TẬP SAN DƯỢC SƯ

Giá Trị Của Cuộc Đời
Tịnh Nghiêm
---o0o---
 
Là người học Phật trong chúng ta ai cũng biết, thân thể của con người được mô tả là do một sự kết hợp của bảy đại và năm uẩn. Do sự kết hợp này, mà chúng ta hiện hữu và nó tiếp tục thay đổi để trưởng thành cho đến khi tan rã. Qua cái nhìn toàn diện của Phật giáo, không có gì vĩnh viễn hiện hữu, mà phải theo định luật vô thường thay đổi và tan rã. Kể cả thân bảy đại của con cũng chẳng là cái gì cả, bởi vì nó là một tổng hợp trừu tượng cho một hỗn hợp luôn luôn thay đổi có thành phần hoá chất cấu tạo. Những ai chịu khó nghiền ngẫm thì bắt đầu nhìn thấy đời mình giống như giọt nước trên một dòng sông đang chảy và vui mừng đóng góp phần mình vào dòng sông đời vĩ đại, mà không biết rồi mình sẽ chảy đi về đâu.
Đó là nói thân phận của con người trên cuộc đời này. Còn nói về đời sống thì cũng không phải chỉ thuộc về loài người không thôi, mà là nhiều sinh loại khác hiện hữu trong vũ trụ. Tuy nhiên loài người biết suy nghĩ nhiều hơn và có khả năng về lý trí hơn. Trên phương diện ấy, con người cao hơn chúng sinh khác vì có trí thông minh để xây dựng cuộc đời, để thoát khỏi đau khổ trần thế, và tạo cho bản thân có một giá trị trong cuộc sống. Cho nên nếu mục đích cuộc đời là chỉ để xóa tan những nỗi khổ niềm đau, thì con người có thể đạt cứu cánh ấy do nỗ lực của chính mình. Nhưng cuộc đời sẽ là sự thất bại, không có giá trị nếu không được sử dụng thích đáng. Do vậy Đức Phật nhấn mạnh đến phẩm giá của con người và giảng dạy về giá trị con người. Ngài vẽ một bức tranh toàn hảo về con người, để cho chúng ta phấn đấu hết đời này đến đời khác trong việc tìm cầu một đời sống toàn hảo. Đức Phật phân chia tất cả nhân loại làm bốn nhóm:
1- Những người làm việc vì lợi ích của chính mình, mà không vì lợi ích của người.
Đó là những người chỉ phấn đấu loại bỏ tham, sân si do chính mình, mà không khuyến khích người khác loại bỏ tham, sân si và cũng không làm gì phúc lợi cho người khác.
2- Những người làm việc vì lợi ích của người mà không vì lợi ích của mình.
Đó là người khuyến khích người khác bỏ nhược điểm con người và phục vụ cho họ, nhưng không tự tranh đấu để loại bỏ nhược điểm của chính mình.
3- Những người không làm việc vì lợi ích của chính mình, và cũng chẳng làm việc vì lợi ích của người.
Đó là người không tranh đấu để loại bỏ nhược điểm của chính mình, và cũng chẳng khuyến khích người khác bỏ các nhược điểm và cũng không phục vụ người.
4- Những người làm việc vì lợi ích của mình và cũng làm việc vì lợi ích của người.
Đó là người tranh đấu để loại bỏ tư tưởng tội lỗi trong tâm của mình, đồng thời giúp người khác làm điều thiện.
Trong bốn hạng người này thì hạng người thứ nhất chỉ lo cho mình, có hơi ích kỷ nhưng tạm được vì dù sao đi nữa thì cũng biết tu thân. Hạng người thứ hai thì chỉ biết nói, nhưng không thực hành. Hạng người thứ ba thì quá tệ. Hạng người thứ tư thì quá tốt đẹp.
Từ cách hành xử bốn loại người, nếu chúng ta suy ngẫm sâu xa hơn, chúng ta phải đồng ý với khái niệm này, vì kho tàng hòa bình và hạnh phúc cao quý không cần thiết phải ở trong tay người giàu mà là phải ở nơi con người từ bỏ trần tục, biết hy sinh cuộc đời cho chúng sinh vạn loại. Nhiều người tìm kiếm một đời sống an vui thánh thiện, nhưng vì thiếu hiểu biết, không có kiên nhẫn cho nên thấy cuộc đời đáng chán, và cuối cùng rơi vào tình trạng không biết làm gì để sống qua ngày.
Phải biết rằng, hạnh phúc mà chúng ta có thể đạt được, do từ các nguyên nhân như:
- Bất mãn,
- Không thành công và
- Thất bại.
Quả thật, chúng ta không tìm thấy giá trị của cuộc đời, nghĩa là cuộc đời nếu không có xáo trộn, khó khăn, tai ương, thất vọng, sợ hãi, bất an, thua lỗ, bất hạnh, và cả ngàn tình trạng khác, thì giá trị của cuộc đời không có ý nghĩa. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn phấn đấu để thoát khỏi những tình thế bất hạnh này theo đường lối ăn miếng trả miếng, thì chúng ta lại tự mình vướng mắc vào nhiều khó khăn khác. Bởi vì khi tìm cách thoát ra khỏi một khó khăn dù có ý hay vô tình, chúng ta cũng tự mình tạo ra những khó khăn khác. Con đường hay nhất khi muốn chấm dứt những khó khăn, là chúng ta hãy chấp nhận những khó khăn và khổ đau. Khi đã biết chấp nhận như vậy, chúng ta sẽ không phàn nàn vì không có sự lựa chọn nào khác. Như Đức Phật đã từng nói:
- Đời là biển khổ.
Vì thế khổ đau lúc nào cũng ở đó! không có cách nào có thể tránh được khổ đau và bất hạnh. Khổ đau theo Đức Phật là một căn bệnh chỉ có thể hoàn toàn khỏi được khi biết tự chấn chỉnh thân tâm. Trong kinh nghiệm này, Phật giáo nhấn mạnh đời người rất ngắn ngủi, vì thế muốn cho cuộc đời có giá trị thì chúng ta nên lưu tâm, tích cực hoạt động trong đường hướng phục vụ chúng sanh nhân loại, và lưu ý đến con đường thực hành, hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta dường như chưa hiểu rằng chúng ta ở cõi đời này chỉ trong một thời gian ngắn, trong vòng mấy mươi năm thôi. Và cho dù có biết được chân lý nhưng nếu không đi theo con đường chân lý thì cuối cùng cuộc đời khổ vẫn cứ khổ. Do vậy mà chúng ta phải cố gắng làm gì cho quãng đời còn lại của chúng ta.
Để xác định giá trị của cuộc đời, chúng ta phải ý thức được rằng, toàn thể vũ trụ là một chiến trường rộng lớn. Chuỗi ngày sống trong cuộc sống chúng ta chẳng là gì cả, mà là một chuỗi ngày tranh đấu, qua đó chúng ta cũng có những ghi nhận:
- Con người chống đối con người,
- Người chống đối với thú vật, thú vật chống người,
- Người chống thiên nhiên, thiên nhiên chống người,
Chính tâm con người là một chiến trường lớn nhất. Những vấn nạn mà có là do vì tâm chúng ta không ổn định. Khi mà tâm chúng ta không thanh thản với chính mình, thì chúng ta không thể hòa bình với người thân của chúng ta. Người thân nhất của chúng ta còn không hòa được thì thế giới bên ngoài chiến tranh bùng nổ là chuyện thường. Sự thực chứng minh từ nơi cá nhân mà chiến tranh hận thù có mặt, chiến tranh thực sự ở bên trong. Vì thế mà lời cầu nguyện quan trọng nhất của nhân loại ngày nay là:
- Hoà bình.
Hòa bình ơi
Chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê.
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba mươi tuổi đời thoát từ vành môi
Ba mươi năm trời khổ đau nhiều rồi
Người về đây xin may áo cưới
Tặng người yêu đi trong gió mới
Tôi đón em đi về
Tôi đón em đi về xây đẹp tình quê ...
Hòa bình ai cũng mong muốn nhưng không có hòa bình. Thế giới bị cuốn hút vào vòng tranh chấp hận thù, cho đến khi nào những mâu thuẫn của con người với chính mình chấm dứt thì thế giới mới có hòa bình. Do vậy mà dưới mắt của Đức Phật, chúng ta đang như con cá trên dòng sông sắp cạn, bị kìm kẹp trong tham ái, vùng vẫy hết chỗ này chỗ kia để thoát, giống như con thỏ rừng bị mắc bẫy hay như mũi tên bắn trong đêm tối. Ngài nhìn thấy sự tranh giành lẫn nhau, cái vô nghĩa vô lý của hàng loạt cướp bóc trong đó có kẻ này dày xéo kẻ khác, người cai trị người. Chiến tranh gây ra do tâm con người, và cũng chính tâm con người này có thể tạo hòa bình và công lý nếu con người sử dụng tâm không thiên lệch.
Lịch sử của thế giới cho chúng ta biết sự kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo cuồng tín, tham quyền thế chính trị, và của cải đã tạo ra nhiều thống khổ và đã tiêu diệt một phần lớn nhân loại. Tinh thần này không bao giờ đóng góp gì cho việc phát triển thế giới. Bên cạnh những người chỉ biết chạy theo những tham vọng cuồng si, chúng ta còn thấy có những khả năng của con người có tâm thương đạo mến đời làm nhiều việc vĩ đại hơn, và cao quí hơn. Cho nên là người Phật tử, chúng ta phải nhận thức rằng:
- Chúng ta sinh ra trong cõi đời này để làm việc thiện và không để thì giờ trôi qua vô ích. Nếu là biếng nhác, thì chúng ta là gánh nặng cho thế giới này.
- Chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến việc nâng cao lòng tốt và trí huệ để xứng đáng là một con người.
- Phí phạm cuộc sống con người trong nuối tiếc dĩ vãng, trong biếng nhác và không lưu tâm đến những người xung quanh, chứng tỏ sự có mặt của chúng ta trên thế giới này không đáng kể.
Đó là lý do để giải thích tại sao những đạo sư giác ngộ như Đức Phật, sau khi thấy cuộc đời đúng theo viễn cảnh của nó, Ngài đã khuyến khích hàng môn đệ đừng để đời sống chạy lòng vòng theo chu trình sinh tử, trong lúc chúng ta phải chịu đau khổ về thể chất lẫn tinh thần. Thay vì để cuộc sống của chúng ta đắm chìm trong tham vọng và si mê, chúng ta có thể sử dụng sự hữu hiệu đời sống này cho mục đích tốt đẹp hơn bằng cách phục vụ người khác, trau dồi luân lý, rèn luyện tâm trí, và sống như một người có văn hóa trong hòa bình, hòa hợp với phần tử còn lại của thế giới. Theo Đức Phật, con người không phải là bù nhìn vô trách nhiệm. Con người là quả cao nhất của cây tiến hóa:
- Dẫn từ tăm tối đến ánh sáng,
Từ không chân lý đến chân lý, và
Từ tử đến bất tử.
Những điều này tuy đơn giản, nhưng có ý nghĩa đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Tất cả những câu con người hỏi về đời sống đều liên quan đến những chúng sinh khác, nhưng lại không bao giờ chịu hòa giải và chia sẻ những gì được coi tốt đẹp cho nhau. Mặc dù có nhiều tín đồ của nhiều tín ngưỡng tin tưởng có sự hiện hữu của thiên đường trường cửu, nơi đây có một đời sống hạnh phúc bất diệt. Nhưng chúng ta vẫn chưa nghe thấy những tín đồ thuần thành của một tôn giáo nào say mê từ bỏ cuộc sống trần thế, và những thứ mà họ là sở hữu chủ để  được về thiên đàng. Tương tự như vậy, ngay cả người Phật tử cũng thích bám víu vào đời sống trần thế quí giá của họ, mặc dù họ biết rằng đời sống trên trần thế này chẳng là gì cả mà chỉ là khổ đau, và hạnh phúc tối thượng là Niết Bàn.
Ngày nay cái khó khăn nhất của một số quốc gia phải đương đầu là vấn đề gia tăng dân số. Hàng triệu người cần thực phẩm, chỗ ở, tiện nghi và an ninh. Trong trường hợp này chúng ta nên sử dụng một cách hữu hiệu nhất đời sống, và tìm hạnh phúc mà chúng ta có thể đạt bằng phương thức thực tiễn, chính đáng hơn là lo lắng quá đáng về lý thuyết trừu tượng, hay những bí ẩn của cuộc đời. Do vậy người phật tử chúng ta phải biết an ủi con người, hay thức tỉnh con người về sự thật đời sống. Cho con người biết được đời sống không thê lương và vô vọng, để cho con người có hy vọng, và hy vọng một đời sống tốt đẹp hơn. Khi con người cảm thấy có giá trị của cuộc đời, khi thấy bản chất cao quí, tuyệt trần của mình, người đó không còn khóc than về mục đích cuộc đời, vì đã nhận thức được chính mình là mục đích. Quả thật như vậy, cho nên Đức Phật đã từng nói:
- Không có một siêu nhân nào có thể cao hơn con người toàn thiện.
Con người có thể tự nâng chính mình lên trên giới hạn cá nhân để theo bước chân của Đức Phật. Cho nên điểm quan trọng nhất và giá trị nhất của cuộc đời là về đời sống. Chúng ta phải sử dụng đời sống của chúng ta một cách hữu hiệu và có ý nghĩa nhất. Bởi vì đã có nhiều người sống một cuộc đời hẹp hòi, giới hạn, buồn tẻ và thất vọng vì họ không thấy giá trị của cuộc đời, và không cố gắng sử dụng tích cực hữu hiệu nhất những gì mà đời sống đang có. Trong khi đó những điều này có thể làm được bằng cách phát triển lý tưởng, phục vụ nhân quần xã hội. Lý tưởng của chúng ta là phải trau dồi đức tính con người để sống một cuộc đời hạnh phúc và an lạc. Lối sống được coi như là một cuộc sống đạo hạnh, cao thượng chính đáng, học thức được kính trọng bởi con người và cuộc đời. Do vậy chúng ta phải luôn luôn tâm niệm:
- Khi chúng ta không làm cho người khác hạnh phúc, thì chúng ta không thể sống hạnh phúc.
Cho nên chúng ta phải cố gắng sống hết sức mình, đồng thời khi gặp đối nghịch, hay được tưởng thưởng bởi phần nào của thành công, phải tự hỏi:
- Chúng ta đã làm hết mình chưa!
Và cả đến khi không được tưởng thưởng, phải nhớ lại con đường thực hành cuộc sống có giá trị không chỉ nằm trong những thành tựu, mà là trong chấp nhận sự được và thua. Và phải luôn luôn nhớ, mục đích của toàn bộ cuộc đời là ngăn chận, hay giảm bớt khổ đau để tìm hạnh phúc cho bản thân và người khác. Nếu thực sự chúng ta muốn có hạnh phúc trường cửu, và trong tâm hoàn toàn muốn thoát khỏi những phiền toái, chúng ta phải học cách đạt được nó. Bằng cách kiếm nhiều tài sản, quyền uy, và những điều kiện trần thế nhiều hơn, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể thỏa mãn thực sự. Phải nhớ rằng không ai bắt chúng ta phải làm một hành động đặc biệt nào đó. Không ai phạt hay thưởng chúng ta. Chúng ta có hoàn toàn tự do ý chí và lựa chọn. Nếu nghĩ rằng chúng ta có thể chịu được tất cả những khổ đau vật chất và tinh thần. Chúng ta có thể ở trong vòng sanh tử, và tiếp tục gào khóc, rên siết, đau khổ, nguyền rủa, càu nhàu tranh đấu, làm việc như nô lệ suốt cả đêm lẫn ngày, đương đầu với khó khăn, và chướng ngại thì không nên hoang phí thời giờ như vậy. Thực ra trong suốt cuộc đời, chúng ta đã bỏ thì giờ, năng lực và tâm trí vào sự tranh đấu để tồn tại. Tranh đấu để có quyền thế, tên tuổi, lạc thú và tranh đấu để vượt qua những sự việc nguy hiểm. Đôi khi chúng ta đạt được một chút lạc thú, nhưng lạc thú nào thì cũng chấm dứt bằng những khổ đau.
Hãy nhìn vào thế giới, chúng ta có thể thấy con người đánh nhau giết chóc, thiêu đốt, ném bom, bắt cóc, cướp phá lẫn nhau. Sự tiêu diệt đồng chủng, đồng loại trở nên một trò chơi giải trí, hay để vui đùa cho tâm tàn ác mà ra. Đó là vì con người quên đi tính tốt con người và để tư tưởng, hành vi, lời nói tội lỗi ngự trị trong tâm hồn. Câu hỏi được đặt ra:
- Làm sao chúng ta có thể tìm hòa bình và hạnh phúc trên chiến trường, trong lúc con người chiến đấu không ngừng để thắng hay để thoát hiểm?
Nếu chúng ta có thể hiểu được cái mong manh của đời sống, và cái nguy hiểm của thế giới hiện nay, thì chúng ta sẽ không còn chậm trễ trong sự cố gắng tìm cầu trạng thái hạnh phúc này. Tuy nhiên nếu muốn thoát khỏi trạng thái khổ đau bằng phương cách trần thế, nghĩa là chỉ giải quyết trên bạo lực và hận thù thì chúng ta có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn quét sạch khổ đau bằng cách phát triển khía cạnh tinh thần trong đời, thì chúng ta có thể tìm thấy an lạc thực sự.
Đã có nhiều người trong thế giới này, cả đến Phật tử, không chuẩn bị hành trang để tìm kiếm cho chính mình một giá trị của cuộc đời, để đạt Niết Bàn theo đúng nghĩa của người có tu học. Vì lý do đó, một số đã miêu tả Niết Bàn như thiên đàng, nơi con người vui hưởng lạc thú vô tận. Sự mô tả này lôi cuốn những người thiếu hiểu biết về đời sống, sự việc trần thế và những ai đắm mình vào tham ái, luyến chấp trong đời sống lạc thú trần tục tin theo. Họ không hiểu rằng quan niệm về Niết Bàn như vậy chỉ là mộng. Tuy nhiên người trần tục luôn nghĩ và toại nguyện loại Niết Bàn ấy. Mặt khác có những người nghĩ rằng, tốt hơn là cứ ở trên thế giới này, mặc dù đủ loại khổ đau nhưng vẫn vui hưởng đời sống, cho nên có người cũng đã từng nói:
- Yêu thì khổ
- Không yêu thì lỗ
- Nhưng mà khổ lỗ gì cũng yêu.
Họ không hiểu rằng do tham dục và luyến chấp, họ không cảm thấy hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn, cho nên những điều trần tục mà họ vẫn coi là hạnh phúc, không thể giải thoát khỏi cái đau khổ vật chất và tinh thần đó là điều chắc chắn. Theo Đức Phật, vì vô minh mà con người tham cuộc sống trong vòng luân hồi sanh tử, cho nên sống với đau khổ và mải mê chạy theo ảo tưởng trong sự tìm cầu nhằm thỏa mãn giác quan thì chắc chắn phải khổ. Một số người nghĩ rằng nếu tất cả chúng ta đều đạt Niết Bàn, thì thế giới này sẽ là một nơi trống rỗng và sẽ không có ai làm việc cho sự tiến bộ của thế giới. Đó là ý kiến nông cạn xuất hiện trong tâm của những người thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức thật sự về cuộc sống. Họ phải hiểu rằng thế giới này sẽ không bao giờ trống rỗng vì chỉ có một số ít người trí có thể đạt được Niết Bàn.
Ngày nào mà con người còn có tâm ô nhiễm, thì không thể có hòa bình trên thế giới này. Do sự tồn tại của những chúng sanh như vậy, cho nên trái đất này trở nên rối loạn. Ngày nay chúng ta thấy sự chém giết khắp nơi trên thế giới. Người này mưu toan lừa đảo người kia. Người này không thể tin tưởng người kia. Họ nhìn người khác với sự nghi kỵ trong tim của họ. Người này không thể hiểu được những toan tính, hay động cơ phá hoại của người khác. Do vậy mà mặc dù con người có thể tránh thoát những nanh vuốt nguy hiểm của những con vật, nhưng rất khó khăn tránh thoát tâm hiểm ác của con người.
- Vậy thì ai là người chịu trách nhiệm về tình trạng bất hạnh này?
- Làm sao chúng ta có thể có một thế giới tốt đẹp hơn và hòa bình nếu con người cư xử xấu xa như vậy?
- Làm sao chúng ta có thể vui hưởng cuộc đời trong thế giới không thể tin tưởng này?
Các nhà khoa học theo đuổi cuộc chinh phục thiên nhiên vì mục đích vật chất. Trong khi đó đối với những ai ưa chuộng cuộc sống tâm linh, mong muốn có một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên vì muốn cho tâm hồn an lạc và thành tựu đời sống tinh thần. Tuy nhiên dù muốn hay không muốn, thì chúng ta cũng không thể thay đổi điều kiện trần thế theo sự mong ước của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể thay đổi tâm để phát triển sự mãn nguyện nhằm tìm thấy hạnh phúc như thế thì đã tốt rồi.
Từ những quan điểm trên, chúng ta thấy nếu là người chỉ chú trọng tìm cầu thỏa mãn trần tục, thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được kiến thức cao hơn. Chúng ta sẽ không thấy được giá trị của cuộc đời, vì với loại suy tư này theo chủ nghĩa duy vật, hạ thấp nhân phẩm con người xuống hàng hạ tiện, trong khi tôn giáo nâng con người lên hàng thần thánh hay hàng người cao quí hơn. Như vậy, trong chế độ nặng nề vật chất, con người sẽ trở thành nô lệ cho các giác quan. Tuy vậy cũng có nhiều người không thích nhìn thấy sự thực của đời sống, và họ muốn ru ngủ chính họ vào sự yên ổn của giấc mộng huyền ảo, tưởng tượng và lấy cuộc sống vật chất làm lẽ sống. Chúng ta có thể thấy thái độ của Đức Phật nói về quyền uy trần thế, và lạc thú tình dục như một câu chuyện ngụ ngôn để chúng ta suy ngẫm về bản chất của đời sống và lạc thú trần tục:   
- Một người đi lạc vào rừng rậm toàn là gai góc và đá lởm chởm. Người ấy chạm trán với một con voi to lớn bắt đầu đuổi hắn. Hắn bắt đầu chạy để thoát mạng. Khi đang chạy hắn nhìn thấy một cái giếng, hắn nghĩ đây là nơi tốt để hắn có thể thoát khỏi sự rượt của con voi. Nhưng bất hạnh thay dưới đáy giếng có một con rắn độc. Tuy nhiên trong lúc vô kế khả thi, hắn liều mình bám vào một cây leo thòng lòng xuống giếng. Trong khi hắn bám vào dây leo này, hắn nhìn thấy một con chuột trắng và một con chuột đen đang cắn cây leo mà hắn đang níu vào. Hắn cũng thấy một tổ ong bên cạnh lâu lâu lại rỏ một giọt mật.
Trong khi đương đầu với cái chết trong cơn nguy hiểm, hắn vẫn còn tham nếm giọt mật rớt xuống từ tổ ong. Nhìn thấy tình cảnh lâm ly của con người khốn khổ này, một người hào hiệp đi qua, tình nguyện dang tay cứu vớt đời hắn. Nhưng con người tham lam và khờ dại này từ chối không cho người hào hiệp nọ giúp đỡ, vì vị ngọt của mật ong mà hắn đang vui hưởng. Vị ngọt của mật ong đã đầu độc hắn, khiến hắn quên đi cái nguy hiểm mà hắn đang phải đương đầu.
Trong câu chuyện ngụ ngôn này chỉ cho chúng ta thấy:
- Con đường gai góc trong rừng tương ứng với luân hồi. Con đường gai góc luân hồi là một con đường bất ổn và khó khăn. Không dễ dàng cho một người tiếp tục đời mình qua cái rừng gai góc khó khăn của luân hồi.
 - Con voi tượng trưng cho cái chết. Cái chết luôn luôn theo ta, làm cho chúng ta mất hạnh phúc, tuổi già của chúng ta cũng tạo mất hạnh phúc và bất an trong tâm ta.
- Cây leo tượng trưng cho sanh. Giống như cây leo, cây leo càng lớn càng quấn vô cây khác, cũng như vậy do cuộc sống, dòng đời chảy trôi tích lũy, nắm giữ, bám víu vào nhiều thứ trên thế giới.
- Hai con chuột trắng và đen tượng trưng cho ngày và đêm. Ngay từ ngày sanh ra trong thế giới này, ngày đêm trôi qua cắn bớt và thâu ngắn dòng đời của chúng ta.
- Những giọt mật là những lạc thú phù du trần thế, quyến rũ con người ở lại trong thế giới vô thường và bất trắc này.
- Người thiện đến dang tay ra giúp đỡ, chỉ cho hắn con đường chính đáng để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm là Đức Phật.
Nói tóm lại, nếu những ai đó nghĩ rằng sống trên cõi đời là phải hưởng thụ về vật chất mà không cần cố gắng đạt Niết Bàn. Giống như người từ chối thoát ra khỏi tình trạng nguy khốn trong đời sống chỉ vì nếm một chút mật ngọt tham dục thì chính mình tự thiêu hủy cuộc đời của mình. Chúng ta là người Phật tử biết được giá trị của cuộc đời, của kiếp làm người, thì mục đích của cuộc đời là để giải thoát khỏi gánh nặng vật chất, và tinh thần để sống đời an nhiên tự tại. 
--o0o--