TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tam Bảo Phước Điền
Thông Trí
---o0o---
 
Chúng ta thường thấy trong các chùa đều có thùng Tam Bảo Phước Điền. Có nơi thì gọi là thùng phước sương. Tuy nhiên chữ phước sương hay phước điền tuy có khác, nhưng hàm ý đều giống nhau.
Chữ Sương, chỉ cho hạt sương rơi. Ở Hoa Kỳ một xã hội công nghệ, văn minh tiên tiến, ít khi chúng ta lưu ý đến sương rơi, nhưng ở Việt Nam nhất là miền quê chúng ta trông thấy rất rõ ràng. Vào những buổi sáng sớm, khí trời êm ả vào mùa hè, không mưa chúng ta thấy có những hạt nước long lanh trên đầu cây ngọn cỏ. Có khi ở phía trước hoặc sau những mái nhà tranh hoặc tôn chúng ta thấy những hạt sương rơi tạo thành những chấm nhỏ dưới, đó là dấu tích những hạt sương rơi trên đất.
Chữ điền, trong tiếng Hán, chữ điền nghĩa là ruộng đất. Như trong những thửa ruộng chúng cũng thấy người nông dân đắp bờ thành những ô nhỏ để dễ kiểm soát nước non, cho nên chữ điền có hình vuông. Chữ điền đơn giản, dễ viết, dễ hiểu bằng phẳng là thế, nhưng lại chứa trong lòng một ý nghĩa rất sâu sắc:
- Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Nhị vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành giang.
Nghĩa là:
- Mặt trời hai bóng bằng đầu
Bốn núi nghiêng ngã tựa nhau sinh tồn
Hai vua giành một giang sơn
Bốn miệng ngang dọc thành nên chữ điền. 
Điền là ruộng, là đất có tính chất dung nạp và chuyển hóa. Khi mà hai mặt trời chung sức đồng lòng, núi non giao tiếp nhau, hai ông vua không còn nhân ngã, bốn cái miệng nhỏ hợp thành một miệng to, mười người như một, cùng nhau chung sức chung lòng, thì lúc đó là:
- Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Nghĩa là;
- Một tiếng hô, hàng vạn triệu lòng người hưởng ứng.
Một dự án đề xuất ra, ai cũng chung lưng đấu cật cho đến khi thành tựu.
Đó là ý nghĩa chữ điền.
Ngược lại, nếu trong cái mảnh đất nhỏ bé đó, hai mặt trời bằng mặt không bằng lòng, bốn ngọn núi cao chót vót chẳng ai nhường ai, hai ông vua giành nhau một khoản giang sơn, bốn cái miệng không biết khẩu hòa tung hoành ngang dọc thì trời long đất lở, không có ngày bình an.
Song song với ruộng đất, người Việt thường bảo con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng trước khi lạc nghiệp người ta phải an cư. Ở thôn quê, muốn ăn chắc mặc bền người nông dân phải có mảnh ruộng, miếng vườn để trồng trọt. Ở phố xá người dân thành thị phải có cái nhà mới an tâm làm việc. Đất đai không phải là biểu tượng của sự thành đạt mà là biểu tượng của sự bền vững ổn định. Vì thế để có được một mảnh đất màu mỡ người nông dân phải một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẩm. Đối với người phật tử cũng thế, để có được một nơi an ổn tu học trong tình thương rộng lớn Phật Pháp, người phật tử phải đổ không biết bao nhiêu tâm huyết, để cùng với chư tăng ni xây dựng đạo tràng nơi chúng ta tu học.
Như vậy chữ Phước Sương, là muốn nói đến những tu tập của chúng ta phải bòn mót những thiện nghiệp nhỏ nhặc như những hạt sương rơi. 
Chữ Phước Điền là muốn nói đến những công hạnh tu tập, làm những việc thiện của chúng ta như gieo nhân vào ruộng phước. Quả thật, công việc của người học đạo so với người nông dân có nhiều điểm tương đồng. Người nông dân gieo hạt bón phân tưới nước để có một mùa lúa chín vàng đồng. Người học đạo cũng phải gieo trồng, vun bồi những hạt giống trên mảnh đất phước điền. Người học đạo phải biết tưới tẩm hạt giống ấy bằng những phương cách hành trì như:
- Tung kinh, niệm Phật, thiền tọa kinh hành ..
Hoặc phải bồ dưỡng:
- Những câu chuyện đạo lý, những bài pháp hữu ích.
Người học đạo phải hiểu những hạt giống ấy cần gì, muốn gì, có sâu loại gì, và khắc phục ra sao? Những thiện duyên nào người học đạo phải nâng niu, những chiếc lá sâu, sầu úa nào người phật tử cần phải vặt bỏ. Nếu không khéo thì không những chỉ làm hỏng những hạt giống tốt mà còn làm băng hoại thêm môi trường tu học không sao nói hết. Cho nên là người học đạo phải biết tự mình giữ gìn cho thân thể khỏe mạnh, đạo tâm vững vàng, trí tuệ thăng hoa để tự giúp đỡ chính mình và người khác trên đường tu học.
Còn từ ngữ ghép Tam Bảo là muốn nói đến: Phật, Pháp và Tăng.
Như vậy cụm từ Tam Bảo Phước Điền là muốn nói Tam Bảo là ruộng phước màu mở nhất, và khi đã gieo nhân lành vào ruộng phước Tam Bảo thì chắc chắn sẽ có cây lành mọc lên, và hoa tươi sẽ xuất hiện, trái ngọt chúng ta sẽ gặp hái là điều không nghi ngờ gì cả.
Người có hiểu đạo tất nhiên biết oai lực của phước điền. Người biết tu tạo phước điền là người đang làm một cuộc chuyển hóa, chuyển rác thành hoa chuyển, chuyển hôi thối thành quả ngọt. Hạnh của phước điền là hạnh từ bi dung chứa, dung dị được những điều khó dung trong thiên hạ.
Trong chiều hướng nầy chúng ta hiểu, người nhận sự bố thí gọi là điền. Người bố thí thì gọi là tu tạo phước điền. Thông thường chúng ta chỉ để ý đến người nhận và người bố thí theo quan niệm của thế gian, cho nên chúng ta chỉ cho rằng người nhận của cho là người đáng tội nghiệp, là người cần đến mình, người cầu xin mình, người quỳ lụy mình. Và do đó người ấy sẽ phải sợ mình, và mình sẽ có uy lực đối với người ấy v.v.. Tuy nhiên đối với Phật Pháp không nhìn giản dị như vậy. Việc bố thí cúng dường gieo duyên gọi là Tam Bảo Phước Điền, tương tự như việc trồng trọt của nhà nông:
- Tâm tốt không tham và hành động bố thí giống như hành động gieo hạt.
- Tài vật bố thí ví như hạt giống,
- Và người nhận thí ví như đất ruộng.
Dù chúng ta có tâm tốt đến đâu, và dù các tài vật chúng ta cho ra rất là tốt đẹp quý giá vô cùng, nhưng nếu không có người nhận của bố thí, thì chúng ta cũng sẽ không thành tựu được công việc bố thí, tức không có được công đức bố thí và quả báo bố thí. Người đời không tin nhân quả, nên bao giờ cũng cảm thấy người bố thí là người ra ân và phải chịu hy sinh thiệt thòi về của cải tài sản, còn kẻ nhận thí kia là người vô dụng thấp hèn. Quả thật những người ăn xin là những người vô dụng đáng thương xót, tuy nhiên đối với một người hiểu biết về luật nhân quả mà muốn có được một kết quả thật tốt đẹp cho mình trong tương lai, thì người ấy biết là cần phải gieo nhân công đức bố thí. Mà muốn thực hành được công đức bố thí, thì không thể nào thiếu người nhận của bố thí được. Quả thật, người ăn xin là hàng thấp nhất trong xã hội, hạng người mà mọi người khác đều dẫm lên ở bên trên, song đó lại là nơi để gieo hạt giống công đức, cũng như mặt đất là thấp nhất và bị mọi loài chà đạp bên trên, nhưng mà đó là nơi để chúng ta gieo giống trồng trọt mà thu gặt kết quả. Thế nên trong Ðạo, người nhận sự bố thí được gọi là điền, có nghĩa là ruộng đất, đó là nói theo quan niệm thế gian.
Theo quan niệm Phật Giáo điền không phải chỉ là những người nghèo khổ, đói kém, thất học hay là những kẻ bạc phước, vô phước, mà ngay trong điền này lại có đủ cả những người có ân với mình, những người có công đức hơn hẳn mình. Cho nên gieo nhân vào ruộng phước, là cách tốt đẹp nhất chúng ta có thể tìm đến và thân cận với những người có công đức vô lượng vô biên. Thế nên phước điền mới chia ra làm bốn loại:
- Hiến tặng các loài hữu tình gọi là thú điền.
- Hiến tặng cho các người cô cùng nghèo khổ bệnh hoạn gọi là khổ điền.
- Hiến tặng các bậc có ân với mình như cha mẹ, thầy dạy.. gọi là ân điền.
- Và hiến tặng các bậc thánh gọi là đức điền hay phước điền.
Tam Bảo Phước Điền thuộc về loại thứ tư. Như vậy khi chúng ta bố thí với tâm rất hoàn hảo và với phẩm vật rất tốt đẹp, nhưng tùy theo chúng ta bố thí cho loài vật, loài người, hay loài trời, hay chư Tăng, chư Phật .. v. v .. Cũng là hiến tặng như nhau, nhưng đối với chư tăng, loài trời, hay chư Phật thì gọi là cúng. Do vì cho hay cúng có khác nhau mà công đức thành sai khác nhau để đưa đến các phước báo cũng theo đó mà thành sai khác. Tương tự như trồng cây, nếu cây được trồng trên mảnh đất khô cằn, tốt ít phân bón, hay tốt hơi nhiều phân thì cây cũng theo đó mà lớn, và cho hoa trái ít hơn. Nhưng nếu cây được trồng trên mảnh đất đai mầu mỡ thì cây to lớn quả tốt tươi và to lớn. Khi mà ruộng tốt tươi, tức người nhận của bố thí là các bậc ân nhân hay chư thánh đầy công đức của Ðạo, thì công đức bố thí sẽ trở nên hoàn toàn to lớn và viên mãn.
Do đó ruộng phước hay người nhận của bố thí đặc biệt hết sức quan trọng, nhất là trong truyền thống Phật Giáo. Ðức Phật chọn cách sống thấp nhất tức là ăn xin hay gọi theo Ðạo là khất thực để mà sống. Trong giáo lý Phật Giáo cho đó là một cách sống chân chính của một người hành Ðạo, cũng như của một bậc thánh. Bởi vì một người hành Ðạo không dính vào cuộc sống này bằng bất cứ hình thức nghề nghiệp nào, người đó sinh sống bằng của bố thí, và người đó phải trở thành một thứ ruộng phước cho thế gian. Điều nầy khác với các người ăn xin khác, vì người ăn xin khác chỉ xin ăn để sống cho qua ngày, chỉ để duy trì một cuộc sống khốn khổ thấp hèn không mục đích, như một sự dư thừa vô dụng trong xã hội, do đó họ chỉ là khổ điền của thế gian mà thôi. Trong khi các đệ tử đức Phật xin ăn không phải để sống cho qua ngày, mà để dành trọn cuộc đời theo đuổi chân lý và thực hành nếp sống Ðạo, với một lý tưởng cao thượng là thanh tịnh tâm thức, và giải thoát khỏi mọi chìm đắm của luân hồi cho tự thân và chúng sanh vạn loại. Với một cách sống như vậy, người ấy vừa làm lợi cho mọi người ở chỗ lấy chính đời sống mình ra để làm chỗ cho mọi người tạo công đức bố thí, và đồng thời làm lợi cho chính mình ở chỗ, dùng đời sống khất thực ấy mà xả ly tất cả mọi dính líu, để thích ứng cho con đường tiến tới giải thoát hoàn toàn. Do đó mà họ trở thành phước điền của thế gian này.
Như thế khi Ðức Phật thành lập nên Tam Bảo, mục tiêu của Ngài là tạo lập nên phước điền cho thế gian này, tức là:
- Ngài đem chính sự giác ngộ của Ngài ra lập thành Phật Bảo.
- Ngài tuyên thuyết lên con đường Ðạo đi đến giải thoát, và con đường Ðạo điÕ đến giác ngộ, lập thành Pháp Bảo.
- Và Ngài thâu nhận đệ tử và hướng dẫn họ nhất trí đi theo hai con đường Ðạo kể trên, lập thành Tăng Bảo.
Ngài lại đem cả ba bảo ấy đặt vào trong lòng thế gian qua cách sống thấp nhất trong xã hội là khất thực, và bằng cách ấy ngài giao sự tồn tại và bền lâu của Tam Bảo tùy thuộc vào sự tùy hỉ bố thí cúng dường của mọi người, nhờ vậy mà Tam Bảo trở thành phước điền tối thượng. Cũng chính vì thế nên sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, xá lợi của Ngài và tháp thờ xá lợi ấy, cũng như tháp thờ Pháp Bảo được thay thế cho Ngài, và cho Pháp Bảo trong vai trò làm phước điền cho thế gian. Rồi lại càng về sau này, các chốn già lam, chùa chiền, tháp tự, là các nơi để thờ phụng Phật Bảo, để bảo trì Pháp Bảo, và là nơi tập trung và trú ngụ của Tăng Bảo. Thế nên một ngôi chùa, một tự viện, đã dần dà đủ yếu tố để trở thành những trung tâm thờ phụng Tam Bảo, và trở thành phước điền chính yếu của thế gian.
Công đức bố thí, nói cách khác là công đức cúng dường, từ đó được tập trung vào các ngôi chùa mà bây giờ được coi như chỗ của Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Người Phật tử tạo công đức không phải chỉ bằng cách cúng dường ủng hộ, duy trì ngôi chùa mà thôi, mà chính yếu còn là xây dựng và tạo lập các ngôi Tam Bảo ấy khắp mọi nơi nữa.
Tuy là mục đích và ý nghĩa rất rõ ràng, nhưng cho đến ngày nay lại có nhiều ngộ nhận và lẫn lộn về vấn đề công đức này, để rồi công đức bị coi là hữu lậu, bị lơ là và đôi khi đến mức độ như coi thường, cho đó là tham lam và không giải thoát ... Ðiều chính yếu vẫn là do chúng ta không phân biệt được rõ ràng đâu là công đức của Ðạo và đâu là phước đức của thế gian, và gốc gác sâu xa thì chính là ở chỗ chúng ta hoàn toàn mù mờ và không sao phân rõ được thế nào là Ðại thừa, thế nào là Thanh Văn thừa và thế nào là Nhân Thiên thừa! Vì thế nhân đây xin nói thêm về sự khác biệt giữa công đức và phước điền.
Theo truyền thuyết của Thiền Tông thì lần đầu tiên Vua Lương Vũ Ðế tiếp kiến Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, nhà vua hỏi về công đức xây chùa tạo tượng, cúng dường độ tăng, mà nhà vua thường làm:
- Bạch Hòa Thượng! Con cả đời dựng tháp, xây chùa, in Kinh ấn sách, tiếp tăng độ chúng, vậy con có bao nhiêu công đứcÕ?
Tổ trả lời là:
- Không có công đức gì hết.
Tại vì những việc làm của nhà Vua tuy lợi lạc cho giáo đoàn, cho quần sanh, nhưng mà đó chỉ là các công đức hữu lậu, triêu cảm các phước báo nhân thiên trong luân hồi mà thôi cho nên Tổ Bồ ĐỀ Đạt Ma mới trả lời như vậy. Ðến khi vua quay sang hỏi về chân lý cứu cánh gọi là thánh đế đệ nhất nghĩaÕ:
- Đường lối con tu tập hiện nay có cung kính thánh hiền, có đưa đến giải thoát không?
Tổ trả lời là:
- Trống rỗng chẳng có thánh gì hết.
Và Vua hỏi thêm:
- Vậy thì đứng trước trẫm là ai vậy?
Ý của Vua hỏi như thế muốn nói là:
- Nếu không có thánh, vậy thì ngài là ai? Không phải ngài là bậc thánh đó hay sao? Vậy tại sao lại nói là không có thánh? Trong khi đó Tổ trả lời là:
- Không biết!
Mẫu chuyện đối thoại giữa Vua Lương Võ Đế và Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến đây bế tắc. Thiền tông cho rằng đến đó, thì vua Lương Vũ Ðế không còn biết vin vào đâu để mà lãnh hội được ý chỉ của Tổ nữa. Vì thế cho nên Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong buổi chiều hôm đó rời bỏ hoàng cung, vượt sông Giang Tử đi về phái Bắc, lên Chùa Thiếu Lâm trên núi  Thiếu Thất ngồi nhập định suốt chín năm liền...
Câu chuyện thiền đưa lại cho chúng ta một cảm tưởng là vua Lương Vũ Ðế tuy là một vị Vua rất thuần thành, tạo rất nhiều công đức đối với Tam Bảo và am hiểu rất sâu xa về Phật Pháp, song chỉ là thế gian đạo mà thôi. Và tất cả mọi hoạt động Ðạo hay mọi Công Ðức ấy của vua đều không đưa đến giác ngộ, đều không làm cho vua nhập Ðạo chân chính được.
Song với quan điểm của Ðại Thừa Phật Giáo về Công Ðức tương quan tương duyên mà chúng ta đã bàn ở trên, thì cho dù câu chuyện ấy là có thật đi nữa, thì chưa chắc là vua Lương Vũ Ðế đã không hiểu gì về lập trường của Tổ Ðạt Ma, mà chỉ vì là hai chí hướng khác nhau mà thôi. Cả hai đều là hai đại Bồ Tát, song Tổ Bồ Ðề thì muốn truyền đạt tâm Ðạo một cách trực tiếp và muốn cho mọi người trực nhận ra được Ðạo ngay nơi bản tâm vô minh và phiền não của cá nhân mình:
          - Bất lập văn tự
          Giáo ngoại biệt truyền
          Trực chỉ nhân tâm
          Kiến tánh thành Phật
          Nghĩa là:
          - Không dùng văn tự
          Không truyền theo lề lối bên ngoài
          Chỉ thẳng vào tâm hành giả
          Để cho thấy tánh thành Phật.
Trong khi đó vua Lương Vũ Ðế thì thấy Ðạo nằm ngay trong cuộc sống này qua các công đức xây dựng chùa chiền, và ủng hộ Tam Bảo vững chắc ở giữa thế gian tối mù và đầy nguy hiểm này. Từ bi của Tổ Bồ Ðề là ở chỗ nhẫn nại chín năm ròng chỉ để truyền lại cho một người đó là Nhị Tổ Huệ Khả pháp môn đốn ngộ mà lợi ích chúng sinh, trong khi từ bi của vua Lương Vũ Ðế là ra công xây dựng ngôi Tam Bảo, ấn hành kinh điển, để cho chúng sinh có nơi nương tựa, và được cứu độ theo đúng trình độ căn tính của mình. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma muốn ích lợi cho một số người có căn tính đặc biệt ngoại lệ, trong khi vua Lương Vũ Ðế là làm lợi ích cho đại đa số quần chúng. Tổ Bồ Ðề truyền đạo qua tâm và qua cá nhân, vua Lương Vũ Ðế truyền đạo không phải chỉ qua tâm mà còn qua tất cả các vật vô tình như gạch ngói gỗ đá được biến thành chùa chiền thờ phượng ngôi Tam Bảo, và bùn đất được biến thành tượng Phật cho mọi người có nơi nương tựa và có phước điền để mà đảnh lễ cúng dường tạo công đức. Tổ Bồ Ðề lọc lựa căn cơ đặc biệt mà truyền Ðạo, vua Lương Vũ Ðế phổ tế mọi căn cơ. Nói về sự bí ẩn khó mà hiểu thấu nổi của Ðạo, thì tổ Bồ Ðề nổi bật hơn hẳn. Nhưng nói về công đức và phương tiện đại bi vì tất cả mọi chúng sinh, vì muốn đưa mọi chúng sanh vào Ðạo, thì vua Lương Vũ Ðế rõ rệt hơn hết.
Do đó, có thể là vua Lương Vũ Ðế đã hiểu rõ được ý chỉ của Tổ, nhưng vì hạnh nguyện của Vua không đi theo hướng đó, mà là phát triển theo khuynh hướng của đại thừa. Như Bồ Tát sau khi chứng đắc không đi thẳng vào Niết Bàn ngay, mà phải trải qua ba vô số kiếp hoằng dương chánh pháp, làm ích lợi cho không biết bao chúng sinh, cho chính chúng ta được vẹn toàn, rồi mới tính chuyện vào Niết Bàn. Nếu chúng ta không chê chư vị Bồ Tát là đã không vào Niết Bàn ngay mà cứ vì chúng ta mà nấn ná mãi trong cõi hữu lậu này, trái lại chúng ta còn phải vô vàn tri ân và hết lòng cảm phục công đức và dũng lực phi phàm của các Ngài, thì chúng ta cũng đừng nên vội vàng coi nhẹ Vua Lương Vũ Ðế.
Sở dĩ Tam Bảo còn đến ngày nay, tồn tại giữa lòng thế gian với bao nhiêu thế lực của bất tín, của ngoại đạo, của Ma vương, và bao trùm hơn hết là của vô minh, để cho chúng ta biết đến đạo Phật mà được hưởng ân huệ của Tam Bảo. Đó là do Công Ðức của không biết bao nhiêu vị Bồ Tát ra công ra sức hộ pháp, qua các công việc Phật sự như in kinh, tạo tượng, đúc chuông, xây chùa, lập tháp ... Ngồi thiền trong thiền đường hay bảo điện không khó, mà cái khó là tiếp cận với cuộc đời, an ủi những tâm hồn còn đang lạc lõng giữa chợ đời. Ngồi một mình trong rừng núi không khó, mà cái khó là lao mình vào trong chốn trược ác của chúng sinh mà vì họ thiết lập ngôi Tam Bảo. Thành Ðạo một mình trong rừng sâu núi thẳm ngay trong hiện đời không khó bằng trải qua vô biên kiếp giúp cho mọi người có được một nhân duyên tu đạo.
Như vậy, trong chiều hướng kiến tạo công đức, khuyến khích chúng sanh gieo duyên với Tam Bảo Phước Điền, theo Tịnh Độ Tông cũng như các tông phái khác của Phật giáo thì chủ trương lập chùa, bố thí cúng dường, tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa kinh hành ... Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẵng Giác có chép, người tu tập pháp môn niệm Phật nguyện sanh về Tây Phương có ba hạng:
- Một là hạng cao, thường là những người xuất gia làm Sa Môn, chuyên một lòng niệm Phật, tu tập các công đức, nguyện sanh về nước Cực Lạc. Hạng này khi lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng các đại Bồ Tát đích thân đến tiếp rước.
- Hai là hạng trung, là những người tuy không được xuất gia làm Sa Môn, nhưng cũng tu tập được các công đức lớn, giữ gìn trai giới, tạo dựng tháp tượng, cúng dường các thứ vật dụng cho chúng tăng, treo tràn phan thắp đèn, rãi hoa đốt hương cúng dường chư Phật hạng người này khi mạng chung được đức Phật hóa thân đến tiếp đón.
- Ba là hạng thấp, không làm được công đức gì cả, nhưng một lòng niệm Phật Di Đà, không hề sanh lòng nghi ngờ, khi chết trong giấc mộng thấy được Phật, được sanh về cõi Tịnh Độ.
Một lần nữa xin xác định, công đức mà Tông Tịnh Độ đề cập ở đây chủ yếu là hành thiện, bố thí tạo phước điền. Như thế Ðại thừa công đức chủ yếu là hành thiện, bố thí tu tạo phước rất quan trọng. Mục tiêu của Ðại thừa là thành Phật và độ sinh, mà nếu thiếu công đức thì không thể thành Phật được, dù vẫn có thể chứng Thanh Văn hay Duyên Giác quả, nhưng lại không thể cứu độ chúng sinh với vô vàn căn tính, và khuynh hướng sai khác được:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Thế nên, khác hẳn với Thanh Văn thừa, trong phạm vi công đức, Tam Bảo Phước Điền là yếu tố không phải chỉ quan trọng mà là yếu tố tối quan trọng đối với con đường hành đạo của Ðại thừa.
Theo Thanh Văn thời Ðạo là một nỗ lực của tâm cá nhân, và Ðạo thành tựu là thành tựu ngay nơi tâm cá nhân. Trong khi đó với Ðại Thừa, tâm cá nhân và nỗ lực của cá nhân vốn dĩ đã là một nền tảng sai lầm, tức là lấy vô minh chấp ngã là căn bản của tâm cá nhân, và tham ái là động cơ gốc của mọi nỗ lực của tâm cá nhân. Do đó sở dĩ mà cá nhân vào Ðạo được là do đức điền hay phước điền, tức Tam Bảo, chứ không phải do tự lực của tâm cá nhân vô minh mà có được. Nếu chúng ta làm công đức dựa trên các khổ điền hay ân điền thời phước báo của chúng ta chính là con đường trời người phú quý vinh hoa, và không mong gì có Ðạo trong các thứ điền ấy. Nhưng nếu chúng ta làm công đức dựa trên đức điền, như cúng dường, đảnh lễ, xây chùa thờ phụng Tam Bảo, thời tâm làm công đức đó của chúng ta sẽ chuyển thành tâm Ðạo.
Bởi thế Ðại Thừa không thấy Ðạo chỉ là một thành tựu siêu thoát trong tâm của một cá nhân, mà Ðạo chính là cái chân lý bất biến phổ biến khắp tất cả các pháp. Nhờ có chân lý này mà cá nhân mới thành tựu được sự siêu thoát trong tâm mình. Do vậy, cho dù cá nhân, tâm chúng ta có thành Ðạo hay không thành Ðạo, thì Ðạo luôn luôn vẫn có đó không tăng không giảm. Ðể làm thể hiện ra cái Ðạo và cũng là chân lý bản thể của tất cả các pháp trong thế gian, mà không phải chỉ là sự thành tựu nơi tâm một cá nhân, cho nên chúng ta phải có một số hoạt động trong các tương quan tương duyên với nhau, như:
- Bố thí vật này vật nọ cho người này người kia, và thân cận giúp đỡ khi cần, chứ không thể chỉ bằng một hành động tách lìa tất cả để thân trong thiền đường hay trong rừng vắng.
Và hoạt động liên hệ ấy phải tương ưng với chân lý bản thể này, như bố thí theo pháp tam luân không tịch, tức là cả:
- Người hiến tặng
- Tài sản hiến tặng
- Và phước điền đều là Không.
Có vậy thì hoạt động hiến tặng của chúng ta mới làm hiển lộ ra chân lý bản thể, phổ biến khắp tất cả các pháp, từ bản thân cho đến vật hiến tặng, và cho đến người nhận sự hiến tặng. Như thế, mọi tương quan tương duyên, mọi khía cạnh sống của xã hội của thế gian, sẽ theo đó mà bộc lộ ra toàn thân chân thật của chúng, sáng ngời và giải thoát. Tâm giác ngộ của Ðại thừa như thế là một Tâm chân thật, vốn là chân lý sẵn có bàn bạc khắp tất cả các pháp, bao la vô biên vô cùng tận, chứ không phải chỉ là tâm thanh tịnh của cá nhân. Thế nên để thực hành đạo Ðại Thừa này, chúng ta cần phải thực hành các pháp môn trong các sự tương quan tương duyên với tất cả mọi người và tất cả các pháp. Sự thành tựu Ðạo nơi cá nhân, với Ðại thừa cũng chỉ là một phương tiện để giúp cho đạo tương quan tương duyên thêm phần tích cực. Quả thật, như chúng ta thực hành ái ngữ để kéo người ta theo Ðạo, và nếu tâm cá nhân chúng ta thanh tịnh, và giải thoát thì cũng chỉ là để thêm năng lực cho ái ngữ và tăng thêm tin tưởng cho người nghe, chứ không phải để lánh riêng ra mà hưởng riêng sự thanh tịnh và giải thoát đó.
Bồ Tát thành Ðạo cho cá nhân mình là để dành hết vào sự nỗ lực cứu độ vô tận chúng sinh, do đó hoạt động thành đạo cá nhân không phải là mục tiêu chính, mà hoạt động liên hệ cứu độ vô tận chúng sinh mới là mục tiêu chính của Bồ Tát Ðạo. Bởi vì chân lý không bao giờ lại chỉ hạn cuộc nơi cá nhân, mà chân lý đích thực nằm ở chỗ liên hệ tất cả các pháp vào với nhau, chính vì thế mà Ðại Thừa Phật Giáo thường gọi là viên dung vô ngại, hay pháp thân biến mãn, biến chiếu ..v.v...
Hoạt động tương quan tương duyên của Ðạo Phật được gọi là Công Ðức trong Ðại thừa, tức là trong khi Bồ Tát Thừa nói đến hành Ðạo là phải có toàn thể vô tận chúng sinh, vô tận cảnh giới, vô tận pháp môn phải học, vô tận thiện tri thức để phụng sự cúng dường học hỏi, vô lượng thế giới đồng hiện khởi lên. Và hoạt động bộc lộ toàn thể bản chất của chúng ta, từ vô lượng quốc độ chư Phật cho đến mọi nơi vô cùng tận cảnh giới đau khổ của Ðịa ngục ...
Một con đường Ðạo bất khả tư nghì như thế, nhưng với một tâm cá nhân vô minh chấp ngã và tham ái của chúng ta như thế, thì khó thâm nhập vào được. Ðại Thừa Phật Giáo dạy cho chúng ta bố thí cúng dường, nhất là cúng dường Tam Bảo hay còn gọi là Tam Bảo Phước Điền, tức là thực hành Công Ðức. Thực hành công đức tức là thực hành Ðạo trong tương quan tương duyên. Nhờ có tương quan tương duyên mà tâm chúng ta có thể được chuyển biến. Chúng ta nhờ có liên hệ của Công Ðức mà tâm vô minh tham ái của chúng ta trở thành tâm Ðạo. Nhờ có Công Ðức quy y liên hệ với Tam Bảo mà chúng ta trở thành con của Phật, rồi nhờ có Công Ðức cúng dường ủng hộ liên hệ với Tam Bảo Phước Điền, mà chúng ta được thừa hưởng phúc đức Ðạo Pháp của chư Phật để lại cho chúng ta ...
Trong công cuộc kiến tạo công đức của Ðạo như thế, điền tức Tam Bảo, luôn luôn là quan trọng bậc nhất, bởi vì nhờ Tam Bảo Phước Điền mà tâm chúng ta chuyển thành tâm Ðạo. Do đó việc tạo lập chùa chiền để duy trì và củng cố ngôi Tam Bảo, là một Công Ðức siêu việt thù thắng của Ðạo cho mọi người, chứ không phải chỉ là chuyện tốt của thế gian hay chuyện riêng tư của bất cứ ai. Vì vậy các quan điểm cho rằng các loại công đức xuyên qua các công hạnhÕ:
          - Xây chùa, tạc tượng, bố thí, cúng dường ...
Tất cả đều là pháp hữu lậu, là pháp thế gian. Những ai còn lập chùa, đúc tượng, in kinh ấn sách ... Là còn tham đắm chưa giải thoát. Với Ðại Thừa Phật Giáo, cung cách hướng dẫn như thế chỉ là những ngộ nhận đầy tai hại.  
Nói tóm lại, với cái nhìn của Phật Giáo Ðại Thừa, Bồ Tát đã làm cho sự sống của thế gian này trở thành cao cả và linh thiêng. Bồ Tát đã biến cái thế gian mà các nhà Thanh Văn luôn chê bai là ô nhiễm, lao tù, xiềng xích, đọa đày, đau khổ, như mụn nhọt như mũi tên ... và tìm cách xa lánh thế giới này, trở thành con đường Ðạo viên mãn và tối thượng nhất. Vì thế mà Bồ Tát với chân lý, và hạnh nguyện của Ðại Thừa đã biến toàn thể cuộc sống của luân hồi trở thành một Công Ðức chân thật, bất khả tư nghì, tràn đầy Từ Bi và Trí Tuệ. Và Ðại Thừa Phật Giáo  không bao giờ còn thấy các công đức ấy là hữu lậu, là tham đắm thế gian như một số người vẫn tự hào là mình theo đúng Ðạo lầm tưởng. Do đó mà việc tạo lập chùa chiền, tạo tượng, in kinh phát hành sách để duy trì và củng cố ngôi Tam Bảo là một Công Ðức siêu việt thù thắng, hay là một loại Tam Bảo Phước Điền của Ðạo cho mọi người, chứ không phải chỉ là chuyện tốt của thế gian, của chư tăng ni, hay chuyện riêng tư của bất cứ một ai mà là của tất cả, cho tất cả.
--o0o--