của con người độc ác, rải chất độc đó ra gây nên sự đau khổ cho không biết bao nhiêu người. Lại nói ô nhiễm biển, nhưng không ai lên tiếng nguyên do tại vì thử bom nguyên tử mà ra. Thử bom nguyên tử ngoài biển thì biển bị ô nhiễm thôi.
            Nói chung, chúng ta cứ nói là ô nhiễm bên ngoài, nhưng không biết nhìn lại bên trong là tâm của chúng ta đang dơ, đang ô nhiễm trầm trọng. Vì sao con người thử đầu đạn nguyên tử, vì sao con người thử vũ khí tối tân. Tại vì con người muốn chế tạo những vũ khí tân kỳ đó để giết con người càng nhiều thì càng có nhiều thắng lợi. Hoặc là chế ra những vũ khí tân kỳ càng hay bao nhiêu, thì bán càng được nhiều tiền bấy nhiêu. Do vì tâm con người ô nhiễm nên chúng ta mới làm ra những điều đó tệ hại đó.
            Với quan điểm này Đức Phật dạy:
            - Muốn bảo vệ, gọt rửa tâm thì chúng ta phải trở lại nơi bản tâm của chính mình.
            Tại vì chúng ta biết từ lâu, trong tâm của chúng ta đẫy dẫy những sự tham, sân, si làm cho cuộc sống chúng ta ô nhiễm. Những cái bợn nhơ tinh thần của chúng ta làm cho chúng sanh ô nhiễm. Vậy bây giờ muốn rửa sạch cái ô nhiễm của chúng sanh, thì chúng ta phải rửa sạch tâm của mình trước. Như vậy lối sống của người phật tử, cách hành trì của người phật tử là một tiến trình rất tích cực:
            - Tích cực thứ nhất là để thanh lọc hành động của mình, đó là thanh lọc cái thân.
            - Tích cực thứ hai là mình thanh lọc lời nói, là miệng.
            - Tích cực thứ ba là thanh lọc tư tưởng, là ý.
            Quả thực, mục đích của chúng ta tu học là tích cực thanh lọc hành động, thanh lọc lời nói, thanh lọc tư tưởng của mình. Đó là cách mà chúng ta tự trau dồi, tự phát triển. Khi biết trau dồi, tự phát triển thì chúng ta không muốn thành Phật, cũng cứ thành Phật như thường. Điểm chính yếu ở đây là thành quả thu đạt được là từ trong sự tu học của chúng ta, chứ không phải từ tranh luận, không phải từ căn cứ vào lời nói hợp lý nào đó, hay khẩn cầu ở bên ngoài mà được. Cho nên ngồi trong một giờ, chúng ta cảm thấy yên lặng an tịnh trong tâm hồn một giờ, là chúng ta thành công trong một giờ. Do đó muốn có thành quả tốt đẹp chúng ta phải thực tập hằng ngày. Nếu chúng ta không thực tập hằng ngày, để rồi mới tu bữa nay mà mai đòi thành Phật quả thì không thể có được. Cho nên chúng ta muốn thanh lọc tư tưởng của mình, thì phải thực tập hằng ngày giống như con gà mà ấp trứng vậy. Vì sở dĩ cái trứng có thể nở được là nhờ vào hơi ấm.
            Thường thì tâm của chúng ta giống như là con khỉ, cứ hết chuyền từ cây này lại qua cây khác, không định được. Bây giờ chúng ta biết phương pháp tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, chúng ta biết lối sống cô độc là có lợi ích, cho nên chúng ta phải thực tập hằng ngày, đừng giống như con khỉ mà chạy bên này, chạy bên kia, leo cây này, leo cây nọ. Trái lại chúng ta phải giống như con gà ấp trứng,  phải ấp mỗi ngày để cho trứng luôn ấm. Độ ấm được duy trì như vậy, thì trứng gà mới nở ra con được. Nếu không đủ độ ấm thì trứng sẽ bị thúi. Cũng như vậy, chúng ta có một chủng tử đẹp, thì đương nhiên có một nguồn năng lực rất lớn trong chính bản thân của chúng ta. Trong chúng ta ai cũng có một nguồn năng lượng rất lớn, nhưng không thực tập thì chúng ta không thấy được nguồn năng lượng đó bị mai một, giống như trứng gà bị hư khi không được ấp vậy. Cho nên chúng ta phải thực tập hằng ngày thì chắc chắn sẽ thành công, giống như trứng gà được ấp mỗi ngày, muốn nó không nở nó vẫn cứ nở như thường.
            Như vậy, phương pháp tụng kinh, niệm Phật, hành thiền hay là chúng ta ngồi cô độc, không phải là pháp môn mới hôm nay hay là mới hôm qua, mà đã có từ lâu rồi. Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, tất cả những vị thánh nhân muốn có giác ngộ ai cũng phải đi qua con đường thực tập chánh niệm, thực tập thiền quán, và phải biết ngồi để im lặng, cô đơn một mình.
Chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có sự phát triển tâm trí hay thanh lọc bợn nhơ trong tinh thần của mình mà không cần phải xử dụng đến các phương pháp:
            - Tụng kinh, niệm Phật, hành thiền.
            Nếu không có gạn lọc tư tưởng, không có thực tập tụng kinh, niệm Phật, hành thiền thì bợn nhơ trong tinh thần của mình không bao giờ tẩy được. Chính nhờ hành thiền mà Đức Phật thành đạo. Vì điều minh chứng rõ ràng là sau sáu năm khổ hạnh, Đức Phật đi khắp nơi, khắp chỗ để học đạo. Nhưng cuối cùng Ngài thấy vô ích quá, phương pháp tu khổ hạnh Ngài thấy rằng chỉ làm cho con người càng thêm kiệt quệ, tinh thần càng lúc càng yếu đuối, nên Ngài quay trở lại ngồi thiền. Cuối cùng Ngài đạt được sự giác ngộ.
Nói tới cách hành thiền, chúng ta thấy có rất nhiều tôn giáo họ cũng có nhiều phương cách hành thiền, nhưng sự hành thiền của họ là có thể ngồi yên lặng, có thể ngồi tụng niệm, có thể từng cá nhân hay là tập thể họ ngồi để chú niệm vào một đề mục nào đó. Hoặc vào một nhân vật hay một ý niệm thiêng liêng nào đó. Có người tin rằng những công trình trau dồi tâm trí như vậy sẽ dẫn tới một kết quả, là sẽ thấy những bậc thiêng liêng mà họ muốn thấy. Có thể nghe tiếng nói của những vị thánh thần hay là vị nào đó, và ngay cả như họ có thể nói chuyện được với chư vị thần thánh đó. Xa hơn nữa là có thể thấy được những sự huyền bí hay những thần thông có thể xảy ra. Nhưng nếu nhìn vào cuộc sống nội tại của chính chúng ta, thì tất cả những cái đó đều là ảo giác, do sự tưởng tượng mà ra. Có thể nói rằng, những cái đó nó chỉ có ở trong tâm do suy nghĩ mà thôi. Những hình ảnh đó có thể là do cái tâm thức của con người tạo ra hoặc là những hiện tượng đó có thể là trong cuộc sống hằng ngày, do suy nghĩ quá nhiều, cho nên khi ngồi yên thì chúng ta thấy ngay những hình ảnh như thế, đó là chuyện đương nhiên. Những hình ảnh mà họ thấy đó chính là ảo giác.
Tâm là một năng lực có thể tạo ra tất cả mọi hiện tượng, cho nên càng suy nghĩ mông lung tìm về với ảo giác, thì cái ảo giác đó nó hiện ra với chúng ta ngay. Khi nó hiện ra như thế, chúng ta có cảm tưởng như chính chúng ta đã đắc đạo rồi. Nhiều người đã nghĩ như vậy, vì khi họ đang ngồi thiền mà thấy Đức Phật tới xoa đầu, hay một vị thánh vị tiên nào tới đưa họ lên trên trời, lên tận thế giới nào đó mà họ muốn tới. Điều nầy, làm cho họ nghĩ là đã đắc đạo rồi, cho nên mới được thọ ký như vậy. Kỳ thật đó chỉ là ảo giác của họ mà thôi.
            Trạng thái xuất thần của những vị đạo sĩ, còn có một thái độ đi xa hơn nữa là họ ngồi mà không hay biết gì hết, không có cảm giác về điều gì hết. Nhưng theo tinh tần Phật Giáo, khi hành thiền mà tâm thần mê man như vậy, không còn biết gì đến ngoại cảnh nữa, thì là không đúng với phương pháp hành thiền. Theo như trong Kinh điển mà Đức Phật dạy, sự chứng đạo đều do sự tu tập mà ra, nhờ vào sự tu tập, chúng ta khéo phát triển quan năng của mình để chúng ta sống đời an lạc. Ở đây điểm quan trọng nên nhớ, lối tu tập  trong Phật giáo, hay lối ngồi cô đơn là để chiêm nghiệm con người của mình, không phải là trạng thái tự mình thôi miên, mà cũng không phải đó là trạng thái mê sảng, mà đó là một trạng thái làm cho tâm trở nên trong sạch, và chúng ta có thể hàng phục và chuyển hóa được những khát vọng thấp kém. Chúng ta có thể làm chậm lại hoặc biến mất tất cả những nguyên nhân thúc giục, xáo trộn trong tâm tư, xáo trộn cuộc sống của chúng ta.
            Khi chúng ta tập ngồi như vậy, tức là chúng ta tập ngồi để làm cho tâm an trụ, làm cho tâm tư của chúng ta tập trung vào một điểm, và hội nhập vào một trạng thái sáng tỏ, ở đó chúng ta thấy tất cả những sự vật, những điều chúng ta muốn nói, muốn làm.
            Nói chung phương pháp tu học trong Phật giáo không nhằm vào việc hội nhập, hay họp lại với một đấng thượng đế, hay một đấng tối thượng nào đó. Cũng không nhằm đạt tới một kinh nghiệm, một huyền bí, hay chính chúng ta tự sống trong trạng thái thôi miên, mê sảng, mà nhằm tạo cho tâm chúng ta có một thành tựu về sự vắng lặng và trí tuệ. Như vậy phương pháp tu tập trong Phật giáo là nhằm tiến tới một mục tiêu duy nhất, đó là làm tâm của chúng ta được yên tịnh giải thoát, một sự giải thoát không lay chuyển, sự giải thoát hoàn toàn trọn vẹn, không bị trói buộc bằng những bợn nhơ của tinh thần. Đồng thời làm cho tâm tư của chúng ta trở nên trong sạch một cách tuyệt đối.
Nói tóm lại, tất mọi người ai cũng biết, chúng ta ở đời sự thành công hay thất bại khó mà biết được. Nhưng là người có tu học, chúng ta đừng quá quan trọng sự thành công hay thất bại, miễn sao chúng ta thấy thất bại thì đừng chán nản, trái lại còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, tiếp tục kiên trì không ngừng nghỉ, luôn luôn thành thật với lòng mình. Luôn luôn tinh tấn, trong sạch ý chí, cố gắng hết lòng, rồi thì tất cả những gì chúng ta mong muốn cũng đều làm được. Chúng ta phải tự nhủ rằng, tất cả những thất bại đó không thể làm cho chúng ta chùn bước, mà trái lại chúng ta phải cố gắng lên, phải tinh tấn lên, đừng bao giờ thối chí chán nản. Đây là thành quả dễ dàng do chúng ta cố gắng, có cố gắng mãi thì chắc chắn chúng ta sẽ sớm đạt được kết quả. Rồi một ngày nào đó, nếu không muốn hiện hữu trong kiếp sống này, chúng ta có thể đạt được tận cùng những cái thành quả mà quý vị tiền bối đã tận lực đạt đó là:
            - Chứng ngộ được toàn giác như Đức Phật, như chư Tổ ..,
            Vì vậy trong khuynh hướng hạnh phúc của sự cô đơn, chúng ta phải luôn ghi nhớ:
            - Thứ nhất chúng ta không chạy theo ngoại cảnh,
            - Thứ hai chúng ta biết chúng ta sẽ, đã và đang làm gì, lẽ tất nhiên là chúng ta biết dừng lại khi chúng ta vấp phải sai lầm.
Vì chúng ta thấy rằng trong cuộc sống thực tế của xã hội luôn luôn có sự chuyển mình, có sự đổi mới rất nhanh. Vậy thì chúng ta cần phải tu tập dù ít, dù nhiều để chúng ta có thể làm giảm bớt đi những sự căng thẳng trong tâm tư, và chúng ta có thể chịu đựng được những thăng trầm của cuộc sống ở trong thực tế. Nhờ phương pháp tu tập mà chúng ta có thể vượt qua tất cả những cái khó khăn, dù là trong tâm hay là cái khó khăn đó chính là nơi bản thân của mình. Nhờ những cảm xúc, những cái thúc giục để đạt được trạng thái tâm vắng lặng và thanh nhàn, chúng ta phải cố gắng vượt qua tất cả. Chúng ta làm được như vậy rồi thì chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc của sự cô đơn.
--o0o--