TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cho Trong Lòng Nhẹ Nhõm
Tâm Như
---o0o---
 
Chúng ta phải đối phó với những sự kiện của đời sống, phải đương đầu với những diễn tiến khác nhau của kiếp nhơn sinh. Vì thế mà trong tâm tư, đầu óc luôn luôn lúc nào cũng đầy ắp những toan tính, cạnh tranh, những hơn thua, được mất ... Mặc dầu phải đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng không nên để cho lo âu và khốn khổ tràn ngập và kiềm chế chúng ta. Trái lại, chúng ta phải khắc phục hoàn cảnh, và là người phật tử chúng ta phải có đủ khả năng để làm việc này. Để cho trong lòng được nhẹ nhõm, điều cần thiết là chúng ta phải thực tập lắng nghe, cần được hướng dẫn thích đáng trong mọi cố gắng, mọi quyết tâm và kiên nhẫn của chúng ta. Nếu hiểu biết sự vật một cách chơn chánh, và thận trọng áp dụng trí não thông minh và sáng suốt của chúng ta vào mọi việc làm, thì chúng ta có thể chế ngự được những cảm xúc nhọc nhằn, thiếu may mắn. Lúc đó trong lòng sẽ không còn lo âu và phiền muộn.
Những mối lo âu đến từ bên ngoài xã hội, trong khi đối diện với cuộc sống cũng có, mà phần lớn chính tự chúng ta tạo nó trong tâm cũng có. Do vì không đủ khả năng, hay không hiểu được trọn vẹn những cảm xúc ích kỷ nhỏ nhen, và vì chúng ta lượng định quá đáng hay sai lạc về những cách sống và hành xử chung quanh chúng ta, cho nên chúng ta phiền muộn lo âu. Nhưng nếu chúng ta có thể nhìn sự vật đúng trong bối cảnh của sự vật, thì sẽ thấy rằng không có gì là trường tồn vĩnh cửu trong thế gian nầy. Khi nhìn mọi vật như thật, chúng ta thấy tự ngã chỉ là trí tưởng tượng hoang dại, chạy loạn trong cái tâm không kềm chế, thì chúng ta không cần phải nhọc nhằn đi tìm phương thức khả dĩ để tận diệt những âu sầu và đau khổ.
Muốn cho trong lòng nhẹ nhõm, trước hết chúng ta phải tự trau dồi tâm trí, tự quên mình, và dấn thân vào những công tác phục vụ nhơn loại, để trở nên người hữu ích cho nhơn quần xã hội. Đó là một trong những đường lối thiết yếu, giúp chúng ta tìm thấy trong lòng nhẹ nhõm, an tịnh và hạnh phúc thật sự.
Nhiều người có những ham muốn và những khát vọng, những lo âu và sợ sệt mà chính họ cũng cảm thấy hổ thẹn, không dám nhận, dầu là âm thầm tự nhận trong lòng. Một khi có những ham muốn khát vọng, những xúc động ấy trong lòng, tự chúng có một năng lực kinh khiếp. Dầu họ làm cách nào đó để đè nén, dồn ép và che đậy, nó cũng tìm lối thoát ra, và khi thoát ra chúng làm xáo trộn guồng máy cơ thể vật chất và gây nên những chứng bịnh kinh niên.  
Trong chiều hướng cho trong lòng nhẹ nhõm, cho nên bất luận lúc nào thấy trong lòng có lo âu phiền muộn, thì cũng không nên phô trương gương mặt phiền muộn của chúng ta trước tất cả mọi người. Trong những lúc nầy, chỉ nên tâm sự với những ai thật sự có thể giúp chúng ta. Trong lúc khó khăn phải trải qua trên đường đời, nếu chúng ta có thể luôn luôn giữ được nụ cười trầm tĩnh thì quả thật là tốt đẹp. Điều này không phải là quá khó nếu chúng ta thật sự cố gắng.
Trong những hoàn cảnh bất mãn và thất vọng, có số người nghĩ ngay đến cách quyên sinh để thoát nợ, có người phải loạn trí tự thấy khốn khổ vô cùng. Tất cả những bất hạnh ấy đều do nơi sự kém hiểu biết về bản chất thật sự của đời sống. Dầu sao đi nữa, chúng ta không thể tránh những cảnh lo âu phiền muộn, chia ly xa biệt. Mà qua đó Đức Phật đã chỉ cho tám trường hợp:
             - Sanh là khổ
             - Già là khổ
- Bệnh là khổ
             - Chết là khổ
             - Cầu không được là khổ
             - Thương mà không được sống gần nhau là khổ
             - Ghét mà cứ gặp nhau hoài là khổ.
             - Năm ấm không điều hòa là khổ.
Thật ra, chúng ta gặp nhau là một cái duyên. Duyên tốt hay xấu là một chuyện khác. Nhưng khi đã nói gặp nhau là do có nhân duyên, đến khi duyên hết thì chia tay. Sự chia tay nầy có thể chia tay nhau từ buổi đầu, có thể ở đoạn giữa, hoặc vào lúc cuối cùng của cuộc đời, nhưng chắc chắn không thể tránh. Khi những sự kiện như vậy xảy ra, thì chúng ta phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nếu cảnh biệt ly ấy vượt ra ngoài khả năng kiểm soát, thì chúng ta hãy có đủ can đảm chịu đựng và hãy nhận định rằng đó là bản chất của đời sống.Õ
Lo âu, phiền muộn, sợ hãi chỉ là một trạng thái của tâm. Trạng thái tâm của chúng ta phải được kiểm soát và hướng dẫn. Nếu dùng nó một cách tiêu cực thì lúc nào cũng sợ sệt, chẳng hạn như:
- Với tâm gian tham trộm cắp thì cứ lo trong lòng không biết ngày nào cơ mưu bị bại lộ.
Nhưng nếu tâm được dùng một cách tích cực, nó sẽ đem lại hy vọng và cho chúng ta những lý tưởng trong đời sống. Chẳng hạn như:
- Tâm thương người, luôn luôn nghĩ đến sư an nguy của cộng đồng tổ chức, thì chắc chắn lúc nào cũng được mọi người thương mến, biết ơn.
Và dùng nó như thế nào là hoàn toàn do ta quyết định. Mỗi người đều có khả năng kiểm soát tâm. Chỉ có một việc mà con người có thể kiểm soát được một cách tuyệt đối, đó là tư tưởng của mình. Bí quyết của một cuộc sống thành công, hạnh phúc và trong lòng luôn luôn nhẹ nhõm là làm những gì, cũng cần phải dùng tâm điểm trong hiện tại, không lo âu cho quá khứ và tương lai. Vì chúng ta không thể đi lùi trở vào quá khứ để uốn nắn nó theo ý muốn, mà cũng không thể đi trước thời gian để sắp xếp những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chỉ có một khoảng thời gian mà chúng ta có thể kiểm soát được, đó là hiện tại. Nhiều người lo âu chỉ vì mãi thắc mắc cho tương lai. Nếu họ biết tự sửa mình để thích ứng với hoàn cảnh sinh sống hằng ngày, thì không có lý do gì để lo âu phiền muộn.
Điều cần nhớ là, dầu phiền não như thế nào, dầu lo âu sầu muộn ra sao, thì yếu tố thời gian sẽ hàn gắn những vết thương lòng không khó. Nhưng trong hiện tại, chắc chắn phải có một điều nào đó chúng ta có thể làm được cấp thời để khỏi bị tổn thương. Do vậy chúng ta phải ý thức:
- Không phải người khác, và phiền não mà chính ta đã làm cho ta bất hạnh.
Có một phương thuốc trị liệu, hay một phương cách để chấm dứt những vấn đề phiền phức, đó là phải thoát ra khỏi những ham muốn ích kỷ và vô trật tự của chúng ta. Đồng thời tận diệt mọi hình thức hỗn loạn và vô minh.
Tâm lý thông thường, mỗi khi không tìm ra giải pháp cho một vấn đề, chúng ta thường có khuynh hướng tìm nơi để đổ lỗi. Nơi chúng ta có thể đổ lỗi, có thể là bạn bè, có thể là người thân hay bất cứ ai ở gần chúng ta. Nghĩa là một người nào mà chúng ta có thể trút hết gánh nặng tội lỗi, là chúng ta sẵn sàng trút bỏ. Động thái nầy xảy ra khi chúng ta không sẵn sàng chấp nhận những yếu kém của mình. Chúng ta cảm thấy rằng đổ lỗi cho người khác, và nuôi dưỡng mối căm thù là dễ dàng hơn chúng ta chấp nhận. Trong thực tế nhiều người đã làm như vậy. Đó là thái độ hoàn toàn vô trách nhiệm.
Chúng ta không nên phiền hà hay giận dỗi ai khác, ngoài chúng ta. Chúng ta phải hết sức cố gắng, tận dụng khả năng, và đức trầm tĩnh để giải quyết những vấn đề. Chúng ta phải sẵn sàng đối phó với bất luận khó khăn nào mà chúng ta gặp phải trên đường đời. Vì thế mà chúng ta hãy hành động khôn ngoan, phải biết sử dụng tuổi trẻ, tiền của, quyền thế, năng lực, và kiến thức của mình vào đúng lúc, đúng nơi, đúng phương cách. Và sáng suốt, để gặt hái lợi ích cho chính mình và cho người khác. Vì nếu sử dụng sai lầm những ưu thế tương tợ, thì nó có khuynh hướng kéo chúng ta vào con đường tội lỗi. Chúng ta phải tự biết:
- Đủ mạnh để hay biết khi mình yếu,
- Đủ can đảm để đương đầu với sợ sệt,
- Đủ hùng dũng và bất khuất khi thất bại,
- Đủ khiêm tốn và dịu dàng lúc đắc thắng.  
Vì mỗi người là một phần tử của thế gian loài người, cho nên chúng ta phải nhận lãnh phần trách nhiệm của mình về những sự việc diễn tiến trong thế gian nầy. Mỗi người phải quan tâm đến những biến đổi trong xã hội, phải làm cho xã hội càng trở nên tốt đẹp hơn, và càng mang nhiều sắc thái nhơn đạo hơn. Để nhắc nhở tinh thần nầy, mỗi người phải tự hỏi:
- Chúng ta đã làm gì để đem lại nền trật tự an ninh cho xã hội?
Đây là một trong những suy tư có tánh cách đạo đức, bao trùm lên đời sống và đáng được sống. Sống như vậy là có một kiếp sống thật sự hạnh phúc. Chừng ấy chúng ta sẽ hân hoan bắt đầu làm một việc gì đáng được ca ngợi, và có tánh cách xây dựng.  
Một khi mà chúng ta đã thực tập như vậy, thì dầu người ta có phê bình và chế diễu hành động chua cay như thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng có thái độ của người khôn ngoan sáng suốt, và đáp trả lại bằng một nụ cười hay một câu nói đùa. Không bao giờ nên gây gỗ. Vì chúng ta không thể sửa đổi từng người, và tất cả mọi người trên thế gian này để tạo cảnh thanh bình lý tưởng. Cũng như chúng ta không thể dọn dẹp tất cả đá sỏi gập ghềnh và gai góc trên đường, để cho mọi người đi không vướng, không đau chân. Cách hay nhất là chúng ta nên khuyến khích:
- Những ai muốn an toàn trên con đường sỏi đá, thì phải mang vào chân một đôi giày, và thận trọng từng bước.
Cùng thế ấy, người muốn sống an tịnh, muốn tâm hồn được thanh thản, phải biết thu thúc lục căn, tiết chế tham vọng. Có nhiều lối khác nhau để sửa đổi một người lầm đường lạc nẻo. Tuy nhiên bằng cách chỉ trích khiển trách, và la rầy trước công chúng, chúng ta không thể thành công trong việc sửa đổi ai hết. Mà cách hay nhất là không nên làm mất lòng. Nhiều người tạo thêm kẻ thù vì chỉ trích người khác. Trong khi nếu chúng ta có thể ôn tồn, nhắc nhở họ với lòng thành thật muốn cải thiện, chắc chắn họ sẽ nghe theo, và một ngày nào họ sẽ cám ơn lòng tốt, và sự hướng dẫn sáng suốt của chúng ta.
Từ khuynh hướng ôn hòa, bất luận lúc nào phát biểu ý kiến về riêng một vấn đề gì, chúng ta nên cố gắng tìm những danh từ không chạm đến tự ái của người khác. Có nhiều phương cách khác nhau để diễn đạt tư tưởng của mình một cách dịu dàng, lễ độ hay xã giao.ÕVì thế không nên nổi giận khi người ta nêu lỗi mình ra. Có thể chúng ta nghĩ rằng, việc làm cho người ta thấy mình nổi nóng, hay la lối rầy rà người khác là che lấp hay lướt qua những thiếu sót của mình. Thật ra, đó là một sự suy nghĩ sai lầm.
Không nên nói xấu bạn bè, hay bất cứ một người nào đó, mặc dầu là lỗi lầm của người mà chúng ta không ưa. Hơn nữa, nếu nói ra những gì người ta đã tâm tình với mình, thì chúng ta sẽ bị khinh rẻ và không bao giờ được nhận là người thành thật. Cũng không nên hấp tấp có ý kiến nhất định về một vấn đề trong khi đang bực bội, hay khi bị khiêu khích, hoặc khi hỉ hả vui mừng. Bởi vì trong những lúc ấy tâm trạng bị nhiều cảm xúc, mà hấp tấp quyết định một vấn đề gì đó, có thể sẽ làm cho chúng ta hối tiếc sau nầy. Hãy để cho tâm bình tĩnh trở lại, và hãy suy gẫm cho kỹ càng, như vậy, quyết định của chúng ta sẽ được đánh giá là có hiểu biết.
Để bổ túc khuyết điểm nầy, chúng ta nên phải trau dồi đức khoan hồng. Đức khoan hồng, khiêm cung giúp cho chúng ta tránh được những xét đoán vội vã, giúp chúng ta thông cảm những phiền não của người khác, và tránh khỏi những lời chỉ trích có tánh cách vạch lá tìm sâu của những người có ác ý. Đồng thời còn giúp chúng ta nhận thức rằng con người dầu cao siêu đến đâu, hễ còn là phàm phu là còn phải lầm lạc. Sự yếu kém thấy bên trong của người khác, rất có thể cũng được tìm thấy bên trong của chính chúng ta. Cho nên đức khoan hồng, và khiêm cung là khuôn vàng thước ngọc của bậc thiện trí, để đo lường sự khác biệt giữa cái gì thật sự là vậy, và cái gì còn phải thế nào nữa mới được như vậy. Chính Đức Phật đã bắt đầu con đường hoằng Pháp của Ngài, bằng cách là dẹp bỏ tất cả những kiêu hãnh của một hoàng tử giàu sang trẻ đẹp. Ngài đã đạt thành đạo quả Phật trong kiếp sống nầy, nhưng không bao giờ tự cao tự mãn. Trong lúc thuyết pháp, cách lập luận và các câu chuyện ngụ ngôn của Ngài không bao giờ cầu kỳ. Có những lúc Ngài đã tỏ ra khoan hồng, và khiêm tốn hơn tất cả những người khiêm tốn. Nhưng không vì vậy mà mất đi bản chất của một bậc đã giác ngộ.  
Theo chân Đức từ phụ, chúng ta cũng phải tập kiên nhẫn với tất cả mọi hoàn cảnh. Bởi vì sân hận dẫn dắt chúng ta vào những khu rừng rậm tà kiến không có lối đi ra. Kể cả như khi chọc giận và gây phiền phức cho người khác, nó cũng làm tổn thương cho chính chúng ta, làm yếu kém cơ thể và xáo trộn tinh thần một cách trầm trọng. Nên nhớ là một lời nói đã thốt ra như nước đổ xuống đất, như mũi tên được buông ra từ cánh cung, không thể còn thâu hồi lại được nữa. Khi đã lỡ lời, dầu chúng ta có sám hối, hay xin lỗi ngàn lần, thì lời nói bất cẩn đã gieo ảnh hưởng của nó vào trong tiềm thức của người nghe, khó xóa sạch hết được.  
Từ khuynh hướng muốn cho trong lòng nhẹ nhõm, thoát ra khỏi mọi phiền lụy do chính chúng ta và kẻ thù gây nên, trước tiên hãy cẩn thận lời nói và sau là vứt bỏ mối sân hận thì trong lòng sẽ nhẹ nhỏm. Bởi vì, chính nó là kẻ thù chánh yếu, nguy hại hơn tất cả. Đàng khác, nếu nghe một người thù mà chúng ta mất bình tĩnh thì điều này có nghĩa là chúng ta đang thỏa mãn những ước vọng của họ, bằng cách vô tình chui vào cái bẫy của họ.  
Không nên nghĩ rằng chỉ có những người ca ngợi, giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ mới là người dạy chúng ta học một điều gì. Mà phải biết có rất nhiều bài học có thể học với những kẻ thù. Chúng ta không nên nói rằng kẻ thù hoàn toàn sai lầm, chỉ vì tình cờ họ là kẻ thù của chúng ta. Họ cũng có những đức tánh. Chúng ta không thể dẹp bỏ kẻ thù bằng cách lấy xấu đổi xấu, vì làm vậy chỉ tạo thêm thù. Phương pháp tốt đẹp, và hữu hiệu nhất để khắc phục một người thù, là rải tâm Từ của chúng ta đến với họ. Có lẽ mọi người nghĩ rằng điều này không thể làm được, hay vô nghĩa. Nhưng phương pháp này đã được tất cả các bậc thiện trí tán dương. Vì khi chúng ta hay biết có người phiền giận, trước hết hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao. Nếu nguyên nhân ấy là một lỗi lầm do chúng ta, thì chúng ta phải nhìn nhận và không nên chần chờ, hãy chịu lỗi ngay. Nếu là một sự hiểu lầm giữa hai đàng, chúng ta hãy tìm đến giải thích một cách cởi mở, và cố gắng làm sáng tỏ vấn đề. Nếu ganh tị vì một cảm xúc ô nhiễm nào khác, chúng ta hãy rải Tâm Từ đến họ, và gieo ảnh hưởng bằng những rung động của tâm lực. Chúng ta có thể không hiểu tại sao. Nhưng xuyên qua kinh nghiệm của nhiều người, phương pháp này đã tỏ ra hữu hiệu, có nhiều năng lực, sáng suốt, dễ thực hành nhất, và đã được chư tôn đức nhiệt liệt khuyến khích nên thực hành.ÕLẽ dĩ nhiên khi làm điều nầy chúng ta phải tự tin, và kiên nhẫn, chúng ta sẽ cho kẻ thù thấy rằng chính họ lầm lỗi. Ngoài ra chúng ta cũng còn hưởng được nhiều lợi ích khác nhau, bởi vì chính chúng ta không nuôi dưỡng trong lòng những điều tệ bạc.  
Người bị lòng ganh tỵ đầu độc, luôn luôn lúc nào cũng tạo phiền não, thường cố gắng biện minh hành động bạo tàn của mình bằng những lời vô nghĩa, và xúc phạm đến người khác. Vì thế:
- Nếu chúng ta muốn sống hòa bình và hạnh phúc, hãy để cho người khác sống hòa bình và hạnh phúc.
Ngoại trừ, và cho đến khi nào chúng ta tự sửa mình để sống thích hợp với những nguyên tắc cao thượng. Chúng ta không thể trông chờ hòa bình và hạnh phúc từ nơi người khác. Cho nên nếu hành động đúng theo những nguyên tắc đạo đức, thì chúng ta có thể tạo hòa bình, hạnh phúc, tạo thiên đàng ngay tại đây, trên thế gian này. Trái lại, chúng ta cũng có thể thấy lửa địa ngục ngay trên quả địa cầu, tại nơi mà chúng ta đang sống khi mà trong tâm đầy dẫy những sân hận si mê.
Có nhiều người trong chúng ta, vì không biết phải sống như thế nào để hòa hợp với mọi người, mọi hoàn cảnh trong xã hội, cho nên cứ luôn luôn than phiền khi phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn. Thay vì than phiền, nếu mỗi người cố gắng tự sửa mình mà không than phiền, và chỉ trích người khác, thì chúng ta có thể thọ hưởng hạnh phúc của thiên đàng thật sự. Như thế, không cần phải tạo một thiên đàng ở nơi nào khác để ban thưởng đức hạnh, hay một địa ngục để hành phạt những người tội lỗi. Đây là đường lối cao thượng nhất, theo đó chúng ta có thể tạo an lành cho xã hội và quốc gia của chúng ta.
Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển đến mức cao độ, nhờ sự hiểu biết và tính ôn hòa của những con người giàu tình thương và đức khoan hồng, những người biết tôn trọng hạnh phúc và tiến bộ của người khác. Điều nầy giúp chúng ta có thể nhận thức, vì sao con người phải thực hành giới đức. Đàng khác, chúng ta phải hiểu rằng, khi giúp cho người khác có giới đức, thì cũng như tự giúp mình, và trong khi làm cho mình có giới đức, thì chúng ta cũng giúp người khác cùng có giới đức.  
Phần lớn các phiền não và lo âu xảy ra giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, giữa thân bằng quyến thuộc đều do hiểu biết sai lầm và thiếu kiên nhẫn mà ra, vì thế:
- Chồng không nên đối xử với vợ như người làm trong nhà. Chồng phải giúp vợ tạo hòa khí trong nhà. Đàng khác, người làm vợ không nên càu nhàu hay than phiền chồng suốt ngày, mỗi khi có điều sơ sót, cũng không nên nghi kị chồng. Nếu chồng có một vài khuyết điểm vợ phải có thể sửa đổi bằng cách êm ái và dịu dàng nhắc nhở. Một người vợ phải biết khoan dung, chịu đựng nhiều việc mà không làm phiền đến chồng.
- Cha mẹ phải nên luôn luôn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con cái, và con cái cũng phải phải biết vâng lời cha mẹ hướng dẫn.
- Anh chị em, họ hàng thân tộc cũng vậy ...  
Gặp gỡ với nhau trên cõi đời là một thắng duyên, nhưng nhiều người đã làm cho nhân duyên gặp gỡ nầy trở thành một tội khổ vì thiếu hiểu biết, thiếu khoan hồng, và thiếu kiên nhẫn. Những sự xung đột  nếu có, chỉ vì không biết chia sẻ với nhau những ngọt bùi và cay đắng của đời sống hằng ngày. Hiểu biết nhau là bí quyết của sự đoàn kết, và tạo thêm tình thân ái. Vì thế đối với tự thân chúng ta phải biết chấp nhận chỉ trích. Và ý thức được dịu ngọt là bịnh, cay đắng là liều thuốc. Những lời ca ngợi tựa hồ như kẹo, ăn nhiều quá sanh ra bịnh. Lời chỉ trích giống như viên thuốc đắng, hay mũi thuốc chích làm đau, nhưng chữa hết bịnh. Chúng ta phải có can đảm tiếp nhận mọi chỉ trích và không nên sợ nó, và chỉ chú tâm vào công việc của mình. Nếu chúng ta có thể chăm lo công việc cho tự thân, mà không xen vào việc người khác mỗi khi không cần thiết, thì quả thật là tốt đẹp. Sau đây là lời khuyên của Đức Phật:
- Không nên nhìn vào lỗi lầm của người khác, và những gì người khác đã làm và những gì người khác bỏ qua. Hãy nhìn vào những gì chính ta đã làm và những gì chúng ta đã bỏ qua.
Hoặc là:
- Người luôn luôn nhìn vào lỗi lầm của kẻ khác và tâm luôn luôn chao động, thì sẽ làm tăng trưởng sự ô nhiễm của chính mình. Người nầy còn lâu mới diệt hết ô nhiễm.
Không ai có thể sống trên thế gian nầy mà không bị chỉ trích, và khiển trách. Tuy nhiên Đức Phật cũng có dạy:
- Đã không bao giờ có trong quá khứ, sẽ không bao giờ có trong tương lai, trong hiện tại cũng không có ai bị khiển trách hoàn toàn, hay hoàn toàn được tán dương.
Từ khuynh hướng nầy, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ:
- Không phải tất cả những ai chỉ trích đều là kẻ thù.
Trái lại, chúng ta phải biết sử dụng cơ hội bị chỉ trích ấy để tìm ra những thiếu sót, mà tự chúng ta không thể thấy. Không nên bỏ lỡ một công trình tốt đẹp chỉ vì có sự chỉ trích. Nếu chúng ta có can đảm tiếp tục hoàn tất viên mãn, bất kể những lời chỉ trích, thì quả thật là một vĩ nhơn, và chúng ta có thể thành công bất luận nơi nào. Cho nên chúng ta phải nhớ:
- Thất bại là trụ cột của thành công.
Học hỏi về những thất bại, tức là chúng ta đi đến thành công. Không bao giờ thất bại, tức không bao giờ thành công. Thất bại chỉ là một ngã rẽ của những diễn tiến rất ít quan trọng, hay không quan trọng nào đối với ta. Hiểu được như thế thì thất bại chẳng những giúp chúng ta thành công mà còn làm cho ta trở nên hiền lành, biết thương người, hiểu biết, và giàu kinh nghiệm hơn.  
Nói tóm lại, muốn cho trong lòng nhẹ nhõm, chúng ta phải luôn luôn lưu ý:
- Một con người dù có sắc đẹp tuyệt trần, nhưng nếu sắc đẹp ấy bị tánh kiêu căng hay ngạo mạn của chính họ bóp méo, thì dầu xinh xắn đến đâu người ta cũng không thích lại gần.
- Trong khi đó một người sanh ra xấu xí. Dầu gương mặt của người này có thể thậ sự xấu, nhưng nếu họ biết buông bỏ những tham, sân, si, chấp ngã cho trong lòng nhẹ nhõm, và luôn luôn trau dồi tâm Từ Bi, thì chính trạng thái trong lòng nhẹ nhõm, và tâm Từ ấy đem lại cho họ sức quyến rũ lạ thường. Từ bên trong lộ hẳn ra ngoài và bao trùm toàn thể con người với một vẻ đẹp dễ mến có tính cách thu hút người khác. Đó là vẻ đẹp thật sự, chớ không phải hình dáng hay màu sắc của gương mặt.
Với tâm từ vô lượng vô biên, lời ăn tiếng nói ôn tồn, lễ độ, đối xử dịu hiền với tất cả mọi người, tức nhiên ai cũng thích lại gần người nầy, và ai cũng thấy trong lòng của mình nhẹ nhõm khi được tiếp xúc và thân cận những người:
- Ôn tồn, lễ độ đối xử dịu hiền.
--o0o--