-
Hạnh Phúc Của Gia Đình
-
Chơn Đức
- ---o0o---
-
-
Trong cuộc sống thực tế chúng ta thấy đã không biết bao nhiêu
người bạn trẻ và già hiện nay cứ sẵn sàng ly thân ly dị. Động cơ
thúc đẩy có thể là chồng, cũng có thể là vợ. Nguyên do chỉ vì
không biết dừng lại trong vấn đề giao tiếp với xã hội bên ngoài.
Môi trường giao tiếp với xã hội bên ngoài có thể là:
-
- Chat trên Internet
-
- Ngoài công sở tiếp xúc hằng ngày
-
- Các quán bia rượu ...
-
Trong khi giao tiếp đó, ý niệm lúc ban đầu là để cho vui hay vì
nghề nghiệp, nhưng trong cái gọi là cho vui hay vì nghề nghiệp
đó trở thành đam mê mất kiểm soát lý trí qua các cách suy nghĩ
đơn giản:
-
- Vợ thì ở nhà, quen cô nầy chỉ coi nhau như là bạn
thân thì có sao đâu.
-
Hoặc là:
-
- Vì đồng nghiệp thì sự thân cận nhau đâu có gì là lạ
-
Suy nghĩ như thế, thật sự không có gì sai cả, nhưng người Việt
Nam chúng ta có câu:
-
- Lửa gần rơm không trèm thì trụa
-
Trai gái cùng phòng không nọ thì tê.
-
Và khi đã không còn biên giới của bạn thân, hoặc đồng
nghiệp thì là rơi vào tình trạng của đam mê không tự chủ, quên
đi vợ hay chồng ở nhà. Khi đã mất sự kiểm soát của lý trí thì
chính là lúc mà cuộc sống gia đình bắt đầu xáo trộn, gây cấn,
căn thẳng. Khi đã gây cấn căn thẳng đến mức độ không hàn gắn
được nữa thì ly thân và cuối cùng dắt nhau ra tòa ly dị.
-
Như vậy hạnh phúc của gia đình hay nói một cách khác đó là kết
quả của sự thực hành Giới thứ ba, không tà dâm, nhắc chúng ta
không hành động theo tham dục gây phương hại cho kẻ khác. Điều
này đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm và chân thật trong các
quan hệ giới tính. Năng lượng tình dục có sức mạnh rất lớn.
Trong thời buổi mà các mối liên hệ nhân tình và các quan niệm về
tình dục dễ dàng thay đổi, cho nên chúng ta cần phải ý thức
trong việc sử dụng năng lượng này. Nếu liên kết năng lượng sinh
lý này với một tâm tư tham lam và chiếm hữu, lợi dụng và cưỡng
ép, thì chúng ta sẽ có những hành động gây tàn hại cho chính
chúng ta và cho kẻ khác, chẳng hạn như ngoại tình. Những sự xáo
trộn từ trong chính gia đình của chúng ta và kế đến là những khổ
hoạn của đối phương sẽ rắc rối theo cùng những hành động ấy.
-
Muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình của chúng ta và kẻ khác, đòi hỏi
chúng ta phải xem xét những động lực nằm đằng sau các hành động
của mình. Để tâm như vậy cho phép chúng ta, những người tại gia,
nhận ra bản năng sinh dục có thể được gắn liền với trái tim như
thế nào, và biết phải làm gì để có thể trở thành một biểu hiện
của sự thương yêu, chăm sóc cho người mà chúng ta thương. Vấn đề
tình dục có ý thức như thế là một yếu tố thiết yếu trong nếp
sống chánh niệm.
-
Như vậy muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình của chúng ta và kẻ khác,
thì chúng ta phải biết tránh việc quan hệ tình dục trái phép. Lẽ
tất nhiên trong cuộc sống thông thường của người Phật Tử tại
gia, vấn đề tình dục có ý thức, có nghĩa là chúng ta quán sát kỹ
lưỡng xem các cảm giác tính dục thường khởi lên trong tâm thức
mình ra sao. Mỗi lần như thế, chúng ta cần nên lưu ý xem xét
những tâm trạng nào đang đi kèm với chúng, chẳng hạn như do vì:
-
- Luyến ái,
-
- Tinh thần căng thẳng,
-
- Tâm tư cô đơn,
-
- Mong muốn truyền thông,
-
- Tham lam khoái lạc ..v.v.
-
Là tâm trạng nào đi nữa thì trong sự quan hệ các cuộc tình,
chúng ta có thể bị thương tổn. Cho nên thực tập Giới thứ ba:
Không Tà Dâm là để ngăn không để cho mình và kẻ khác bị thương.
Thường thì chúng ta nghĩ rằng chỉ có người phụ nữ mới bị tổn
thất, nhưng thực ra người đàn ông cũng bị tổn thất như người phụ
nữ không kém. Chúng ta phải hết sức cẩn thận, nhất là trong
những cam kết ngắn hạn. Thực tập Giới thứ ba là cách hữu hiệu
nhất để khôi phục lại sự bình an và vững chãi trong ta, trong
gia đình và xã hội ta. Chúng ta phải dành thời gian để học hỏi
và thực nghiệm về những vấn đề liên quan đến sự tác hại của Giới
này như: cô đơn, quảng cáo, thậm chí cả vấn đề mãi dâm.
-
Cảm giác cô đơn rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Khi không có
truyền thông giữa ta và người khác, kể cả những người trong gia
đình, thì cảm giác cô đơn sẽ thúc đẩy chúng ta đi đến chỗ quan
hệ tình dục. Vì tâm lý thông thường, cứ mỗi khi cô đơn buồn tẻ,
con người nghỉ ngay đến việc cần phải giải tỏa, vì thế mà có
người cho rằng quan hệ tình dục sẽ giúp chúng ta cảm thấy bớt cô
đơn, nhưng điều ấy không đúng. Khi không có đủ truyền thông với
người khác về mặt tình cảm trong cuộc sống, thì vấn đề quan hệ
tình dục sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách và hủy diệt cả hai bên.
Như vậy sự quan hệ của chúng ta sẽ đầy bão tố, và chúng ta chỉ
làm khổ nhau. Niềm tin rằng quan hệ giới tính sẽ giúp ta giải
toả cô đơn là một nhận định sai lầm, chúng ta không nên bị nó
đánh lừa.
-
Nếu có lúc khi Quy Y Tam Bảo, chúng ta đã nghe Thầy truyền giới
dạy, việc quan hệ tình dục trái phép sẽ dẫn đến năm tác hại:
-
1-
Thân mạng bị đe doạ
-
2-
Mất tin tưởng của nhau
-
3-
Khó tạo dựng một gia đình thịnh vượng
-
4-
Con cái hư hỏng
-
5-
Sau khi chết bị đọa vào địa ngục A Tỳ.
-
Thì bây giờ chúng ta phải xa tránh, nhất là vì muốn bảo về hạnh
phúc cho gia đình chúng ta và kẻ khác chúng ta phải luôn luôn
nhắc lại lời phát nguyện:
-
- Con nguyện không được quan hệ tình dục một cách trái
phép.
-
Giới thứ ba nầy cũng như những giới khác trong năm giới của
người Phật Tử tại gia, là ngời Phật Tử chúng ta phải thực tập
giới này trong đời sống hằng ngày, đồng thời không lợi dụng hoặc
hại người khác, như sự bóc lột phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Vì
sự tu tập trong Đạo Phật lúc nào cũng hướng tới sự hướng dẫn và
đào tạo con người trở thành một con người toàn thiện, vượt thoát
ra ngoài những lề lối suy nghĩ, nói năng và hành xử đã huân tập
từ xã hội của con người.
-
Như chúng ta đã biết, hành động tà dâm đã gây tàn hại cho không
biết bao nhiêu cuộc đời, và đã làm đổ vỡ không biết bao nhiêu
gia đình. Thực tập Giới thứ ba là để hàn gắn cho mình và hàn gắn
cho xã hội. Đó là sống có chánh niệm.
-
Trong chiều hướng xây dựng một hạnh phúc cho gia đình, tuy giới
thứ năm là không tiêu thụ rượu, ma túy, và các độc tố gây ra,
mới nghe qua chúng ta có cảm tưởng như là độc lập và riêng rẻ,
nhưng kỳ thật có liên hệ rất mật thiết với giới thứ Ba. Cả hai
đều liên quan đến lối sống có tính cách phá hoại và làm mất đi
sự tự chủ của chính mình và người khác. Chúng ta chỉ cần tự mình
giữ giới, và thế nào những người xung quanh ta cũng sẽ thấy được
sự thật. Cuộc sống hạnh phúc của tự thân cũng như của gia đình
chúng ta và kẻ khác không thể có, nếu không có sự hành trì hai
giới này. Quả thật, nếu nhìn vào những cá nhân và gia đình không
có vững chãi và hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy nhiều người trong số
họ không thực tập hai giới này. Chúng ta có thể tự mình chẩn
bệnh, và ta nhận ra rằng thuốc trị cũng có đó. Thực tập những
Giới này là cách hay nhất để khôi phục lại sự vững chãi trong
gia đình và xã hội. Đối với một số người, giới này rất dễ thực
tập, nhưng với một số người khác thì giới này lại rất khó giữ.
-
Để có thể thực tập được hai giới nầy trước hết chúng ta phải nói
đến tính thống nhất của thân và tâm. Chúng ta phải hiểu, cái gì
xảy ra cho thân cũng đồng thời xảy ra cho tâm. Sự trong sạch của
thân thể cũng là sự trong sạch của tâm hồn. Sự bạo động của thân
cũng chính là sự bạo động của tâm. Nhiều người trong chúng ta
nghĩ mình giận trong tâm chứ không phải giận nơi thân, nhưng kỳ
thật giận trong tâm lúc nào cũng được biểu lộ ra ngoài thân, mà
thương cũng tương tự thế. Quả thật, khi thương ai, ta muốn ở gần
người đó, khi giận ai ta lại không muốn đụng đến họ, hay bị họ
đụng đến mình, cho nên chúng ta không thể nói thân không liên hệ
gì đến tâm, mà tâm không liên hệ gì đến thân. Vì thế mà sự quan
hệ tình cảm với nhau là một kết hợp giữa thân thể và tâm hồn.
Đây là một cuộc gặp gỡ và kết hợp hết sức quan trọng, cho nên
không thể hành động một cách tùy tiện, bê bối được. Như chúng ta
đã biết, trong tâm hồn chúng ta có những vùng riêng tư, những kỷ
niệm, những nỗi đau, những bí mật, chúng ta chỉ muốn chia sẻ với
người chúng ta thương và tin tưởng. Không phải với ai mình cũng
đem tâm can ra thổ lộ, ngoại trừ người mà ta thương và tin cậy
nhất. Với thân thể cũng vậy. Có những vùng nơi thân thể ta không
muốn ai lại gần hay đụng đến, trừ phi đó là người mà chúng ta
kính trọng, và tin tưởng là sống với nhau cho trọn đời. Trong
những vô tình hay cố ý bị đụng chạm một cách bừa bãi, tùy tiện,
với một thái độ thiếu nhẹ nhàng tế nhị, chúng ta cảm thấy bị sỉ
nhục trong thân thể và tâm hồn. Nhiều người phụ nữ ngày xưa có
những truyền thống bịt mặt, ai là người thấy mặt họ đầu tiên thì
người đó là chồng của họ, hoặc có những truyền thống như nam nữ
thọ thọ bất thân, ai mà đụng tới tay chân hay thân thể, thì
người đó phải là chồng của họ, nếu không thì đó là một sự sĩ
nhục, họ có thể chọn cái chết để giữ gìn danh tiết. Ngược lại,
một người đến với ta bằng sự tôn trọng, nhẹ nhàng, tế nhị, và
hết lòng quan tâm, mang lại cho chúng ta một sự êm ái và cảm
thông sâu sắc. Chỉ trong trường hợp đó chúng ta mới không cảm
thấy bị tổn thương, xúc phạm, hay lợi dụng. Điều này không thể
xảy ra nếu không có tình thương và sự cam kết đích thực. Quan hệ
bừa bãi không thể được gọi là tình yêu, mà khi đã không có tình
yêu thật sự thì không thể nào mang lại hạnh phúc cho cuộc sống
gia đình.
-
Tình yêu thương của lứa đôi dẫn đến hạnh phúc gia đình phải là
một cái gì đó sâu thẳm, đẹp, và trọn vẹn. Cho nên tình yêu
thương, hạnh phúc đích thực phải có sự kính trọng. Trong văn hoá
Á Đông, vợ chồng phải trân trọng nhau như khách. Khi thực tập
kính trọng như vậy, tình thương và hạnh phúc sẽ tiếp tục lâu
dài. Trong tinh thần nầy Đức Phật cũng đã từng dạy:
-
- Tất cả những người thuộc phái nữ, tùy theo tuổi tác,
nếu là già tuổi thì phải kính như bà nội bà ngoại, mẹ. Nếu là
lớn tuổi hơn thì phải kính như chị, và nhỏ hơn phải coi như là
em gái.
-
Và:
-
- Tất những người thuộc nam phái, tùy theo tuổi tác,
nếu là già thì phải kính như ông nội ông ngoại, như cha, nếu là
lớn tuổi hơn thì phải coi như anh và nhỏ tuổi hơn thì phải coi
như em ..
-
Chính vì thế mà trong đạo vợ chồng, nhiều khi vợ phải
coi chồng mình nhiều khi như cha, như chồng, như anh và như em
... Tương tự chồng cũng vậy nhiều khi kính trọng vợ như bà nội,
bà ngoại, như mẹ như vợ, như chị và như em. Để thể hiện tinh
thần nầy, có một nhà thơ đã định nghĩa về vợ như thế nầy:
-
- Vợ từ thiếu nữ hiền lành
-
Ðến khi xuất giá trở thành Quan Gia
-
Vợ là con của người ta
-
Và ta quen vợ chẳng qua vì tình
-
Có quan thì phải có binh
-
Nên ta làm lính hầu tình quan gia.
-
Tại vì hôm vợ vu quy
-
Ta lỡ làm lính hầu đi bên nàng
-
Làm lính chứ không làm tàng
-
Tính chất của vợ phải càng hiểu hơn.
-
Mỗi khi mà vợ giận hờn
-
Áp dụng công thức giản đơn nhu mì
-
Mỗi khi vợ nhờ chuyện gì
-
Phải luôn tuân thủ nhớ ghi đàng hoàng
-
Khi nào cùng vợ ra đàng
-
Phải luôn đứng cạnh sẵn sàng lắng nghe.
-
Mỗi khi mà đã ngừng xe
-
Phải lo tích cực mở xe cho nàng
-
Muốn sống với vợ muôn đời
-
Phải nhường chức vợ đương thời quan gia.
-
Thương vợ mọi việc trong nhà
-
Sạch sẽ ngăn nắp, công tư hẳn hòi:
-
Nấu cơm, đi chợ, quét nhà
-
Quan gọi thì dạ bẩm Bà có ngay.
-
Trong sự quan hệ tình cảm, sự tôn trọng lẫn nhau là một trong
những yếu tố quan trọng nhất. Sự kết hợp giới tính phải cư xử
với nhau trong chánh niệm với sự tôn trọng, quan tâm, và thương
yêu. Sự tham muốn chiếm đoạt không phải là tình thương. Thương
là một cái gì thiên về trách nhiệm. Trong tình thương có sự quan
tâm chăm sóc. Cho nên nếu tình thương có thật, chúng ta không
cần phải có cam kết dài hay ngắn hạn, kể cả điều kiện, hay đám
cưới. Tình thương đích thực phải có ý thức trách nhiệm, chấp
nhận người kia như là chính chúng ta, với những điểm đáng thương
và những tánh không đáng thương của người đó, có như thế mới xây
dựng được hạnh phúc gia đình. Nếu chúng ta chỉ thích những gì
tốt đẹp nhất nơi người đó thì đó không phải là tình thương.
Chúng ta phải chấp nhận những yếu kém của người kia và mang sự
kiên nhẫn, hiểu biết, và năng lượng của mình để giúp người kia
chuyển hoá. Tình thương theo cách này chắc chắn sẽ mang lại hạnh
phúc gia đình tốt đẹp. Tình thương như vậy an toàn, và bảo đảm
được tất cả.
-
Chúng ta phải luôn luôn nhớ, tình cảm sâu đậm của hai người rất
quan trọng, nhưng không đủ để duy trì hạnh phúc, nếu không có
những yếu tố khác, đó là tình thương. Không có tình thương cái
mà ta gọi là tình yêu chẳng bao lâu sẽ có thể trở thành mặn đắng
hay chua chát. Cho nên sự cùng đến để yểm trợ của gia đình và
bạn bè đã dệt nên một mạng lưới. Sức mạnh của tình cảm hai người
chỉ là một sợi tơ trong mạng lưới đó. Được yểm trợ bởi nhiều yếu
tố, đôi lứa ấy sẽ vững hơn, như một thân cây. Nếu thân cây muốn
khoẻ mạnh, thì nó cần phải cắm một số rễ sâu vào lòng đất. Nếu
thân cây chỉ có một cái rễ, nó có thể sẽ bị gió lật trốc. Đời
sống lứa đôi cũng cần có sự hổ trợ của nhiều yếu tố khác nhau
như:
-
- Gia đình,
-
- Bè bạn,
-
- Lý tưởng.
-
Ngoài ra nếu biết tu tập thì chúng ta còn có tăng thân. Như thế
cho dù liên hệ của hai người có được kết hợp bởi luật pháp hay
không, nó cũng sẽ mạnh và bền hơn nếu được cam kết với sự hiện
diện của Tăng thân, và những người bạn thương mến và muốn yểm
trợ mình trong tinh thần của Hiểu biết và Từ Bi.
-
Như chúng ta đã biết, trước khi dẫn đến hôn nhân và hạnh phúc
lứa đôi, trước hết là cô thiếu nữ kia và cậu thiếu niên nọ quen
biết nhau và mối tình chớm nở:
-
- Xa nhau thì nhớ, gặp nhau thì mừng
-
Cho nên tình yêu có thể là một căn bệnh. Ở Tây phương cũng như Á
Châu đều có từ ngữ:
-
- Bệnh tương tư.
-
Cái làm chúng ta bệnh là sự ràng buộc. Dù đó là một nội kết ngọt
ngào, thứ tình thương ràng buộc này cũng giống như thuốc phiện.
Nó làm cho chúng ta thấy khoan khoái, nhưng một khi đã nghiện
ngập, chúng ta không còn một chút bình an nào nữa. Chúng ta
không thể học, không thể làm việc gì, thậm chí không thể ngủ, vì
chỉ nghĩ đến đối tượng kia thôi, thậm chí trong giấc mơ còn mớ:
-
- Đừng bỏ em một mình
-
Hay:
-
- Đừng bỏ anh một mình.
-
Chúng ta bị bệnh vì tình. Thứ tình này dính líu đến ước muốn
chiếm hữu và độc quyền của chúng ta. Chúng ta muốn đối tượng
tình yêu của ta phải hoàn toàn thuộc về ta và chỉ riêng cho
chúng ta mà thôi. Đến đây nếu mà cô thiếu nữ nọ, và cậu thanh
niên kia biết sống và xây dựng một hạnh phúc gia đình thì rất là
lý tưởng. Nhưng nếu với quan niệm bảo vệ và săn sóc người chúng
ta thương bằng cách làm các gì cũng anh hay em làm. Đi đâu cũng
anh hay em đưa đón, trong cuộc sống đã có những cuộc tình như
vậy, và họ cho là hạnh phúc. Nhưng đâu có ai biết được ngày mai?
Vô thường đến với chồng hay vợ trước, chắc chắn không ai biết
được? Đến chừng đó sự hụt hẫn xảy ra là điều không tránh khỏi.
Loại thương yêu này có thể được gọi là nhà tù, nơi chúng ta giam
cầm người chúng ta thương và chỉ gây khổ đau cho người ấy. Vì
thế người được coi là chúng ta thương bị tước đoạt đi sự tự do
và quyền được vui sống. Thứ tình yêu này không thể được gọi là
Từ hay Bi, mà nó chỉ là ước muốn dùng người khác để thoả mãn
những nhu cầu của mình mà thôi.
-
Khi có những loại năng lượng tình dục làm cho chúng ta và người
chúng ta thương không hạnh phúc, mất đi sự an ổn nội tại, chúng
ta cần phải biết thực tập để không làm những việc mang lại khổ
đau cho người và cho mình. Chúng ta phải học điều này. Theo
triết thuyết Đông Y, chúng ta có ba loại năng lượng:
-
- Tinh,
-
- Khí, và
-
- Thần.
-
1- Nguồn năng lượng thứ nhất là Tinh, là loại năng lượng tình
dục. Khi chúng ta xử dụng nhiều năng lượng tình dục hơn mức độ
cần thiết, cơ thể và toàn bộ con người ta sẽ mất quân bình.
Chúng ta cần phải biết làm sao để bảo tồn năng lượng nầy, thay
vì chúng ta hành xử một cách vô trách nhiệm. Trong đạo Phật, có
những phép thực tập giúp tái lập lại và bảo tồn sự quân bình
này, như tập thiền hay võ thuật. Chúng ta có thể học những cách
để chuyển năng lượng tình dục này sang những mức độ thành đạt
sâu trong nghệ thuật và tu tập.
-
2- Nguồn năng lượng thứ hai là khí, hơi thở. Sự sống có thể được
xem như một tiến trình đốt cháy. Vì thế trong đời sống hằng
ngày, ta phải nuôi dưỡng năng lượng của mình bằng cách thực tập
thở cho đúng. Chúng ta nhờ không khí và oxygen trong đó, vì vậy
ta phải cẩn thận tránh không khí ô nhiễm. Có những người nuôi
dưỡng năn lượng Khí bằng cách tránh hút thuốc và chuyện trò, hay
thực tập hơi thở chánh niệm sau khi phải nói nhiều. Khi nói, ta
nhớ dành thì giờ để thở.
-
3- Nguồn năng lượng thứ ba là thần, năng lượng của tinh thần.
Khi không ngủ ban đêm, chúng ta mất một số năng lượng này. Hệ
thần kinh của chúng ta trở nên mệt mỏi và ta không thể học, hành
thiền hay quyết đoán tốt được. Thần trí chúng ta không minh mẫn
vì thiếu ngủ hoặc lo lắng quá độ. Lo nghĩ, bồn chồn làm kiệt quệ
năng lượng này. Vậy thì đừng lo lắng. Đừng thức khuya quá. Giữ
hệ thống thần kinh của mình cho khỏe mạnh. Tránh bồn chồn. Những
thực tập như vậy nuôi dưỡng nguồn năng lượng thứ ba. Chúng ta
cần năng lượng này để thực tập thiền cho tốt. Sự khai mở tâm
linh cần sức mạnh tinh thần, có được nhờ định và nhờ biết bảo
tồn nguồn năng lượng này. Khi có năng lượng tinh thần mạnh,
chúng ta chỉ cần chuyên tâm vào đối tượng, và ta sẽ có sự khai
mở. Không có thần, ánh sáng định sẽ không toả sáng, vì ngọn đèn
phát ra rất yếu ớt.
-
Cũng theo y học Á Đông, thần lực có liên hệ đến tinh lực. Tiêu
xài tinh lực thì cần phải có thời gian mới khôi phục lại được.
Trong y học Trung Quốc, muốn có một tinh thần và một định lực
mạnh, do vậy mà chúng ta được khuyên phải tránh có liên hệ giới
tính hay ăn uống quá độ. Người ta dùng dược thảo, rễ cây và
thuốc để bồi bổ thần, và trong khi uống thuốc, chúng ta phải
tránh các liên hệ giới tính. Nếu thần yếu mà chúng ta vẫn tiếp
tục quan hệ tình dục, thì thần lực sẽ không thế nào cứu vãn
được. Những ai tập thiền nên tập gìn giữ tinh lực vì họ cần đến
năng lượng này trong thiền tập.
-
Ba nguồn năng lượng đều có liên hệ với nhau. Tu dưỡng một nguồn,
là chúng ta cũng giúp những nguồn năng lượng kia vững mạnh. Đó
là vì sự thực tập hơi thở có ý thức, rất quan trọng trong nếp
sống tâm linh. Sự thực tập này trợ giúp cho tất cả mọi nguồn
năng lượng khác trong ta.
-
Những người thực tập đạo giải thoát, dù là xuất gia, hay tại gia
cư sĩ ai cũng đều có khuynh hướng không có những quan hệ giới
tính một cách bừa bãi, vì họ muốn dồn hết năng lượng của mình để
có sự khai mở trong tu tập. Họ học cách chuyển tinh lực của mình
sang tăng cường cho năng lượng tinh thần để có sự khai mở. Họ
cũng thực tập thở sâu để tăng thêm năng lượng tinh thần. Sống
đời sống giản dị, có người không có gia đình, vì họ có thể dồn
hầu hết thời gian của mình cho tu tập và giảng dạy, giúp những
người chung quanh. Họ tiếp xúc với mọi người để chia sẻ chánh
pháp. Vì không có nhà hay gia đình để phải chăm sóc, họ có không
gian và thời gian để làm những việc họ ưa thích, nhất là đi
thiền, ngồi thiền, thở. Chính vì thế mà người xuất gia không lập
gia đình để bảo tồn thời giờ và năng lượng cho sự tu tập là vì
vậy.
-
Muốn có một cuộc sống hạnh phúc gia đình và trách nhiệm là từ
then chốt trong Giới Thứ Ba: Không Tà Dâm. Trong một cộng đồng
có tu tập, hay không có tu tập, nếu không có tà hạnh, nếu cộng
đồng đó thực tập Giới Thứ Ba này giỏi, thì sẽ có sự vững chãi và
an bình. Mọi người đều cần phải thực tập Giới Thứ Ba này để bảo
đảm hạnh phúc cho gia đình chúng ta và tôn trọng hạnh cho những
gia đình khác. Chúng ta tôn trọng, yểm trợ, và bảo hộ lẫn nhau
như những người anh, người chị, người em trong Đạo. Nếu không
thực tập Giới Thứ Ba này, chúng ta có thể sẽ trở nên vô trách
nhiệm và tạo vấn đề rắc rối cho cộng đồng tu tập của ta và cộng
đồng lớn bên ngoài. Chúng ta đã từng thấy hiện nay có rất nhiều
người bạn trẻ lẫn các cụ già dắt nhau ra tòa ly dị. Cho nên
chúng ta cần chánh niệm để có ý thức trách nhiệm này. Chúng ta
không tà hạnh vì chúng ta có tránh nhiệm đến sự an nguy của gia
đình mình, và gia đình người khác. Nếu vô trách nhiệm, chúng ta
có thể sẽ làm đổ vỡ tất cả. Thực tập Giới này, thì cuộc sống
hạnh phúc gia đình luôn luôn tươi đẹp mãi.
-
Cuộc sống thực sự hạnh phúc chỉ khi nào ý thức được sự kết hợp
của hai thân thể một cách tích cực, có hiểu biết và cảm thông về
mặt tâm hồn. Ngay cả giữa vợ và chồng, nếu sự cảm thông về tâm
hồn không có, thì sự đến với nhau của hai thân thể chỉ làm cho
hai người xa cách nhau thêm. Do vậy trong trường hợp có vấn đề
khó khăn giữa hai người, theo chư tôn đức khuyên trước hết nên
tránh quan hệ thân xác và cùng lúc phải tìm cách tái lập truyền
thông trước khi nối lại quan hệ thân xác. Trong ngôn ngữ văn
chương, tục ngữ, ca dao, phong dao tiếng Việt nơi nào cũng có
hai chữ tình và nghĩa. Và trong dân gian ai ai cũng nghe mọi
người thường nói:
-
- Lúc trẻ thì sống vì tình, khi về già thì sống vì nghĩa.
-
Trong tình, chúng ta thấy có yếu tố say mê sôi nổi. Sự say mê
này có thể rất sâu, tràn ngập cả con người mình. Nghĩa là một
loại tình cảm sâu sắc tiếp nối của tình. Với nghĩa ta thấy đằm
hơn, có nhiều hiểu biết hơn, sẵn sàng hy sinh để làm cho người
kia hạnh phúc hơn, trung thành hơn. Chúng ta không còn hăng say
như trong tình, nhưng tình thương của ta sâu hơn và bền hơn.
Nghĩa sẽ giữ hai người với nhau lâu dài hơn và hạnh phúc êm đềm
hơn. Đó là kết quả của sự sống chung và chia sẻ niềm vui và gian
khó trong thời gian dài.
-
Chúng ta biết, bắt đầu cuộc tình nào cũng đều bắt đầu bằng sự
đam mê, nhưng khi sống với nhau chúng ta gặp phải khó khăn, và
nhờ cùng nhau tìm cách ứng phó với những khó khăn này mà tình
yêu trở nên sâu đậm thêm. Trong khi sự đam mê càng lúc càng phai
lạt theo tuổi đời, thời gian năm tháng thì nghĩa lại mỗi lúc một
tăng trưởng. Nghĩa là một thứ tình thương sâu hơn, với nhiều trí
tuệ hơn, tương thân tương trợ hơn, đoàn kết hơn hạnh phúc hơn vì
chúng ta hiểu người kia hơn. Chúng ta và người kia trở nên một
thực thể. Nghĩa giống như một trái cây đã chín. Nó không còn
chua chát nữa, chỉ có vị ngọt thôi.
-
Trong nghĩa, chúng ta thấy biết ơn người kia:
-
- Cảm ơn vì đã chọn tôi.
-
- Cảm ơn vì đã làm vợ hay làm chồng tôi.
-
Vì thật ra, là một người con trai hay con gái mới lớn, có biết
bao nhiêu người ngoài kia, nhưng tại sao người con gái đó hay
người con trai kia chọn tôi làm vợ hay làm chồng? Cho nên tôi
rất biết ơn.
-
Đó là chỗ bắt đầu của nghĩa, cảm giác biết ơn người ấy đã chọn
mình làm người bạn đồng hành để chia sẻ những gì tốt đẹp nhất
của người ấy, cũng như những hạnh phúc và khổ đau của mình.
-
Khi sống chung, chúng ta hổ trợ lẫn nhau. Chúng ta bắt đầu hiểu
được cảm thọ và những khó khăn của nhau. Khi người kia tỏ ra
hiểu được những vấn đề, khó khăn, và chí hướng sâu xa của mình,
chúng ta cảm thấy biết ơn sự hiểu biết đó. Khi thấy được người
khác hiểu, chúng ta không còn khổ sở nữa. Do vậy sau những giông
bảo của cuộc tình, hạnh phúc trước hết là cảm thấy được hiểu.
Nếu hai người sống với nhau lâu dài, cho đến khi đầu bạc răng
long, đó là vì nghĩa, không phải là vì tình. Tình là tình thương
say đắm bồng bột. Nghĩa là thứ tình thương có nhiều hiểu biết và
biết ơn ở trong.
-
Như có lần đã nói, mọi tình thương đều có thể bắt đầu bằng sự
say mê, nhất là với người trẻ. Nhưng trong quá trình sống với
nhau, là người đạo giải thoát, chúng ta phải học và thực tập yêu
thương, để sự ích kỷ khuynh hướng chiếm hữu sẽ bớt đi, và yếu tố
hiểu biết, thương yêu sẽ tụ lại dần dần, cho đến khi tình thương
của chúng ta trở nên sự nuôi dưỡng, bảo vệ, và bảo đảm, yên tâm
mới thôi. Với nghĩa, ta biết chắc người kia sẽ chăm sóc và
thương chúng ta cho đến khi đầu bạc răng long. Không có gì bảo
đảm được người kia sẽ ở mãi với ta, ngoại trừ nghĩa. Nghĩa được
bồi đắp bởi hai người trong đời sống hằng ngày.
-
Tu học là nhìn vào bản chất tình thương của chính mình để xem
những yếu tố nào có mặt trong đó. Chúng ta không thể nói tình
thương của mình chỉ là tình hay nghĩa, chiếm hữu hay vị tha, bởi
trong tình thương có thể có tất cả các yếu tố cùng một lúc.
Chúng ta hãy nhìn sâu vào bản chất tình thương của mình để nhận
diện ra những bản chất thật sự của nó. Hạnh phúc của người kia
và hạnh phúc của tự thân tùy thuộc vào bản chất tình thương của
chúng ta. Lẽ đương nhiên chúng ta có tình thương, nhưng điều
quan trọng là chúng ta phải hiểu bản chất của tình thương đó.
Nếu nhận thấy có nhiều Từ và Bi trong tình thương của mình, thì
tình thương ấy rất đáng yên tâm. Nghĩa sẽ bền trong tình thương
ấy.
-
Nói tóm lại, muốn bảo đảm hạnh phúc của gia đình, chúng ta phải
thực tập Giới Thứ Ba. Phải luôn luôn nhìn vào bản chất tình
thương của chúng ta để thấy rõ và không bị gạt bởi cảm thọ của
mình. Đôi khi nghĩ chúng ta thương một người, nhưng tình thương
ấy có thể chỉ là một cố gắng để thoả mãn những nhu yếu vị kỷ của
mình mà thôi. Có thể chúng ta chưa nhìn đủ sâu để thấy những nhu
yếu của người kia, trong đó có nhu yếu được an toàn, được bảo
vệ. Nếu có cái nhìn khai mở đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng người
kia cần sự bảo vệ của chúng ta, và chúng ta không thể xem người
ấy đơn thuần như một đối tượng của sự ham muốn của mình. Người
kia không nên bị xem là một món hàng. Vì vậy, việc thực tập nhìn
sâu vào bản chất của tình thương, chúng ta thấy có liên hệ rất
nhiều đến sự thực tập Giới Thứ Ba. Thực tập trọn vẹn giới thư ba
là chúng ta đã và đang hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc của
gia đình thật sự.