|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Đạo Phật & Cuộc Đời
-
Bạch Y Thư Sinh
- ---o0o---
-
-
Nguyên nhân có mặt đạo Phật trên cõi đời nầy là vì nguồn giáo lý
nhân bản của Đạo Phật có khả năng hướng dẫn con người giác ngộ về
sự thật của cuộc đời. Như thế Đạo Phật nghiễm nhiên vượt lên trên
và chỉ đạo cho cuộc đời. Sự vượt lên ở đây là một kết quả tất
nhiên của giác ngộ, vì tất cả mọi giác ngộ đều đưa tới một sự thức
tỉnh và giải thoát. Khi một người đã giác ngộ thì không còn là con
người bị sai xử và chìm đắm trong cuộc đời nữa. Con người giác ngộ
là con người tự do, vượt ra khỏi những tối tăm, quên lãng và phó
mặc của cuộc đời.
-
Nhưng vượt lên trên cuộc đời không có nghĩa là từ bỏ mọi sự mọi
vật lại sau lưng, không phủ nhận cuộc đời, ghét bỏ cuộc đời. Nếu
chỉ có một sự ghét bỏ, xa lánh, trốn chạy thì chưa có thể gọi là
vượt lên, mà đó là một sự chán nản hoặc khiếp sợ. Vượt lên ở đây
bao hàm một ý chí khỏe mạnh, một ý thức giải thoát, một thái độ
khinh thường khổ đau. Là người Phật Tử một khi chúng ta đã được
trang bị đầy đủ những bản lĩnh ấy rồi, thì những con người phật tử
nầy có khả năng đi vào cuộc đời với tất cả can đảm và thiện chí để
chuyển hóa cuộc đời.
-
Những con người giác ngộ đi vào cuộc đời bao giờ cũng đem theo tâm
niệm giải thoát, không tham đắm, không cố chấp. Có như thế chúng
ta mới thấy được tính chất của sự vượt lên trong thái độ dấn thân
vào cuộc đời của những con người giác ngộ. Tính chất vô trước của
hành động là một bằng chứng cụ thể chứng minh cho sự hiện hữu của
giác ngộ. Vô trước có nghĩa là không bị dính vào. Cho nên những
con người giác ngộ sẽ không những không bị vướng vào tham vọng,
quyền hành và lợi danh mà còn không bị dính vào những cố chấp sự
phân biệt nhân ngã nữa. Đó là thái độ tự do, vô tâm, vô trú của
các bậc Bồ Tát mà kinh Kim Cương Bát Nhã đã diễn tả trong rất
nhiều đoạn.
-
Bàn luận đến đề tài Đạo Phật & cuộc đời, chúng ta phải ý thức được
những điểm trên của giáo lý tức là các nguyên lý vượt lên, dấn
thân và vô trước, thì mới có thể tránh khỏi được những sai lạc căn
bản.
-
Đạo Phật đã được phát sinh từ trong lòng của cuộc đời, đã được
nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại vì cuộc đời. Do vậy nếu
chúng ta quan niệm đạo Phật như những nguyên lý của sự giác ngộ
cần được thể hiện trong cuộc đời thì chúng ta sẽ thấy rằng có
những lúc, vì khả năng thể hiện thiếu kém của chúng ta, chúng ta
đã không đích thực làm hiển lộ được đạo Phật trong cuộc đời, trong
sự sống, và như thế thực chất của đạo Phật vắng mặt mà chỉ có một
số những hình thái khô chết của đạo Phật, mà qua đó làm cho mọi
người hiểu đạo Phật là một tôn giáo mê tín dị đoan. Nếu không có
thực chất, thì những hình thái tu viện, chùa chiền, kinh điển là
những hình thái khô chết. Chính đức Phật cũng đã nhắc nhiều đến
điều đó:
-
- Tin ta mà không hiểu ta, không thực tập cho đúng mức là hủy báng
ta.
-
Vì vậy cho nên khi nói đến Đạo Phật Và Cuộc Đời có nghĩa là chúng
ta phải thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện
bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời, để
biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực
của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự
sống, chừng đó chúng ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang
thật sự hiện hữu trong cuộc đời.
-
Sinh lực ấy được nhận thức qua sự hiện diện vô hành của đạo đức
trong mọi hành xử trên cuộc đời. Sự hiện diện vô hành của đạo đức
tức là bản chất của tự thân đạo đức, là nguồn suối của mọi hình
thái đạo đức. Chữ vô hành ở đây tức là không có hình thái của sự
hành động. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, có một đoạn nói về điều đó như
thế nầy:
-
- Ngã Pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu.
-
Câu kinh này, ngoài ý niệm vô trước về nhận thức và về hành động,
còn mang ý nghĩa của sự vô hành của đạo đức. Sự hiện diện của đạo
đức vô hành là một giòng suối an lạc và mầu nhiệm tuôn chảy vào
con người, và vào sự sống, tuôn chảy một cách hồn nhiên và giản dị
như sự hiện diện của ánh sáng trong không gian. Dòng suối ấy được
khơi mở do công trình thực hiện tâm linh của những người con Phật
trên con đường tu chứng. Ai cũng biết rằng ba tạng giáo điển của
Phật Giáo không có giá trị như những lời tuyên bố về chân lý, mà
chỉ có giá trị như những kinh nghiệm và những phương pháp hướng
dẫn công cuộc thực nghiệm tâm linh, để chúng ta và con người chứng
được chân lý. Chứng ở đây không có nghĩa là một sự nhận thức bằng
suy luận, mà là một sự xúc tiếp thẳng với bản thân thực tại, một
sự thể nhập thực tại trong mọi sự sống.
-
Một khi đã được hướng dẫn bởi kinh nghiệm và bởi những đường nét
đặc thù diễn bày trong giáo lý, thì chúng ta cố quyết thâm nhập
không phải bằng trí tuệ, hay tình cảm của mình vào thế giới của
những nguyên lý sinh động của thực tại. Công phu ấy có khi kéo dài
nhiều năm, nhiều chục năm, và kết quả nhiều hay ít sẽ là tùy theo
khả năng và sự quyết chí của mỗi người. Một khi tiếp xúc thẳng
được với bản thân của thực tại, có khi gọi là chân như, có khi gọi
là thực tính, có khi gọi là như lai tạng tính thì tự nhiên có một
sự chuyển đổi đột ngột nơi con người của những ai có tâm hồn hướng
thượng hướng thiện. Lúc đó con người chúng ta trở nên là một hóa
thân của đạo đức, một bông hoa của trí tuệ giác ngộ và mọi hành
động của chúng ta tự nhiên phù hợp với nguyên lý của đạo đức.
-
Lúc ấy ở nơi con người đạt đạo, không có gì mà không phải là đạo.
Ngồi yên không làm gì hết cũng là đạo. Sự hiện diện của những con
người như thế tức là sự hiện diện vô hành của đạo đức. Sự hiện
diện của một con người như thế có thể làm cho núi rừng xanh hơn,
có thể làm cho dòng sông trong hơn. Xóm làng trở nên đông đúc trù
phú thêm hơn. Điều nầy được kinh điển nam truyền ghi lại:
-
Lúc Đức Phật còn tại thế, có một làng nọ nổi tiếng là hung dữ.
Điểm đặc biệt của ngôi làng nầy là không tin đạo đức, nhân quả.
Không cứ là thiện hay ác, mà chỉ hành xử theo cảm tính của mỗi cá
nhân.
-
Trong lúc tĩnh tọa, Đức Phật biết nhân duyên đã thuần thục cho nên
Ngài cùng tăng đoàn giáo hóa làng nọ. Khi nghe Đức Phật và Tăng
Đoàn đến hóa duyên, cả dân làng chuẩn bị gậy gộc, đá ngói sẵn sàng
để tiếp đón. Nhưng khi Đức Phật và tăng đoàn đến, với tư cách uy
nghi, phong độ tuyệt vời, cho nên không ai bảo ai, mọi người cùng
nhau lễ bái, đồng thời cung thỉnh Đức Phật và Tăng Đoàn về nơi tụ
họp của họ để cúng dường.
-
Tiếng xấu đồn xa mà tiếng tốt cũng đồn xa. Xóm làng hung dữ nọ sau
khi được Đức Phật và Tăng Đoàn giáo hóa, từ đó tiếng tốt bắt đầu
đồn xa. Sự kiện làng hung dữ nọ hôm nay trở thành một làng gương
mẫu đạo đức làm cho những người trong các làng lân cận ngạc nhiên.
Vì muốn chứng minh là một sự thật, thế là một ông cụ từ làng bên
cạnh quyết tâm đến làng hung dừ kia để xem xét tình hình.
-
Trên đường đất dẫn vào làng, ông cụ khách bộ hành đi ngang qua một
cánh đồng bao la bát ngát. Cây trái xanh tươi, không gian mát mẻ
thơ mộng. Thật ngoài sức tưởng tượng của ông cụ khách bộ hành.
Càng đi càng đến gần mục tiêu. Lúc đó ông cụ khách bộ hành thấy
hai cha con của một bác nông phu đang cuốc cỏ. Bỗng nhiên thấy
người thanh niên con của bác nông phu nọ cúi xuống dũ cỏ và đột
quỵ không đứng dậy. Bác nông phu nọ cúi xuống xem xét một hồi và
thản nhiên tiếp tục cuốc cỏ, trong khi cậu thanh niên nọ nằm thẳng
chân trên mảnh đất vừa mới cuốc. Thấy cậu thanh niên nằm bẹp không
dậy, trong lúc bác nông phu nọ tiếp tục cuốc cỏ. Lấy làm lạ, cụ
ông khách bộ hành đi đến coi sự việc, thấy cậu thanh niên nọ sùi
bọt mép, mặt mày đen thui. Thấy thế cụ ông khách bộ hành hỏi bác
nông phu:
-
- Ông có biết con trai của ông bị rắn cắn không?
-
Nghe hỏi bác nông phu dừng cuốc thản nhiên trả lời:
-
- Tôi biết. Rắn ở đây độc lắm! Ai mà bị rắn cắn là chết
liền.
-
Nghe bác nông phu nói thế, ông cụ khách bộ hành hỏi
tiếp:
-
- Bây giờ tôi đang đi vào trong xóm, ông có nhắn gì với
vợ con ông không?
-
Thấy cụ ông khách bộ hành ân cần, bác nông phu trả lời:
-
- Khi ông vào trong xóm tìm đến cửa nhà có bông hoa
nhiều là nhà tôi. Ông nói với vợ tôi là hôm nay chỉ đem một phần
cơm thôi.
-
Nghe bác nông phu nhờ như thế, ông cụ khách bộ hành chỉ
biết thở dài và đi vào trong xóm. Quả thật khi vào trong xóm, đi
quanh co một hồi thì ông cụ khách bộ hành đã tìm đến nhà có rất
nhiều bông như bác nông phu đã nói. Bước vào trong gõ cửa, thấy
một bà cụ trạc tuổi bác nông phu ở ngoài rẫy bước ra. Ông cụ khách
bộ hành yêu cầu:
-
- Xin cho tôi được gặp bà chủ nhà nầy.
-
Nghe khách lạ yêu cầu, bà cụ trả lời:
-
- Tôi là bà chủ ngồi nhà nầy. Có chuyện không ông?
-
Nghe cụ bà nói thế, ông cụ khách đi đường giới thiệu:
-
- Tôi là khách đi đường, khi đi ngang qua ruộng nhà bà,
thấy đứa con trai của bà bị rắn cắn chết rồi. Thấy tôi đang đi vào
xóm, chồng bà nhờ tôi nhắn với bà hôm nay chỉ đem một phần cơm
thôi.
-
Sau khi long trọng chuyển tin buồn đến cho cụ bà, trong
thâm tâm ông khác lạ cứ ngỡ là cụ bà nầy sẽ xỉu khi nghe hung tin
con mình qua đời. Nhưng chuyện lạ thứ hai là thấy cụ bà nầy cũng
dửng dưng giống ông chồng của bà vậy. Trong lúc còn đang nói
chuyện, một cô thiếu nữ đứng tuổi từ trong bước ra hỏi bà cụ:
-
- Chuyện gì đó má?
-
Nghe hỏi cụ bà ngước lên nhìn cô gái và giới thiệu với
ông cụ khách bộ hành:
-
- Đây là con dâu của tôi, người mới chết là chồng của
nó.
-
Giới thiệu xong bà cụ quay lại cô gái bảo:
-
- Ông cụ khách bộ hành nầy báo tin là chồng của con vừa mới bị rắn
cắn chết rồi.
-
Nghe mẹ chồng nói thế, cô nàng dâu hỏi lại:
-
- Mẹ tính bao giờ mới thiêu anh ấy?
-
Nghe nói chuyện xào xạc, một bà hàng xóm ghé miệng qua
hỏi:
-
- Chuyện gì mà có vẻ ồn ào quá vậy chị hai?
-
Nghe chị hàng xóm hỏi thăm cụ bà thản nhiên trả lời:
-
- Đứa con trai nhà tôi mới bị rắn cắn chết rồi!
-
Nghe nói thế cụ bà hàng xóm hỏi lại:
-
- Vậy bên chị có đủ củi để thiêu không, nếu không thì
lấy củi bên tôi mà xài?
-
Nghe ba người nói chuyện, ông cụ khách bộ hành từ ngạc
nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Cuối cùng bực quá không chịu được
nữa, ông cụ khách bộ hành gay gắt:
-
- Khi mới đến nhà nầy cho đến giờ tôi chứng kiến, từ cha
mẹ, vợ cho đến hàng xóm láng giềng, ăn ở kiểu nào, nghe người chết
mà không có một chút mảy may rung động, buồn phiền gì cả. Trái lại
còn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra là sao?
-
Thấy ông cụ khách lạ bực bội trách cứ, cụ bà thản nhiên
giải thích:
-
- Chúng tôi tôi cả làng mà có được cuộc sống như ngày
hôm nay là nhờ Đức Phật và chư thánh đệ tử của Ngài hướng dẫn.
Chính vì thế mà chúng tôi sống hết lòng với nhau. Cho nên vô
thường có đến bất cứ là ai chúng tôi cũng không có gì là buồn
phiền ân hận cả.
-
Nghe cụ bà nói thế, ông cụ khách bộ hành mới vỡ lẽ:
-
- Không ngờ những lời dạy ngọc vàng của Đức Phật được
mọi người trong xóm nầy áp dụng một cách triệt để, thảo nào mà ai
cũng khen đạo đức và sự tu học của họ ...
-
Những dấu chân của Đức Phật và các bậc thánh chúng đi
đến đâu là mang niềm vui và hy vọng đến đó. Cho nên, đứng về
phương diện nghiệp lực cộng đồng, sự xuất hiện của một con người
như thế là báo hiệu những ngày mai tốt đẹp cho toàn thể. Và sự ảnh
hưởng của một nguồn đạo đức vô hành như thế sẽ chuyển hóa đáng kể
đối với thế giới của những hoạt động mà động lực thúc đẩy chỉ là
sự tính toán thiệt hơn, tranh giành với nhau. Sự hiện diện của một
con người đắc đạo, dù là không ai biết tới, cũng như là sự xuất
hiện một loài kỳ hoa dị thảo làm thơm lây hàng hàng lớp lớp cây
cối trong khu vườn.
-
Sự chứng ngộ của một nhà hành đạo được xem như là một năng suất
đạo đức lớn lao và quý báu nhất trong phạm vi đạo đức, tôn giáo,
và văn hóa nữa. Người đạt đạo có thể không giảng dạy, không viết
lách, không khuyên can, không tổ chức, không cày bừa, nhưng vẫn
đóng góp cho nhân loại những gì quý giá nhất, hiếm có nhất mà một
xã hội loài người không thể thiếu được.
-
Quả thật như vậy, chúng ta hãy thử ví dụ một đám đông đang hốt
hoảng trước tai biến, và sự đóng góp của một con người giữ được
trầm tĩnh. Nhờ sự trầm tĩnh của một người mà đám đông bớt hoảng sợ
và do đó còn đủ sáng suốt tìm ra phương pháp thoát khỏi tai biến.
Hoặc sự có mặt của một người bạn đức hạnh trong cuộc xung đột gia
đình. Người cha ấy, người bạn ấy tuy chỉ ngồi yên không làm gì cả
nhưng sự có mặt của họ có thể tránh được cho gia đình cảnh xung
đột chắc chắn có thể xảy ra nếu họ vắng mặt.
-
Đạo đức vô hành tuy không làm gì cả, nhưng quả thực là đã làm một
cách rất có hiệu quả. Đọc nhiều sách về thiền học sao cho bằng
được nhìn cặp mắt của một vị thiền sư hay nghe được tiếng cười của
người. Cũng như đọc hết tam tạng kinh điển Phật giáo chưa chắc đã
bằng được sống vài ba phút bên cạnh đức Phật. Bên cạnh hiện thân
của chân như ấy, nghĩa là bên cạnh dòng suối chân lý ấy, chúng ta
thấy được hình ảnh linh động của chân lý tỏa hiện nơi con người.
Điều đó cho chúng ta biết tại sao các vị đệ tử đồng sinh vào thời
Phật đã có thể chứng ngộ dễ dàng như kinh điển thường chép.
-
Trong thời Phật tại thế, ít có những thắc mắc những nghi vấn về
giáo lý, bởi vì chính bản thân Phật đã là một bài giáo lý sống
động rồi. Nhìn thấy Ngài, người nghi mấy cũng phải tin, người ác
mấy cũng phải hiền, người yếu mấy cũng phải mạnh. Cho đến khi Ngài
nhập diệt rồi mà hình bóng Ngài, phẩm cách Ngài cũng còn đủ sức
hướng dẫn cho giáo đoàn được thống nhất và thuần hòa gần suốt một
thế kỷ.
-
Bao nhiêu hoạt động thuộc phạm vi tôn giáo, đạo đức nếu không bắt
nguồn cảm hứng từ sự đạt đạo, từ tâm linh con người, đều có thể là
những hoạt động vô bổ phát xuất từ động cơ danh lợi, tính toán.
Thiếu chất liệu đạo đức trong cơ thể, con người không thể thực
hành chính đạo mà chỉ có thể hành tà đạo. Cho nên nhân loại phải
thắp hương nơi nào có một bậc chân tu xuất hiện. Cố nhiên bậc chân
tu không có nhiều như nấm sau cơn mưa. Bậc chân tu không phải như
những dấu tích linh ứng mọi người nghe tiếng tìm tới dâng hương.
Bậc chân tu không phải là người có vài thủ thuật mới lạ như tiên
tri, chữa bệnh, có thể thâu hút được nhiều người hâm mộ. Mà bậc
chân tu là sự hiện diện, trước hết, của đạo đức vô hành. Nhìn vào
bậc chân tu chúng ta thấy lòng mình thêm tin tưởng, thêm trầm
tĩnh, thêm ý thức, thêm thương yêu cuộc đời và xây dựng cho cuộc
đời một cách chân thành.
-
Bậc chân tu là một nguồn cảm hứng vô tận cho mọi hoạt động đạo đức
và tôn giáo chân chính. Thắp hương nơi nào có bậc chân tu xuất
hiện có nghĩa là nhận thức được giá trị cao cả của sự chứng ngộ,
của đạo đức chân thực. Người chân tu có thể chưa là bậc thánh,
nhưng nhất định không còn là kẻ phàm. Nói là những người phàm tục
là những người hành sự trên động cơ danh lợi và tà kiến, chứ không
hẳn là kẻ nói dối, uống rượu và ăn thịt. Người chân tu hiếm có
nhưng không phải không thể nhận thức được.
-
Đến với một người nào thấy tâm hồn thanh tịnh, an lạc, tin tưởng,
thấy khởi động trong lòng ý hướng trong sạch, hướng về phụng sự
thì chúng ta biết ít nhiều người ấy cũng đã là bậc chân tu. Người
chân tu giản dị như ánh sáng, như khí trời cho muôn loài sự sống
mà không ai hay biết. Người chân tu như mạch nước thấm trong lòng
đất, trẻ con hái hoa tím hoa vàng trên thảm cỏ mà không biết đồng
cỏ và bông hoa là tặng phẩm của dòng nước trong. Sự hiện diện của
những bậc chân tu mang lại nhiều an lạc cho cuộc đời, nhưng chính
niềm tin mới thực là phẩm vật quý giá nhất của người chân tu hiến
tặng. Sự hiện diện của người chân tu chứng minh sự hiện diện của
đạo đức chân thực, chứng minh khả năng của con người, chứng minh
tính cách khả hành của giáo lý đức Phật, hoặc nói cho rộng là giáo
lý của các bậc hiền nhân.
-
Chúng ta không thể sản xuất ra các bậc chân tu. Chúng ta chỉ tạo
nên những điều kiện cho các bậc chân tu xuất hiện. Vì vậy chúng ta
có những tu viện, chùa chiền, nhất là những viện thiền học để làm
nơi sinh hoạt thực tập cho con người muốn quyết tâm đạt đến sự
chứng ngộ bằng phương pháp thiền quán. Thường thường những người
từ hai mươi tuổi trở lên, nếu quyết chí từ bỏ mọi ước muốn về cuộc
đời để một tâm một chí đạt cho được sự giác ngộ, thì gọi là những
người xuất gia.
-
Ai cũng biết rằng đạo Phật xác nhận khả năng tính giác ngộ của tất
cả mọi người, và vì vậy theo nguyên tắc ai cũng có thể xuất gia
được. Tuy nhiên trên bình diện thực tế, người xuất gia phải có đủ
một cách tương đối những điều kiện:
-
- Sức khỏe,
-
- Trí tuệ
-
- Và ý chí,
-
Bởi vì con đường xuất gia đạt đạo, là một con đường gian khổ đòi
hỏi những chuẩn bị tâm lý và sinh lý rất kỹ lưỡng. Lẽ tất nhiên ở
Thiền tông sự thông hiểu chữ nghĩa không được xem như là tiêu
chuẩn đứng đắn nhất để chọn lựa, mà qua đó hình ảnh của Ngài Huệ
Năng là một sinh động nhất có trên đời. Tương truyền thiền sư Huệ
Năng không biết chữ nhưng đã trở nên cao đệ thứ nhất của ngũ tổ
Hoằng Nhẫn.
-
Trong xã hội xưa, người xuất gia để gần trọn thì giờ mà tham
thiền, và dốc toàn lực vào công việc tiến tới giác ngộ. Y thực,
lương dược và nơi cư trú là do sự cung dưỡng của những người cư
sĩ. Những bậc đạt đạo được quần chúng tôn sùng và học hỏi. Các vị
đem nhân phẩm của mình ra làm những bài thuyết pháp và thường gần
gũi với cuộc đời bằng cách du hóa khất thực. Đoàn thể xuất gia
thời Phật giáo nguyên thỉ so với số lượng người xuất gia ở các
nước Phật giáo bây giờ thì quả thực là ít ỏi. Nhưng sau đó, tự
viện phát triển, và giới xuất gia càng lúc càng đông, điều đó
chúng ta đã thấy qua các nước Phật Giáo như:
-
- Thái Lan, Cam Bốt, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam....
-
Một khi đoàn thể xuất gia đã đông đảo, tự nhiên phát sinh ra những
vấn đề như sau:
-
1- Phải xây cất thêm nhiều tự viện, và phải tổ chức lại giới hộ
pháp ngoại hộ chính là giới cư sĩ tại gia, để có thể cung cấp đầy
đủ các nhu yếu lương thực, cư trú, thuốc men và y phục cho tăng
giới. Càng về sau, Phật Giáo Đại Thừa càng phát triển thì giới
Phật tử cư sĩ trở nên quan trọng không thua kém giới xuất gia.
Trong các kinh điển như:
-
- Kinh Duy Ma, Kinh Thắng Man, v.v..
-
Người cư sĩ không còn được coi như chỉ là những thí chủ cung dưỡng
chư tăng để tạo phước đức nữa, mà là những người có thể hành Bồ
Tát hạnh và đạt tới địa vị khá siêu phàm về tâm linh. Thật sự,
chúng ta cũng phải công nhận vai trò ủng hộ đắc lực của người cư
sĩ trong công cuộc phát triển cơ sở giáo hội. Người cư sĩ bây giờ
không còn xa cách quá với người xuất gia về phương diện uy tín đạo
đức. Do vai trò đóng góp của họ trong sự tạo dựng tự viện, ủng hộ
hoằng pháp, cung dưỡng tăng ni, ý kiến và sở thích của họ được tôn
trọng hơn lên. Ngay cả, có nhiều khi không thích làm việc với các
Thầy, tự họ cũng lập chùa để gọi là hành đạo như thường. Điều này
chúng ta có thể thấy ngay trong hiện tại.
-
Thực ra chữ tăng có nghĩa là một đoàn thể, một cá nhân không thể
gọi là tăng được. Sự cung dưỡng đúng chính pháp là một sự cung
dưỡng vô điều kiện. Nhưng ai cũng biết người cư sĩ bây giờ ít biết
thế nào là cung dưỡng đúng chính pháp. Họ cung dưỡng vì cảm tình
riêng với từng vị mà họ mến chuộng, họ cung dưỡng vì muốn được học
hỏi riêng hay được thỏa mãn riêng về tình thầy trò, tình môn phái
huynh đệ. Những bậc chân tu không lệ thuộc các điều kiện ấy thì
lại hay bị quên lãng, và thiếu điều kiện để tiến tu. Sức khỏe
thiếu kém họ có thể bỏ cuộc nửa chừng.
-
2- Đã đông đảo thì cố nhiên khó giữ được tinh túy. Thế rồi xuất
hiện những vị lớn tuổi xuất gia mà tâm niệm chưa xuất gia, thân đã
đến chùa mà tâm không ở chùa. Có thể nói, đối với xã hội văn minh
vật chất không có được bao nhiêu người phát tâm xuất gia thực.
Đương nhiên, sự hiện diện của người tăng sĩ trong mọi cơ cấu xã
hội, là một sự cần thiết không ai không công nhận, nhưng nếu thiếu
mất nguồn cảm hứng của đạo đức vô hành thể hiện nơi người đạt đạo,
thì có thể có sự cạn khô của thực chất đạo pháp nơi chính những
hoạt động, được gọi là hoạt động cho đạo pháp ấy.
-
Xã hội ngày nay bắt buộc phải có mặt của người Phật tử trong các
cơ cấu tổ chức của nó, nếu Phật giáo muốn không bị đứng ngoài xã
hội. Nhưng đứng trong không những chỉ là đứng trong với hình thức
suông, mà phải là với một hình thức chứa đựng nội dung nữa. Vì vậy
vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải kêu gọi tất cả các vị xuất gia,
khi đã có tâm xuất gia thì phải lo chuyện công phu tụng kinh, niệm
Phật, thiền quán cho thật đứng đắn, thật vững chãi để tiến tới đạo
quả viên thành. Số người này sẽ ít ỏi, nhưng hết sức quý giá, bởi
vì mỗi khi có một vị tìm tới được nguồn suối đạt đạo, thì tất
nhiên cả chúng ta, tất cả dân tộc và nhân loại ta đều được thừa
hưởng. Năm bảy vị như thế đủ để cho chúng ta sung sướng rồi. Mà có
được hàng mấy mươi vị thì đó quả thực là hồng phúc cho dân tộc.
-
Những bậc hiện đang hoạt động cho Phật giáo, trong các cơ cấu xã
hội sẽ như những cành lá tốt tươi bắt gốc từ những bậc đạt đạo đó,
hoặc là những bậc đang cương quyết chí tâm tiến bước trên con
đường đạt đạo đó. Họ sẽ trở về sống mỗi năm vài ba tháng bên cạnh
những bậc tăng sĩ hoàn toàn xuất thế này để mà nhìn, để mà nghe,
để mà cảm, để mà tĩnh tu, để mà làm mới lại tâm hồn mình, ước
nguyện mình, lý tưởng mình, để trong những ngày tháng tiếp xúc với
đời làm phật sự có thể sẽ giữ trọn vẹn được tâm hồn và ý chí của
những con người cần thiết cho cuộc đời. Có như thế bản chất của
đạo đức vô hành, của trí tuệ giác ngộ, của những nguyên lý Phật
giáo linh động mới từ nguồn suối của nó chuyền qua người đạt đạo,
thấm tới người hành đạo và cuối cùng được thể hiện trong cuộc đời.
-
Nói tóm lại, để đạt đến một kết quả như thế, thì chúng ta phải
hiểu là việc thể hiện vào trong cuôc đời, cũng có nghĩa là thâm
nhập vào biển giác ngộ tâm linh, thể hiện sức sống của giác ngộ
trên bản thân mình như một hiện thân của đạo đức vô hành trên cuõi
đời nầy. Xin nói thêm rằng đạo đức đây phải được hiểu như một sự
phát hiện của nghệ thuật sống, mà không phải là những hành động
được quy định như luân lý hay công dân giáo dục. Nghĩa là mọi cử
chỉ ngôn ngữ của người đạt đạo đều tự nhiên là đạo đức, không ý
thức, không cố gắng mệt nhọc. Như vậy đạo đức là sự sống, sự sống
là nghệ thuật và vì vậy đạo đức là nghệ thuật. Một nghệ sĩ đạt đến
suối nguồn của nghệ thuật rồi thì nói ra là thơ, vạch ra là hoa.
Người hành đạo đạt đến suối nguồn giải thoát rồi thì ăn uống nói
cười tất cả là đạo.
-
Nguồn sinh lực đạo pháp do chúng ta những nhà tu thể nhập và khơi
mở, đồng thời đem nó thực hiện trong cuộc đời. Thành thử những vị
xuất gia đóng một trách nhiệm của một gạch nối giữa đức Phật và
cuộc đời. Số người này phải khá đông để có thể cung cấp cho nhu
cầu tôn giáo, và đạo đức càng ngày càng tăng của xã hội mới. Những
vị tu sĩ hiện thân trong cuộc đời sẽ đem ý chí, năng lực, và tâm
hồn của mình để thực hiện một ít nguyên chất của đạo Phật trong
cuộc đời, và kho tàng của họ là những nguồn giáo lý vô tận của Đạo
Phật. Làm được như vậy thì mới xứng danh là một người học đạo, và
mới đem thực chất đạo Phật vào cuộc đời.
--o0o--
|
|