TẬP SAN DƯỢC SƯ

Mây Trắng Thảnh Thơi Bay
Tịnh Nghiêm
---o0o---
 
Mây trắng thảnh thơi bay là muốn nói đến trạng thái không vướng bận. Như vậy thảnh thơi là trạng thái đối nghịch lại với trạng thái vướng bận. Quả thật, là một con người sống trên cuộc đời nầy, chúng ta luôn luôn phấn đấu không ngừng nghỉ, cho nên con người luôn luôn bận rộn. Bận rộn, vướng mắt vì thế mà khổ đau phiền muộn cũng từ đó mà phát sinh. Có nhiều lý do dẫn dắt làm cho chúng ta bận rộn, nhưng tựu trung thì chỉ có hai phương diện tinh thần và vật chất. Khổ đau, phiền muộn, bận rộn trên phương diện tinh thần thì đầu óc rối bời, không định hướng. Khổ sở, nhọc nhằn về vật chất thì thiếu ăn, thiếu mặt, thân thể sanh ra bệnh tật. Vướng vào cả hai: Thân và tâm thì tinh thần chao đảo, thân thể cũng trở nên bệnh tật. Muốn khôi phục lại nguyên trạng thái cũ, để sống đời bình an, là bệnh tật về thân thì có thuốc thang vật lý trị liệu, nhưng bệnh về tinh thần thì phải tìm đến với đời sống tâm linh.   
Tất cả các tôn giáo có trên cõi đời nầy, tôn giáo nào cũng đều có truyền thống cầu nguyện, nhằm mục đích duy nhất là hướng dẫn con người sống cuộc sống tâm linh hoàn hảo. Như nói về truyền thống Phật Giáo, khi tinh thần bị chao đảo thì các đạo hữu đều có khuynh hướng cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu thân bị bệnh hiểm nghèo thì có khuynh hướng cầu nguyện với Đức Phật Dược Sư. Tuy nhiên nhiều đạo  hữu, dù là thân bệnh hay tâm bệnh cũng đều cầu nguyện cả hai Bồ Tát Quán Thế Âm và Đức Phật Dược Sư. Như nói về Ðức Phật Dược Sư:
- Dược: Là thuốc, nghĩa là bất kỳ món chi dùng để trị bệnh được đều gọi là thuốc.
- Sư: Là vị thầy.
Như vậy Phật Dược Sư là vị Phật Thầy thuốc, chuyên trị các bệnh khổ về thân và tâm. Do vậy mà trong truyền thống Phật Giáo, nói đến Ðức Phật Dược Sư, là người con Phật ai cũng liên tưởng đến vị Phật có tâm nguyện thường ủng hộ cho chúng sanh, giúp cho chúng sanh tiêu trừ tai nạn bệnh hoạn hiểm nghèo. Quốc độ của Ngài nằm về phương Ðông đối với cõi Ta Bà hiện chúng ta đang cư trú.
Nói về bệnh, như có lần đã nhắc, con người có rất nhiều loại bệnh, nhưng tựu trung thì chỉ có thân và tâm bệnh. Theo trong Kinh Niết Bàn quyển 39 có nói:
a- Về Thân Bệnh thì có ba chứng:
- Bệnh Nhiệt
- Bệnh gió
- Bệnh lạnh
Ðiều trị ba loại bệnh nầy thì thường dùng những loại thuốc làm bằng vật liệu. Cứng, lỏng và mềm ...
b-   Về Tâm Bệnh có ba chứng
- Tham: Trị chứng bệnh nầy thì quán chiếu đến sự không sạch của các pháp.  
- Sân: Trị chứng bệnh nầy người ta dùng Từ Tâm Quán
- Si: Trị chứng bệnh nầy thì người ta dùng nhân duyên trí, tức là cái trí soi các nhân duyên để thấy từ gốc đến ngọn của các nhân duyên.
Ðiều trị những loại bệnh nầy, thông thường người ta dùng loại thuốc về tâm linh.
Và như có lần đã nói, tôn giáo nhằm mục đích hướng dẫn, giúp đỡ đời sống tâm linh cho nhân quần xã hội. Thân bệnh thì dễ thấy và dễ chữa, còn tâm thì khác hẳn. Nghĩa là khó thấy và khó chữa, như nhiều người tâm luôn luôn ở trạng thái dao động. Tâm họ chạy lung tung hết nơi nầy đến nơi khác, tâm hồn của họ phất phới như cờ trong gió lộng, tung tán như đám tro bị đá ném vào. Họ không có sự tươi mát, bình an, tĩnh lặng. Tâm bất an và tán loạn nầy có thể được gọi là Tâm Bệnh, hay những ngọn sóng của tâm, như mặt nước bị gió thổi làm dao động. Những ngọn sóng của tâm sẽ hiển lộ rõ ràng khi bất an xuất hiện. Ngay cả khi tâm tán loạn được tập trung, nhưng sự định tâm cũng còn bị trộn lẫn với bất an. Khi tâm không an hiện diện thì chắc chắn không thể có được thảnh thơi, hạnh phúc thật sự được.
          Khi tâm bị tán loạn thì chúng ta không thể kiểm soát được hành vi của mình, và bắt đầu hành động theo sự ngông cuồng, tưởng tượng, không có ý thức được sự tốt xấu của việc đang làm, đó là Tham. Do tâm thiếu suy nghĩ, chúng ta có những hành động và lời nói sai lầm, đó là Sân. Những hành động và lời nói sai lầm nầy khiến chúng ta hối hận và tự trách mình đó là Si.
          Ðại loại tâm của chúng ta thường bị các tư tưởng hay tâm bệnh như vậy quấy rối. Khi tâm bị tấn công bởi hối hận và tiếc nuối thì sẽ không thể nào có hạnh phúc và thảnh thơi được. Thảnh thơi là yếu tố đưa đến sự hiểu biết nầy. Sự thảnh thơi có được chỉ khi nào bất an và hối hận vắng mặt. Khi tâm không bị dao động thì sự mát mẻ an tịnh mới phát sinh.
          Trong thế giới ngày nay, nhất là trong cuộc sống hiện tại, con người có nhiều đau khổ về tinh thần, nhiều người dùng ma túy, thuốc an thần và thuốc ngủ để làm cho tâm an tịnh và vui thú với trạng thái đó. Thường thường những người trẻ tuổi dùng ma túy để vượt qua những giai đoạn khó khăn và dao động. Nhiều người cảm thấy thích thú trong khi dùng ma túy nên dùng mãi và sanh ra ghiền.
Trái lại sự an tịnh do tu tập, thúc liễm thân tâm là một loại an tịnh cao quý giá trị gấp bội những loại ma túy hay các loại lạc thú từ ngoài đem lại. Dĩ nhiên, mục đích của sự tu tập không phải chỉ là sự an tịnh, mà là giải thoát, nhưng an lạc và tĩnh lặng là những lợi ích mà chúng ta gặt hái trên con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ hoàn toàn.
          Ðặc tính của thảnh thơi là làm an tịnh thân tâm, làm cho mọi giao động trở nên tĩnh lặng. Thảnh thơi còn có công năng thoa diệu bớt sức nóng của tâm. Sức nóng nầy do sự bất an, tán loạn và hối hận đem lại. Khi bị các loại phiền não nầy tấn công, tâm sẽ trở nên nóng bỏng như bị nung lửa, lúc đó tâm thảnh thơi bị dập tắc bởi sức nóng nầy, và thay thế bằng sự mát mẻ dễ chịu. Cho nên khi có biểu lộ của sự thảnh thơi là chúng ta biết có sự an tịnh của thân tâm:
- Thân và Tâm không bị dao động.
Là một người biết tu tập, chúng ta sẽ dễ dàng quán chiếu sự an tịnh lớn lao do tâm thảnh thơi đem lại. Vì khi không có sự thảnh thơi chúng ta sẽ bị thúc bách phải di động, phải đứng dậy, phải làm chuyện nầy chuyện kia. Thân thể của chúng ta văn vẹo, tâm bất an của chúng ta nhảy tới nhảy lui. Khi mọi phiền não nầy dừng nghỉ, bấy giờ không còn những cơn sóng trong tâm, thì tâm của chúng ta sẽ ở trạng thái êm dịu. Mọi hoạt động của chúng ta trở nên tĩnh lặng nhẹ nhàng, êm ái và thảnh thơi.
          Có được sự thảnh thơi, thường thì thân và tâm sẽ có những niềm vui. Khi niềm vui phát triển đến cao độ, thì sự thảnh thơi cũng chan chứa khắp cả thân và tâm. Khi vui tràn ngập trong cơ thể thì chúng ta sẽ hoàn toàn muốn đắm mình mãi trong sự tĩnh lặng của thân và tâm.
          Nhờ hiệu lực của niềm vui, toàn thể thân tâm luôn luôn nhuần thấm sự an tịnh, cho nên chúng ta cảm thấy yêu đời. Chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm được điều nầy khi niềm vui mạnh mẽ phát sinh. Lúc bấy giờ tinh thần thơ thới nhẹ nhàng. Nếu chúng ta có được kinh nghiệm nầy, chúng ta sẽ thưởng thức được niềm hạnh phúc lớn lao của đức Phật đã ban cho và năng lực của niềm vui do tu tập mang lại.
          Theo đức Phật đã từng dạy phương pháp phát sinh sự thảnh thơi là chú tâm sáng suốt, nhất là chú tâm sáng suốt đến sự phát triển những tư tưởng thiện. Có năm cách làm phát triển những tư tưởng thiện và sống cuộc đời thảnh thơi:
          1- Ðiều Kiện Dinh Dưỡng
          Trong dân gian thường nói:
- Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn
Mới nghe qua chúng ta cứ tưởng câu nói nầy là câu nói của những nhà nghèo nói để mà tự an ủi, như nhà thơ Trần Tế Xương đã từng an ủi cho cuộc sống của mình. Vì quá nghèo, nghèo đến độ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên nhà thơ đã từng nói:
- Ngày ba bữa vô bụng rau bình bịch,
Người quân tử ăn chẳng cần no.
Tuy nhiên xét cho cùng, chúng ta thấy một người biết làm cho thân và tâm luôn luôn thảnh thơi đều thấy rằng yếu tố giúp cho cuộc sống thảnh thức ăn món uống đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống hiện tại rất nhiều. Vì thế thức ăn phải đáp ứng hai yếu tố: Cần thiết và phù hợp với cơ thể người dùng.
- Yếu tố dinh dưỡng là yếu tố quan trọng. Thức ăn không cần phải cầu kỳ, nhưng phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu cơ thể không đủ chất dinh dưỡng chúng ta sẽ không đủ sức khỏe để làm việc gì khác trong cuộc sống ngoài thế gian cũng thế, mà cuộc sống tu học cũng vậy.
- Thức ăn cần phải phù họp với cơ thể và sức khoẻ của từng người. Thức ăn làm sự tiêu hoá rối loạn hay thức ăn mà chúng ta không thích cũng khiến cho cơ thể không an ổn, trên phương diện thân thì sẽ trở nên bệnh, và trong cuộc sống tu học sẽ khó duy trì được sự thanh tịnh. Nếu cơ thể chúng ta không cảm thấy khỏe khoắn, hay cứ bị ám ảnh bởi những thức ăn thì việc tu tập của chúng ta khó tiến bộ.
Sự ám ảnh do vì thức ăn có thể làm cho con người trở nên khỏe khắn hay bệnh hoạn. Quả thật như vậy, điều đó đã được kể truyện qua câu chuyện trong Tam quốc Chí. Khi quân lính của Tào Tháo đánh với quân đội của Khổng Minh, thế cùng lực tận, lương thực hết mà nước uống cũng không còn, cho nên trong quân tình rối loạn, hàng ngũ muốn tan rã. Thấy quân tình rối loạn, và để ổn định tinh thần quân sĩ, Tào Tháo mới bảo quân lính rằng:
- Thiếu thức ăn thì có thể rán chịu, nhưng mà nước uống không dễ nhịn. Ở phía trước có một rừng me, chúng ta hãy rán chạy đến đó, trước là để thoát khỏi sự bao vây của quân đội Khổng Minh, và sau là  hái me mà ăn thì tự nhiên sẽ hết khát nuớc.
Nghe nói đến me, trong cổ họng của quân sĩ ai ai cũng tiết ra chất nước bọt, cùng lúc không ai bảo ai, mọi người tranh nhau mà chạy nhanh về phía trước, thế là quân đội Tào Tháo thoát khỏi sự bao vây của quân đội Khổng Minh. Nhờ biết áp dụng những đòn tâm lý mà Tào Tháo trở thành kẻ được coi là gian hùng nhất thiên hạ.
Một bài học hữu ích khác, vào thời đức Phật còn tại thế, có một cụ bà Phật Tử rất thuần thành, là người thường phát tâm giúp đỡ chư Tăng trong việc ăn uống. Chìa khóa bí mật của sự thành công là cụ bà nắm vững nguyên tắc cần thiết và thích hợp. Cụ bà thường tìm hiểu nhu cầu của chư tăng, chư ni và thiền sinh. Những người được mời đến nhận lãnh thực phẩm cúng dường, bà đều tìm hiểu từng vị một để biết nên cúng dường thứ gì cho phù hợp. Vì thế mà chư thánh chúng thân thể ai cũng khỏe mạnh, nên việc tu tập rất là chuyên cần. Như thế khi có thức ăn cần thiết và thích hợp, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy an lạc và định tâm.
          2- Khoảng Không Gian Cần Thiết:
          Trong nhà hay bất kỳ ở đâu, tất cả đều cần có một khoảng không gian cần thiết để đủ dưỡng khí cung cấp cho cơ thể của chúng ta. Quả thật, trong một căn nhà mà bày biện nhiều cũng làm cho tâm hồn rối loạn không thảnh thơi, an vui để mà tu tập.
Khoảng không gian cần thiết có đủ thì không khí mới tươi nhuận, ngoài ra cũng cần tập cho cơ thể của chúng ta có khả năng thích ứng với mọi thời tiết, trừ trường hợp khí hậu quá khắc nghiệt, chúng ta có thể dùng các phương tiện phụ thuộc để hỗ trợ như: Quạt trong mùa nóng, sưởi trong mùa lạnh.
          3- Chú Trọng Ðến Các Oai Nghi
          Cách đi, đứng, nằm, ngồi, phải thoải mái và áp dụng triệt để trong tinh thần chánh niệm để giúp cho tâm hồn thảnh thơi. Chúng ta thường đi hay ngồi trong khi hành thiền. Ðó là hai tư thế tốt nhất cho người mới bắt đầu hành thiền. Thoải mái không có nghĩa là giải đãi quá. Những động tác nằm hay ngồi trên ghế dựa có thể được xem là quá giải đãi, trừ trường hợp chúng ta bị bệnh, hay một lý do đặc biệt nào đó thì tạm thời tùy hỷ. Do đó tư thế ngồi, hay lúc kinh hành, đó là tư thế biểu lộ sự tinh tấn để giữ cho thân thể khỏe mạnh. Một thân thể cường tráng chắc chắn phải có một tinh thần minh mẫn, cho nên cuộc sống thảnh thơi là điều có thể thực hiện được.
          04- Trạng Thái Bình Thường
          Chúng ta không nên quá tích cực hay quá biếng nhác. Nếu tích cực hay tự thúc đẩy quá mức, chúng ta sẽ vượt quá mục tiêu, mất đề mục và trở nên mệt mỏi. Nếu làm biếng, giãi đãi thì chúng ta sẽ không thể nào đạt được mục tiêu. Người quá tích cực chẳng khác nào như người leo núi họ vội vả mong muốn đạt đến đỉnh một cách mau lẹ, nên họ leo thật nhanh, nhưng vì sườn núi dốc nên họ phải dừng lại nhiều lần để nghỉ ngơi. Cuối cùng họ phải để một thời gian lâu dài mới lên đỉnh núi. Người học đạo cũng vậy, vì sự tu học không phải một ngày một giờ mà có thể thấy đạo mà phải trường kỳ thực tập. Cho nên giữ cho tâm hồn bình thường, tập thản nhiên trước mọi việc, để từ từ hướng dẫn thân tâm mình đến cuộc sống thảnh thơi.
          05- Thân Cận Người Có Ðịnh Hướng
          Thân cận với những người thiếu vững chải, hôm nay họ sẽ rủ rê chúng ta đi làm việc nầy, mai họ sẽ rủ rê đến hướng khác. Thân cận những người nóng nảy, thô tháo, hung dữ, tất cả những người như vậy sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta bất an. Tránh xa các hạng người này có thể giúp chúng ta thảnh thơi thoải mái.
Ðiều nầy rõ ràng là nếu thân cận với người tính tình nóng nẩy luôn luôn cau có, giận dữ, la mắng, nạt nộ, thì chẳng bao giờ đạt được tâm tĩnh lặng. Ngược lại, nếu chúng ta thân cận với người có tâm an định, thân tâm chúng ta cũng sẽ trở nên an tịnh và thảnh thơi.
Nói tóm lại, bình thường khi bệnh thì chúng ta uống thuốc để trị về thân bệnh, còn về tâm bệnh người thì con người có khuynh hướng nguyện cầu các đấng siêu nhiên. Như người con Phật chúng ta thì cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hoặc Ðức Phật Dược Sư để nhờ ân đức của các Ngài mà chúng ta được tai qua nạn khỏi, bệnh khổ tiêu trừ. Như vậy để trợ duyên giữa cảnh đời hiện thực và việc cầu nguyện với đấng siêu nhiên, chúng ta phải thực tập để sống cuộc sống thảnh thơi bằng cách hướng tâm vào việc tu tập, thiền tọa, kinh hành ... Nếu chúng ta luôn luôn tích cực chánh niệm, hướng tâm vào sự an tịnh thì thảnh thơi sẽ phát sanh một các tự nhiên, và như vậy khi chúng ta có cầu nguyện đức Phật Dược Sư, thì Phật Dược Sư mới xuất hiện cứu độ chúng ta một cách hữu hiệu. Thân và Tâm không có bệnh thì cuộc sống sẽ an nhàn tự tại, làm việc gì cũng không có sự vướng bận trong cuộc sống hữu hạn nầy như mây trắng thảnh thơi bay.
--o0o--