TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tịnh Độ Nhân Gian
Nhất Quán
---o0o---
 
Ðức Phật thường dạy tâm địa hay lấy đất ví cho tâm. Như chúng ta đã biết, chúng ta có thể gieo trồng trên đất nhiều cây cỏ, hoa màu hay cỏ dại đều từ đất mà sanh. Vì tâm con người giống như mặt đất, cho nên từ tâm con người có thể sanh ra các pháp lành hay phiền não nhiễm ô.
Như vậy với trình độ hiểu biết và khả năng của chúng ta có thể khai thát biến đổi vùng đất hoang dã thành đồng bằng phì nhiêu. Hay nói cách khác, bằng trí tuệ sáng suốt chúng ta có thể thanh lọc những tánh xấu ác, gai chông ra khỏi mảnh đất tâm của chúng ta và gieo trồng các pháp lành, khi tâm trong sáng sẽ thành cảnh giới thanh tịnh tốt đẹp tự nhiên. Ý thức được như thế, khi chúng ta chưa có khả năng tự tịnh hóa tâm mình, nhưng nếu có duyên lành, gặp được những bậc đức hạnh và nương theo tâm thanh tịnh của các Ngài, thì lòng chúng ta cũng được bình ổn. Nhờ tâm đứng yên lại, trí mới theo đó bừng sáng và dùng trí nầy quan sát pháp thấy được thật tướng các pháp. Như vậy trí sanh thì Tịnh Độ tự hiện, phiền não sanh thì Ta Bà hiện. Tùy tâm hay tùy nhận thức mà thế giới quan cũng sẽ thay đổi theo.
Chính vì tâm có khả năng sanh khởi các loại hình thế giới mà Ðức Phật đưa ra pháp tu kiến tạo Tịnh Ðộ. Nếu đúng như pháp mà tu hành thì kết quả sẽ hiện ra tương tự như theo ý chúng ta mong mỏi, quyết tâm tu học chắc chắn phải thành công. Pháp tu đầu tiên Phật dạy là phương pháp diệt khổ để có Niết Bàn. Khi làm theo đúng mô hình Ðức Phật đề ra, thì chúng ta đương nhiên đạt quả A La hán, tạo dựng được loại hình thứ nhất trong thế giới thánh là Niết Bàn của Thanh Văn. Trong 10 loại thế giới phàm thánh, thấp nhất là cảnh giới Ðịa Ngục và cao nhất là thế giới Phật. Cảnh giới Phật là một mô hình thế giới lý tưởng chúng ta tu hành đều cố gắng đạt đến. Tuy nhiên trong thế giới chư Phật, và nhất là Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, Ðức Phật cũng đã vẽ ra cho chúng ta bốn loại thế giới thanh tịnh, hay bốn Tịnh Ðộ khác nhau qua bốn bộ Kinh, đó là:
          - Kinh A Di Ðà
          - Kinh Duy Ma
          - Kinh Hoa Nghiêm
          - Kinh Pháp Hoa
          Và:
          - Thường Tịch Quang Tịnh Độ
          - Phàm Thánh Đồng Cư Độ
          - Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ
          - Phương Tiện Thánh Cư Độ
          Từng chặn đường tu hành, thì tư cách và khả năng người nghe pháp thăng tiến đổi mới, cũng như tùy thời, tùy chỗ Ðức Phật thuyết pháp khác nhau mà hình thành cảnh Tịnh Ðộ hay cảnh giới an lành cũng không giống nhau. Tu chứng thâm nhập được các tịnh độ của chư Phật thì chúng ta sẽ bước vào Tịnh Ðộ sau cùng do chính chúng ta tạo dựng. Từ đó chúng ta có thể nhận chân được rằng, tuy cùng một Tịnh Ðộ nhưng đức Phật nương theo trình độ tu chứng khác nhau của chúng ta mà diễn tả cảnh giới Tịnh Ðộ dưới những dạng sai khác. Khởi đầu, chúng ta có mẫu Tịnh Ðộ là thế giới Tây Phương Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà, Đông Phương của đức Dược Sư, Đâu Xuất Viện của Đức Di Lặc .... Là người phật tử, hướng đi lúc nào cũng hướng đến các cảnh tịnh độ của chư Phật, tuy nhiên trước khi nói và thực hành về Tịnh Ðộ của chư Phật, thì chúng ta phải biết Tịnh Độ của Bồ Tát, bởi vì phải có Tịnh Độ Bồ Tát thì mới tạo thành Tịnh Ðộ của chư Phật được. Mà nói Tịnh Độ của Bồ Tát, trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi muốn nhấn mạnh đến Bồ Tát Nhân Gian, và chỉ có Bồ Tát trong nhân gian mới kiến tạo được Tịnh Độ Nhân Gian.  
Theo quan điểm nầy, một tiêu biểu cụ thể cho chúng ta tu học, trước hết chúng ta phải liên tưởng đến Kinh Duy Ma. Tại pháp hội trong vườn Yêm La trong thành Tỳ Da Ly, Ðức Phật đã dạy cho các phật tử tại gia, nhất là các bạn trẻ về những kinh nghiệm tu hành vô số kiếp trước của Ngài, và đồng thời cũng để ngầm giáo hóa cho 8000 Tỳ Kheo trong pháp hội phải nên biết xây dựng, phát triển cuộc sống với đại chúng, và từ bỏ tư tưởng yếm thế của Thanh Văn. Đó là lý do tại sao trong Kinh Duy Ma mở đầu với Phẩm Phật Quốc, đức Phật nói lên nhận thức về Tịnh Ðộ bao gồm những lời dạy trong các Kinh Ðiển Nguyên Thủy và Ðại Thừa để xây dựng Niết Bàn hay thế giới an lành vĩnh cửu. Tuy nhiên loại Tịnh Ðộ trong Kinh Duy Ma khởi đầu bằng Trí Bát Nhã, quán chiếu soi rọi vào xã hội để thấy và nói đúng với sự thật, cho nên đức Phật mới đưa ra mô hình Tịnh Ðộ rất hiện thực. Ðối với những người giàu sang trong thành Tỳ Da Ly lúc bấy giờ, tất cả đều là những người trí thức, tích cực hoạt động có đời sống cao trong xã hội, vì thế những người nầy không thể chấp nhận một mẫu Tịnh Ðộ Tây Phương cách đây mười muôn ức thế giới, và do người khác xây dựng sẳn và chúng ta chỉ có việc đến hưởng. Vì thế, để thuận theo bối cảnh của thành phố sinh hoạt, phát đạt cũng như tâm niệm hăng say phát triển xã hội của các phật tử tại gia, đức Phật đã vẽ ra một mẫu Tịnh Ðộ của Bồ Tát, loại tịnh độ nầy do chính bàn tay và khối óc của Bồ Tát xây dựng nên, nghĩa là một mẫu thế giới lý tưởng phải được thực hiện ngay trong cõi đời nầy, một Tịnh Ðộ ở ngay một thế giới xa xăm nào khác chỉ là không tưởng. Tuy nhiên, muốn hình thành Tịnh Ðộ Bồ Tát hay một thế giới Phật, chúng ta phải xây dựng căn bản trên con người, từ bỏ con người chúng ta cũng không thể nào có thế giới Phật. Ðức Phật bằng huệ nhãn quan sát chúng sanh, Ngài dạy rằng con người thế nào, thì cảnh giới cũng tùy theo đó mà hiện ra.
Như vậy chúng ta phải xây dựng con người chúng ta như thế nào để thành Phật, nếu cứ xây dựng con người của các cảnh giới địa ngục mà muốn có thế giới Phật chỉ là việc làm vô ích. Trên bước đường tu tùy theo tư cách, vị trí của chúng ta đến chặng đường nào, thì thế giới giải thoát mở ra đến đó. Do vậy, từ bước khởi đầu tu của Thanh Văn hay con người phàm phu chúng ta, ai cũng phải trải qua bốn trạm chuyển đổi tầm nhìn, và bốn lần thay đổi sự hiểu biết trong tâm thức, hay đó là thế giới niết bàn của Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Bốn quả vị đó trong các tiến trình tu học:
1- Tu Ðà Hoàn
Trong hàng Thánh, tức là bậc đã chứng đắc được đạo quả giác ngộ của Phật giáo, có bốn quả vị thuộc hàng Tiểu Thừa mà Tu Đà Hoàn là quả vị tu chứng đầu tiên.
Tu Đà Hoàn hay còn gọi là Dự Lưu, tức là chỉ cho người mới tu đắc và bắt đầu nhập vào quả Thánh, nhưng vì còn các trần sa nghiệp tức là loại nghiệp quả vi tế của nhiều đời nên chưa giải thoát trọn vẹn được.
Ngoài ra, còn có các tên gọi khác cũng để chỉ quả vị Tu Đà Hoàn như: Nhập Lưu hay Nghịch Lưu, tức là từ chỗ phàm phu chứng vào được bậc Thánh, vì đi ngược lại với dòng lưu chuyển của sanh tử để chứng Thánh. Mới nhập vào dòng Thánh cho nên chúng ta còn phải gia công tu tập các pháp lành để được tiến xa hơn lên ở các quả vị khác trong hàng Thánh.Õ
Tu Đà Hoàn tu theo pháp Tứ Đế và quán pháp Nhân Duyên, đã đoạn sạch được kiến hoặc, tức là cái thấy biết do sự cố chấp mà thành. Từ phàm phu, muốn chứng nhập vào dòng Thánh, quả Dự Lưu, phải trải qua 3 a tăng kỳ kiếp hay còn gọi là vô số kiếp mới thành tựu viên mãn. Với khoảng thời như vậy, đối với con người phàm phu cho nên chúng ta cứ nghĩ số kiếp như thế là lâu, nhưng các bậc đã chứng quả Thánh, thì thời gian đó chỉ là khoảng cách như lúc khảy móng tay mà thôi.
2- Tu Ðà Hàm
Là quả vị thứ hai trong Tứ Quả. Tư Đà Hàm, người Trung Hoa dịch nghĩa là Nhất Lai, tức là còn thọ sanh lại làm người một lần nữa để tu hành, những nghiệp lực của tư hoặc trong cõi dục còn lại một phần nên chưa hoàn toàn ra khỏi cảnh giới trần ai được. Do vướng mắc ba phẩm tư hoặc sau cùng chưa đoạn sạch, cho nên quả tu chưa trọn vẹn, cho nên phải tấn tu thêm một lần nữa. Quả vị của Tiểu Thừa hay bốn quả Thánh của Thanh Văn, thì Tư Đà Hàm là bước thứ nhì trên đoạn đường tu giải thoát của bốn thánh quả.
3- A Na Hàm
Quả vị thứ ba trên đường tu của hàng Thanh Văn là A Na Hàm. A Na Hàm, người Trung Hoa dịch là Bất Lai, tức là không thọ sanh trở lại nơi cõi đời nầy nữa, vì đã dứt sạch tất cả Tư Hoặc ở cõi dục. Chúng ta muốn đi nốt đoạn đường tu niệm phải đạt tới quả A La Hán sau cùng mới thành công viên mãn. Người tu đã chứng tới quả A Na Hàm thuộc hàng Tiểu Thừa Phật Giáo, cũng có nghĩa là không còn bị chi phối bởi dòng sanh tử luân hồi của cõi dục nữa. Cũng cần nói rõ về nghĩa của chữ Tư Hoặc là cái mê lầm về sự, do mê muội nơi sự vật mà ra. Những nhu cầu đó chẳng hạn như ba nhu cầu tối thiểu trong đời sống là:
- Cơm ăn, áo mặc, và nhà ở.
Ba sự việc nầy tuy là đơn giản nhưng nó làm cho chúng ta tham trước. Ý niệm nẩy sinh cùng trong một thân nầy, cho nên nó còn có tên là mê lầm về câu sanh. Muốn tận diệt sự mê lầm đó, cần phải gắng chí tu trì để từ từ dứt bỏ những điều mê lầm căn bản đó gọi là tư hoặc. Đến quả vị A Na Hàm là quả vị đã trừ bỏ hẳn những mê lầm căn bản đó từ thô đến tế, để dũng mãnh đứng vào hàng Thánh mà không sợ bị chi phối bởi nghiệp lực nữa.
4- A La Hán
Giai đoạn sau cùng để đạt được mục đích tối hậu của quả Thanh Văn thuộc Tiểu Thừa Phật giáo là A La Hán. A La Hán người Trung Hoa dịch là vô sanh hay Ứng Cúng, tức là không còn thọ sanh làm người trong cõi dục nữa, mà là bậc đã giác ngộ sáng suốt xứng đáng thọ nhận của Trời và Người cúng dường. Do vậy nếu chúng ta làm một sự so sánh, thì quả vị của hàng Thanh Văn không có khác với Bồ Tát. Chỗ cứu cánh của Thanh Văn là tu giải thoát lấy mình, trong khi đó Bồ Tát không những tự độ cho chính bản thân, mà còn cứu độ cho nhiều người khác đồng tu và đồng chứng quả. Từ lý tưởng nầy cho nên khi những vị đạt đến quả A La Hán, họ không trở lại trần gian nữa. Tuy nhiên lý tưởng của Bồ Tát là mang hạnh nguyện từ bi, và lăn xã trong đời, gần gũi chúng sanh để cứu giúp cho chúng sanh, cho nên họ phải hiện thân trở lại cõi đời. Như vậy nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ lý tưởng mà thôi.  
Chúng ta tu hành cần lưu tâm ở điều nầy, thông thường chúng ta sống với trạng thái vui buồn, nhưng dù vui hay buồn đều do ngoại duyên tác động vào tâm hồn mà tạo nên. Nói cách khác cuộc sống của mọi người hoàn toàn bị các pháp sanh diệt xoay vần chi phối. Nhận chân được điều đó, chúng ta tu hành việc trước nhất phải bắt đầu giảm bớt những thế lực ảnh hưởng của tác động bên ngoài. Đồng thời tùy theo mức hạn chế phần tác động đến đâu, thì tâm chúng ta sẽ tạm bình yên đến đó. Khi bớt tiếp xúc cuộc đời, thì tâm hồn chúng ta sẽ lắng yên, và lúc đó chúng ta sẽ thấy được trong vui có buồn, và trong buồn có vui, nó chỉ là các pháp sanh diệt. Biết nó sanh diệt nên chúng ta không quan tâm, trạng thái vui buồn trần thế cũng theo đó chấm dứt, lúc đó chúng ta sẽ đạt đến trạng thái ly sanh. Một khi chúng ta rời bỏ vui buồn sanh diệt, thì chúng ta mới tìm được nguồn vui vô sanh của đạo, một niềm vui kỳ diệu luân chuyển trong tâm, không tùy thuộc hoàn cảnh bên ngoài, trạng thái nầy gọi là hỷ lạc.
Tu đến một lúc nào đó chúng ta sẽ được ly sanh hỷ lạc, không còn bị thế gian tác động. Lúc bấy giờ chúng ta phát hiện được con người thực của chính mình không phải là bảy đại ngũ uẩn, mà nó là hỷ lạc, là một cái gì đó có thể tiếp xúc được với hàng tứ thánh. Cánh cửa của Tứ Thánh đã mở cho chúng ta, do vậy mà tuy là thế giới phàm phu có đó, nhưng không còn tác động nữa, và người chung quanh không còn khả năng mang tin vui buồn đến cho chúng ta nữa.
Quả thật như vậy, điều nầy đã được ghi chép trong thánh điển A Hàm, mà qua đó chúng ta thấy:
- Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị đại thí chủ đến cúng dường Đức Phật và thánh chúng, trong lúc đang cúng, người nhà đến báo tin chồng bà và hai con của bà bị giết chết. Bà nghe tin nầy vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc cúng dường. Động thái nầy, nếu đứng ở góc độ tình cảm thế gian mà suy xét, thì ai cũng cho rằng bà nầy quá nhẫn tâm, vì khi nghe đến cái chết của chồng con mà không mảy may rung động. Tuy nhiên nhìn ở dưới lăng kính của người đã thực sự thâm nhập thế giới vô sanh hỷ lạc, cuộc đời không còn khả năng tác động cho hàng Dự Lưu đã bước vào dòng thánh. Do vậy ở đây tâm hồn vị đại thí chủ nầy tương ưng với đức Phật như thế nào thì chúng ta không biết, nhưng chắc chắn thế giới hỷ lạc của bà cảm nhận được phải một sức thu hút rất mạnh, vì thế mà nó có khả năng cắt đứt sợi dây liên hệ vui buồn của thế gian.
Ngày nay, chúng ta là phật tử, quyết tâm theo Phật tu hành, thì ngày đêm cần phải khắc phục những ảnh hưởng của ngoại duyên, nhờ chánh quán vui buồn vinh nhục, mà chúng ta không thiết đến nó và bước vào an trú trong thế giới lầu các bao la của chư Phật. Ngược lại nếu không quyết tâm tu, cứ chạy rong bên ngoài, thì dù trải qua trăm kiếp ngàn đời cũng không thể nào hưởng được pháp hỷ lạc.
Kế đến trạng thái thứ hai của người chứng quả Tu Ðà Hoàn tức là tâm đã vượt hơn cuộc đời, cao thượng hơn thế gian, đời không thể nào tác hại được. Do vậy mà chúng ta vân du giáo hóa khắp vạn nẻo đường đời mà không lằn tên mũi đạn nào, không có chướng ngại nào của thế gian có khả năng làm tổn thương tâm hồn. Từ tâm thanh tịnh lắng yên ở sơ quả, chúng ta luôn tiếp nhận Phật Pháp vào lòng, sống với lời Phật dạy, với tạng sâu kín của Như Lai và nhận được pháp thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. An trú trong chánh pháp, chúng ta sẽ không còn bị nóng lạnh, đói khát chi phối, nhưng nhục thân vẫn còn ăn uống để duy trì thân tứ đại. Chính từ trong thế giới hiện thực nầy mà ly sanh hỷ lạc, xả niệm thanh tịnh, đó là Tịnh Ðộ Nhân Gian. Đến đây chúng ta mới thấy Đức Phật xây dựng cho chư vị Thanh Văn an trú trong tinh độ nhân gian trên bước đường giải thoát, tìm được sự bình an cho tâm hồn ngay trên cõi đời nầy là điều chính yếu của Thanh Văn. Đó là những bước căn bản để cho chúng ta sống trong Tịnh Ðộ nhỏ đầu tiên, nếu chúng ta không thực hiện nổI, thì còn mong gì đạt được những quả vị khác. Do vậy, nếu trong cuộc đời tu, chúng ta không nương được bóng mát an lành của bất cứ Tịnh Ðộ nào mà Phật đã hướng dẫn, trong khi đó chỉ sống hoàn toàn với trần thế, thì tất nhiên ngàn đời vẫn đứng ngoài cửa Tịnh Ðộ.
Như có lần chúng tôi nói, là người phật tử, hướng đi lúc nào cũng hướng đến các cảnh tịnh độ của chư Phật, tuy nhiên trước khi nói và thực hành về Tịnh Ðộ của chư Phật, thì chúng ta phải biết Tịnh Độ của Bồ Tát. Phải có Tịnh Độ Bồ Tát thì mới tạo tịnh Ðộ của chư Phật được. Tịnh Độ của Bồ Tát, trong phạm vi bài pháp nầy là muốn nói đến Bồ Tát Nhân Gian. Đức Phật vì thương chúng sanh nên đã đưa ra một số mẫu Tịnh Ðộ của Bồ Tát khác Tịnh Ðộ Phật. Thế giới Phật hoàn toàn an lành, thế giới Bồ Tát là thế giới giáo hóa chúng sanh, cho nên chúng sanh như thế nào thì Bồ Tát cũng nương theo đó để giáo hóa. Có ba loại Tịnh Độ Nhân Gian đó là:
- Trực Tâm Tịnh Độ
- Thâm Tâm tịnh Độ
- Bồ Đề Tâm Tịnh Độ
1- Trực Tâm Tịnh Độ
Khởi điểm đức Phật dạy Bồ Tát xây dựng thế giới an lành bằng trực tâm. Nếu chúng ta tu tâm ngay thật, không quanh co, luyện tâm cho đến mức ngay thẳng, đúng đắn hoàn toàn thì Tịnh độ của Bồ Tát hiện ra. Với tâm tánh chánh trực, chúng ta biết sống thành thật với lòng mình và với những người chung quanh. Sở dĩ mà trong cõi Ta Bà đau khổ, là chỉ vì lòng chúng sanh không ngay thẳng, thường lừa dối lẫn nhau cho đến phá sản tinh thần, không còn ai tin nhau được. Vì vậy muốn xây dựng người khác, chúng ta phải xây dựng chính mình trước. Sống đúng với sự thật không gian dối, thì tâm an lành sẽ tự hiện ra. Bối cảnh tâm linh có trước nghĩa là lòng chúng ta luôn bình an thể hiện ra việc làm, và cuộc sống hoàn toàn chân thật, chắc chắn chúng ta không còn gì để lo âu tính toán. Ngược lại những âm mưu dối trá, càng được che đậy kỷ lưỡng bao nhiều, thì nó càng sống dậy mãnh liệt trong tâm, khiến chúng ta không thể nào thanh tịnh được và tất nhiên thế giới an lành cũng vượt khỏi tầm tay chúng ta. Do vậy, nếu trang nghiêm bằng tâm chân thật, không dua dối thì chúng ta nên lắng nghe những lời chỉ trích của người khác mà tự sửa mình. Hay nói khác là chúng ta nên coi người khác là tấm gương để chúng ta soi. Khi mà chúng ta lấy người làm tấm gương để soi và tinh tấn cải thiện suy tư và hành động chúng ta tốt đẹp bao nhiêu, thì bản tánh giác ngộ của chúng ta trong sáng thêm bấy nhiêu.
Trực tâm nầy sẽ hướng dẫn việc làm chúng ta đứng đắn ngay thật, từ đó chúng ta sẽ tạo niềm tin tưởng cho những người chung quanh, lúc bấy giờ người khác sẽ đến với chúng ta bằng chân tình. Sống chung quanh với những người bạn ngay thẳng, chuyện rắc rối không thể xẩy ra. Do đó chúng ta cần nên nhớ rằng tâm chúng ta như thế nào, thì sẽ kết thành chúng nhân theo chúng ta như vậy. Người ác xấu không thể sống chung với người lành, tự nhiên có những mâu thuẩn kỳ lạ đẩy họ cách xa nhau. Chúng ta thành thật với mình trước và người chung quanh sẽ thành thật theo. Từ đó thế giới an lành tin yêu sẽ mở ra cho chính chúng ta và mọi người, chính trong những giờ phút đó, một bình an của Tịnh Ðộ nhỏ bé trong lòng thế giới Ta Bà bao la xuất hiện để chúng ta yên ổn tu hành. Từ Trực Tâm thấy chúng ta và người đúng như thật, dám sống theo sự thật là nền tảng của người phật tử tiến tu đạo hạnh, còn ngược lại những ai sống cuộc sống dối trá, thì đời đời vẫn là chúng sanh, và lẽ tất nhiên không thể nào bước chân đến Trực Tâm Tịnh Độ.
2- Thâm Tâm Tịnh Độ
Khi thâm tâm đã yên ổn trong trong thế giới thành thật rồi, chúng ta nhìn ra bên ngoài thấy người khổ đau đói rét khởi tâm niệm giúp đỡ, bắt đầu mở rộng thế giới an lành cho người khác, chan hòa tình thương cho mọi người, nghĩa là từ Tịnh Ðộ Trực Tâm tiến lên đến Tịnh Ðộ Thâm Tâm, đức Phật dạy thâm tâm là Tịnh Ðộ của Bồ Tát, nhất là Bồ Tát Nhân Gian. Thâm tâm hay đại bi tâm là thế giới tình thương hình thành sau thế giới của thành thật. Thâm tâm nầy chính là bổn hoài của đức Phật khi Ngài hiện thân trên cuộc đời nầy.
Ðức Phật trãi rộng tình thương đối với mọi người, cho nên Ngài đã nhận được những cảm tình vô hạn của kiếp người hướng về Ngài, và coi Ngài là đấng cha lành muôn thuở. Bước theo dấu chân của đức Phật, chúng ta thực hành để đầu tiên hoa tình thương nở ra trong tâm chúng ta, và tạo thành một sự thao thức quyết ý cứu vớt tất cả chúng sanh. Tình thương nầy được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống người khác ngang bằng với chúng ta, truyền trao kiến thức cho người khác hiểu như chúng ta, và mang cho người khác hạnh phúc an lạc như chúng ta. Tình thương chân thật của chúng ta đối với người khác tác động cho con người và được đáp lại mối thiện cảm sâu xa, từ đó tạo thành thế giới thương yêu an lành đó là Tịnh Ðộ của Bồ Tát Nhân Gian. Bồ Tát Nhân Gian muốn tu hành được thành tựu viên mãn, phải có Tịnh Ðộ của mình, an trú trong Tịnh Ðộ làm công việc giáo hóa chúng sanh mới không bị rớt vào đau khổ, có như thế thì cho dù là ở trong trần lao nhưng những Bồ Tát vẫn có Tịnh Ðộ riêng để sống. Sống với lòng từ bi, với tình thương chắc chắn chúng ta sẽ tạo được cảnh giới an vui hòa hợp.
Ông Cấp Cô Ðộc hay Trưởng Giả Thiện Ðức trong Kinh Duy Ma tiêu biểu cho mẫu người có lòng từ bi cao độ. Ông trãi lòng từ bi nuôi dưỡng tất cả những người nghèo khổ côi cút trong thành Tỳ Da Ly, cho nên những người có tâm lượng thương người rộng lớn như ông mang của cải đến chung cùng, hợp tác với ông trong công tác từ thiện, và những người được ông giúp đỡ xây dựng hết lòng làm việc để mong đền đáp tình thương đã chan hòa với họ.
3- Tâm Bồ Đề Tịnh Độ
Một khi đã tạo thành thế giới tình thương rồi, chúng ta phải có Tịnh Ðộ thứ Ba là Bồ Ðề Tâm Tịnh Độ. Bồ Ðề Tâm là trí giác, là khả năng nhận thức sáng suốt để hành động đúng đắn có lợi cho mình và cho người, cho nên Bồ Ðề Tâm rất quan trọng. Bởi vì chỗ nào có Bồ Ðề Tâm thì chỗ đó có tình thương và ngay thật. Một khi tình thương phát xuất từ Tâm Bồ Ðề là loại tình thương chân thật, nếu không có tâm Bồ Ðề hướng dẫn thì chúng ta sẽ bị rơi vào loại tình thương giả dối hay có giới hạn, vì thương trong tham dục thương để rồi đau khổ thì không nên thương làm chi.
Người tu khởi tâm từ giúp đỡ người đời bằng trí giác, thì trên bước chân hành đạo của chúng ta mới nở hoa và không bị vấp ngã. Chúng ta phải có cái nhìn chính xác, tùy theo căn tánh hành nghiệp mà dìu dắt chúng sanh cùng nhau tiến bước trên con đường Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Một khi thực hành thành tựu đến giai đoạn nầy, con người sẽ tin tưởng đến với chúng ta và đem cả tài sản và thân mạng giao cho chúng ta. Do vậy nếu mà chúng ta không thành tựu, không sáng suốt, lẽ tất nhiên không biết cách xử dụng, không biết hướng dẫn thì thật là khổ tâm. Vì thế mà sự nghiệp càng lớn, thì đòi hỏi người lãnh đạo càng phải sáng suốt. Chúng ta sống một mình muốn làm gì cũng đựợc, nhưng đã là người lãnh đạo quần chúng, thì chúng ta phải làm thế nào cho con người phát triển an vui hạnh phúc, cho nên vấn đề yêu cầu trí thức trở thành quan trọng. Chúng ta có thương người và ngay thẳng đến đâu chăng nữa nhưng không đủ sáng suốt cũng thất bại, làm cho người đau khổ. Cho nên người đời thường nói:
- Ôn cố tri tân
Do vậy mà chúng ta cũng nên nhìn lại Thành Tỳ Da Ly, sở dĩ mà  phát triển giàu mạnh, là nhờ còn người khéo kết hợp những người tri thức và điều động những tầng lớp khác cùng chung xây dựng Bồ Tát Đạo, tu Bồ Ðề Tâm, và những người cùng có chí hướng thượng sẽ đến với Bồ Tát Nhân Gian để tìm cầu phát triển trí tuệ.  Khi Bồ Ðề tâm tăng trưởng hay trí giác phát triển, thì chúng ta sẽ biết rõ được nguyên tố cấu tạo nên con người và thế giới con người, từ đó chúng ta có thể vận dụng những công thức nầy để thăng hoa đời sống cho cuộc đời và xã hội. Từ những yếu tố quan trọng nầy, chúng ta có thể nói:
- Nơi nào có Bồ Ðề Tâm hay có trí tuệ, nơi đó phát triển có đời sống cao là mẫu Tịnh Ðộ của Bồ Tát Nhân Gian, hay đó chính là cảnh Tịnh Độ Nhân Gian.
Như vậy nếu chúng ta muốn xây dựng Tịnh Ðộ giống Phật Thích Ca Mâu Ni, thì chúng ta phải xây dựng ba cõi Tịnh Ðộ căn bản của Bồ Tát trên nhân gian nghĩa là xây dựng xã hội của lòng ngay thật, của tình thương, của hiểu biết sống chung với nhau bằng hiểu biết, tình thương, ngay thật sẽ dễ dàng hài hòa an vui. Vì thế Phật dạy ba tâm:
- Trực Tâm,
- Thâm Thâm.
- Bồ Ðề Tâm
Kết thành tịnh độ Nhân Gian của Bồ Tát Nhân Gian và chính Ngài cũng đã xử dụng ba tâm nầy để hình thành một Tam Bảo trên thế nhân gian ngay từ thời thuyết pháp đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển. Thật vậy Bồ Ðề Tâm là tâm sáng suốt hay trí tuệ mà đức Phật là người tiêu biểu. Bằng tâm sáng suốt đức Phật thấy rõ tâm trạng, và nhu cầu từng người, cho nên Ngài mới có thể thỏa mãn, và giải quyết được tất cả mọi khó khăn, và điều động để mọi việc đều được thành tựu tốt đẹp và hình thành nên Tịnh Ðộ ngay ở Lộc Uyển, nhưng Thanh Văn theo Phật không thấy được thế giới an lành đang bao phủ, mà chỉ thấy cùng sống chung đi khất thực với Phật.
Trang nghiêm bằng tâm sáng suốt rồi đức Phật mở rộng thế giới tình thương cho mọi người. Truyền trao Bồ Ðề Tâm cho họ hay nói khác giúp con người nhận thức đúng như thật để làm lợi ích cho đời nên pháp nói ra là thậm thâm. Và những người đệ tử theo Phật an trú trong pháp sống ngay thật dịu hòa với nhau. Như vậy mô hình Tam Bảo lập giáo khai tông ở Lộc Uyển, chính là thế giới an lành, hay Tịnh Độ Nhân Gian đầu tiên mà đức Phật đã xây dựng.
Thành tựu ba tâm nầy, đức Phật dạy chúng ta phải tiếp tục phát triển Tịnh Ðộ Nhân Gian bằng cách kết hợp ba tâm với sáu pháp Ba La Mật, bởi vì nếu không đặt căn bản trên ba tâm mà tu sáu pháp Ba La Mật thì tất nhiên không thành pháp của Bồ Tát, do vậy mà ba tâm và sáu pháp Ba La Mật không được tách rời. Tuy nhiên việc vận dụng ba tâm và sáu pháp Ba La Mật là vấn đề không đơn giản. Như chúng ta đã biết, ba tâm và sáu pháp Ba La Mật để riêng rất dễ, nhưng kết hợp ba tâm và sáu pháp Ba La Mật để ứng dụng từng chỗ khác nhau thì rất là khó, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải biết cách tổng hợp để đi đến sáng tạo riêng của chúng ta mới tu đạo Bồ Tát được.
Ví như đồng một lúc địch tấn công bốn phía chúng ta đều đỡ được. Không kết hợp mà tu ba tâm Sáu Pháp Ba La Mật rời rạc sẽ không kết quả. Ví dụ như Bố Thí chung không được phải kết hợp bố thí với ba tâm. Bởi vì chúng ta bố thí trên căn bản tình thương, thì phẩm vật lớn hay nhỏ, nhiều hay ít không quan trọng, nhưng quan trọng ở lòng chúng ta rộng hay hẹp. Nếu chúng ta có thực đại bi tâm thì muối cũng thành ngọt. Tuy nhiên bố thí trên căn bản đại bi nhưng thiếu bồ đề tâm, hay tri giác sẽ dễ bị người lợi dụng lòng tốt của chúng ta. Vì vậy xử dụng tiền của bố thí cũng phải kết hợp với Tâm Bồ Ðề hay trí khôn chỉ đạo mới được, nếu không bố thí tràn lan thì cho dù là của kho cũng cho không đủ. Nghĩa là chúng ta phải thấy đúng đối tượng và đúng yêu cầu mới cho, mới giúp. Thực hành theo giáo pháp của Ðức Phật là thân miệng ý, lời nói hành động đều đặt trên sự chỉ đạo của trí tuệ.
Quả thật, Ðức Phật Ngài đã xử dụng trí tuệ rọi vào cuộc sống chính xác, để thấy rõ yêu cầu thế nào và đáp ứng nhằm mục tiêu phát triển mọi người lên, không phải giúp đỡ để cho họ trở thành người ăn hại. Vì thế thâm tâm kết hợp ngược lại Bồ Ðề Tâm xem coi có đáng cho không, và cho người đó để họ làm gì đó mới là vấn đề quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta cho người ăn bát cơm, trong niệm tâm lúc đó họ no dạ, nhưng niệm thứ nhì sau đó họ đói thì sẽ ra sao. Hay nói khác Bồ Tát dùng Bồ Ðề Tâm, xoáy sâu vào nghiệp của người được bố thí để giải quyết vấn đề nghiệp mới là chính, do vậy chúng ta không giải quyết được nghiệp mà cứ cho ăn là chuyện vô ích, giống như Kinh Pháp Hoa dạy nuôi một người cho đầy đủ đến 80 tuổi thành La Hán cũng không bằng một người nghe một chữ kinh của Pháp Hoa thoát kiếp sanh tử luân hồi.
Chúng ta không dùng bốn tâm để xóa nghiệp người khác mà bố thí làm cho lòng tham và nghiệp của người tăng trưởng thêm, làm cho con người càng sung sướng càng tham lam. Cho nên càng giúp đở con người càng tham, đến độ chúng ta không có khả năng che chở được, bấy giờ họ sẽ quay ngược lại chống chúng ta. Như vậy chúng ta đã tạo điều kiện cho họ chống lại chúng ta mà cứ lầm tưởng là chúng ta dìu dắt họ, khác gì chúng ta vào đời phá hại chúng sanh, không phải giúp đỡ chúng sanh, mà là dìu dắt nhau đi xuống địa ngục.
Ðức Phật dùng trí giác để bố thí, cho nên người theo Phật nghe pháp lần xoá nghiệp của họ, cuộc sống vui lên họ tự phát triển dù đức Phật không cho mà đó thực là cho rất nhiều của cải châu báu. Ðiển hình như bà ăn mày cắt tóc mua dầu, cúng Phật thoát được kiếp ăn mày và trở thành Vương Phi vì đúng như pháp cúng dường. Trên thực tế bà ăn mày đã cúng đức Phật nhưng mười phương chư Phật nhìn thấy chính Ðức Phật Thích Ca đã bố thí cho bà ăn mày nhờ đó mà bà mới chuyển kiếp được như vậy.
Nói tóm lại, Tịnh Độ Nhân Gian là loại tịnh độ được xây dựng và thực hành bởi những Bồ Tát trong nhân gian. Bồ Tát Nhân Gian chính là chúng ta, là người phật tử biết giáo lý và thực hành giáo lý giải thoát, trong cách thực hành nầy luôn luôn lúc nào cũng xử dụng tâm Bồ Ðề và Thâm Tâm thực hành bố thí chưa đủ, mà phải vận dụng thêm trực tâm là lòng ngay thẳng, bình đẳng tuyệt đối. Không có trực Tâm hay Như Lai Tâm, và bình đẳng tâm thì chúng ta tu suốt đời cũng không thành Phật. Vì vậy mà Tịnh Danh Bồ Tát nói với Bồ Tát Văn Thù rằng:
- Ngài coi đức Phật Vô Nan Thắng và bà ăn mày đồng nhau không khác, tuy có cho người nầy, không cho người kia, nhưng trên bình đẳng tâm không có phân biệt.
Mắt thường không thấy bình đẳng, nhưng dưới mắt đức Phật, qua đó cho chúng ta thấy Duy Ma bình đẳng. Ðối với các vị Quốc Vương Bà La Môn, thương gia và tất cả những người khác, cư sĩ Duy Ma đối xử khác nhau, làm trăm việc không giống nhau, nhưng tất cả đều hoàn toàn thực hành pháp bình đẳng.
Khi chúng ta biết kết hợp ba tâm vào việc bố thí, tác động hổ tương cho nhau, người khác thọ được pháp bố thí của chúng ta, thì họ cũng tự phát triển ba tâm hay nói khác hơn là lấy tâm chúng ta để vào tâm người khác, tác động cho người khác phát triển như tâm chúng ta là chúng ta đã hành bố thí của Bồ Tát. Như vậy, nếu có lúc ông trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã thể hiện được pháp bố thí trên dạng ba tâm, và những người nghèo đói do ông nuôi dưỡng giúp đỡ cũng đều phát triển ba tâm, và trở thành những người tài giỏi thay thế ông quản lý sự nghiệp trong quá khứ, thì ngày nay trên cõi đời nầy, là người phật tử tu học đạo giải thoát, chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Và tất cả mọi người ai cũng làm được như vậy, thì chúng ta đã trao cho mọi người trên cuộc đời nầy một nội dung Tịnh Độ Nhân Gian đầy hoa thơm cỏ lạ.
--o0o--