|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Người Hạnh Phúc
Trước Nhất
-
Giác Nghiêm
-
---o0o---
-
-
Trong xã hội ngày nay, không nói chúng ta ai cũng biết, nhân loại
đã và đang phát triển trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trên phương
diện vật chất. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng đã và đang lâm vào
tình trạng khủng hoảng trên phương diện tinh thần và chúng ta phải
đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng này.
-
Có những vấn đề mà nguyên nhân nằm ở ngoài tầm của chúng ta, như
những nạn sóng thần, thiên tai bảo lụt, động đất chẳng hạn. Chúng
ta không thể tránh chúng. Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác chúng
ta phải chịu đựng, chỉ vì do tánh tình, những khuyết điểm của
chúng ta. Nguyên nhân chỉ vì chúng ta không tự biết mình là người
có đầy đủ phương tất cả và là hạnh phúc trước nhất. Vậy muốn biết
mình là người hạnh phúc trước nhất, chúng ta chỉ cần sửa đổi lại
thái độ của chúng ta thì những đau khổ nhọc nhằn không còn lý do
để tồn tại. Nguyên nhân của sự xung đột này chính là sự:
-
- Không đồng quan điểm về ý thức hệ.
-
Nói đến vấn đề này, nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy có một cái gì
đó đáng tiếc cho những con người được nuôi dưỡng bởi những niềm
tin khác biệt của tôn giáo. Do vì được nuôi dưỡng bởi những niềm
tin khác biệt, hoặc không đồng trong cách sử xự mà chúng ta không
cần lưu tâm đến những điều quan trọng, và cũng không cần có một
thái độ đúng đắn trong sự hiểu biết và hành xử đẹp. Vì thế mà
người trong cùng một tổ chức không ngần ngại đả kích lẫn nhau,
người khác niềm tin tôn giáo cũng không ngần ngại bôi bác, bẻ cong
sự thật khi người kia không cùng quan điểm với mình.
-
Mặc dù trong thế giới hiện tại có rất nhiều triết thuyết ra đời.
Tuy nhiên theo quan điểm của Phật Giáo, chúng tôi thấy lòng từ bi
là nền tảng, và cũng là chỗ nương tựa tối thượng của nhân loại.
Bản chất lòng thương vượt bực này có khuynh hướng thương yêu người
lân cận, giúp đỡ con người khi đau khổ, tự quên mình vì nhân loại,
là một thái độ mà chỉ có những người tu học đạo giải thoát mới có
thể quên mình lo lắng cho kẻ khác. Quả thật khi con người biết vận
dụng bản chất thương yêu, cách cư xử nồng nàn thì những phẩm chất
của tâm lương thiện được biểu lộ. Do vậy chúng ta là người được
hạnh phúc trước nhất. Từ hạnh phúc này, những người chung quanh,
cảm thấy bầu không khí an vui và thiện cảm mà chúng ta tạo ra
quanh mình, tự họ cũng cảm thấy được lợi lạc. Nhưng loại kinh
nghiệm hạnh phúc này có thể không dừng lại ở đó mà còn trải rộng
đến khắp mọi người mọi nơi chung quanh. Cũng từ đó chúng ta mới có
thể cảm thông từ cá nhân nầy đến cá nhân khác, giữa những người
công dân từ xứ sở này qua xứ sở khác, từ lục địa này sang lục địa
khác.
-
Yếu tố trợ duyên cho tinh thần tương thông dễ chịu này, chính là
sự tư duy phân tích lẫn thiền định. Nó đặt nền tảng nầy trên một
nguyên lý căn bản:
-
- Lòng bi mẫn, sự chăm sóc đối với người khác.
-
Tuy nhiên lòng bi mẫn và sự chăm sóc đối với người khác không phải
là không có cái tôi, vì cái tôi này không thể chối bỏ được. Tất cả
mọi người chúng ta ai cũng đều có một cảm giác đích thực trong tận
cùng sâu thẳm nhất của chúng ta, và nó diễn dịch thành:
-
- Tôi muốn điều này, tôi không muốn điều kia.
-
Đây là loại cảm giác biểu lộ một cách tự nhiên nơi chúng ta và
cũng rất tự nhiên đi kèm theo:
-
- Một ước muốn hạnh phúc và một từ chối khổ đau.
-
Lẽ tất nhiên, chúng ta ai cũng mong muốn được hạnh phúc, và không
muốn khổ đau, điều ấy hoàn toàn chính đáng. Chúng ta khỏi cần phải
biện hộ cho những suy tư này. Với tư cách của một con người sống
trong xã hội, chúng ta có quyền được sống hạnh phúc và không bị
đau khổ. Vậy tình cảm tự nhiên này, quyền hạnh phúc này không phải
chỉ thuộc về chỉ có bản thân của chúng ta, mà cũng là cho tất cả.
Bởi vì, khi chúng ta nói đến cái tôi, điều đó chỉ liên quan đến
một người, còn khi nói là tất cả, thì có nghĩa là đang nói đến vô
số người.
-
Vấn đề này không phải là trừu tượng. Quả thật như vậy, chúng ta
nên tư duy bằng cách phác họa trong trí bức tranh sau đây. Hãy
tưởng tượng ở một bên là cái tôi của chúng ta, cho đến lúc này là
cái tôi của chúng ta chỉ lo lắng cho những ích lợi riêng của bản
thân. Còn bên kia là một đám đông sinh linh đầy dẫy đau khổ. Ở
giữa chúng ta và những sinh linh đau khổ, một nhân tố thứ ba quan
sát hai bên. Lúc đó nhân tố thứ ba sẽ cho chúng ta sự ghi nhận:
-
- Quả thật, cả hai bên có cùng một nguyện vọng được hạnh phúc, và
ghê sợ sự khổ đau.
-
Cả hai đều có quyền được mãn nguyện, chắc chắn không ai có thể
chối cãi được! Nhưng khi người ta bị điều động bởi tình thương
chính mình, thì người ta thấy rằng không có gì quan trọng hơn
chính mình. Tuy nhiên, dù giá trị mà lòng ích kỷ tự nhận có lớn
đến đâu, nó cũng chỉ đại diện cho một người, và dù giá trị nó nhận
ra ở người khác có ít đến đâu, thì những người khác ấy là vô số.
Người quan sát vô tư không thể nói ngược lại một điều rõ ràng như
thế. Một khi nhận biết giá trị của số đông hơn cá nhân của một
người, chính trong lúc đó chúng ta hiểu rõ giá trị của người khác
có tương quan với chính mình. Vì thế có câu hỏi:
-
- Chúng ta có nên dùng những người khác để họ phục vụ cho những
mục đích của bản thân mình không?
-
Câu trả lời rõ ràng:
-
- Tất cả làm lợi cho chỉ một người, điều đó sẽ không công bằng, và
cho dù nó có thể thực hiện được, nó cũng không đủ làm cho chúng ta
sung sướng.
-
Điều hay nhất là đem những khả năng và cái tốt đẹp nhất của mình
để phụng sự cho tất cả. Đó là nguyên nhân chúng ta có thể tạo nên
những niềm vui lớn cho mọi người. Nếu chúng ta kiên trì trong thái
độ này, với tư tưởng hợp lý này, chúng ta sẽ thấy rằng lòng bi, và
tình thương người khác sẽ dần dần lớn mạnh. Lúc đó chúng ta còn có
thể trải rộng lòng từ bi đến với những kẻ thù của chúng ta, điều
mà những cố chấp hẹp hòi bình thường không thể làm được. Bởi vì,
đối với những người thân cận như:
-
- Cha mẹ, con cái, anh em ...
-
Chắc chắn chúng ta có tình thương, nhưng đó chỉ vì họ là mẹ, là
cha, là con cái, là anh em của chúng ta, và vì thế chúng ta quý
mến họ. Khi tình thương liên kết với cố chấp hẹp hòi, thì chúng ta
không thể thương yêu những ai tỏ ra nghịch lại với những quan điểm
của chúng ta. Điều này nó không thích hợp đối với tình cảm nảy
sinh từ sự biết ơn trong sáng về cuộc đời trong mọi hình thức,
nhất là cá nhân của chúng ta một khi đã chịu ơn với một ai đó. Nếu
chúng ta biết khai thác triệt để sự biết ơn này, và khởi từ đó để
sự biết ơn và tình thương càng ngày càng rộng rãi thêm, để chúng
ta có thể không bỏ bất cứ một ai, ngay cả kẻ thù.
-
Để đạt đến mục tiêu này, yếu tố cần thiết là phải phát triển lòng
khoan dung và đức tính nhẫn nhục. Khi thực hiện hai tâm hạnh này,
chúng ta phải coi không ai khác ngoài kẻ thù có thể tạo cho chúng
ta dịp may để biểu lộ, để thể hiện hai tâm hạnh này. Trong khi đó,
cha mẹ, hay các vị thầy của chúng ta, chính họ mới làm cho chúng
ta khắc ghi điều đó được. Chúng ta hãy chấp nhận cho người ghét
chúng ta có vinh dự ấy, bởi vì vấn đề này, không có một ai tốt
hơn! Cho dù một vị thầy đặc biệt nhất cũng không sốt sắng bằng
những kẻ thù của chúng ta.
-
Nhiều lần, tôi đã có thể nhận ra rằng, những thời gặp nhiều khó
khăn nhất của cuộc đời, cũng là những thời kỳ phong phú nhất về sự
hiểu biết cũng như kinh nghiệm. Khi nào cuộc đời không dẫn chúng
ta đi lạc lối, thì sự tiến bộ dễ dàng, tất cả đều êm dịu, và điều
đó rất tuyệt diệu. Nhưng có những lúc không may mắn, chúng ta dễ
dàng rơi vào thất vọng và tuyệt vọng. Tuy nhiên, chính trong sự
đối nghịch mà cơ hội đến cho chúng ta để học hỏi nhiều. Chính lúc
đó sức mạnh bên trong, sự quyết tâm, lòng can đảm được trui rèn để
đối mặt với thử thách. Người đem lại cho chúng ta dịp may này,
không ai xa lạ chính là kẻ thù của chúng ta.
-
Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải cúi rạp mình trước họ.
Thật vậy, tùy theo những cách thức mà người ta dùng, người ta có
thể được dẫn đến một thử thách sức mạnh. Nhưng, ở trong sâu xa của
chúng ta, không vì vậy mà mất sự bình, an cũng không quên lòng bi
mẫn. Nhiều người có thể nghĩ:
-
- Có lẽ các Thầy nói hơi quá đáng.
-
Hoàn toàn không phải như thế. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có
thể kinh nghiệm về chuyện đó, và tự chính mình ghi nhận. Không gì
xứng đáng cho những nỗ lực của chúng ta bằng sự phát triển năng
lực của tình thương. Đây là điểm chính yếu mà chư tôn đức thường
lặp đi lặp lại, và đó cũng là thông điệp chính của Phật Giáo.
Trong lĩnh vực này, có lẽ chúng ta nên dấn thân thực hành một cách
triệt để hơn là dấn thân vào những cuộc tranh luận triết lý. Chúng
ta hãy thực tập lòng bi mẫn này, vì nó là tinh túy thực sự của
cuộc đời. Người ta có thể tự cho mình là Phật tử khi người ta cố
gắng làm tăng trưởng việc thực hiện điều này. Khi cố gắng thực
hành đức hạnh này, dù người ta không đặt Đức Phật lên bàn thờ thì
người ấy cũng được coi là một Phật tử. Còn ngược lại, những ai tự
cho mình là Phật Tử, nhưng không thể hiện được trọn vẹn lòng bi
mẫn thì không phải là một phật tử chính hiệu.
-
Quả thật như vậy. Dù cho tôn giáo của họ là gì, cũng đừng nên dừng
lại vì những từ ngữ vấn nạn của tôn giáo. Là người phật tử chúng
ta chỉ nói điều đó theo lợi ích của mọi người, chấp nhận tính ưu
thắng đối với cái thực sự là chính yếu trong cuộc sống hằng ngày
của chúng ta. Về phương diện này, Phật Giáo và những tôn giáo khác
không khác nhau mấy. Tất cả đều coi cái cốt lõi là sự tiến bộ của
con người, tình anh em và tình yêu thương là điều kiện chính yếu
trong cuộc sống. Hãy nắm lấy cái chính yếu của lẽ sống thì chúng
ta sẽ thấy có rất ít sự bất đồng giữa con người và con người.
-
Mục đích cuối cùng của người tu học theo quan điểm Phật giáo là
Niết Bàn giải thoát. Thật ra Niết Bàn giải thoát không có gì là xa
vời đối với tất cả mọi người chúng ta. Bởi vì, nếu chúng ta theo
dòng những tháng ngày của một đời lương thiện và biểu lộ lòng tốt,
tình thương yêu, sự tử tế quên mình thì điều ấy sẽ tự động đưa
chúng ta đến Niết Bàn giải thoát. Trái lại, nếu chúng ta kèn cựa
về những vấn đề triết lý mà không coi trọng trong cách hành xử
trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến một trạng
thái xa lạ, có thể là phiền não khổ đau, chứ không phải Niết Bàn.
Nếu sự thực hành hằng ngày của chúng ta là không có gì, thì chắc
chắn đó là điều không thích hợp với giáo lý giải thoát.
-
Chúng ta hãy áp dụng trong đời sống mỗi ngày, những lời khuyên
chân thành của chư tôn thiền đức. Bất kể người ta tin hoặc không
tin vào Thượng Đế, bất kể người ta tin hoặc không tin vào Đức
Phật, bất kể ngay cả khi người ta là phật tử, người ta tin hoặc
không tin vào sự tái sanh! Điều quan trọng là sống một cuộc đời
tốt đẹp. Một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo
mặc đẹp và một mái nhà xinh xắn, mà là một cuộc sống sinh động bởi
những ý định trong sạch, một lòng từ bi không giáo điều cũng không
triết lý bác học. Với quan điểm đó, chúng ta có thể hiểu những
người khác, đàn ông, đàn bà là những người anh và người chị của
chúng ta, đó là cách chúng ta kính trọng quyền lợi và phẩm giá của
họ. Từ trong chiều hướng đó, khả năng giúp đỡ lẫn nhau chúng ta có
thể phát triển một cách tuyệt diệu. Chúng ta cần phải cứu giúp
những người ấy trong cơn tuyệt vọng khốn cùng trong phạm vi và khả
năng của chúng ta. Không có sự giúp đỡ vật chất, thì bày tỏ sự
quan tâm, cho một nâng đỡ về một đạo đức, biểu lộ thiện cảm đã là
quý giá. Thái độ sống này phải áp dụng toàn bộ trong mọi sinh hoạt
của chúng ta.
-
Trong thế giới hiện đại, theo một số người, tôn giáo chỉ có lý do
tồn tại đối với những người ở chốn xa xôi tận cùng, miền sâu, miền
xa heo hút ... Trong khi trong thế giới của sự sống động và của
chính trị, người ta không cần biết nó để làm gì.
-
Điều đó không phải như vậy. Tôn giáo, nhất là Phật Giáo đến với
mọi người với một niềm tin đơn giản, động cơ chủ yếu là tình
thương. Mọi hành động hợp lý và thung dung đặc biệt những sự việc
nhỏ nhặt đều từ một động cơ thương yêu. Trong lĩnh vực chính trị,
nếu chúng ta có những ý định trong sạch và với ý nghĩ này chúng ta
sẽ cải thiện xã hội, lúc ấy chúng ta là một chính trị gia tốt, và
lương thiện. Chính trị không có gì xấu trong chính nó. Đôi khi,
người ta đổ lỗi cho nó, người ta nói nó dơ bẩn mà người đời thường
gọi là:
-
- Chính trị hoạt đầu
-
Nhưng chúng ta phải coi đó là một sự cần thiết, một dụng cụ được
tạo ra để giải quyết những vấn đề con người, những khó khăn cho xã
hội. Nó không phải là một sự xấu, nó đáp ứng cho một nhu cầu. Trái
lại, những cá nhân mập mờ, thiếu cẩn trọng và động cơ chân chính
là chiếm lấy quyền hành, thì lúc đó chính trị có thể trở nên dơ
bẩn. Chúng ta có thể làm một cuộc trắc nghiệm tương tự vậy trong
lĩnh vực tôn giáo:
-
- Nếu chúng ta giảng đạo với một động cơ xấu, thì bài thuyết pháp
sẽ trở nên xấu và có hại.
-
Nhưng đó không phải là một lý do để đổ lỗi cho tôn giáo đó xấu xa.
Vì vậy động cơ chính yếu chính là con người và tâm tư của mỗi
người. Vì thế là người học Phật, niềm tin của người học Phật đơn
giản là đặt niềm tin của chúng ta nơi tình thương, sự tôn trọng
người khác và sự chân thực. Niềm tin, không phải chỉ dành riêng
những giá trị này cho lĩnh vực tôn giáo, nhưng nó cũng rất phù hợp
với chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, pháp luật, y khoa,
và với những kỹ thuật tâm linh. Hơn thế nữa nó còn có nhiệm vụ trợ
giúp nhân loại mọi người ai cũng có sự hiểu biết và lòng tử tế để
làm đẹp cộng đồng nơi chúng ta sinh sống. Nếu không, thay vì đem
lại một sự khả quan hơn, chúng lại trở nên một đe dọa cho thế
giới, một mối lo sợ cho tất cả.
-
Nhân loại đã và đang có một nhu cầu về sự có mặt của lòng từ bi.
Nhìn gần hơn, thế giới này ít hạnh phúc vì thiếu tình thương toàn
khắp. Quả thật như vậy, khi mà con người có rất nhiều vấn đề,
trong khi đó lại không có căn bản nào để giải quyết những vấn đề
như thế, thì đó là hiện tượng của một xã hội đang lâm vào tình
trạng rối loạn vô trật tự. Nơi đó chúng ta thấy:
-
- Con người than thở nhiều về sự cô đơn và sự kiệt sức không có
sức sống. Thất vọng, lo âu và về một cuộc sống thiếu căn bản đạo
đức ...
-
Đây là những tình trạng càng ngày càng phổ biến. Công lý và ngay
thẳng trong một xã hội như vậy đương nhiên là không phù hợp nên
phải nhường chỗ cho những mưu mô và xảo quyệt ngự trị. Trong hoàn
cảnh một xã hội như thế, nếu một ai tự cho là hành động vì lợi ích
của những người khác bằng một hậu ý ích kỷ, thì con người đó chỉ
nói đến hòa bình và tình thương mà không bao giờ để ý gì đến hòa
bình và tình thương. Vì thế khi những sự việc không giải tỏa được
cho đến lúc trở nên trầm trọng, thì đó chính là nguyên nhân dẫn
đến những cực đoan như áp bức hay chiến tranh bùng nổ.
-
Cái không khí lo âu này, chính là môi trường sống ô nhiễm đối với
cuộc sống thiếu tình thương và hiểu biết hằng ngày của chúng ta.
Điều không ai tin như thế nhưng đó là sự thật. Có thể người ta sẽ
nghĩ giải pháp khác, giải pháp chuyển hóa bên trong, điều đó có
thể thực hiện và sẽ trở nên tốt đẹp. Nhưng có người cho đó là lý
tưởng và không thích hợp với hoàn cảnh của chúng ta ở đây và thế
giới hiện giờ. Tệ hơn nữa, nếu chúng ta cứ tiếp tục đồ lại trên
một kiểu mẫu xã hội hoàn toàn bị điều kiện hóa bởi tiền tài và
quyền lực, và ít chú ý đến những giá trị thực của tình thương kiểu
mẫu, trong khi đó nhân loại mất mọi điều kiện về công lý, về lòng
tốt và lương thiện, thì những thế hệ tới có thể sẽ làm mồi cho
những khó khăn tệ hại hơn, và những đau khổ còn kinh khủng hơn.
Như thế, mặc dù một thay đổi nội tâm có vẻ khó khăn, nhưng nếu như
không hành thì chúng ta sẽ không biết được kết quả.
-
Chúng ta có thành công hay không là một vấn đề khác, nhưng khi
chúng ta thực hiện, cho dù nếu chúng ta không đạt đến mục đích mà
chúng ta đã chỉ định cho mình trong đời này, thì cũng không có gì
phải bận tâm. Nhưng ít ra, chúng ta đã thử xây dựng một thế giới
đẹp hơn, đặt nền tảng trên tình thương đích thực và không phải
trên lợi ích cá nhân.
-
Những nhà điều hành xã hội, luôn luôn lúc nào cũng bận rộn hằng
ngày để sắp xếp những vấn đề nhắm vào những thứ cấp bách nhất,
đồng thời còn phải biết đến những nguy hiểm về lâu dài mà xã hội
và loài người phải chuốc lấy. Lấy một ví dụ:
-
- Chúng ta cần một thân thể lành mạnh và khỏe để tránh những bệnh
nhỏ nhặt thông thường. Nếu lỡ một thân thể không lành mạnh và sức
khỏe ươn yếu, thì chúng ta phải nhanh chóng điều trị.
-
Cũng thế đối với xã hội, việc đầu tư toàn triệt một cách hiện thực
vào những giải pháp ngắn hạn, vì những lợi ích nhất thời thì giống
như uống một viên thuốc vào những lúc bị bệnh. Trong khi cùng lúc
lo chăm sóc cho tương lai nhân loại tương tự với việc trau dồi một
thân thể lành mạnh. Cho nên chúng ta không thể quên những biện
pháp dự phòng, và phải thấy những vấn đề tức thời và những vấn đề
dài hạn.
-
Nói tóm lại, chúng ta là những con người đến từ nhiều phương trời
khác nhau. Thoạt nhìn, chúng ta rất khác biệt nhau, nhưng càng nói
đến khác biệt thì những khoảng cách càng lớn dần giữa chúng ta.
Nhưng nếu chúng ta nhìn mọi người cùng giống là những con người,
những đồng loại, với một cái mũi, hai con mắt, thì khoảng cách
giữa con người và con người sẽ tự nhiên sẽ biến mất. Là một con
người, có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, chúng ta muốn hạnh
phúc, những người khác cũng thế. Khi đã có ý niệm lành mạnh như
thế, là chúng ta đã có thể chấp nhận lẫn nhau, từ đó một sự kính
trọng, một sự tin cậy thật tình có thể sinh ra giữa chúng ta. Sự
giúp đỡ nhau và hài hòa sẽ tự chúng hiển lộ ra. Đó là cái lý do có
thể chấm dứt những khó khăn không cùng.
-
Trong thế giới ngày nay, tất cả liên hệ chặt chẽ với nhau. Không
có một xứ nào, một lục địa nào tự là chủ của vận mệnh mình. Số
phận của mỗi cái không thể tách lìa với số phận của tất cả. Vậy
thì cái chính yếu là thiết lập giữa chúng ta với người một sự cảm
thông đích thực, với những ý định trong sáng, không có hậu ý xấu
xa. Như thế chúng ta cùng thành công giải quyết tốt những vấn đề.
-
Đó là một niềm vui sướng khi tương thông bằng trí tuệ, và trái tim
từ người này sang người khác, và điều ấy cần thiết biết bao! Một
động cơ trong sạch là mấu chốt trong cuộc sống hằng ngày của chúng
ta. Như thế nếu là một cá nhân trong một xã hội cùng sống với nhau
trong tinh thần trí tuệ và trái tim hiểu biết thì chúng ta là
người hạnh phúc trước nhất.
--o0o--
|
|