TU CHỈ QUÁN NƠI SÁU CĂN
HT. Thích Nhật Quang
---o0o---
Hôm nay chúng ta trao đổi về phương pháp áp dụng
Chỉ Quán đối với các đối tượng của các giác quan. Con người
có bao nhiêu giác quan thì có bấy nhiêu đối tượng. Là Phật
tử, ta ứng xử thế nào khi các giác quan tiếp xúc với cảnh
duyên, với đối tượng của nó mà không bị mất mình.
Muốn không bị mất mình, không trôi lăn theo trần
cảnh, nhất định chúng ta phải có công phu, có nội lực thâm
hậu. Nếu thiếu đạo lực, khi đối diện với các cảnh duyên ta
không làm chủ được, sẽ bị nó kéo lôi, trôi giạt, như người
xưa nói “bội giác hợp trần”. Ngược lại, ta sống với ông chủ
thì các cảnh duyên không làm gì được mình, gọi là “bội trần
hợp giác”. Áp dụng pháp tu này không phải đợi thời gian,
ngay đây tu liền. Trong mọi tình huống, lúc nào chúng ta
cũng sẵn sàng áp dụng phương thức này.
Chúng ta có sáu giác quan thì có sáu đối tượng.
Thông thường mình bị những đối tượng đó làm lầm, làm mù mắt
do đó không thấy được lẽ thực của tất cả các pháp. Người
thấy được lẽ thực của tất cả các pháp là thấy được chân lý,
gọi là kiến đế. Chữ “đế” là chân lý, là lẽ thực. Người tu
đối với tất cả cảnh duyên, phải thấy được thực chất của nó.
Một khi thấy được thực chất của nó là chúng ta đã bước được
một bước khá vững vàng, đã phát sinh trí tuệ của mình. Thật
ra các cảnh duyên không là gì cả. Bởi vì nó là những hiện
tượng bên ngoài, không thật, ví như rơm rác chẳng nên quan
trọng nó làm gì. Nhưng nếu không tỉnh giác, chúng ta chưa có
nội tại vững vàng, chính những rơm rác này sẽ là vấn đề kéo
lôi ta trôi giạt lang thang không bến định, không biết bao
giờ mới dừng.
Con mắt chúng ta luôn luôn tiếp cận với những
hình sắc bên ngoài. Nhưng đối với cảnh duyên, chúng ta có bị
mất mình hay không lại là một vấn đề. Phật tổ chỉ dạy chúng
ta không nên chạy theo những cảnh duyên này, không lầm nó và
cũng không bao giờ để nó kéo lôi mình đi đâu cả. Mỗi khi mắt
chạm đến hình sắc ta liền biết nó không thực, là đồ giả,
không có gì đáng kể. Do đó ta không lầm chạy theo, không bị
mắc míu với nó. Nhờ thế ta đình chỉ mọi lăng xăng, dừng được
vọng tưởng. Một khi chúng ta dừng được rồi thì có sự định
tỉnh. Một khi được định rồi, con mắt tuệ sẽ mở dần, sáng ra.
Chừng đó ta thấy tận gốc thực tánh của tất cả cảnh duyên này
không thật. Tu tới đây có thể nói là trí tuệ Bát-nhã hiện
tiền, đúng với tinh thần Lục Tổ Huệ Năng dạy định tuệ đồng
đẳng.
Trí tuệ Bát-nhã đã phát sinh, đã hiện thành thì
tất cả cảnh duyên đều bị phẫu thuật và giải tỏa, không cái
nào có thể kéo lôi chúng ta nổi. Cho nên định của nhà thiền
được gọi là đại định, định trong mọi tình huống, Lục Tổ gọi
là “Na-già thường tại định”. Đó là loại định tỉnh trong mọi
oai nghi, mọi tình huống, lúc nào cũng như thế. Điều chúng
ta cần gầy dựng hôm nay là bắt đầu thực tập sự định tỉnh
này.
Sở dĩ từ bao nhiêu đời kiếp, chúng ta không dừng
được vòng lẩn quẩn luân hồi sinh tử, cứ như những giòng nước
đã xa nguồn, không biết bến đỗ là đâu là vì ta không định
tâm. Quả thực như thế, vọng tưởng dấy khởi tạo nghiệp. Từ đó
vòng luân hồi cuốn hút khiến ta trôi giạt, loay hoay lẩn
quẩn trong đó mãi. Khi thấm nhuần lời Phật tổ dạy, mình thấy
quả thực từ tâm niệm dấy khởi nên các cảnh duyên có sức hấp
dẫn, có năng lực kéo lôi chúng ta. Bao giờ năng lực đó còn
kéo lôi chúng ta thì vòng luân hồi loay hoay lẩn quẩn còn
mãi không dứt. Vì thế chúng ta áp dụng lời Phật dạy tu làm
sao để dừng được vòng lẩn quẩn này.
Chúng ta là tác nhân đã gầy dựng, đã lầm tạo nên
vòng lẩn quẩn đó, bây giờ chính chúng ta là chủ nhân, đủ tư
cách để giải tỏa, cắt đứt nó. Khi nhận được như vậy rồi, ta
không còn đổ thừa và đợi chờ ai giải quyết cho mình cả. Bởi
không ai có quyền cắt đứt hay ban cho cái quả mà chính ta
gây nhân. Nếu có ai vì lòng từ bi ban cho ta quả tốt đẹp thì
chắc hẳn tất cả chúng ta đã lên đỉnh cao hết rồi. Nhưng hiện
tại chúng ta vẫn còn chìm ngập trong vòng luân hồi khổ đau,
còn bị vọng tưởng kéo lôi, chưa làm chủ được mình.
Nghiệm lại trong từng phút giây, quả thực sự
tỉnh giác của chúng ta còn yếu, do đó những lăng xăng bên
ngoài vẫn là vấn đề quan trọng đối với mình. Như vậy dù mình
có mong cầu, khấn nguyện phép thánh tiêu trừ hóa giải những
lỉnh kỉnh cho mình cũng không bao giờ được. Bởi vì tất cả
những gì ta có ngày hôm nay là do mình bày đặt ra. Bây giờ
chính ta phải phẫu thuật, giải tỏa những hậu quả đó, chứ
không ai khác hơn ta cả. Phúc duyên thù thắng của mình là có
đức Phật và giáo pháp của ngài, chỉ dạy cho ta cách thức
giải tỏa, tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng ấy. Ngoài ra
chúng ta còn có tăng đoàn hỗ trợ, bảo vệ cho đại nguyện của
mình được thực hiện cho tới ngày viên mãn. Nương vào phúc
trí vô song của Tam bảo, của các bậc thầy tổ, chúng ta phấn
chấn gầy dựng sự nghiệp của chính mình.
Thật ra trần cảnh bên ngoài cũng như các giác
quan của chúng ta không có lỗi chi cả, dính mắc là tại thức
tình phân biệt. Chúng ta không đình chỉ được tâm vọng tưởng
vì đạo lực kém, sức tỉnh giác yếu nên mình thấy cảnh bên
ngoài như vầy như kia, hoặc tốt hoặc xấu, từ đó mà sinh sự
cố. Muốn đình chỉ tâm lăng xăng cho yên ổn, chỉ có điều duy
nhất là kiện toàn nội lực, trí lực luôn sẵn sàng, ta không
bị thức tình phân biệt làm nhiễu loạn. Sự kích động bên
ngoài không thể lay chuyển nổi sự định tỉnh, sáng suốt của
mình. Được thế chúng ta nhìn bất cứ cảnh duyên nào cũng
không có vấn đề. Chừng đó ta thật sự tự do, có quyền nhìn
ngó mà không sợ bị kéo lôi. Đó là kết quả từ công phu tu
hành do chúng ta gầy dựng mà được vậy.
1- Khi mắt thấy sắc tu chỉ quán
“Chỉ” là đình chỉ, “Quán” là thấy được thực chất
của tất cả các pháp. Cho thấy, cho nhìn, cho quan sát, nhưng
đình chỉ những vọng tưởng và thấy được thực chất của tất cả
vấn đề thì bình yên. Không có cái gọi là lăng xăng, điên
đảo, lầm mê, chạy theo, mắc míu đối với tất cả các cảnh
duyên. Đó là do dùng trí tuệ chân thật của mình quán chiếu
thực chất của các pháp, biết nó không thật nên không mắc
míu.
2- Khi tai nghe tiếng tu chỉ quán
Tất cả chúng ta đều có tánh nghe. Người sống với
tánh nghe là có quyền nghe mà đình chỉ được những phân biệt
về âm thanh bên ngoài. Chúng ta nghe âm thanh nhưng không
chạy theo âm thanh đó, không khen nó hay, không chê nó dở.
Nghe cứ nghe, không để phân biệt lôi dẫn. Từ cái nghe này
soi lại, nhận ra căn gốc của mình, đó là cái thường nghe.
Theo tinh thần kinh Lăng-nghiêm Phật dạy, cái thường nghe
bất sinh bất diệt, luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta. Không
luận đại tăng hay tiểu tăng, người xuất gia hay tại gia, nếu
sử dụng được căn nghe của mình đối với tất cả âm thanh, tự
xoay về, không chạy theo các âm thanh, nhận được tánh nghe
thường hằng bất sinh bất diệt nơi chính mình. Người đó được
nhĩ căn viên thông. Được nhĩ căn viên thông thì có thể nghe
khắp, nghe suốt, nghe hết các loại âm thanh.
Từ căn nghe, nếu chúng ta biết xoay về, có công
phu, có nội lực đầy đủ, chúng ta sẽ tu tập được nhĩ căn viên
thông. Chỉ có điều mình chịu xoay lại hay không chịu xoay
lại thôi. Nếu nghe mà phân biệt thì mất mình, không nhận ra
được tánh nghe. Như đang ngồi đây nghe pháp, bất thần có
tiếng nhạc ở đâu đó phát ra, nếu chúng ta không định tỉnh,
mình sẽ không nghe pháp nữa mà chú mục vào tiếng nhạc. Như
vậy rõ ràng chúng ta đã bị âm thanh đó kéo lôi, đã mất mình
rồi. Thường con người luôn mất mình trong những trường hợp
như thế, do đó cứ bị mắc míu hoài không có lối thoát.
Với người có công phu, có sức tỉnh, biết âm
thanh nào cũng giả huyễn, không thật. Ví dụ nếu người bị cái
lưỡi ngắn không đủ phát động thành âm thanh, hai hàm răng
thiếu đi, không đủ kín để tạo thành âm thanh, hai môi cũng
thiếu mất, không thể tạo âm thanh… thì họ phát âm không
được. Rõ ràng âm thanh do duyên hợp thành, không có thực thể
cố định. Tại sao chúng ta lại kẹt chấp nơi nó? Người tu luôn
quán chiếu như thế. Tất cả mọi hiện tượng giữa đây, dù đã có
nhân tố chánh nhưng thiếu duyên vẫn không thành tựu. Tóm
lại, tất cả các pháp hình thành đều do hội đủ nhân duyên.
Nếu thiếu một nhân, một duyên nào nó sẽ không thành tựu tốt
đẹp được. Nhân duyên thiếu một hoặc hai thì sự hợp thành
chưa hoàn chỉnh. Nếu thiếu nhiều hơn nữa, dưới trung bình,
nghĩa là chỉ được ba bốn mươi phần trăm thì sự hợp thành
hoàn toàn thất bại.
Chúng ta đã có con mắt tuệ rồi, nhất định không
còn lầm, không chạy theo, không phân biệt, không chấp nhận
một cách dễ dàng các pháp bên ngoài. Ví dụ ta nổi bực lên vì
gặp việc bất như ý, liền quán chiếu sự việc ấy có thực đâu
mà phiền não, nhờ thế buông bỏ xuống được ngay. Đó là một
pháp tu. Mọi đối đãi trên thế gian này cũng đều giả lập,
duyên sinh, có thật đâu mà chấp nó. Thương ghét là giả tạm,
được mất là giả tạm, thành bại là giả tạm… Nếu mỗi chúng ta
nhận được, sống được như vậy thì đầy đủ định tuệ, nhất định
sẽ giác ngộ giải thoát ngay trong hiện đời, không khó khăn
gì cả. Phật nói trong mỗi chúng ta có cái thực, đó là Phật
tánh hay tánh giác. Chỉ khi nào mình đình chỉ vọng tưởng
điên đảo thì mới nhận và bảo nhậm tánh giác ấy.
3- Mũi ngửi mùi tu chỉ quán
Ở đây Tổ dạy chúng ta đừng chạy theo, đừng dính
mắc mùi vị. Chỗ này nói dễ nhưng thực hành khó lắm. Bình
thường quý vị không nghiện ngập hay thâm quen một mùi vị nào
thì không có vấn đề gì, nhưng một khi đã nghiện hoặc thâm
quen rồi thì chuyện không vướng mắc, không chạy theo, không
phải dễ đâu. Ví dụ người nghiện thuốc lá, vừa nghe mùi thuốc
lá là biết thuốc gì, phân biệt tức thì. Bởi bén nhạy như thế
nên sự phân biệt cũng theo đó nhanh nhẹn vô cùng. Nghe mùi
thuốc lá chẳng những phân biệt rành rẽ mà còn cảm thọ nữa.
Nếu không có chỉ quán, không dừng được sự phân biệt và cảm
thọ, nhất định cái mũi sẽ dẫn quý vị đi tới chỗ có thuốc lá.
Thế là đã mắc míu vào nó rồi. Một gói thuốc lá ngon bằng cả
số tiền quý vị kiếm được trong một ngày hay hơn thế nữa,
cũng sẵn sàng đem nướng sạch vì cơn nghiện sai khiến. Vì vậy
nên khổ, khổ do nghiệp dẫn.
Ngày xưa, thời chúng tôi còn ở trường nội trú,
có những huynh đệ thiệt là khổ vì sự thâm quen, nghiện ngập
của mình. Tới giờ ngủ rồi, đại chúng đã tắt đèn, người huynh
đệ nghiện thuốc nhè nhẹ bước xuống giường lẻn ra ngoài mua,
rồi tìm chỗ hút. Sau khi hút rồi vô ngủ không được, khuya
thức dậy học bài không nổi. Sáng mai tới trường là ngà lừ
đừ. Ngày nào cũng thế nên sự học hành, tu tập bị thoái hóa.
Đó là chỉ nêu ví dụ thâm quen về những mùi vị thông thường
thôi, còn có những mùi vị khác hiểm nguy hơn nữa. Một khi đã
sa vào bẫy rập của nó rồi, khó mà thoát ra được. Đã thế thì
nói chi đến công phu tu hành nữa. Thật là khổ.
Đối với người tu, Phật dạy phải dè dặt từng dấy
niệm, cẩn thận trước tất cả cảnh duyên. Dù cảnh duyên nhỏ
thôi, nó cũng tác động để thành lớn hồi nào mình không hay.
Tốt hơn hết, chúng ta cố gắng tỉnh và làm chủ đối với mùi
vị. Mỗi một tăng sĩ có mặt nơi đây, mai này làm chủ ở một
phương sở nào đó, quý vị đại diện cho tăng-già tuyên dương
chánh pháp “Trụ Như Lai xứ, hành Như Lai sự”, ở nhà Như Lai
và giữ gìn mạng mạch của Như Lai. Trách nhiệm lớn như vậy,
nếu chúng ta sơ suất để cho tì vết dính vào đời tu của mình,
dù tì vết không đáng nhưng cũng làm tổn giảm công đức và uy
tín của một chân tăng, trở ngại cho cả hai mặt tự lợi và lợi
tha của chúng ta.
Trụ trì nói theo dân gian là “làm dâu bá tánh”.
Làm dâu thế nào? Tôi không làm dâu nên cũng chẳng biết
chuyện này, nhưng thực sự công tác quản lý, tiếp cận, ứng xử
và giải quyết mọi vấn đề trong tinh thần đạo lý, an ổn, hòa
giải đối với bá tánh, là vấn đề không đơn giản chút nào. Vì
vậy đòi hỏi chúng ta phải có sự định tỉnh, sáng suốt, cương
quyết mới có thể đảm đương được trọng trách này.
4- Tu chỉ quán khi lưỡi nếm vị
Khi lưỡi tiếp xúc với các mùi vị, nếu không quán
chiếu nó là không thật, chúng ta rất dễ sinh đắm nhiễm. Tuy
biết vị do nhân duyên giả hợp mà thành, nhưng nếu không làm
chủ được, cái giả này sẽ thành thật cho coi. Nó quấy rầy,
làm xáo trộn việc tu hành của chúng ta. Thành ra pháp tu có
thể thành tựu hay không, tất cả đều từ nơi mình. Nếu chúng
ta làm chủ được cái lưỡi thì không có vấn đề gì. Trái lại,
người mất tự chủ, ăn không được, không có sức khỏe, sẽ quạu
quọ, ứng xử không hay với mọi người chung quanh… hậu quả dài
dài như thế.
Vì vậy đối với việc ăn uống, người tu phải khéo
điều hòa cái lưỡi của mình. Tiếp cận với chất mặn biết mặn,
tiếp cận với chất ngọt biết ngọt, không sinh tâm đắm nhiễm
tìm cầu hoặc chán ghét chối bỏ. Tu chỉ quán nơi lưỡi là thế.
Mặn ra mặn, ngọt ra ngọt nhưng không đam mê, mắc míu bởi
những vị ấy, chứ không phải mặn ngọt gì cũng như nhau, lẫn
lộn tạp nhạp.
5- Khi thân xúc chạm tu chỉ quán
Nếu khi thân xúc chạm nên biết tất cả những cái
đó như bóng trong gương, như huyễn như hóa, không thật. Gặp
cái vui thích ý thì không khởi tham đắm, gặp cái khổ trái ý
thì không khởi tâm ghét giận, hoặc xúc chạm những thứ không
khổ không vui cũng không nhớ tưởng trở lại.
Đó là đình chỉ một loạt tất cả những mống tâm có
khả năng làm trở ngại việc tu hành của mình. Nếu người có
trí giác, tỉnh táo, thường quán chiếu nhận và thấy được tất
cả xúc chạm của thân không thật, làm chủ hoàn toàn thì không
có vấn đề gì, không khởi lên bất cứ ý niệm nào, như thế sẽ
bình an. Ngược lại, người tham đắm cảm thọ khoái lạc nơi
thân sẽ tạo nghiệp theo sau, chìm sâu trong đó thì rất trở
ngại cho việc tu hành.
Tất cả những cảm nhận của chúng ta, như cảm nhận
vui thích, cảm nhận không vui thích, cảm nhận trung tính
giữa vui thích và không vui thích. Cảm nhận nào cũng do nhân
duyên tựu thành, thiếu một trong các duyên ấy thì sự cảm thọ
không còn, rõ ràng nó không thật, vô thường. Do đó đối với
tất cả cảm thọ chúng ta bình thường, an nhiên tự tại, không
bị động bởi chúng. Người thông minh bén nhạy với cảm thọ
thường rất khó tu ở thân căn. Vì sự bén nhạy ấy dẫn họ chạy
đi, dễ lầm, dễ mất mình. Từ cảm thọ dẫn tới tưởng tượng,
phân biệt, trải qua một loạt vọng động. Thân cảm thọ, tâm
cảm thọ dẫn theo tưởng. Tới đây thì sinh chuyện lớn hơn,
ngồi đó mà tưởng, nằm cũng tưởng, đi đứng chi cũng tưởng
tượng được hết. Nếu phát huy hết mức sự tưởng tượng, con
kiến người ta có thể tưởng tượng ra con bò! Nguy hại như
thế.
Qua tưởng tượng rồi suy nghĩ, cứ thế miên man
trong đầu. Lúc nào cũng suy gẫm, cũng bất an, cũng lăng xăng
nên không khi nào sống được với cái chân thật. Một triết gia
Tây phương nói: “Tôi còn suy nghĩ là biết có tôi”, quả là
một lầm lẫn to lớn. Họ chấp nhận suy nghĩ là mình, coi như
chấp nhận cái bóng giả bên ngoài là mình. Như vậy mình là
cái không thật rồi. Cho nên đạo Phật nhìn thấu được thực
tướng của các pháp, biết rõ giòng suy nghĩ chẳng qua là
những dấy động từ bóng dáng các tiền trần. Hợp đủ điều kiện
nó suy nghĩ như thế, thiếu đi thì suy nghĩ khác. Những tựu
thành như vậy làm sao cho là mình thật được. Phật nói các
pháp do nhiều thứ hợp lại nên không thật. Chủ yếu của lời
Phật dạy là làm sao giải tỏa cho chúng ta đừng mắc míu trong
ý tưởng. Do đó cái nhìn của nhà Phật là cái nhìn giải thoát.
Chữ “giải” là cởi ra, chữ “thoát” là trót lọt. Cho nên cái
gì còn mắc míu đều phải được tháo gỡ hết.
Trở lại vấn đề tu chỉ quán đối với cảm thọ của
thân tâm. Nếu chúng ta không niệm thân, nhất là các bậc có
trách nhiệm trong tăng đoàn, phải học và áp dụng bài kinh
niệm thân thật kỹ lưỡng. Niệm thân là gì? Nói cho dễ hiểu là
biết thân này không thật. Ví dụ thân này đi được, đứng được,
hoạt động được là do nhiều điều kiện hợp lại. Nếu các điều
kiện ấy không đầy đủ nữa thì thân ngưng hoạt động thôi.
Chúng ta hiểu như vậy nên những nhu cầu của thân, đều dùng
con mắt tuệ làm chủ, không để nó hoàn toàn kéo lôi. Dứt
khoát không để bị lệ thuộc nó, như vậy mình sẽ là người chủ
động và từ đó ta giải thoát. Có giải thoát chúng ta mới đem
đạo lý hướng dẫn cho mọi người chung quanh cùng được giác
ngộ giải thoát như mình. Đó là toàn bộ ý nghĩa bài kinh Niệm
thân.
6- Khi trong ý biết tu chỉ quán
Tức là tu chỉ quán khi ý đang hoạt động, đang có
những dấy niệm về các cảnh duyên bên ngoài. Làm sao chúng ta
tu chỉ quán khi ý đang làm việc? Đây là vấn đề gốc. Các giác
quan trước làm việc mà ý không chịu cộng tác thì giòng nghĩ
tưởng và phiền não bị giới hạn, nó có mặt rất khiêm nhường.
Chỉ khi nào ý chịu làm việc thì ảnh hưởng hoạt động của các
giác quan mới rộng lớn. Vì vậy người biết điều chỉnh và làm
chủ được là người biết dừng cái ý của mình. Đây cũng gọi là
người biết tu. Khi quý vị dạy Phật tử tu tâm chính là bảo họ
coi chừng cái ý đấy. Nếu như làm chủ được cái ý là biết tu
tâm.
Tâm nói đây không phải là tâm thật, nó chỉ là
bóng dáng của tiền trần, tâm này là vọng tưởng. Nó chợt hiện
chợt mất lăng xăng vì chạy theo pháp trần, người đời gọi là
tâm, chẳng qua cũng chỉ là bóng dáng của tiền trần, là ý
thức phân biệt mà thôi. Tâm chân thật theo tinh thần Phật
dạy là cái sáng suốt trùm khắp, lớn lao vô cùng, nó không có
hình thức nào. Thành ra người biết tu là người dừng được ý,
làm chủ được ý nghiệp của mình.
Đọc chuyện Tề Thiên, quý vị thấy bốn thầy trò
Đường Tăng chung làm một việc mà trở thành công trình vĩ
đại, đó là từ Trung thổ đi Tây phương thỉnh kinh, tức là cầu
chánh pháp. Người dẫn đầu cho sự nghiệp này là Đường Tăng.
Chúng ta cũng thấy rõ với hai con mắt đẹp của Đường Tăng thì
không thấy được đâu là ma, là quỷ, đâu là thực là giả. Bởi
vậy ma biến thành người đẹp, cho nên Đường Tăng bị bắt. Chỉ
có Tề Thiên trợn con mắt lửa tròng vàng lên thấy rõ đâu là
ma, đâu là quỷ, đâu là thực, đâu là giả… khẳng định rõ ràng
như vậy nên ma quái không làm lầm ông Tề nổi. Một nhân vật
lăng xăng, bị rầy bị quở, có khi bị sư phụ niệm chú “khẩn
cô” đau cái đầu muốn chết, vậy mà là người đóng vai trò
chính. Đó chính là ý thức. Chúng ta muốn tu hành thành Phật
chắc rằng phải điều cái ý. Ý được điều phục theo đúng chánh
pháp thì thanh tịnh, nhất định sẽ thành tựu đạo nghiệp giác
ngộ giải thoát.
Việc tu hành của chúng ta cũng vậy, nói gì thì
nói chứ để ý buông lung, chắc chắn mất mình. Khi thân tiếp
xúc với cảnh, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi,
lưỡi nếm vị… chúng ta không điều được ý là bị mất mình, bị
con khỉ đột dẫn đi. Khi nào mình làm chủ được, tâm thể mới
hiện thành, bấy giờ mọi việc đều là Phật sự. Phật sự với ma
sự không có biên cương cố định, hễ lầm chạy theo cảnh duyên
là ma sự, là Tề Thiên. Đình chỉ được, làm theo đúng sự hướng
dẫn của sư phụ, gầy dựng công đức để thành tựu Phật vị, đó
là Đấu Chiến Thắng Như Lai.
Tu là từ bỏ những lăng xăng trong tâm. Thành
Phật thành Tổ cũng chính từ tâm này. Cho nên điều chỉnh ý,
làm chủ được ý tức là biết tu tâm. Nhận được tâm, sống được
với tâm rồi thì tất cả mọi lăng xăng, những giả cảnh giả
duyên, các hình tướng bên ngoài không làm gì được chúng ta,
bấy giờ mình sẽ tự tại giải thoát. Kinh Đại Phẩm nói: Phật
bảo ông Tu Bồ Đề: Nếu Bồ-tát khi đi thì biết đi, khi ngồi
thì biết ngồi, cho đến mặc y tăng-già-lê, nhìn, chớp mắt
v.v... đều nhất tâm. Ra vào đều trong thiền định thì chính
người ấy là Bồ-tát Đại thừa. Như vậy người nhiếp ý được là
Bồ-tát đại thừa, chứ không phải tìm cầu Bồ-tát đại thừa ở
đâu xa. Chúng ta dám buông bỏ những gì không cần thiết, đó
là Bồ-tát đại thừa. Tuy nhiên, hiểu như thế nhưng khi vào
công phu không phải đơn giản đâu. Phải gan dạ quyết chí lắm
mới được.
Có một vị Phật tử làm nghề thợ rèn đến hỏi thầy
mình: “Thưa thầy, thầy dạy con pháp tu để được an tâm.” Ông
thầy nói: “Có gì lạ đâu, ông làm thợ rèn thì biết rồi, muốn
được những món đồ thuần kim loại, bén tốt thì phải loại hết
những cặn bã trong kim loại ra, từ đó tạo thành những món đồ
tinh ròng tốt đẹp. Tu hành cũng như thế, lọc bỏ hết cặn bã
trong tâm đi thì sẽ được an tâm thôi”. Ở đây Phật dạy khi
ngồi, khi nằm, khi đi, khi đứng, khi mặc y tăng-già-lê,
nhướng mày chớp mắt, lúc nào cũng nhất tâm ở trong thiền
định, như vậy là Bồ-tát đại thừa.
Đi đứng nằm ngồi tu chỉ quán, nghĩa là dụng chỉ quán trong
các cảnh duyên, lúc nào cũng tỉnh, cũng định, cũng sáng suốt
thì không bị động, không bị kéo lôi bởi cảnh duyên bên
ngoài. Đó là Bồ-tát đại thừa. Chúng ta không dám khinh ai,
cũng không dám tự hào mình được cái gì, nhưng phút giây nào
ta quay về nhận và sống được với ông chủ của mình thì biết
ta có giòng họ bà con với chư vị Bồ-tát đại thừa.
Trong Thích Luận có lời khen ngợi người tu hành
theo pháp đại thừa chỉ quán được an vui lợi lạc thế này:
Người xuất gia tâm hướng về đạo, mặc áo vá ăn cơm hẩm, ở
hang núi, dạo chơi trong rừng vắng, lấy đạo mầu làm vui, lấy
trí tuệ làm mắt, xem thấy thật tướng các pháp, không còn bị
vô minh mờ tối che đậy, giải thoát khỏi phiền não sinh tử,
dùng trí tuệ này quán chiếu, soi sáng thế gian thì tất cả
vạn tượng đều ở trong Như Lai tạng tâm. Ở trong Như Lai
tạng, tâm địa trạm nhiên vắng lặng, không bị tất cả cảnh
giới lay động, người được như vậy thì còn gì bằng.
Bây giờ chúng ta điểm lại từng câu. Người xuất
gia tâm hướng về đạo, tức tâm mình luôn luôn rỗng rang sáng
suốt hợp với đạo. Mặc áo vá, ăn cơm hẩm, ở hang núi, dạo
chơi trong rừng vắng. Tùy, chúng ta chạy xe trên đường phố,
ở chỗ ồn náo mà tâm vắng lặng thì cũng có thể gọi là dạo
chơi trong rừng vắng. Chỉ xin con khỉ ý thức dừng lặng là
được, còn nó lăng xăng ngược xuôi không điều phục được thì
dù thân ở chốn rừng vắng vẫn không gọi là yên ổn nơi chốn
tĩnh lặng. Lấy đạo mầu làm vui, lấy trí tuệ làm mắt, xem
thấy thật tướng các pháp. Con mắt trí tuệ lúc nào cũng mở
sáng, thấy được lẽ thực của tất cả các pháp thì các pháp
không làm gì được mình.
Không còn bị vô minh mờ tối che đậy, giải thoát khỏi phiền
não sinh tử, dùng trí tuệ này quán chiếu soi sáng thế gian
thì tất cả vạn tượng đều ở trong Như Lai tạng, tâm địa trạm
nhiên vắng lặng, không bị tất cả cảnh giới lay động, đó là
người không ai bì được. Người phát huy được con mắt Bát-nhã
rồi, không bị các pháp kéo lôi, người đó không còn mờ tối
bởi sự che đậy của vô minh, giải trừ mọi bức xúc phiền não
trong lòng. Người này vận dụng đạo lực trí tuệ của mình soi
rọi thế gian, dìu dẫn chúng sinh trên bước đường tu học đến
viên mãn.
Người phát tâm tu tập chỉ quán cần phải xem tâm
như đã chết, buông xuống tất cả, năng sở không hai, không
khởi phân biệt, sau mới có thể biết pháp chỉ quán là chiếc
búa bén đốn phá tất cả pháp, là đao thép cắt đứt mọi tình
chấp, là thềm thang bước lên bờ giác ngộ, là diệu dược trừ
các nghiệp phiền não. Nếu trong tất cả thời siêng tu chỉ
quán, trong tất cả oai nghi niệm niệm sáng tỏ chẳng mờ, công
phu không gián đoạn, không dừng nghỉ thì lo gì Phật đạo
chẳng thành, sinh tử chẳng dứt.
Ở đây chúng ta đã nắm vững phương thức dừng hết
những lăng xăng khi các giác quan tiếp xúc với cảnh duyên
bên ngoài. Khi làm chủ được là ta đã thể hiện tu tập pháp
chỉ quán thành công. Khi đã làm chủ, người đó đối với tâm
năng duyên và cảnh bị duyên, hai thứ ấy không còn dính dáng
nữa. Bấy giờ tâm và cảnh nhất như. Tâm lúc nào cũng rỗng
rang sáng suốt, cảnh là cảnh giả, những hiện tượng bên ngoài
không làm gì được ta. Người thấy và hằng sống như vậy là tâm
cảnh như như.
Người tu tập được chỉ quán là người có năng dụng
lớn, có búa bén hay cắt đứt tất cả tình chấp sai lầm. Đó
cũng là thềm thang bước lên bờ giác ngộ, là diệu dược trừ
tất cả các nghiệp phiền não. Cho nên nói chỉ quán cũng chính
là nói đạo lực tròn đầy của một bậc chân tăng, của một vị
trụ pháp vương gia, giữ gìn mạng mạch của đức Như Lai, trên
cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sinh. Đó cũng chính là vai
trò, sứ mệnh, trách nhiệm của chúng ta.
Thế nên biết tu chỉ quán trong khi ngồi hay khi
trải duyên đối cảnh đều là những phương pháp thiện xảo đưa
hành giả đến chỗ cứu kính Niết-bàn, an vui vĩnh viễn, không
bị khổ trầm luân trong sinh tử vây bủa nữa. Vì vậy người sơ
phát tâm cần phải dõng mãnh nỗ lực hạ thủ công phu tu tập
chỉ quán. Câu kết ngài Trí Khải động viên phải có công phu
chỉ quán. Chúng ta muốn thành tựu tự lợi tốt đẹp, muốn dìu
dẫn chúng sinh trên bước đường Phật đạo viên mãn, nhất định
không thể thiếu pháp tu chỉ quán. Lúc nào cũng thể hiện đầy
đủ công phu chỉ quán, đó là thể hiện nội lực thâm hậu của
một thiền tăng.
(Thiền Viện Thường Chiếu)
09-02-2008 11:23:46