|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
THIỀN SƯ LIỄU QUÁN &
-
CHÙA THIỀN TÔN - HUẾ
-
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
-
--o0o--
-
-
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613)
vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai
trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh
làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng
Trong và Đàng Ngoài.
-
Tuy nhiên, chế độ cầm quyền dù có khác nhau mà lòng dân vẫn là
một. Dân Đàng Trong hay dân Đàng ngoài vẫn coi nước Việt Nam là
một, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng vẫn giống nhau. Dân
Đàng Ngoài tin Phật giáo, dân Đàng Trong cũng tin Phật giáo, mặc
dù Phật giáo lúc này đã suy vi rất nhiều so với Phật giáo thời
Lý Trần. Song do có lòng tin đó, mà Đàng Trong hay Đàng Ngoài
vẫn có các vị Thiền sư kể cả các vị Thiền sư Trung Quốc qua tiếp
tục truyền bá đạo Thiền thuộc phái Lâm Tế và Tào Động.
-
Gặp lúc ở Tàu nhà Mãn Thanh lên thay nhà Minh, những Tăng sĩ Tàu
không thần phục nhà Thanh mới bỏ sang Việt Nam. Người vào đất
Bắc như Chuyết Công Hòa thượng, Minh Lương Hòa thượng, người vào
đất Nam như Tế Viên Hòa thượng, Giác Phong Lão tổ, Thọ Tôn
Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Thạch Liêm Đại Sán v.v... sang
ở vùng Thuận Hóa và Bình Định. Trong khoảng thời gian này, ở
Đàng Trong có một vị Thiền sư Việt Nam, đạo đức cao siêu, tâm
quang sáng rực, được tôn làm Tổ, đó là Hòa thượng Liễu Quán mà
cuộc đời của Ngài thật là một tấm gương tốt chói lọi của một
trong những vị Sư thông thái nhất xứ này.
-
Tổ Liễu Quán mở pháp môn ở núi Thiên Thai thuộc Thuận Hóa. Ngài
đặt bài kệ: "Thật Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng v.v..." để
làm pháp hệ truyền thừa mãi đến này vẫn còn tiếp nối. Hầu hết
các chùa ở vùng Trung và Nam Việt đều thuộc phái Thiền Lâm Tế
này, trong khi việc truyền bá của các vị Thiền sư Trung Quốc
không mấy rộng rãi và liên tục cho bằng. Tổ Liễu Quán thật đã có
một vị trí sáng chói trong lịch sử Phật giáo cuối đời Hậu Lê.
Vậy ở đây ta hãy tìm hiểu rõ hơn về ngài.
-
Ở khoảng ba cây số về phía
Nam
đàn Nam giao có một ngôi tháp đến nay còn được giữ gìn hoàn hảo
đẹp đẽ ở trên một thửa đất có tường thành bao quanh, có tam cấp
và hồ sen. Đó là ngôi tháp của Tổ Liễu Quán. Có thể nói đây là
ngôi tháp hùng vĩ, cổ kính, uy nghiêm nhất từ xưa còn lại ở miền
Trung và Nam Việt.
-
Khuôn viên thấp gồm có kiến trúc Pháp tường thành, nền hồ vôi,
rộng vào khoảng 70 mét vuông, nếu kể toàn diện tích đất chung
quanh thì có thể gần một héc-ta, trong đó có phần trồng thông và
xoài.
-
Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Lớp trong hình
bát giác cao độ 0m60 ở gần tháp. Lớp ngoài hình tứ giác cao độ
1m80, dày 1m. trước tháp có tam cấp danh dự ngang 4 mét gồm 10
bậc. Ở ngoài nhìn trên cổng tường vào tháp có biển đề chữ: "Đàm
hoa lạc khứ hữu du hương" (Hoa Đàm rụng hương thơm vẫn còn). Hai
bên có hai câu đối: "Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu
lục thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn" (Tiếng
linh báu ngân dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không
dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi xanh).
-
Phía trong tường thành là ngôi tháp dựng ở chính giữa, hình bát
giác hồ vôi, cao 7 tầng độ 6 mét, mặt trước có bia đá áp sát vào
và mang các dòng chữ: bên trên: "Vô lượng quang", dòng giữa bia:
"Sắc tú Chánh giác Viên ngộ Liễu Quán lão Hòa thượng chi tháp".
Hai bên có hai câu đối: "Bỗng át chân phong gia kế thuật; Tân
lương mỹ hóa quốc bao sùng" (Chân phong của phép Thiền đánh hét
được ngài kế thừa truyền thuật; Đức hòa tốt đẹp của bậc Thầy
hướng đạo được cả nước khen ngợi tôn sùng).
-
Áp sát mặt trong tường thành bên trái của tháp có tấm bia đá sa
thạch cao 1m, rộng 0m60, văn bia gồm gần 1.500 chữ Hán, do người
cháu trong đạo của Tổ Liễu Quán, bấy giờ đang làm Sư ở chùa Tang
Liên bên Trung Quốc soạn và dựng năm thứ 9 niên hiệu Cảnh Hưng
(1748, vua Lê Hiển Tôn), đúng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên
tịch.
-
Chính nội dung tấm bia này là một tài liệu đầy đủ nhất còn lại
cho ta biết rõ công hạnh tu chứng và hóa đạo của Tổ Liễu Quán.
-
Dưới đây là bản dịch các điểm chính tấm bia ấy: "Đặc điểm căn
bản của Phật giáo chúng ta là gì? - Theo Phật giáo, con người
không phải từ cửa tử sanh ra, cũng phải chết đi là đi vào cửa
tử. Thế nên người xưa sống trong rừng sâu hang động, chỉ ăn ngủ
sơ sài, chẳng có gì quan trọng đáng lo nghĩ hơn là vấn đề sống
và chết.
-
Tìm được một người chấp nhận hy sinh cho đạo pháp, nhất là lúc
Phật giáo đang suy đồi như Hòa thượng Liễu Quán của chúng ta
thật là điều hy hữu.
-
Ngài Quán làng Bạc Mã, huyện Đồng xuân phủ Phú Yên, họ Lê, pháp
danh Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán. Tu học từ thuở nhỏ, ngài tỏ ra
thông minh khí tiết hơn các bạn đồng học. Mất mẹ năm lên sáu,
theo ý nguyện của ngài, thân phụ ngài đã gởi ngài đến chùa Hội
Tôn thụ giáo với Tế Viên Hòa thượng. Bảy năm sau Tế Viên Hòa
thượng tịch, Ngài ra Huế vào chùa Hàm Long (tức chùa Bảo Quốc
ngày nay) thụ học với Giác Phong lão tổ.
-
Năm Tân tị (1691), sau khi xuống tóc được một năm, ngài được gọi
về làng cũ để giúp đỡ phụ thân trong lúc già yếu. Nhà nghèo ngài
phải đi hái củi bán lấy tiền lo thuốc thang. Bốn năm sau phụ
thân qua đời vào năm Ất hợi (1695) ngài lại trở ra Huế chính
thức thụ giới Sa-di với Thạch Liêm Đại Sán Hòa thượng. Năm Đinh
sửu (1697) ngài tiếp tục thụ giới Cụ túc với Từ Lâm lão Hòa
thượng.
-
Năm Kỹ mão (1699) ngài đi khắp Tòng Lâm thăm viếng nhiều chùa để
học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo, chẳng
quản đạm bạc gian lao. Từ đó ngài tinh chuyên tu tập.
-
Năm Nhâm ngọ (1702) ngài đến Long Sơn đầu sư với Tử Dung Hòa
thượng (người sáng lập Ấn Tôn Từ Đàm hiện nay), một vị Hòa
thượng có tiếng thông thái khéo dạy người niệm Phật tham Thiền
của thời này.
-
Trước khi chấp nhận ngài làm học trò, Hòa thượng Tử Dung đã thử
nhiều lần và bắt ngài giải thích câu sau đây: "Muôn pháp quy về
một, một về đâu?". Ngài đã tìm kiếm 8, 9 năm không ra câu giải
đáp và đã thất vọng.
-
Một hôm nhân đọc Truyền Đăng Lục, ngài gặp câu: "Chỉ vật truyền
tâm, nhân bất hội xứ" (Chỉ vật truyền tâm, chỗ mà người ngoại
cuộc không hiểu được), bỗng nhiên ngài thấy đã tìm ra câu giải
đáp mà thầy mình đã đặt ra, nhưng vì đường sá xa cách, không thể
đến trình chỗ ngộ với thầy ngay được.
-
Năm Mậu tý (1708) ngài đến Long Sơn (Huế) để đệ trình kết quả
với câu: "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ". Hòa thượng Tử
Dung lại dạy câu: "Đứng ở mé bờ cao vút buông tay, tự mình chịu
lấy, chết rồi sống lại, bấy giờ không ai có thể dối người"
(Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô, khi
quân bất đắc). Ngài vỗ tay cười lớn tiếng. Hòa thượng nói:
"Không phải vậy đâu". Ngài liền đọc: "Xứng chùy nguyên thị
thiết". (Cái dùi nguyên là sắt). Hòa thượng đáp:
-
- "Cũng không phải vậy đâu".
-
Hôm sau Hòa thượng lại tiếp tục thử ngài bằng câu: "Công án ngày
qua chưa giải đáp xong, hãy nói lại xem?". Ngài liền đọc hai
câu: Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi. Hòa thượng tán
thán.
-
Năm Nhâm thìn (1712) khi Hòa thượng Tử Dung vào Quảng Nam để làm
lễ Toàn Viện (?) ngài Liễu Quán trình Hòa thượng bài kệ dục Phật
(tắm Phật). Xem bài kệ, Hòa thượng đặt cho ngài câu hỏi sau đây:
"Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao cho nhau, chưa rõ truyền
trao cái gì ấy?". Ngài Liễu Quán đáp: "Măng đá mọc chồi dài một
trượng, phủ phất lông rùa nặng ba cân". Hòa thượng Tử Dung tiếp
hỏi: "Thuyền trượt trên núi cao, ngựa chạy dưới đáy biển" nghĩa
là gì? Ngài đáp: "Trâu đất gãy sừng rống thâu đêm, đàn cầm không
giây gảy suốt ngày".
-
Rồi ngài chép lại tất cả những câu đối đáp trình ngay lên Hòa
thượng Tử Dung và được Hòa thượng hoàn toàn thừa nhận.
-
Ngài là người có trí thông minh phi thường, chí nguyện siêu
việt.
-
Năm Nhâm dần (1722) ngài về trụ ở Tổ đình Thiền Tôn - Huế. Trong
các năm Quý sửu. Giáp dần, Ất mão (1733, 1734, 1735) ngài mở bốn
đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của các hàng cư sĩ, xuất gia và
các quan viên hộ pháp. Năm Canh thân (1740) sau khi truyền giới
đàn Long Hoa, ngài trở lại tổ đình.
-
Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và
danh tiếng của ngài, triệu ngài vào cung, nhưng ngài muốn giữ sự
tự tại ở chốn lâm tuyền nên đã từ tạ lời thỉnh mà không đến.
-
Mùa xuân năm Nhâm tuất (1742) ngài lại mở giới đàn tại chùa Viên
Thông. Vào cuối thu, tháng 9 năm ấy (tháng 10 năm 1742) ngài lâm
bịnh nhưng không có dấu hiệu gì trầm trọng. Tháng 10 năm ấy,
ngài họp các đệ tử nói: "Tôi sẽ ra đi, sứ mạng của tôi ở đời này
đã xong". Các đệ tử khóc òa. Ngài khuyên bảo: "Tại sao các vị
khóc? Chư Phật còn nhập Niết-bàn. Tôi cũng vậy, tôi đến đi rõ
ràng, về có nơi chốn. Xin đừng buồn rầu, hãy cố gắng tinh tấn
hơn lên".
-
Tháng 11 âm lịch năm ấy, mấy ngày trước khi mất, ngài ngồi dậy
tự tay viết bốn câu:
-
"Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
-
Không không sắc sắc thấy dung thôn
-
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ
-
Nào phải ân cần hỏi tổ tông".
-
Viết xong, ngài bảo các đệ tử: "Các vị xem này, tôi đến với cõi
đời này giản dị biết bao nhiêu. Tôi sẽ ra đi trọn vẹn. Mai sau
các vị hãy áp dụng thực hành Thánh hạnh. Xin hãy cố gắng chớ
quên lời dạy bảo của tôi".
-
Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (tháng 12 năm 1742) sau khi dùng
trà, hành lễ buổi sáng, ngài hỏi đệ tử mấy giờ. Các đệ tử đáp
bây giờ là giờ mùi (khoảng 1 đến 3 giờ chiều), ngài thở hơi cuối
cùng.
-
Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên
Ngộ Hòa thượng để khắc bia.
-
Di thể được chuyển mai táng ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi (1743) ở
ngôi tháp mới nằm phía Nam núi Thiên Thai, trên thửa đất làng An
Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (cũ).
-
Ngài Liễu Quán sinh giờ Thìn (khoảng 7 đến 9 giờ sáng) ngày 13
tháng 11 năm Đinh vị (1667), viên tịch ngày 22 tháng 11 năm Nhâm
tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ III (1742), 43 tuổi hạ, 76 tuổi
đời, độ 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất đông đệ tử tại gia.
-
Người thế tục cho rằng thế gian có sanh tử khứ lai, nhưng đối
với Ngài Liễu Quán thì không như vậy. Thương kính Ngài, vị Thiền
sư khả kính của chúng ta không còn nữa, Ngài đã nhập Niết-bàn.
Vậy không phải nói gì cho Ngài nữa, nhưng những công nghiệp phục
vụ đạo pháp của Ngài được ghi lại đây là để làm tỏ rạng đạo giáo
cho tương lai chúng ta.
-
Xin thú nhận rằng, nhân duyên nhập đạo, sự nghiệp truyền đăng
của ngài quá đặc biệt lớn lao, tôi không sao rõ hết được, nên
nơi đây chỉ thuật lại được đôi phần, như kẻ mù rờ voi vậy.
-
Pháp hiệu Thiện Kế kính soạn.
-
(Sư Thiện Kế sau về Trung Quốc và mất luôn bên ấy).
-
Hiện nay cách phía sau tháp độ 800 mét có chùa Thiền Tôn do Ngài
sáng lập và các đệ tử tiếp tục thừa kế trùng tu còn được đẹp đẽ
khang trang, trong đó có quả đại hồng chung đúc năm Cảnh Hưng
thứ 8 (1747) là di vật quý nhất.
-
15.11.1986
-
- --o0o--
|
|