Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
TỊNH ĐỘ NGAY NƠI TÂM TỊNH
Hạnh Chi
---o0o---
            Chúng ta đang ở vào thời mạt pháp. Trong thời này, pháp môn Tịnh Độ là phương tiện có thể đưa hành giả qua sông mê, tới bờ giác vì chỉ cần sự thành tâm niệm Phật bền bỉ, không phải toát mồ hôi vận dụng trí lực gì cả. 
            Tôn chỉ của pháp môn này được căn cứ trên kinh A Di  Đà mà dựng lập. Ba yếu tố chính mà pháp môn đòi hỏi nơi hành giả là Tín, Nguyện và Hành.
            Tín  là tin sâu. Nguyện là mong muốn hết sức tha thiết. Hành là thực hành việc trì danh hiệu Phật A Di Đà.
            Hành giả tin sâu những gì?
            - Tin Đức Thích Ca Như Lai là đấng Giác Ngộ hoàn toàn.
            - Tin cõi Tây Phương Cực Lạc là cõi có thật, do Đức Phật A Di Đà làm Giáo Chủ.
            - Tin Chư Phật sáu phương đều ca ngợi pháp môn Tịnh Độ là công đức bất khả tư nghì.
            - Tin cõi Ta-bà ngũ trược do chiêu cảm ác nghiệp của chúng sanh; còn cõi Cực Lạc thanh tịnh là do tịnh nghiệp chúng sanh mà thành.
            Hành giả nguyện thiết những gì?:
            - Nguyện hướng về tánh giác của mình. Tánh này là Phật tánh, ai cũng sẵn, nhưng thường bị phiền não mê lầm che lấp.
            - Nguyện ly khổ đắc lạc. Bỏ bát-khổ cõi Ta-bà là sinh, lão, bệnh, tử, xa người thương, gần người ghét, mong cầu không được, năm ấm không an. Đạt an lạc cõi Cực Lạc là vui hóa sinh hoa sen, vui tự tại không bệnh, vui thọ mạng, không tứ đại phân ly …
            - Nguyện được lên ngôi cửu phẩm không còn thối chuyển.
            - Nguyện được thấy Phật A Di Đà.
            Hành giả hành trì những gì?
            - Chỉ một lòng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm thiết tha chân thật, niệm thành tiếng cũng như niệm thầm, phải kết được những câu niệm Phật thành chuỗi, thành phiến để đạt được nhất tâm bất loạn.
            Ba yếu tố này như cái đỉnh ba chân, thiếu một chân, cái đỉnh sẽ ngã đổ. Đây là ba món tư lương mà những hành giả tu pháp môn Tịnh Độ cần có trên lộ trình về Tây Phương Cực Lạc. Được vãng sanh hay không là do hành giả có hay không có tin và nguyện; và phẩm vị cao thấp là do hành trì cạn hay sâu.
            Hành giả pháp môn Tịnh Độ, ngoài niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà, còn được hướng dẫn tụng hai cuốn kinh đại thừa là Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà. Những Kinh này đều giới thiệu cõi nước đẹp đẽ của giáo chủ Tây Phương và cùng đề cập tới một chi tiết rất từ bi, rất đặc biệt. Đó là, nơi đây không chỉ hoàn toàn dành cho các bậc Thánh mà cũng có chỗ cho kẻ phàm, vì kẻ phàm nào quyết tâm tinh tấn tu học, quyết buông bỏ hệ lụy thế gian, quyết xin vãng sanh về cõi Phật thì giây phút lâm chung, dù còn nghiệp cõi này chưa trả hết, chư Phật vẫn hoan hỷ cho “quẩy nghiệp mà đi”, danh từ nhà Phật gọi là “Đới nghiệp vãng sanh”, lên cõi Phật tu tiếp và xả tiếp.
            Với lòng từ bi vô lượng này của chư Phật mà cõi Cực Lạc mới có Phàm-Thánh-đồng-cư. Khi phàm được ở cùng cõi nước với Thánh để tu tiếp thì nhờ năng lượng Thánh, sự chuyển hóa nơi phàm sẽ hạnh thông gấp bội vì theo tinh thần lời Đức Phật Thích Ca khuyến tấn “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” thì trong tự thân mỗi cá nhân đều có sẵn chất Thánh; hội đủ duyên, chất Thánh đó sẽ hiển lộ nhanh chóng hơn. 
            Được ở trong môi trường Phàm-Thánh-đồng-cư, chính là cơ duyên đó.
            Nhưng chúng ta có cần chờ tới khi vãng sanh về Cực Lạc mới được hưởng hạnh phúc Phàm-Thánh-đồng-cư không?
            - Có lẽ là không.
            Chúng ta có thể tạo cho nhau cảnh giới đó ngay bây giờ, ngay tại đây. Chúng ta không lạc quan quá đâu. Xin cùng giở kinh A Di Đà, rồi “y nghĩa bất y ngữ”, chúng ta sẽ thấy. Này nhé: 
            Thế giới Cực Lạc có ao bảy báu, cát vàng ở dưới đáy ao tỏa ánh sáng xung quanh; thì thế giới Ta-bà cũng có biển xanh mây trắng, đáy biển cũng có biết bao san hô lộng lẫy, bao loài hải sản lớn nhỏ đủ mầu thảnh thơi bơi lội.
            Thế giới Cực Lạc có những ngọn gió thơm thổi qua hàng cây báu phát ra vô lượng pháp âm vi diệu khiến người nghe âm thanh đó liền được tâm thanh tịnh; thì cõi Ta-bà cũng có tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng đại hồng chung, người nghe được âm thanh mầu nhiệm đó cũng thức tỉnh khỏi cuồng mê phiền não.
            Thế giới Cực Lạc có hoa sen sắc vàng, hồng, tía; thì cõi Ta-bà cũng có ngàn hoa dị thảo nở rộ bốn mùa.
            Thế giới Cực Lạc có các loài chim Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cọng Mạng thuyết pháp, người nghe được sẽ khởi tâm niệm Phật; thì thế giới Ta-bà cũng có Oanh, Yến, Họa Mi … cùng nhau líu lo, ai  nghe tiếng hót vui vẻ đó, phiền muộn cũng nguôi ngoai. 
            Còn nhiều, nhiều nữa. Thế giới Ta-bà có thiếu gì, so với thế giới Cực Lạc đâu. Nhưng chúng sanh ở Ta-bà đầy khổ đau, sân hận, vì chúng sanh thường vụng về để cho tâm mình chìm trong vô minh như thế! 
            Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng sanh nào muốn hiểu rõ, thấy rõ chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai thì phải biết quán, là bản chất của tất cả các pháp đều do TÂM tạo:
            “Nhược nhân dục liễu tri
            Tam thế nhất thiết Phật
            Ưng pháp quán giới tánh
            Nhất thiết duy tâm tạo”
            Phải chăng tinh thần bài kệ này dạy rằng cõi Tịnh Độ là sáng tạo của tâm chư Phật, chư Bồ Tát, mà cũng là sáng tạo của chúng sanh, nếu tâm chúng sanh biết quán như thế.
            Đạo tràng Tịnh Độ mở ra là để những hành giả theo pháp môn Tịnh Độ cùng ngồi với nhau, nhất tâm nhất trí sáng tạo ra cõi nước Cực Lạc ngay hiện tiền, ngay nơi tiếng niệm Phật tiếp nối nhau, trầm hùng cất lên, hòa vào âm thanh đại hồng chung ngân dài, tiếng khánh lảnh lót, tiếng mõ khoan thai. “Tự tánh Di Đà. Duy tâm Tịnh Độ” thì thế nào tiếng niệm Phật thiết tha chẳng nở thành đóa sen trong tâm hành giả. Với đóa sen Tịnh Độ trong tâm, cần thêm một chút quán chiếu, chúng ta sẽ nhận ra lời trong kinh khi đề cập “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” và những vị Bồ Tát “Nhất sanh bổ xứ”. Họ chẳng ở đâu xa. Họ ngay quanh chúng ta. Họ có thể đang là Thầy ta. Cũng có thể đang là bạn ta. Và ngay chúng ta, cũng đôi lúc có thể là như thế, với họ. 
            Đó là những phút giây chúng ta niệm Phật đạt tới nhất tâm bất loạn thì chính khi đó tâm chúng ta trở thành giống như tâm của các bậc thiện nhân. Đơn giản thế thôi, nên kinh A Di Đà mới dạy “ Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng giai đắc bất thối chuyển ư a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam bồ-đề, ư bỉ quốc độ nhược dĩ sanh, nhược kim sanh, nhược đương sanh”, ý nói là, ngay khi hành giả chí tâm phát lời nguyện sanh về thế giới Cực Lạc là lập tức đã sanh rồi, chứ không can chi hoàn cảnh khi ấy là hành giả sẽ sanh, đang sanh hay đã sanh. Ở đây, phải hiểu đã sanh rồi là nở sẵn được đóa sen trên cõi Cực Lạc. Đóa sen đó chờ ngày hành giả về với Phật. Nó tăng trưởng tốt tươi hay lụi tàn héo úa là do thời gian còn ở Ta-bà, hành giả có tiếp tục tu hành tinh tấn hay không. 
            Sáng tạo của sự phát bồ-đề-tâm mầu nhiệm như thế nên suốt khóa tu niệm Phật chín ngày vừa qua tại chùa Phật Tổ tỉnh Long Beach đã đem lại biết bao hạnh phúc cho hàng trăm Phật tử xa gần về tham dự.
            Khóa tu chín ngày liên tục, từ 20 tháng 12 tới 28 tháng 12 năm 2008, mỗi ngày ba thời tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, thuyết pháp và pháp đàm, từ tám giờ sáng đến 8 giờ tối. 
            Đặc biệt, chiều thứ bảy 27 tháng 12, nhị vị Đại Đức Thường Tín và Thường Chơn đã chỉ dẫn Phật tử cách thức Tam Bộ Nhất Bái. Và đúng sáu giờ chiều, sau hai ngày mưa to gió lớn vẫn không làm chùn bước chân bao người con Phật, thì đất trời đành êm ả, bình lặng, yểm trợ đoàn Phật tử nối theo nhau trong trật tự và chánh niệm. Tiếng niệm Phật vang lên theo nhip khánh của quý thầy hướng dẫn, cứ ba bước, đoàn người lại đồng loạt, năm vóc sát đất, quỳ xuống nền sân xi măng, kính cẩn, lạy một lạy. 
            Từng bước, từng lạy, hẳn là trong tâm mỗi hành giả đều rưng rưng hình ảnh đại lão hòa thượng Hư Vân, người đã báo hiếu cha mẹ bằng lời phát nguyện ba bước lạy một lạy, khởi từ hướng đông, núi Phổ Đà tới hướng bắc, núi Ngũ Đài. Suốt thời gian thực hành hạnh nguyện, chỉ trừ khi qua sông lội suối hay bão tố không thể cất bước, ngoài ra, ngài không hề ngưng nghỉ. Vậy mà, cũng hơn ba năm ròng rã ngài mới tới được chùa Hiển Thông trên núi Ngũ Đài. 
            Đoàn Phật tử phát nguyện lạy Tam Bộ Nhất Bái, tuy chỉ đi vòng quanh bên ngoài khuôn viên chùa Phật Tổ, nhưng tấm lòng cung kính cúng dường thì mênh mông vô hạn. Chẳng thế mà sau Tam Bộ Nhất Bái, hàng trăm Phật tử lại tham dự Hội Hoa Đăng, mỗi người nhận một ngọn nến lung linh thắp trong đóa sen bằng thủy tinh, rồi cùng kinh hành niệm Phật quanh chánh điện. Ánh nến tỏa sáng theo từng bước chân, nhắc nhở ánh Vô Lượng Quang, nếu ta luôn giữ tâm chánh niệm. 
            Cao điểm của lòng thành dũng mãnh là Chư Tôn Đức, Tăng, Ni  và đại chúng đã thực hiện lời phát nguyện niệm Phật suốt đêm thứ bảy để cầu nguyện cho nền hòa bình và an lạc của một thế giới đang chìm đắm trong quá nhiều tai ương, thảm họa do cả từ thiên tai lẫn nhân tạo. 
            Trăng khuya nghiêng xuống nghe kinh có phải là vầng trăng Lăng Già từng lơ lửng trên cổng tam quan tháng tám? Và cho tới hửng đông, tiếng niệm Phật vẫn âm vang có phải là hồi-chuông-thức-chúng, tới những ai còn say ngủ trong vô thường mộng ảo?
            Với bao nhiêu tâm thành khẩn thiết như vậy, khóa tu niệm Phật chín ngày tại chùa Phật Tổ tỉnh Long Beach để hoàn thành món quà đẹp đẽ, dâng lên cúng dường lễ vía Đức Phật A Di Đà, cũng đã đồng thời chứng minh văn kinh: “TỊNH ĐỘ NGAY NƠI TÂM TỊNH”
            NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
            NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT  
            Hạnh Chi
            (Độc-Cư-Am, những ngày cuối năm 2008)
--o0o--