Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phỏng Vấn
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Học Phật Để Xây Dựng Một Niềm Tin Trong Sáng
Thích Thiện Bảo
--o0o--
 
HT Thích Thiện Siêu, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni toàn quốc, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế, Trú trì chùa Từ Đàm Huế, là bậc giáo phẩm có kiến thức uyên thâm về Phật học, tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật giá trị. Nhân dịp Hòa thượng vào công tác Phật sự tại Sàigòn trong những ngày gần Xuân Kỷ Mão 1999, ban Biên tập Tuần báo Giác Ngộ đã đến thăm HT tại tu viện Quảng Hương Già Lam và đã được HT dành cho một cuộc trò chuyện sau đây:
+ Bạch Hòa thượng, xin Ngài có thể nói vài nét về thời học tăng của Ngài?
- HT Thích Thiện Siêu: Năm 1934, lúc 14 tuổi tôi vào chùa, và đó cũng là năm tôi được vào trường Phật học tại Phật học đường Báo Quốc – Huế. Lúc đầu chỉ học Phật học qua Hán văn do cố HT Trí Độ dạy, sau này mới học thêm chữ quốc ngữ. Thời kỳ đó chưa có điện, ban đêm phải đốt đèn dầu để học. Thầy dạy rất nghiêm khắc, vì thế học tăng học rất có căn bản. Sau mỗi bài học được thầy giảng, học tăng luân phiên nhau viết bài tóm tắt vào một quyển tập gọi là tập luân hoán. Đây là một phương pháp học, theo tôi, vẫn rất tốt. Còn việc học có giỏi hay không thì tùy căn cơ của từng người. Từ nhỏ tôi rất ham đọc sách, mỗi khi vào thư viện, hễ cầm quyển sách đọc là không muốn bỏ xuống, thói quen đó vẫn giữ cho đến ngày hôm nay.
          + Còn những Phật sự của Giáo hội và công việc dịch thuật của HT bắt đầu như thế nào?
          - Năm 1943, Phật học đường Báo Quốc dời về Kim Sơn, quý Hòa thượng giáo thọ có ý thành lập một Đại tòng lâm nhưng không thành, vì năm 1945, chiến tranh Pháp-Nhật bùng nổ và nạn đói xảy ra nên trường phải ly tán…Lúc 38 tuổi (1959), tôi đi dạy và dịch chú giải quyển sách đầu tiên là kinh Pháp Cú. Tại nước ta lúc đó chưa có bản tiếng Pàli hay tiếng Anh, tiếng Pháp như hiện nay; tôi may mắn gặp được bản kinh Pháp Cú bằng chữ Hán của Pháp sư Liễu Tham. Quyển sách này đến nay còn lưu hành và tái bản nhiều lần, với tên dịch giả Thích Trí Đức. Quyển thứ hai là kinh Trường A Hàm. Đây là bản kinh mang tư tưởng Phật giáo Nguyên thuỷ lần đầu tiên được dịch và giới thiệu bằng tiếng Việt; vì lúc bấy giờ, ở Việt Nam ít quan tâm đến A Hàm, mà chỉ chú ý đến các bản kinh Đại thừa như Lăng Nghiêm, Viên Giác…Thời gian trước 1975, tôi không dịch được nhiều do tham gia các phong trào Phật sự của Giáo hội. Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, tình hình xã hội và Giáo hội ổn định, tôi mới có điều kiện thuận lợi thực hiện tâm nguyện dịch những bộ luận chính của ba tư tưởng Phật giáo lớn là Câu Xá luận (Hữu bộ), Thành Duy Thức luận (Pháp tướng tông) và Đại Trí Độ luận (Pháp Tánh tông). Riêng Đại Trí Độ luận gồm 100 quyển hiện tôi đã dịch được 40 quyển và đã in thành tập I,II (Bổ túc: Nay HT đã hoàn tất việc dịch toàn bộ 100 quyển , in thành 5 tập- tập cuối cùng được in vào dịp lễ Phật Đản 2001. Dịch phẩm cuối cùng HT hoàn tất là Trung luận).
+ Là người giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội, công tác giáo dục Tăng Ni và hoạt động xã hội, nhưng những công trình của HT vẫn xuất hiện đều đặn, vậy HT sắp xếp công việc trong một ngày như thế nào.
- Sáng sớm, sau thời tịnh niệm, tôi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, uống nước rồi lên chánh điện tụng kinh. Sau đó thì dùng điểm tâm và bắt đầu công việc thường ngày. Nếu không có công việc Giáo hội hay giờ dạy cho Tăng Ni tại Học viện thì tôi ngồi dịch suốt ngày, chừng nào mệt thì nghỉ. Có việc gì thật cần thiết tôi mới đi ra ngoài, nhờ vậy mà thời gian gần đây tôi mới dịch được mấy bộ luận trên. Làm việc, theo tôi cốt ở sự chuyên tâm và đều đặn, nếu chuyên cần thì mọi việc rồi sẽ có kết qủa tốt.
+ Nhân dịp ngày Tết cổ truyền của dân tộc, HT có gì nhắn gởi đến Tăng Ni Phật tử, đặc biệt là các Tăng Ni trẻ hiện nay?
- Tôi có đôi lời gửi đến các Tăng Ni trẻ nói riêng và các Phật tử nói chung, là đã có tâm xuất gia thì phải nên cố gắng học tập để biết đường lối tu tập đúng theo tinh thần Phật dạy. Học Phật không phải chỉ học lý thuyết mà phải thực hành, vận dụng để sống. Như thế mới có thể phân định điều Phật dạy và điều không phải Phật nói, vạch ra sự sai lầm có thể lan tràn do sự ngộ nhận làm lấp đi sự trong sáng vốn có của Phật pháp. Có hiểu biết đúng mới có thể xây dựng được niềm tin trong sáng và giúp người khác được.
          + Kính cảm ơn Hoà thượng.
 Thích Thiện Bảo thực hiện (Tuần báo Giác Ngộ 150, 13/02/1999)

 

--o0o--