TẬP SAN DƯỢC SƯ

Thông Điệp Ngày Đản Sanh
Nhất Quán
---o0o---

 

Nói về sự ra đời của đức Phật, cùng một sự đến cõi đời nầy như nhau, nhưng lại có tên khác nhau. Khác nhau ở chỗ như nói:
- Ngày đản sanh của Đức Phật, tức là muốn nói đến một sự ra đời hết sức vui tươi.
Cũng thường được gọi là:
- Giáng Sanh là vì Ngài từ Ðâu Xuất Nội Viện xuống cõi đời nầy.
- Cũng còn gọi là thị hiện, là vì Đạo Phật luôn luôn hiện hữu trên cõi đời nầy với con người, nhưng con người không thấy nên đức Phật phải ra đời để hướng dẫn chỉ bày.
Có thể nói rằng cuộc đời của Ðức Phật là một cuộc đời trọn vẹn. Từ lúc mới sinh ra cho đến khi trưởng thành, và đến lúc nhập Niết Bàn, lúc nào Ngài cũng dạy cho nhân loại những bài học thật giá trị, tất cả những lời dạy như khuôn vàng thước ngọc đó, được ghi chép đầy trong Ba Tạng Thánh Ðiển. Chúng ta có tu học cả đời cũng không bao giờ cùng tận.
          Hôm nay là ngày Lễ Ðản Sanh của ngài chúng tôi chỉ muốn nêu lên những thông điệp quan trọng, như ba bức thơ tuyên chiến với các thế lực: Cực đoan, cố chấp, vô minh tham vọng.
          01- Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Ðộc Tôn
          Ðó là lời dạy đầu tiên của Ðức Phật, cũng là lời cảnh cáo đầu tiên cho nhân loại biết rằng, chúng ta đã và đang đi trên con đường đau khổ lầm than, sự mê muội đã là tâm chấp ngã, và sự lầm than đó là kết quả khổ đau do tâm chấp ngã gây ra.
          Ðã bao nhiêu ngàn năm con người trên thế gian chìm sâu trong biển chấp ngã. Ðã bao nhiêu ngàn thế kỷ, xã hội Ấn Ðộ chìm ngập trong những tư tưởng mê muội của người Bà La Môn Giáo nhằm xây dựng bản ngã con người, xây dựng đoàn nhóm của giai cấp, gây khổ đau cho chính mình và cho người khác. Theo Nguyên Nhân Ca của Lê Câu Phệ Ðà:
- Người Bà La Môn họ cho rằng họ sinh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên.
- Giai cấp Sát Ðế Lợi sanh ra từ cánh tay.
- Giai Cấp Phệ Xá sanh ra từ đùi,
- Giai cấp Thủ Ðà La sanh ra từ bàn chân của Thần Sáng Tạo là đức Phạm Thiên.
Cũng theo huyền thoại nầy, giá trị của mỗi giai cấp tùy thuộc vào nơi được sanh ra, có nghĩa là giai cấp Bà La Môn là giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Ðộ, và giai cấp Thủ Ðà La là giai cấp thấp nhất. Quy luật về giai cấp nầy cũng quy định những quyền lợi và ưu thế của mỗi giai cấp. Và giai cấp Thủ đà La là giai cấp phải chịu nhiều áp bức nhất trong hệ thống xã hội đó.
          Mãi cho đến 624 trước công nguyên, một Thái Tử Tất Ðạt Ða ra đời với mục đích duy nhất là:
- Khai Tri Kiến Phật cho chúng sanh.
Tri kiến đó sẳn có nơi mọi người, mọi loài, cá nhân hay tập thể. Một trong tính chất của tri kiến đó là vô ngã. Chính vì thế mà Ðức Phật đã khẳng định rằng sự phân chia giai cấp đó là một sự hư ngụy của bản ngã, mà các giai cấp đã nương náu vào đó. Người Bà La Môn tạo dựng và nương náo vào sự phân chia để thoả mãn lòng tham vọng và dục vọng. Giới Sát Ðế Lợi, về sau cũng thoả hiệp với giai cấp Bà La Môn, đề cao sự phân chia giai cấp để cũng cố quyền hành. Giai cấp thương buôn và giai cấp Thủ Ðà La giới tôi tớ lao động, là những giới bị coi thường và phải phục vụ cho hai giai cấp trên, và chịu nhiều áp bức thua thiệt. Bản ngả của đoàn nhóm, bản ngã của cá nhân được trói buộc đã trói buộc và gây khổ đau cho mọi người mọi loài.          
Bốn giai cấp trên có mặt tại xứ Ấn Ðộ cả một thời gian dài như vậy. Mãi đến khi đức Phật ra đời, ánh sáng của Đạo Phật đi đến đâu là chủ nghĩa tham vọng vố chấp cũng tiêu diệt đến dó. Cùng một lúc cả bốn giai cấp đều sụp đổ.
Có thể nói, sự xuất hiện của Đạo Phật trên cõi đời nầy như là liều thuốc hồi sinh cho nhân loại, nhưng cũng là loại thuốc kháng sinh tiêu diệt những tư tưởng tham vọng cố chấp của Người Bà La Môn và giới Sát Ðế Lợi. Ðạo Phật đã đụng tới quyền lợi của họ nên người Bà La Môn giáo họ đã thề nguyền, nếu không hại được đức Phật, thì họ sẽ hại đệ tử của ngài.
          Vào khoảng thế kỷ thứ tám, Ấn Ðộ bị người Hồi Giáo từ Thổ Nhỉ Kỳ đánh chiếm, đạo Phật cũng bị Hồi Giáo tiêu diệt ở Ấn Ðộ. Sau khi Hồi Giáo rút khỏi lãnh thổ Ấn Ðộ, những tín đồ Phật Giáo bị hai giai cấp Bà La Môn và Sát Ðế Lợi thống trị trả thù cho những mất mác của họ khi tinh thần bình đẳng giai cấp do đức Phật chủ xướng, còn là ngọn đuốc soi sáng cho xã hội Ấn Ðộ. Bà La Môn và Sát Ðế Lợi đã liệt những tín đồ Phật Giáo vào giai cấp không nên chạm đến.
          Ðạo Phật đã chạm đến quyền lợi của họ, đến bản ngã của họ. Và sự trả thù của họ quả thật không cùng, lòng thù hận của họ thật không bờ bến. Bản ngã là độc tôn trên thế gian nầy. Ðó là điều đức Phật nhận xét cũng là lời cảnh cáo đầu tiên ngay khi ngài bước vào thế gian nầy:
          - Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
          Nghĩa là:
          - Trong thế gian nầy chỉ có phật tánh là tối thượng.
Đây là một cách nói khác theo Kinh Ðại Bát Niết Bàn, chữ ngã trong câu:
- Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Ðộc Tôn.
Là muốn nói đến Phật Tánh của mọi người. Tất cả mỗi con người chúng ta ai cũng có Phật Tánh, một khi đã biết tu tập, gọt dũa, sửa đổi tánh hư tật xấu, biết trân quý thì Phật Tánh của mình sẽ hiển lộ. Quả thật chỉ có những ai nhận ra Phật Tánh của chính mình mới đạt thành đạo quả giác ngộ.
          02- Tìm Ra Người Chủ Ngôi Nhà
          Vào một buổi bình minh ngày trăng tròn tháng tư, ba mươi lăm năm sau khi tuyên bố thông điệp đầu tiên dưới gôc cây Vô Ưu, đức Phật tuyên bố thông điệp quan trọng thứ hai:
          - Xuyên qua nhiêu kiếp luân hồi, ta đã miên man đi mãi
          Ta đã tìm mãi mà không gặp, ta đi tìm người thợ xây cất căn nhà nầy.
          Lặp đi lặp lại sự xây cất trong sanh tử muộn phiền.
          Nầy hởi gã thợ làm nhà, ta đã tìm được ngươi.
          Từ đây ngươi không còn cất nhà nhốt ta nữa.
          Tất cả sườn vách đều gãy, toàn bộ công trình của ngươi đã bị phá tan.
          Như Lai đã chứng quả Vô Sanh Bất Diệt bằng cách diệt tận mọi ái dục vô minh ...
          Trong cuộc đời không phải hầu hết, nhưng cũng có rất nhiều người vì tham vọng si mê nên căn cứ vào lòng sân hận, tánh hẹp hòi theo quan niệm tham vọng của bản thân mình, nên từ đó cứ coi những ai không thuận hợp, không cùng chí hướng với mình, thì người đó là thù nghịch. Nhưng chịu khó nhìn kỷ một chút, Ái Dục Vô Minh của chúng ta chính là kẻ thù của chúng ta. Chính chúng ta là kẻ tự trói buộc mình, là kẻ đem lại sanh tử cho chính mình, là kẻ tự tạo khổ đau để hành hạ mình chứ không phải người nào khác. Ðức Phật đã nhìn thấy được tận căn nguyên như vậy, cho nên Ngài cũng đã ân cần căn dặn:
          - Nếu không phải chính chúng ta tự tạo ra đau khổ, thì cũng chẳng có cách nào để giải thoát. Nếu Khổ Ðế, Tập Ðế không do chính chúng ta, thì Diệt Ðế, Ðạo Ðế dùng cho ai để tự giải thoát.
Ðức Phật dạy, chính từ cái thân giả tạm nầy tạo ra tất cả khổ đau, thì cũng chính cái thân nầy mà đạt đến giải thoát. Ðó là ý nghĩa chữ tự giác của Ðạo Phật.
          Tự giác cũng có nghĩa là thấy được sự vô minh của chính chúng ta. Trong mười hai Nhân Duyên, Vô Minh khởi đầu. Nhưng Vô Minh không ở nhà chung với giác ngộ. Chúng ta có một căn nhà chung đó là tâm, trong Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu có dạy:
          - Trong các pháp
          Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu
Tâm tạo tác tất cả
Nếu ta nói hay làm với tâm sân hận, si mê
Thì nghiệp báo sẽ theo ta
          Như bánh xe lăn theo chân con vật.
          Ngược lại:
          - Trong các pháp,
Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu,
Tâm tạo tác tất cả.
Nếu như chúng ta nói hay làm với tâm hoan hỷ
Thì phước báo cũng theo ta như bóng với hình...
          Nếu tâm còn chấp cái ta, có nghĩa là chúng ta vướng vào ái dục vô minh, chúng ta sẽ khổ đau và gây khổ đau cho người khác. Nếu tâm rời bỏ ái dục, vô minh tức là giác ngộ, chúng ta sẽ được tự do hạnh phúc. Cho nên trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy:
          - Lại nữa nầy các Thầy Tỳ Kheo, do dục làm nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát Ðế Lợi tranh đoạt với Sát Ðế Lợi. Ba La Môn tranh đoạt với Ba La Môn, anh em tranh đoạt với anh em... Khi chúng ta dấn thân vào vòng tranh chấp, tranh luận, chúng ta tấn công nhau bằng đao kiếm, gây gộc ... Và rồi tất cả đều phải chịu đựng khổ đau trong trong cuộc tranh đấu vì vô minh ái dục đó. Chỉ những ai diệt được bản ngã, không còn tâm niệm thắng bại, tức là không còn bị xiềng xích trong Ái Dục Vô Minh, mới tìm thấy được sự an lạc chân thật.
          Nhận mặt được kẻ xây dựng căn nhà thật là việc khó, chấp nhận kẻ thù của chúng ta còn khó hơn, nhưng dám tiêu diệt kẻ thù đó lại là khó hơn nữa. Thật vậy toàn bộ con người của chúng ta là do Vô Minh tạo, trải qua không biết bao nhiêu kiếp, Vô Minh đã tạo nên chúng ta:
- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của chúng ta là do Vô Minh tạo ra. Sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp, trên thế gian nầy cũng một tay do nó tạo ra.
Cho nên muốn thoát khỏi những khổ đau. Muốn được tự do giải thoát chúng ta phải tiêu diệt nó. Phải có Diệt Ðế mới có Đạo Ðế. Nói như Ðương Ðạo:
- Nếu như không có một lần chết đi, thì chẳng bao giờ có một lần sống lại trong cảnh giới Thường Lạc, Chân Tịnh, của Niết Bàn.
Chết đi có nghĩa buôn bỏ con người hiện là của chúng ta. Buông bỏ con người hiện là chúng ta, cũng đồng thời thấy được con người cố hữu hay con người chân thật của chúng ta. Do vậy, ngay khi buông bỏ con người hiện tại là chúng ta, cũng là lúc hiểu rõ lòng của chúng ta. Bởi vì Vọng Tâm và Chân Tánh không phải là hai vật riêng biệt. Trong và đục, đều là nước. Sóng và biển cũng đều là nước, phiền não và Bồ Ðề cũng không tách rời nhau.
Ý thức được điều nầy là chúng ta đã nhận ra thật sự chủ của ngôi nhà, là con đường buông bỏ, mà cũng là con đường đi vào. Ði vào cho đến khi nào thấy rằng mình và người là một, phiền não của người chính là phiền não của mình, hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình. Ði vào cho đến khi thấy tất cả pháp giới, tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều cùng một thể tánh. Ðó là con đường buông bỏ của Bồ Tát, của các Thiền Sư. Cho nên có một vị Thiền sư đã từng dạy:
          - Phàm là bậc quân vương tất nhiên phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình.
          03- Tất Cả Mọi Chúng Sanh Ðều Có Phật Tánh
          Ðây là thông điệp thứ ba, là lời tuyên bố làm chấn động ba cõi, quét sạch lần cuối cùng những tư tưởng ngã mạn và mở cánh cửa giải thoát tối hậu cho những tâm thức hạ liệt. Tuyên bố nầy là kết luận, và cũng là nền tảng cho sứ mạng độ sanh của người tín đồ Phật Giáo:
- Nầy các tỳ Kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Ðiều nầy có thể thực hiện, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, vì tất cả mọi chúng sanh đều bình đẳng như nhau.
Ðức Phật ra đời chỉ với mục đích duy nhất, là mở bày và chỉ cho chúng sanh tri kiến giác ngộ, làm cho họ được tri kiến đó. Bốn mươi chín năm thuyết pháp cũng chỉ với một mục đích duy nhất nầy.
Tri kiến đó cũng là tri kiến bình đẳng tối hậu của mọi chúng sanh. Một lần chúng ta thấy mọi người chính là ta, ta chính là mọi người, thấy được rằng ta ở trong mọi người và dung chứa mọi người, ngay lúc  đó, chúng ta bước vào thế giới vĩnh hằng. Một lần chúng ta thật sự thấy được mọi người, mọi loài xung quanh chúng ta là những Ðức Phật trong bản thể, ngay lúc đó chúng ta sống trong quốc độ của chư Phật.
Như chúng ta biết, mục đích của sự từ bỏ hoàng cung để tìm đạo của đức Phật không phải là vì giải thoát cho riêng mình. Ngài ra đi vì tất cả chúng sanh. Có nghĩa là sự giải thoát của Ngài cũng không ngoài sự giải thoát của chúng sanh, sự giác ngộ của ngài cũng không ngoài sự giác ngộ của chúng sanh.
Cho đến bây giờ trừ đức Phật ra không ai có lý tưởng đó. Vì vậy nếu đức Phật cuối cùng không tuyên bố sự thật rằng:
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành thành phật giống như Ngài không khác, thì mục đích của Ngài cũng không đạt được, và sứ mệnh của Ngài trên thế gian nầy không trọn vẹn.
Nhưng đức Phật phải đợi đến những ngày cuối mới nói ra chân lý nầy, vì đây là chân lý khó hiểu, khó tin, vì phải trãi qua không biết bao nhiêu ngàn năm loài người đã chìm đắm quá sâu trong vực thẳm phân biệt:
- Đây là ta, đây là giai cấp của ta, đây là tôn giáo của ta ...
Lời tuyên bố của Ðức Phật khó tin là vì trãi qua bao nhiên ngàn năm con người không dám ngước mặt nhìn lên, vì thượng đế, và thần linh đã vây kín họ. Cộng thêm không biết bao nhiêu lề luật xã hội đã giam hãm họ, bịt mắt họ. Họ chưa từng có cơ hội để trở về với chính bản thân mình. Và khó hiểu không phải vì lời tuyên bố quá bí ẩn, quá thần thánh, nhưng khó hiểu vì nó quá đơn giản, con người trãi qua không biết bao nhiêu kiếp sống chỉ biết chồng chất, xây dựng, vẻ vời, tạo ra không biết bao nhiêu là thành trì để tự nhốt mình, tự bảo vệ tham ái của mình. Con người chưa có một lần buôn bỏ trọn vẹn để được thấy mình, thấy được người, thấy được thế giới.
Chúng ta chỉ có thể thấy được thế giới, ngay lúc đó chúng ta thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Và sẽ thấy rằng chỉ có một con đường cho người Phật Tử và mười phương chư Phật đang đi đó là:
- Chúng ta và tất cả chúng sanh cùng đạt sự giác ngộ, cùng lúc giải thoát mọi khổ đau.
    Như thế Đức Thế Tôn xuất hiện trong đời là một sự kiện vô cùng trọng đại, quí báu và hy hữu đối với nhân loại và muôn loài chúng sanh. Kinh văn từng ghi về sự kiện ấy như sau:
- Một Chúng Sanh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.
Về sự có mặt của Đức Phật trên cõi đời nầy đã có rất nhiều cách nhìn khác nhau về Ngài. Có người nhìn đức Phật như một vị thần linh có thể cầu xin để được ban phước giáng họa. Lối nhìn này thường được xem là thần linh hóa đức Phật, và những người đi chùa lễ Phật để cầu xin ban phước tiêu họa, thì được xem như là những người chỉ mới đến được cổng ngoài của đạo. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, phần tín ngưỡng bao giờ cũng là phần quan trọng thiết yếu trong đời sống tinh thần của con người.
Trước một vũ trụ bao la, trước biển cả mênh mông, trước thiên tai cuồng phong dữ dội, trước định luật vô thường khắt khe nghiêm ngặt, và đặt biệt trước lòng tham sân si vô bờ và ác tâm vô cùng của nhân loại, con người dù tự chủ bao nhiêu, dù hùng mạnh đến đâu, đôi lúc vẫn cảm thấy rất nhỏ bé trước những thế lực hung tàn đó. Lấy ví dụ một người mẹ bỗng nghe con mình bị sóng thần kéo đi, người Mẹ đó trước hết là một ý nguyện mong cầu bình an cho con mình. Hoặc một người nào đó đang bị bịnh ung thư, và các y bác sĩ và các bệnh viện đã bó tay, người đó và thân nhân bạn bè của người đó có thể làm một việc duy nhất đó là cầu nguyện. Một thiền sư vừa hay tin một cơn động đất vừa mới tàn phá nhà cửa, và cướp đi sinh mạng của nhiều người, và để lại nhiều hậu quả tang thương, vị ấy trước nhất cũng là khởi một tâm niệm nguyện cầu cho các nạn nhân bị thiên tai. Vì vậy mà phần cầu nguyện và tín ngưỡng bao giờ cũng chiếm phần trọng yếu trong đời sống thường nhật của con người. Tuy nhiên phần tín ngưỡng chỉ mới là phần vỏ của Phật Giáo. Phật Giáo như một kho tàng vô tận, mà càng đi sâu chúng ta càng khám phá ra nhiều báu vật vô giá. Đây chính là điểm mà người Tây phương rất thích ở Phật Giáo. Vì Phật Giáo còn có phần bên trong, phần cốt lõi thâm sâu hơn, uyên áo hơn, và đức Phật ở đây không còn được nhìn như là một vị thần linh, mà là một con người bình thường như bao nhiêu con ngời khác, nhưng lại rất vĩ đại và cao cả. Là một bậc Thầy của những bậc Thầy trong thiên hạ. Nghĩa là, từ một con người bình thường nhưng với tình thương cao cả, với đức Từ bi vô lượng, với Trí tuệ sâu sắc, Đức Phật đã chuyển đổi được tham sân si thành tình thương vô lượng, trở thành động lực mạnh mẽ để lên đường tìm một hướng đi cao đẹp cho nhân loại. Chuyển tham dục thành tình thương lớn, chuyển sân hận thành Bồ đề tâm, và nhiệt huyết phụng sự hóa độ chúng sanh. Chuyển si mê thành trí tuệ vô ngã và giải thoát. Cái khả năng chuyển đổi hay khả tính thành Phật vĩ đại và cao cả đó mọi người đều có, chỉ vì con người còn mê nên chưa biểu hiện mà thôi! Đây là một nét đặc thù tiêu biểu nhất của Phật Giáo mà chúng ta có thể giới thiệu cho các bạn hữu Tây phương, những người đã có một nền tảng tín ngưỡng thần quyền vững chắc, nhưng vẫn rất thích Đạo Phật, vì Đạo Phật dạy bình đẳng tuyệt đối qua khả tính thành Phật nơi mỗi chúng sanh. Đó là lý do tạo sao Đức Phật ra đời, và đã gởi thông điệp đến cho nhân loại tỉnh thức:
- Ai cũng có tâm Phật và ai cũng có thể thành Phật!
Dù chúng ta đang ở thân phận nào, hay trong một vị trí xã hội thấp hèn nào, chúng ta cũng có thể vươn lên để được thành Phật và đạt hạnh phúc tối thượng như Phật không khác. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử các tôn giáo chúng ta có thể tìm thấy tính bình đẳng tuyệt đối này như trong Phật Giáo:
- Đệ tử của Phật có thể thành Phật. Một người đệ tử có thể đạt được vị trí cao nhất ngang bằng vị trí tối tôn của đấng Giáo chủ.
Là Phật tử theo truyền thống Đại thừa, chúng ta ai cũng biết, và ai cũng đã từng đọc Bát Nhã Tâm kinh. Chúng ta biết rằng chính đức Bồ Tát Quán Thế Âm cũng nhờ quán chiếu chính thân năm uẩn để thấy tự tánh nó là không, do đó mà chứng đạt Niết bàn tối thượng, vượt qua được tất cả khổ ách. Vậy phải chăng cũng chính trong thân tâm này mà chúng ta khởi hành tu tập, chính trong thân tâm này chúng ta tìm ra con đường và phương hướng tu tập, cũng chính trong thân tâm này mà chúng ta đạt được an lạc hạnh phúc, đạt được các thánh quả, và chính trong thân tâm này mà chúng ta cũng tìm thấy Phật, qua thông điệp:
- Tất cả chúng sanh ai cũng có Phật Tánh.
Khi chúng ta biết được trong tâm có Phật, chúng ta sẽ thôi tìm kiếm ở bên ngoài. Chỉ cần thôi tìm kiếm thì đã có an rồi, có vui rồi! Con người sở dĩ phải đau khổ vì luôn luôn thấy mình thiếu thốn, thấy mình cần phải bôn ba tìm cầu cái này cái nọ. Chỉ cần nhận thức được trong mình đã có Phật rồi, đã có của báu rồi, thì cũng đã đỡ khổ rất nhiều. Đỡ khổ vì không phải chạy chọt, không phải vất vả tìm cầu, không phải lao đao bận rộn, không phải lo lắng bồn chồn vì sợ mình thiếu hay mình không có Phật Tánh. Hạnh phúc chỉ thật sự có đối với ai biết dừng lại mà không thật sự có đối với ai luôn mong ngóng tìm cầu, và trong một ý nghĩa thâm sâu nhất, ngay cả sự mong ngóng tìm cầu quả vị Phật cũng là một trở ngại cho hạnh phúc đích thực!
Chỉ cần trở về bình thản nhìn lại nội tâm mình chúng ta sẽ lập tức có được thanh thản và an nhiên. Thanh thản và an nhiên khi nhìn thấy dòng sông tâm thức của chúng ta có những đợt sóng lao xao nhấp nhô của hờn giận, của lo lắng, của sợ hải, của buồn phiền, của bất an .. v.. v ... Nhưng chúng cứ đến rồi đi mà không có một bản chất cố định chắc chắn nào hết. Đây là ý nghĩa đơn giản và sâu lắng nhất về vô ngã:
- Xuyên qua nhiêu kiếp luân hồi, ta đã miên man đi mãi
          Ta đã tìm mãi mà không gặp, ta đi tìm người thợ xây cất căn nhà nầy.
          Lặp đi lặp lại sự xây cất trong sanh tử muộn phiền.
          Nầy hởi gã thợ làm nhà, ta đã tìm được ngươi.
          Từ đây ngươi không còn cất nhà nhốt ta nữa.
          Tất cả sườn vách đều gãy, toàn bộ công trình của ngươi đã bị phá tan.
          Như Lai đã chứng quả Vô Sanh Bất Diệt bằng cách diệt tận mọi ái dục vô minh ...
 Chúng ta luôn luôn lo sợ, băn khoăn, buồn phiền vì những cái không chắc thật đó! Chính vì không nhận thức được trong ta có một vị Phật rất tự tại, rất sáng suốt, rất thanh thản, rất vững chãi, rất vui tươi, cho nên chúng ta mới mong ngóng tìm cầu những cái không chắc thật bên ngoài, và vì bản chất của chúng là không chắc thật, nên chắc chắn chúng đã và sẽ tạo cho chúng ta không biết bao nhiêu là phiền não khổ đau.
Ngày xưa, sau khi đại ngộ, đức Bổn Sư Thế Tôn cũng đã từng nhận định trong kinh Thánh Cầu:
- Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; và chứng được chúng. Tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn.
Mỗi chúng ta cũng tự mình làm mình đau khổ vì chỉ chạy theo, tìm cầu, rồi chấp cho là thật những cái bị sanh, bị già, bị chết, không chắc thật ở bên ngoài và ngay ở bên trong thân tâm chúng ta.ÕChúng ta đâu biết rằng trong thân tâm chúng ta vẫn có cái không sanh, không già, không chết, không tạo thành, không hữu vi. Cái đó kinh Phật thường gọi là Chân Tâm, là Phật Tánh, là Bản Lai Diện Mục.
Nói tóm lại, hình ảnh Đức Thế Tôn ra đời dưới gốc cây Vô Ưu, là hình ảnh rất đẹp và sống động đã nói lên tinh thần vì yêu thương chúng sanh vạn loại vô cùng vô tận, cho nên Ngài mới đến cõi đời trần tục nầy. Ba thông điệp chính là ba bức thơ tuyên chiến với các thế lực vô minh, tham vọng si mê. Là điểm gợi nhắc nhân loại hãy nên thức tỉnh, hãy tôn trọng môi trường sống của mình và giảm thiểu tối đa những cuồng si tham vọng. Hãy trở về với bản tánh chân tâm, hãy cùng nhau làm cho không gian sống của chúng ta ngày càng nhẹ nhàng tươi mát thêm. Ngày nay tuy hình ảnh Đức Phật không còn hiện hữu trên thế gian nầy, nhưng lời dạy của ngài vẫn còn vang vọng đâu đây. Người nào càng ý thức được nguyên do ra đời của Đức Phật, thì người đó càng gần với đạo, càng an vui hạnh phúc trong nếp sống đạo. Người nào càng tôn trọng mọi người và mọi loài kể cả môi trường và cỏ cây thì người đó càng hiểu sâu hơn về ý nghĩa Phật thân biểu hiện khắp nơi, và pháp giới tính bình đẳng duyên khởi của Đạo Phật cũng bàn bạc khắp nơi. Do đó sẽ sống hạnh phúc, an lạc và hài hòa hơn với mọi người và với muôn loài càng tô đậm thêm hơn. Khi nhân loại sống an vui như thế thì dầu cho Đức Phật có Đản Sanh, hay vào Niết Bàn, nhưng ba thông điệp của Ngài trao truyền đến cho nhân thế vẫn mãi mãi là ngọn hải đăng chiếu sáng trong đêm dài tăm tối của vô minh tham vọng tự bây giờ và vẫn còn tồn tại mãi mãi cho đến tận ngàn sau.
--o0o--