TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tuổi Trẻ & Hạnh Phúc
Giác Nghiêm
---o0o---
 
Nói về hạnh phúc thường thì mỗi người có một quan niệm riêng. Riêng tôi, thì tôi quan niệm tu là hạnh phúc nhất trên đời, vì thế gặp những người bạn trẻ nào có vẻ thân thiện, gần gủi thì chúng tôi đều khuyến khích để đi tu. Trong số những người bạn trẻ chúng tôi quen biết có một người bạn trẻ ở Chicago, khi nghe chúng tôi khuyên xuất gia tu học thì người bạn trẻ đó nói rất là dễ thương:
 - Thưa thầy, con còn trẻ lắm, hơn nữa con cũng mới vừa ra trường, lương con làm cũng hơi khá khá. Cha mẹ con thì chắc là không cần đến tiền lương của con, tại vì ông bà cũng khá lắm, vì vậy con định cưới vợ để cho vợ nó xài, con thấy như vậy cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Sau đó người bạn trẻ đó lập gia đình, nhưng lần gặp lại sau đó mấy năm, thì nguời bạn trẻ đó nói:
- Thưa thầy, nếu ngày xưa mà con nghe lời thầy thì con không khổ.
Chúng tôi biết khổ là chắc chắn rồi, nhưng cũng hỏi:
- Vì sao mà con nói khổ?
Người bạn trẻ đó như tâm sự:
- Con nói với Thầy, là con muốn cưới vợ để cho nó xài tiền, mà thiệt Thầy. Con gặp cô vợ nầy, nó xài tiền quá con chịu hết nổi...
Và một người bạn trẻ khác ở California, có lần chúng tôi khuyến khích đi tu, anh ta nói:
 - Thưa Thầy con còn trẻ lắm, hơn nữa con không biết nấu ăn, nên con định cưới vợ về để cho có người nấu ăn. Hơn nữa lúc mà con đi làm về có con nó chạy ra nó ôm chân, nó níu vai kêu ba ba thì con thấy cuộc đời chắc chắn hạnh phúc lắm ...
 Sau đó vài ba năm gặp lại, thấy anh ta tiều tụy, chưa hỏi nhưng cũng biết khổ tới nơI rồi. Sau một hồi nói chuyện tâm sự, thì anh ta cho biết:
- Có con thì cũng vui thiệt, mỗi lần đi làm về thì con đứa lớn chạy ra ra ôm chân kêu ba ba thì cũng đúng như ý muốn. Nhưng mà khổ quá Thầy ơi, vì đứa nhỏ tối nào nó cũng không chịu ngủ, cứ khóc đòi sửa cả đêm.
Ðây là những quan niệm của con người trần tục là như vậy đã đành, nhưng đối với chư thiên, là những người đầy đủ phước báu họ cũng có quan niệm tương tự như vậy. Chẳng hạn như lúc Ðức Phật đang lưu trú tại Tịnh Xá Trúc Lâm trong thành Vườn Xá, một sớm mai hôm nọ, có một vị khất sĩ ra sông cởi y áo để trên bờ sông rồi xuống sông tắm gội. Lúc đó có một cô Thiên Nữ xuất hiện, hào quang từ thân hình phát ra sáng chói, soi rõ cả bờ sông. Cô Thiên Nữ nói với vị khất sĩ:
- Thầy là một người mới xuất gia, tóc còn xanh, tuổi còn trẻ giờ nầy đáng lý thầy phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà hưởng năm thứ vui. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người thương, quay lưng với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoát áo cà sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời khác.
Vị khất sĩ đáp:
- Tôi đâu có bỏ lạc thú hiện tại mà đi tim cái lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thật trong hiện tại đấy chứ.
Vị thiên nữ hỏi:
- Thế nào là bỏ cái lạc thú phi tời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại.
Vị Khất Sĩ nói Ðức Thế Tôn có dạy:
 - Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất nhỏ mà tai họa rất lớn. Tôi giờ nầy đang an trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp nầy vượt ngoài thời gian, để mà thấy tự mình thông đạt, tự mình có thể tri giác. Nầy thiên nữ, đó gọi là cái lạc thú phi thời để tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại.
Vị thiên nữ lại hỏi vị khất sĩ:
- Tại sao Ðức Phật lại nói trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất ít mà tai họa rất lớn. Tại sao Ðức Phật lại nói an trú trong hiện pháp là lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đang đốt cháy, vượt ngoài thời gian đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri?
Vị khất sĩ trả lời:
- Tôi mới xuất gia được mấy năm không đủ sức giảng bày rộng rãi những giáo pháp và luật nghi mà đức Phật tuyên thuyết. Hiện Ðức Phật đang ở gần đây, cô có thể đến với Ngài để trình bày những nghi vấn của cô. Ðức Phật sẽ dạy cho cô chánh pháp để cô tùy nghi thọ trì.
Vị Thiên Nữ nói:
- Thưa khất Sĩ, Ðức Phật đang được các vị thiên giả có nhiều oai đức túc trực bao quanh, tôi không dễ gì có cơ hội tới gần để mà hỏi đạo. Nếu Thầy có thể đến Ðức Phật để thỉnh vấn trước dùm tôi thì tôi sẽ xin theo với thầy.
Nói xong vị Thiên Nữ kia ẩn thân đi theo vị khất sì để gặp Phật. Lúc vị khất sĩ kia đi đến nơi Ðức Phật ở cúi đầu đảnh lễ duới chân Đức Phật, rồi lui ra đứng một bên, và đem câu chuyện đã nói với vị Thiên Nữ thuật lại cho Phật nghe. Rồi thầy tiếp:
- Bạch đức Thế Tôn, nếu vị Thiên Nữ kia có tâm thành khẩn thì giờ nầy vị ấy đã có mặt ở đây rồi, còn nếu không thì có lẽ vị ấy không tới.
Lúc bấy giờ có tiếng vị Thiên Nữ từ xa nói lại:
- Thưa Tôn giả tôi đang có mặt ở đây, và Thiên Nữ tới gần.
Ðúc Thế Tôn liền nói cho Thiên Nữ một bài kệ sau đây:
- Không thấy rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Ảo tưởng về ái dục
Ðưa người đến nẻo chết.
Rồi Phật hỏi thiên nữ:
- Con có hiểu bài kệ ấy không?
Vị Thiên Nữ bạch Phật:
- Con thật tình chưa hiểu
Phật lại đọc cho Thiên Nữ nghe một bài kệ khác:
- Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sinh
Tâm ái dục không sanh
Ai cám dỗ được mình.
Rồi Ðức Phật hỏi Thiên Nữ:
- Còn bài kệ nầy con có hiểu không?
Vị Thiên Nữ bạch Phật
- Con cũng chưa hiểu.
Ðức Phật lại đọc cho vị Thiên Nữ nghe một bài kệ khác:
- Mặc cảm hơn, kém, bằng
Tạo ra nhiều rắm rối
Ba mạn đã vượt rồi
Tâm không còn khuynh động
Ðọc xong Ðức Phật lại hỏi:
Bây giờ con đã hiểu bài kệ đó chưa?
Vị Thiên Nữ Bạch Phật:
- Con vẫn chưa hiểu.
Phật lại đọc cho Thiên Nữ nghe một bài kệ khác nữa:
- Trừ dục vượt ba mạn
          Tâm lặng hết mong cầu
          Mọi đau phiền cởi bỏ
          Ðời nầy và đời sau.
          Ðức Phật hỏi:
          - Lần nầy con có hiểu ý nghĩa bài kệ ấy không?
          Vị Thiên Nữ đáp:
          - Con đã hiểu
          Thật ra chân lý thoát khổ để sống một dời hạnh phúc được đức Phật chỉ dạy, trưng bày lần đầu tiên trong bài thuyết pháp cho năm vị Thanh Văn Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển cách nay trên hai ngàn năm trăm mấy chục năm qua. Bài thuyết pháp nầy về sau bên Phật Giáo Nguyên Thủy gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân.
          Trước khi Ðức Phật xuất hiện, thế gian sống trong tăm tối, ngu muội, không biết gì đến cái Khổ của cuộc đời, cái nguyên nhân của sự đau khổ. Cũng không màn đến chuyện chúng ta phải diệt khổ, và tìm phương pháp để diệt khổ, cũng không biiết Bát Chánh Ðạo là gì. Nhiều nhà ẩn cư, đạo sĩ, triết gia thông thái mỗi người đều nắm giữa quan điểm lý luận tư tưởng, lý thuyết học thuyết riêng về chân lý. Thời bấy giờ một số lý thuyết gia cho rằng Niết Bàn là hạnh phúc của dục lạc năm trần. Bởi thế họ đắm chìm trong thú vui vật chất.
Một số khác thì lại có quan niệm khác. Họ cho rằng hạnh phúc mà có được là do sự khổ luyện về thể xác. Nghĩa là muốn có hạnh phúc thì phải thực tập ép xác, giống như trái banh càng ném mạnh xuống thì sức dội lên càng cao. Vì thế mà họ chủ trương ép xác khổ hạnh, không cho thân thể hưởng thụ các dục lạc và xem sự ép xác khổ hạnh là một nỗ lực thánh thiện.
Nói chung, chúng sanh sống trong mê muội, họ không đến gần chân lý. Bởi thế sự tin tưởng và hành động của họ có tính cách phiến diện, cho nên mỗi người có một quan điểm, một tư tưởng riêng, dựa vào đó họ làm rất nhiều chuyện khác nhau, và không cần biết kết quả ra sao.
          Ðối với Ðức Phật, trong những ngày tháng đầu tiên lúc mới xuất gia, Ngài cũng đã thực tập qua khổ hạnh, và sau đó Ngài mới nhận thấy sự quan trọng của sự có mặt trí tuệ, nên từ đó Ngài từ bỏ cả hai thái cực:
- Lợi dưỡng và khổ hạnh.
Bởi vì lợi dưỡng nhiều sung sướng quá cũng không được, mà khổ hạnh quá cũng không được. Ðức Phật Ngài chủ trương Trung Ðạo không nghiên về một thái cực nào. Vì thế nên sau khi thành đạo lần đầu tiên thuyết pháp, Ngài nói ngay Pháp Tứ Ðế và Ngài trình bày Bác Chánh Ðạo làm cho chúng sanh có đức tin chân chánh. Ðức tin chân chính mà có phát sinh thì chân lý mới được hiển bày. Loại đức tin mà Ðức Phật muốn trao truyền đến chúng ta là loại đức tin dựa trên chân lý thực tại chứ không phải chỉ là những lý thuyết, tư tưởng suông, phát sinh từ ý niệm vô căn cứ. Vì rằng đức tin nó có một ảnh hưởng rất lớn đối với tâm, cho nên Ðức Phật Ngài nhấn mạnh rằng đức Tin là một trong năm căn. Nhờ có đức tin mới có tinh tấn. Ðức tin làm khởi sanh động cơ thực hành, và trở thành căn bản của mọi pháp khác như Niệm, Ðịnh và Huệ.
Lúc giảng dạy Bát Chánh Ðạo lần đầu tiên cho năm Thầy Thanh Văn, Ðức Phật đã nói đến sự quan trọng của năm căn:
- Tín,
- Tấn,
- Niệm,
- Ðịnh,
- Huệ.
Những lời dạy của Ngài khích động tâm chúng sanh, và nhờ thế cái chân thật tự do hạnh phúc đến trong tầm tay của họ. Lời dạy của đức Phật rất là rõ ràng cho nên bất kỳ ai là người biết tự hướng dẫn cuộc đời mình thì sẽ đạt được kết quả, không phân biệt nam nữ, già trẻ, trai gái, giàu nghèo. Cuộc sống an lạc, giải thoát nầy thích hợp cho tất cả mọi người.
          Ở thời đại văn minh tân tiến nầy, chúng ta có rất nhiều phương tiện tân kỳ, và càng ngày càng ngày có nhiều phát minh mới trong lãnh vực cung ứng phương tiện cho con người ngoài thế gian, kể cả trên phương diện tôn giáo. Con người có thể du hành bằng đường bộ, đuờng thủy, hay đường hàng không. Một người bình thường có thể đi vòng quanh thế giới một cách dễ dàng. Con người đã đi bộ trên mặt trăng phi thuyền đã đến những hành tinh khác, và có thể vượt xa hơn nữa.
          Dầu cho phi thuyền có thể vượt không gian để đến một tinh cầu nào khác đi nữa, nhưng cũng không thể đưa chúng ta đến Niết Bàn an lạc. Nếu thật sự hiện tại khoa học kỷ thuật tối tân mà có thể đưa chúng ta đến được Niết Bàn thì chúng ta cũng phải vui mừng, và đón nhận những phương tiện mới lạ đó. Tuy nhiên chúng ta chưa được nghe quảng cáo hay một lời bảo đảm nào về một phương tiện kỳ diệu có thể đưa người đến Niết Bàn như vậy.
          Dầu cho kỷ thuật khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể có được những phương tiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ðó là sự thật, vì trong cuộc sống hiện tại, nếu nói xe hơi, máy bay, và tất cả những phương tiện khác trên quê hương xứ sở nầy, có thể đưa chúng ta từ nơi nầy sang nơi khác, nhưng chúng ta cũng đã từng nghe qua các tai nạn xảy ra thường xuyên trên đất liền, trên biển cả, và trong không gian. Nhiều người đã chết vì các tai nạn nầy. Vậy thì phương tiện nào an toàn nhất?
Xin quý vị vui lòng cho Tôi quảng cáo cái phương tiện của Ðức Phật Ngài dạy chúng ta, đó là:
- Bát Chánh Ðạo.
Chỉ có những ai biết dùng tám chánh chánh đạo và đi trên con đường tám chân chánh nầy mới bảo đảm an toàn một trăm phần trăm. Quả thật, như quý vị đã biết những chiếc xe tân tiến hiện đại có tiêu chuẩn và sự an toàn cao, nếu giàu có, chúng ta có thể sắm một chiếc xe cực kỳ tối tân, chạy nhanh, êm ái thoải mái. Nếu chúng ta không giàu, chúng ta có thể vay tiền để mua, hay thuê một chiếc xe như ý muốn của mình trong một thời gian ngắn để đi thử chơi cho biết. Tuy nhiên, không có một loại xe nào mà không có khuyết điểm, tại vì chúng ta phải đổ xăng, châm dầu, bảo trì sửa chữa. Biết bao nhiêu công việc phải làm. Một chiếc xe đẹp và đắc tiền quý vị có thể xử dụng tạm, nhưng một ngày nào đó rồi cũng vức bỏ đi. Càng chạy nhiều, và càng xử dụng nhiều bao nhiêu thì, chiếc xe của chúng ta càng mau đến nghĩa địa xe bấy nhiêu.
          Ðó là pháp của thế gian có tính cách tạm bợ, chúng ta chỉ có thể xử dụng trong một thời cần thiết nào đó. Nhưng chúng ta cũng cần phải sản xuất một chiếc xe, hay phương tiện nào để đi đến Niết Bàn thật tốt và có tiêu chuẩn cao để chiếc xe nầy, phương tiện nầy không bao giờ bị hư mòn. Thật ra những chiếc xe tân kỳ, hoặc những phương tiện ưu việt để cho chúng ta đi đến Niết Bàn được Ðức Phật Ngài sáng chế ra cách nay rất lâu, nhưng con người phàm phu chúng ta cũng đã có những người xử dụng phương tiện, và có những người chưa có duyên để xử dụng. Nếu mà những chiếc xe nầy và những phương tiện nầy được phổ biến để mọi người, và ai nấy cũng đều xử dụng thì sẽ tốt đẹp biết bao. Chắc hắn thế gian nầy sẽ hòa bình an lạc. Chiếc xe hoặc phương tiện mà chúng tôi vừa nói, nó có khả năng đưa chúng ta đến một nơi tuyệt diệu vô giá, đó là Niết Bàn, giải thoát. Niết Bàn không thể mua được, dù chúng ta có giàu đến đâu, cũng không thể mua, hoặc thuê mướn được. Chúng ta phải tự tạo cho mình một chiếc xe hay bất cứ một phương tiện nào đó để đi đến Niết Bàn.
          Nhiều phương tiện tân kỳ được làm sẳn và được tung ra thị trường từ các hãng sản xuất. Nhưng phương tiện để đi đến Niết Bàn là phương tiện chính chúng ta tự chế, tự tạo, không có một hảng sản xuất nào có thể làm được ngoài chúng ta. Chúng ta phải tự chế tạo những phương tiện nầy cho chính mình.
Muốn chế tạo những thứ xe, hoặc những phương tiện tân kỳ theo mẫu mã Đức Phật đề ra, chúng ta phải có đức tin ngay từ lúc đầu là chúng ta sẽ đến Niết Bàn và chúng ta cũng phải tin tưởng vào phương tiện và con đường dẫn chúng ta đến đích nữa. Chúng ta phải có động cơ thúc đẩy, ước muốn chân thành, cương quyết đạt được mục tiêu. Nhưng chỉ có động cơ không thôi, chúng ta không thể đi xa. Chúng ta phải làm việc nữa. Phải hết sức tinh tấn chánh niệm bền chí kiên trì từ sát na nầy đến sát na khác để chánh niệm được gây dựng và trí tuệ bắt đầu nở hoa và chín muồi.
          Nếu mà tất cả những phương tiện được mọi nguời lưu tâm xử dụng, nhất là những người bạn trẻ thì kỳ thú biết bao, nhưng không thể nào có được như vậy. Bởi vì:
- Chúng ta phải tự tạo phương tiện lấy. Chúng ta phải có đức tin và ước muốn mạnh mẻ để đạt mục tiêu.
- Chúng ta phải chú tâm thực hành chịu đựng khó khăn gian khổ mỏi mệt và nổ lực chiến đấu để hoàn thành mục đích.
- Chúng ta phải dùng tinh tấn để duy trì tư lương, lập trường mãi mãi như vậy.
Chúng ta phải tự huấn luyện mình để làm chủ lấy mình, khi mà chúng ta có thể điều động và xử dụng phương tiện do chính mình tự tạo thì chúng ta sẽ đến Niết Bàn một cách êm thắm, dễ dàng. Ðó là lý do mà chúng tôi nói. Đặt biệt là tuổi trẻ, chỉ trừ một số có căn duyên với đạo giải thoát thì có suy nghỉ và để tâm đến, nhưng đa số thì không. Cho nên việc bảo các người bạn trẻ nầy:
- Tạo phương tiện
- Chú tâm
- Tinh tấn để duy trì tư lương thì sự việc càng khó hơn.
Như chúng tôi đã thưa với quý vị, một chiếc xe, hay một phương tiện nào đó, nó sẽ hư hỏng theo thời gian, những chiếc xe, hoặc phương tiện do chính chúng ta tự tạo, nó sẽ không bao giờ bị giảm giá hay hư hỏng. Chiếc xe nầy khác hẳn những chiếc xe khác vì nó không cần xăng nhớt dầu mở, và cũng không cần sửa chữa hay thay thế bộ phận nào cả. Càng dùng lâu, chiếc xe càng trở nên ưu mỹ hơn. Xe không bao giờ bị tai nạn. Khi đi trên chiếc xe nầy, chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn một trăm phần trăm.
          Bao lâu còn sống trên thế gian nầy, chúng ta còn bị thăng trầm theo cuộc sống:
- Lúc êm đềm vui vẻ,
- Khi đau khổ nhọc nhằn,
Nếu chúng ta tự làm chủ lấy mình, nhất là những người bạn trẻ thì các bạn sẽ tiến êm đềm trên đường gập ghềnh và không quá phấn khích say mê khi đi trên đường bằng phẳng. Chiếc cổng dẫn đến sanh tử luân hồi phiền muộn khổ đau sẽ đóng, và xe thẳng tiến đến Niết Bàn. Không thể dùng đủ ngôn từ để ca ngợi chiếc xe kiểu mẫu như vậy, và những phương tiện kỳ diệu nầy, nhưng chắc chắn rằng người nào thực hiện hoàn thành và làm chủ những vật sở hữu nầy thì sẽ đạt được ước nguyện thanh cao của mình. Hãy nổ lực tinh tấn, đừng bao giờ lười mõi, nhục chí trong việc chế tạo, và duy trì những phương tiện an toàn kỳ diệu nầy.
Tất cả mọi người chúng ta, nhất là các người bạn trẻ, phải thấy rõ ái dục, không vướng vào ái dục, không bị chi phối bởi những ảo tưởng về ái dục, Tâm không còn khuynh động, lúc đó trở thành người con thật sự của Ðức Phật và sẽ sống cuộc sống êm đềm hạnh phúc.
Nhiều người có lòng nhiệt thành với Tam Bảo, họ có đức tin mạnh mẻ hằng ngày cúng dường Phật, Pháp Tăng. Nhưng nếu hoàn cảnh thay đổi, họ sẳn sàng từ bỏ đức tin. Họ sẽ tái sanh nơi mà không có đức tin. Một người có thể rất trong sạch có thiện tâm trong kiếp  nầy, nhưng lại trở thành những thô tục ở kiếp tới. Không có một bảo đảm nào chúng ta có thể là một con người tốt mãi mãi. Trừ khi chúng ta biết tự hướng dẫn đời mình để trở thành một con người con trai hay con gái thật sự của đức Phật.
Nói tóm lại, là con người trong cuộc đời ai cũng muốn mình có cuộc sống an bình thịnh vượng, hạnh phúc chan hòa. Chắn chắn sự mong mỏi của chúng ta sẽ thực hiện được khi mà chúng ta dứt khoát đi theo lộ trình mà Đức Phật đã vạch ra. Không nghi ngờ gì nữa nếu chúng ta cương quyết:
- Phát bồ đề tâm
- Lập bồ đề nguyện, và
- Hành bồ đề hạnh ..
          Thì lo gì hạnh phúc không nắm trong tầm tay. Tuy nhiên khi phát bồ đề tâm, lập bồ đề hạnh, và hành bồ đề nguyện trong khi chúng ta không đủ sức khỏe thì cơ hội thành tựu tuy có nhưng sẽ rất khiêm tốn. Cho nên sức khỏe là mấu chốt rất quan trọng. Như thế đối với những ngời bạn trẻ là những nhân sự thích hợp nhất, là những người có thể thành tựu trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc đang nằm trong tầm tay của các bạn, còn gì nữa mà các bạn chưa chịu lên đường để thực hiện chí nguyện bỏ giả tìm chân.
--o0o--