Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Dẫn Vào Kinh Lăng Nghiêm
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
--o0o--
 
          Trước khi giảng kinh Lăng Nghiêm, tôi xin sơ lược về sự liên hệ của Kinh với Tam tạng, với sự phán giáo và với cách lập tông. Đây là cách mà các vị cao tăng ở Trung hoa giảng kinh thường hay phân tích, phân biệt giáo nghĩa trong mỗi bộ kinh thuộc về tạng nào, giáo trình nào và cách lập tông như thế nào. Bởi ngoài 5 bộ Nikàya, A Hàm còn rất nhiều kinh khác, mà nghĩa của nó trùng trùng điệp điệp làm cho ta khó hiểu, nên các Ngài mới phân tích giáo nghĩa trong các kinh đó, tức là hệ thống nó thành từng hệ. Sự phân chia giáo lý ra thành từng hệ mới nhìn tưởng như có sự tách biệt, nhưng nghiên cứu kỹ nó không tách biệt hẳn, tuy vậy nó cũng có một đường ranh giới nhất định nào đó giữa giáo lý này với giáo ý khác.
Ví dụ trước đây ta nói Ngũ thừa giáo là thuần chỉ về Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Nhưng khi đọc kinh Đức Phật dạy thì chúng ta thấy không có sự phân chia tách biệt như vậy, tuy nhiên các Ngài phán giáo thì thấy có giáo lý Nhân thừa khác, Thiên thừa khác, Thanh văn thừa khác, Duyên giác thừa khác, và Bồ tát thừa khác nhau. Từ đó các Ngài mới phân định ranh giới về từng thừa. Ví dụ như nói về Nhân thừa thì chủ yếu của nó là cái gì, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác và Bồ tát thừa chủ yếu là giáo lý gì? Lẽ tất nhiên đây là nói giáo lý chủ yếu chứ không phải nói giáo lý hỗ trợ, bởi vì trong giáo lý cũng như trong pháp môn tu thường có chánh pháp và pháp trợ.
Ví dụ như Lục độ, là nói về cách tu 6 độ mà trong đó lấy một độ chính còn các độ khác là phụ. Tu bố thí độ thì bố thí là chính còn các độ khác hỗ trợ cho bố thí độ. Tu Bát Nhã độ thì lấy Bát nhã làm chính còn các độ khác hỗ trợ cho Bát nhã, chứ không tu riêng một Bát nhã độ mà thành tựu được. Trong giáo lý của đức Phật cũng vậy, lời đức Phật dạy là xuyên suốt cốt đưa chúng sinh đến giác ngộ nhưng áp dụng thực tế nó tùy thuộc theo căn cơ khác nhau của chúng sinh, vì thế giáo lý cũng tùy căn cơ khác nhau để áp dụng. Nói cách khác chia theo Ngũ thừa giáo là một cách chia một cách phán. Tựu trung các Ngài có nhiều cách phán giáo tùy theo cách nhìn nhận giáo lý của riêng từng Ngài .
Vậy trước khi đi vào kinh, tôi muốn nói sự liên hệ giữa Kinh Lăng Nghiêm với Tam tạng giáo. Tam tạng là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng nói về Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Vô thường, Vô ngã, Tịch tịnh, Niết bàn, Tam pháp ấn v.v... Như vậy tức khi nói về Kinh tạng là nói về tính tướng của sự vật hay là nói về giáo lý chân đế tục đế. Luật tạng là kho tàng chứa những điều răn cấm, những điều giới luật, tức là những điều thực hành, cốt giữ gìn thân khẩu ý cho thanh tịnh đó là Luật tạng. Còn Luận tạng là kho tàng chất chứa những bộ luận, mà các bộ luận đó nhắm tới giải thích Kinh và giải thích Luật. Ví dụ như Thiện Kiến luận là giải thích Luật chứ không phải Kinh. Ngoài ra cũng có nhiều bộ luận khác chỉ giải thích kinh, giảng giải kinh nên nó thuộc Luận tạng, vì nó có lý luận. Trong kinh tạng cũng có khi Phật có lý luận nhưng rất đơn sơ, phần nhiều Ngài chỉ nói xuôi như vậy thôi, tính cách của Kinh là như vậy .
Vậy Kinh Lăng Nghiêm này đối với Tam tạng đó thuộc Tạng nào? Tất nhiên là Kinh tạng chứ không thuộc Luận tạng hay Luật tạng được. Nhưng thật ra trong kinh Lăng Nghiêm cũng có đoạn nói về 4 Ba la di, như vậy kinh Lăng Nghiêm cũng dính đến Luật tạng. Trong đoạn đề cập 7 chỗ gạn tâm, 10 phen chỉ bày tính thấy, trong đó Phật diễn giải có tính cách đối đáp, lý luận giữa Phật và A Nan nên nó cũng có dính đến Luận tạng. Tóm lại Lăng Nghiêm thuộc Kinh tạng đồng thời cũng dính Luật tạng và Luận tạng .
Bây giờ nói về phán giáo. Phán giáo là thế nào? Khi xưa các Cao tăng Aán Độ không có phán giáo mà chỉ có các vị ở Trung hoa nhìn giáo lý Phật theo tầm hiểu biết của mình mà phán giáo lý Phật ra mấy loại nào nên gọi là phán giáo, tức là phán định giáo pháp một đời thuyết pháp của đức Phật gồm có những phần gì. Cách phán giáo này có nhiều vị phán .
Đầu tiên là Ngài Bồ đề lưu chi phán rằng: "Một đời giáo pháp của Phật là "nhất âm giáo", giáo lý của Phật chỉ từ một viên âm của Phật thuyết ra, chứ không có giáo lý này giáo lý khác. Nhưng vì căn cơ của chúng sinh nghe và hiểu khác nhau thành ra giáo lý khác nhau". Đó là sự phán giáo của Ngài Bồ đề lưu chi gọi là nhất âm giáo. Y ٠của ngài Bồ đề lưu chi là căn cứ nơi câu kinh Duy ma cật "Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp, chúng sinh tùy loại các đắc giải".
Như trong kinh Pháp Hoa nói giáo lý của Phật là thậm thâm vi diệu, là bất khả ngôn thuyết. Nhưng bất khả ngôn thuyết thì làm sao mà cứu độ chúng sinh, nên Phật tùy nghi phương tiện "chủng chủng ngôn từ, chủng chủng nhân duyên để thuyết pháp". Vậy trong khi đức Phật tùy nghi phương tiện thì đó là theo căn cơ của chúng sinh thành ra thuyết như thế này hay thế khác, chứ thật ra Phật muốn đem "Nhất thừa giáo thuyết" mà thôi .
Thứ hai là ngài Huệ Viễn lập luận rằng: trong đời thuyết giáo của đức Phật có hai:"một là đốn giáo và hai là tiệm giáo", đốn giáo chính là kinh Hoa Nghiêm. Đức Phật nói lý trùng trùng duyên khởi, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất. Đó là đốn giáo. Ngay nơi chữ "tức" chúng ta thấy đốn giáo rồi chứ không có từ từ, "văn tức ngộ", nghe tức ngộ liền. Phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn, chính chữ "tức" là có nghĩa đốn rồi. Nhưng chúng sanh không đủ căn cơ nghe đốn giáo nên Ngài mới nói tiệm, ví dụ người lãng tai Ngài nói chậm rãi từ từ, ai không lãng tai Ngài nói nhanh hơn, tùy theo căn cơ của chúng sanh mà có tiệm, có đốn. Nên Ngài nói giáo pháp của Phật có 2 phần: 1.Đốn giáo, 2.Tiệm giáo .
Thứ ba là ngài Vô Sấm, lập ra hai giáo là "mãn tự giáo" và "bán tự giáo". "Bán tự " là giáo lý ngài nói mới có nửa chữ, chưa nói trọn chữ nên gọi là bán tự giáo, còn "mãn tự giáo" là giáo lý của ngài đã nói trọn cả chữ, cả câu. Vậy thì "bán tự giáo" là giáo lý gì? Là giáo lý phá trừ nhân ngã, là giáo lý nói về nhân không, như vậy là chưa trọn, phải nói nhân không, pháp không hay là sinh không, pháp không thì mới trọn tất cả là không. Nói rằng ngũ uẩn vô ngã chứ chưa nói chính ngũ uẩn là vô ngã, là không, cho nên nói nhân không là mới nửa chữ, phải nói pháp không mới gọi là trọn chữ "mãn tự giáo" . Như vậy phân chia giáo lý đoạn trừ kiến tư hoặc thì chưa đủ nên gọi là "bán tự giáo", đến khi nói pháp không mới phá trừ được trần sa hoặc, vô minh hoặc rốt ráo, phá trừ tất cả 3 hoặc, bấy giờ mới diệt sạch vô minh chứng. Vô thượng Bồ đề, thì giáo lý này gọi là "mãn tự giáo", là giáo lý trọn cả chữ. Đó là phán giáo của ngài Đàm Vô Sấm .
Thứ tư là Tín Hạnh Pháp sư cũng lập ra hai giáo:"Tam thừa giáo" như trên và "Nhất thừa giáo" như kinh Pháp Hoa .
Thứ năm là ngài Huyền Trang lập "Tam giáo":
1. Chuyển pháp luân: là giáo lý của Phật như Tứ đế, 12 nhân duyên .
2. Chiếu pháp luân: là nói về kinh điển Phương đẳng Đại thừa như: Lăng Nghiêm, Duy Ma cật, Giải thâm mật tà .
3. Trì pháp luân: như kinh Hoa Nghiêm, Niết bàn, Pháp Hoa .
Thứ sáu là Cát Tạng cũng lập ra "tam luân giáo". Tam luân giáo là: Căn bản pháp luân, Chi mạt pháp luân, Nhiếp mạt quy bổn pháp luân. Căn bản pháp luân là ý Ngài muốn nói: Phật nói kinh Hoa Nghiêm, lý trùng trùng duyên khởi, nhất chân pháp giới đó là giáo lý căn bản của Phật, Phật nói thì nhiều nhưng rốt cuộc cũng quy về giáo lý căn bản, cho nên nói căn bản pháp luân. Nhưng vì chúng sinh không ngộ được giáo lý căn bản đó nên Ngài tuỳ căn cơ mà nói ra các kinh điển, các giáo lý khác. Và các giáo lý tuỳ căn cơ mà nói, đó là Chi mạt pháp luân .
Giáo lý cuối cùng là Nhiếp mạt quy bổn, đưa giáo lý Chi mạt trở về cái gốc, đó là chỉ cho kinh Pháp Hoa. Thành ra trong 3 cái pháp luân của ngài Cát Tạng đây, thì kinh Pháp Hoa thuộc Nhiếp mạt quy bổn cuối cùng, so với ngài Huyền Trang trên kia, ngài nói Trì pháp luân cũng chỉ ra kinh Pháp Hoa là kinh cuối cùng. Vì vậy cho nên kinh cuối cùng với kinh tối sơ mà đức Phật thuyết, đều là căn bản .
Thật ra giáo lý như nhau, kinh Pháp Hoa và kinh Hoa nghiêm xét về tính cách đạo lý của 2 kinh đó giống như nhau chỉ là một giáo lý thuyết ban đầu và một giáo lý thuyết cuối cùng. Đây cũng là sự phán giáo của ngài Thiên Thai. Phần nhiều các vị ở Trung hoa đều chấp nhận sự phán giáo đó, nhưng căn cứ vào lịch sử, người ta không cho rằng kinh Hoa Nghiêm nói ra ban đầu bởi vì căn cứ vào Sơ chuyển pháp luân tại Lộc Uyển thì trước đó Phật chưa thuyết pháp, vậy kinh Hoa Nghiêm Phật nói lúc nào? Hay là Phật nói kinh Hoa Nghiêm cho hàng thượng căn Bồ tát và Chư Thiên khi ở trong Định? Đây là cách nhìn theo Đại thừa.
Dẫu sao lý trùng trùng Duyên khởi Phât cũng đã nêu lên từ đầu trước khi chuyển pháp luân "Tứ đế". Sau khi Thành đạo, còn ngồi tại cội Bồ đề, Phật nói:"Pháp này do ta chứng ngộ rất thâm diệu, khó hiểu khó thấy, siêu lý luận, chúng sinh phàm phu chấp trước ái dục, tham đắm ái dục, làm sao thấy được định lý Duyên khởi pháp"(kinh Ái Tận Niết bàn). Khi đức Phật đến Lộc Uyển vì 5 vị Tỳ kheo mới chuyển pháp luân. (Có thuyết nói sau khi thành đạo thì Ngài đã thuyết kinh Hoa Nghiêm tại cội Bồ đề. Nhưng vì căn cơ của chúng sanh không hiểu được nên Ngài phải làm thinh để chờ đến Lộc Uyển thuyết Tứ đế pháp luân cho 5 anh em Kiều Trần Như).
Tôi nghĩ rằng ý của kinh Hoa Nghiêm diễn bày hết sức rộng rãi sâu xa lý Duyên khởi chứ không chỉ nói đơn giản một hay hai câu như lý Duyên khởi mà đức Phật nói đầu tiên:"Pháp này do ta chứng ngộ thậm thâm sâu vi diệu, siêu lý luận, hạng người đang tham ái dục, khoái ái dục không thể hiểu được lý Duyên khởi". Hay nói:"Cái này có nên cái kia có". Thế thì câu này đâu phải đức Phật đã nói rộng lý Duyên khởi đâu, chính ở kinh Hoa Nghiêm, lý Duyên khởi mới diễn dịch rộng ra. Nhưng dù có sâu hay rộng đều bắt nguồn từ chỗ đức Phật chứng ngộ mà ra. Vậy cứ lấy lý mà nói thì ta có thể hiểu rằng cái lý trùng trùng Duyên khởi là cái lý đức Phật giảng đầu tiên, đó là giáo lý căn bản và cũng tuỳ theo căn cơ của chúng sanh mà Ngài nói hẹp hay nói rộng mà thôi .
Thứ bảy là Cấp Đa pháp sư lập "tứ giáo". Tứ giáo là gì?
1. Hữu tướng giáo: tức là trong khi Phật nói về A Hàm, nhằm phá cái si ngã chấp ố chủ yếu phá cái nhơn ngã chấp chứ chưa phá cái pháp ngã chấp. Cũng như trước đây đã nói về ngũ uẩn là cốt đem ngũ uẩn để chỉ cho người ta thấy ngũ uẩn kết hợp, không có cái ta nào trong đó, nếu ai chấp rằng ta là ta, tạo ra tham sân si, tạo ra nghiệp thì đó là kiến chấp của họ. Còn bản tánh ngũ uẩn là hư không, hư dối, như huyễn, tánh không, thì trong A Hàm Phật chỉ có nói một bài kệ: "Quán sắc như tụ mạc, thọ như thủy thượng bào, tưởng như dương thời diệm, chư hành như ba tiêu, chư thức pháp vô ngã " mà thôi. Cho nên ngài Cấp Đa cho giáo lý đó gọi là Hữu tướng giáo.
2. Vô tướng giáo: tức là chỉ về kinh Bát nhã, nhất thiết giai không, nghĩa là nhơn cũng không mà pháp cũng không.
3. Đồng quy giáo: chỉ cho kinh Pháp Hoa tức là nhiếp mạt quy bổn, đồng quy về nhất thừa chứ tam thừa là giả định, là hoá thành là phương tiện mà phải đồng quy về nhất thừa.
4. Thường trú giáo: kinh Niết bàn, Phật chỉ về Phật tánh thường trú. Thường thường Phật dạy chúng sanh có 4 điên đảo: Vô thường mà chúng sanh chấp thường gọi là điên đảo. Vô ngã mà chấp ngã là điên đảo. Bất tịnh mà chấp tịnh là điên đảo. Khổ mà chấp lạc là điên đảo, phải hiểu là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã mới không điên đảo. Thế mà trong kinh Niết bàn chủ trương Niết bàn có 4 đức tính: Thường, lạc, ngã, tịnh. Ta phải hiểu thường, lạc, ngã, tịnh trong Niết bàn là cái thường khác chúng sanh chấp thường, cái ngã khác chúng sanh chấp ngã, cái lạc khác chúng sanh chấp lạc, cái tịnh khác chúng sanh chấp tịnh mà danh từ thì giống nhau .
Thường thường ta nói giáo lý đức Phật chỉ cho chúng sanh thấy thực tướng của sự vật là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã. Quán Tứ niệm xứ cũng quán vậy: thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã ố Quán Tứ niệm xứ muốn được đắc đạo thì phải quán như vậy, chứ quán thường, lạc, ngã tịnh thì làm sao mà đắc được ! Trong kinh Niết bàn thì nói có 4 đức tính: Thường, lạc ngã, tịnh, đó là mượn cách diễn tả Niết bàn. Đức Phật không chỉ nói Niết bàn là diệt hết tham sân si mà Ngài còn nói Niết bàn phải ly danh ngôn, tưởng tướng mới hiểu Niết bàn. Như trong kinh Nikàya đức Phật cũng có nói:"Niết bàn là nơi không có không gian, không có thời gian, không có sanh, không có tử, nếu không có nơi như vậy thì làm sao mà giải thoát được sanh lão bệnh tử". Trong nghĩa như vậy thì ta phải hiểu Niết bàn một cách tích cực hơn. Hiểu như vậy là để ta thông thương giáo lý trong kinh này với giáo lý trong kinh khác. Nhiều khi cái danh từ tuy khác nhưng nếu ta tìm cách so sánh thì sẽ hiểu sự tương quan ở giữa chúng khi đó sẽ tìm ra nội dung tương ứng. Trong kinh Nikàya đức Phật nói sự chứng ngộ của ta chính tự do ta chứng ngộ chứ không do thầy dạy, tức là Vô sư trí như Thiền tông diễn tả các danh từ vô sư trí, tự nhiên trí hay bản lai diện mục. Ôủ đây ta thấy, từ ngữ tuy khác nhưng ý không khác. Vô sư trí nếu không chỉ bản lai diện mục thì chỉ cái trí gì? Tự nhiên trí là cái trí như thế nào? Là cái tự chứng ngộ, là do ta chứng ngộ chứ không do ai chỉ dạy, không dựa vào trí ai hết. Trong Nikàya đức Phật chỉ rất rõ nhưng ở trong kinh chữ Hán cũng có từ Tự nhiên trí, Vô sư trí cũng ý nghĩa như vậy thôi, không khác. Ta phải hiểu tinh thần chung như vậy để không gặp trở ngại giữa giáo lý này và giáo lý khác.
Thứ tám là ngài Hiền Thủ quốc sư, lập "tam thời ngũ giáo". "Tam thời" là gì? Là thời:"Nhật xuất tiên chiếu cao sơn". Đây là lấy ví dụ thời gian mặt trời mọc lặn để diễn tả thời gian thuyết pháp của đức Phật. Thời thứ nhất là nhật xuất tiên chiếu cao sơn (mặt trời khi mọc trước tiên chiếu trên núi cao) chứ thấp là không chiếu. Thời đó là thời Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Cao sơn đây là nói căn cơ cao. Thời thứ hai là "Nhật thăng phổ chiếu đại địa": nghĩa là mặt trời đã lên cao chiếu khắp đại địa tức là chỉ thời Phương Đẳng. Phật nói các kinh Đại thừa sau này chiếu khắp cả mọi căn cơ, đại địa là chỉ các căn cơ có cao, có thấp, có vừa vừa, núi cũng có, sông cũng có, bình nguyên cũng có, thung lũng cũng có, chiếu khắp hết. Tức là thời chính giữa, đức Phật nói đủ các kinh như A Hàm, Phương Đẳng, Đại thừa. Đến thời cuối là "Nhật một hoàn chiếu cao sơn" là khi mặt trời sắp lặn nó chiếu lại trên núi cao, đây thời Pháp Hoa là thời nói kinh để cho hạng căn cơ cao cũng như núi cao .
Ngũ giáo là phân chia ý nghĩa giáo lý của Phật ra làm 5 tính cách:
1. Tiểu thừa giáo: Giáo lý như Tứ đế.
2. Thỉ giáo: có 2 mặt là Không thỉ giáo là chỉ Bát nhã, và Tướng thỉ giáo là nói về Duy thức tức là nói về pháp tướng của tất cả thức, pháp tướng thức biến là tướng thỉ giáo. Vì sao gọi là thỉ? Vì giáo này mới chỉ bắt đầu giáo lý Đại thừa nên gọi là thỉ.
3. Chung giáo là giáo lý cuối cùng của Đại thừa. Chung giáo đây là chỉ cho các kinh như Lăng Già, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn là chung giáo.
4. Đốn giáo: là giáo lý không có thứ lớp, chỉ nói thẳng về chân tính, hễ lìa được các duyên tức Như Như Phật "Đản ly chư duyên tức Như Như Phật", chỉ lìa các duyên tức là Phật Như Như.
5. Viên Giáo: đây chỉ về giáo lý nhứt thừa là của kinh Hoa Nghiêm. "Nhứt tức nhất thiết, nhứt thiết tức nhất". Như nói cây thì bất kể khía cạnh dù cành lá nào tròn, méo, cao, thấp, dài, ngắn, đen, trắng, lớn, nhỏ đều tròn trong nghĩa cây, nên gọi là viên .
Nói vậy thì kinh Lăng Nghiêm này thuộc giáo lý nào trong đó? Trong kinh Lăng Nghiêm có những lời dạy: "Thường trú chơn tâm tánh tịnh minh thể", đó là chung giáo tức là lời dạy trọn vẹn, cuối cùng. Hoặc có những câu "cuồng tâm đốn kiệt, kiệt tức bồ đề"; không có đợi thời gian, không có cách biệt thời gian, không gian, giờ phút nào mà sạch hết tâm cuồng loạn thì giờ phút đó là tâm bồ đề, đó là Đốn giáo. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng có những câu:"Nhất vi vô lượng, vô lượng vi nhất, ư nhất mao đoan, hiện bảo trần sát", nhất là vô lượng, vô lượng là một, ở trên một mảy lông hiện ra bao nhiêu cõi nước thì đó là ý nghĩa Viên giáo. Nhứt vi vô lượng vô lượng vi nhứt là cái nghĩa "Nhứt tức nhất thiết, nhứt thiết tức nhất". Đây chính là nghĩa Viên Giáo mà cũng là ý nghĩa trong kinh Lăng Nghiêm, nói để biết trong kinh Lăng Nghiêm có những giaó đó .
Thứ chín là phán giáo của ngài Thiên Thai Trí Giả. Đa số các vị giảng kinh bên Trung Hoa phần nhiều dựa theo phán giáo của ngài, ngài Thiên Thai Trí Giả lập ra "Ngũ thời Bát giáo". Ngũ thời là gì? Hoa Nghiêm là thời thứ nhất:"Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật (Hoa Nghiêm đức Phật nói lần đầu trong 21 ngày). Nó cũng như nhật xuất tiên chiếu cao sơn, nghĩa là giáo lý Hoa Nghiêm Phật thuyết đầu tiên chiếu lên hàng thượng căn. Thời thứ hai: "A hàm thập nhị" là thời Phật nói kinh A Hàm trong 12 năm. Thời A Hàm ví như nhật thăng thứ chiếu hắc sơn, mặt trời lên cao chiếu vào những chỗ núi tối. Thời thứ ba là thời Phương Đẳng Đại thừa, như Phật nói các kinh Bảo Tích, Lăng Già, Lăng Nghiêm, cho các căn cơ vừa, trong 8 năm như nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên (mặt trời lên cao chuyển chiếu cao nguyên). Thời thứ tư là thời Bát nhã, "Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm"; (22 năm Phật nói về Bát nhã) như Nhật thăng phổ chiếu đại địa, mặt trời lên cao chiếu khắp quả đất. Thời thứ năm: là thời "Pháp Hoa Niết bàn cọng bát niên". Trong 8 năm nói kinh Pháp Hoa, Niết Bàn cho hàng thượng căn, ví như nhật một hoàn chiếu cao sơn, khi mặt trời lặn trở lại chiếu núi cao. Đó là năm thời do ngài Thiên Thai lập, có bài kệ về 5 thời giáo:
"Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt,
A hàm thập nhị, Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết bàn cọng bát niên "
Còn Bát Giáo là gì? Nội dung của bát giáo? Bát giáo đây có bốn hoá nghi và bốn hoá pháp. Bốn hoá nghi là gì? Là bốn nghi thức giáo hoá là đốn, tiệm, bí mật, bất định. Chữ đốn như trên đã nói, tiệm là giáo lý tuần tự mà ngộ, căn cơ đó chỉ đi theo tiệm giáo chứ không đi theo đốn giáo được . Căn cơ đó phải tuần tự tu, đoạn hoặc dần dần chứ không theo như đốn giáo được. Còn "bí mật giáo" là đức Phật nhằm căn cơ nào nghe được thì Ngài nói với căn cơ đó nghe, còn căn cơ khác thì không nghe được nên gọi là bí mật. Thứ tư là "bất định" nghĩa là cũng một thứ giáo lý đó nhưng mỗi người một cách hiểu khác nhau. Ngoài bốn cách giáo hoá này là bốn hoá pháp: Tạng, thông, biệt, viên. Nội dung trong 4 hoá pháp này là những lời đức Phật thuyết pháp. Tạng giáo là nói về Tứ đế phân ra 4 loại: Tứ đế nói theo ý sanh diệt khác, nói theo ý vô sanh diệt khác. Tứ đế nói theo ý vô lượng khác, nói theo ý vô tác khác. Y ٠nói rằng, từ khi đức Phật Chuyển pháp luân ở vườn Nai đến khi nói kinh Pháp Hoa cũng chỉ nói lý Tứ đế chứ không gì khác. Nhưng tính cách giai tầng Tứ đế có khác nhau mà thành ra bốn: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo. Sanh diệt Tứ đế ví dụ như tham ái là Tập đế, tu đạo đế thì diệt được tham ái, chứng được Diệt đế, như vậy là diệt Tập đế sanh Diệt đế, cái này diệt cái kia sanh, nên gọi là sanh diệt Tứ đế. Nhưng đến khi đức Phật nói tất cả do duyên sanh, như vậy khổ, tập, diệt, đạo cũng là duyên sanh, duyên sanh là vô tánh,vô tánh là vô sanh, nên nói vô sanh Tứ đế. Vô lược Tứ đế là không phải khổ chỉ có 8 khổ mà thôi, mà còn bao nhiêu cái khổ khác nữa nên gọi là vô lượng. Tập đế không chỉ nói tham ái, kiến hoặc tư hoặc mà thôi mà còn vô lượng. Diệt Đế cũng vô lượng: Tự tánh Niết bàn, vô trụ xứ Niết bàn, hữu dư Niết bàn, vô lượng Niết bàn nên nói vô lượng Tứ đế và Tứ đế bản lai tịch tịnh không có tác khởi, nói về bản tính nó là vô sanh, khổ, tập, diệt, đạo đều vô tác, nên gọi là vô tác Tứ đế .
Tóm lại tất cả giáo lý của Phật đều nói về Tứ đế không nói gì khác, nhưng Tứ đế đó có những bất cập khác nhau. Nên khi nói viên giáo thì Tứ đế trở thành "sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề" trong 4 hoá pháp đó. Trong Nikàya có nói "không, vô tướng, vô tác" mà vô tác là "sanh tử tức Niết bàn" chứ có tác gì nữa.
Nói như vậy để biết kinh Lăng Nghiêm ở trong chỗ phán giáo nào của các Ngài? Kinh Lăng Nghiêm thuộc kinh tạng là chắc chắn, nhưng nội dung kinh Lăng Nghiêm có nói về tứ trọng giới, nên kinh Lăng Nghiêmcũng thuộc một phần Luật và chính trong bảy chỗ gạn tâm thấy rõ sự lý luận đối đáp giữa Ngài và A Nan, vậy nó cũng có phần của Luận tạng. Đó là về tam tạng, còn về phán giáo thì cũng cách như vậy, nhưng do mỗi người hiểu một cách chứ Phật pháp không khác .
Nếu xét ngay vào ý kinh thì chúng ta thấy Phật ngay nơi sự thấy nghe hay biết thường ngày của chúng sanh mà chỉ ra thế nào là vọng tâm, thế nào là chơn tâm. Khi đã ngộ được chơn tâm ngay nơi chỗ nghe thấy hay biết của mình thì gọi là viên ngộ; y cứ theo Viên ngộ mà tu hành thì gọi là Viên tu; tu hành thành tựu thì gọi là Viên chứng; chứng được viên thông, là chứng tánh pháp giới viên mãn dung thông vô ngại, thành vô thượng giác. Đây coi như phần dẫn vào của Lăng Nghiêm .
(Tập văn Vu Lan số 48 / 2000)

 

--o0o--