TẬP SAN DƯỢC SƯ

Chuyển Hóa Tự Thân
Trúc Giao
---o0o---
 
Trong đêm trà đàm tại Chùa Dược Sư, vào tối Thứ Sáu ngày 12 tháng 09 năm 2003. Có một câu hỏi của sư cô Giác Tịnh:
- Con lớn tuổi mới xuất gia, chữ nghĩa kém cỏi không thể đọc kinh và hành trì như các Thầy cô trẻ tuổi. Vậy xin Sư Phụ, và đại chúng hoan hỷ chỉ dạy cho con pháp môn nào dễ tu để cho con thấy đạo.
Qua câu hỏi nầy, trong đại chúng ai cũng nhất trí:
- Là con người phàm phu ai cũng đầy dẫy những tham, sân, tật đố, ganh tỵ , ngã mạn ...
Vì vậy muốn thực hành đạo và thấy đạo, chúng ta phải theo dõi các tâm hành của chính mình, nếu thấy tánh hư tật xấu nào chúng ta phải lập tức hết lòng chuyển hóa tự thân cho trở nên tốt đẹp. Theo tinh thần nầy, được đại chúng đóng góp ý kiến theo một quan điểm chung là phải thực tập các hạnh:
- Nhẫn Nhục để chuyển hóa tâm hành sân hận
- Từ Bi để biết thương những kẻ sa cơ thất thế
- Hỷ xả để hài hòa với tất cả mọi người
- Niệm Phật để chuyển hóa tâm tán loạn
- Nụ cười luôn nở trên môi để chào đón những  ...
Nói chung, cách chuyển hóa tự thân dựa theo tinh thần căn bản của Đạo Phật được đại chúng ai cũng rất hài lòng với sự đóng góp ý kiến và kinh nghiệm của từng cá nhân, hoặc chia sẽ những gì học được từ sách vở trên phương diện tu tập. Tuy nhiên hôm nay chúng tôi cũng muốn chia sẽ một phần nào đến đại chúng trong và ngoài đạo tràng về những gì tai nghe mắt thấy.
Như tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết là Ðức Phật thường dạy:
- Cuộc đời là vô thường, kiếp người chẳng khác nào như hoa, sớm nở tối tàn.
Mặc dầu vậy có rất ít người trong chúng ta có được tâm bình tĩnh, và không sợ hãi khi nhìn lá vàng rơi hay những đóa hoa khô héo. Và không ai là không khởi dậy niềm vui khi nhìn thấy muôn hoa đua nở, cho dù chúng ta biết là những đóa hoa đó sẽ úa tàn, và những lá hoa mềm mại kia cuối cùng rồi cũng sẽ bị hoại diệt.
Là người học Phật, nếu chúng ta quán chiếu về tính chất vô thường, chúng ta sẽ thấy cái mong manh của kiếp người một cách chính xác, và chúng ta sẽ càng yêu quý những cây cảnh, con người, những sinh vật chung quanh chúng ta hơn, khi chúng ta thấy những cành cây đang đâm chồi nở nụ. Điều này cũng giống như cuộc đời vô thường nầy. Mặc dầu là Vô Thường, nhưng mỗi phút phù du trôi qua đều mang trong nó một giá trị đặc biệt, và chính vì lý do nầy mà theo học thuyết của Kim Cang Thừa, là mỗi người chúng ta có trách nhiệm chuyển hóa xác thân, hay biến thân xác hoại diệt của chúng ta trở thành một xác thân không gì có thể hủy hoại được. Hay nói một cách văn vẻ hơn đó là:
- Thân Kim Cang Bất Hoại.
Thân Kim Cang Bất Hoại chính là hải đảo tự thân, ngôi chùa tâm linh trong mỗi người chúng ta, là dòng suối từ bi chảy triền miên bất tận chan hòa đến khắp chúng sanh nhân loại.
Trong Kim Cang Thừa, quá trình chuyển hóa tự thân này được thực hiện bằng cách quán chiếu hình ảnh của các vị ác thần hoặc thiện thần. Dù là ác hay thiện thần đối với người thực hành theo lập trường của Kim Cang Thừa, thì những vị ấy cũng đều được coi là những vị Đại Bồ Tát. Khi chúng ta quán chiếu, càng đồng hóa chúng ta với các vị đại Bồ Tát nầy, thì niềm hoan hỷ an lạc sẽ xuất hiện trong tâm của chúng ta. Trong quá trình tu tập, nhất là trong việc tập trung Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành. Chúng ta có thể tạo bên trong chúng ta một vùng sức mạnh tâm linh có thể vượt khỏi tầm mức của một kinh nghiệm của cá nhân, đồng thời tác động vào ngoại cảnh, mà qua đó tạo sự thay đổi trong chính bản thân của mỗi người chúng ta một cách nhẹ nhàng.
Khi mà những hình ảnh của các vị Đại Bồ Tát trở thành sống thật với chính chúng ta trong quá trình tụng kinh, thiền định, niệm Phật và Kinh Hành thì chúng ta gọi là bản chất giác ngộ đạt được, hay thấy được trong lúc hành trì. Mỗi vị trong số các Bồ Tát như:
- Ðức Quan Âm tiêu biểu cho đức tánh từ bi
- Văn Thù tiêu biểu cho đức tánh trí tuệ
- Di Lặc tiêu biểu cho sự hoan hỷ ...
Tất những vị Bồ Tát nầy là hiện thân cụ thể của một đức tính đặc biệt nào đó của lý tưởng Bồ Tát. Bởi vì cũng như con người, các cá nhân có thể có cùng lý tưởng và quan điểm, nhưng cá tánh vẫn khác nhau, các vị Bồ Tát cũng thế. Dù các ngài đều là hiện thân của lòng từ, tâm bi, giàu tình nhân ái, có khả năng thấy cùng khắp, và biết tất cả. Tuy nhiên, các ngài thể hiện tâm giác ngộ này bằng nhiều cách độc đáo khác nhau.
Noi theo tâm hạnh của các vị Đại Bồ Tát, như vậy chúng ta phải thực tập một sự kết hợp thật nhuần nhuyễn đến mức tuyệt hảo giữa tâm đại bi và trí tuệ bát nhã để chuyển hóa những thứ tình cảm xấu tệ trở thành thứ tình cảm dung nạp và san sẽ khổ đau với tất cả muôn loài. Mặc dầu chúng ta biết rằng mỗi đức tánh đó của các vị Bồ Tát đó đều khác nhau trong cách dụng công, nhưng quan điểm chung của các ngài là khả năng thấy được bản chất thống nhất của vạn thể. Khả năng nầy có được là nhờ các vị có thể đặt mình vào vị trí của người khác. Chúng ta là người đã và đang đi qua con đường Bồ Tát Hạnh, bằng cách quán chiếu và đồng hóa mình với các đức tánh Bồ Tát, thì chúng ta chính là người được giải thoát và tự do. Như vậy chúng ta không những chỉ thánh thiện, hay thoát khỏi phiền não chướng theo nghĩa tín ngưỡng thông thường là:
- Chỉ được cứu khổ họ, mà còn chính là người đạt được quả vị toàn giác và tâm thức đã hòa vào bản thể tuyệt đối.
Ðồng thời chúng ta cũng có thể bước một bước nhảy vọt vào vùng tâm thức giải thoát này. Có nghĩa là chúng ta đã vượt qua mọi giới hạn cá nhân và đã chứng ngộ được những thực tại vượt khỏi tầm mức cá nhân trong tâm chúng ta. Và vì kinh nghiệm chứng ngộ này là kinh nghiệm bao trùm và phổ quát nhất mà tâm thức con người có khả năng đạt đến, nó đòi hỏi chúng ta ngay từ đầu một thái độ cơ bản. Đó là:
- Mở rộng tâm vô biên của chúng ta đến với cái phổ quát tận cùng của cuộc sống.
Có nghĩa là chúng ta phải thực tập thể hiện các hạnh:
- Tha thứ
- Bao dung
Và tất cả các hạnh khác cho tâm tư nhẹ nhõm. Chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng những gì mà đức Phật đã giảng và diễn tả bằng lời, chỉ là một phần nhỏ của những gì Ngài đã dạy qua nhân cách và tấm gương của Ngài. Ngay cả những lời dạy cùng với nhân cách vĩ đại ấy, cũng chỉ phản ánh một phần nhỏ kinh nghiệm tâm linh của Ngài. Đức Phật rất cảnh giác về giới hạn của ngôn ngữ ngay từ lúc đầu khi ngài do dự không muốn tuyên bố giáo lý của mình, và diễn đạt nó bằng lời. Bởi vì Ngài nhận định là những gì Ngài đã thấy là cao sâu vi diệu, khó hiểu, khó nhận ra, không dễ nắm bắt bằng hiểu biết suông. Và khi cuối cùng Ngài quyết định thuyết giảng chân lý vì lòng thương tưởng đối với một số ít người mà mắt còn dính chút bụi mờ, Ngài đã thận trọng không nói đến những điều được coi là tối hậu. Cho đến hơn bốn mươi năm sau, ngài mới hướng dẫn chúng hội đi đến nơi tối hậu.
Vì công cuộc chuyển hóa tự thân có tính cách thực tế, cho nên  Ngài đã từ chối trả lời những câu hỏi liên quan tới lãnh vực siêu hình trong nhận thức tâm linh, và cũng yên lặng về những vấn đề vượt ngoài tầm hiểu biết của con người. Ngài không lạm bàn với loại tư duy suy đoán. Ngài chỉ giới hạn ở việc chỉ ra con đường chúng sanh có thể đi, và con đường có khả năng giúp chúng sanh giải quyết tất cả vấn đề thuộc về thực chất trong cuộc sống hiện tại. Ngài trình bày con đường này sao cho nó thích nghi với khả năng trí thức, và tình cảm của người nghe, để cho mọi người ghi nhận và biết tự chuyển hóa khi gặp cố sự.
Ngài hướng dẫn học trò mình theo trình độ phát triển của từng người, và chỉ truyền lại những phần sâu sắc hơn của giáo pháp, và những lời chỉ dẫn hành thiền thâm diệu hơn cho một nhóm giới hạn gồm các đệ tử có trình độ cao hơn của Ngài. Ðiều nầy không có nghĩa là Ngài thiên vị, nhưng Ngài biết có chỉ dạy cũng không hiểu nổi, điều nầy có thể lý giải cho chúng ta hiểu được rằng, tại sao trong pháp hội Linh Sơn chỉ có Ngài Ca Diếp hiểu được giáo pháp tối thượng thừa đó.
Có những trường phái Phật Giáo về sau nầy vẫn còn giữ nguyên tắc nầy. Tuy nhiên họ có điều chỉnh các phương pháp giảng dạy giáo lý, và thiền định sao cho thích hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân, và điều kiện phát triển lịch sử của thời đại. Và cũng giống như chính đức Phật đã hướng dẫn đệ tử của Ngài theo những cách khác nhau, tùy theo sự trưởng thành về tâm linh của mỗi người. Ngài dạy cho họ những cách hành trì và sự chuyển hóa khác nhau, những trường phái sau này đã dành những phần phức tạp hơn trong giáo lý, và những bài tập thiền định tương ứng cho những ai đã phát triển được những kiến thức, và thiện xảo cần thiết.
Những phương pháp hướng dẫn đặc biệt nầy về sau được mọi người thường gọi là bí truyền hay giáo lý mật. Nhưng phương pháp tu tập nầy hoàn toàn không có ý định ngăn cản bất cứ ai đạt đến những trình độ nhận thức cao hơn. Ngược lại, phương pháp này chỉ nhằm mục đích tránh những hý luận vô ích, và những suy đoán mò mẫm, dễ đưa những người còn sơ cơ đến chỗ chỉ mong đạt đến những trạng thái chứng ngộ cao hơn bằng con đường thuần tri thức, mà không chịu đi qua con đường tu tập thiền định, niệm Phật và kinh hành. Vì sự mong mỏi đạt đến những kinh nghiệm tâm linh thuần trí thức, có thể dễ dàng đưa những ai thiếu kinh nghiệm đến chỗ cho rằng:
- Chỉ có hiểu biết thuần lý là cần thiết.
Và điều này sẽ ngăn chặn quá trình thiền định, mà chỉ có kinh nghiệm thiền định nầy mới tỏa được nguồn năng lực cần thiết đưa đến sự chuyển hóa trong tâm thức con người.
Ngày nay, nếu chúng ta là người mong cầu sự chuyển hóa tự thân, đi theo con đường Bồ Tát Hạnh, thì chúng ta phải theo dấu chân của đức Phật, và thực tập giữ sao tâm mình luôn khai mở qua việc thực hành chánh niệm liên tục. Chúng ta phải tự mình rèn luyện, qua việc hướng tâm và quán tưởng về đạo, xem xét kỹ lưỡng và tìm hiểu đúng sai trong khi học pháp, không nên cố chấp. Nghĩa là làm sao để có thể đạt được trí tuệ và hiểu biết bằng trực giác, qua việc giữ gìn giới luật dựa trên trách nhiệm cá nhân, đó chính là:
- Giữ giới
- Thực hành Ba La Mật
- Trau dồi Bốn Tâm Vô Lượng.
Qua lòng tận tụy tôn kính và siêng năng lễ Phật, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành để tránh bị lệch lạc vào con đường tà, và hết lòng tận lực công phu để đạt đến sự hợp nhất, và chuyển hóa trong nội tâm hầu có một nhân sinh quan đủ rộng mở để có thể thấu đáo bao quát, và toàn bộ về cuộc sống con người. Bằng cách phát triển bề sâu tâm thức, chúng ta sẽ có thể nhìn thẳng và sâu vào lòng của mọi hiện tượng, và trong cuộc sống, chúng ta có thể sử dụng và chuyển hóa bất cứ những hoạt động nào của thân tâm mình thành một bước tiến vững chãi lên trên con đường giác ngộ.
Trong giai đoạn đầu, chuẩn bị cho sự chuyển hóa, chuẩn bị cho lộ trình giác ngộ này mà cũng là giai đoạn khởi động các năng lực trí thức, và tình cảm của chúng ta thức dậy, chúng ta sẽ dùng tư duy, lý luận sáng suốt của chính chúng ta để điều chỉnh tâm, và làm nền tảng cho kinh nghiệm trực giác nẩy nở. Ðồng thời, chúng ta sẽ biến năng lực tình cảm của chính chúng ta thành sức mạnh của hành động toàn tâm, hướng về mục tiêu giải thoát. Chúng ta sẽ làm chủ tâm ý bằng cách, nắm vững những quy luật tư duy để rồi sau đó vượt qua biên giới của suy luận và tư duy, cuối cùng toàn tâm toàn ý tìm tới một trạng thái tâm thanh tịnh, và tỉnh thức đối với tất cả chúng sinh đau khổ. Ðến một lúc nào đó, tâm bồ đề của chúng ta sẽ tự nhiên xuất hiện. Và rồi con người, và nhân cách của chúng ta đã đủ cao đẹp sẽ thình lình xuất hiện, xuất hiện như một con người mới với tâm ý duy nhất là:
- Làm sao chúng ta có thể giúp loài người hoàn toàn thoát khỏi sự đau khổ.
Ðến đây tất cả những buồn phiền, dằn vặt và thống khổ riêng tư có lẽ sẽ không còn quan trọng nữa, mà giờ đây trong tâm thức của chúng ta chỉ còn một ao ước duy nhất đó là:
- Làm sao cho tất cả chúng sanh này được giải thoát, và hạnh phúc.
Tất cả đều tập trung hướng về một mục tiêu duy nhất, mục tiêu giải thoát tất cả chúng sinh, và buông bỏ tất cả những ước vọng khác sẽ tác động sâu sắc trên cuộc đời của chúng ta. Ngay cả những nổ lực tập trung nầy, cho dù có trôi qua và tắt đi như âm thanh của một tiếng chuông chỉ vang lên một lần, và tác động của nó trên cuộc đời nầy cho dù có chìm sâu vào quên lãng, thì nó cũng vẫn tiếp tục là nguồn năng lượng chỉ đạo, và mang tính quyết định trong đời sống nội tâm của chúng ta, cũng vẫn còn tồn tại liên miên bất tận theo tâm nguyện của mỗi người chúng ta mà chúng ta có thể tùy theo đó mà thực hiện.
Nếu trong thế giới này, có một chất liệu nào đó có khả năng chuẩn bị cho lộ trình của bồ đề tâm, thì chất liệu đó không gì khác hơn là:
- Sự mở rộng
- Ðồng cảm đầy tình thương
- Sự hiểu biết với muôn loài,
Những chất liệu nầy không phải để chiếm hữu, hay mong cầu bất kỳ phần thưởng nào, dù là một phần thưởng rất nhỏ. Và càng không phải để tạo ra phước đức để hưởng lợi riêng cho chính mình, mà là cho chúng sanh nhân loại. Việc làm vị tha với tâm an tịnh vì lòng từ, tâm bi mẫn và tâm tình chia sẻ niềm vui với tất cả chúng sanh. Ðây chính là chìa khóa duy nhất. Và bất cứ ai cũng có thể yêu thương bất kỳ một chúng sanh nào mà không đòi hỏi hay có những ý đồ ích kỷ người đó. Qua tình thương đối với một chúng sanh, chúng ta sẽ có khả năng thương yêu tất cả muôn loài. Và qua đó, có thể chúng ta sẽ phát tâm Bồ Đề, hay nói đúng hơn, làm cho tâm Bồ Đề của chúng ta nẩy mầm và hiển lộ. Và rồi có lẽ chúng ta sẽ mạnh dạn hơn khi tuyên đọc lời thệ nguyện tương tự như Bồ Tát đã có lần thệ nguyện. Rằng là:
- Con nguyện mang trên con gánh nặng của tất cả sự đau khổ.
Con quyết tâm mang lấy nó
Con sẽ không thối lui.
Con sẽ không chạy trốn hay run sợ
Con sẽ không nhường bước hay do dự
Vì cứu độ tất cả chúng sanh là lời phát nguyện của con.
Nói tóm lại, công trình chuyển hóa tự thân là một sự nổ lực lớn và cũng là một sự tích cực vượt bực trong công trình tu học để đạt được đạo quả giác ngộ, qua đó chúng ta thấy khả năng công trình nầy sẽ không bị giới hạn bởi tuổi tác, mà là cho tất cả mọi người mọi lứa tuổi. Nghĩa là cho tất cả những ai có tinh thần cầu tiến, những ai muốn có được những giây phút an lạc thảnh thơi trong hiện tại.
--o0o--