Sự Tuần Hoàn Của Chúng Sanh

 

Tất cả mọi vật, mọi loài trên thế gian này đều có sự tuần hoàn riêng của nó.  Mọi vật, mọi loài đều sanh diệt, diệt sanh chứ không có cố định. Ðể hiểu thêm về sự tuần hoàn của con người, Ðồng Mai sẽ viết về sự tuần hoàn của mưa và mong quý vị hãy quán chiếu về sự tuần hoàn của mưa mà hiểu được sự tuần hoàn của con người cũng như mọi vật. 
Trước khi viết về sự tuần hoàn của mưa, Ðồng Mai chợt nhớ đến một câu chuyện đối thoại giữa vị thiền sư và người đệ tử như sau.  Ngoài trời đang mưa, vị thiền sư hỏi người đệ tử:  "con có nghe tiếng gì không?"  Người đệ tử trả lời: "tiếng mưa rơi."  Vị thiền sư nói:  "chúng sanh quên mình theo vật."  Vị thiền sư này hơi tiết kiệm lời nói.  Vị thiền sư  muốn người đệ tử thấy sự tuần hoàn của nước mưa mà liên tưởng đến sự tuần hoàn của chúng sanh, nhưng người đệ tử này không hiểu được ý của thầy mà chỉ lo phóng tâm để ý sự vật bên ngoài nên chỉ nghe tiếng mưa rơi thôi. Vì vậy người đệ  tử  bị vị thiền sư quở là “chúng sanh quên mình theo vật.”   Người đệ tử không lo quán sát mọi vật xung quanh để thấy được tánh vô thường của vạn vật để mà tìm cách trở về tâm thanh tịnh sẵn có của mình.  Chúng ta thì sao? Ðã quán thấy được tánh vô thường của vạn vật chưa? Ðồng Mai xin tóm lược sự tuần hoàn của mưa, hy vọng nó sẽ giúp quý vị thấy được sự tuần hoàn của tất cả chúng sanh.
Như tất cả quý vị đều biết về sự tuần hoàn của nước mưa, khi mưa rơi xuống, nó có thể bị thấm xuống đất, chảy ra cống, ao, hồ, đầm, sông, biển, v.v… Sau đó nó bóc hơi thành hơi nước bay lên khí quyển.  Khí quyển lạnh làm cho hơi nước tụ lại thành mây, khi có quá nhiều nước ở trong mây, nó sẽ rơi xuống thành mưa.  Như vậy đợt mưa lần thứ nhất có giống hoàn toàn đợt mưa lần thứ hai không? Ðợt mưa lần thứ hai không giống đợt mưa lần thứ nhất, nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn khác với đợt mưa lần thứ nhất, vì nếu không có hơi nước bóc lên từ nước mưa lần thứ nhất thì sẽ không có mưa lần thứ hai.  Môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đợt mưa lần thứ hai.  Ví dụ là nếu môi trường xung quanh có nhà máy xí nghiệp nào đó, thải quá nhiều chất CO2 thì chất này sẽ kết hợp với hơi nước tạo thành mưa acid, và nếu môi trường xung quanh là nhà máy nhuộm vãi thì những chất thải ra từ nhà máy này sẽ kết hợp với hơi nước tạo thành mưa đen hay mưa mực mà năm ngoái nó đã xảy ra ở Việt nam.  Quý vị hãy tư duy một chút thì sẽ thấy được là nước mưa lần thứ hai này không giống hoàn toàn như nước mưa lần thứ nhất.  Tuy nhiên nó có cái chất giống nhau là đều là chất nước.  Tương tự như vậy con người chúng ta, khi thân này hoại đi thì sẽ tùy theo nhân duyên (trong đó có cả môi trường), nghiệp của mình mà thọ mạng thân sau.  Thân sau không hoàn toàn giống thân trước, nhưng tâm tánh bồ đề giống nhau.  Khi thân sau không hoàn toàn giống như thân trước được thì chúng ta có thể khẳng định là không có một linh hồn thật sự được chuyển tiếp từ đời này qua đời sau được mà là do nhân duyên hội tụ lại mà có được thân sau.  Môi trường cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của chúng ta,  vậy mong tất cả chúng ta cố gắng tu để cùng tạo ra cảnh niết bàn ở trên trái đất này.
Ðể thấy được khi thân người này hoại đi, cơ hội để trở lại thân người này được bao nhiêu phần trăm, Ðồng Mai xin trở lại vấn đề tuần hoàn của nước mưa.  Thật sự khi mưa rơi xuống, nó không nhất thiết là sẽ bóc hơi hoàn toàn liền, mà nó sẽ bị thấm xuống đất, xuống cát, hoặc bị cây hút nước, hay là chảy ra hồ, ao, sông, biển, v.v… Ðể có được nước mưa tinh khiết mà người ta có thể uống được, nó phải hội đủ những điều kiện sau:  phải có nắng để bóc hơi nước, khi bay lên trên khí quyển, hơi nước không có tác dụng với những chất độc hại nào khác (có nghĩa là môi trường không bị ô nhiễm), khí quyển phải đủ lạnh để hơi nước có thể ngưng tụ lại thành nước, v.v…  thì chúng ta mới có được những giọt mưa trong lành tinh khiết.  Phần trăm để có được nước mưa tinh khiết thì thật là thấp, đâu phải lúc nào cũng có đầy đủ những điều kiện như trên.  Tương tự như vậy, con người khi thân  này hoại đi thì phải hội đủ biết bao nhiêu điều kiện mới trở lại thành người được.  Như quý vị cũng có đọc qua câu "Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,"  câu này được dịch là cả trăm nghìn muôn kiếp mới có thân người mà gặp được phật pháp, vì vậy quý vị nên cố gắng quyết chí tu tập để sớm trở về tánh thanh tịnh bản nhiên vốn sẵn có của mình.  Nhắc tới tâm thanh tịnh bản nhiên vốn có của mình, Ðồng Mai chợt nhớ đến một cuộc đàm thoại nữa của hai vị thiền sư.  Câu chuyện này quý vị cần phải tư duy một chút mới hiểu được họ nói gì, câu chuyện như sau:
Vị thiền sư thứ nhất giơ nắm tay lên.  Vị thiền sư thứ hai nói " tre dày không ngại nước chảy qua".  Vị thiền sư thứ nhất nói: " ông đã thấy đạo".  Quý vị có hiểu được họ đang nói gì không? Vị thiền sư thứ nhất giơ nắm tay lên là có ý hỏi vị thiền sư thứ hai là ông có còn chấp chặt không? vị thiền sư thứ hai trả lời là dù cho mọi vật ngăn cản như lũy tre dày nhưng tâm tôi như nước chảy xuyên qua và không bị chướng ngại.  Vị thiền sư thứ hai muốn nói là tâm tôi không ngại với bất cứ chuyện gì xảy ra.  Vị thiền sư thứ nhất khen là ông đã thấy đạo.  Qua câu trả lời này, chúng ta nhận thấy là vị thiền sư thứ hai đã thấy được đạo, ông ta đã thấy được là tất cả chúng sanh đều có tâm tánh thanh tịnh hay còn gọi là Phật tánh ở sẵn trong mỗi chúng ta. Ông ta thấy được đạo chứ ông ta chưa chứng đạo. Ông ta chưa chứng được đạo là tại vì ông ta còn thấy mình là nước và thấy có sự vật cản trở như là lũy tre dày.  Câu trả lời như thế nào thì Ðồng Mai xin nhường lại cho quý vị để tự quý vị tìm ra câu trả lời cho chính mình.  Muốn có câu trả lời chính xác, quý vị hãy tư duy và quán chiếu về sự tuần hoàn của con người để thấy được sự vô thường, sanh diệt, diệt sanh của vạn vật, và thấy được là không có một thật thể nào cố định, hay một linh hồn cố định, mà tất cả đều do nhân duyên mà thành.  Khi thấy được thân này mất đi nó không bị tiêu diệt vĩnh viễn, nó sẽ do nhân duyên, nghiệp lực từ quá khứ của mình mà mình sẽ được thọ thân sau, quý vị sẽ không còn sợ chết nữa.  Quý vị biết được là khi thân này hoại đi nó sẽ theo sự tuần hoàn và sanh trở lại cũng như khi mưa rơi xuống nó không vĩnh viễn mất mà sẽ được tuần hoàn và mưa trở lại, thì tâm của quý vị rất an nhiên, tự tại.  Hiểu được sự tuần hoàn của chúng sanh tức là quý vị đang trên đường trở về cái tâm thanh tịnh sẵn có của mình. Khi trở về được cái tâm thanh tịnh của mình, lúc đó quý vị sẽ có câu trả lời rất chính xác cho chính mình.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
            PL 2547, Giáp Thân
            Tháng 4, 2004  
            Ðồng Mai
 
           (Ðã hơn mười năm rồi, Ðồng Mai rất ít nói và đọc tiếng Việt, và nhất là không có viết văn tiếng Việt.  Nếu có gì sơ suất xin quý vị hoan hỷ bỏ qua.  Cảm ơn.)