|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Là Một Người May Mắn
-
Nguyên Hải
- ---o0o---
-
-
Trong chúng ta có người từng nghĩ rằng phiền não và khổ cực là do
tai họa gia đình truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và có
thể chúng phát xuất từ những tội lỗi gây nên bởi tổ tiên lâu đời
cho nên bây giờ hành hạ chúng ta. Có khi cũng đổ lỗi các phiền não
tạo ra bởi Thượng Đế hay những đấng quỷ thần nào đó. Thay vì chính
mình là người chịu trách nhiệm cho mọi hành động, nhưng chúng ta
lại đổ lỗi cho người khác.
-
Quả thật như vậy, bởi vì thông thường trong chúng ta, nếu một ai
đó bị bắt buộc nhìn ra nhược điểm của mình, chúng ta sẽ cố tình
tránh né và thay vì thấy nhược điểm thì chúng ta lại đổ lỗi cho
người, cho những lý do khác trước sự tự lừa dối chính mình. Chúng
ta tìm cách cố bào chữa, ngay cả đến khi đuối lý nhất cũng cố bào
chữa để biện minh hành động của mình. Đôi khi chúng ta thành công
trong việc lừa dối người khác, lừa dối chính mình và ngay cả ma
quỷ. Nhưng không thể lúc nào cũng lừa gạt được tất cả mãi mãi, mà
đến lúc nào đó cũng phải đối diện với luật nhân quả báo ứng. Do
vậy chúng ta không thể lảng tránh trách nhiệm về những hành động
của chúng ta bằng cách đổ lỗi cho người, cho hoàn cảnh. Là người
học đạo, cách hay nhất cứ mỗi khi trong thời điểm khó khăn và thử
thách, chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và làm việc thay vì đau khổ,
buồn phiền, cáu kỉnh khó chịu. Hãy can đảm chấp nhận hiện tại và
cố gắng vượt qua trở ngại, nếu sự thay đổi cần thiết, và cũng hãy
trầm tĩnh để chấp nhận điều chúng ta không thay đổi được.
-
Phải nghĩ rằng chúng ta là người may mắn, và chúng ta phải hiểu
rằng tâm chúng ta tạo ra tất cả hoàn cảnh, đó là thái độ tốt nhất,
tích cực nhất. Vì thế mà những vui buồn, khổ sở và khó khăn mà
chúng ta đang chịu đựng có thể sẽ gia tăng hay biến mất đều do suy
tư của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta thực sự nhận định được sự
việc ấy và không gục ngã trước sự cố, là chúng ta mới có thể tạo
được hoàn cảnh cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta.
-
Là người Phật tử chúng ta phải ghi nhận lời dạy của Đức Phật, con
người tạo số phận của chính mình, từ đây chúng ta không nên phiền
trách bất cứ ai về những khó khăn của chính mình, vì chính chúng
ta là người chịu trách nhiệm về đời sống của chính mình tốt đẹp
hay xấu xa. Nhìn nhận dưới ánh sáng này, thì chúng ta sẽ thấy
không một chúng sanh nào kể cả Thượng Đế, hay chư thiên nào có thể
chỉ huy hay kiểm soát sự chứng đắc giải thoát tối thượng, cũng như
sự suy sụp của một con người. Phải nhớ rằng, khi chúng ta hành
động với con tim và tâm trí thanh tịnh trong sáng, thì phước báo
và đời sống thanh cao tô điểm cho con người chúng ta hiền lương
tốt đẹp. Tuy nhiên nếu hành động với tâm trí ô nhiễm, thì chúng ta
sẽ tiếp tục tạo những hành động tội lỗi rập khuôn cho tính nết và
số phận của chính mình trong hiện đời hay nhiều kiếp về sau.
-
Chúng ta có thể là một người lương thiện không hại ai, ngay cả đến
khi giúp đỡ người khác không bao giờ nghĩ về tự lợi, nhưng vẫn bị
người khác trách cứ. Vì thế có nhiều người hỏi rằng:
-
- Nếu làm tốt được tốt, làm xấu phải chịu xấu, tại sao tôi phải
chịu đau khổ, và bị trách cứ mặc dù tôi không làm điều gì sai lầm?
-
Câu trả lời đơn giản là:
-
- Chúng ta không biết là chính mình đang phải đối đầu với nghiệp
xấu trong quá khứ đến nay đã chín mùi. Vì thế hãy tiếp tục với
công việc thiện, chẳng bao lâu chúng ta sẽ thoát được những khó
khăn như vậy.
-
Điều quan trọng là chúng ta không nên thất vọng, mà phải thấy
chính mình là người may mắn và chỉ có bản thân chính mình mới khắc
phục những khó khăn bằng những hành động thiện của chính mình như
đức Phật dạy:
-
- Những xáo trộn và khó khăn được sinh ra, chúng phát xuất từ
những hành động có nguồn gốc là tham, sân và si.
-
Do vậy, chừng nào mà chúng ta còn bị vướng mắc vào gọng kìm sắt
của tham ái, chúng ta còn đau đớn và thống khổ. Tuy nhiên, nếu
chúng ta muốn giảm thiểu hay loại bỏ cái đau đớn ấy, chúng ta cần
phải từ bỏ cái tham ái mạnh mẽ về lạc thú tình dục. Đứng trước sự
lựa chọn:
-
- Muốn hưởng lạc thú tình dục, chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng
khổ đau.
-
Hoặc:
-
- Từ bỏ tham ái để vui hưởng hạnh phúc tinh thần.
-
Không có con đường nào khác ngoài hai con đường này. Các bậc cổ
đức thường dạy:
-
- Người vô học thức lúc nào cũng đổ lỗi cho người khác, người học
thức bậc trung thì tự trách mình. Và người có học thức đầy đủ
không trách ai cả.
-
Chúng ta phải học hỏi để thực hiện và xử lý những khó khăn giống
như người học thức đầy đủ trong lời trích dẫn trên. Đừng có đổ lỗi
cho người khác như nhiều người thường làm, mà cũng đừng bao giờ
nói như vầy:
-
- Tôi không đổ lỗi cho ai cả. Tôi chỉ đổ lỗi cho chính tôi.
-
Chúng ta cũng không được đổ lỗi cho chính mình nữa. Bởi vì nhằm
vào người khác hay chính chúng ta là một thái độ tiêu cực và không
giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề. Hãy để việc tìm lỗi qua một
bên. Thay vào đó chúng ta nên can đảm và hiểu biết. Sự hiểu biết
trước hết, phải ghi nhận chúng ta là người may mắn, có đủ mọi thứ,
và kế đến là phải luôn luôn trau dồi tâm trạng tích cực, như thế
thì sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều khó khăn của bản thân, và
cũng làm cho cộng đồng thế giới thành nơi tốt đẹp hơn để cuộc sống
có ý nghĩa cho mọi người.
-
Nếu có thể tránh đổ lỗi cho cả chính chúng ta và người khác, chúng
ta sẽ thấy rằng chúng ta với thế giới là một. Và chúng ta là một
phần và bộ phận khắng khít của tất cả sự vật không thể tách rời từ
nơi cộng đồng, thế giới. Cho nên, thế giới tốt đẹp nếu chúng ta
tốt đẹp, và thế giới xấu xa nếu chúng ta xấu xa. Chúng ta không
nên tránh né trước những khó khăn của chúng ta bằng cách trách cứ
thế giới, bằng cách nói rằng thế giới sai trong khi chúng ta đúng.
-
Khi bạn bắt đầu nhìn thấy sự vật đúng như chúng là vậy, và không
phải chúng có vẻ như vậy, thì chúng ta sẽ hiểu được không có ai để
chúng ta trách cứ ai cả. Nhưng trong ý nghĩa cao tột như thế,
chúng ta phải có trí tuệ để nhận định rằng chúng ta là người may
mắn nhất và cũng là người phải chịu trách nhiệm về mọi thứ. Do vậy
chúng ta cần phải thực tập một số nguyên tắc căn bản để khắc phục
khó khăn và tìm được sự hòa hợp, an lạc đối với chúng ta và người
khác.
-
1- Đối Diện Với Hoàn Cảnh:
-
Bất cứ hoàn cảnh nào và các vấn đề phát sinh, chúng ta nên cố gắng
tìm hiểu bối cảnh của bản chất cuộc sống. Ở đó chúng ta không thể
hy vọng mọi thứ điều hoàn hảo, mọi hoàn cảnh đều thích hợp, và lúc
nào kế hoạch của chúng cũng đều trôi chảy, đó là những điều chúng
ta cần làm. Ngoài ra chúng ta cần phải quán chiếu, sự đời giống
như mặt trăng khi tròn khi khuyết, mọi sự vật đều thay đổi, không
bao giờ theo đúng như ý chúng ta mong muốn. Tình trạng thay đổi
liên tục của vận may, của hoàn cảnh và tâm, đó là điều kiện của
trần thế. Để nhắc nhở con người sống hạnh phúc và an vui, Đức Phật
nói về tám điều kiện trần tục có ảnh hưởng đến hạnh phúc hay đau
khổ của con người trong xã hội:
-
- Được và thua,
-
- Danh dự và mất danh dự,
-
- Khen và chê,
-
- Hạnh phúc và phiền não.
-
Bản chất của thế gian là như vậy, cho nên chúng ta không thể mong
chờ hoàn cảnh lúc nào cũng tốt. Mà phải nghĩ chúng ta là người may
mắn. Bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng đều may mắn. Như thế khi hoàn
cảnh không thuận lợi, và để trước khi mọi thứ chung quanh suy sụp,
chúng ta có thể so sánh mức độ đau đớn của chúng ta với những
người khác còn kém may mắn hơn chúng ta nhiều. Lúc đó chúng ta sẽ
ngạc nhiên thấy không biết bao nhiêu phiền muộn biến đi khi những
khó khăn được nhìn theo đúng viễn cảnh của nó. Bằng cách như vậy,
chúng ta sẽ không bị lấn át bởi những khó khăn, và chúng ta có thể
giải quyết những khó khăn ấy bằng tinh thần và vật chất với khả
năng nội tại của chúng ta. Hãy nghĩ ngay rằng khó khăn mà chúng ta
đang gặp phải không tệ lắm, không bằng những khó khăn to lớn đã
từng gặp trước đây. Rồi chúng ta đương đầu với nó một cách cương
quyết, và sử dụng tinh thần dũng cảm để vượt qua, bằng trực tiếp,
gián tiếp hay xuyên qua vấn đề.
-
Ai cũng phải trực diện với khó khăn, tuy mỗi người phản ứng và
điều chỉnh khác nhau. Cùng một số khó khăn giống nhau, nhưng có
người thì coi nhẹ, dường như còn khỏe mạnh tráng kiện. Có người
nhìn các khó khăn ấy như những sự thử thách, thúc đẩy họ sử dụng
hết năng lực tinh thần và vật chất. Trong khi đó có người bị suy
sụp hay bị lấn áp và bị hoàn toàn bất lực bởi những xáo trộn. Điểm
then chốt của vấn đề là làm sao chúng ta có thể xử lý chúng mà
không tạo ra những khó khăn khác để sống đời bình yên.
-
2- Nội Tâm Bình Thản:
-
Sự bình thản trong phạm vi trong tâm của con người không thể kéo
dài hay bị biến mất là tùy thuộc vào thái độ tinh thần của mỗi
người. Sự bình thản của nội tâm có thể duy trì với sự tự từ bỏ hay
quăng đi cái bản tính cao ngạo. Nếu cứ bám vào cái ta giả tạm và
giữ thái độ tiêu cực, kết quả sẽ là tâm xáo trộn và bất an. Trong
cố gắng phát triển mục tiêu ích kỷ và lợi ích hẹp hòi, chúng ta sẽ
làm cho người khác không chịu đựng nổi, và cũng làm hại chính
mình. Mặt khác, dù ngoại cảnh có ra sao đi nữa, chúng ta vẫn có
thể hạnh phúc, do sự duy trì được tâm quân bình và thái độ tích
cực của chúng. Và tình trạng hạnh phúc chỉ có thể mất đi khi chúng
ta để ngoại cảnh xáo trộn. Cho nên chúng ta an nhiên bằng cách
theo đúng pháp, chánh pháp sẽ che chở chúng ta. Đức Phật nói:
-
- Kẻ nào làm hại người ngay lành, trong sạch và vô tội, quả dữ sẽ
dội lại kẻ cuồng dại đó, như tung cát bụi ngược chiều gió.
-
Thái độ tinh thần của chúng ta đối với người khác có thể quyết
định được mọi hoàn cảnh. Quả thật, nếu biểu lộ tình thương và lòng
hảo tâm với người khác, thì chúng ta sẽ nhận được tình thương và
lòng hảo tâm của họ đối với chúng ta. Nếu biểu lộ hận thù, hận thù
sẽ quay về với chúng ta. Đừng bao giờ ước vọng nhận được tình
thương quay về khi tỏ ra hận thù, khi chúng ta tỏ ra ích kỷ, và
lòng tỏ ra khinh bạc. Nội tâm có bình thản thì chúng ta mới thấy
chuỗi tương quan tương duyên giữa chúng ta và người khác.
-
3- Tâm Không Mong Cầu:
-
Thông thường trong cuộc sống ai cũng có hy vọng. Hy vọng một ngày
nào đó những ước muốn sẽ được thành tựu. Đó là hy vọng khiến con
người tranh đấu không ngừng nghỉ trước những khó khăn và thất bại
để có thể tiến tới đỉnh thành đạt cao hơn. Sự mong ước, giấc mơ
thành tựu trong tương lai xa xăm nào đó, sẽ làm cho chúng ta rạng
rỡ và lạc quan. Lẽ tất nhiên, sự hy vọng một tương lai đó là điều
cần thiết, nhưng hy vọng như thế nào để đừng bị thất vọng. Thí dụ
như chúng ta làm việc từ thiện vì mong được thưởng hay được đền
bù. Và nếu thưởng không đến, thì chúng ta trở nên vô vọng với việc
làm điều thiện. Nhưng nếu chúng ta làm điều thiện, và làm thiện vì
mục đích phục vụ chúng sanh, hạnh phúc sẽ phát sanh trong tâm cùng
với việc thi hành những hành vi này và chính nó là phần thưởng lớn
lao. Muốn được an bình, chúng ta không nên màng tới sự ham thích
được biết ơn của người khác về mỗi hành vi đã được thực hiện.
-
Như chúng ta đã biết, trong bất cứ xã hội nào, biết ơn là đức hạnh
tốt nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta nên nhớ tới sự tử tế và
giúp đỡ của người khác đối với chúng ta. Đức Phật coi sự biết ơn
là một phước lành vĩ đại, một đức tính tích cực để phát triển.
Nhưng khi chúng ta giúp đỡ người khác, cố gắng đừng mong được đền
ơn để khỏi phải thất vọng. Nếu làm việc từ thiện rồi mong chờ niềm
hạnh phúc vào người khác, mà trong khi đó con người trong cuộc đời
có nhiều người lại có khuynh hướng quên ơn thì chúng ta lại càng
đau khổ. Vì thế với tâm không mong cầu, thì nếu có người được
chúng ta giúp đỡ không bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta hãy học hỏi
chấp nhận sự quên ơn ấy với tinh thần cao độ vị tha. Nếu họ nhớ
tới sự tử tế thì hãy coi đó như món tiền thưởng thêm vào việc để
chúng ta phục vụ người khác. Nếu làm được như vậy, thì chúng ta sẽ
được hạnh phúc, dù hành vi của chúng ta có được nhớ hay không nhớ
tới.
-
4- Tâm Không Hận Thù:
-
Chúng ta phải nhớ rằng, sự trả đũa những người gây rối với chúng
ta, chỉ tạo thêm khó khăn và rắc rối cho cuộc đời. Cho nên việc
nuôi dưỡng sự trả thù, là chúng ta đã bật ngọn lửa hận thù và đổ
thêm dầu vào ảo tưởng tàn phá cho phát triển. Ngọn lửa ấy sẽ lan
rộng ra, và nó có thể thiêu hủy mọi thứ trên đường đi đến chân
thiện mỹ. Trước tiên là chính chúng ta và sau mới đến người khác.
Khi nổi sân hận, chúng ta không khác gì kẻ ác. Mang sân hận trong
người, chúng ta sẽ không còn tự kiểm soát được chính, và khiến
không thể giải quyết vấn đề, từ đó chúng ta trở thành kẻ thua
cuộc. Do vậy chúng ta phải hành động khôn ngoan giống như người có
học thức, bằng cách không sân hận hay trả đũa kẻ phá rối. Chúng ta
phải hiểu rằng ở một lúc nào đó kẻ phá rối có thể bị đầu độc bởi
tham, sân, ganh ghét và vô minh. Kẻ đó không khác gì những chúng
sanh ở trong cảnh giới của địa ngục. Sự hiểu biết như thế cho thấy
rằng chúng ta là người may mắn không sa đọa vào ba đường dữ.
-
Một khi chúng ta thực hành sự chú tâm, và hiểu sâu sắc như thế về
những yếu điểm và sức mạnh của chính mình, thì chúng ta là người
trí. Sự giác tỉnh này giúp chúng ta loại bỏ được những tư tưởng
bất thiện và phát triển tư tưởng lương thiện. Khi chúng ta tự mình
hiểu mình nhiều hơn, nhận thức được những chúng sanh khác cũng bị
vướng mắc trong tình trạng khó khăn tương tự thì chúng ta nhận
thức được chính mình là người may mắn.
-
Nhìn thấy đồng loại bị mắc bẫy trong lưới ảo tưởng của mù quáng
bởi vô minh. Chúng ta luôn luôn tranh đấu vô ích để thỏa mãn tham
dục, rồi từ vô minh và tham dục phát sinh sự thực hiện các hành vi
mà việc đó không đem lại hạnh phúc cho người khác và chính mình,
thì chúng ta là người may mắn. Mặc dù những giới hạn và yếu điểm
ấy, chúng ta vẫn có tiềm lực để chứng nghiệm phát triển tinh thần
an vui hạnh phúc. Nhận thức điều này, chúng ta có thể giúp tự thân
phát triển lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh, tha thứ những khó
khăn mà cuộc đời đã tạo ra. Để kiên định tinh thần này chúng ta
phải biết học hỏi biết tha thứ và biết quên đi. Vì Đức Phật đã
thường dạy:
-
- Kẻ ác bản tính không xấu. Nhiều người làm ác vì ngu muội.
-
Vì con người, cuộc đời ngu muội, chúng ta không nên nguyền rủa hay
kết tội họ mãi. Chúng ta cố gắng sửa chữa họ và giảng giải cho họ
biết những lầm lẫn của họ. Từ bi và sự hiểu biết như vậy được dạy
bởi Đức Phật giúp ta đối xử với kẻ ác giống như ta đối xử với một
bệnh nhân đau khổ vì bệnh tật. Thay vì kết tội họ bệnh hoạn, thì
chúng ta nên cố gắng loại trừ nguyên nhân bệnh tật khiến họ trở
nên khá hơn, và hạnh phúc hơn. Bằng cách trải tâm từ bi và lòng
hoan hỷ đến một người, là chúng ta đã cho người ấy cơ hội nhận
thức được cái dại khờ của họ và cho họ cơ hội được từ bỏ cái xấu.
-
Nói tóm lại, chúng ta là một trong những loài sinh vật khôn ngoan
và có may mắn nhất. Điều may mắn hơn hết đó là chúng ta có đầy đủ
các căn, hơn nữa lại còn được sanh trong chốn phồn hoa đô hội, gặp
Phật pháp, gặp thầy hiền bạn tốt, và có cơ hội thực tập tâm từ bi
hỷ xả, để đủ có sức mạnh biến đổi kẻ phá rối thành một người nhân
từ, kẻ thù thành người bạn. Bởi vì Đức phật nói:
-
- Sân hận không thể dập tắt được sân hận, duy có tình thương mới
dập tắt được sân hận.
-
Đó là định luật trường cửu. Nếu một người nào đó tiếp tục làm sai
lầm, chúng ta cũng nên sửa chữa người ấy thay vì sân hận si mê như
họ. Cố gắng theo gương Đức Phật bao giờ cũng lấy ân trả oán. Vào
hãy luôn luôn tự nhủ:
-
- Càng nhiều tai ương đến với tôi, tôi càng tỏ thiện chí.
-
Một số người cho rằng lấy ân trả oán là không thực tế, cho nên họ
đi theo con đường:
-
- Lấy oán trả oán.
-
Nhưng như chúng ta biết:
-
- Lấy oán trả oán, oán sẽ chồng chất, làm trầm trọng tình trạng
nguy hiểm.
-
Ai làm gì thì mặc họ, chúng ta hãy cố gắng khi chúng ta nói và
thực hiện:
-
- Lấy ân trả oán.
-
Lấy ân trả oán là không nhất thiết chỉ có nghĩa về mặt vật chất mà
thôi, mà còn trên phương diện tinh thần. Dĩ nhiên quan trọng hơn
là phát triển tinh thần nơi lòng từ ái được trải dài tới mọi nơi
chúng sanh sống trong cõi trần gian nầy. Hãy phát triển thiện chí
để lúc nào chúng ta cũng nghĩ tốt cho mọi người, dù chúng ta bị
người ta làm đau hay bị hãm hại đến mức nào đi nữa cũng thế. Ngay
cả lúc chúng ta khó thực hiện nhất, nhưng chúng ta vẫn phục vụ to
lớn cho chính chúng ta và cho người khác bằng cách không lấy oán
trả oán. Làm được như thế thì chúng ta là người không ngoan nhất,
và cũng là người may mắn nhất đời.
--o0o--
|
|