TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cứu Khổ Ban Vui
Thông Trí
---o0o---

 

Từ ngữ Cứu Khổ Ban Vui là do từ chữ Từ Bi mà ra. Chữ Từ có nghĩa là thương tưởng, dốc làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh. Chữ Bi có nghĩa là đau xót trước những cảnh khổ não hoạn nạn, ưu sầu của chúng sanh, dốc chí ra tay cứu vớt họ. Hay nói một cách khác là:
- Ðem niềm an lạc đến cho một người nào đó và lấy sự đau khổ của họ đi.
          Trong chiều hướng học hỏi và thực tập tinh thần Cứu Khổ Ban Vui để đem niềm an lạc đến cho mọi và lấy nỗi khổ niềm đau của họ đi, cho nên một hôm nọ trong lúc đứng sắp hàng ở Home Depot khi đợi tới lượt tôi để trả tiền vật liệu, tôi để ý tới bộ mặt mệt mỏi của anh đứng tính tiền. Một cuộc đời ngày ngày đứng nơi quày tính tiền, nhìn ông đi qua bà đi lại như vậy tất nhiên không thú vị gì hết. Tôi tự nhủ:
          - Anh nầy có vẻ mệt mỏi và buồn quá. Nên làm cho anh ta nở một nụ cười cho vui.
Muốn vậy phải khen anh ta cái gì đây. Sự thật làm cho một người có nụ cười thì không có gì khó khăn, nhưng đối với người chưa từng quen thì phải dựa vào đâu để gợi chuyện. Chợt thoáng thấy anh ta có mái tóc rất đẹp, như có đề tài gợi chuyện nên tôi bắt đầu câu chuyện:
          - Anh có khỏe không? Tôi ước ao có bộ tóc như anh.
          Nghe tôi khen, anh ta ngửng đầu lên hơi ngạc nhiên, nét mặt tươi cười và nhũn nhặn trả lời:
          - Bây giờ nó đã kém trước rồi.
          Tôi nói:
- Truớc đây như thế nào thì tôi không biết, nhưng bây giờ thì tôi thấy mái tóc của anh đẹp lắm.
Nghe tôi nói như thế anh ta rất lấy làm hoan hỷ, do đó mà chúng tôi nói chuyện vui vẻ một lúc. Khi tôi ra về anh ta còn nói thêm:
          - Ông khen đúng lắm, tại vì trước đây cũng đã có nhiều người khen tóc tôi như vậy.
          Khi ra về tôi cũng cảm thấy vui vì tôi đã làm cho mọi người vui. Tôi kể chuyện đó cho một người phật tử đến chùa nghe, và người Phật Tử hỏi tôi:
          - Khi Thầy làm như vậy, thì Thầy nghĩ rằng thầy muốn cần người đó điều gì?
          Khi mục đích chúng ta chỉ cần làm một việc gì, cho một người nào đó vui thì câu trả lời rõ ràng là không cần điều chi cả. Nếu chúng ta ích kỷ đến nỗi không bố thí được một chút hạnh phúc cho người chung quanh, đến nỗi khi khen ai, hay làm một việc gì cho ai cũng hy vọng người ta đáp đền một cái gì, phải có lợi gì mới làm, thì chúng ta là người quá tệ. Nếu tim chúng ta không lớn hơn quả trứng gà thì sự thất bại trong công ăn việc làm cũng là chuyện thường.
          Có một định luật quan trọng nhất mà chúng ta phải tuân thủ khi giao thiệp. Theo nó thì việc gì cũng hóa dễ, trở ngại gì cũng thắng được, chúng ta sẽ có vô số người thương, sẽ thành công và vui sướng. Nếu trái lại luật đó tức thì những nỗi khó khăn sẽ hiện ra. Luật đó là:
          - Cứu khổ ban vui, và luôn luôn phải làm cho người cảm thấy sự quan trọng của họ.
          Trong mấy chục thế kỷ, các triết nhân tìm kiếm các định luật chi phối sự tương quan giữa người với người, và tất cả những sự tìm tòi đó đều đưa đến mỗi một quy tắc không mới mẻ gì, một quy tắc đó đã có từ hồi nhân loại mới có sử đó là:
          - Muốn được mọi người cư xử với chúng ta ra sao, thì chúng ta cư xử với mọi người như thế đó.
          Chúng ta lúc nào cũng muốn những người mà chúng ta gặp gỡ đồng ý, và thừa nhận tài năng của chúng ta. Lúc nào cũng tự thấy mình quan trọng trong vai trò của chúng ta. Rất có thể chúng ta ghét những lời tán dương giả dối thô lỗ, nhưng thật sự chúng ta cũng thèm khát những lời khen thành thật. Chúng ta muốn những người thâm giao và đồng nghiệp cực lực tán thành, không tiếc lời ca tụng. Hết thảy chúng ta ai cũng muốn như vậy. Vậy chúng ta phải biết rằng:
          - Muốn nhận của người ta cái gì thì cho người ta cái đó.
          Như vậy, vấn đề được đặt ra là chúng ta cần phải xử sự như vậy khi nào, bằng cách nào, và ở đâu?
          Xin đáp:
          - Bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở nơi đâu.
          Ðây xin kể cho đại chúng nghe về một người hướng dẫn trong văn phòng thành phố:
- Một hôm, tới một sở nhà đất thành phố, lần đầu tiên bỡ ngỡ, tôi hỏi một người ngồi ở bàn hướng dẫn, vị nầy chuyên môn tiếp khách, chỉ cho tôi nơi làm việc của sở đô thành. Anh ta mặc bộ đồ sạch sẽ, và có vẻ tự đắc trong việc chỉ dẫn đó lắm. Anh ta trả lời tôi một cách rõ ràng từng tiếng một:
          - Ông đi đến thang máy ngừng một chút, lầu 20 ngừng một chút, quẹo trái sẽ tới ngay.
          Trước khi đi đến chỗ thang máy, thay vì đi luôn nhưng tôi ngừng và quay lại nói:
          - Cảm ơn ông. Ông đã chĩ cho tôi một cách rõ ràng, chắc chắn tôi sẽ không bị lạc. Ông có một giọng nói giống như Michael Jackson lắm, cái đó hiếm có lắm.
          Khi nghe tôi tán dương, trên gương mặt tươi như hoa, anh hướng dẫn viên giải thích cho tôi nghe lý do tại sao mỗi lần anh ngưng lại, và nói rõ ràng từng tiếng.
          Chỉ cần nói thêm vài ba lời, mà những lời tôi khen làm cho anh hướng dẫn viên vui vẻ trong vai trò của anh ta. Và trong khi đi đến tầng lầu thứ hai mươi, tôi cảm thấy rằng ngày hôm đó tôi đã làm tăng lên được đôi chút cái tổng lượng hạnh phúc của nhân loại.  
Ðừng bảo là một quốc vương trên ngai vàng hay là một nhà truyền đạo tài ba mới cần thi hành triết lý đó. Tất cả mọi người chúng ta ai cũng có thể dùng thuật đó mỗi ngày, để làm vui cho mọi người. Chẳng hạn chúng ta đến một nhà hàng, chúng ta cần món xào, nhưng người chạy bàn đưa lên món kho, chúng ta chỉ cần nói ngọt ngào:
          - Xin lỗi vì đã làm phiền cô, nhưng tôi thích món xào hơn.
          Thì cô đó sẽ vui vẻ trả lời ngay:
          - Không sao đâu thưa ông, để tôi đem đổi lại, và cô ấy cảm động khi được chúng ta kính trọng.
          Trong vấn đề xã giao tế nhị, cũng là để cho mọi người đánh giá chúng ta thuộc về loại người thượng lưu, trung lưu hay hạ đẳng thì những câu ngắn như:
          - Xin lỗi đã làm phiền ông ... ông có lòng tốt ... ông làm ơn, và sau cùng không quên hai chữ cám ơn ...
Tất cả những từ ngữ ngắn gọn đó đều là thứ mỹ phẩm đắc tiền để cho những ai muốn làm đẹp, trang sức trên người khi giao tiếp với đám đông, và cũng một thứ dầu làm trơn tru bộ máy sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, hơn nữa cũng là dấu hiệu của một sự giáo dục tốt nữa.
          Trong tinh thần cứu khổ ban vui, xin quý vị nghe một câu chuyện có tính cách văn học bình dân về từ ngữ Tú Tài. Vào thời phong kiến có một cậu bé sống trong một gia đình nghèo, ông thân của cậu làm thợ rèn và hồi nhỏ cậu ít học lắm. Vậy mà đến khi qua đời, cậu là một trong những người được coi là giàu có nhất tại miền Trung. Chuyện đời cậu ta như vầy:
Cậu ta rất ngưỡng mộ cái tài kinh doanh của một điền chủ trong xóm, vì thế mà đi đâu cậu ta cũng ca ngợi cái tài giao thiệp rộng rãi của vị điền chủ đó. Sự việc đó được truyền đến tai của ông đại điền chủ, ông đại điền chủ cũng thích cậu ta lắm và tự nghĩ:
          - Người nầy trẻ tuổi mà biết trọng tài ta như vậy, tất phải là người thông minh?
Thế là ông đại điền chủ đó cho kêu cậu bé con một anh thợ rèn đó lại làm thơ ký cho ông. Nhờ địa vị mới đó, cậu bé chăn trâu nghèo khó kia từ từ gặp được nhiều thương gia trong giới buôn bán, được họ khuyên bảo, khuyên khích cho nên cậu ta bắt đầu học hỏi về việc buôn bán, cũng như về sự nghiệp công danh. Nhờ ngày đêm miệt mài học tập cậu thi đậu, bước vào thương trường nổi danh khắp xứ. Vì tên của cậu bé chăn trâu nầy là Tú, mà có tài cho nên từ ngữ Tú Tài có từ đó.
Nếu cậu bé chăn trâu không biết tài kinh doanh của ông điền chủ, thì biết đâu cậu đã phải chết trong nghèo nàn, và không một ai biết tới. Ðó là mãnh lực phi thường của lời khen là như vậy, khi nó tự đáy lòng phát ra. Trong khi đó Ông đại điền chủ tự cho là một nhân vật quan trọng, cái đó có chi lạ? Khi đã có một chút thành công, thì bất cứ ai trong chúng ta mà không tự cho mình là quan trọng, hay tối quan trọng? Là một dân tộc cũng không khác chi với cá nhân hết. Chúng ta cũng đã từng tự hào về dân tộc Việt Nam là giòng giống con rồng cháu tiên, là cao sang tư cách hơn các dân tộc khác. Trong khi đó dân tộc Nhật Bản thì tự hào họ là con của Thái Dương Thần Nữ, và dân tộc trung Hoa thì họ tự cho là con Trời ... Nhìn chung chúng ta thấy những dân tộc khác, họ cũng tự cho họ hơn tất cả các dân tộc khác.
          Quả thật, chúng ta lúc nào cũng tự cho rằng mình hơn người Ấn Ðộ, đó là quyền của chúng ta. Nhưng có tới một triệu người Ấn Ðộ khinh chúng ta tới nổi không chịu mó tới thức ăn mà bóng dáng của chúng ta đã phớt qua, vì sợ lây nhơ nhớp của bóng. Người Mỹ da trắng cũng thế tự cho là thông minh hơn người da đỏ, nguời da trắng được hoàn toàn tự do nghĩ như vậy. Nhưng sự thật người da đỏ họ cũng khinh người da trắng vô cùng. Chúng ta muốn biết lòng khinh đó tới bực nào thì chúng ta hãy nghe câu nói:
- Trong bọn họ có những kẻ khốn nạn, đần độn đến nỗi không làm nổi một việc chi hết, thì họ gọi là Ðồ Da Trắng.
          Ðó là lời của người da đỏ chửi người da trắng thậm tệ nhất. Dân tộc nào cũng tự cho mình hơn các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Trung Hoa, nguời Trung Hoa họ cho họ là thông minh, là cái rún của vũ trụ, cho nên quốc gia của họ còn gọi là Trung Quốc, là muốn nói nước của họ là trung tâm điểm của vũ trụ thế giới, và họ còn cho các nước trên thế giới đều lạc hậu. Muốn biết như thế chúng ta hãy nghe câu nói:
- Tấn bộ văn minh nhược phú cuờng
Trung Hoa đáo xứ khai phong khí.
Nghĩa là:
- Cái văn minh của người Trung Hoa đến một nước nghèo đói nào đó thì nước đó sẽ trở thành giàu mạnh, thịnh vượng.
Do sự tự hào về một quốc gia, hay về một dân tộc mà có lòng ái quốc bảo vệ quê hương của mình, và chiến tranh để tiêu diệt những dân tộc nào có khuynh hướng không chịu nghe theo mệnh lệnh. Nếu đứng trên lập trường hòa bình thế giới thì tinh thần tự mãn rất là nguy hiểm. Nếu một cá nhân tự mãn thì chỉ có những thành viên trong nhà đó chịu nhiều sự xáo trộn. Trong khi đó nếu một quốc gia tự mãn thì có lẽ cả thế giới đều bị xáo trộn. Như vậy muốn cho mọi nguời đều sống trong tinh thần:
- Tứ hải giai huynh đệ
Thì chúng ta can đảm nhận chân lý nầy:
- Mỗi người mà chúng ta gặp, đều coi có một chỗ nào hơn ta. Nếu bạn muốn được lòng người đó, hãy khéo léo tỏ cho họ thấy rằng ta thành thật nhận sự quan trọng của họ trong địa vị của họ.
Và xin chúng ta cũng phải nhớ lời nầy của ông Emerson:
          - Mỗi người đều có một chỗ hơn tôi, cho nên ở gần họ tôi học họ được.
          Ðiều đau lòng là nhiều khi có những người không có một chút gì để đáng được tự kiêu, mà lại khoe khoang rầm rộ để che lấp những thiếu sót của họ, khoe khoang đến nổi chướng tai gai mắt người khác. Như Shakespeare đã nói:
          - Những người kiêu căng có một chút uy quyền, người đó liền biểu diễn trước mọi người những hài kịch lố lăng, tới nỗi các vị thiên thần phải sa lệ.
          Tinh thần cứu khổ ban vui, là một phương pháp làm cho con người dễ có cảm tình với chúng ta, hơn thế nữa còn giúp chúng ta thành công trên con đường đời. Đây là một trong những tiêu biểu  thành công khi biết áp dụng những phương pháp: Biết đem khả năng niềm vui đến cho người khác, và đem đau khổ phiền muộn của họ đi như sau:
          Một anh sinh viện luật khoa, ít lâu sau khi bắt đầu theo học lớp giảng Phật Pháp với các Thầy, anh ta và cô vợ đi xe hơi về quê để thăm họ hàng. Khi về đến nhà, cô vợ cần đi thăm một số bạn bè ở những nơi khác. Lúc đó chỉ còn một mình anh sinh viên luật ở nhà. Trong lúc hầu chuyện với bà cô bên nhà vợ, anh ta quyết tâm thực hành ngay những lý thuyết đã học được của các Thầy. Thế là anh để tâm tìm kiếm chung quanh, anh ta xem có cái gì có thể chân thành khen được không. Thấy mình ngồi trên bộ salon sang trọng, anh liền nghĩ ngay đến cái của bà cô bên vợ. Không ngần ngại anh ta hỏi bà cô:
          - Thưa cô, nhà bà cô cất năm nào?
          Nghe cháu rễ hỏi, bà cô trả lời:
          - Nhà cô cất năm 1890.
          Anh sinh viên luật nói tiếp:
          - Nhìn thấy nhà nầy cháu nhớ lại nơi sanh trưởng của cháu. Nhà đẹp quá, rộng rãi... kiểu rất khéo... Bây giờ người ta không biết xây nhà đẹp như vậy nữa.
          Bà già nói:
          - Cháu nói có lý. Đám thanh niên bây giờ không biết thế nào là một ngôi nhà đẹp. Họ chỉ muốn có căn phố nhỏ, một máy lạnh, rồi lái xe hơi đi chơi phiếm, chớ ngoài ra không biết gì hết.
          Rồi bằng một giọng cảm động, bà ôn lại những kỷ niệm êm đềm hồi xưa:
- Nhà nầy kết tinh của bao nhiêu năm mơ tưởng. Dượng và cô đã âu yếm mà xây dựng nó, sau khi ấp ủ nó trong lòng gần nửa đời người. Chính dượng và cô là kiến trúc sư đó.
 Rồi bà dắt anh sinh viên luật khoa đi thăm các phòng, chỉ cho coi từng bảo vật mà bà đã góp nhặt được trong các cuộc du lịch, và đã nâng niu cất giữ suốt đời. Những bảo vật bà đã từng góp nhặt như là: Khăn quàng bằng vải lụa Âu Châu, đồ sứ cổ Trung Quốc, giường ghế đóng ở Pháp, bức tranh của họa sĩ Ý Ðại Lợi và những tấm màng bằng tơ, di tích của một lâu đài bên Pháp. Nhất nhất anh sinh viên Luật đều tán thưởng.
Sau khi coi hết các phòng rồi, bà đưa tới coi nhà để xe. Tại đó có kê một chiếc xe hơi hiệu Cadilac gần như mới nguyên. Bằng một giọng êm đềm bà nói:
- Dượng cháu mua chiếc xe nầy được ít lâu thì mất, từ hồi đó đến giờ cô chưa đi nó lần nào hết..
Cháu sành và có óc thẩm mỹ ... cô muốn cho cháu chiếc xe đấy. Anh sinh viên luật khoa ngạc nhiên đáp:
- Thưa cô, cô thương cháu quá. Cô rộng rãi quá cháu cảm động lắm, nhưng thật tình cháu không thể nào nhận được. Cháu là cháu rể xa. Vả lại cô còn nhiều cháu ruột, cô để cho các anh ấy, các anh ấy sẽ mừng lắm.
Nghe anh sinh viên luật khoa nói thế, bà la lên:
- Cháu ruột! Phải cái thứ cháu nó chỉ mong già nầy chết để chiếm đoạt xe hơi của già! Không khi nào cô để xe cadilac nầy về tay chúng nó đâu.
Anh sinh viên luật khoa tiếp lời:
- Vậy thì bà cô có thể đem đi bán cho hãng xe cũng được.
Bà lớn tiếng:
- Bán được sao? Cháu tưởng cô bán xe nầy sao? Chịu để cho người lạ ngự trong xe nầy sao? Một chiếc xe dượng cháu mua cho cô, mà đem bán nó? Không khi nào! Cô cho cháu đấy, vì cháu biết yêu những đồ đẹp.
Từ chối thì sợ phật ý bà cô, nên anh sinh viên luật khoa phải nhận.
Quý vị có biết tại sao không?
Ðơn giản lắm. Lý do là vì bà già đó sống một mình trong dinh thự rộng như vậy, sống giữa đống khăn quàng, đồ cổ và kỷ niệm, nên khát khao chút tình âu yếm. Hồi xưa bà trẻ đẹp, được nhiều người tâng bốc. Bà cất ngôi nhà ấy yêu mến trang hoàng nó bằng tất cả những bảo vật thu thập đưọc ở Âu Châu và Á Châu. Bây giờ trong cảnh về già buồn tẻ cô độc, bà khát khao chút lòng thương, một chút ấm áp trong lòng và ít lời thán phục mà không có kẻ nào biết làm vừa lòng bà hết. Khi gặp được những cái ao ước từ lâu đó, khác nào đi giữa sa mạc mà gặp được dòng suối, bà tất nhiên cảm thấy lòng người cháu rễ dễ thương quá, cho nên sẵn sàng cho ngay một chiếc xe hơi lộng lẫy là chuyện thường.
          Tiêu biểu thứ hai là phải nói đến một nhân vật đã từng thành công trong lãnh vực film chiếu bóng. Ông George Eastman vua phim Kodak đã chế ra thứ phim trong suốt để chiếu bóng được, kiếm được cả 100 triệu mỹ kim và nổi tiếng khắp hoàn cầu. Mặc dầu vậy, ông ấy cũng như quý vị và tôi, dễ cảm động trước những lời khen tầm thường nhất. Chuyện kể:
          Hồi đó ông George Eastman xây một trường âm nhạc, và một nhà hát để báo ơn cha mẹ. Ông Adamson, giám đốc một hãng đóng ghế quan trọng, muốn được ông Eastman mua ghế để bày trong ngôi nhà đó. Ông Adamson bèn dùng điện thoại gọi viên kiến trúc sư của ông Eastman để xin được hầu chuyện với ông Eastman. Khi ông Adamson tới, viên kiến trúc tiếp khách và dặn dò:
          - Ông George Eastman bận việc lắm. Ông có muốn nói gì thì nói mau đi rồi ra liền. Nếu ngồi lâu quá 5 phút thì đừng hy vọng gì thành công hết.
          Viên kiến trúc sư dắt ông Adamson vô phòng ông Eastman, ông nầy đương cặm cụi trên bàn giấy, một hồi lâu mới ngẫng đầu lên, tiến lại gần hai người vừa đến và nói:
          - Chào hai ông, các ông có việc chi?
          Viên kiến trúc sư giới thiệu ông Adamson, và ông Adamson không bỏ lỡ cơ hội tiếp lời viên kiến trúc sư:
          - Thưa ông George Eastman, trong khi đứng đợi tôi ngắm phòng giấy ông rất kỹ. Làm việc trong một phòng như phòng như thế nầy thật là một cái thú. Hãng tôi cũng có làm những ván lót tường, nhưng tôi chưa thấy phòng làm việc nào lót ván đẹp bằng phòng nầy.
          Nghe ông Adamson nói, Ông George Eastman tiếp lời:
          - Ông làm tôi nhớ một điều mà tôi cơ hồ quên mất. Phải, phòng nầy đẹp thật. Hồi mới đầu tôi thích nó lắm. Nhưng bây giờ tôi quên rồi, với lại bận nhiều việc quá, có khi hàng tuần không để ý tới những trang hoàng đó.
          Không bỏ lỡ cơ hội, Ông Adamson đi thẳng lại những tấm ván lấy tay sờ, và bình luận:
          - Thứ nầy bằng cây sồi ở bên Anh phải không ông? Hơi khác với thứ cây sồi mọc ở bên Ý.
          Ông Eastman trả lời:      
- Ðúng vậy, tôi chở nó từ bên Anh về. Một ông bạn biết rất rành về các danh mộc đã lựa dùm tôi.
          Rồi ông Goerge Eastman chỉ cho ông Adamson tất cả những đồ trang hoàng trong phòng, chính do ông chỉ bảo sắp đặt. Hai người lại đứng trước cửa sổ, ông Goerge Eastman nhũn nhặn và kín đáo như thường lệ, lấy tay chỉ vào công việc của ông đã gầy dựng để cứu nhân loại. Ông Adamson nhiệt liệt khen ông đã biết dùng tiền. Một lúc sau ông Goerge Eastman mở tủ kính, lấy ra một máy chụp hình, cái máy đầu tiên của ông do một người Anh bán cho ông.
          Khi nghe Ông Adamson hỏi ông về những nỗi khó khăn buổi đầu và ông George Eastman cảm động kể lể về cảnh nghèo khổ của ông hồi còn nhỏ:
- Lúc nhỏ cha mất sớm, sống trong cảnh mẹ góa con côi. Bà mẹ góa, nấu cơm cho khách trọ, còn ông thì làm thư ký sao khế ước cho một sở bảo hiểm để kiếm mỗi ngày 5 cắc. Cảnh nghèo khổ ám ảnh ông ngày đêm, làm ông lo sợ lắm và nhất quyết kiếm sao cho đủ số tiền để bà cụ sớm thoát khỏi cảnh vất vả mà không kể đến sức khỏe của mình ...
Thấy ông Adamson chăm chú nghe, ông George Eastman hăng hái diễn tả những đêm thí nghiệm các tấm kính chụp hình sau khi đã vất vả cả ngày ở phòng giấy, chỉ chợp mắt được một chút trong khi đợi các chất hóa học ngấm. Thành thử có lần luôn hai mươi bốn giờ đồng hồ ông không có dịp thay quần áo.
          Sau cùng ông nói:
          - Lần du lịch cuối cùng qua Nhật Bản, tôi có mua về một bộ ghế bày trong hành lang nhà tôi. Nhưng nắng giọi làm lở sơn, cho nên chính tay tôi phải sơn lại. Ông có muốn biết tài sơn ghế của tôi không? Trưa nay ông ở lại dùng cơm bửa với tôi, tôi chỉ cho ông coi.
          Sau bữa ăn ông George Eastman dắt khách đi xem ghế. Ghế xấu chỉ đáng giá một đồng một chiếc, nhưng ông Eastman là người đã kiếm ra triệu bạc vinh hạnh khoe những chiếc ghế đó lắm, vì chính tay ông đã sơn nó.
Rốt cuộc cái hóa đơn đặt hàng chín chục ngàn mỷ kim ai được lãnh chắc quý vị đã hiểu. Và từ đó hai người thành cặp tri kỷ cho tới ông George Eastman mất.
          Một lần nữa xin xác định, cái tác dụng lớn lao của lời khen đó có thể áp dụng cho kẻ xa người gần, nơi công cộng hay trong gia đình cũng đều có hiệu quả. Vì nơi nào và bất cứ ai cũng cần nó. Quả thật như vậy, như khi chưa cưới, chắc người phụ nữ nào đó cũng có ít nhiều tánh tốt, nếu không thì làm sao ông chồng lại dám cưới bà. Và người đàn ông kia cũng không phải tệ, nếu không thì chắc chắn người phụ nữ kia không dám lấy ông. Thế nhưng, nếu hai người đã bao lâu rồi chưa khen tặng nhau điều gì, thì tình cảm kia chắc hẳn cũng phải cũ đi. Bây giờ đây muốn làm mới và mới mãi mãi, chúng ta hãy nghe Bà Dorothy Dix nổi danh về những câu chuyện hằng ngày nói:
          - Chưa học nghệ thuật khen thì xin đừng lập gia đình. Trước khi cưới bà, ông làm vui bà là một lịch sự, nhưng sau khi cưới rồi, nó là một sự cần thiết và một bảo đảm cho hạnh phúc gia đình. Tình vợ chồng không cần lòng thẳn thắn bằng cần sự khôn khéo ngoại giao.
          Từ khuynh hướng nầy, nếu chúng ta muốn mỗi bữa ăn thường là một bữa tiệc thì chúng ta đừng bao giờ chê các bà nội trợ nấu vụng, cũng đừng bao giờ bực mình mà so sánh những món ăn của các bà làm với những món của những cụ bà làm hồi xưa. Trái lại, cứ khen không ngớt tài quản gia của các bà, cứ khen thẳng ngay rằng bà hoàn toàn, đã duyên dáng mặn mà, đủ công dung ngôn hạnh lại còn là một người đàn bà nội trợ kiểu mẩu nữa. Cả những khi cơm khê, canh mặn, chúng ta cũng không nên phàn nàn. Chỉ nên nói rằng bữa cơm lần đó không được nhận lời khen đó, bà sẽ chẳng quản công trong việc bếp nước. Phải khéo léo, đừng khen bất ngờ quá cho bà khỏi nghi.
          Nói tóm lại, tinh thần cứu khổ ban vui của Phật Giáo là một tinh thần hết sức thực tiễn, có thể áp dụng cho kẻ nam người nữ, kẻ xa người gần, vì ai cũng cần loại tình cảm êm đềm dịu ngọt nầy. Nếu các bạn là người chưa bao giờ biết khen người thương của mình, thì chiều nay hay chiều mai, nên bày tỏ một lời hết sức chân thành. Nhưng đừng nói suông, mà hãy nên mua một ít bông về biếu bà. Phải, việc đó nên làm, và phải làm ngay đi. Các bạn nên nhớ kèm theo một nụ cười với vài lời âu yếm. Nếu người chồng nào cũng đối đãi với vợ cách đó thì đâu có nhiều vụ ly dị vợ, và nếu các bà cũng đối đãi với chồng bằng cách đó thì không người đàn ông nào ly dị vợ nhiều như vậy.
          Quý vị có muốn biết làm sao cho một người đàn bà mê bạn không? Cái đó mới tài! Không phải bí quyết của tôi đâu, mà là bí quyết của bà Dorothy Dix. Một lần bà phỏng vấn một anh chàng nổi tiếng có nhiều vợ, anh ta đã chiếm được trái tim và cả vốn liếng của 23 người đàn bà. Bà Dorothy Dix phỏng vấn anh chàng ấy ở trong tù, khi bà hỏi anh ta làm sao mà dụ dỗ được nhiều đàn bà như vậy, thì anh ta đáp:
          - Thằng khờ nào mà chẳng làm được ... thì cứ khen họ cho họ nghe.
          Thuật đó dùng với đàn ông cũng có kết quả mỹ mãn. Disareli, một trong những nhà chính trị khôn khéo nhất đã nắm vận mạng cả đế quốc Anh, có lần cũng nói:
          - Gặp một người cứ nói với họ về chính thân họ, họ sẽ nghe bạn hằng giờ.
          Vậy muốn được thiện cảm của người khác, xin các bạn hãy theo quy tắc:
          - Cứu khổ ban vui.
Nghĩa là:
- Đem niềm vui đến, lấy đau khổ đi
Và:
- Luôn luôn phải làm cho người cảm thấy sự quan trọng của họ.
Làm như thế là chúng ta nâng cao lẽ sống của mọi người, và để cho mọi người thấy nguyên tắc cứu khổ ban vui là cần thiết trên cuộc đời nầy.
--o0o--