|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Bốn
Loại Thức Ăn
- --o0o--
-
- Loại thức ăn
thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng
của chúng ta. Chánh kiến cũng là biết phân biệt những đoàn thực
có hại và những đoàn thực không có hại. Chúng ta phải biết những
thức ăn và thức uống nào gây tàn phá và làm mất sự điều hòa
trong cơ thể. Khi chúng ta ăn những món hiền lành và bố dưỡng
thì chúng ta cũng biết. Ðó gọi là chánh kiến. Ta thực tập chánh
kiến ngay trong đời sống hằng ngày, trên bàn ăn và trong khi nấu
ăn, chứ không phải chỉ thực tập trong thiền đường mà thôi. Trước
khi ăn chúng ta nói: "chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi
dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh", đó là chánh kiến áp dụng khi ăn và
khi nấu ăn.
- Nói về đoàn
thực, Bụt đã dùng hình ảnh của hai vợ chồng nhà kia ăn thịt con.
Hai vợ chồng này mang đưá con trai duy nhất đi qua sa mạc. Họ
nghĩ rằng số lương thực đem theo là đủ dùng cho chuyến đi. Nhưng
chưa ra khỏi sa mạc họ đã hết thực phẩm. Hai vợ chồng biết rằng
cả ba người sẽ chết đói. Cuối cùng họ phải đành tâm ăn thịt đứa
con để sống mà ra khỏi sa mạc. Họ vừa ăn thịt con vừa khóc. Bụt
hỏi rằng: "Này các thầy, khi hai vợ chồng đó ăn thịt đứa con thì
họ có thấy thích thú gì không?" Các thầy thưa: "Bạch đức Thế
Tôn, làm sao thích thú được khi biết mình đang ăn thịt con." Bụt
dạy: " Trong đời sống hằng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta
cũng phải biết thức ăn của mình đã có thể được tạo ra bằng sự
đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác."
- "Hai tay nâng
bát cơm đầy,
- dẻo thơm một
hạt đắng cay muôn phần."
- Ăn không có
chánh niệm, ta tạo khổ đau cho mọi loài và khổ đau cho chính bản
thân ta. Khi ta hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức béo vào, là
ta đang ăn bộ phổi của ta, đang ăn buồng gan, trái tim của ta,
ta tự đang ăn thịt ta. Nếu là cha, là mẹ thì lúc đó ta đang ăn
thịt con ta tại vì các con cần có cha mẹ mạnh khỏe, tươi vui. Và
nếu cha mẹ trong khi ăn uống mà tàn hại thân thể của chính mình
thì chính cha mẹ đang giết con. Thành ra ăn như thế nào để đừng
tạo ra những khổ đau cho các loài và đừng tạo khổ đau cho chính
mình, đó là chánh niệm và chánh kiến. Ðạo Bụt trong cả Nam Tông
và Bắc Tông đều tin rằng chúng sanh từ đời này sang đời khác
thay phiên lần lượt làm cha làm mẹ của nhau. Vì vậy mỗi khi ăn
thịt, chúng ta hãy có ý thức rằng có thể ta đang ăn thịt cha mẹ
hay con cái của ta. Do đó chúng ta đã tập ăn chay và tập không
sát sanh.
- Loại thức ăn
thứ hai là xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị,
xúc và pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc
vào người hay không. Ví dụ như khi ta xem truyền hình, mắt ta
tiếp xúc với hình sắc. Phải thực tập chánh kiến xem chương trình
truyền hình kia có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi,
căm thù và bạo động hay không. Có những phim mang lại cho lòng
ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người,
quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Ta biết ta có thể xem
phim đó. Ấy là ta thực tập chánh kiến. Người lớn cũng như trẻ
em, trong khi xem phim, phải biết thực tập chánh kiến. Phải biết
rằng có những chương trình truyền hình chứa đựng rất nhiều độc
tố như bạo động, căm thù và dục vọng. Ngay cả những phim quảng
cáo cũng khơi động thèm khát, dục vọng hay sợ hãi của người ta.
Khi xem một tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp
nhận rất nhiều độc tố. Ðọc xong ta có thể mệt nhoài vì những
điều ta đọc có thể khiến chúng ta chán nản, lo lắng và ghê sợ.
Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang nhiều độc tố.
Ðó là xúc thực.
- Chánh kiến
phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh
kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân
tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và tôi quyết định mỗi
ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn nhữõng thứ làm tôi
mệt, tôi buồn, tôi lo, tôi giận thì tôi sẽ tránh không tiếp xúc.
Ðó là chánh niệm về xúc thực, có được nhờ chánh kiến về xúc
thực. Bụt dạy rằng con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể
cũng như trên tâm hồn. Bụt đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da
dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại
hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần
một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti
sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò
để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh
kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và
tàn phá thân tâm ta. Năm giới mà chúng ta tiếp nhận và hành trì
là bộ da bao bọc thân thể và tâm hồn ra. Nếu không hành trì năm
giới là chúng ta không thực tập chánh kiến. Và trong mỗi chúng
ta vốn đã có hạt giống của chánh niệm. Thực tập chánh niệm cũng
như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc
tố kia.
- Loại thức ăn
thứ ba là tư niệm thực. Ðó là những nỗi ước ao ta muốn
thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn,
hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ, những mong muốn như thế thâm
nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại
thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng
lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực
làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn
được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đở cho gia đình và xã
hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một
bậc giác ngộ độ thoát cho đời.vv.. thì đó là loại tư niệm thực
có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc.
- Về tư niệm
thực, Bụt kể chuyện một người bị hai lực sĩ khiêng người kia ném
xuống hầm lửa đang bốc cháy. Bụt nói rằng khi ta bị những tư
niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn
thì cũng như ta bị những anh chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm
lửa. So đó người tu học phải có chánh kiến, phải nhận diện được
tư niệm thực trong ta là loại nào.
- Loại thức ăn
thứ tư là thức thực. Chúng ta là sự biểu hiện của thức,
gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn
của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động từ
nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này.
Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm
công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món
ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc
hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không
lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng
tượng,tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm
thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về
biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta
nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn
từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giãi
đãi, phóng dật?
- Về thức thực,
Bụt đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua
ra lệnh lấy 300 lưởi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới
buổi chiều vua hỏi: " Người tù đó bây giờ sao?" - "Tâu bệ hạ, nó
còn sống." - "Vậy thì đem hó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người
nó một lần nữa." Và buổi tối, vua hỏi: " Kẻ đó bây giờ ra sao?"
- " Còn sống." - " Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một
lần nữa!" Bụt dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành hạ
tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của
độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận
dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.
- Bốn ví dụ kể
trên được chép trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con.
Bốn ví dụ nghe rất ghê sợ, có tác dụng răn bảo chúng ta phải
tỉnh táo giữ gìn chánh kiến.
-
Thích Nhất Hạnh
-
- --o0o--
|
|