Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phật Giáo Với Tâm Bệnh
Thích Thanh Phước
--o0o--
 
Đất nước Việt Nam chúng ta đang trên đà đổi mới để tiến tới công nghiệp hóavà hiện đại hóa, tôi thiết nghĩ những ai là con cháu nhà họ Thích cũng nên nhân cơ hội này mà nghĩ đến Phật giáo khoa học. Như thế nào là Phật giáo khoa học ?
Ông Einstein là một nhà bác học lớn có nói : "Tôn giáo mà không có khoa học , giống như anh điếc, còn khoa học mà không có tôn giáo, giống như anh mù".
- Ông K.C. Chen, một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng trên thế giới cũng có phát biểu như sau : "Nếu chúng ta có hoài bão làm sao để Phật giáo phát triển mở rộng ánh sáng tỏa rực như vùng thái dương buổi sáng, làm lợi ích khắp chúng sinh trên thế gian này, thì phải làm sao nắm bắt cho được những tinh hoa, ưu tú trong phương pháp, kỹ thuật, thực nghiệm của khoa học, để vận dụng vào công việc hoằng dương chánh pháp,mới mong đem lại kết quả khả quan. Ngoài cách ấy ra không còn con đường nào khác". 
- Phật giáo là một tôn giáo ưu việt nhất trong các tôn giáo, phàm những ai có tìm hiểu hoặc nghiên cứu về tôn giáo đều không thể phủ nhận điều này. Nhưng khoa học là gì ?
Khoa học, tiếng Anh và tiếng Pháp đều gọi là Science, xuất phát từ tiếng Hy Lạp là Scientia, có nghĩa là Tri thức.
Tri thức bao gồm tất cả các mặt : quan sát, thực nghiệm, kiểm chứng, lý luận phân tích, qui nạp và diễn dịch v. v.. .
Vì Phật giáo và khoa học có quan hệ hữu cơ với nhau, cho nên nói Phật giáo mà không có khoa học, thì đâu có ai cần quan tâm để mắt tới !
Thời nay cách Phật quá xa, dưới ánh sáng của khoa học dùng soi rọi lại cái nhìn về Phật giáo, chúng ta thấy có quá nhiều nhận thức không rõ ràng, phương pháp tu tập không thích hợp, thiếu lý luận phân tích cụ thể, không kiểm chứng, kiểm thảo để rút kinh nghiệm ... Chính vì vậy cho nên dẫn đến tình trạng "Gãi ngứa ngoài giày" làm sao phát huy được trí tụê siêu việt của Phật.
Đa số người tu theo Phật giáo đại thừa hiện nay, mỗi tháng hai lần tụng kinh Hồng Danh Bảo Sám, mở đầu bằng câu : "Nay con phát tâm, chẳng vì cầu phước cõi Trời Người, hay quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, kế các hàng Bồ Tát quyền thừa, mà chỉ nương vào mục tiêu Tối Thượng Thừa (Phật ) để phát tâm Bồ Đề. Nguyện cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, nhanh chóng cùng đắc quả vị vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Phật ).
Lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay và cầu nguyện, nếu cho đó là pháp môn chánh để tu tập với ước mong nhanh chóng thành Phật, thì chẳng khác nào "Leo cây bắt cá" vậy !
Các pháp nói trên chỉ là pháp tu phụ dùng để trợ duyên cho việc tu Phật. Thực ra, chúng không dính dáng gì đến mục tiêu chủ yếu mà đức Phật đã đề ra : "Trị Tâm Bệnh".
Trị Tâm Bệnh, quả thật là mục tiêu chủ yếu cho việc tu hành mà đức Phật đã đề ra, nếu có ai đó không tin, hãy kiểm nghiệm lời phát biểu sau đây của đức Lục Tổ sẽ không còn nghi ngờ gì nữa : "Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm đâu cần tất cả pháp" (Kinh Pháp B. Đàn).
Cũng xin được lưu ý : Cái tâm bệnh nói ở đây, chỉ có tu hành mới trị được bệnh ; nó không giống, không phải loại tâm bệnh mà người bị bệnh thần kinh (mất trí) mắc phải đang được bác sĩ điều trị tại các bệnh viện. Theo thông tin của báo chí, các người Tây phương hiện nay, có rất nhiều bác sĩ trị bệnh tâm thần phát tâm tu Thiền của Phật giáo.
Có bệnh mới cần đến thuốc, không bệnh thì cần đến thuốc để làm gì ? Cho nên trước mắt cần phải biết tâm mình có bệnh hay không cái đã. Nhưng làm thế nào để biết được điều này ?
- Xin thưa : Khỏi cần đi bác sĩ để chụp hình, rọi kiếng hay siêu âm gì cả. Mà chỉ cẩn tìm một nơi thanh vắng nào đó ngồi yên, đồng thời nhắm đôi mắt lại, rồi dùng con mắt tâm (tâm nhãn) hướng vào trong Thân quan sát cho thật kỹ xem coi ở trong đó im lặng như tờ hay ồn ào náo nhiệt như cái chợ, có đủ thứ hết. (Chú ý: Có nhiều người quan sát 5,7 lần mới phát hiện được tâm bệnh, nhưng cũng có người chỉ cần 1 lần, là thấy ngay).
Nếu như phát hiện ở trong thân có(tự nói tự rằng), nghĩ bậy tưởng bạ (hồ tư loạn tưởng), có nói, có cười, có kẻ này người nọ, có sơn hà đại địa và có cả thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh, hoặc đang thì thì thầm thầm rối rối rít rít không chịu ngừng dứt, thì nên biết rằng, tâm mình đang phát cuồng (tâm đã bị bệnh) cần phải chữa trị càng sớm càng tốt.
Như trên đã nói, muốn trị bệnh của Tâm chỉ có một phương cách duy nhất là tu hành. Nhưng tu hành như thế nào mới trị được bệnh ?
Thể theo lời Phật dạy, điều kiện ắt có và đủ để trị tâm bệnh, phải hội đủ như sau :
1. Trước hết, phải rõ biết như thực những thứ "Tâm ngữ" hoặc những thứ Tự Ngôn Tự Ngữ (hồ tư loạn tưởng) thì thì thầm thầm rối rối rít rít ờ trong thân vật chất này, nhà Phật gọi chúng là Vọng Tưởng, Tạp Niệm.Chính chúng là Nghiệp lực (tên khác của Nghiệp lực là Vô Minh, Hoặc + Nghiệp + Khổ) dẫn dắt chúng ta trôi lăn trong biển khổ sanh tử. Nếu đem chúng so sánh với đầu đạn nguyên tử, chúng sẽ nguy hiểm hơn đầu đạn nguyên tử gấp vạn lần. Bởi lẽ, đầu đạn nguyên tử chỉ có thể giết hại chúng ta một đời, còn chúng (những thứ tự ngôn tự ngữ) lại có khả năng hãm hại chúng ta nhiều đời nhiều kiếp ! 
Chúng (vọng tưởng tạp niệm) nguy hiểm thật, nhưng bổn chúng Phật tử hiện nay thử hỏi có được mấy người như thật rõ biết được chúng ? Nếu như đã rõ biết được chúng, tại sao không nương vào đó để được Khai Ngộ hoặc thấy được Đầu đường về Niết Bàn, vì lẽ kinh Lăng Nghiêm có nói : "Cuồng tâm ngừng nghỉ, ngừng nghỉ tức Bồ Đề".
2. Thứ đến, phải có một phương pháp tốt, có đủ khả năng tiêu diệt sạch Vọng tưởng tạp niệm (nghiệp lực) dùng để hạ thủ công phu mới hy vọng trị lành tâm bệnh (liễu sanh thoát tử). 
Kinh nghiệm cho biết, vì không có thiện tri hức hướng dẫn và không khéo chọn pháp tu, cho nên mới xảy ra tình trạng người tu thì đông như lông, còn người đạt đạo như sừng !
Tóm lại, tu Phật là tu tâm. Nói cách khác, tu hành theo Phật tức là "Trị Tâm Bệnh". Nếu y cứ vào đây (tâm) để thể hội và dụng công tu tập, nhất định có ngày tâm bệnh sẽ được chữa khỏi. Và tâm bệnh nếu chữa trị được lành rồi thì, vô minh (tạp niệm) đâu còn nữa. Mà vô minh hết thì, sanh tử đâu còn. Nghĩa là lúc bấy giờ, dù chúng ta không muốn thành Phật, cũng vẫn thành Phật như thường. 
--o0o--