TẬP SAN DƯỢC SƯ

Mỹ Phẩm Tạo Sắc Ðẹp
Nhất Quán
---o0o---
 
Trong cuộc sống khi nói đến nghệ thuật là chúng ta đều liên tưởng hay nghỉ ngay đến vẻ đẹp. Chắc chắn vẻ đẹp thì ai cũng thích. Ngày xưa chỉ có các cô các bà thuộc nữ giới và các nghệ sĩ thường lui tới các thẩm mỹ viện, nhưng những năm gần đầy nghe nói rằng các ông các cậu thanh niên cũng thường lui tới các thẩm mỹ viện. Thật ra ai cũng thích đẹp, và ai cũng thích người ta khen chúng ta đẹp, nên việc đi làm đẹp không có gì gọi là xấu xa, hay trái với đạo lý cả. Tuy nhiên dầu cho bác sĩ thẩm mỹ giỏi đến đâu đi nữa, và có tạo hình tạo dáng cho các cô các bà các ông các cậu đẹp đến đâu đi nữa rồi cũng theo thời gian mà thay biến dạng hay huỷ diệt. Nhưng theo kinh nghiệm đối với những trường hợp phẩu thuật cho thấy, lúc còn trẻ thì nó đẹp bao nhiêu thì đến khi về già nó sẽ trở thành xấu xí kỳ cục bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là không có phương pháp bảo tồn cho sắc đẹp đó dài lâu miên viễn. Phương pháp làm cho con người trở nên trẻ đẹp  trường tồn miên viễn là hãy diệt trừ sân hận, và thay thế vào đó bằng tình thương. Nguyên tắc diệt trừ lòng sân hận và thay thế tình thương chỉ có con đường duy nhất là thực hành năm học giới:
1- Không sát hại và tàn bạo sinh vật (tránh ác) mà phóng sanh cứu mạng(làm lành).
2- Không lấy của không cho (tránh ác) mà cứu khổ (làm lành).
3- Không được có những thèm khát nhục dục hay tà dâm (tránh ác) mà khuyên giữ đạo lý thủy chung (làm lành).
4- Không nói láo, nói chuyện tầm phào, chia rẽ, ác khẩu (tránh ác) mà nói đúng thực tế, nói đoàn kết, ôn hòa, nhã nhặn, có văn hóa (làm lành).
5- Không uống ruợu và xử dụng các chất say tương đương kể cả ma túy, cờ bạc, đàng điếm(tránh ác) mà thận trọng giữ gìn thân thể tráng kiện, tâm trí minh mẫn để khỏi mê mờ vi phạm các giới khác (làm lành).
Đó là năm loại mỹ phẩm làm đẹp cho mỗi con người, cho những ai đã biết xử dụng năm loại mỹ phẩm nầy. Xét ra năm giới trong Phật Giáo không có điều răn nào, bởi vì không có ai ra lệnh cho chúng ta cả. Ðức Phật chỉ khuyên bảo chúng ta, những ai muốn làm đẹp thì tự mình thọ trì năm học giới, chứ không có lệnh nào hay khuyến cáo nào. Chúng ta hoàn toàn tự do. Chúng ta được đối xử như những người lớn chứ không phải con nít.
Theo đúng tinh thần nhân bản thực hành năm giới, sẽ giúp chúng ta hiểu biết điều gì đúng, điều gì sai. Một khi chúng ta được chỉ cho thấy con đường chân chính của mình, nếu có kinh nghiệm chúng ta sẽ giữ gìn chánh đạo mà không sợ bị cưỡng ép bằng bất cứ một đe dọa hình phạt nào. Trong Phật Giáo chúng ta đứng vững trên đôi chân của chính mình, chúng ta thực hành lòng tự tin. Ðức Phật là bậc Ðạo Sư chỉ đường, còn chúng ta là những hành giả đi trên con đường đó.
Con đường hay phương cách, hay các loại mỹ phẩm đưa đến sắc đẹp là hãy mở rộng lòng yêu thương, lòng yêu thương ban cho mọi người sắc đẹp. Lòng yêu thương là mỹ phẩm đắt giá nhất. Sự sân hận đưa đến xấu xí. Xấu xí là vì những cơn giận dữ kinh niên. Một thử nghiệm thực tế để chứng minh điều này. Hãy chọn một người đẹp trai, hay đẹp gái, chúng ta đánh bất ngờ đằng sau lưng anh ta hay cô ta một cú đấm thật mạnh. Lập lập tức gương mặt anh ta, hay chị ta trở nên giận dữ và xấu xí tức khắc. Cùng lúc đó chúng ta thấy sự giận dữ làm anh ta hay chị ta xấu xí, và cơn giận làm thô kệch dị tướng con người.
Sự giận dữ biến sắc đẹp thành xấu xí. Qua thử nghiệm này có điều hơi nguy hiểm, bởi vì nếu chúng ta cố thử nghiệm đối với người khác, thì người khác ấy cũng có thể làm một cuộc thử nghiệm như vậy với chính chúng ta. Vì thế, thay vì tạo một thử nghiệm thực tế, chúng ta có thể thử nghiệm vào chính bản thân mình. Chúng ta hãy thực hành hạnh yêu thương nếu chúng ta muốn được sắc đẹp, bởi vì lòng yêu thương là mỹ phẩm tạo cho con người có sắc đẹp tuyệt hảo nhất.
Trái với tình thương loại mỹ phẩm làm đẹp con người là chiến tranh. Chiến tranh lúc nào cũng có khuynh hướng tàn phá chứ không có xây dựng, và hầu hết chúng ta đều bị suy liệt về mọi mặt. Những con người thích chiến tranh đều có khuynh hướng tiêu phí quá nhiều, thay vì sử dụng tiền của để xây dựng trường học, cơ sở y tế và những viện nghiên cứu trọng yếu, họ lại thích sử dụng đồng tiền để mua vũ khí. Đối với người học đạo, những gì chúng ta phải làm là phải cố gắng cổ vũ lòng yêu thương. Bởi vì nếu chúng ta sinh ra bị xấu xí, cho dù gương mặt ta có khó nhìn thế nào đi nữa, nếu ta rèn luyện lòng yêu thương vô lượng thì lòng đại từ bi này sẽ ban cho ta vẻ duyên dáng thầm kín phát lộ bên ngoài và tỏa ra toàn bộ chân tướng với vẻ duyên dáng nơi khuôn mặt. Cùng lúc, chúng ta có thể gặp một người đẹp trai, hay một cô đẹp gái nhất, vậy mà nhiều khi chúng ta không bị lôi cuốn, bởi vì vẻ đẹp của anh ta hay cô ta có thể bị méo mó, thô kệch do lòng tự phụ kiêu căng về vẻ đẹp của mình. Trong khi đó, chúng ta có thể thấy một người xấu xí nhưng mà tràn đầy lòng yêu thương vô tận, chúng ta thấy anh ta hay cô ta thật hấp dẫn, và lôi cuốn được mọi người. 
Tình thương cũng là chất liệu tạo nên tư cách của con người, mà qua đó một hình ảnh, một tấm gương của thánh Gandhi tại ấn Ðộ cho chúng một khái niệm rất chính xác. Mặc dầu Ngài không đủ duyên để sinh ra có khuôn mặt đẹp như chúng ta mong muốn, nhưng với tinh thần bất bạo động, ông đã cống hiến cho dân tộc Ấn Độ bằng sự thực tập Giáo Pháp của Ðức Phật. Qua sự thực tập nầy, ông đã làm lôi cuốn được dân Ấn Ðộ và những người khác trên thế giới.
Vì lẽ đó chúng ta không nên tin vào những mỹ phẩm hóa trang, lý do là chúng chỉ tạo nên những sắc đẹp giả dối, không phải là vẻ đẹp chân thật. Cuộc đời nầy đã là giả, mà những mỹ phẩm lại càng giả dối hơn nữa, cho nên càng xử dụng mỳ phẩm bên ngoài càng có hại. Quả thật, một hình ảnh của danh ca sĩ Michael Jackson cho chúng một kinh nghiệm hết sức chính xác. Chắc chắn ai cũng biết Michael Jackson là một người da đen, và trước khi anh ta quyết định nhờ dao kéo, và mỹ phẩm can thiệp, anh ta cũng là một con người rất đẹp trai. Nhưng sau khi dao kéo, và mỹ phẩm can thiệp vào, gương mặt anh ta trở nên khó nhìn, nước da trở nên trắng ... Cũng kể từ đó anh ta bắt đầu duy trì cuộc sống của anh ta bằng những thuốc men, mỹ phẩm cho đến ngày anh ta qua đời. Trong khoảng gian cuối đời, chính những mỹ phẩm giả tạo đó làm anh ta đau khổ không ít.
Việc làm đẹp điều đó không có gì trái với giáo lý giải thoát của Đức Phật, nhưng chúng ta không nên làm đẹp với những mỹ phẩm giả tạo. Nếu có muốn làm đẹp, chúng ta chỉ có thể trau dồi sắc đẹp bằng mỹ phẩm do chính Ðức Phật ban tặng. Mỹ phẩm này vô giá nhưng đưa đến sắc đẹp chân thật, miên viễn mà người ta gọi là vẻ duyên dáng ở phương đông nhưng cũng gọi là vẻ quyến rũ ở phương tây.
Một người có sắc đẹp thì luôn luôn lúc nào cũng duyên dáng thông minh lanh lẹ. Chúng ta đã có mỹ phẩm để trang đểm cho sắc đẹp rồi, bây giờ đây chúng ta phải tìm cho được phương pháp nào hoặc con đường giúp chúng ta đạt được tuệ giác thông minh. Theo những kinh nghiệm của chư tôn thiền đức cho hay:
          - Tu tập tụng kinh, niệm Phật, thiền định sẽ đoạn diệt vô minh, vô minh diệt thì minh sẽ sáng tỏa.
Người ta sinh ra ở đời bị ngu dốt là do kiếp trước họ không bao giờ quan tâm đến tri kiến. Họ luôn luôn kết thân với bạn bè thiếu trí tuệ, kể cả ngay lúc bất chợt gặp một vị Thánh Tăng họ cũng không bao giờ nhờ quý Ngài khai thị các nghi vấn của mình. Trong khi đó con người sinh ra được khôn ngoan là nhờ kiếp trước họ luôn luôn tìm cầu tri kiến bằng cách tham học với các bậc Thánh Tăng. Cái gì đúng, cái gì sai, điều gì lầm lỗi, điều gì vô tội, điều gì nên tu tập và điều gì không nên. Hành động nào đưa đến hạnh phúc an lạc, hành động nào đưa đến bất hạnh và đau khổ. Trong sự tìm cầu, chúng ta sẽ thấy rằng bằng cách kiên trì tìm cầu tri kiến, chúng ta sẽ đạt được tuệ giác, thông minh lanh lẹ.
Trong sự tìm cầu tri kiến, khi chúng ta đến diện kiến một nhà Sư, chúng ta không phải đến để nhìn mặt vị đó già hay trẻ, đẹp trai hay xấu trai mà phải nhìn thấy được tâm thức của vị đó. Nhưng cách nhìn tâm người không phải chỉ giữ im lặng để chiêm ngưỡng mà phải hỏi Ðạo, vấn Pháp để tìm ra nguyên nhân của những sự việc nan giải và cần cầu Pháp học để có thể đoạn diệt điều ác, phát sanh trí tuệ.
Vừa rồi quý vị đã biết cách làm đẹp, biết rèn luyện sự thông minh lanh lẹ, thì bây giờ xin được giới thiệu đến đại chúng phương pháp làm giàu. Những ai muốn làm giàu phải nhớ rằng Chân lý là tài sản cao quý nhất. Bởi vì một người có thể giàu sang, nhiều tiền bạc nhưng nếu vị đó kém trí tuệ thì vẫn là kẻ bần cùng thua kém, ngược lại một người có thể nghèo kém tiền của nhưng lại là hàng trí giả, vị đó vẫn là bậc giàu sang được trọng nể. Một con người được coi là đầy đủ phúc duyên phải là con người đẹp, thông minh, và giàu sang quý phái. Hơn thế nữa, cuộc đời được gọi là thành công, giàu sang quý phái nếu tham ái được tận diệt.
Theo lẽ thường của thế gian, thành công hay thất bại, vinh quang hay ô nhục đều được đánh giá bằng sự được hay mất nhân cách của một con người. Hơn thế nữa người đời cho sự thành công là người tạo ra được một triệu đô la, nhưng trong Phật Giáo thì không phải vậy. Nếu vị đó tạo được một triệu đô la mà đánh mất phẩm chất đạo hạnh của mình thì vị đó là người cuồng loạn nhất trên đời. Mặt khác, nếu một người không đạt đươc một triệu đô la mà đạt được phẩm chất đạo hạnh, vị đó mới được đánh giá là người đắc thắng, thành công nhất trong đời. Cho nên giàu sang không phải là sự đo lường bằng của cải đã tích lũy mà là sự kết tập vun bồi đạo hạnh, nhân cách con người. Là người học đạo giải thoát, chúng ta đừng nên bận tâm về tiền tài mà nên quan tâm về đạo hạnh. Bởi vì chính nó là nguồn tâm thức an lạc trợ duyên cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại, và trong những đời kiếp tương lai. Bởi vậy trước khi muốn làm điều gì chúng ta phải tự hỏi lại lòng mình:
- Điều mà ta sắp thực hiện đây sẽ làm tăng hay giảm phẩm chất đạo hạnh?
Nếu câu đáp là có tác hại, làm suy giảm, thì chúng ta nên tránh. Nếu câu trả lời là làm tăng trưởng nhân cách đạo hạnh thì ta cứ dũng cảm tiến hành. Bởi vì chúng ta không có gì phải lo sợ về những hành động làm tăng trưởng phẩm chất đạo hạnh của mình, mà chỉ sợ làm suy giảm phẩm hạnh cao quý vốn có của chúng ta. Chính vì thế mà chư tôn đức thường khuyên nhắc:
- Thành công hay thất bại chỉ được đánh giá bằng toàn bộ phẩm chất đạo hạnh của con người.
Mục đích cnộc sống con người không có gì ngoài sự thăng hoa, phát huy nhân cách, đạo hạnh của mình. Ðừng nghĩ rằng mục đích của đời người là sống thỏa mãn sáu giác quan, mà chủ yếu là thành tựu tài sản tinh thần, có nghĩa là sự phát huy phẩm hạnh cao cả nhất cho đến khi thành công viên mãn mới thôi.
Để làm kim chỉ nam cho việc thực tập, Ðức Phật đã là tấm gương mẫu mực về đạo hạnh siêu thế, phẩm hạnh vô song của Ngài đã tràn dâng, lan tỏa khắp mọi nơi, làm tịnh hóa thế giới từ ngàn xưa và vẫn tiếp tục tịnh hóa thế giới trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Đồng thời còn đi đến đỉnh cao rạng rỡ nhất của con người, và hào quang chân lý soi sáng khắp nhân gian, để từ đó chúng ta được một cơ duyên hy hữu nỗ lực toàn hảo cuộc đời của mình.
Ðức Phật quả là một bậc y sĩ vĩ đại nhất trần gian này, bởi vì Ngài đã khai thị con đường cứu nguy ba chứng bệnh nan giải của chúng sanh là: Tham, Sân, và Si, và Ngài cho ba loại thuốc:
1- Bố thí để diệt trừ tham.
2- Giới hạnh để diệt trừ sân hận.
3- Thiền định để diệt trừ si mê.
Con đường đưa đến sự giàu có là diệt trừ lòng tham bằng cách bố thí. Hãy cho! Vì cho là nhận. Không cho là không nhận. Hành động và phản ứng đều bằng nhau và đối diện:
- Người sinh ra bị nghèo khổ là vì kiếp trước họ quá keo kiệt.
- Người sinh ra được giàu sang là vì trong kiếp trước họ vốn rộng lượng, ưa bố thí.
Thế nên chớ nên ganh tị với người giàu sang, bề thế sự nghiệp, khi vị đó đang lái một chiếc xe hơi lộng lẫy đắt giá. Hãy bố thí, vì khi làm như vậy chúng ta cũng sẽ trở thành giàu có trong tương lai. Mua một vé số sẽ không dễ gì làm cho chúng ta trở nên giàu có. Bố thí là con đường chắc chắn phú quý mai sau. Con người thông thường có tinh thần cờ bạc, vì những con người ấy thích tạo một cơ hội may mắn bất ngờ. Họ tin rằng họ có thể trở nên giàu sang qua một đêm giản dị bằng cách mua một vé số một hay hai đô la. Hoặc giả chỉ cần một canh bạc là họ trở nên giàu. Nhưng rồi họ chỉ gặp toàn sự bực mình vì không bao giờ trúng số cả, hoặc không những toàn thắng mà còn thua thê thảm. Đó là lý do người đời thường nói:
- Cờ bạc là bác thằng bần.
Vì vậy chúng ta không nên tùy thuộc sự giàu có chỉ nhờ mua một vé số, hoặc nhờ một canh bạc. Đó là nói canh bạc, hay vé số của thế gian. Nhưng đảm bảo nhất vẫn là vé số, hay canh bạc do Ðức Phật ban cho, nghĩa là bố thí sẽ được đáp ơn. Cho là nhận. Nên nhớ rằng bố thí giống như trồng một hạt giống trên đất, nếu chúng ta gieo hạt giống tốt trên đất lành cây sẽ lên tươi tốt và trái quả ngọt sum xuê. Nếu hạt giống tốt gặp đất lại không tốt, quả trái sẽ ít hơn. Vì vậy nếu chúng ta bố thí cho người nào không xứng đáng nhận vật bố thí đó dĩ nhiên chúng ta  không thể kỳ vọng một mùa gặt huy hoàng. Nhưng nếu chúng ta thành tâm cúng dường Ðức Phật, chư Bồ Tát chư Thánh Tăng, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng cao quý nhất. Thế nên bố thí khéo thì đương nhiên sẽ gieo trồng được những hạt giống siêu xuất trên mảnh đất phì nhiêu thuận duyên nhất để thu hoạch vụ mùa công đức cao thượng. Ðức Phật là người bố thí trí tuệ, ban cho tri kiến, là người bố thí thật sự nhằm diệt trừ tham ái. Bởi vì dù chúng ta bố thí cho ai đi nữa, dù chúng ta gieo một hạt giống trên đất cát đá, ít nhất hành động bố thí này chính là sự xả bỏ và nhờ bố thí, ban cho như vậy bạn mới tiêu trừ được tham ái. Đó chính là loại mỹ phẩm tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dùng nó để trang trí thân tâm và cho cuộc đời trở nên sáng lạn hơn.
Hãy nhớ rằng chiến tranh, thù hận đều bắt nguồn từ lòng tham. Chính lòng tham vô tận này không thể nào dập tắt được. Càng thu hoạch chúng ta càng muốn thu hoạch thêm. Càng kiếm được tiền, chúng ta càng muốn kiếm tiền thêm. Càng tước đoạt của ai, chúng ta càng muốn tước đoạt thêm. Chúng ta không bao giờ thỏa mãn. Chẳng bao giờ thỏa mãn lòng tham muốn ngự trị, nhưng có một điều có thể mãn nguyện, là chúng ta phải hình thành được chứng nghiệm đối nghịch với sự tham muốn đó là sự từ bỏ.  
Khi chúng ta từ bỏ các vật vô thường dễ tan vỡ trên trần gian này, thì chúng ta sẽ được món quà Niết Bàn thường trụ bất diệt. Nếu tham ái được khắc phục, chúng ta sẽ hưởng được tâm thức an lạc như Ðức Phật đã chứng đạt. Quả thật, khi còn ở hoàng cung, Ngài không thể dập tắt được ngọn lửa tham ái của chính mình, Ngài cũng không thể diệt trừ được những khao khát lạc thú. Chính khi Ngài cương quyết viễn ly, đoạn tuyệt mọi cám dỗ, Ngài mới chấm dứt được tất cả mê vọng. Trong Kinh phân biệt vật cúng dường có đoạn ghi:
- Ở đây này Anan, phước quả đạt được do đem của thí cho một con vật gấp 100 lần công đức, đem cho một thường dân không có đạo hạnh được 1000 lần công đức, đem cúng dường một Thánh Tăng đang tu tập thánh Ðạo thì được vô lượng công đức không thể nghĩ bàn.  Huống gì những cấp bậc tu tập cao hơn thì công đức không thể có lời nào diễn tả nổi. Huống gì là Thánh giả đã tìm ra chân lý như Ðức Phật bậc Giác Ngộ tối thượng lại càng không thể kể hết công đức của người thí chủ cúng dường đó.
Ðiều này ý muốn nói nếu chúng ta đem một ly nước bố thí cho một con vật, chúng ta sẽ nhận lại 100 ly nước về sau. Nếu bạn đem một ly nước bố thí cho một người dân thường, bạn sẽ nhận 1000 ly nước về sau. Nếu bạn đem một ly nước cúng dường cho một vị Thánh hay vị A La Hán thì phần hồi hướng sẽ vô tận. Cho nên đây là một bảo hiểm về mặt tinh thần cao thượng nhất, bởi vì bố thí hay cúng dường một ly nước mà chúng ta có thể nhận lại rất nhiều ly nước. Vì lẽ đó ta nên đầu tư vào cuộc xổ số tinh thần hơn là cuộc xổ số thông thường không mấy hy vọng.
Như vừa rồi, chúng ta đã học được làm thế nào để có một sắc đẹp bằng cách thực hành tấm lòng chan hòa yêu thương, và trở nên khôn khéo bằng sự tinh tấn tìm cầu Chân lý, và trở nên giàu có bằng sự rộng lòng bố thí. Dù sao chúng ta cũng cần nhớ rằng, những điều đó chỉ được coi là tạm chớ không đủ để gọi là biết cách làm đẹp, làm giàu, làm cho khôn ngoan hơn người nếu chúng ta không có toa thuốc và lại không uống theo toa đó. Ðương nhiên thuốc sẽ không có giá trị gì nếu chúng ta chỉ cầm thuốc và ngắm nghía mãi thay vì uống liền.
Chúng ta sống là nhờ thức ăn đưa vào cơ thể mỗi ngày, thế thì trong Phật Giáo món ăn mà chúng ta phải dùng là thực phẩm tâm linh và tinh thần, bởi vì toàn thế giới đang đau khổ vì thiếu thực phẩm tinh thần, đó là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chúng ta phải thường dùng món ăn tinh thần hàng ngày. Là người đã và đang sống trong cuộc đời nầy, chúng ta cũng giống như những cầu thủ trong trận đá banh tâm linh và chúng ta phải học cách nào để đá tung quả bóng Vô Minh để tận hưởng niềm an vui toàn thắng thanh nhàn thảnh thơi. Cho nên nếu có lúc chúng ta dùng thức ăn vật chất trong sạch, thì chúng ta cũng nên dùng món ăn tinh thần tinh khiết. Món ăn đó chính là Kinh, sách Phật, hoặc là thực hành các phương pháp:
- Tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, thiền hành ..
Nếu chúng ta siêng năng tu tập, ham đọc sách Phật, tâm ý bạn sẽ được thuần hóa, minh triết. Trong khi đó nếu chúng ta rong chơi hoặc đọc loại văn chương uế nhiễm thì tâm thức chúng ta sẽ trở nên hôi tanh như đống rác.
Từ khuynh hướng nầy, nếu quý vị yêu thương con em và tín ngưỡng của mình, thì quý vị phải làm sao thấy được con em của mình thông suốt nền giáo dục Phật Học, có vậy tôn giáo của chúng ta mới phát triển, con em của mình mới có một tương lai Phật học sáng chói, bởi vì trẻ em sẽ tránh sát hại súc vật và từ bỏ uống rượu, đam mê các chất say ...
Ở Tây phương người ta nói bắn giết thú vật là một hình thức thể thao và những ai giết giỏi nhiều con vật được gọi là nhà thể thao quán quân. Tuy nhiên theo đạo học Đông Phương, bắn giết không những là một hình thức bạc đãi sinh mạng của muôn loài mà còn thể hiện một hành động vô cùng tàn nhẫn với muôn loài. Vì đối với một người có thể giết những sinh vật để làm thú vui, thì cũng có thể giết mạng người không gớm tay. Vì vậy là phật tử chúng ta nên cho con em mình theo học ở các Chùa. Bởi vì ở Chùa không những là nơi học hỏi kiến thức mà còn là nơi giáo dưỡng về nếp sống đạo đức tâm linh. Tiếp cận với nếp sống đạo vị, con người sẽ trở nên hiền lương. Khi con người hiền lưong thì chân lý sẽ thấm nhuần và phát triển. Tín ngưỡng đạo đức sẽ bế tắc và diệt vong nếu nó không được phát huy, nghĩa là thế hệ trước đi qua, nếu không có thế hệ kế tiếp thừa kế thì đó là dấu hiệu của sự suy tàn. Đường lối làm cho nền đạo đức sống còn và trưởng thành là trách nhiệm chung của tất cả của các bậc làm cha mẹ. Cho nên là bậc làm cha mẹ nên thường xuyên hướng dẫn con cái cháu chắc về Chùa thường xuyên, nhất là cho tham gia vào các tổ chức thanh thiếu nhi gia đình Phật Tử. Ðừng để tín ngưỡng của chúng ta bị suy tàn, do đặt tâm hồn non trẻ của con em quý vị trong tay của những người không phải là Phật Tử. Điều này tương tự như những nhà điêu khắc, dùng đất sét uốn nắn theo mẫu hình của họ, cho nên khi nào thấy rằng các con em của chúng ta được huấn luyện theo đường lối của Phật Giáo một cách nghiêm túc thì Ðạo Phật của chúng ta mới hy vọng phát huy toàn khắp thế giới.
Trong những năm gần đây, Phật Giáo như một cái dù che chở cho vũ trụ thoát khỏi ngọn lửa đau khổ. Vì chính Phật Giáo đã khai thị con đường giải thoát cho con người không còn nô lệ cho thiên, không còn nô cho thần thánh, hoặc giáo quyền để rồi từ đó con người có một khoảng không gian để thở, có một mảnh đất để đứng và đi lại tự do không vướng bận.
Trong sự tự do, có thể là chúng ta lẻ loi một mình trong biển trầm luân, và mỗi người tự hộ trì đạo lộ của chính mình, không cần tìm cầu sự giúp đỡ của người khác. Phật Giáo dạy lòng tự tin và độc hành. Cho nên chúng ta phải kiên trì dũng cảm bước đi trên đường Ðạo. Chúng ta không nên vui hưởng chân lý cho riêng mình, mà nên tạo cho người khác cơ hội, bằng cách chia sẻ được món quà chân lý cao siêu cho mọi người, vì nó là món quà hay là loại mỹ phẩm tối thắng trong tất cả các món quà, các loại mỹ phẩm. Mỗi người chúng ta đều phải tự cứu mình, tự làm đẹp cho bản thân, tự dạy cho mình không ngoan giàu sang và hạnh phúc. Không ai có thể chia xẻ được nghiệp báo của người khác. Vì thế điều khôn ngoan là nên tự cứu lấy mình, tuy nhiên phải có kinh nghiệm thực học, thực tu mới thực hiện được lý tưởng này. Không ai tự trì hoãn con đường giải thoát của mình để hy sinh cho người khác. Vì con đường tối diệu nhất để cứu khổ nhân gian là phải toàn hảo bản thân. Chừng nào chúng ta chưa viên mãn tu tập thì không thể làm được điều thiện nào cho cõi đời nầy.
Xin xác định rõ ràng, và như quý vị đã biết, trong Ðạo Phật không có ai chịu khổ nơi địa ngục lâu dài, cũng không có sự trừng phạt đời đời. Trong Ðạo Phật luôn luôn có cơ hội và là người người hiểu biết chúng ta không nên đánh mất cơ duyên đó. Bởi vì trần gian này luôn luôn có sự công bằng, mà đã là sự công bằng thì không bao giờ chúng ta là người thua cuộc. Cho nên khi nghe rằng chúng sanh đau khổ, vì lòng từ bi cứu khổ, các vị thánh có thể tái sinh trong cảnh giới ngạ quỷ, thì chúng ta phải hạ quyết tâm trở thành người phật tử, và chia sẻ điều may mắn mà chúng ta đang thọ hưởng cho con người và cuộc đời. Ðó là bổn phận của người học đạo, không nên tự mình thụ hưởng những điều phước lợi của chư Phật, mà phải san sẻ cho số đông người khác chưa từng được duyên may như vậy.
Chánh kiến là hiểu biết Bốn Thánh Ðế. Chánh kiến là hiểu biết ba đặc tính của vũ trụ là vô thường, khổ và vô ngã. Vô ngã nghĩa là không có linh hồn. Trong Phật Giáo không có linh hồn. Cái để thay thế, cái gọi là linh hồn, chúng ta gọi là tâm thức. Tâm không bao giờ giống nhau trong hai niệm tưởng liên tục. Trên thực tế các nhà tâm lý hiện đại đã tiến đến điểm chính xác mà Ðức Phật đã đạt được từ ngàn xưa. Kiến giải cho thấy rằng không hề có cái Ngã nào bất diệt, hay cái Ta trường cửu, hay linh hồn bất biến, mà chỉ có ý thức luôn luôn thay đổi, không bao giờ giống nhau trong hai niệm tưởng liên tục. Vì các nhà tâm lý học hiện đại đã thừa nhận, không có một linh hồn bất diệt cho nên lại càng dễ hơn cho những ai mới bắt đầu học đạo. Bởi vì họ đã nhất trí rằng không có linh hồn thường hằng, vì thế họ sẽ hiểu được triết lý Vô Ngã của Ðức Phật. Tất cả các sự vật đều biến đổi. Tất cả các pháp đều đưa đến đau khổ. Tất cả các trạng thái ý thức đều không có thực thể. Chánh kiến là hiểu biết nguồn gốc và sự hủy diệt của vạn pháp.
Mỗi người đang tạo ra thế giới cho riêng mình hàng triệu lần trong mỗi khoảnh khắc phút giây. Tất cả đang bừng cháy, tất cả đang bốc lửa. Chúng đang bừng cháy với ngọn lửa tham, sân, si, sinh tử và phiền não. Do vậy toàn thế giới này đang bốc cao ngọn lửa si mê. Tại vì sáu giác quan đang bừng cháy. Nếu chúng ta có khả năng dập tắt được ngọn lửa của sáu giác quan, là chúng ta đã được thanh tịnh bằng cách tự tu tập điều phục bản ngã, không đổ thêm dầu mới vào ngọn lửa, tự nhiên nó sẽ tắt lịm. Vậy thì chúng ta phải phải tưới nước cam lồ vào lửa, nó sẽ bị dập tắt, thì chúng ta sẽ tận hưởng niềm an lạc vô biên gọi là Niết Bàn tối thượng.
Nói tóm lại, vì là tất cả mọi người chúng ta đang tạo ra thế giới trong từng mỗi phút giây. Thế giới đang biến đổi. Và vì nó đang biến đổi cho nên chúng ta thấy nó đang được tạo nên và đang bị hủy diệt trong từng mỗi phút giây. Vì biến đổi có nghĩa là sinh diệt liên tục, chết rồi tái sinh. Hãy nhớ rằng, thế giới chỉ là một tiến trình, một tiến trình đang hình thành, đang trở nên. Và tiến trình đó cứ tiếp tục cho đến khi nào nguyên nhân của nó còn đủ duyên hiện hữu. Khi nhân đã bị dập tắt thì thế giới không hình thành. Dập tắt trần gian đau khổ này quả là thiện pháp, và tạo ra trần gian khổ lụy này là bất thiện pháp. Bởi vì một khi chúng ta tận diệt được sự đau khổ của hiện hữu thì chúng ta mới hưởng được sự an lạc Niết Bàn tối thượng.
Từ khuynh hướng nầy nếu ai chưa đẹp, nếu chúng ta cương quyết làm đẹp thì chắc chắn sẽ đẹp. Nếu ai chưa thông minh, mà cương quyết trở thành người thông minh thì chắc chắc sẽ thông minh. Nếu ai chưa giàu sang, mà cương quyết trở thành người giàu sang thì chắc chắn chúng ta sẽ giàu sang. Do vậy khi muốn trở thành một con người tuyệt đẹp, tuyệt vời thì không thể không lưu tâm đến những mỹ phẩm tạo thành sắc đẹp. Muốn khôn ngoan thì không thể không tìm cầu chân lý, và muốn giàu có sang trọng thì không thể không bố thí. Cho nên những gì chúng ta phải làm, là phải tìm và tận diệt tiến trình có khuynh hướng cản trở các thiện pháp bằng sự tu tập trui rèn trí tuệ, dập tắt tham ái. Có trí tuệ tối thượng thì loại trí tuệ loại nầy có khả năng loại trừ các ác pháp và cống hiến cho chúng ta vẻ đẹp tuyệt trần, không ngoan và giàu sang vô tận.
--o0o--