|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Tránh Những Hiểu Lầm
-
Bạch Y Thư Sinh
- ---o0o---
-
-
Nói về hiểu lầm chúng ta thấy thời nào, lúc nào và trong hoàn cảnh
nào cũng có những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Không phải chỉ xảy ra
ngoài xã hội, trong cuộc sống thế gian, mà trong đơn vị gia đình
cũng không tránh khỏi những hiểu lầm nguy hiểm.
-
Trong chiều hướng nầy, chúng ta thấy không những người ngoài đời
hiểu lầm giáo lý của Phật, mà cả đệ tử của Ngài trong giáo đoàn
cũng có nhiều người hiểu lầm nữa. Vì vậy, chúng ta phải rất thận
trọng khi học đạo Phật, và đừng bị kẹt vào những câu những chữ ở
trong kinh. Vì thế mà trong truyền thống Đại thừa có câu:
-
- Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan,
-
Nghĩa là:
-
- Nếu chúng ta nương vào kinh mà giải nghĩa từng chữ, từng câu một
thì thế nào cũng nói oan cho các đức Phật trong ba đời.
-
Nhưng cũng phải biết câu thứ hai:
-
- Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết,
-
Nghĩa là:
-
- Nếu chúng ta bỏ một chữ trong kinh đi thì những điều chúng ta
nói sẽ có thể tương tự như những điều ma quỷ nói.
-
Một mặt chúng ta không thể bỏ kinh được, một mặt chúng ta không
nên quá chấp vào từng chữ từng câu để cắt nghĩa. Đó là thái độ
đúng đắn của những người học Phật. Phải nương vào kinh, nhưng sử
dụng kinh với tất cả sự khéo léo của mình thì mới không bị kẹt quá
vào những câu những chữ trong kinh điển.
-
Chúng ta biết ngay trong thời đại Phật đang còn tại thế
đã có sự hiểu lầm về giáo lý đạo Phật, thì lẽ tất nhiên sau khi
Phật nhập diệt và trong mấy trăm năm truyền thừa thế nào cũng đã
có những chuyện hiểu lầm và truyền thừa sai lạc. Cho nên khi học
chúng ta phải cẩn thận suy tư để rồi chúng ta có một cái nhìn có
tính cách nhất quán, một cái nhìn thấu suốt xuyên qua tất cả những
điểm khác biệt. Giống như là khi có nhiều viên ngọc chúng ta dùng
một sợi dây xâu lại hết tất cả để tạo thành một chuỗi ngọc vậy.
-
Cái nhìn nhất quán có nghĩa là cái nhìn hệ thống hóa và
vượt khỏi những mâu thuẫn trên bề mặt. Trên bề mặt có thể thấy
những điều trái ngược nhau. Nhưng nếu chúng ta có cái nhìn nhất
quán thì những mâu thuẫn đó sẽ không còn nữa. Vì vậy, chúng ta
phải tìm ra phương pháp để có được cái nhìn nhất quán và thấu
triệt, và có tính cách hệ thống hóa. Phương pháp đó dựa trên
nguyên tắc Nhị Đế, Tứ Tất Đàn, Bốn Điều Y Cứ, Tương Tức và tính
chất thực chứng của đạo Phật mà chúng ta sẽ lần lượt duyệt qua.
-
1- Hai Cách Nhìn Sự Thật
-
Hai cách nhìn sự thật chính là cách nhìn mà qua đó chúng ta dùng
Nhị Đế để phân biệt. Nhị Đế chính là: Chân Đế và Tục Đế. Nhị đế có
nghĩa là hai loại sự thật, sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối.
Sự thật tương đối gọi là Tục Đế tức sự thật trong cuộc đời thế
tục, có khi gọi là thế đế hay thế tục đế. Phật luôn luôn nói sự
thật nhưng có khi Ngài nói về sự thật tương đối và có khi Ngài nói
về sự thật tuyệt đối. Nếu không biết điều đó, nếu không có tiêu
chuẩn để nhận xét, chúng ta có thể thấy nhiều điều Phật nói trái
ngược nhau. Còn chân lý tuyệt đối gọi là Chân Đế, thắng nghĩa đế
hay đệ nhất nghĩa đế. Thắng nghĩa tức là cao hơn hết. Vậy khi nghe
lời Phật, chúng ta phải có khả năng nhận diện đó là một lời tuyên
bố về chân lý tương đối hay là một lời tuyên bố về chân lý tuyệt
đối, thì chúng sẽ không bị lộn xộn. Trong kinh có bài kệ để hướng
dẫn chúng ta điểm nầy:
-
- Chư hạnh vô thường
-
Thị sinh diệt pháp
-
Sinh diệt diệt dĩ
-
Tịch diệt vi lạc.
-
Chư hạnh vô thường là tất cả mọi hiện tượng mà chúng ta
thấy và tiếp nhận đều là vô thường cả. Chữ hạnh này có nghĩa là sự
tạo thành. Ví dụ cái bình bông này là một hạnh. Vì bình bông này
do đất, nước, lửa, gió, con người, thời gian, không gian cấu hợp
lại mà thành, cho nên nó là một hạnh. Cái bông hoa kia cũng là một
hạnh, tại vì trong hoa có đám mây, có mặt trời, có đất, có nước,
những điều kiện phối hợp lại làm ra bông hoa. Tuy vậy khi nói chư
hạnh vô thường là tất cả mọi hiện tượng của thế gian đều là vô
thường. Bình bông và bông hoa là hai hạnh thuộc về sắc, về vật
chất, thì điều nầy dễ hiểu. Nhưng cơn giận hoặc nỗi buồn của chúng
ta tuy là vô hình vô sắc, không nơi trú ẩn nhưng cũng là những
hạnh, chúng cũng vô thường. Cho nên giận và buồn gọi là tâm hạnh
hay tâm hành. Do vậy câu:
-
- Chư hạnh vô thường,
-
Thị sinh diệt pháp.
-
Nghĩa là:
-
- Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường,
-
Chúng đều là những pháp có sinh và có diệt.
-
Câu:
-
Sinh diệt diệt dĩ,
-
Tịch diệt vi lạc.
-
Nghĩa là:
-
- Khi cái sinh và cái diệt đã bị diệt đi rồi thì lúc bấy giờ, sự
tịch diệt, niềm yên lặng đó là niềm vui chân thật.
-
Hai câu đầu nói về thế giới hiện tượng, nói về tục đế, về chân lý
tương đối, diễn tả thế giới trong đó có sinh và có diệt. Nhưng hai
câu sau đã đưa chúng ta đi qua bình diện của chân đế tức là thực
tại vượt thoát cái sinh và cái diệt. Khi mà cái sinh và cái diệt
không còn nữa, khi mà cái sinh và cái diệt đã diệt rồi thì sự vắng
lặng đó là niềm vui chân thật.
-
Trong thế giới này có sinh và có diệt. Nhưng trong thế giới kia mà
chúng ta có thể gọi là pháp giới thì không có sinh và không
có diệt. Nếu chúng ta nghĩ hai lời tuyên bố này trái chống nhau
thì không đúng. Thế giới của hai câu đầu là thế giới hiện tượng,
thế giới của Tích Môn hay còn gọi là thế giới phương tiện. Đứng về
phương diện tướng, chúng ta thấy có sinh có diệt, nhưng
đứng về phương diện tính, chúng ta thấy không có sinh cũng
không có diệt. Đây là thế giới của Bản Môn hay còn gọi là thế giới
của chân lý tuyệt đối.
-
Từ sự hiểu biết nầy chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống thực
tế, chẳng hạn như khi quán sát những đợt sóng, chúng ta thấy sóng
có những cái tướng, như tướng cao, tướng thấp, tướng bắt đầu,
tướng chấm dứt, tướng đẹp, tướng xấu, tướng có, tướng không. Mỗi
đợt sóng mang theo tướng có và tướng không. Trước khi đợt sóng
vươn lên thì hình như là nó không có. Khi nó bắt đầu rồi thì hình
như là nó có. Khi nó chấm dứt thì hình như là nó không có
nữa. Tướng có, tướng không, tướng sinh, tướng diệt, tướng thấp,
tướng cao, tướng đẹp, tướng xấu, là những tướng thuộc về thế giới
hiện tượng.
-
Nhưng có một thế giới khác nằm ngay trong thế giới hiện
tượng này mà không bị những cái tướng đó ràng buộc. Thế giới đó
gọi là thế giới của pháp tánh, thế giới của bản thể mà ở đây chúng
ta có thể ví dụ với nước. Sóng thì có không, có có, có cao, có
thấp, có đẹp, có xấu. Nhưng nước thì không như vậy. Những cái
tướng kia, những danh từ, những khái niệm mà chúng ta dùng để mô
tả sóng kia, chúng ta không thể sử dụng để mô tả nước được. Đối
với nước thì chúng ta không thể nói là đẹp hay xấu, cao hay thấp,
có hay không, theo cách nói về sóng. Và thế giới thứ hai này là
thế giới của tánh. Như nước đối với sóng, thế giới này không tách
rời ra khỏi thế giới của tướng. Nó đồng thời là thế giới của
tướng, nhưng lại không thể dùng các khái niệm về thế giới của
tướng để nói về thế giới của tánh, cho nên chúng ta nói nước không
đẹp, không xấu, không có, không không, không thấp, không cao. Do
vậy chúng ta phải ráng nhớ bài kệ:
-
- Chư hạnh vô thường: Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường.
-
- Thị sinh diệt pháp: Chúng là những hiện tượng có sinh và có
diệt.
-
Đó là sự thật mà thế gian công nhận, và Phật cũng nói như vậy. Đó
là thế đế, là thế tục đế. Nhưng nếu tiếp tục quán sát cho sâu sắc
thêm thì chúng ta đi sâu vào đằng sau thế giới sinh diệt, và chúng
ta có thể tiếp xúc được với thế giới bất sinh bất diệt, thế giới
của thể tánh. Và khi tiếp xúc được với thế giới này rồi thì ta
không còn thấy sinh diệt nữa. Cái sinh cũng diệt mà cái diệt cũng
diệt, đó là câu:
-
- Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc: Tức là khi những ý niệm về
sinh diệt không còn nữa thì sự vắng lặng của những ý niệm ấy chính
là niềm an lạc thật sự.
-
Như khi người thân của chúng ta qua đời, chúng ta rất
đau khổ, đó là vì chúng ta chỉ tiếp xúc được với những tướng cao,
tướng thấp, tướng đẹp, tướng xấu, tướng có, tướng không, tướng còn
tướng mất ... Nhưng nếu chúng ta tiếp xúc được với bản chất của
cuộc đời, tức là vô thường thì sự tình khác hẳn. Chúng ta không
còn đau khổ, sợ hãi nữa. Chúng ta không còn mặc cảm người thân của
chúng không còn nữa. Chúng ta biết đời là vô thường. Và khi chúng
ta tự đồng nhất mình với hoàn cảnh rồi thì những tướng có, không,
đẹp, xấu, thấp, cao, còn mất, được thua kia không còn làm chúng ta
đau khổ, sợ hãi nữa. Do đó chúng ta đạt tới được niềm vui chân
thật.
-
Chìa khóa của giải thoát là khi chúng ta từ thế giới hiện tượng mà
đi được tới thế giới của pháp tánh. Đi tới được, thì ta đạt được
an lạc chân thật. Nếu không hiểu điều nầy thì chúng ta cứ phân vân
không biết câu:
-
- Có sinh có diệt là đúng, hay không sinh không diệt là đúng?
-
Khi đã hiểu điều nầy rồi thì chúng ta thấy cả hai cách nói có thể
đều đúng cả. Một câu đúng về Tục Đế, một câu đúng về Chân Đế. Khi
cần phát biểu về sự thật tương đối, ta phải dùng Tục Đế, khi phát
biểu về sự thật tuyệt đối ta phải dùng Chân Đế. Điều đó đại chúng
không ngạc nhiên khi quí vị được hướng dẫn về một khía cạnh về
sinh diệt thì thường thường chúng ta bắt đầu nói rằng:
-
- Mọi người trên thế gian nầy, thế nào cũng phải già, thế nào cũng
phải chết.
-
Nói như vậy là chúng ta đang thực tập trong cảnh có sinh, già,
bệnh, và chết. Đến một lúc nào đó quí vị được hướng dẫn quán chiếu
về không sinh, không diệt, có thể quý vị có thể ngạc nhiên:
-
- Vừa rồi Thầy nói có sinh có diệt mà bây giờ thầy lại nói không
sinh không diệt?
-
Hỏi như vậy vì không biết rằng chúng ta thực tập trong phạm vi có
sinh, có diệt thì sẽ đưa chúng ta tới cái thấy về sự thật không
sinh không diệt. Chúng ta phải biết rằng hai sự thật nầy có liên
hệ với nhau. Nếu chúng ta nắm vững Tục Đế mà đừng vướng vào tục
đế, nếu tiếp xúc với Tục Đế cho thật sâu sắc, thì tự khắc ta tiếp
xúc được với Chân Đế. Từ Tục Đế người ta có thể đi tới Chân Đế,
không cần bỏ tục đế ta vẫn tới được chân đế như thường.
-
Hai cách nhìn sự thật. Tục Đế và Chân Đế không đưa tới
cái thấy trái ngược với nhau. Chúng ta có thể lấy những thí dụ ở
ngoài đời: đứng trước cùng một hiện tượng ta có thể dùng hai cách
nhìn khác hẳn nhau. Cách nhìn này không chối bỏ cách nhìn khác,
hai cách nhìn sẽ bổ túc cho nhau. Sự thật tương đối và sự thật
tuyệt đối liên tục, không chống báng lẫn nhau. Nếu chúng ta tiếp
xúc sâu sắc với sự thật tuơng đối thì chúng ta sẽ tiếp xúc được
với sự thật tuyệt đối. Khi nào chúng ta thấu hiểu sinh tử một cách
sâu sắc thì chúng ta cũng tiếp xúc được với thực tại không sinh
không tử. Điều đó trong đạo Phật gọi là:
-
- Tùng tướng nhập tánh,
-
Nghĩa là:
-
- Theo lối đi từ tướng để vào cõi của tánh.
-
Người không hiểu điều đó khi nghe nói những điều về chân đế lại
lấy tiêu chuẩn tục đế ra để phê phán. Đó là một cách nhìn sai lầm,
mang cái thước đo của sự thật tương đối để luận bàn về sự thật
tuyệt đối.
-
Chúng ta phải biết rằng hai cách trình bày sự thật đều
có giá trị cả. Nếu chúng ta quán chiếu, tiếp xúc và đi sâu vào sự
thật tương đối thì sẽ khám phá ra sự thật tuyệt đối.
-
2- Tứ Tất Đàn
-
Hay nói cách khác đó là bốn tiêu chuẩn về sự thật đó là:
-
a- Thế Giới Tất Đàn.
-
Đó là các tiêu chuẩn căn cứ trên những nhận thức phù hợp với cuộc
sống ở thế giới này. Ví dụ người ta chia thời gian một năm ra mười
hai tháng, mỗi tháng ba mươi ngày. Sắp đặt công việc, chúng ta
phải căn cứ trên ngày tháng trong lịch cho tiện, đó là thế giới
tất đàn. Nhiều khi Phật phải nói theo những tiêu chuẩn của thế
gian cho thuận tiện, chứ không hẳn vì đó là chân lý tuyệt đối. Nếu
ta hỏi Phật Ngài sinh ở đâu, lúc nào, thì Ngài cũng nói tôi sinh ở
Ca Tỳ La Vệ trong thế kỷ thứ sáu trước Ca Tô Giáo. Nhưng kỳ thực
cái thấy của Ngài là cái thấy bất sinh bất diệt, không phải là
Ngài chỉ bắt đầu có từ ngày này và sẽ tịch vào ngày kia.
-
b- Vị Nhân Tất Đàn.
-
Vị nhân tức là vì con người mà nói như vậy. Con người là một trong
những loài sinh vật ở trên trái đất. Con người có bộ óc như vậy,
có lề lối suy nghĩ như vậy, có hiểu biết như vậy, cho nên phải nói
làm sao cho con người hiểu được. Những người ở Hoa Kỳ sống trong
hoàn cảnh đặc biệt ở Hoa Kỳ, có những mối lo lắng, những thao
thức, những bận rộn của đời sống Hoa Kỳ. Họ có những vấn đề của
họ. Khi giảng pháp cho họ, hướng dẫn họ, chúng ta phải biết những
hoàn cảnh đó, để có thể thành công. Sự thật phải được nhìn thấy
qua ngôn ngữ và hoàn cảnh của thính chúng. Phải hiểu điều đó mới
hiểu đuợc ngôn ngữ Phật sử dụng. Sở dĩ Phật nói như vậy tại vì thế
giới tất đàn ở đó nó như vậy, con người thời đó như vậy. Thành ra
lời nói không phải chỉ phản ảnh nhận thức của Phật mà còn phản ảnh
cả hoàn cảnh của người nghe nữa.
-
c- Đối Trị Tất Đàn.
-
Mỗi người có căn bệnh riêng, có những lo sợ, những mặc cảm, những
buồn khổ riêng. Khi nói Pháp Phật nhằm chữa trị tâm bệnh của người
nghe. Thí dụ như trước một đám tang chúng ta phải nói vô thường,
có sanh có diệt ...
-
Cho nên, để đối trị với vấn đề trước mắt của người nghe, Phật phải
dung thứ ngôn ngữ mà đôi khi người không hiểu sẽ nghĩ là nói sai.
Bệnh như vậy thì phải dùng phương thuốc như vậy để đối trị.
-
d- Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.
-
Đệ nhất nghĩa cũng như là thắng nghĩa. Tất đàn này tức là tiêu
chuẩn sự thật tuyệt đối, thuộc về chân đế. Không có ngã thì nói
không có ngã, dầu người ta phản đối vẫn nói là không có ngã. Trái
đất nó tròn thì nói là nó tròn, dầu bị dọa treo ngược cũng cứ nói
tròn. Nói thẳng sự thật không ngại gì cả.
-
Đó là ý niệm về tứ tất đàn, giúp ta nhớ khi đọc lời của
Phật thì hãy tìm hiểu lời đó Ngài nói theo tiêu chuẩn tất đàn nào.
-
3- Bốn Điều Y Cứ
-
Ngoài hai điều trên, khi học kinh sách chúng ta còn dùng tiêu
chuẩn tứ y, tức là bốn sự y cứ. Phép tứ y này do các tổ đặt ra để
soi sáng cho chúng ta khi học đạo Phật.
-
a-
Y Pháp Bất Y Nhân:
-
Tức là căn cứ vào giáo pháp mà đừng căn cứ vào người. Chẳng hạn
như có một anh ca sĩ hát rất hay, nhưng tính tình khó chịu. Muốn
làm được việc thì ông bầu gánh đừng chấp vào người, nên mọi việc
phải chiều ông, miễn thế nào trình diễn cho mọi người nghe thì
thôi. Có những ông thầy không chịu dạy phật pháp, nhưng vì ông
giỏi, trong khi đó chúng ta không tìm ra thầy khác, cho nên chúng
ta phải cố chịu đựng để được học giáo pháp của Phật từ những ông
thầy kia. Đó là y pháp bất y nhân.
-
Về tiêu chuẩn y pháp bất y nhân này, chúng ta phải cẩn
thận. Người thầy dạy không làm những điều ông ta dạy, thì học trò
không có niềm tin. Khi làm thầy chúng ta phải dạy bằng thân giáo.
Thân giáo là dạy bằng cuộc sống hàng ngày của chính mình. Tuy
nhiên, nếu chúng ta đòi hỏi phải có thân giáo thật thì có lẽ khó
tìm ra thầy lắm. Đôi khi ta không nên vì ông thầy làm sai mà mất
niềm tin nơi giáo pháp của Phật.
-
b-
Y Liễu Nghĩa Kinh, Bất Y Bất Liễu Nghĩa Kinh.
-
Liễu nghĩa kinh tức là những kinh nói về đệ nhất nghĩa. Bất liễu
nghĩa kinh là những kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương
đối. Nếu hai kinh nói khác nhau thì cuối cùng mình phải nghe theo
liễu nghĩa kinh. Điều y cứ thứ hai này cũng phải áp dụng dè dặt,
vì tiêu chuẩn này không cho chúng ta thấy liên hệ giữa liễu nghĩa
kinh với bất liễu nghĩa kinh. Nhờ thực tập bất liễu nghĩa kinh nên
ta mới có thể thấu triệt liễu nghĩa kinh. Nhiều người căn cứ vào
câu này, cho nên chỉ muốn học những kinh như kinh Hoa Nghiêm hay
kinh Pháp hoa, để nói những chuyện cao xa. Họ không chịu học những
kinh nói về năm giới, tam quy, vốn là những kinh căn bản nhưng rất
quan trọng.
-
c-
Y Nghĩa Bất Y Ngữ
-
Tức là căn cứ vào nghĩa lý chứ đừng chấp vào ngôn ngữ nhiều quá.
Đừng quá chấp vào từng chữ, phải nương vào nghĩa lý ẩn chứa trong
các chữ.
-
d-
Y Trí Bất Y Thức.
-
Trí và thức thuộc hai trình độ khác nhau. Thức là cái hiểu biết
còn phân biệt, kỳ thị, nghi hoặc. Trí là thứ hiểu biết vượt trên
phân biệt, kỳ thị, nghi ngờ. Trong khi học kinh điển không nên
dùng óc phân biệt mà tiếp thụ và chia chẻ, phải tập dùng trí tuệ
để quán chiếu.
-
Khi nghe Phật giảng dạy giáo lý mà có một cái nhìn nhất
quán thì chúng ta sẽ không cảm thấy những lời Phật nói trái ngược
nhau. Hai khái niệm nhị đế, tứ tất đàn, và tứ y giúp ta hiểu được
cách nói của Phật. Nhưng sau khi vượt qua hàng rào ngôn ngữ, để
tiếp thu những gì Phật dạy, chúng ta cần hiểu qua nguyên lý Duyên
Khởi để tập soi sáng về nội dung. Duyên khởi tức là sự phát khởi,
hình thành của các hiện tượng, căn cứ trên nguyên tắc duyên sinh,
mỗi hiện tượng do nhiều điều kiện phối hợp nhau mà thành. Có một
cái nhìn duyên khởi về sự vật thì chúng ta bắt đầu có chánh kiến.
Phật nói rằng:
-
- Duyên khởi là một giáo lý rất mầu nhiệm, người nào thấy đuợc
tính duyên khởi là có thể thấy được Pháp, thấy được Pháp là thấy
Phật.
-
Câu nói đó chúng ta phải thuộc lòng. Tất cả giáo lý của đạo Phật
đều lấy duyên khởi làm nền tảng. Trong khi học, chúng ta có thể
thấy những giáo thuyết nghe rất hay, nhưng chưa chắc đã là đích
thực Phật pháp. Bất cứ giáo lý nào trái với tính duyên khởi, hay
không có tính duyên khởi thì không phải là giáo lý của Phật. Cho
nên trước khi học hỏi nhiều hơn nữa, chúng ta phải học qua về lý
duyên khởi. Dùng cái thấy về duyên khởi soi vào tam tạng kinh điển
trong khi chúng ta học và hành trì, là chúng ta đã có một ngọn đèn
chiếu sáng cho chúng ta tìm đường giải thoát. Như vậy, một mặt
dùng phương pháp nhị đế và tứ tất đàn thì hiểu được ngôn ngữ của
Phật. Một mặt dùng đạo lý duyên khởi để thấy được con người và
giáo pháp của Phật. Thấy được con người của Phật và nghe được ngôn
ngữ của Phật thì chắc chắn chúng ta đi vào kho tàng tam tạng kinh
điển mà không sợ bị lạc đường.
-
Lẽ tất nhiên chúng ta không phải chỉ học giáo lý thôi mà chúng ta
còn phải thực tập đàng hoàng, tinh chuyên, mà qua đó các pháp môn
niệm Phật, thiền tọa và thiền hành không thể thiếu trong đời sống
hằng ngày. Sự thực tập niệm Phật, thiền tọa và thiền hành là một
trong những phương pháp rất mầu nhiệm giúp ta nhận diện tâm. Tâm
chúng ta như con vượn chuyền cành, vì vậy chúng ta phải có những
phương pháp để theo dõi tâm mình. Trong chúng ta có một thứ thói
quen ẩn sâu bên dưới tầng ý thức gọi là tập khí. Tập khí thường
đẩy ta vào những nẻo đường của khổ đau, hờn giận, trầm luân. Tập
khí chủ động, kéo đi đâu thì chúng ta phải theo đó. Cơn giận, nỗi
buồn, sự sợ hãi và niềm thất vọng đều do những tập khí tạo ra. Tập
khí đôi khi không phải do chúng ta tiêm nhiễm trong cuộc sống mà
có, mà khi chúng ta sinh ra đã có, do tổ tiên, ông bà và cha mẹ
truyền trao. Biết mình có tập khí tiêu cực cũng không phải là lý
do để mang mặc cảm thua người. Miễn là chúng ta học được cách tự
nhìn thấy tập khí để chuyển hóa chúng. Phương pháp đối trị tập khí
là mỗi khi một tập khí ló đầu ra thì ta phải biết nhận diện. Chúng
ta không cần phải tự trách mình sao còn nặng nghiệp! Chúng ta cũng
không chống đối hoặc trấn áp tập khí như thù địch. ÕChúng ta không
cần trấn áp tập khí, và tập khí luôn luôn ở trong chúng ta. Người
nào cũng có cả. Có thứ được un đúc từ thời thơ ấu, có cái được
trao truyền từ ông bà và cha mẹ. Chúng ta thường hay phản ứng theo
sự thúc đẩy và điều động của tập khí. Tu có nghĩa là tập nhận diện
tập khí mỗi khi chúng phát hiện.
-
Cách tập nhận diện hay nhất là tụng kinh, niệm Phật,
hoặc đi thiền hành. Nói về đi thiền hành là đi với chủ đích bước
đi, chứ không ai bắt phải đi, hay bị kéo đi. Trong đời sống hàng
ngày, chúng ta thường bị lôi kéo, đi là để tới một chỗ nào đó, để
làm gì đó, còn hành động bước chân đi không quan trọng. Trong khi
đó, niệm Phật, tụng kinh hay đi thiền hành là chúng ta từng tư thế
ngồi, bước từng bước chân có ý thức, mỗi bước chân đều được an trú
trong chánh niệm. Trong khi niệm Phật hay đi thiền hành, chúng ta
làm chủ mình. Nếu tập khí phát hiện, ta thấy liền lập tức, ta mỉm
cười và tự bảo:
-
- Tôi đã thấy anh rồi
-
Không thực tập các pháp môn niệm Phật, thiền toạ kinh hành, thiền
hành thì chúng ta không có cơ hội tập nhận diện do đó tập khí vẫn
tiếp tục hoành hành trong ta. Khi chúng ta thực tập giỏi, tập nắm
vững được thân tâm. Sau đó, trong khi ngồi thiền hay những lúc làm
việc, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp tục thực tập phương pháp các phương
pháp nhận diện chính mình. Nguyên tắc của sự thực tập cũng đơn
giản. Đó là thiết lập cán cân thăng bằng. Có hai phương pháp tái
tạo cân bằng:
-
- Thứ nhất là trong khi thiền hành, làm việc hay ngồi thiền, hay
tụng kinh, chúng ta giữ tịnh tâm để nhận diện được tập khí trong
ta. Chỉ nhận diện thôi chứ không đàn áp. Thấy được tập khí, tự
nhiên tập khí đó tan đi, chúng ta tiếp tục giữa tâm chánh niệm.
Nếu tập khí lại xuất hiện nữa thì ta lại nhận diện lần nữa. Đó là
một thực tập rất quan trọng chúng ta phải ghi nhớ để thực tập.
-
- Phương pháp thực tập thứ hai là tiếp xúc. Tiếp xúc với
những niềm vui, những gì mầu nhiệm để tự nuôi dưỡng. Có những cái
rất mầu nhiệm ở trong chúng ta và xung quanh ta. Chẳng hạn như mùa
xuân đến thì trăm hoa đua nở, mùa xuân qua thì chúng ta có cây
cảnh của mù hè, rồi mùa Thu đến có những chiếc lá vàng rơi, và
trong chính chúng ta có khả năng vui, cười ... Tất cả những thứ đó
ở trong con người và bên ngoài, chúng ta phải biết tiếp xúc. Tự
chúng ta tiếp xúc cho được, hoặc chúng ta nhờ các bạn giúp ta tiếp
xúc. Ai cũng có trong tâm thức mình những hạt giống của hạnh phúc,
của thương yêu chỉ chờ nẩy mầm. Sự thực tập của mọi người giúp ta
tưới tẩm những hạt giống lành trong con người ta. Khi làm gì chúng
ta phải sử dụng những cơ hội ấy để tiếp xúc với những mầu nhiệm
của sự sống. Đó là tiếp xúc một cách chọn lọc. Chúng ta chỉ chọn
tiếp xúc với những gì tích cực thôi. Chỉ tiếp xúc với những thứ có
khả năng trị liệu, có khả năng nuôi dưỡng. Hãy nhìn bông hoa, ngắm
nhìn một bé thơ hồn nhiên thơ ngây, hay ngồi im lặng uống trà tất
cả những thứ ấy đều có giá trị nuôi dưỡng.
-
Tóm lại, chúng ta có hai điều cần thực tập. Với những
hạt giống đau buồn và với tập khí, chúng ta phải thực tập nhận
diện. Với những hạt giống hạnh phúc, chúng ta cũng phải tiếp xúc
để nuôi dưỡng, đó là phép tu mà chư tôn đức đã dạy. Nếu chúng ta
thực tập được hai điều này trong một thời gian thì tự nhiên cán
cân giữa hạnh phúc và khổ đau sẽ thăng bằng lại và những đau buồn
dần dần sẽ được chuyển hóa.
-
Chúng ta phải nên nhớ rằng khi học giáo lý là chúng ta
cần phải có thầy hướng dẫn để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Hiểu
lầm về giáo pháp, hiểu lầm về đạo bạn ... Để lọai bỏ những vở vụn
đó chúng ta cần phải nắm vững các nguyên tắc của:
-
- Hai sự thật
-
- Bốn tiêu chuẩn về sự thật
-
- Bốn sự y cứ ..
-
Giáo lý của Phật trước sau gì cũng đều chú trọng đến cuộc sống và
sự thực tập của mỗi người. Vì sự hành trì của chúng ta rất quan
trọng cho tăng thân và mỗi người chúng ta. Cho nên mỗi người trong
chúng ta đều phải có trách nhiệm liên đới với nhau trong việc tu
học. Khi một người biết làm lành lánh dữ và biết sống chánh niệm
thì người đó sẽ giúp cho tăng thân rất nhiều. và mỗi người sẽ trở
thành một tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở cho tất cả những người
khác cùng chánh niệm như nhau.
--o0o--
|
|