Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
CON ĐƯỜNG CỦA BỤT
(Bài pháp thoại đầu tiên của Sư Ông trong mùa an cư kiết đông 20.11.2008)
Người phiên tả: Sư cô Trí Nghiêm
---o0o---
            Trong mùa an cư, chúng ta cần thực tập cho nghiêm chỉnh. Đừng đi ra khỏi giới trường. Làm thế nào để mỗi giây phút của mùa an cư trở thành sự thực tập –Sự thực tập chung của tăng thân và mỗi cá nhân. Mình phải biết tận dụng thời gian này, phải hạ quyết tâm để chuyển hóa những khó khăn nơi bản thân. Cơ hội được tu tập chung với tăng thân sẽ cho mình nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển hóa, để chế tác hạnh phúc hơn khi tu tập một mình. Năng lượng tập thể của tăng thân có thể giúp mình bước được những bước rất dài trong sự chuyển hóa. Bởi khi ta nương vào năng lượng tập thể của tăng thân thì niệm lực và định lực nơi ta sẽ mạnh mẽ hơn. Nhiều vị xuất gia đều ý thức được sự cần thiết của ba tháng an cư, nhưng vì Phật sự đa đoan, dù có cố gắng mấy, các vị ấy cũng chỉ an cư được có mấy tuần. 
            Quê Hương Đích Thực
            Sự thực tập an cư miên mật được thể hiện qua việc hành trì giới luật và uy nghi. Và sự thực tập chánh niệm cũng là sự thực tập giới. Thầy đã và đang thực tập như vậy. Trong lúc vặn nước rửa mặt, Thầy tiếp xúc được với nước chảy ra từ vòi rất mát. Thầy ý thức được nó đến từ nguồn suối cao hoặc từ lòng đất sâu, và lòng biết ơn trong thầy luôn tràn đầy. Hành động chải răng cũng cho ta cơ hội để thực tập. Nếu mỗi giây mỗi phút của việc chải răng, mình  đều an trú được trong giây phút hiện tại thì mỗi giây mỗi phút ấy mang về cho chính mình thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc hay không hạnh phúc đều tùy nơi mình. Nghe chuông cũng là cơ hội cho mình tiếp xúc với hạnh phúc. Tiếng chuông giúp mình dừng lại –Dừng sự rong ruổi về quá khứ, dừng sự rong ruổi về tương lai. Dừng lại để nhận ra quê hương đích thực của mình đang ở đâu. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. 
            Trong bài thơ Quê Hương, nhà thơ Đỗ Trung Quân có định nghĩa quê hương là chùm khế ngọt, đường đi học,…Nhưng quê hương của chúng ta –Những người con thực tập theo con đường tỉnh thức của Bụt –khác với quê hương được định nghĩa như trên. Quê hương của chúng ta không phải chỉ ở nơi kỷ niệm, không phải chỉ là cái thiên đường ngày xưa. Chùm khế ngọt hay con đường đi học thân quen đã thuộc về quá khứ. Do vậy, cái quê hương được nói đến trong bài thơ trên chỉ là một ý niệm, mà không phải là thực tại. Có thể thời ấu thơ, mình được trèo hái những chùm khế ngọt đong đưa trong gió, được thả diều trong những buổi trưa hè, được đi học mỗi ngày trên con đường thân quen hay bắt bướm ven vệ đường…Mình có thể có hạnh phúc với những giây phút ấy thật. Nhưng có thể mình chưa có ý thức. Bởi có hạnh phúc là một chuyện, mà ý thức rằng mình đang có hạnh phúc lại là chuyện khác. Có may mắn là một chuyện, mà ý thức được rằng, mình đang có may mắn là một chuyện khác. Sự ý thức về những hạnh phúc, những may mắn của chính mình rất quan trọng, bởi nó chính là chánh niệm. 
            Khi nghe tiếng chuông,  mình trở về với hơi thở, và ý thức được sự có mặt thực sự của mình cho sự sống mầu nhiệm xung quanh như trời xanh, mây trắng, hoa vàng, cây táo, cây sồi,…Tất cả những thứ ấy là quê hương của mình, chứ không phải chỉ là chùm khế ngọt, con đò nhỏ,…của quá khứ đã đi qua. Quê hương đích thực của mình chính là sự sống diễn ra trong giây phút hiện tại. Và mình sẽ cảm thấy thoải mái ở bất kỳ nơi đâu, nếu mình có mặt được, tiếp xúc được với sự sống. Đừng để những cơ hội đẹp được tiếp xúc với quê hương đi qua trong hời hợt, trong quên lãng. Những người biết thực tập là những người luôn biết tận dụng những cơ hội như vậy. Và ba tháng an cư đang là cơ hội của tất cả chúng ta.
            Con Đường Của Bụt
            Con đường của Bụt là chủ đề của khoá tu an cư kiết đông năm nay. Đây là con đường Bụt đã đi, và chúng ta đang đi theo sự hướng dẫn của Ngài. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta chuyển hóa những khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao chúng ta cần học lại về con đường của Bụt trong khi nó đã được đề cập rất rõ ràng trong kinh luật luận? Lý do thật đơn giản, vì thế giới đang đi tới một trật tự mới –Một trật tự toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục... Và tất yếu, nền luân lý đạo đức cũng không thể nào ra khỏi quỹ đạo này. Một trật tự toàn cầu cần có một nền đạo đức được chấp nhận của toàn thể nhân loại. Bởi vì, mỗi châu, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi nhóm dân có nền văn hóa, nền đạo đức với những giá trị và tiêu chuẩn riêng. Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta cần đi tới sự công nhận những giá trị chung. Và những người tu tập theo đạo Bụt cần phải nói lên tiếng nói từ trái tim của mình để cống hiến cho nền đạo đức toàn cầu hóa này. Cụ thể, mình sẽ đem ra đóng góp gì?
            Năm 1993, tại Chicago, một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề đạo đức toàn cầu đã được diễn ra. Trong hội nghị này, một văn bản chuyên môn về đạo đức toàn cầu đã được một nhà thần học người Đức đưa ra. Khi đọc những tài liệu này, có thể tuệ giác của chúng ta sẽ được xúc chạm, và những cái thấy đó sẽ được đem đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu.
            Trong tiếng Việt, có chữ đạo đức, luân lý. Chữ luân lý dùng để dịch cho chữ morality, và chữ đạo đức cũng có thể dịch là morality hay ethic. Chữ luân lý là một từ Hán việt. Luân là cách hành xử giữa người với người sao cho trọn vẹn, sao cho có hạnh phúc, và vắng mặt sự khổ đau. Có một từ liên quan đến chữ luân mà chúng ta cũng rất hay dùng là nhân luân. Nó có nghĩa là đạo đức của con người. Chữ lý là những nguyên tắc, luật lệ căn bản cho những hành động. Luân lý có thể là cách nói tắt của luân thường đạo lý. Chữ thường có nghĩa là chung –Những nguyên tắc hành xử giữa con người với con người được áp dụng chung cho tất cả mọi người, và được mọi người chấp nhận. Đạo là con đường. Và lý ở đây ngoài nghĩa trên còn có thêm một nghĩa nữa là lý luận. Như vậy, luân thường đạo lý có thể hiểu là những nguyên tắc luân lý đưa tới một con đường bằng những lối hành xử giữa con người và con người, và được chấp nhận bởi tất cả mọi người. Đây là quan điểm của người Á Đông. Người Á Đông còn quan niệm về đạo đức như sau: Đạo là con đường, đức là những tính tốt như sự thành thật, lòng nhân từ…Do vậy, đạo đức có thể hiểu là con đường hay đức hạnh.  Những đức hạnh mang lại cho mình những con đường. Con đường giúp mình tránh những đau khổ, và không làm cho người khác đau khổ. Con đường làm cho mình có hạnh phúc, và giúp cho người khác có hạnh phúc. 
            Khi đức Thế Tôn thành đạo, ngài cũng nghĩ đến con đường. Thành đạo có nghĩa là sự giác ngộ hoàn toàn, là sự giải thoát. Chữ thành đạo này không chỉ có nghĩa là con đường, mà nó còn có nghĩa là thấy chân lý, là thấy được sự thật, là sự thực hiện được sự thật, là một tuệ giác lớn. Đạo là tuệ giác và cũng là con đường để đi đến tuệ giác đó.
            Tôn giáo cũng có thể dịch là tông giáo. Tông là truyền thống, tông phái. Chữ tôn giáo theo cách hiểu của Tây phương có dính líu tới Thượng Đế và niềm tin nơi đấng Thượng Đế. Nhưng tôn giáo không hẳn cần phải có niềm tin nơi một đấng hay một truyền thống nào đó. Chữ giáo có nghĩ là dạy. Có khi tôn giáo cũng được dịch là đạo –Đạo ở đây chỉ có nghĩa là con đường. Nếu dùng chữ đạo để dịch cho chữ religion thì chưa chính xác. Vì chữ religion có hàm chứa yếu tố đấng tạo hoá, mà chữ đạo không hàm chứa nghĩa về một đấng tạo hóa. 
            Trong đạo Bụt, ý niệm về con đường rất rõ. Bài giảng đầu tiên của đức Thế Tôn hướng về năm người bạn đã từng tu khổ hạnh với Người –Năm anh em ông Kiều Trần Như –đã đặt nền tảng cho một nền đạo đức. Bài giảng đó còn được gọi là Chuyển Pháp Luân Kinh. Trong bài giảng này, Ngài đề cập đến bốn sự thật mầu nhiệm và con đường của tám sự hành trì chân chính. Cụ thể, Ngài nói về khổ đau của con người, và cách chuyển hoá khổ đau đó. Chuyển Pháp Luân Kinh có thể là căn bản cho nền đạo đức Phật giáo. Nó rất thực tế. Nó không là triết học mà là đạo đức học. 
            Khổ Đế Và Tập Đế
            Tứ Diệu Đế là bốn sự thật cao quý mầu nhiệm, hay còn gọi là Tứ Thánh Đế - Bốn sự thật thánh thiện, cũng có thể gọi là Tứ Chân Đế - Chân là chân thật không giả dối. Sự thật thứ nhất (khổ đế) công nhận có những khổ đau hiện diện trong cuộc đời. Ngay lời dạy đầu tiên của Ngài, mình có thể nhận thấy đức Thế Tôn rất thực tế. Ngài không dùng thời gian để nói về những vấn đề siêu hình không ích lợi cho đời sống của con người như vấn đề vũ trụ vạn hữu, ai đã tạo ra thế giới này. Ngài đưa chúng ta về với hiện trạng của bản thân chúng ta và hiện trạng của xã hội. Điều này rất cần thiết với mỗi chúng ta. Bởi muốn giải quyết những bức xúc, những khó khăn của chính mình cần phải biết nhìn lại mình, nhận diện những khổ đau đang có mặt và nguyên nhân dẫn đến những khổ đau đó. Nhiều người khi nghe ngài giảng, khổ đau là một sự thật, nên tìm đủ cách để chứng minh : tất cả đều là khổ. Lấy hết thời giờ của mình để chứng minh tất cả điều là khổ, sinh khổ, già khổ, bệnh khổ và chết cũng khổ. Từ cách hiểu như vậy đã dẫn đến sự phân chia khổ đau thành ba loại : khổ khổ, hành khổ, hoại khổ. 
            Khổ khổ là tự thân vốn là khổ, đau răng là khổ, mất người thương là khổ. 
            Hành khổ : hành là hiện tượng, tất cả các hiện tượng do nhân duyên tập hợp lại gọi là hành, thí dụ bông hoa là một hành, vì bông hoa được tạo nên từ rất nhiều nguyên nhân. Trong kinh nói chư hành vô thường, đây là một sự thật. Không có cái hành hay sự vật nào mà không vô thường. Không những cái đau răng của mình là vô thường mà cái răng của mình cũng vô thường. Đau răng cũng khổ mà không đau răng cũng khổ, hễ có răng là có khổ. Răng đau cũng khổ rồi mà răng chưa đau cũng khổ vì trước sau gì thì nó cũng đau. Ý tưởng này hơi cưỡng ép. Nếu các hành là khổ thì đâu có cái gì là không khổ đâu? 
            Thứ 3 là hoại khổ, cái gì cũng tàn hoại hết, nó tàn hoại là khổ mà chưa tàn hoại cũng khổ như thường. 
            Người mà giản nhưng điều này chỉ muốn chứng tỏ lời Bụt là đúng, rằng tất cả đều là khổ. Nhưng Bụt không hề nói như vậy. Bụt chỉ nói là cái khổ đang có mặt và chúng ta phải tìm cách giải quyết những cái khổ.  Đừng nên hiểu lời Bụt dạy theo cách quá giáo điều. Hiểu như thế thì rất tội cho Bụt. Do đó, khi giảng dạy về sự thật thứ nhất, chúng ta nên tránh cách hiểu : tất cả là khổ. Nên hiểu: tất cả là vô thường hay vô ngã thì đúng hơn.  
            Trong xã hội khi sinh ra một đứa con thì đó là một niềm vui, tới ngày sinh nhật thì mình ăn mừng sinh nhật và hát bài happy birthday. Nếu nói sanh ra là khổ thì sao lại hát bài happy birthday to you, hay ăn mừng sinh nhật ? Nói già cũng khổ, nhưng đối với thầy, thầy thấy già rất vui, thầy già nên thầy biết. Người già thì trong người không có những năng lượng quá bồng bột, không có những bức xúc của tuổi trẻ. Già rất đằm, có thể sống sâu sắc được, già hay lắm đấy. 
            Khi còn trẻ, mình như một dòng suối nhảy múa trên núi, mình thao thức muốn đi ra biển càng sớm càng tốt. Nhưng khi dòng suối chảy đến đồng bằng, và hòa vào dòng sông thì tự nhiên nó sẽ chảy chậm lại. Khi đi chậm lại, mình sẽ thấy mây trời hiện ra trong lòng của mình. Đâu phải làm dòng suối mới vui, làm dòng sông cũng vui vậy. Và tuổi già cũng có rất nhiều điều kiện để mình sống vui phải không? Trong cuộc đời, ai mà không một lần bệnh. Nếu nói không biết bệnh là gì thì hơi xa rời thực tế. Còn nhỏ mà bị không bệnh thì lớn lên hệ thống miễn dịch sẽ rất yếu, và mình có thể sẽ chết bất cứ lúc nào. Nhờ có những cảm sốt vặt vãnh khi còn nhỏ nên khi trưởng thành hệ thống miễn dịch mới mạnh mẽ chống đỡ được với những con vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập. Cho nên bệnh không hẳn là điều tiêu cực. Vì không bệnh, tham dục sẽ nổi lên. Bệnh có thể là trợ duyên cho sự tu tập của mình. Còn vấn đề chết thì sao? Nếu không có chết thì làm sao có sống được. Nếu già không chết, lấy chỗ đâu cho con cháu sống? Thử tưởng tượng nếu trên trái đất toàn những ông bà già măn trăm, sáu trăm tuổi chống gậy lọm khọm vừa đi vừa ho sù sụ thì chán chết. Trong cơ thể, nếu không có tế bào chết đi thì những tế bào mới không thể sinh ra được. Cho nên cái chết rất cần thiết cho mình. Nếu mình chết với tuệ giác là chết mà không chết thì sự tái sinh của mình không phải là khổ
            Những người thực tập theo lời Bụt dạy cần phải uyển chuyển, khéo léo để sự hiểu và vận dụng giáo lý của Ngài phù hợp với hoàn cảnh sống.  Ngày xưa không có hiện tượng hâm nóng địa cầu, 
            Không có nhiều căng thẳng, nhiều người bị bệnh tâm thần như ngày nay. Cũng không có nhiều bạo động và khủng bố, không có sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lối sống của người xưa không gây tàn hại môi trương khốc liệt như ngày nay, Cũng không có nhiều chiến tranh giữa các tôn giáo. Đây là những nỗi khổ có thật của thời đại, những khổ đế mà mình phải nhận diện. Vấn đề ở đây không phải đi tìm kiếm cái khổ mà là gọi đúng tên cái khổ đó. Mình biết khổ là có thật để tìm đường chuyển hoá.
            Sự thật thứ hai là Tập Đế, tập đế là nguyên nhân dẫn tới khổ đau. Muốn thấy được con đường thoát khổ thì phải thấy được những gốc rễ của khổ đau. Muốn chuyển hoá tình trạng hâm nóng địa cầu thì mình phải thấy nguyên nhân từ đâu dẫn tới chuyện hâm nóng địa cầu ? Cách mình tiêu thụ hằng ngày, sử dụng xe hơi, nuôi xúc vật để ăn thịt, phá hủy rừng cây… Tất cả những cái đó đều góp phần làm nóng địa cầu. Và chỉ khi biết rõ những nguyên nhân dẫn đến cái khổ, ta mới có thể chuyển hóa cái khổ hiệu quả được. Cái thấy này là một sự đóng góp rất thực tế cho nền văn hóa toàn cầu. 
            Rõ ràng, chủ trương của Đạo Bụt không đòi hỏi phải có đức tin nơi một ai, không cần tin Bụt, không cần tinThượng Đế, chỉ cần biết dựa vào tuệ giác của chính mình để chấp nhận sự có mặt của khổ đau, tìm ra nguyên của khổ đau, và chuyển hóa khổ đau nơi mình và cuộc đời. 
            (Bài pháp thoại đầu tiên của Sư Ông trong mùa an cư kiết đông 20.11.2008)
            Người phiên tả: Sư cô Trí Nghiêm
           Bài viết liên hệ (đọc thêm):
            Lời Ban Biên Tập: Trọng tâm của giáo lý đức Phật nằm trong Tứ Diệu Đế mà Ngài đã tuyên thuyết ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên sau khi Ngài thành Phật cho năm người bạn cũ đã tu khổ hạnh trước đó với Ngài tại vườn Lộc Uyển . Trong bài thuyết pháp ấy như chúng ta thấy trong nguyên bản, Tứ Diệu Đế được nói một cách ngắn gọn. Nhưng có nhiều nơi trong các kinh điển Nguyên Thủy và trong các luận giải về sau của chư Tổ và của quý cao tăng cả hai truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền, Tứ Diệu Đế được giảng giải bằng nhiều cách khác nhau và với nhiều chi tiết hơn. Nếu nghiên cứu Tứ Diệu Ðế này qua những tài liệu và giải thích ấy, ta sẽ có được một tường thuật khá đứng đắn và chính xác về những giáo lý tinh yếu của đức Phật theo những bản kinh Nguyên thủy. Thư viện Hoa Sen kính mời quý độc giả xem lại các bài giảng của quý thầy:
            12-11-2008 08:23:46
--o0o--