TẤT CẢ ĐỀU LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN
LỜI GIẢI ĐÁP CHO CON NGƯỜI
Dùng Trí huệ Thay Thế Tiền Bạc
Tinh Vân Hoà Thượng
Hạnh Huệ soạn dịch từ Tinh Vân Bách Ngữ
---o0o---
Nguyên tắc làm việc của tôi là: Dụng tâm để
thành tựu tất cả, dùng trí huệ để thành tựu tất cả, mà không
cần dùng tiền bạc xây đắp tất cả. Bởi vì trí huệ mới là
nguồn vốn quý báu nhất của nhân loại.
Có một lần Phật Quang Sơn cử hành hội giảng tập
về tài vụ cho đồ chúng. Tôi hỏi mọi người dự hội:
- Các ông biết Phật Quang Sơn xử lí tài vụ có
nguyên tắc gì không? Mời mọi người giơ tay phát biểu.
Trong nhóm người đông đảo, pháp sư Y Đế quản lí
tài vật giơ tay đầu tiên, ông từ chỗ mình đứng lên nói:
- Con nhớ rất rõ ràng là, Sư phụ thường nói
"Phải dùng trí huệ thay thế tiền bạc".
Đúng vậy, tôi một đời ngay trong nguyên tắc xử
lí tài vụ, việc trọng yếu nhất chính là "Dùng trí huệ thay
thế tiền bạc". Phàm việc không nhất định phải dùng tiền bạc
để trang nghiêm tất cả, nhưng cần dùng trí huệ để trang
nghiêm thế gian.
Quá khứ có một câu tục ngữ: "Có tiền có thể sai
quỷ xay bột", nói rõ cách nhìn của một loại người. Kì thực
một cá nhân bất kể giàu có đến đâu, có lúc tiền tài chẳng
phải là thứ vạn năng. Kinh Phật nói: "Tài vật là sở hữu
chung của năm nhà". Năm nhà tức là lửa lớn, nước lớn, trộm
cắp, quan lại tham ô và con cháu hư đốn. Năm nhà này đủ
khiến tiền tài của chúng ta bị tiêu huỷ mất hết. Lại, hà
huống tiền bạc cũng không phải là thứ vạn năng. Nhiều tiền
có thể mua được tôi tớ, nhưng không mua được duyên với
người; nhiều tiền có thể mua được quần chúng, nhưng mua
chẳng được lòng người; nhiều tiền có thể mua được cá thịt,
nhưng không mua được sự ngon miệng; nhiều tiền có thể mua
được lầu cao nhà lớn, nhưng không mua được tự tại; nhiều
tiền có thể mua được y phục hoa mĩ, nhưng không mua được khí
chất; nhiều tiền có thể mua được cổ phiếu, nhưng không mua
được tâm ý đầy đủ; nhiều tiền có thể mua được giường nệm,
nhưng không mua được giấc ngủ. Điều trọng yếu nhất chính là
– nhiều tiền mua được vật chất thế gian, thậm chí sách vở,
nhưng không mua được trí huệ, nhân đây "trí huệ" mới là
nguồn vốn quý báu nhất của nhân loại.
Như thời đại Xuân Thu Chiến Quốc những nhà
thuyết khách đi dạo qua các nước Yên, Tề, Hàn, Nguỵ, Tần,
Sở, Triệu dập tắt khá nhiều trận binh lính tàn sát, chính vì
họ có trí huệ biện tài. Mưu sĩ sau một buổi nói chuyện với
quân vương, thường thường lên địa vị cực phẩm, cũng là vì họ
có đầu óc trí huệ. Gia Cát Khổng Minh tuy bắt đầu từ áo vải,
nhân lực, vật lực và địa lợi đều không bằng Tào Tháo, Tôn
Quyền nhưng vì ông ta có sách lược trí huệ, do đó có thể đọ
sức với cường quyền mà vẫn an ổn trong đất Thục. Cuối cùng
trọn có thể cùng với Nguỵ, Ngô tạo thành thế chân vạc. Do đó
các triều đại về sau, đế vương thường đối với việc truyền
ngôi, không những chọn lựa vị thầy trí huệ siêu quần cho
thái tử mà còn đưa địa vị của họ lên tới chức Thừa tướng. Ở
trong các loại binh pháp, các nhà quân sự đều vận dụng trí
huệ, bày mưu lập kế trong gian nhà nhỏ mà quyết thắng ở
ngoài ngàn dặm; đời nay chế độ "nội các" trong nền dân chủ
lập hiến cũng là nhân vì ban đầu quyết định phương châm
chính sách của quốc gia ở trong một phòng nhỏ, do đó có danh
xưng này. "Nội các" xem ra không lớn, nhưng trí huệ vô biên,
thậm chí kéo một sợi tóc động cả toàn thân, có thể ảnh hưởng
đến tình thế thật sự của quốc gia. Ngoài ra, văn minh nhân
loại sở dĩ ngày đi ngàn dặm, không phải do tiền bạc tạo được
mà là kết tinh "trí huệ" của đông người như Tất-thăng phát
minh ấn loát bằng bảng kẽm khiến cho sự truyền bá tri thức
tiến thêm một bước nữa. Ngoã-đặc phát minh máy chạy hơi nước
mang lại cách mạng công nghiệp, anh em Lai-đặc phát minh phi
cơ rút ngắn khoảng cách của thế giới. Amstrong bước lên mặt
trăng lại viết một trang đánh dấu về việc khám phá vũ trụ
của thời đại.
Hai ngàn sáu trăm năm trước, Phật giáo rất coi
trọng việc tu hành bằng trí huệ và gọi trí huệ tối thượng
thừa là Bát-nhã. Trí huệ thông thường có thiện có ác, nhưng
"trí huệ Bát-nhã" thì thuần thiện vô nhiễm. Trong kinh điển
nói "trí huệ Bát-nhã" như mắt có thể dẫn đạo năm độ còn lại
đến bờ kia viên mãn, lại nói "trí huệ Bát-nhã" là mẹ của chư
Phật, vì chư Phật mười phương đều từ trí huệ Bát-nhã mà đản
sanh. Như sở dĩ Bồ Tát Văn-thù đứng đầu các Bồ Tát, và là
thầy của bảy đức Phật, chính là vì Ngài sở trường về "trí
huệ Bát-nhã". Sở dĩ Xá-lợi-phất làm đệ tử thủ toạ của đức
Phật, và được làm Sư phụ thế độ cho Sa-di đầu tiên là
La-hầu-la, cũng vì Ngài có "trí huệ Bát-nhã". Đồng nữ Diệu
Huệ có thể được chư đại Bồ Tát lễ kính là vì trí huệ siêu
phàm, có thể nói điều người chưa thể nói, bàn những điều
người ta chưa thể bàn. Sở dĩ Long Thọ được tôn làm chủ chung
cả tám tông Phật giáo cũng là vì Ngài trí huệ hơn người,
viết sách lập thuyết, phá tà hiển chánh.
Tôi từ bé sinh trưởng trong gia đình nông thôn
nghèo khổ, thường thường áo cơm chẳng đủ, dứt khoát nghĩ đến
phải dùng "Trí huệ thay thế tiền bạc". Ví như lúc trời hè,
cháo để cách ngày đã có mùi thiu, người làng phần nhiều đều
dùng lá hẹ bỏ vào trong, nấu lại một lần, là có thể tiêu trừ
mùi khó chịu. Cơm rau còn thừa, cũng biết để chỗ mát mẻ, có
thể duy trì không hư, ngày thứ hai lại có thể ăn nữa. Dù cho
chụm một cây củi, tôi cũng nghĩ làm sao để lửa cháy lâu hơn
một chút. Viết một phong thư cũng là đem phong bì cũ đã xài
lật ngược ra dùng thêm một lần nữa. Cho đến xuất gia học
Phật, do ở chỗ chính đang trong thời đại khói lửa mịt mù,
dân sinh khốn khổ, kinh tế chùa chiền càng thêm túng thiếu.
Tăng lữ phần đông đều trải qua cuộc sống thanh bần, vớ, đế
giầy rách bèn lấy miếng bìa dầy vá lại, áo quần rách một lỗ,
lấy giấy báo hồ thành giấy cứng thay vải vá mạng lại. Tôi ở
trong các hoàn cảnh đó học được trí huệ "lợi dụng vật phế
bỏ". Lúc tôi học ở Phật Học Viện, đã từng tự tay dùng cành
cây, bản gỗ đóng một giá bóng rổ rất khó làm, cũng thường
lấy cơm thừa, rau thừa nấu thành một nồi cơm xào ngon lành,
cùng hưởng với bạn đồng học. Nhân đây, tôi thường rất tự hào
nói: "ngay cho là binh tàn tốt bại, tôi cũng muốn như Hàn
Tín, có thể điều hoà chế ngự thành một ông thầy thắng lợi".
Như nay tôi thấy người hiện đại, cũng cho là
kinh tế phát đạt, đủ phương tiện mua sắm, muốn vật gì, đều
là vừa nghĩ đến cần bèn mua ngay. Tôi thường nghĩ nếu như có
vật "thay thế" vì sao lại sai lầm để phí tiền chứ! Như đồng
soạn viết văn chương trọng ở chỗ trôi chảy thông suốt, biểu
đạt được tình ý, tôi không quá tính đến sự đối chỉnh, nắn
nót văn tự. Do đó khi tôi phê sửa bản thảo, nếu như chữ có ý
nghĩa tương đồng, có thể thay thế, thì dù cho văn từ đẹp
hơn, tôi cũng không tùy tiện sửa đổi của người. Vật phẩm
cũng như thế, trọng ở chỗ thực dụng rộng rãi. Tôi không nhất
định đòi dùng đồ nghệ thuật chạm trỗ tinh vi – Như tượng
Phật ở Phật Quang Sơn đều không phải loại điêu khắc bằng
vàng, bạc, cây, đá mà là bằng xi-măng. Nhưng bên ngoài trang
nghiêm đạo mạo, hoàn toàn có thể phát khởi tín tâm, đạo niệm
của tín đồ, nhân đây mỗi năm thiện nam tín nữ đến đây triều
bái vượt quá mấy ngàn vạn người trở lên.
Tôi nhớ nhiều năm về trước, lúc đi Ấn Độ, từng
thấy một cặp lồng đèn bằng đá Đại Lí điêu khắc tinh xảo đẹp
đẽ, trị giá hơn 10 vạn Đài-tệ, Từ Huệ đảm nhiệm chức Viện
trưởng Đô Giám Viện ở Phật Quang Sơn rất vừa ý, xin tôi mua
về trang trí điện Phật. Tôi hỏi cô ta:
- Con sợ Phật Quang Sơn không có vật gì cho mấy
tên trộm nhỏ ham muốn chăng? Con làm việc lâu như thế, chẳng
lẽ không biết toàn Phật Quang Sơn tuy nhiều điện đường như
thế, nhưng Thầy xưa nay đều không lo lắng có người khởi tâm
ăn trộm. Con có bao giờ nghĩ đến nguyên nhân tại sao không?
Từ Huệ bỗng nhiên đại ngộ. Nhiều năm sau cô bàn
đến việc này, thường bảo với mọi người: Cô theo đây học được
"trí huệ" khéo dùng nhân duyên. Một người khéo biết nhân
quả, không những chính mình không gieo nhân ác, mà còn biết
suy nghĩ chu đáo, không để người khác gieo nhân ác, do đó
chẳng sanh ra quả báo ác.
Tôi chẳng những không tiêu món tiền đắt đỏ để
mua đồ dùng, khí cụ; thậm chí Phật Quang Sơn rất nhiều bàn
ghế làm việc đều là từ những đồ vật cũ ở những cửa hàng công
ty của người khác đóng cửa khuân về, có một số đồ dùng trong
nhà thì là tín đồ đào thải đổi mới mà bỏ đi không dùng,
chúng tôi chọn về sử dụng đến nay. Đồ dùng của chúng cố
nhiên như thế, đồ dùng tư nhân cũng vậy, dù cho một chiếc
đũa, một cái chén, nó cũng có mạng sống, tôi cũng dùng đi
dùng lại cho đến cùng, để sinh mạng của nó kéo dài. Thậm chí
Phật Quang Sơn có trên trăm ức kinh phí kiến thiết, tôi cũng
chưa hề mua cho chính mình một cái bàn làm việc, không phải
tôi không biết xài tiền, nhưng tôi không tiêu tiền cho chính
mình. Lúc Phật Quang Sơn kiến thiết thời kì đầu, không có
kiến trúc sư, không có văn phòng làm việc, đương nhiên càng
không có bàn làm việc, tôi và thầu khoán Tiêu Đỉnh Thuận đều
đứng trên đường so tay vẽ chân một phen, từng toà, từng toà
kiến trúc bèn hoàn thành. Nguyên tắc làm việc của tôi là:
Dùng "tâm" để thành tựu tất cả, mà không cần dùng tiền bạc
sắp xếp tất cả.
Nhớ lúc mới khai sơn, tôi cũng mời một vị kiến
trúc sư họ Lưu giúp tôi thiết kế một bản sơ đồ chùa lầu to
lớn, ngay khi ông ta đưa mô hình thiết kế cho tôi xem, tươi
cười hớn hở nói: "Kiến trúc của đại lầu này, cho dù một trăm
năm sau, vẫn là rất hợp với trào lưu thời đại". Tôi lập tức
bảo ông ta: "Một trăm năm sau chúng ta đều không còn trên
thế gian nữa, huống là kiến trúc chùa chiền trọng yếu nhất
là trang nghiêm, thực dụng, chứ không ở dạng thức tân trào".
Từ đó về sau Phật Quang Sơn không còn mời kiến trúc sư thiết
kế nào nữa.
Tuy không có kiến trúc sư thiết kế, nhưng bề
ngoài của Đại Hùng Bảo Điện Phật Quang Sơn phú lệ đường
hoàng, bao nhiêu năm qua, không biết được bao nhiêu người
khen đẹp, ngay cả Viên Sơn Đại Phạn Điếm, sau này lúc muốn
sửa sang tu bổ, bà Tưởng Tống Mĩ Linh đều từng phái người
đến đòi lấy bản đồ thiết kế của chúng tôi về tham khảo, kì
thực ngoài kiến trúc Đại Hùng Bảo Điện kiên cố ra, chẳng có
bản đồ thiết kế nào hết. Như sắc thái của cột kèo chạm vẽ là
tác phẩm nghiên cứu của một thợ sơn dầu của nước tôi, mà mọi
người đều khen đồ án tuyệt đẹp của trần nhà, chẳng qua là ba
tấm ván ép vẽ sơn dầu lên mà thôi. Do đó, chúng ta không
nhất định cần dùng tiền bạc để làm việc, phát huy "trí huệ"
của chúng ta, hoàn toàn có thể đạt được hiệu quả làm chơi ăn
thật.
Có hôm tôi đứng ở cổng Phật Quang Sơn vào giữa
trưa, quan sát đồ chúng từng chiếc xe, từng chiếc xe liên
tiếp hai ba cái mở máy vào thành làm việc. Lúc đó tôi rất
ngạc nhiên: Vì sao mọi người không ngồi cùng một xe xuống
núi, như thế một lần đi, không phải đã có thể làm việc, lại
có thể tiết giảm nguồn năng lượng ư? Tuy "Phật Phật đạo
đồng, quang quang vô ngại" nhưng "nhà tối ngàn năm, một đèn
tự sáng", nếu như một đèn có thể bằng vô tận đăng, cũng đâu
hề xấu?
Tôi nhớ hơn ba mươi năm trước, lúc giới Phật
giáo chưa có người nào dùng xe hơi, tôi vì phương tiện hoằng
pháp, mua một chiếc xe tải-tạp-đa (vận tải) chín chỗ ngồi.
Vì không đủ chuyên môn, mời công xưởng sửa thành xe chở hai
mươi sáu người. Mỗi lần ra cửa, tôi đều kêu gọi học sinh đồ
chúng cùng lên xe, tình cảnh "đều rất hoan hỉ" đó, đến nay
nghĩ lại, vẫn thấy thú vị vô cùng. Do đó tôi thường bảo đồ
chúng: Tiết kiệm là "trí huệ", nhẫn nại là "trí huệ", khéo
xử lí là "trí huệ", có thể nắm lấy cương lãnh của muôn vật
trên thế gian, hoá rối rắm thành đơn giản, vận dụng tự tại,
có thể để đại chúng dùng, chính là một loại "trí huệ".
Người hiện đại, những vật phẩm nào không dùng,
dù có tâm thái yêu tiếc, đem cất vào trong kho, tôi cũng
thấy là lãng phí, vì một khi cho vào kho rồi, chẳng còn nghe
hỏi đến, vật còn tốt cũng như phế vật. Do đó tôi chủ trương
không sắp đặt kho lẫm, vì chỉ cần anh biết vận dụng, đồng
nát sắt vụn cũng đều có thể dùng vào việc lớn. Do đó trên cơ
bản, ở thế gian không có vật đáng bỏ. Nếu như chính mình
không xài, thì có thể để người khác sử dụng, đó là một loại
khảo nghiệm "trí huệ".
Nhớ ba, bốn chục năm trước, tôi hi vọng đánh
động được thái độ tĩnh lặng của Phật giáo, thường thường tổ
chức một số hoạt động xã hội. Có người phê bình tôi: "Không
có tiền còn bày hoạt động gì?". Kì thực tôi bày hoạt động,
tất cả đơn giản, không những không tốn tiền gì, mà lại còn
dư, vì bày ra hoạt động có thể rèn đúc tư tưởng, ngưng tụ
lực lượng, cái giá trị này không phải là cái mà tiền bạc có
thể so sánh được. Do đó tôi ra sức dẹp các lời bàn tán, từng
lần từng lần sắp đặt, chẳng những thu hút khá nhiều thanh
niên học Phật, mà còn đào tạo một số đông cán bộ trung thành
rất mực. Chúng tôi đồng tâm hiệp lực, đem Phật giáo từ Nghi
Lan phát triển đến từng ngõ ngách ở Đài Loan, từ trong nước
phát triển đến mỗi thành thị trên thế giới. Gần mười năm
qua, chúng tôi đã tổ chức được một mô hình hoạt động lớn,
như "Trở về thời đại đức Phật", "Pháp hội Thiền – Tịnh – Mật
tam tu", "Chuyến tàu hoạt động Từ bi ái tâm", "Pháp hội cung
nghinh răng Phật cầu phước", "Hội liên hoan quyên góp quỹ
Đại Học Phật Quang" cho đến hằng năm tại Quốc Phụ Kỉ Niệm
Quán cử hành mô hình toà giảng Phật học to lớn… khiến cả
hàng vạn người đến tham gia, mọi người trông thấy trên đài
dưới đài bay bổng nhảy múa, trang nghiêm đường hoàng, trên
thực tế trừ rất nhiều người làm việc nghĩa đến trước phụ
giúp ra, khá nhiều đạo cụ đều là tự chúng tôi chế ra, dùng
vải vụn chắp vá mà thành, thậm chí tự mình mặc áo tràng đắp
y, trang nghiêm bề mặt của hội trường, vô hình trung phát
huy được lực lượng tịnh hoá lòng người, lại khẳng định tiền
bạc không phải là cái vạn năng, chỉ có ban rải "trí huệ" của
Phật pháp, dùng từ bi dung hoà đại chúng, mới có thể khiến
xã hội chúng ta càng thêm an hoà lợi lạc.
Trong kinh Phật có ghi: Một vị trưởng giả tên Thiện Sanh
được một hộp mạ vàng làm bằng gỗ Chiên Đàn Hương rất hiếm có
trên thế gian, ông ta lập tức tuyên bố với mọi người:
- Tôi muốn đem bảo bối hiếm có này dâng tặng cho
người bần cùng nhất trên thế gian.
Rất nhiều người bần cùng đến trưởng giả Thiện Sanh để đòi
cái hộp mạ vàng này nhưng trưởng giả Thiện Sanh lại nói:
- Anh không phải là người bần cùng nhất trên thế
gian.
Mọi người nghĩ là ông ta thật tình không có ý
muốn cho cái hộp vàng này. Nhân đây yêu cầu ông ta nói ra
xem người bần cùng nhất trên thế gian là ai? Trưởng giả
Thiện Sanh liền bảo mọi người:
- Ông ta chẳng phải ai khác, chính là quốc vương
của chúng ta.
Nhà vua nghe nói việc này, trong lòng rất giận
dữ, phái người bắt trưởng giả Thiện Sanh đến, rồi đưa ông ta
xem phòng kho thu chứa trân bảo, trong đó vàng bạc tiền của
nhiều không thể kể. Nhưng trưởng giả Thiện Sanh vẫn cho nhà
vua là người bần cùng nhất trên thế gian, vì nhà vua tuy có
tiền, lại không biết làm việc phước lợi cho nhân quần.
Kì thực "người giàu mà rất nghèo hèn" như nhà
vua, trên thế gian nhiều không kể xiết, tôi may mắn được
huân tập rèn luyện trong Phật pháp, biết được "trí huệ" mới
là kho báu chân chính của đời người. Tuy tôi không có tiền,
nhưng tôi rất biết dùng tiền, như chùa miếu ngày trước có
được tiền liền xây thêm Phật điện, nhưng tôi lại dùng để xây
dựng giảng đường và nhà hội, vì tôi biết thân là người xuất
gia phải vận dụng "trí huệ" của mình hướng ra xã hội, hoằng
pháp lợi sanh, không nhất định đem trách nhiệm hưng long
Phật pháp giao cho Phật Tổ trong Đại Hùng Bảo Điện. Chùa
chiền ngày trước có được tiền, bèn đặt thêm khí cụ trang
nghiêm, nhưng tôi lại dùng để xây dựng nhà hội nghị và nhà
đàm thoại, vì tôi muốn để cho đạo tràng tự viện thành điện
đường trí huệ. Chùa chiền ngày trước có tiền rồi bèn mua sắm
nhà đất ruộng vườn, nhưng tôi lại dùng để mở trường học, làm
tạp chí, vì tôi muốn đem trí huệ của đức Phật truyền bá mười
phương. Thậm chí chùa chiền ngày trước một khi có tiền dư
bèn cất chứa, nhưng tôi lại đem tiền dùng vào những sự
nghiệp văn hoá, giáo dục, hoằng pháp, từ thiện…, đến nỗi đem
tiền dự tính cho sang năm, năm sau nữa đều xài sạch trong
năm nay. Nhưng tôi xưa nay chưa có nhân đó mà phiền não, vì
lối nhìn của tôi đối với tiền là "mười phương đến, mười
phương đi, cộng thành việc mười phương". Huống nữa không có
tiền thì không có phân tranh lại không có vì con cháu để lại
mối hoạ. Hơn bảy mươi năm, tôi xưa nay chưa từng vì mình mà
giữ một chút tiền, tôi biết rằng đây là một lối làm rất có
"trí huệ".
Tôi chẳng những ở trên việc chi xuất nắm giữ tác
phong "dùng trí huệ thay thế tiền bạc" mà ở trên việc thu
nhập tôi cũng theo "trí huệ" đại chúng mà để mắt, không phải
dùng tiền bạc để kế toán đủ thiếu. Như một bộ Phật Quang Đại
Từ Điển giá thành cần 7000 đồng Đài-tệ mới, nhưng tôi chỉ
bán ra mỗi bộ 4000 đồng, kết quả người mua chen nhau. Một bộ
Trung Quốc Phật Giáo Bạch Thoại Kinh Điển Bảo Tạng giá thành
cần 11000 đồng Đài-tệ mới, tôi bán giá một nửa, lập tức tăng
thêm mức tiêu thụ năm ngàn bộ, đã giảm bớt tiền kho chứa,
cũng khiến thêm nhiều người cùng hưởng "trí huệ" của Phật
giáo. Tôi chỉ là muốn hoằng đạo, há là người mưu lợi? Nhưng
ban đầu lúc tôi đề xuất kiến nghị này, bao nhiêu đồ chúng
đều không cho là đúng!
Nhớ bốn mươi năm trước, tôi lập "Hội in kinh mỗi
tháng", giúp thêm tiền in mỗi bản một đồng, ngay cả giá
thành ấn loát đều không đủ, nhưng tôi có thể duy trì không
thiếu, mỗi tháng lại có dư dả in thêm nhiều bản kinh, vì
người tham gia ấn hành, hoàn toàn không kể số mục nhiều ít;
về sau tôi lập "Hội trợ in Phật Quang Tiểu Tùng Thư", mỗi
bản tiền trợ in chỉ thu mười đồng, mỗi năm Tiểu Tùng Thư đưa
ra trăm vạn bản trở lên. Chẳng cần xem chỉ một cuốn sách
mỏng mỏng nhỏ, nó chẳng biết khiến bao nhiêu người thất ý
cùng đường gặp được lối thoát, khiến bao nhiêu vợ chồng bất
hoà gương vỡ lại lành. Lực lượng của trí huệ này, đâu là chỗ
tiền bạc có thể so sánh?
Hơn ba mươi năm trước lúc Học Viện Phật Giáo
Đông Phương bắt đầu xây dựng, một phòng học giá thành là 18
vạn đồng, nhưng mà tiền công đức quyên hiến một phòng học
chỉ đòi năm vạn đồng, đồ chúng đảm nhậm tính toán lúc đó
không ngớt đến nói với tôi:
- Sư phụ, một phòng học giá thành 18 vạn đồng,
Thầy chỉ thu năm vạn, thế này không được đâu. Chúng ta sẽ
thiếu tiền, dựng không nổi.
Tôi cũng biết năm vạn đồng, không đủ giá thành,
nhưng tôi dùng phương thức này, ở trên toàn thế giới xây
dựng mười sáu học viện Phật giáo, dùng »trí huệ« của Phật
pháp không biết vì giới Phật giáo tăng gia bao nhiêu sự
nghiệp, bồi dưỡng bao nhiêu nhân tài.
Lúc mới khai sơn Phật Quang Sơn, mỗi năm cử hành
pháp hội Vạn Duyên, phàm người tham gia, chúng tôi vì họ
tiêu tai cầu phúc, mỗi người chỉ thâu một trăm đồng, ngay cả
tiền cơm cũng không đủ. Đoàn xe triều sơn từ Đài Bắc đến
Phật Quang Sơn ở Cao Hùng, tiền ăn ở ba ngày hai đêm năm bữa
cơm, chúng tôi cũng chỉ thâu hai trăm đồng, ngay cả tiền
xăng dầu đi về cũng không đủ. Nhóm đệ tử đối với việc này
đều không ôm thái độ lạc quan, cho rằng tôi thế nào cũng lỗ
vốn. Nhưng như thế nhiều năm qua, Phật Quang Sơn chẳng những
không nhân đây mà đóng cửa, trái lại người đến thăm viếng
càng ngày càng đông. Tôi thường nghĩ: Nếu như một trăm người
đến, trong đó có thể có một người biết được cái hay đẹp của
Phật pháp, và đem diệu pháp trở về gia đình, mang đến xã
hội, quốc gia, chẳng những là phước của Phật giáo, cũng là
phước của đại chúng. Do đó, chúng tôi không cần dùng tiền
bạc cân nhắc tất cả sự việc, nhất là Phật pháp là cái vô
giá, chúng ta nên lưu thông rộng rãi, để mọi người đều hiểu
được cách dùng trí huệ đến trang nghiêm thế giới này.
Xã hội hiện tại, mọi người mở miệng ngậm miệng
đều là tiền, thậm chí báo chí truyền bá cũng thường suy đoán
xem ai có tiền, ai không có tiền? Phật Quang Sơn cũng nhân
đây thường mắc nạn cá ao, như mấy năm trước có người tính
xem nhà cửa đất đai của Phật Quang Sơn có bao nhiêu, về sau
lại có người đem tài sản của đoàn thể tôn giáo xếp tên, kết
quả Phật Quang Sơn trố mắt ra mà nhìn. Kì thực, chẳng kể
Phật Quang Sơn có tiền hay không tiền, kiến thiết của Phật
Quang Sơn đều không phải là dùng tiền bạc mà xây cất, cũng
không phải là của cá nhân, mà là của vạn vạn ngàn ngàn người
Phật Quang cùng có, là cái dùng sự thành tâm, trí huệ, lao
lực của họ xây dựng nên. Do đó tôi biết rằng: Từ Phật Quang
Sơn cho đến nhìn tất cả sự nghiệp đoàn thể, chẳng cần nhìn
tiền có nhiều ít, nên nhìn phần tử hợp thành dùng trí huệ
của họ làm được bao nhiêu việc, thành tựu bao nhiêu công
đức. Thử hỏi sự phát tâm của họ có thể tính đến cùng tận
không?
Trước mắt, giới ngoại giao có nói "tiền bạc
ngoại giao", giới công thương có nói "tiền đẻ ra tiền", trên
xã hội có câu: "Chủ nghĩa thờ tiền", trên quốc phòng cũng
chủ trương tiêu bao nhiêu tiền để mua vũ khí. Kì thực ngoài
"tiền bạc ngoại giao" ra, chúng ta lại có thể vận dụng "trí
huệ" để tiến hành văn hoá ngoại giao, tôn giáo ngoại giao.
Ngoài "tiền đẻ ra tiền", chúng ta phải nghĩ đến sự trưởng
thành của kinh tế chỉ là một chỉ tiêu của sự giàu có. Nâng
cao phẩm chất của đại chúng, đề cao trình độ trí huệ của
nhân dân mới là cái trọng yếu nhất. "Chủ nghĩa thờ tiền" đã
mang đến tai hại vô cùng cho xã hội; truyền bá quan niệm giá
trị chính xác cho đời sau, để bọn họ đều đầy đủ trí huệ xử
thế làm người, mới là việc làm gấp. Mua sắm vũ khí tự vệ
thật là trọng yếu, nhưng cái trọng yếu hơn là tư tưởng quan
niệm bảo vệ quốc gia, cho đến toàn thể quốc dân đều phải có
đủ trí huệ lâm nguy bất loạn, bền bỉ bất khuất. Bởi vì cái
có thể đánh ngã chúng ta không phải là người khác, mà là sự
ngu xuẩn tự lợi của mình. Như nay, ở trong hiệu ứng cốt-bài
(mũi nhọn) của kinh tế suy thoái, ở hiện tiền thế cuộc chiến
tranh loạn lạc khắp nơi, hi vọng mọi người có thể truyền bá
quan niệm »dùng trí huệ thay thế tiền bạc«. Tiền bạc cố
nhiên khẩn yếu, trí huệ càng trọng yếu hơn, để dân chúng của
chúng ta không vì sự có – không của tiền bạc mà lay động chí
tiết, để xã hội của chúng ta có trí huệ cao hơn để khảo
nghiệm khi đối diện với nguy nan.
"Trí huệ! Trí huệ!" Chúng ta phải hô to: "Trí
huệ Bát-nhã mới là thế gian chí bảo!".